Triết gia Krishnamurti có nói: ” Mỗi ngày bạn hãy tìm một nơi yên tĩnh trong mươi phút, tạm quên đi những lo âu của đời sống, buông xả tất cả tinh thần và thể xác, hãy lắng nghe từng hơi thở của mình; hãy khách quan nhìn ngắm mọi vật chung quanh ta mà không suy nghĩ, xét đóan gì hết; hãy hòa mình vào với thiên nhiên, nghĩ đến những điều tốt. . . mỉm cười với cuộc đời . . .
Hãy cố gắng thiền định như vậy mỗi ngày, một thời gian sau bạn sẽ có được sự hiểu biết về chính mình, và sẽ được sự thanh thản tâm hồn.”
Đúng vậy, đời sống ngày nay đã và đang xô xấp chúng ta tới trước. Chúng ta đang vướng mắc vào vòng quay thời gian mà không biết, đang ở trong ảo tưởng mà không hay (Phạm duy Sương). Trước hết là thời gian.
Thời gian buộc chúng ta phải tính tóan sử dụng sao cho bằng hết 24 tiếng đồng hồ. Chưa làm việc này xong đã tính cho bước kế tiếp; dự án này chưa hoàn thành đã lập kế cho phương án sau. Không lúc nào chúng ta rỗng rang tâm trí, thảnh thơi ngắm nhìn mặt trời lặn sau đồi, trăng lên đỉnh núi hay rãi một nắm hạt mè cho bầy chim sẻ đang sà cánh trước mặt . . .
Thiên nhiên đầy nhựa sống tươi thắm đã bị chúng ta hờ hững, người thân đang sống gần chúng ta cũng bị chúng ta quên lãng, chúng ta ăn uống cũng không hưởng được hương vị ngon của thực phẩm, ngay cả khi chúng ta ôm hôn người yêu, đầu óc chúng ta cũng bận rộn lo toan sắp đặt, một nụ cười cho nhau cũng hà tiện .
Tương Lai, hai chữ “Tương Lai ” đã giết chết dòng sống hiện tại đầy hạnh phúc của con người. Chính nền khoa học thực nghiệm, chính nền văn minh kỹ thuật đã vô tình cắt đứt sợi dây liên lạc thân ái giữa người và người, giữa hiện tại và qúa khứ, giữa con người và truyền thống và xô đẩy con người hiện tại vào tương lai, một thứ tương lai mờ mịt, không rõ rệt.
Phải chăng đó là thảm kịch của thế kỷ văn minh vật chất cơ khí ngày nay? Con người đã mất hết cội nguồn, sống vội vã trong những xô đẩy của thời cuộc, của đời thường; lúc nào cũng lo sợ, bất an, và không bao giờ có thể ý thức rõ rệt được ý nghĩa của cuộc sống (Nguyên Phong).
Như vậy, phải sống như thế nào mới là đáng sống? Sống như thế nào mới là một đời sống ý nghĩa trọn vẹn theo ý Phật, ý Chúa ? Sống như thế nào mới gọi là sống đẹp?
Theo Thi sĩ Walt Whitman, ông ta cho sống đẹp là:
Không tranh cãi hoặc không tranh luận
Không bao giờ phàn nàn, càu nhàu về bất cứ cái gì
Không bao giờ nói đến tiền bạc
Không bao giờ to tiếng trong cơn giận
Không bao giờ nổi giận
Không bao giờ tỏ ra sợ hãi
Không bao giờ sợ hãi một cái gì cả.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề mặt, cũng thể hiện chỉ được một phần cái Chân Thiện Mỹ của cuộc sống, chưa đạt được cái cốt lõi của một đời sống đẹp và ý nghĩa.
Người viết xin đưa ra một ý kiến nhỏ của một người bạn, Bạch Vân (đúng hay sai tùy theo quan niệm cá nhân):
” Muốn tìm hiểu và đạt đến một đời sống đẹp, ý nghĩa, trước hết chúng ta phải tự biết mình. Tự biết mình có nghĩa là ý thức được con người mình, ý thức một cách trọn vẹn và sâu thẳm từng đợt sóng tâm linh đang trào dâng trong hồn.
Tự Biết Mình hay Tự Tri là khởi điểm của Minh Trí, là bắt đầu cho một sự thông minh tâm hồn. Tự Tri cũng có nhiều cấp độ, mà cấp độ cao nhất của tự tri là tỏ ngộ tâm thái an nghỉ, một sự an nghỉ trong tâm thái tuyệt vời (Ngày Mai số 288).
Trong chúng ta, rất ít người chịu khó tự đặt cho mình câu hỏi: ” Ta là aỉ? Ta muốn gì? Thực sự ta cần gì? Mục đích đời sống của ta không lẽ chỉ có cơm áo và tình dục? ”
Một khi chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi và tìm được câu trả lời xác đáng, một nhãn quan mới về con người, tâm linh và vũ trụ sẽ mở ra và cõi đời này sẽ không còn đau khổ nữa.
