Kinh Hiền Ngu Quyển 6

Kinh Hiền Ngu Quyển Thứ Sáu

Việt dịch HT Thích Trung Quán

Kinh Hiền Ngu Quyển 6

Mục Lục:

  • 27. Bố thí mắt
  • 28. Năm trăm người mù
  • 29. Phú Na Kỳ
  • 30. Ni Đề

27/ Phẩm thứ hai mươi bảy BỐ THÍ MẮT

Chính tôi được nghe: Một thuở nọ đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đương tuyên diễn Chánh Pháp cho Đại chúng nghe, những người dự thính cũng đông, họ kéo nhau đi toán này toán khác tấp nập.

Lúc đó có một người dòng Bà la môn mù, ngồi bên lề đường, thấy người đi nhộn nhịp hỏi rằng:

– Hôm nay các ông đi đâu đông thế?

Họ đáp rằng:

– Anh không biết hay sao?

– Dạ! Chúng tôi không được biết!

– Ít được gặp Phật ra đời lắm anh ạ, hiện Ngài đương thuyết pháp ở nước ta, chúng tôi đi nghe thuyết pháp đây!

Người này tuy mù nhưng có một đặc tài là hiểu biết tám thứ tiếng, anh ta chỉ nghe lời nói là phân biệt được, kẻ tôn sang, hay người bần tiện. Tám thứ tiếng là:

– Điểu thanh

– Tam xích điểu thanh

– Phá thanh

– Nhạn thanh

– Cổ thanh

– Lôi thanh

– Kim linh thanh

– Phạm thanh

Điểu thanh: là người nói tiếng như chim kêu, người này có tính quên ơn sinh thành dưỡng dục (bất hiếu), tâm địa không có liêm khiết.

Tam xích điểu thanh: người này bẩm tính hung tàn bạo ngược, hay làm hại người thương tổn cho nhân vật, ít có lòng Từ bi hòa thuận.

Phá thanh: tức là người con trai nói tiếng như đàn bà, đàn bà nói tiếng như đàn ông, kẻ này bạc phúc bần cùng hà tiện.

Nhạn thanh: tiếng nói như chim nhạn kêu (ken két) người nay có tính hớt của người làm của mình, ăn cắp lời của người làm lời của mình. Nhưng hay chơi nhiều bạn thân, và hay đón tiếp người xa lạ bốn phương.

Cổ thanh: tiếng nói vang vang như tiếng trống, người này biện luận nhanh chóng, giải thích đạo lý sâu huyền có thể làm quốc sư.

Lôi thanh: tiếng nói ầm ầm như tiếng sấm vang, người này trí tuệ sâu rộng, phân tách được pháp tính giáo hóa cho thiên hạ.

Kim linh thanh: tiếng nói như tiếng chuông, người này giàu có, lắm tiền của vàng bạc.

Phạm thanh: tiếng nói như cõi Trời Phạm thiên, người này phúc đức cao dày, nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia thì thành Phật.

Anh mù nói: – Các ông làm ơn dắt tôi đi với: tôi có thể phân biệt được tám thứ tiếng, nếu thực là Phật tôi nghe tiếng nói, thì tôi biết, vì Phật nói thuộc tiếng Phạm Thiên.

– Phải! Anh có đi tôi vui lòng dắt anh.

Khi tới nơi anh lắng tai nghe Phật thuyết pháp, quả nhiên âm thanh của Ngài như tiếng Phạm. Vui mừng quá!… tự nhiên hai con mắt của anh hết mù, được sáng tỏ như mọi người, nhìn thấy Phật sắc vàng chói lọi, đủ ba mươi hai tướng tốt, và tám mươi vẻ đẹp, một lòng cung kính lễ dưới chân Phật. Khi Ngài thuyết pháp, anh chí tâm nghe nhận, nên phá tan được ác kiến trong hai mươi ức kiếp, chứng quả Tu đà hoàn, đắc tuệ nhãn, cúi đầu bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Không biết được duyên lành gì, con tới đây nhờ sức Từ bi hai mắt được sáng tỏ, đời là vô thường không thể bảo đảm, cúi xin Thế Tôn cho con được nhập đạo tu hành?

Phật nói: – Thiện Lai Tỳ kheo!

Nói dứt lời tóc anh rụng hết, áo mặc trên mình biến thành áo Cà sa, đầy đủ vẻ Sa môn.

Theo Phật tu học không bao lâu, được đắc quả La Hán, cắt đứt đường luân hồi sinh tử, thấy thế đại chúng đều cho làm lạ, tôi từ tòa đứng lên tới trước Phật quỳ thẳng chắp tay bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài xuất thế làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, kẻ mù được sáng tỏ con mắt, ơn ấy vô cùng cao cả. Như người Bà la môn này, trong chốc lát được sáng con mắt thịt, hơn nữa lại được con mắt tuệ, không biết đời trước có duyên gì với Ngài, cúi xin nói cho chúng con được rõ?

Phật nói: – A Nan ông nên biết không những nay ta cho người này được con mắt sáng, đời quá khứ ta đã khoét con mắt của ta cho họ một lần.

Kính lạy Ngài! Việc cho mắt đời quá khứ thế nào, xin nói cho chúng con được biết?

– A Nan! Đời quá khứ cách đây đã lâu lắm, không biết bao nhiêu kiếp A tăng kỳ, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một thành tên là Phú Ca La Bạt, ông vua đó tên là Tu Đề La (Tàu dịch là Khoái Mục). Ông có con mắt sáng trông xa bốn mươi dặm, coi suốt qua tường vách, bởi thế nên đặt tên là Khoái Mục.

Vua Khóai Mục, thống trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám ức tụ lạc, hai muôn Phu nhân thể nữ, một vạn quan đại thần, năm trăm Thái tử. Người thứ nhất tên là Thi La Bạt Đề (Tàu dịch Giới Hiền). Nhà vua Từ bi đạo hạnh đối với dân như cha hiền thương con. Chăm dạy dân tu thiện, vì thế nên trong nước thanh bình không có đao binh biến khởi, mưa hòa gió thuận, được mùa lúa tốt nhân dân an vui sung sướng.

Một hôm nhà vua ngồi trên bảo điện tự nghĩ như vậy:

– Ta được làm nhân chúa, phúc như tứ hải, ra lời nói thiên hạ tùng phúc, như gió thổi lướt ngọn cỏ, đó cũng do phước đã gây từ bao đời trước, nếu đời nay không tạo nhân lành, đời sau lấy gì trông cậy, dĩ nhiên bị đau khổ. Tỷ như kẻ nông phu, mùa xuân mất công cấy lúa, mùa hạ được gặt, hái, thâu hoạch, nếu mùa xuân trễ biếng không làm, dĩ nhiên mùa hạ không có lúa gặt, sự đói thiếu sẽ đưa lại cho họ.

Định xong, hạ lệnh cho bá quan văn võ, mở kho lấy vàng bạc tiền của quần áo, thóc gạo thức ăn dùng, đem ra ngoài thành bố thí cho nhân dân, và sắc lệnh cho tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, mở kho bố thí. Từ đó nhân dân được no nê sung sướng ca tụng ân đức của nhà vua, vang dội khắp thiên hạ.

Bấy giờ có một ông vua nước nhỏ, tên là: Ba La Bà Bạt Di, ông này không tuân theo sắc lệnh của vua Khoái Mục, trị dân có năm điều quá trớn. Tính nết vội vàng ít suy nghĩ, lại hay ham sắc dục, không để ý đến việc nước, không biết thâu dụng những người trung lương hiền sĩ, bắt dân làm nhiều việc vô ích, các nhà thương mại ngoại quốc đến buôn bán, đánh thuế quá nặng, nhân dân oán ghét trong triều lúc đó có một quan tên là Lao Đà Đạt thông minh, thao lược, hiểu biết đạo lý can vua rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Ngài có năm điều không hay, nếu không sửa đổi lại, một ngày gần đây tai họa sẽ tới!

