Tâm Bình, Thế Giới Bình – Vũ Hoàng Chương

tâm bình thế giới bình

Khi tôi viết những dòng chữ này (chiều ngày 11/9/01), lửa khói tại World Trade Center (New York) và Pentagon (Washington D.C.) vẫn còn bốc cao ngọn nghi ngút.

Hàng ngàn người đang ngắc ngoải trút hơi tàn dưới núi gạch vụn đổ nát, hàng trăm người đang vật lộn với Tử Thần tại các bệnh viện, và hàng bao nhiêu người đang ra công đào bới suốt ngày đêm hy vọng, dù rất mong manh, tìm được một ngón tay còn ấm sức sống.

Chỉ trong một tấc thời gian không nguội một tách trà thôi, một con số tử vong vượt kỷ lục, không thể tưởng tượng nổi. Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi, những công trình kiến trúc và nghệ thuật của con người tan tành thành cát bụi. Chỉ một khoảnh khắc thời gian thôi, cha mẹ đau xót mất con, vợ chồng uất nghẹn xa lìa, con cái khóc đòi bồng ẵm, anh chị em rơi lệ tiễn đưa nhau.

Chỉ một ngày thôi, máu và nước mắt nhuộm đỏ tang thương một góc trời xứ Mỹ. Không phải chỉ riêng dân tộc Hoa Kỳ mà tất cả những con người còn mang tính chất loài người đều kinh hoàng khi chứng kiến cảnh những chiếc máy bay điên cuồng đâm thẳng vào các toà cao ốc đông đúc dân chúng. Cả thế giới rúng động, bàng hoàng sửng sốt quay về Mỹ quốc.

Con người không lẽ mất nhân tánh đến mức cùng cực vậy sao? Con người không lẽ lại thú vật hơn cả thú vật sao? Tôi ghê sợ, tôi ghê tởm khi thấy có một đám người vỗ tay reo hò ăn mừng trên xác chết những người dân vô tội.

Chắc chắn không riêng gì tôi, dân tộc Việt Nam tôi, mà có thể nói toàn nhân loại còn lương tri và lương tâm, không bao giờ cổ võ chiến tranh, dù cuộc chiến đó có mang một nhãn hiệu tranh đấu cho Hoà Bình Hạnh Phúc gì gì đi nữa; vì chiến tranh đồng nghĩa với Hủy Diệt, với Đau Khổ, với Hận Thù, với Chia Ly Chết Chóc . . . nhưng chắc chắn sớm hay muộn gì chúng ta ắt phải đối diện với cái chết, phải giáp mặt với cuộc chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ khốc liệt đưa toàn thể chúng sanh đến chỗ tự hủy diệt.

Đức Phật đã dạy: ” Hận thù không bao giờ xóa bỏ bởi hận thù. Chỉ có Tình Thương mới xóa bỏ được hận thù.” Nhưng với hậu quả thê thảm ngày 11 tháng 9 năm 2001 này, liệu người ta có dễ dàng tha thứ cho nhau?

Đã hơn 50 năm qua, hình ảnh hàng triệu dân Do Thái chết thảm trong những lò sát sinh của bọn Đức Quốc Xã trong trận Đệ Nhị Thế Chiến đến nay vẫn còn hằn dấu ấn, vẫn còn là đề tài khai thác của phim ảnh, văn học, vẫn còn là bản án đè nặng lương tâm nhân loại; dư âm cuộc nội chiến Việt Nam với đợt tổng tấn công miền Nam Việt Nam, với những cuộc di tản khổng lồ vẫn còn nóng hổi chưa tàn; thì cảnh tượng những chiếc máy bay do bọn khủng bố đê hèn cướp lái đâm thẳng vào World Trade Center và Pentagon cũng khó lòng xóa sạch được.

Là người con Phật, tôi nhận thức thật rõ ràng định luật Vô Thường và Oan Oan Tương Báo đang tác động trên vạn vật vũ trụ và con người. Chắc chắn bọn khủng bố ngu xuẩn, cuồng tín, dã man theo chân tên khát máu Osama Bin Laden sẽ bị Hoa Kỳ và khối Đồng Minh trừng phạt đích đáng; vì chúng gieo nhân thì phải gặt quả báo thôi; nhưng suy cho cùng thì chỉ có những dân đen vô tội là kẻ hứng chịu đau khổ nhiều nhứt.

Tôi thương tất cả chúng sanh, không riêng một dân tộc nào; vì con người đều là máu đỏ, nước mắt mặn cả, y như Đức Phật đã dạy: “Nước mắt chúng sanh chảy ra vì đau khổ còn nhiều hơn nước của bốn biển “. Nghiệp Lực chi phối mãnh liệt chúng ta khiến chúng ta cứ xoay quanh luân hồi trong ân ân, oán oán mãi không dứt.

Người xưa có nói: “Đức năng thắng số “. Nếu chúng ta có tu tập giáo pháp của Phật, có thiết tạo nhiều phuớc điền thì chắc chắn chúng ta sẽ chuyển hóa được sức hút của Nghiệp Lực. Chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng tại sao hàng ngàn người bị chôn sống dưới đống gạch vụn lại có người thóat hiểm sống sót?

Tại sao ba người đi chung xe trên một con đường, bị tai nạn giao thông, có người chết tại chỗ, có người chỉ bị sơ sài mà thôi? Các nhà khoa học giải thích thế nào, các nhà phân tâm học giải thích thế nào, các chính trị gia, các triết gia v.v. giải thích thế nào về hiện tượng lạ kỳ đó?

Không một triết thuyết hay một lập luận nào có thể đứng vững và chính xác bằng Thuyết Nghiệp Báo và Nhân Quả cả. Do đó, chúng ta phải cố gắng hết sức tu tạo công đức để có thể chuyển hóa nghiệp quả của chính mình ngay trong đời hiện tại càng nhiều càng tốt, để sống an lạc thì chết cũng được an lạc.

“Tâm bình, Thế Giới bình, chúng sanh đại lạc”, một khi tâm hồn chúng ta an ổn, thanh tịnh thì nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, thái độ, nụ cười v.v. của chúng ta sẽ đượm nhuần sự từ hoà, ưu ái, vui vẻ đến với tất cả những người chung quanh chúng ta, tạo ra một luồng ảnh hưởng thoải mái, buông xả không ít.

Theo tôi, chúng ta cứ tập suy nghĩ thế này thì sẽ bình an, tự tại rất nhiều, và ngay cả chính tôi cũng đã và đang cố gắng tu tập như vậy để có thể tồn tại, để có thể vượt qua những đảo điên của đời sống thực tế, và cũng để thăng bằng lại chính mình. Tôi luôn quán tưởng:

“Nếu chỉ trong một giây đồng hồ sau thôi, tôi chết đi, thì bây giờ tôi sẽ làm gì? ” Nếu nghĩ rằng hôm nay, giờ phút này là giờ phút cuối cùng của đời mình, thì chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm, thương yêu, tha thứ cho mọi người hơn, muốn giúp đỡ tất cả mọi người hơn, và cũng dễ dàng xả bỏ, không tham lam, sân hận, ích kỷ nữa.

Và nếu lỡ một tháng sau, một năm sau, chúng ta cũng chưa chết thì chúng ta cũng đã lợi lạc rất nhiều, cũng đã hạnh phúc rất nhiều rồi còn gì, phải không?

Lẽ dĩ nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng nếu nói được có nghĩa là ít nhất ra chúng ta cũng đã suy tư, đã tham cứu vấn đề rồi; và từ mạng lưới tư duy, chúng ta sẽ bắt đầu bước qua hành động.

Tôi vẫn còn là một con người trần tục với trọn vẹn ý nghĩa của nó; tôi cũng cười khi tôi vui và tôi khóc khi tôi buồn; nhưng may mắn thay, qua những năm tháng tu trì giáo pháp nhà Phật, tôi đã có thể cười khi tôi đau khổ nhứt; tôi có đủ can đảm cười khi đối diện với đau khổ của riêng tôi; vì tôi luôn suy nghĩ rằng nỗi đau của tôi quả thật quá nhỏ bé so với nỗi đau của nhân loại; trong biển Khổ mênh mông vô cùng tận đó, tôi chỉ là con số Không to tướng.

Vì thế, đề mục “Quán tưởng Sự Chết ” là một công án, theo tôi, rất ư là thực tiễn và hữu hiệu nhất cho tất cả mọi người. Bản năng sinh tồn của chúng sanh rất mạnh, luôn ham sống sợ chết và luôn bám viú, ôm giữ; do đó nếu chúng ta muốn chiến thắng cái sợ, muốn chuyển hóa bản ngã, thì từ bây giờ, chúng ta phải cần và nên làm bạn với cái Chết, và phải là bạn tri kỷ lúc nào cũng không rời xa; để khi cái chết thực sự đến thì chúng ta không đến nỗi bàng hoàng kinh khủng.

Có rất nhiều tín đồ Phật tử đã xuống tinh thần tột độ, đã lo sợ, đã hốt hoảng mất thần khi nhìn hai tòa cao ốc ngạo nghễ ở World Trade Center đổ sụm xuống, Pentagon kiên cố như thành đồng xưa kia bốc cháy, khi chứng kiến thảm cảnh những đồng loại tung mình nhẩy xuống từ trăm tầng lầu để rồi cũng chết tan thây . . .

Những hình ảnh khủng khiếp đó thực dễ sợ và bi thảm tột cùng, tôi không bao giờ phủ nhận; tuy nhiên, ở đây tôi muốn hỏi là tại sao chúng ta lại mất tinh thần tột độ vậy? Chúng ta có phải chăng cũng đã là nạn nhân cuộc chiến, hay ít nhất ra cũng đã từng sống trong thảm trạng nội chiến Việt Nam hoặc lây lất tại các trại tập trung cải tạo, vượt biên v.v. nhưng sao chúng ta lại can đảm hơn bây giờ?

Theo tôi nghĩ, chúng ta đã vô tình đánh mất mình trong những tháng năm dài sống ấm êm, sung mãn, hạnh phúc vật chất đầy đủ trong tòa lâu đài văn minh kỹ thuật tột đỉnh của siêu cường quốc Hoa Kỳ. Nay, thấy tận mắt, nghe tận tai sự bất lực của con người trước định luật Vô Thường quá ư thực tiễn và khốc liệt, chúng ta bị rúng động hốt hoảng dưới sức ép của cái “Ta” nhiều tham đắm và chấp thủ.

Chúng ta cứ tưởng rằng Hoa Kỳ là bất khả xâm phạm, là số một, là tối thượng; thì bây giờ chính là lúc chúng ta cần phải chiêm nghiệm lại và thực hành rốt ráo lời Phật dạy để kịp sống cho đúng, cho đẹp, và hưởng quả Hạnh Phúc thực sự trong khi chờ đợi Tử Thần tới hỏi thăm chúng ta.

Nhớ kỹ là lúc đó, chúng ta phải vui vẻ, bình tĩnh, dắt tay Thần Chết và hỏi thăm: “Đến rồi hả? Tôi sửa soạn từ lâu rồi, chúng ta lên đường là vừa!

Qúi vị đừng cho là tôi nói quá lời hay quá thẳng; vì không cần phải là tiên tri hay chính trị gia tài giỏi gì cả, qua biến cố rùng rợn, dã man và hèn hạ của bọn khủng bố trên đất Mỹ, chúng ta đoan chắc Chiến Tranh Thế Giới sẽ bùng nổ, phải bùng nổ thôi. Các chính trị gia trên thế giới, các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng Thống Bush . . .không phải là nhà đạo đức học, không phải là thánh, thì không thể xử sự như bậc thánh được.

Đừng thắc mắc và cũng đừng đòi hỏi cái không thể có. Điều quan trọng chúng ta cần làm ngay lúc này là chia xẻ với mọi người niềm đau khổ, mất mát bằng lời cầu nguyện, bằng giọt máu hiến tặng, bằng tiền bạc, vật chất, hay góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội càng nhiều càng tốt, mong sao xoa dịu sự đau đớn, thống khổ của chúng sanh được chút nào hay chút nấy.

Tôi cũng luôn suy nghĩ và cố gắng áp dụng lời của Hoà Thượng Thượng Thủ Tổ Đình Từ Quang (Montreal, Canada) đã dạy tôi : ” Đừng quan trọng hoá bất cứ một vấn đề gì cả. Cái gì tới sẽ tới; cái gì không sẽ không. Con phải để tâm con luôn như như bất động, thường nhiên trước sự biến đổi vô thường của vạn vật nhân sinh; có đó rồi mất đó, không có một sự vật gì trường tồn bất biến cả.

Khen chê, vinh nhục, thăng trầm, thành bại, sống chết . . . chỉ là bọt nước, là ráng chiều, là giọt sương, là ánh chớp. Con phải đạp lên sỏi đá chông gai và cất bước thong dong vào vùng Sanh Tử “.

Thực hành được như lời Hoà Thượng nói không phải là chuyện dễ; song tôi cố gắng, cố gắng tới mức tận cùng để có thể:

Trường giang thuyền nhỏ lênh đênh,

Nhịp nhàng chèo lái qua ghềnh thảnh thơi

Nhạn đâu vọng tiếng xa vời,

Gió thu vụt lướt khung trời mười phương.

Hoà Thượng Tâm Châu

và : Xin chắp tay nguyện cầu,

Cho bồ câu trắng hiện,

Đem tin yêu Hoà Bình,

Hạnh Phúc cho chúng sanh.

Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lỡ, nọ sông cát bồi

Lang thang từ độ luân hồi

Vô minh nẻo trứơc xa xôi dặm về

Vũ Hoàng Chương

 

Xem thêm:

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9

Phần 10

Phần 11

Phần 12

Phần 13

Phần 14

Phần 15

Phần 16

Phần 17

Phần 18