Tuổi Trẻ Việt Nam Buồn – ” Bùng Vỡ – Thích Nữ Minh Tâm “

tuổi trẻ việt nam buồn

Đã có bao nhiêu thanh niên hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân của họ? Khi một người thanh niên làm điều gì sai trái, ai là người sẽ chịu trách nhiệm ? Trong một xã hội mà đạo đức luân lý trở thành những danh từ cũ rích và trước sự tha hóa trụy lạc của giới thanh thiếu niên hiện nay, thì các Tăng sĩ Phật Giáo đã ứng dụng được gì phần giáo lý thâm diệu của đạo Phật vào đời? Đây là những câu hỏi hóc búa đang cần sự trả lời.

Một vị Sư nổi tiếng, Phra Payon Kallayano, Sư Trưởng của chùa Wat Suan Krew ở Northaburi (Thái Lan) đã nói trong dịp lễ Thanh Thiếu Niên Quốc Tế tổ chức tại trường Đại học Ramkhamhaeng rằng:

” Trong giai đoạn hiện nay, nhiều tờ báo đã nêu lên một vấn đề quan trọng là sự thoái hóa đạo đức của tầng lớp thanh thiếu niên, sự ăn chơi trụy lạc như hút các chất ma túy, đam mê nhục dục và bỏ bê việc học .

Đối với các em, đạo đức là một đề tài xa lạ và các em cho rằng xã hội đã ruồng bỏ mình và tự nghĩ rằng mình đã trở thành vô dụng thừa thãi.

Thế kỷ 20 trở đi là thế kỷ của bạo lực và con người đang sống trong sự bùng nổ của bạo lực đó; nhưng vấn đề ở đây không phải là ngồi khoanh tay tiêu cực nhìn sự xuống dốc thê thảm đó của nhân loại mà chính là truy cứu nguyên nhân và tìm phương pháp giải quyết hành động .

Theo thiển ý cá nhân, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa đạo đức đó của thanh thiếu niên chính là sự đánh mất niềm tin nơi chính mình và mọi người. Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, các em đã bị nhồi nhét rất nhiều danh từ. Trước hết là danh từ ” Xã Hội “.

Người lớn dạy các em phải phụng sự xã hội, phải làm tròn bổn phận đối với xã hội, phải hiến dâng tâm linh, tâm hồn, thông minh, thiện chí, v.v. cho xã hội, phải phải . . với xã hội. Hàng lô bổn phận, hàng chục trách nhiệm người ta đòi hỏi các thanh thiếu niên phải làm, phải hy sinh quá nhiều; nhưng đằng sau tấm mặt nạ đạo đức kia, đằng sau cái ghế uy quyền kia, họ là ai, họ làm gì? Thứ đến, đứng bên cạnh danh từ Xã Hội là danh từ Tiền.

Người ta thờ lạy đồng tiền, sùng kính đồng tiền hơn cả Phật, hơn cả Chúa. Bước ra đường phố, đảo mắt nhìn chung quanh, chúng ta đều thấy mọi người bước đi hấp tấp vội vã, mắt thường liếc nhìn đồng hồ; họ bước chạy làm sao cho kịp chuyến xe đến sở làm, vẻ mặt hốc hác không kịp thở.

Tất cả mọi người đều chạy theo tiền; họ chạy từ sáng đến tối; họ chạy mãi mà đuổi cũng không kịp; sau cùng gần hấp hối, họ mới biết rằng mình đang đuổi theo cái Chết. Tiền đưa đến Chết. Chỉ có người lớn mới mê tiền. Còn tuổi trẻ, tuổi trẻ chỉ cần Tình Thương, một tình thương chân thật; nhưng Thiên Đường Tình Thương cũng dần mất hút.

Do đó, khi lớn lên, khám phá ra bộ mặt thật phũ phàng của xã hội, của con người, những người trẻ tuổi kia đã chán nản tột độ, dã phẫn nộ cuồng loạn, đã gào thét đập phá, và đã tự hủy hoại bản thân mình vì họ không còn tin tưởng nơi bất cứ ai, bất cứ một cái gì trên cuộc đời này nữa.

Tìm khoái lạc nơi ma túy, nhục dục, thanh thiếu niên đã buông thả tương lai; đã lãng quên hiện tại, để rồi tự đánh lừa mình bằng ảo giác đi tìm thiên đường nơi trần thế. Họ thật đáng thương vì họ đã đánh mất mình. Họ như những con thú hoang lạc bầy đang khóc rống lên những tiếng kêu bi thống. Hãy nghe Nguyên Sa khóc dùm họ qua bài thơ:

Bây Giờ

Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt

Dăm bẩy nụ cười không đủ xóa ưu tư

Tay quờ quạng, cầm tay vài tiếng hát

Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa.

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực

Phải vác theo trăm tuổi đường dài

Nên có gởi cho ai vài giọng nói

Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi.

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc

Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao

Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét

Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào.

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất

Chúng tôi cầm rơi mất một mùa Xuân

Có cất tiếng đòi to, tiếng đòi rơi rụng

Những âm thanh, thành sẹo cả tâm hồn.

Chúng tôi trót ngẩng đầu nhìn trước mặt

Trán mênh mông va chạm cửa chân trời

Ngoảnh mặt lại, đột nhiên Thơ mầu nhiệm

Tiếng hát buồn, đè nặng xuống hai vai . . .

Chính tôi, trước kia khi chưa tìm thấy sự an ổn tâm hồn nơi cửa Phật, cũng đã từng khắc khoải, ưu tư, bất mãn cuộc sống vô nghĩa phi lý này. Tất cả đối với tôi chỉ là một lớp vỏ ngụy trang, những tờ nhãn hiệu đạo đức luân lý. Tôi cũng đã sống bất cần tương lai, bất cần tình thương; và đối với tôi, Chết là một giải pháp, là một sự lựa chọn thích đáng.

Nhưng giữa cơn cuồng loạn hấp hối đó, tôi đã gặp Đạo Phật, đã đến với Đạo Phật bằng trái tim rỉ máu, và đã uống những lời Kinh thật mát ngọt hầu xoa dịu tâm hồn khát bỏng của tôi. Từ đó, trong ánh sáng nhiệm mầu của Đạo Phật, tôi đã tìm lại được tôi; tôi đã tìm lại được chính mình.

Vì thế, tôi luôn luôn xót xa đau đớn trước sự thác loạn của tuổi trẻ ngày nay, đã ước mơ mình phải làm gì để cứu vớt những tâm hồn bé bỏng dại khờ kia, phải giúp các em đứng vững và sống trung thực, sống đúng, sống hữu ích cho mình và cho muôn loại .

Đạo Phật có một nguồn sinh lực rất dồi dào; đó là nguồn sinh lực của Chánh Pháp. Khởi nguyên của nguồn sinh lực ấy chính là Đức Phật. Nguồn sinh lực ấy không phải là toàn bộ hệ thống giáo lý nằm trong Tam Tạng Kinh Điển sơn son thếp vàng; mà chính là sự thể hiện của Chánh Pháp trong đời sống nhân loại.

Bản thân cuộc đời Đức Phật là một bài học đạo đức luân lý giáo dục một cách rõ ràng nhất, cụ thể nhất và cũng chứng tỏ rằng giáo lý của Ngài là giáo lý thực hành; không có lý thuyết suông. Vì thế, các Tăng sĩ Phật giáo phải triệt để thực thi tông chỉ ” Đạo Phật đi vào cuộc đời ” bằng chính bản thân mình, bằng tình thương vô ngã vị tha của mình.

Trong rất nhiều trường hợp, các thanh thiếu niên trở thành du đãng phạm pháp là vì chán nản, thiếu lý tưởng, thiếu niềm tin; họ không còn thấy được một cái gì hay, đẹp để tôn thờ, phụng sự. Do đó, các Tăng sĩ Phật giáo cần phải chứng minh và khai thị cho người thanh niên thời đại thấy rằng Lý Tưởng Đồng Sự và Lợi Hành của đạo Phật là một lý tưởng cao qúi, toàn thiện và nhân bản .

Đạo Phật không phải chỉ là một tín ngưỡng. Tín ngưỡng chỉ là một phương tiện của Đạo Phật. Đạo Phật là một lý tưởng phụng sự căn cứ trên trí tuệ phá chấp và trên tình thương lợi hành. Chúng ta làm sao có thể ngồi yên khi chung quanh chúng ta còn quá nhiều đau khổ, hận thù, tham vọng và bất công!

Chính chúng ta, những người con Phật, phải cụ thể hóa lời dạy của Cha mình chứ không phải chỉ dùng ba tấc lưỡi thuyết pháp rỗng tuếch. Trốn vào rừng sâu hay thu mình trong bốn bức tường tự viện cũng không thể thoát được tiếng kêu than của đồng loại và chúng sanh.

Tốt hơn hết là chúng ta cứ an nhiên tự tại thỏng tay vào chợ, bước thẳngvào cuộc đời và tùy sức hành xử theo chánh pháp. ” Phật pháp bất ly thế gian giác “, ngoài thế giới Sa Bà này, chúng ta tìm đâu ra Tịnh Độ?

Giang sơn còn nặng gánh tình

Trời chưa cho nghỉ, thì mình cứ đi .

Bao giờ Trời bảo thôi đi ,

Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi .

Tản Đà

 

Xem thêm:

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9

Phần 10

Phần 11

Phần 12

Phần 13

Phần 14

Phần 15

Phần 16

Phần 17

Phần 18