Nhà vua nói: – Những việc gì khanh nói cho ta hay?

1.- Bệ Hạ có tính vội vàng ít suy nghĩ, không lo việc lớn sau sẽ hối.

2.- Ham mê sắc dục, không đoái đến việc nước, để cho những kẻ gian thần làm phi pháp, oan uổng nhân dân, muốn kêu không có chỗ minh xét.

3.- Trong nước có những người trung lương, hiền sĩ không thâu dụng, không biết phòng ngừa việc chưa xảy ra.

4.- Bắt nhân dân cực khổ làm những việc vô ích, oán hận rất nhiều.

5.- Nhà thương mại các nước tới buôn bán, đánh thuế quá nặng! Cho nên các hàng hóa bị ách tắc đắc đỏ. Năm việc này là triệu chứng vong quốc, xin Bệ Hạ ra lệnh đổi ngay để theo chánh sách cũ.

Hiện nay vua Tu Đề La (Khoái Mục) ban ơn cho dân chúng, các nước đều khâm phục, chỉ có nước ta không chịu theo, nên dân chúng oán hận. Xin Bệ Hạ mở kho bố thí cho nhân dân, thì con cháu sẽ được hưởng phúc lâu dài.

Ông nghe xong, thay sắc mặt nổi giận nói:

– Khanh biết trước thế ư? Để thử xem, chúng oán hay tự miệng khanh nói ra, ta quyết định không thay đổi chánh sách.

Lao Đà Đạt thầm nghĩ như vầy:

– Mình thấy nhà vua trị chính không khéo để giới thiệu những người trung thành ra giúp nước, đã không nghe, lại còn phát giận với ta, tất nhiên có nguy hại cho ta. Vậy ta phải lập kế cứu lấy dân.

Lao Đà Đạt bị tiết lộ kế hoạch.

Nhà vua sai quân vây bắt. Lao Đà Đạt cũng biết trước, lên ngựa chạy tẩu thoát, quân sĩ đuổi theo sau, ông quay súng bắn chết mười tám người, còn thì chạy tán loạn.

Sang nước Phú Ca La Bạt vào yết kiến vua Khoái Mục, vua hỏi han vui vẻ, đối đáp sự lý phân minh. Thấy người có tài, nên nhà vua dùng ông làm việc triều chính, dần dần thân cận, ông trình bày sự hành động của Ba La Đà Bạt Di cho vua Khoái Mục nghe.

Khi đó vua Khoái Mục hỏi bá quan rằng:

– Nước vua Ba La Bà Bạt Di có thuộc quyền ta cai trị không?

Bá quan đáp: – Tâu Bệ Hạ! Có, nhưng họ dè chừng làm lơ, ít khi lui tới, và không chịu tuân lệnh của Bệ Hạ!

Lao Đà Đạt nói:

– Tâu Bệ Hạ! Ông đó ngoan cố và mờ ám lắm! Có tính hoang dân vô độ, dân chúng chán ghét, coi như một kẻ thù, xin Bệ Hạ cấp cho binh mã, hạ thần sang tiêu diệt.

Vua Khoái Mục đồng ý cấp binh mã và hạ lệnh cho các nước đem binh đến trợ chiến.

Vua nước bên cạnh thấy thế sang mách. Vua Ba La Bà Bạt Di chạy trốn, ra đi mặc một cái áo rách, lẩn thân nơi kín đáo.

Quan phụ tướng tìm hỏi:

– Bệ Hạ lo gì xin cho biết?

– Khanh không biết sao! Trước đây Lao Đà Đạt trốn sang nước Phú Ca La Bạt, hắn mưu với vua Khoái Mục sắc lệnh cho tám vạn bốn ngàn nước đem đại hùng binh tiêu diệt nước ta, và bắt ta đó.

Đại Thần thưa: – Xin Bệ Hạ hãy yên trí, để tập họp bá quan bàn tính, và cũng không lo, Hạ thần đã có biện pháp.

Nhà vua nghe theo phụ tướng, trở về bảo điện triệu tập quần thần văn võ đông đủ nói:

– Bá quan nên biết! Nước nhà nguy ngập đến nơi, vua Khoái Mục sắp đem quân sang đánh, bá quan làm thế nào kháng cự nổi?

Khi đó mỗi ông bàn một cách, đều vô hiệu quả. Ông phụ tướng này đứng lên nói rằng:

– Tôi nghe vua Khoái Mục tự thề rằng: chỉ trừ cha mẹ không bố thí, còn thân mình cho đến quốc thành thê tử ngoại vật, ai xin gì cũng cho. Nước ta có một người Bà la môn mù bây giờ sai họ đến xin mắt, nếu được ta không cần phải đánh, họ cũng tự rút lui.

Lập tức cho kêu người Bà la môn đến.

Quan phụ tướng nói: – Nước ta sắp bị giặc đến xâm chiếm, mong người giúp cho một việc.

– Kính thưa phụ tướng! Tôi hèn đớn mù lòa thế này thì làm gì được mà phụ tướng nói giúp nước.

– Anh hãy nghe tôi nói: Bây giờ vua Khoái Mục nay mai sẽ đem quân đến đây đánh nước ta, chúng tôi khỏe mạnh và có con mắt sáng, còn có thể chạy được, anh mù lòa như vậy thì chạy sao? Tất nhiên bị nó giết. Tôi biết vua Khoái Mục có nguyện rằng: ai xin gì cũng cho, chỉ trừ cha mẹ là không cho thôi, bây giờ anh đến xin mắt, quyết thế nào cũng được, nếu anh xin được, thì không đánh họ cũng phải rút quân, vì thế mà vua kiếm anh đến đây để nhờ việc đó.

– Thưa phụ tướng! Vậy tôi đi bằng cách nào?

– Ta sẽ cho người dắt anh đi, lo gì việc đó!

Khi đó nước vua Khoái Mục có nhiều điềm bất tường biến hiện: đất động, sao chổi mọc, mưa đá, mây kéo mờ mịt suốt ngày, chim chóc kêu thảm thiết, hổ, báo, sài, lang gầm hét, dân chúng đều kháo nhau là điềm bất tường.

Khi anh Bà la môn đã tới nước vua Khoái Mục, vào trước sân rồng lớn tiếng nói rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Hạ thần ở nước ngoài, nghe thấy danh đức Ngài làm hạnh bố thí, nên không quản xa xôi đến đây để ăn xin.

Nhà vua từ trên ngai rồng bước xuống hỏi:

– Ông ở đâu tới đây? Đường sá xa xôi đi khỏi mệt không, tới đây muốn xin gì?

Tâu Bệ Hạ! Phước bố thí về ngoại vật bé nhỏ, chỉ có bố thí nội thân mới lớn, tôi vị mù đôi mắt đã lâu, đến đây để xin Ngài hai con mắt.

Nhà vua nghiêm nét mặt nói:

– Cũng được, ta vui lòng!

– Tâu Bệ Hạ, việc đó lâu mau thế nào ạ?

– Anh yên tâm, bảy ngày nữa.

Vua Khoái Mục sau khi nhận lời cho mắt, làm chiếu chỉ thông tư cho tám vạn bốn ngàn nước biết rằng:

– Các Vương Hầu nên biết, tôi vì thực hành hạnh bố thí sau bảy ngày nữa sẽ khoét mắt cho người Bà la môn, vậy hôm đó quý Ngài đến đông đủ.

Vua quan các nước tiếp được chiếu chỉ, khi đến đông đủ đều thưa rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Hạnh bố thí công đức của Ngài nhận thấy lớn lao vô cùng cực, việc khoét mắt cho kẻ Bà la môn, xét rằng vô ích quá, Ngài là đấng nhân chúa dùng con mắt sáng, đưa dắt dân làm những công đức lành, phúc đức như trời biển, như núi non, giờ đây mất hai con mắt, cũng như cả quốc dân mất con mắt sáng, cúi xin miễn bỏ việc đó.