Thiếu tự tri, thiếu sự quán chiếu về nội tâm mình, chúng ta rất khó lòng thoát khỏi những ảo giác, những mê vọng, những ngu xuẩn của một tâm thức điên đảo đưa đến những hành động sai lầm, cuồng loạn.
Hầu hết chúng ta đều tiềm tàng khả năng tự tri này nhưng chúng ta không bao giờ quan tâm đến vì chúng ta mãi vọng tưởng tìm một chân trời hồng xa xôi diệu vợi không tưởng; chúng ta mãi lăng xăng chạy theo những biến động của ngoại giới để rồi chính chúng ta làm tiêu phí đi mất năng lực của tâm trí và làm cùn nhụt nhuệ khí, ý chí của mình – từ đó sẽ gây ra một là khuynh hướng sống tiêu cực bi quan, chán nản cuộc đời, hai là sống buông thả phóng túng cốt thỏa mãn bản năng.
Cả hai khuynh hướng sống đó đều đưa đến hủy diệt, thui chột cuộc đời. Cho nên nếu chúng ta là một con người thông minh, chúng ta sẽ biết buông bỏ những vọng niệm, những tham dục mong cầu quá đáng để trở về với chính mình từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày để được sống an nghỉ tự do.
Hãy tập buông xả !
Hãy tập lắng nghe và theo dõi tiếng nói nội tâm của chính mình!
Hãy tập thiền định!
Chúng ta tập buông xả mọi tham niệm vọng tâm để tránh đi mọi xung đột Tâm – Sinh Lý: không nóng giận, cau có, phiền muộn. Tâm tư luôn bình thản, trầm tĩnh. Đứng trước mọi biến cố, chúng ta không còn run sợ, lo âu, hoảng hốt hay hôn trầm mê muội nữa; vì phương pháp Xả là một phương pháp dinh dưỡng nghỉ ngơi của tâm hồn lẫn thể xác (Ngày Mai số 288).
Chúng ta tập lắng nghe và theo dõi tiếng nói nội tâm của chính mình để chuyể hoá những tạp niệm vọng tưởng trong tâm, và chận đứng sức công phá mãnh liệt của ngoại giới tác động vào tâm thức.
Chúng ta áp dụng những pháp môn tu tập thích hợp vào đời sống thường nhật vì những pháp môn tu trì đó là cách thức chuẩn bị nội tâm đưa đến tư thế chờ đợi giây phút tỉnh thức tỏ ngộ tâm thái tự do an nghỉ.
Qua hệ luận trên, chúng ta thấy nếu không thực hành sự Buông Xả một cách trọn vẹn, chúng ta sẽ không thể khai triển được khả năng Tự Tri, và nếu không hiểu được chính nhu cầu, sở nguyện, tâm linh của mình thì khó lòng đạt được sự an nghỉ hoàn toàn của một tâm thức Tự Do Tuyệt Đối .
Nào bây giờ, chúng ta hãy tập buông lỏng các dây thần kinh não bộ, thư giãn các bắp thịt, mềm người ra để trọng lực toàn thân rơi xuống đúng cái vị trí tự nhiên của nó; hãy lắng nghe tất cả các máy động trong cơ thể, nếu còn dây thần kinh nào, cơ quan nào còn co thắt căng thẳng thì buông lỏng nó ra .
Đặt trọn con người chúng ta trong tư thế tự nhiên và hoàn toàn nghỉ ngơi, an nhàn thoải mái. Hãy lắngnghe và điều chỉnh ngay trong con người chúng ta, buông bỏ luôn cả cái nhăn mặt, nhíu mày. . .(Vũ Bội Quang Khôi). Lẽ dĩ nhiên, buổi đầu thực tập, chúng ta sẽ cảm thấy chật vật khó khăn, nhưng dần dần chúng ta sẽ trả con người mình về được cái trạng thái an nghỉ hoàn toàn như thuở ban sơ của nó và không cần phải điều động tâm thức nữa.
Và từ đó, trong dòng sinh hoạt hằng ngày, trước mọi thách đố ngoại giới, chúng ta luôn tỉnh thức trong tư thế nghỉ ngơi, khi đi đứng nằm ngồi, chúng ta đều trú tâm vào cảnh giới An Lạc Thường Nhiên Tự Tại. Mọi biến động của Tâm và Cảnh từ đây sẽ không còn là những cực hình đau khổ nữa mà sẽ trở thành những thử thách, những cuộc phiêu lưu đầy tính cách khám phá, sáng tạo và xây dựng.
Từ đây, chúng ta sẽ bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật ” Sống Đẹp, Sống Đúng, Sống Ý Nghĩa, Sống thật Nhân Bản Trọn Vẹn và Tự Do ”
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới,
Ngoài trống vắng mà thôi,
Người ơi và người ơi !
Du Tử Lê
Xem thêm: