Phật hành xử thế nào khi bị người khinh chê, xem thường?

phat giao

Thời Phật còn tại thế, Ngài đã bị rất nhiều kẻ ngoại đạo công kích, đàm tiếu, cố ý hạ thấp giá trị giáo pháp Ngài phát minh và đề xướng ra để tiêu diệt đạo Phật – và Phật đã hành xử thế nào khi gặp những trường hợp tổn thương tinh thần như vậy?

Trong kinh điển nhà Phật có thuật lại rằng: “Ngày kia, có một Bà La Môn thỉnh Đức Phật đến nhà để thụ trai cúng dường – nhưng thực tâm người này không tốt đẹp cung kính như vậy. Vì thế, khi Phật, y theo lời thỉnh cầu, đến nhà thì Bà La Môn này liền mắng vào mặt Phật với những lời lẽ bất kính.

Đức Phật đứng lặng yên, không nói một lời nào. Đến khi hả giận, tên Bà La Môn vênh váo hỏi:

_ “Sao, ông Cồ Đàm, ông nghĩ thế nào, những lời ta nói đều đúng cả chứ?”

Phật không trả lời câu hỏi ấy, Ngài chỉ điềm nhiên hỏi lại:

_” Này Bà La Môn kia, nếu nhà ngươi đem một món quà nào đó tặng cho người, nhưng người không nhận thì ngươi tính sao?”

Tên Bà La Môn đáp ngay: “Thì ta đem về lại chứ sao? ”

_ “Cũng vậy, những gì ngươi tặng cho Ta lúc nãy, Ta không nhận, thì những lời ngươi nói sẽ trở về lại với ngươi; cũng như có kẻ ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt ấy không chạm được tới trời mà trái lại rơi xuống đầy mặt kẻ phun nó.”

Với những lời lẽ ôn tồn thấm thía ấy, Phật đã khiến tên Bà La Môn xấu hổ, cảm kích và quì phục xuống chân Ngài xin sám hối.

Đó chỉ là một trong những phương pháp xử thế thật giản dị nhẹ nhàng của Phật để cảm hóa những kẻ ngoại đạo, và Ngài đã thành công tột bực trong cách giáo hóa độ nhân; tuy nhiên đối phó với những người không thân hay đối nghịch chúng ta dù sao cũng còn dễ cư xử

Phật dạy thêm rằng cư xử hay ứng phó nghịch cảnh với chính những người thân yêu nhất, tin tưởng nhất của chúng ta mới thật là vấn đề.

Quả đúng vậy, thông thường chúng ta không còn quan tâm mấy nữa đến những cảm xúc, ý kiến hay tư tưởng của những người thân yêu nhất của chúng ta, vì chúng ta thường quan niệm rằng “biết nhau quá rồi còn gì; thân nhau quá rồi còn gì, hiểu nhau quá rồi còn gì v.v.”; nhưng thực ra, các bạn của tôi ơi, chúng ta chưa chắc đã thấu hiểu hết và rõ ràng những cảm xúc của người thân dù họ đang sống bên cạnh chúng ta.

Con người tầm thường có một tánh xấu khó diệt trừ là “có mới thì nới cũ”; khi nắm chắc được một vật gì đó trong tay rồi, dù vật đó có qúi giá như kim cương vàng ngọc đi chăng nữa, thì tâm lý kẻ sở hữu đó, một thời gian sau ngắm nghía mãi rồi cũng chán lại háo hức đi săn lùng một báu vật khác; ngay cả một giai nhân tuyệt thế, chỉ qua ngày hôm sau là đã phai bớt đi vẻ diễm lệ của mình trong mắt tình nhân; huống chi chúng ta lại hằng ngày đối diện và trao đổi với những người qúa thân như chồng vợ, con cái, bạn bè v.v. , phải không?

Những người này là sở hữu của chúng ta rồi, không cần phải với tay ra là đã hiện diện nên chúng ta quá quen mặt đến độ nhàm chán, khinh thường, không cần tìm hiểu quan tâm đến họ nữa, và có khi vì vô tình hay cố ý, chúng ta đã nói, đã hành động, đã cư xử thiếu ý thức, kém tế nhị hiểu biết, có khi tàn nhẫn, phũ phàng khiến người thân chúng ta đau đớn, tủi hổ vì cảm thấy bị va chạm nặng nề hay bị sỉ nhục, tổn thương danh dự, tự ái.

Tư tưởng đó thực qúa khinh suất, nông cạn, lệch lạc và nguy hiểm đến độ chúng ta sẽ tự mình đánh mất đi hạnh phúc thực sự đang nắm trong tay.

Trong Kinh Bổn Sanh Bổn Sự 83, Đức Phật dạy:

“Một người bạn, khi cần thiết để giúp đỡ ta, chỉ bước bảy bước là có mặt.

Một người đồng lý tưởng thì bước mười hai bước để đưa tay ra nắm lấy chúng ta.

Một người sát cánh với chúng ta suốt hàng tuần, hàng tháng là ruột thịt.

Còn người nào bước sánh cùng chúng ta lâu hơn nữa thì đã hoà lẫn vào chúng ta.