Quan bản triều, Hoàng hậu, cung phi thể nữ, Thái tử, ai nấy, đều tức bực trong lòng, vì can vua không được, toàn thể đều âu sầu buồn bã, đến nỗi đêm quên ngủ ngày quên ăn.

Ông Thái tử Giới Hiền tâu rằng:

– Kính thưa Phụ Vương! Cho con xin thay để kẻ Bà la môn khoét mắt con, con tuy chết nhưng thiên hạ không bị nguy ngập.

Nhà vua thấy họ can gián nhiều quá, đứng trước đại chúng lớn tiếng nói rằng:

– Kính thưa quý Vương hầu, cùng toàn thể! Chính tôi bố thí mắt này phải có một mục đích: tôi xét rằng từ đời quá khứ đến nay, trong kiếp sinh tử lâu dài, nếu góp lại những xương thân ấy, có thể lớn gấp bao lần núi Tu Di, máu tiết chảy ra, có lẽ nhiều hơn nước bốn biển, những lúc biệt ly nước mắt khóc người thân nhiều hơn nước đại hải, khi ở trong Địa ngục, những thân bị đốt cháy hoặc mổ xẻ thì những con mắt ấy bỏ đi vô số. Khi làm loài Ngạ quỉ lửa trong mình phát ra thui đốt, từ thân này qua thân khác, phá hoại bao nhiêu con mắt.

Lúc đọa làm Súc sanh bị loài người đâm chém, nấu rang, hết thân này lại thân khác. Thì những thân ấy đã tiêu hủy mất bao nhiêu con mắt kể sao cho xiết.

Khi làm người sống lâu hoặc chết non, tranh tài, tranh sắc, tranh danh, đánh giết lẫn nhau, nhiều ai tính xuể, thì những con mắt ấy, đều tan không, tóm lại cũng là vô ích vì không dùng nó để làm công đức.

Hoặc ở cõi Trời vui năm cảnh dục chốn thiên cung, khi hết phúc, cũng phải đọa đày theo nghiệp, những thân mạng nhiều không số tính. Xét lại từ đời vô thỉ, nổi chìm trong ba cõi, sống thác theo năm thú, cũng do ái tình bổn thân của nghiệp tham, sân, si tạo tác, thân người tan vụn như vi trần, ai đã từng đem thân ấy bố thí để cầu thành Phật. Đây là một bộ mắt tanh hôi chẳng bao lâu sẽ bị tiêu không vô ích. Tôi bố thí đôi mắt tanh này, nguyện mười phương chư Phật cho tôi con mắt “Nhất Thiết Trí”. Sau này thành Phật tôi sẽ đem lại con mắt trí tuệ thanh tịnh cho tất cả quý Vương hầu cùng pháp giới chúng sinh, can tôi làm chi! Ngăn cản làm chi!

Tất cả mọi người nghe vua vói xong, không ai dám trả lời sao hết, nín thinh như thóc lép.

Vua Khoái Mục thấy mọi người đã an lòng, ngoảnh bảo tả hữu rằng:

– Các ông hãy lấy dao khoét đôi mắt hộ tôi.

Họ thưa: Tâu Bệ Hạ! Thà cái thân của chúng tôi có chịu chết tan như hạt cải, chứ không nỡ nào đem cái tay này mà khoét mắt của Bệ Hạ.

– Các ông hãy tìm hộ cho một người, con mắt họ đen hắc, và hay nhòm xuống lại đây.

Đúng như trực, tìm một người tới vua đưa cho con dao, bảo anh chàng Hắc Mục Thị Hạ rằng:

– Anh hãy khoét mắt cho ta.

Anh không e dè gì, vua bảo làm ngay, cầm dao khoét luôn con mắt bên tả để vào tay vua.

Nhà vua nâng lên trán lập thệ rằng:

– Nguyện đem mắt này bố thí cho kẻ mù, để cầu thành Phật, kẻ Bà la môn được mắt này có thể trông sáng suốt.

Nói rồi nhà vua để vào hố mắt cho họ. Khi được mắt để vào, anh Bà la môn nhìn thấy vua và tất cả mọi người chung quanh mừng quá tâu rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Thôi xin một con là đủ nhìn, Bệ Hạ để lại dùng, tôi không lấy nữa.

– Ta đã hứa cho nhà ngươi cả, thì ta cứ cho, vui lòng mà lấy, không sao!

Khoét luôn mắt nữa để vào tay vua, vua lập thệ rằng:

– Nguyện đem mắt này, một lòng thành thực bố thí để cầu thành Phật, kẻ Bà la môn được mắt này coi xem sáng tỏ.

Nói xong để vào hố mắt cho anh Bà la môn. Quí hóa thay! Lạ lùng thay! Anh chàng mù được mắt ông Quốc Vương nhìn xa trông suốt, đang tối được sáng, đang mù được mở. Nhà vua hy sinh con mắt ai dám cả gan, phải chăng người siêu phàm xuất tục coi thân mình tựa đống tro tàn, đem đổi lấy Pháp Thân Bất Diệt. Đổi mắt đã lạ chưa? Một phương thuốc huyền diệu phát xuất từ đây.

Ngay lúc ấy, trời đất chuyển động, các cung điện trên thiên cung đều nghiêng ngã, những ông Thiên Tử thấy sự chuyển biến, nhìn xem có một vị Bồ tát khoét mắt bố thí, họ đều bay xuống tung hoa cúng dàng, và khen rằng:

– Bồ tát làm hạnh bố thí không đoái thân mình, phước ấy Ngài cầu làm gì?

– Thưa Ngài! Tôi hy sinh cặp mắt này, không cần làm vua Ma Vương, Phạm Thiên, Đế Thích hay Chuyển Luân Thánh Vương để hưởng dục lạc trong ba cõi, mục đích cầu thành Phật và độ sinh thoát khỏi luân hồi, cho họ được an vui đạo Niết bàn.

– Rất quý tấm lòng cao thượng của Ngài, nhưng xin hỏi Ngài đau đớn như vậy có phàn nàn gì không?

– Sự phàn nàn hối hận quyết không có một mảy may!

Tôi thấy Ngài huyết chảy như lưu ly, thân thể xanh lợt, tự nói không, việc đó khó tin.

– Quý Ngài không tin, tôi xin thề rằng: “Tôi một lòng thành thực làm hạnh bố thí để cầu thành Phật, nếu miệng nói tâm nghĩ đúng, thì cặp mắt tôi lại được bình phục như cũ”.

Nói dứt lời cặp mắt của Ngài, tự nhiên lại được hoàn toàn, xem coi sáng tỏ hơn xưa. Khi đó, tất cả trời người ai nấy đều vui mừng và cảm tâm sắt đá của nhà vua, ai ai cũng khen rằng: – Sau này Ngài thể nào cũng được thành Phật.

Khi đó vua Khoái Mục bảo anh Bà la môn rằng:

– Hôm nay tôi cho ông cặp mắt thịt, lai sinh thành Phật tôi sẽ cho ông con mắt trí tuệ.

Nói xong sai người dẫn anh vào kho, tha hồ cho lấy vàng bạc mang về bản quốc.

Vua Ba La Bà Bạt Di hay tin ra đón, bắt gặp hỏi rằng:

– Anh xin mắt được chăng?

– Tậu Bệ Hạ! Xin được và đã nhìn thấy sáng suốt.

– Thế nào! Vua Khoái Mục sống hay chết?

– Tậu Bệ Hạ! Khi mổ mắt nhà vua đau đớn huyết chảy đẫm người coi rất ghê sợ, các ông Thiên Tử đến hỏi thăm, Ngài có thệ nguyện, khi tuyên thệ xong, tự nhiên hai mắt lại được bình phục như cũ, có lẽ còn sáng suốt hơn trước.

