Đoạn Buồn Tùy Bút – ” Bùng Vỡ – Thích Nữ Minh Tâm “

Đoạn Buồn Tùy Bút

(trích tùy bút của Bạch Vân)

Giọt đắng cà phê cuối cùng đã cạn . Điếu thuốc cháy dở dang nằm hờ hững trên cái gạt tàn cũ kỹ. Căn phòng thật lạnh lùng với bốn bức tường xám xịt trơ trẽn với thời gian, không khí ẩm thấp ngột ngạt khó chịu . . .

Buổi trưa mùa hè ở thành phố này thật tẻ ngắt, không một bóng người qua lại – hoang vắng như sự trống vắng tột cùng trong tôi. Đã bao năm qua, nỗi cô đơn xót xa cùng niềm tuyệt vọng vẫn phủ kín dâng tràn cả tâm hồn tôi.

Thực thống khổ xiết bao kiếp nhân sinh đầy phi lý vô nghĩa này! Không lẽ ngoài danh vọng, tiền tài, địa vị, ngoài những thú vui dục lạc tầm thường, con người không có gì để vươn tới, để mơ ước, mong mỏi sao? Không lẽ con người sanh ra chỉ để chiụ đựng đau khổ và cuối cùng chấp nhận cái chết? Không lẽ kiếp người phải kết thúc một cách âm thầm và buồn cười vậy sao?

Qủa thực tấn bi hài kịch nhân sinh đó qúa phũ phàng mai mỉa, nhưng chính nó đã và đang xẩy ra, tiếp diễn trước mắt tôi mà có đôi lúc, đắm mình trong vay mượn giả tạm tình hờ, tôi những tưởng đã thoát ly được sự vây hãm khốc liệt của ngục tù tư tưởng và nhận thức.

Để rồi, cô đơn và cô đơn, tôi vẫn chỉ là kẻ lữ hành mệt mỏi, đếm từng bước chân hoang gõ nhịp sầu trên hè phố vắng hay rong ruỗi dõi mắt tìm một giọt chân tình trong sa mạc mênh mông. Trên vai, chiếc áo phủ đầy những rong rêu buị bặm, những thứ tàn dư của cuộc đời, tôi không thể nghĩ tưởng nổi một thế gian mà trong đó con người và con người không còn một chút tin tưởng nhau, không còn một chút tình cho nhau?

Thực tế tàn nhẫn đó đã bóp chết niềm tin và hy vọng trong tôi, để rồi như con thú hoang lạc bầy, tôi rống lên những tiếng khóc đầy bi thống tuyệt vọng.

“Ta là aỉ ? Là con người này, là giọt nước, là chiếc lá vừa lìa cành, là tia nắng ấm ban mai, là cơn gió buốt lạnh buổi chiều đông hay là gỗ đá đang trơ gan cùng tuế nguyệt… Tất cả đều trở nên rỗng tuếch với những màu sắc thực kinh hồn làm ta quên mất đi cái gọi là con người thật của chính mình.

Tất cả đều vô vị, chán chường, tuyệt vọng. Trong ta, giờ chỉ còn là trống vắng, trống vắng và vô vọng đến độ chính ta cũng không hiểu nổi nữa. Ta muốn thoát ly hết tất cả, thoát khỏi những gì mà từ trước tới nay ta kính ngưỡng tôn thờ hay ấp ôm hy vọng. Những thứ đã từng làm cho ta sung mãn bao nhiêu thì giờ đây chính nó là trận cuồng phong cuốn hắt ta rơi vào vực thẳm khổ đau không đáy.

Jean Paul Sartre đã “buồn nôn”, Albert Camus đã tự biến mình thành “kẻ xa lạ” ngay trên quê hương mình, Nietzsche hóa điên cuồng, và Ernest Hemingway cưu mang hậu quả tàn khốc về sợ hãi, xao xuyến và hư vô. Hemingway đã nguyện cầu: ” Lạy nada (hư vô) của chúng con, ở trên nada, nguyện danh nada cả nada, nước nada trị đến, xin dâng nada trên nada bằng nada vậy. Xin nada cho chúng con hằng ngày nada và nada chúng con như chúng con nada, nhưng nada của chúng con, lạy cho nada trong nada và chữa khỏi chúng con cho khỏi nada, nada y pues nada y nada y pues nada ”

“Kính mừng hư vô, đầy hư vô, hư vô ở cùng người . . .” (Phạm công Thiện .

Kinh “Lạy Cha” và Kinh “Kính Mừng Maria” đã trở thành Kinh cầu nguyện hư vô, và từng lời rên rỉ cầu nguyện của Hemingway đã theo ta như chất keo dính bám, không bóc tuột ra được.

Kinh khủng qúa! Kinh khủng qúa! Chúa ở đâu? Sao không đến cứu con? Xin lỗi Chúa, con không nên kêu réo Chúa như vậy; vì Chúa cũng đã chịu đóng đinh trên thập tự gía rồi còn gì? Chúa đã đầu hàng trước tánh cố chấp phi nhân bản của loài người.

Chúa đã chịu thua sự ngu xuẩn của loài động vật cao cấp này. Chúa đã chấp nhận số mệnh của mình, và ngước mắt nhìn lên trời cao, khi dòng sống đang từ từ lụn tắt, Chúa phải chăng đã kêu gào oán trách :” Lạy Cha ở trên trời, Cha đành bỏ con sao ? ”

Tôi vẫn luôn xót xa rung động khi quì dưới chân tượng Chúa bị đóng đinh. Đôi mắt Ngài thống trách bi thương, từng thớ thịt trên nét mặt và thân xác gồng cứng lên chịu đựng đau đớn, dòng máu đỏ chảy tuôn dài pha giọt lệ – nhưng tuyệt nhiên không hằn sâu một nét oán giận căm hờn nào đối với sự dã man của con người.

Chỉ có một nét buồn hoang vắng! Phải, chỉ có một nét buồn, buồn và thương. Buồn vì con người không chịu thức tỉnh, thương vì chúng sanh cứ mãi đắm chìm trong dục vọng cuồng si. Chúa chết đi; Chúa không ân hận – nhưng Chúa biết cái chết của Chúa cũng vẫn chưa giải quyết được những bất công phi lý của xã hội.

Con người là loài động vật cao cấp nhất, tối linh nhất. Qua dòng biến chuyển phát triển từ con người tiền sử đến nay, con người đã tiến một bước rất dài về cả hai phương diện vật chất và tâm lý. Song, dù thể chất và tri thức có thể nói đã đạt đến mức độ gần như toàn hảo, bản năng động vật vẫn còn tiềm ẩn trong con người nên họ đã không ngần ngại tàn sát tiêu diệt nhau, cốt chỉ để thỏa mãn thú tánh hèn hạ của họ; bằng cớ là những vụ bạo lực, khủng bố, kỳ thị chủng tộc và tôn giáo v.v. đang hoành hành tiếp diễn liên tục trước mắt .

Các nhà lãnh đạo tôn giáo bất lực hay chưa đủ sức cảm hóa những con người cuồng ngông tự đại nàỵ. Vì chính bản thân các nhà lãnh đạo tinh thần còn dung chứa bản ngã, còn phe phái, còn tranh chấp ảnh hưởng cá nhân, còn tạo ra nghi kỵ chia rẽ, thì thử hỏi làm sao họ thuyết phục nổi người khác phải thực hành lời Phật, lời Chúa?

Phật ơi, Chúa ơi, hàng đệ tử tín đồ chúng con biết qui hướng về vị lãnh đạo tinh thần thế gian nào bây giờ khi chẳng có ai qui phục ai, chẳng có một sự đòan kết, thống nhất nào? Ai cũng nói mình đúng; ai cũng nói mình haỵ. Chúng con thực không biết nói sao, ngước nhìn hỏi Phật; Phật chỉ mỉm cười: ” Chúng sanh là thế đấy, con ạ! Hãy quay về nương tựa vào giáo pháp Như Lai. Hãy nương tựa vào chính con. Chính con là hải đảo tự thân !” Quay sang hỏi Chúa, thì Chúa gật gù: “Chỉ có trẻ thơ mới vào được thiên đường!”

Ồ, quả đúng vậy! Tôi đã trực nhận ra rồi. Tự bấy lâu nay, tôi cứ mãi đi tìm một tha lực bên ngoài, mà quên đi bản tánh vốn ngời sáng miên động của chính tôi. Tại sao tôi cần phải nương tựa vào người khác mà không phải chính tôi? Tôi vốn có đầy đủ năng lực, ý chí và hùng tâm để vượt thắng chướng duyên, tiến thẳng vào bảo sở. Tôi phải khai phá tiềm năng của chính tôi; tôi phải “Một nhẩy vượt qua bốn biển lớn; một đòn đấm vỡ núi Tu Di ” ( Hương Hải Thiền Sư ).

Giây phút lắng đọng này, nhìn qua khung cửa sổ, trời trong xanh phát ra những tia nắng vàng rực như sưởi ấm cõi lòng. Một cánh én tung mình vụt bay qua, biến mất . . .

“Én liệng trường không, không dấu tích,

Trăng soi bóng nước, chẳng in hình “

Trong hư không, đâu đây văng vẳng tiếng chuông ngân như thức tỉnh hồn tôi trong cõi mộng.

Niềm Đại Lạc Giải Thoát là nhất như bất diệt.

Mây vằng vặc trong khoảng không vô tận

Gió mùa Thu chợt thổi lá vàng bay …

Trên đỉnh núi, bóng chim bay,

Dưới mặt hồ, cá tung tăng nhẩy.

Lãng Tử

 

Xem thêm:

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9

Phần 10

Phần 11

Phần 12

Phần 13

Phần 14

Phần 15

Phần 16

Phần 17

Phần 18