Nói như thế, Đức Phật ngụ ý rằng chúng ta nên cẩn trọng khi giao tiếp với mọi người chung quanh chúng ta, đừng khinh thường xem nhẹ một ai, và nhất là đừng bao giờ lãng quên bỏ rơi người đang có mặt cạnh chúng ta, người đã từng chia vui xẻ buồn, giúp chúng ta khi hoạn nạn ốm đau hay đã từng đi cùng chúng ta một đoạn đường đời nhiều gập ghềnh trắc trở.

Chúng ta nên chú ý lời ăn tiếng nói, hành động, thái độ của chúng ta để không làm người thân hay bạn của chúng ta cảm thấy đau lòng, tủi hổ hay uất hận. Đừng bao giờ nghĩ rằng là đã quá thân thì không cần gì phải cẩn trọng; theo cá nhân tôi, càng thân bao nhiêu thì chúng ta cãng nâng niu gìn giữ bấy nhiêu để ôm trọn và hưởng tận Chân Tình người đã dành cho chúng ta, để không bao giờ chúng ta phải ân hận tiếc nuối là đã có lần chúng ta vuột mất đi hạnh phúc.

Tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện của riêng tôi, đã lâu lắm rồi, nhưng cho đến giờ nhắc lại, tôi vẫn cảm thấy buồn và đau dù đã biết tất cả đều vô thường, nhân quả.

“Ngày xưa, tôi có một người rất thân, thân đến độ chuyện to chuyện nhỏ gì tôi đều muốn kể cho bạn mình nghe, người ấy có vui buồn gì tôi đều muốn chia xẻ, người ấy cần gì, tôi đều cố gắng giúp đỡ dù khả năng tôi rất hạn hẹp; tóm lại tôi vui khi bạn tôi cười, tôi khổ khi bạn tôi buồn.

Tôi trân trọng, gìn giữ và bảo vệ tình bạn của chúng tôi tận cùng, tôi chịu đựng những cơn buồn vui bất chợt của bạn và hy vọng tình cảm chân thật của tôi sẽ giúp bạn đứng vững trên đường đời hơn, khiến bạn hiểu rõ tôi hơn. Tuy nhiên, điều đó không biến thành sự thật mà trái lại, bạn tôi, không hiểu vì sao, đã tàn nhẫn cắt đứt tình bạn lâu năm đó thật vô lý và phũ phàng, kém tế nhị.

Thực sự, cảm giác của tôi lúc đó, không trách không giận hờn gì, tôi chỉ cảm thấy một nỗi đau, thật đau, một nỗi buồn, thật buồn trào dâng xâm chiếm tâm hồn tôi và nỗi đau buồn đó to lớn đến độ nó làm tôi thản nhiên dễ sợ; hình như sự tổn thương tinh thần đó làm tê liệt cảm giác của tôi và tôi chợt bình thản lạ kỳ.

Tôi không tìm hiểu lý do và cũng không cần tìm hiểu để làm gì; cho đến bây giờ, tôi cũng chẳng hiểu vì sao; nhưng có một điều tôi học được trong sự đỗ vỡ đó là “thái độ và tư cách” của con người khi giao tiếp với nhau, làm thế nào để nuôi dưỡng tình cảm lâu bền hơn, để tránh làm tổn thương danh dự, tự ái và tình cảm của người hơn, và để cảm nhận hạnh phúc thực sự là “— Đây, Ngay Giờ Phút Này”.

Tôi nhớ trong một cuốn băng giảng, Thầy Nhất Hạnh có nói thế này: ” Chúng ta thương một đứa bé ngoan ngoãn, dễ thương là một chuyện quá dễ; chúng ta thương được một đứa bé hư hỏng, xấu nết, khó dạy hay không mới là khó.”

Tôi còn thêm rằng “chúng ta tha thứ cho kẻ nghịch chúng ta là một điều có thể dễ làm, nhưng có quên được sự va chạm tổn thương danh dự và tình cảm do chính người thân yêu tin tưởng nhất gây ra cho chúng ta thì quả là thật khó.”

Tóm lại, trong khoảng mấy mươi năm sống giữa cuộc đời này, không ai trong chúng ta là không tránh khỏi lỗi lầm, mỗi một thất bại là một kinh nghiệm; song, chúng ta phải cố gắng tu tập theo lời Phật dạy “tỉnh thức trong từng phút giây để cư xử, hành động đúng đắn; đem thương yêu chân thật đến với tất cả chúng sanh để cùng chung sống hoà bình an lạc; quán chiếu định luật Vô Thường và Nhân Quả để diệt trừ bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; và triệt để thẩm thấu Niết Bàn Đại Lạc Hiện Tại.”

Chúng ta sẽ hành xử như Phật đã hành xử khi bị người khi dễ, xem thường là dùng Nhẫn Nhục, Đức Độ và Trí Tuệ để cảm hóa người và đó cũng là ba món thuốc giải độc để giải trừ chuyển hóa độc tố Tự Ngã của chúng ta để hiểu nhau hơn, thông cảm nhau hơn, thương yêu nhau hơn, cẩn trọng nhau hơn và nhất là “đừng bao giờ phải thốt lên lời hối hận “. Thế thôi!

“Không có gì qúi hơn Giải Thoát và Giác Ngộ. ”

 

Xem thêm:

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9

Phần 10

Phần 11

Phần 12

Phần 13

Phần 14

Phần 15

Phần 16

Phần 17

Phần 18