Ông vua này nghe nói tức giận quá, nổ tim chết.

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông nên biết: Vua Khoái Mục thuở đó chính là tiền thân của ta đấy, vua Ba La Bà Bạt Đi nay là ông Điều Đạt, anh Bà la môn xin mắt vua Khoái Mục thuở đó chính là anh mù vừa đắc đạo đây.

Đời quá khứ, được hàm ân ta, khỏi mù, đời nay gặp ta sáng tỏ con mắt thịt, đồng thời lại được cả mắt tuệ, ta cũng vì chúng sanh đời đời làm những hạnh khổ tích công tu đức đến nay được thành Phật. Vậy các ông cũng nên chăm chỉ mà tu hành cầu đạo vô vi an lạc làm lòng.

Nghe Phật nói xong, tôi và toàn thể, đều cảm niệm ân đức bao la của Ngài, rồi đó có người đắc sơ quả, cho đến tứ quả, vui mừng tạ lễ mà lui.

28/ Phẩm thứ hai mươi tám NĂM TRĂM NGƯỜI MÙ

Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở một nước Xá Vệ tại vườn ông Cấp Cô Độc và rặng cây của Thái tử Kỳ Đà.

Bấy giờ nước Tỳ Xá Ly có năm trăm người mù đi ăn mày, nghe thấy người ta nói: Đức Như Lai ra đời rất là hiếm có, nếu chúng sinh nào được gặp, bất luận có bệnh hoạn gì cũng nhờ Ngài cứu được, kẻ mù sẽ được sáng con mắt, kẻ điếc sẽ được nghe rõ, kẻ còng gù sẽ được thẳng thiu, kẻ khễnh kiễng sẽ được duỗi thẳng, kẻ cuồng si sẽ được trí tuệ, kẻ loạn tâm sẽ được an định, kẻ đói rách sẽ được áo cơm, kẻ sầu khổ sẽ được an vui.

Năm trăm người bàn nhau rằng:

– Lũ ta sinh nơi hạ tiện, đã bị nghèo đói, lại mù đôi mắt, trên đời không ai khổ hơn, vậy chúng ta đến chốn Phật nhờ Ngài tế độ.

Bàn nhau xong rồi hỏi thăm người đi đường rằng:

– Đức Thế Tôn bây giờ ở nước nào, các ông bảo cho biết?

– Họ đáp rằng: – Ngài đang ở nước Xá Vệ.

Lẩm bẩm nói rằng:

– Ai là người thương lũ chúng tôi? Làm phúc đưa chúng tôi đến nước Xá Vệ nơi Phật ngự.

Nhưng không! Không ai giúp.

Sau họ đi xin tiền, góp lại được năm trăm đồng, đứng bên lề đường lớn tiếng nói:

– Ai đắt chúng tôi đến nước Xá Vệ, xin trả năm trăm đồng!

Khi đó có một người nhận, lấy tiền rồi bảo năm trăm người rằng:

– Các anh hãy nắm vào vai nhau, làm thành một hàng dọc, còn tôi đi trước đắt.

– Khi đến nước Ma Kiệt Đề, tới một cánh đồng rộng thấy mỏi mệt quá, anh lẩn mất, năm trăm người trơ trọi không biết lối đi, lúng túng, đường đi chẳng đi, đi xuống ruộng, dẫm nát nhừ đồng lúa. Thấy năm trăm người mù đi trên ruộng của ông, đầy xéo tan nát lúa mạ mất nhiều.

Ông nổi giận mắng rằng:

– Các anh mù, đường chẳng đi, đi giữa ruộng làm nát lúa, có lên không?

– Dạ! Thưa ông, chúng tôi mù lòa không nhìn rõ, xin ông tha cho.

Các anh ở đâu tới đây?

– Thưa ông, chúng tôi ở nước Tỳ Xá Ly, nghe đồn đức Phật Từ bi cứu thế, hiện Ngài ở nước Xá Vệ, chúng tôi thuê một người dắt, tới đây họ bỏ trốn mất, thành ra lẩn quẩn ở chốn này, ông làm phúc cứu giúp, ơn ấy không bao giờ dám quên!

Nghe họ nói thế, ông cũng thương, về sai người dắt họ đến nước Xá Vệ, thì Phật sang nước Ma Kiệt Đề, người ấy lại đắt đến nước Ma Kiệt Đề, thì Phật vừa sang nước Xá Vệ, cứ thế đến bảy lần vẫn không gặp Phật.

Họ mong muốn được gặp Phật, như kẻ đói mong được cơm ăn, kẻ khát mong được nước uống, một lòng chân thành khát ngưỡng đức Thế Tôn, vì thế tuy mù con mắt thịt, nhưng con mắt tâm của họ đã từng nhìn thấy Phật, nên họ vẫn hoan hỷ không biết mỏi mệt. Khi đó đức Thế Tôn xem biết thiện căn của họ đã thục, lòng tin đã chắc, nên Ngài ở lại nước Xá Vệ cho họ được gặp.

Lần này đến nước Xá Vệ, năm trăm người được gặp Phật, nhờ ánh hào quang, mọi người hết mù, sáng tỏ đôi mắt, nhìn thấy Phật thân vàng chói lọi, vui mừng quá! Cùng nhau tới trước lễ Phật đồng thanh bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con sinh nơi hèn hạ, ra đời thuần thấy đau khổ! Hôm nay nhờ oai thần của Ngài được sáng tỏ con mắt, chúng con một lòng thành kính, cúi xin Từ bi tế độ cho nhập đạo tu hành.

Phật mỉm cười nói:

– Thiện Lai Tỳ kheo!

Ngài nói dứt lời, năm trăm người đều rụng hết tóc, áo Cà sa thấy mặc tại mình, theo Phật tu hành, không bao lâu đã đắc A la hán.

Thấy thế tôi thưa Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài xuất thế làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, những người này trong giây phút được sáng tỏ con mắt thịt, hơn nữa lại đắc quả La Hán, không rõ kiếp xưa họ tạo tội gì, cúi xin nói cho chúng con được rõ?

Phật dạy rằng:

– A Nan! Không những kiếp này ta cứu họ khỏi tối con mắt, mà đời quá khứ cách đây vô lượng kiếp ta đã cứu họ thoát khỏi khổ hắc ám một lần.

– Kính lạy Ngài, cúi xin chỉ giáo cho chúng con được ân triêm công đức.

– A Nan! Ông lắng nghe: Cách đây đã nhiều vô lượng kiếp, cũng tại Châu Diêm Phù Đề này, thuở ấy có năm trăm người lái buôn đi qua một cánh đồng rộng, tới con đường hiểm vào một hang núi, hang ấy tối om, sợ kẻ cướp đánh giết lấy tiền và hàng hóa, không biết làm thế nào, họ chỉ biết khấn trời vái tất cả thần kỳ trên rừng dưới biển ủng hộ cho họ. Trong bọn ấy có một người thấy anh em lo sợ bảo rằng:

– Các bạn cứ an tâm, đừng lo nữa, tôi có cách làm cho sáng sủa để các anh đi.

Người đó lấy lụa Bạch Điệp cuốn vào cánh tay tẩm dầu đốt, đi bảy ngày mới qua hang núi. Khi qua núi được an lành vô sự, mọi người vui mừng và cám ơn lắm!

A Nan! Người đốt cánh tay thuở đó, có phải là ai đâu, chính là ta đấy. Ta từ đời vô thỉ tới nay, đem quốc thành vợ con huyết nhục bố thí chúng sinh, bởi thế đời nay được đặc tôn trong ba cõi, còn năm trăm người lái buôn tức là năm trăm người mù này. Đời quá khứ ta lấy thân sinh tử bố thí cho họ được sáng sủa, giờ đây thành Phật, ta lại cho họ con mắt trí tuệ.

Tất cả đại chúng nghe Phật nói xong, ai nấy đều hoan hỷ. Nhân nghe thuyết pháp cũng có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người đắc nhân Bích Chi Phật, ngoài ra còn rất nhiều người được độ, cúi đầu tạ lễ mà lui.

29/ Phẩm thứ hai mươi chín PHÚ NA KỲ

CHÍNH tôi được nghe: Một thời đức Phật ở một nước Xá Vệ, tại vườn của ông Cấp Cô Độc và rặng cây của Thái tử Kỳ Đà.

 

Thuở bấy giờ nước Phóng Bát có ông Trưởng giả tên là Đàm Ma Tiện (Tàu dịch: Pháp Quân), nhà giàu nhất nước ấy, vợ ông sinh được đứa con trai, nhân gặp lúc nhà vua xuất quân đi đánh trận, nên đặt tên là Tiện Na (Tàu dịch: Quân). Sau bà lại sinh được cậu nữa, giữa lúc nhà vua thắng trận, nên đặt tên là: Tỷ Kỳ Đà Tiện Na (Tàu dịch: Thắng Quân).

Phải khi ông Trưởng giả mắc bệnh, các Thầy lang đến chữa được tiếp đãi trọng hậu, ăn uống rất đàng hoàng, tiền vãng phản khá nhiều. Nhưng không may gặp bọn Thầy lang gian ác, cho trái thuốc, cốt ngâm bệnh ông lê nhê mãi không khỏi để chúng kiếm nhiều tiền.

Ông có một người ở gái, hàng ngày thuốc thang cơm cháo hầu hạ, nó biết mưu của bọn Thầy lang như thế, nên nó thưa với ông rằng:

– Thưa ông! Các ông lang không tốt đâu! Họ ác lắm! Thấy ông giàu có, cho ông uống trái thuốc, dềnh dang cho lâu khỏi, để cầu lợi. Vậy để tôi cứ như lần trước, theo đúng phép điều trị thì khỏi!

Ông nói:

– Phải! Mi nói đúng, cho mi được tùy ý!

Sau, cô điều dưỡng cho ông được khỏi bệnh. Một thời gian sau Trưởng giả khỏe mạnh, cô thưa với ông rằng:

– Thưa Trưởng giả! Tôi hầu hạ thuốc thang cho ông nay ông đã khỏi bệnh. Vậy tôi xin ông một điều, nếu ông vui lòng tôi xin nói?

Trưởng giả đáp: – Mi cứ việc nói.

– Tôi mong ước đã lâu, muốn để vui thú ân tình với ông một đêm, xin ông đừng từ chối!

Ông Trưởng giả mỉm cười gật đầu.

Cô mừng quá, đêm hôm ấy cùng ông thỏa mãn lòng dâm dục, sau cô có thai, qua thời gian sinh một cậu con trai, vì được mãn nguyện vọng, nên đặt tên là Phú Na Kỳ (Tàu dịch là Mãn Nguyện).

Song cũng hay! Cậu bé kháu khỉnh, khi lớn có đức tướng khôi ngô, lòng dạ ngay thẳng trung chính, và thông minh, về mặt thương mãi có tinh thần hơn người, lại biết cách trồng cây, nuôi súc vật, đi đến đâu cũng gặp tốt lành. Như vậy, là do tinh khí của ông Trưởng giả, nên được thông minh xuất chúng, chỉ nỗi làm con người ở gái, nên đứng vào hàng nô tỳ hèn hạ, không được cao quý bằng con bà lớn.

Khi đó Trưởng giả mắc bệnh, biết mình phải chết, gọi hai con lên dặn rằng:

– Con người có sinh phải có tử, xem trong mình cha không có phần nào ở với các con được nữa, vậy sau khi cha chết, các con nên ở với nhau, chớ phân chia tài sản!

Đáp: – Dạ! Xin cha cứ an tâm điều dưỡng thuốc thang, nếu cha có mệnh hệ nào, chúng con, anh em ở với nhau, xin nhớ lời cha dạy.

Được ít ngày ông chế, anh em ăn ở với nhau, trên thuận dưới hòa, sống chung một nhà đoàn viên vui vẻ! Không xảy ra chuyện chi xích mích. Qua thời gian khá lâu, cũng vì sự sinh sống, hai người anh con bà lớn đi ra nước ngoài buôn bán, vợ con và tài sản đều giao cho Phú Na Kỳ là em thứ ba ở nhà coi sóc, đảm nhiệm việc gia đình.

Theo lời hai anh, Phú Na Kỳ ở nhà phụng sự gia nghiệp, tăng gia sản xuất để nuôi gia đình một cách rất chu đáo, đối với hai chị dâu và các cháu. Một hôm đứa con trai nhỏ của Thắng Quân đến xin tiền Phú Na Kỳ, phải lúc không sẵn, Phú Na Kỳ nói:

– Hôm nay chú không sẵn, cháu muốn mua gì để chú mua cho!

Nó giận chạy về mách mẹ rằng:

– Mẹ ơi! Chú Phú Na Kỳ không có công tâm, con bác muốn gì chú cũng cho; hôm nay con xin tiền mua quà chú không cho!

– Thế à! Làm sao con đứa ở lại thiên lệch như vậy? Thôi không thèm để mẹ bảo cho.

Sau khi Thắng Quân về, chị hai chưa nguôi cơn giận, đem chuyện đó nói với chồng.

Thắng Quân cũng si mê nổi giận nói:

– Con đứa ở sao dám thiên lệch như vậy? Nó muốn chết ư? Ta sẽ giết nó cho xem!

Thắng Quân lên nói với anh cả rằng:

– Thưa anh, theo lời cha dặn lúc sinh thời, anh em ở chung nhau, nhưng em thấy chú Phú Na Kỳ quá đáng, em xin anh cho ở riêng!

– Thôi chú ạ! Phú Na Kỳ tốt lắm đấy, chú nghe chi trẻ con đàn bà, trái lời cha dặn là bất hiếu!

Thắng Quân nói tới hai lần không thôi.

Người anh biết rằng nếu ở chung rồi sẽ xảy ra những chuyện không hay, bất đắc dĩ phải cho phân cư. Tất cả ruộng vườn, của cải, súc vật chia ra bốn phần:

Anh cả hai phần, Thắng Quân một phần, còn một phần cho Phú Na Kỳ, chia gia tài xong, Thắng Quân nói:

– Phần anh thì anh lấy, còn của Phú Na Kỳ để em giữ.

Người anh biết ý Thắng Quân muốn hại Phú Na Kỳ, nên khéo léo cho Phú Na Kỳ đi ở nơi xa. Lúc bước ra đi, Phú Na Kỳ được chị cả cho năm đồng tiền ăn đường.

Phú Na Kỳ sang tỉnh khác làm ăn, hôm ấy ra chợ mua củi, đưa về cởi ra được mấy đoạn gỗ chiên đàn và mấy đoạn gỗ ngưu đầu, đem chặt ra mười đoạn cất đi.

Cũng do phúc của Phú Na Kỳ đến ngày phát hiển, khi đó Hoàng hậu mắc bệnh nhiệt, phải dùng hai thứ gỗ nói trên uống thì khỏi, nhà vua cho người đi tìm không được, phải viết bản cáo thị: “Nếu ai tìm được gỗ chiên đàn, ngưu đầu sẽ trả cho ngàn lạng vàng”.

Phú Na Kỳ mừng quá, đem vâng vua một đoạn, vua cho một ngàn lạng vàng, cứ thế, dâng vua hết mười đoạn, được mười ngàn lạng vàng.

Đem về mua mười mẫu đất, xây cất nhà cửa, xe, ngựa, lục súc, nuôi nô tỳ, thuê người làm lụng, từ đó gia nghiệp trở nên phong phú.

Bấy giờ có năm trăm người lái buôn biết Phú Na Kỳ khá vốn, rủ ra biển buôn bán. Phú Na Kỳ thưa với anh cả rằng:

– Thưa anh, em muốn ra biển buôn bán, và tìm trân bảo, có được xin anh cho phép?

– Được lắm, tôi sẽ cấp thêm tiền và cho một người đi cùng chú.

Phú Na Kỳ ra biển buôn bán phát tài, và lấy được rất nhiều ngọc thạch, hột xoàn, trân bảo, vàng bạc nên mừng thầm, lớp này về nhà được giàu có, của này ăn đến bảy đời không hết.

Đương lúc thuyền trôi lênh đênh trên mặt biển, một trời một vực, thốt nhiên mọi người đều nhìn thấy ba mặt trời xuất hiện, lạ quá hỏi người lái đò rằng:

– Hôm nay, sao lại có ba mặt trời, ông có biết là điềm gì không?

– Các ông nên biết: đây là điềm nguy biến cho chúng ta đấy, không bao giờ có ba mặt trời, ở biển này có loài cá Ma Kiệt lớn dày bảy trăm do tuần, mỗi giấc ngủ của nó là một trăm năm, khi thức giấc, nó há mồm cho nước biển và tôm cá chảy vào làm món ăn, trên kia là mặt trời chính, còn hai là mắt cá, giữa khoảng trắng kia là răng nó, nước đương chảy vào chỗ tối kia là mồm nó, nguy đến nơi rồi các bạn ơi! Bọn ta chết trong mồm cá này đây, thật là hết lối tẩu thoát, thuyền cứ theo dòng nước chảy vào mồm cá, khi gần tới nơi, có một người Ưu bà tắc theo Phật giáo lớn tiếng nói rằng:

– Các bạn! Cái chết của chúng ta tới nơi rồi, các bạn mau mau, dốc lòng thành kính niệm “Nam mô Phật”; Ngài là một đấng đức nhân trong ba cõi, không ai bằng. Ngài có đại lực cứu khổ ban vui trong chớp mắt!

Ai nấy đều lo chết, nghe ông Hiền giả nói xong, một lòng thành kính tha thiết, đồng thanh niệm Nam mô Phật.

Cá Ma Kiệt nghe được danh hiệu Phật, phát Từ tâm, ngậm mồm lại, rồi lăn xuống đáy biển, mọi người đều thoát nạn trở về nước.

Về đến nhà, Phú Na Kỳ lấy mâm đựng các của quý ngoài biển, đem biếu người anh cả tên là Tiện Na rồi nói rằng:

– Thưa anh, em đã vì gia đình, sinh kế mà lập nghiệp, bây giờ nhà cửa ruộng đất, các trang vật đầy đủ, con cháu ăn đến bảy đời không hết, xin biếu anh cả, em xin anh cho xuất gia theo Phật tu hành cho thoát ách đau khổ!

– Phải! Chú nói hay, tôi cũng không muốn trái ý, song chú hãy còn ít tuổi, chưa hiểu lẽ nhân luân, Phật Pháp cao sâu, làm sao theo nổi, chú hãy lui lại vài năm nữa hãy đi tôi rất đồng ý!

– Thưa anh! Mạng người vô thường, sớm còn chiều mất không có nhất định, không có bảo đảm, bữa trước đây em ra biển gặp cá Ma Kiệt suýt chết! Chết hụt, cũng nhờ ơn đức của Phật cứu sống, vậy anh hãy hoan hỷ cho em đi, đừng gàn em nữa, vì em đã quyết định như vậy.

– Thôi, chú đã có tâm như vậy, tôi cũng không dám cản chú xuất gia, tôi vui lòng!

– Dạ! Anh hoan hỷ nhé!

Phú Na Kỳ rủ năm trăm người lái buôn đến nước Xá Vệ yết kiến Phật, tới nơi cúi đầu lễ sát đất bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con tới đây cầu xin xuất gia tu đạo, cúi xin Ngài Từ bi tế độ.

Đức Thế Tôn nhìn thấy họ tội căn đã hết, quả Bồ đề đã phát sinh, nên Ngài mỉm cười nói:

– Thiện Lai Tỳ kheo!

Nói dứt lời, năm trăm người đều biến thành các vị Sa môn theo Phật tu học, chẳng bao lâu tâm trí giác ngộ, dứt hết lậu nghiệp ba cõi, đắc quả La Hán. Duy có Phú Na Kỳ kết sử nặng quá, phải giảng thuyết cho nghe nhiều cũng không giác ngộ, sau thành tâm cố gắng lập chí tu học, được chứng sơ quả, từ đó tinh tiến ngồi thiền tụng kinh, không dám lười biếng.

Ngày an cư đã tới: Đức Thế Tôn cho các vị Tỳ kheo ai muốn an cư ở đâu cũng được tùy ý. Phú Na Kỳ tới trước Phật bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Khóa hạ năm nay, đệ tử xin đến nước Phóng Bát an cư, cúi xin Từ bi hoan hỷ.

Phật dạy: – Pháp Tử, người nước Phóng Bát bạc ác, tin theo tà đạo, kiến thức hẹp hòi, con là kẻ sơ học, đối với giáo pháp của ta chưa hiểu bao nhiêu, nếu bị họ hủy nhục thì làm thế nào?

– Kính lạy đức Thế Tôn! Nếu họ có hủy nhục con, một cách tệ mạt đi nữa, nhưng họ không làm hại con thì cũng được!

– Nếu kẻ gian ác nó làm hại con, thì sao?

– Kính lạy Ngài! Nếu nó làm hại, mà không giết con cũng còn hàm ơn họ!

– Nó giết con không ích gì cho con, lúc đó con làm thế nào?

– Kính lạy Ngài! Tất cả vạn vật, có hình phải có hoại, nếu họ giết con thì con chịu chết!

– Nó hủy hoại con, làm nhục con, mà nó không giết con, thì con có giận nó không?

– Dạ, lạy đức Thế Tôn! Con không có giân, chính kẻ đó lấy một sự không có căn cứ, vô cớ hủy nhục con, phỉ báng con, hoặc đem dao gậy đánh đập con, sau giết con, mà chưa chết hẳn, tới phút cuối cùng, con cũng không có một niệm giận họ!

Phật khen rằng: – Đệ tử! Nếu con thực hành được như vậy thì rất hay, sẽ làm hiển dương cho ngôi Tam bảo!

Phú Na Kỳ cúi đầu lễ Phật, rồi cầm bát mang áo ra đi. Tới nước Phóng Bát, nghĩ tại rừng một đêm, sớm ngày mai vào thành khất thực, đến một nhà đại phú Bà la môn, anh chủ nhà chạy ra đuổi mắng!

Phú Na Kỳ qua nhà khác, anh này cứ theo sau phỉ báng, mắng nhiếc và đánh đập luôn tay. Nhưng Phú Na Kỳ vẫn bình tĩnh coi như không, nét mặt vẫn tươi như hoa mới nở! Vui vẻ! Và không nói năng gì. Anh chàng đánh chán tay, mỏi cánh, mắng rát cổ, thấy Phú Na Kỳ không thay đổi sắc mặt và oán giận gì, nên anh tự thẹn hổ trong lòng, là vì vô cớ đánh người, trách mình là kẻ tàn nhẫn quá, rồi đến xin tạ lỗi.

Trong ba tháng an cư, Phú Na Kỳ chăm chỉ tu hành, được hết mọi kết sử, tội chướng tiêu tan, hốt nhiên giác ngộ: đắc quả vô lậu, giải thoát sinh tử ba cõi, thành ngôi A la hán.

Hết ba tháng an cư: từ giã các người thân tín, về nhà dặn anh rằng:

– Anh chớ có ra biển, ngoài biển có nhiều sự nguy hiểm, tiền của em để lại cho anh, có thể anh dùng trong bảy đời không hết.

Dặn xong ra về, khi tới Tinh xá và lễ Phật, chúc mừng Phật, rồi về phòng nghỉ.

Tiện Na không nghe lời Phú Na Kỳ dặn, một hôm cùng với những người lái buôn ra biển, lấy rất nhiều gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu, đầy thuyền chở về. Giữa biển thuyền trôi lênh đênh, gặp một con rồng, làm giông tố dữ dội, nó muốn đánh đắm thuyền để cướp lại gỗ, tất cả mọi người la ó, khóc than! Kêu trời vái đất ầm ĩ! Tiện Na nhớ rằng vì không nghe lời em, nên nay bị nạn, khi đó chỉ lớn tiếng gọi chú Phú Na Kỳ, gọi liên hồi khan tiếng!

Khi đó Phú Na Kỳ ở nước Xá Vệ tại Tinh xá Kỳ Hoàn, đương tọa thiền, bỗng nghe thấy tiếng anh mình kêu mắc nạn, lấy thiên nhãn nhìn thấy Tiện Na đương ở ngoài biển bị con rồng hãm hại, bèn dùng La Hán thần túc hóa ra một con chim Kim Xúy Điểu, xòe cánh dài tám vạn do tuần, bay đến khủng bố Rồng! Rồng thấy chim sợ hãi, lặn chìm xuống đáy biển, nhờ sức thần túc của Phú Na Kỳ mà sóng gió đều im, mọi người thoát nạn trở về nước nhà.

Khi Tiện Na về tới nhà, Phú Na Kỳ thưa với anh rằng:

– Anh muốn được phước báo trang nghiêm trên cõi Nhân Thiên, cho muôn ngàn thế hệ sau này, thì lấy gỗ chiên đàn làm một tòa lâu đài, mời Phật về ngự, và thuyết pháp cho quốc dân nghe.

– Việc làm tôi xin làm chu đáo, nhưng còn thỉnh Phật thì phải làm thế nào? Và sắm sửa những gì cúng dàng? Chú cho biết để sắp đặt.

– Việc đó anh không lo! Để em chịu trách nhiệm!

Sau khi Tiện Na làm xong các tòa lâu đài bằng gỗ chiên đàn các công việc sắp đặt chu đáo. Phú Na Kỳ lấy lò đốt hương trầm lên một lầu cao, hướng về rừng Kỳ Hoàn, lễ Phật cùng Thánh chúng khấn rằng:

– Kính lạy đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Cùng chư vị Hiền Thánh Từ bi chứng giám, sớm ngày mai tới nước hèn mạt này, giáo hóa cho lũ ngu si mê muội, được ân triêm đức hóa.

Khấn nguyện xong, khói hương ấy bay tới đầu đức Thế Tôn, kết thành cái táng bằng khói hương. Sau Phú Na Kỳ dùng thần thông phóng nước đến rửa chân Phật.

Tôi thấy điềm lạ, quỳ xuống bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Ai phóng nước và khói tới đây, xin nói cho chúng con được rõ?

– Hôm nay Tỳ kheo Phú Na Kỳ ở nước Phóng Bát, khuyên người anh thỉnh mời ta và các Tăng chúng, nên phóng nước và khói tới đây để làm tin về việc thỉnh. Vậy ông đi phát thẻ cho các vị Thần túc Tỳ kheo sớm mai đến nhà Tiện Na thụ trai.

Tôi theo lời Ngài đi phát thẻ cho các vị có thần túc và dặn sớm mai đến nước Phóng Bát.

Ông Kỳ Kiền Trực Kỳ (Tàu dịch: Tục Sinh), giữ chức trực nhật (làm cơm hàng ngày), ông đã đắc quả A na hàm, ngồi kết già phu, thân phóng quang minh, chiếu sáng bốn phương, đem theo các thứ dùng bữa ăn, bay trên hư không tới nước Phóng Bát.

Tiện Na trông thấy hỏi:

– Đây là Thầy em hay sao?

– Không phải, đây là người sửa soạn cơm cho các Tỳ kheo, tới trước để giúp bữa trai hôm nay.

Tiện Na đem âm nhạc ra cúng dàng, Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Lần thứ hai có mười sáu vị Sa di, trong đó có ông Quân Đề, dùng thần túc biến hóa ra rừng cây, hái các thứ hoa quả, biến hóa rất nhiều, phóng quang minh chiếu sáng cả trời đất, người cỡi ngựa hoặc cỡi lạc đà đi tới.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em hay sao?

– Không phải! Đây là những đệ tử Sa di cùng Thầy với em; mới có bảy tuổi đã đắc quả La Hán, lậu nghiệp đã hết, thần túc đầy đủ, lại đây trước để hái hoa cúng dàng.

Tiện Na đem hương hoa, âm nhạc ra cúng dàng, các vị từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có các vị cao niên trưởng lão Đại A la hán, hóa ra ngàn con rồng kế thân làm tòa, đầu ngóc ra bốn bên, gầm thét vang trời, mồm rồng phun ra nước mưa Thất bảo, ở trên đặt những tòa lớn, bằng bảy thứ báu ngọc, bay bổng trên không gian, phóng quang minh chiếu sáng khắp thiên hạ, đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em hay sao?

– Không phải, đây là nhóm ông Kiều Trần Như, lúc Phật mới thành đạo, thuyết pháp ở vường Lộc Uyển, bọn ông cả thảy năm người được độ đầu tiên, có thần thông vô ngại.

Tiện Na nghe nói thêm lòng cung kính, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, các vị từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài Ca Diếp hóa ra một ngàn nhà giảng, bằng Thất bảo, phóng quang minh ở trong mình ra, chiếu khắp bốn phương, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em hay sao?

– Không phải, đó là Ngài Ma Ha Ca Diếp, hay tu hạnh Đầu Đà thương kẻ ty tiện, chăm cấp giúp kẻ nghèo cùng.

Tiện Na vui vẻ đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài Xá Lợi Phất, ngồi tòa ngàn con Sư tử, hướng đầu ra bốn phương, mồm phun nước mưa Thất bảo, gầm thét, làm chấn động cả trời đất, trên mình Sư Tử bày tòa bằng Thất bảo, thân Ngài phóng quang minh chiếu soi bốn phương, bay trên hư không, đi đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải không?

– Không phải, đó là vị đại đệ tử của Thầy em! Trí tuệ bậc nhất, tên là Xá Lợi Phất.

Tiện Na vui mừng, lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, Ngài từ từ hạ xuống nhà.

Sau Ngài Mục Kiền Liên hóa ra một ngàn con voi, quay đầu ra bốn bên, mỗi con có sáu ngà, mỗi đầu ngà có bảy hồ tắm, trong mỗi hồ có bảy hoa sen, trên mỗi hoa có bảy người ngọc nữ, ngoài ra còn biến hiện rất nhiều, phóng hào quang sáng lớn, làm vang động cả bốn phương trời, trên đầu voi bảy tòa Thất bảo, Ngài ngồi trên, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của Thầy em, tên là Đại Mục Kiền Liên, thần thông bực nhất, đức hạnh đầy đủ.

Tiện Na vui mừng đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài A Na Luật tự hóa ra bảy ao tắm bằng Thất bảo; trong ao có hoa sắc vàng; hoa lá bằng Thất bảo. Ngài ngồi kiết già phu trên hoa, cổ Ngài đeo chiếc nhật quang soi khắp thiên hạ, những ánh hào quang ấy thuần sắc vàng bay trên không gian đến nước Phóng Bạt.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của Thầy em tên là A Na Luật Đề, đối với đại chúng, là một vị thiên nhãn bực nhất.

Tiện Na vui mừng! Cung kính lấy hương hoa kỹ nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau em Phật là Nan Đà, hóa ra ngàn cỗ xe ngựa Thất bảo trên xe che tán Thất bảo, phóng quang minh chiếu ra bốn phương, bay trên hư không, đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em phải không?

– Không phải, đó là em của Phật tên là Nan Đà, tướng mạo và đức hạnh đầy đủ.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài Tu Bồ đề hóa ra bảy quả núi ngọc, Ngài ngồi trong hang lưu ly, thân phóng quang minh nhiều sắc lẫn nhau, chiếu sáng trời đất, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của Thầy em tên là Tu Bồ đề, học nhiều trí tuệ sâu rộng, là một vị bậc nhất giải rõ pháp “Không”.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau đó ông Phân Nậu Văn Đà Ni Tử, hóa ra một ngàn thân Ca Lâu La Vương, kết thành toà ngồi, đầu hướng ra bốn bên, mồm ngậm các thứ châu bảo, phát ra những tiếng hòa nhã, ở trên bảy tòa Thất bảo, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy của em phải không?

– Không phải, ông đó cùng đồng Thầy với em, tên là Phân Nậu Văn Đà Ni Từ, một vị biện tài đệ nhất.

Tiện Na vui vẻ! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có Ngài Ưu Bà Ly hóa ra ngàn con nhạn giụm mình vào nhau đầu quay ra ngoài, tiếng kêu hòa nhã! Mồm ngậm các thứ châu bảo, bay liệng trên không gian, trên mình bày tòa quý đẹp, phóng đại quang minh chiếu khắp bốn phương, bay đến Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải chăng?

– Không phải, đó là đệ tử của Thầy em, tên là Ưu Ba Ly, một vị trì luật bực nhất trong hàng Tỳ kheo.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau đó hai mươi ức vị Sa môn, hóa ra những hàng cây ở trên hư không, dùng ngọc lưu ly xanh làm lối kinh hành, giữa hai hàng cây giáp nhau, làm bằng Thất bảo, bên lề đường cũng bằng Thất bảo, các vị đi trên lối kinh hành đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải chăng?

– Không phải, đây là hai mươi ức vị Sa môn, đệ tử trong các hàng Tỳ kheo, tinh tiến hơn hết.

Tiện Na vui mừng, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, các Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông Đại Kiếp Tân Ninh, hóa ra bảy hàng cây báu, trên cây có rất nhiều hoa quả, dưới gốc cây có bảy tòa cao đẹp, Ngài ngồi trên tòa phóng quang minh. Bay trên hư không đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải chăng?

– Không phải, đây là một vị cùng Thầy với em, tên là Đại Kiếp Tân Ninh, oai nghi đĩnh đạc, dũng mãnh nghiêm chỉnh đệ nhất.

Tiện Na vui mừng, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông Tân Đầu Lư Phả La Đỏa Sà ngồi tòa hoa sen, cổ đeo chiếc nguyệt quang, phóng ra ngàn tia sáng, soi khắp trời đất, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải chăng?

– Không phải, đó là đệ tử Phật, tên là Tân Đầu Lư Phả La Đỏa Sà, một vị tọa thiền giỏi nhất.

Tiện Na vui vẻ, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông La Hầu La hóa làm vua Chuyển Luân; có ngàn người con và Thất bảo vây quanh trước sau, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là Thầy em phải không?

Đáp: – Không phải, đó là con Phật, tên là La Hầu La ở tại gia sẽ thống trị bốn thiên hạ, Thất bảo tự nhiên đầy đủ, không phải dùng quân đội và khí giới, mà có thể dẹp yên được giặc, bỏ ngôi cao quý xuất gia tu đạo, được đắc quả A la hán, đủ sáu phép thần thông, giờ đây biến thân để biểu lộ cái ngôi của Ngài.

Tiện Na vui vẻ đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Đây là năm trăm đệ tử của Phật, có phép thần thông vô ngại biến hiện phi thường không tả xiết. Khi đó đức Thế Tôn biết các vị đã đi đến nước Phóng Bát rồi. Ngài bèn phóng hào quang chiếu sáng trời đất thuần sắc vàng.

Thấy điềm tướng này, Phú Na Kỳ bảo Tiện Na rằng:

– Thưa anh! Đức Thế Tôn sắp đến, nên Ngài phóng hào quang cho biết trước!

Đức Thế Tôn đương ngồi trên tòa, la chân xuống đất, tất cả trên trời dưới đất đều rung động sáu lần.

Phú Na Kỳ nói: – Động đất này là do đức Thế Tôn, Ngài la chân xuống đất làm chấn động như thế đó.

Đức Thế Tôn vừa ra khỏi Tinh xá, Ngài dừng lại nhập định, thì thần kim cương đứng ở tám mặt; bốn ông Thiên Vương đi trước, vua Đế Thích với các ông Thiên Tử cõi Dục và năm trăm ngàn muôn chúng thị vệ bên tả, vua Trời Đại Phạm và các ông Thiên Tử cõi Sắc, với vô số người đứng bên hữu. Tôi (A Nan) đứng sau Phật cùng với đại chúng, phóng quang minh chiếu khắp trời đất, bay trên hư không đến nước Phóng Bát.

Đi được nữa đường, gặp năm trăm nông phu đương cày ruộng, các con trâu tự nhiên đứng dừng lại không kéo cày nữa, một vẻ trầm tĩnh và kính cẩn biểu lộ, ngửa mặt nhìn lên trời, các người nông phu ngửa nhìn theo trâu, họ đều quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thê Tôn! Để lòng thương lũ chúng con, tạm xuống chỗ này giáo hóa chúng con thoát ly được những nỗi đọa đày thể xác lẫn tinh thần, đời đời được an vui sung sướng!

Phật lấy lòng Từ bi và biết những người này duyên lành đã tới, nên Ngài từ từ hạ xuống thuyết pháp cho họ nghe.

Họ được lãnh hội giáo lý của Ngài, tâm trí tự nhiên sáng tỏ, hiểu thấu đời là vô thường không gì vững chắc, liền ngắt dứt được hai mươi ức kiếp tội ác, thành ngôi Tu đà hoàn, còn những con trâu, sau khi chết được sinh lên trời, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, lễ sát dưới chân Phật.

Thuyết pháp xong, đức Phật lại bay lên hư không mà đi, đi chưa được bao xa có năm trăm kẻ đồng nữ chơi ở một cánh đồng rộng, nhìn xuống đất có ánh sắc vàng, ngửa mặt lên trời thấy Phật, chúng nó vui mừng chắp tay bạch Phật rằng:

– Kính lạy Phật! Xin Ngài xuống đây thuyết pháp cho lũ con nghe!

Phật biết những đứa này có túc duyên, căn lành với Tam bảo đã chín, Ngài từ từ hạ xuống, mọi đứa tới gần cúi đầu lễ kính, đức Phật tùy theo căn cơ của nó, nói những lời đạo đức, giảng dạy môn tu. Chúng nghe xong đều phát trí sáng, đắc quả Tu đà hoàn, chúng vui mừng tha thiết lễ dưới chân Phật.

Cảm hóa đã xong, Ngài cùng với các đệ tử đi bộ trên hư không, qua khoảng rừng xanh, có năm trăm ông tiên nhìn thấy Phật và đại chúng, họ đều tha thiết lễ kính và bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Nhân Ngài qua đây, chúng con được hạnh ngộ, ngửa mong ơn Từ bi cao cả tế độ lũ chúng con được nhập đạo tu hành.

Phật coi duyên trước của những người này, biết có thể độ được, nên Ngài từ từ hạ xuống trước mặt, mọi người cúi đầu lễ sát đất. Phật nói:

– Thiện Lai Tỳ kheo!

Nói xong râu tóc họ rụng hết, biến thành các vị Sa môn, Ngài giảng giải cho nghe, mọi người đều được sáng tỏ cõi lòng, hết lậu nghiệp đắc quả A la hán. Phật bay lên hư không thì những người này họ cũng bay theo.

Phú Na Kỳ xa ngó thấy Phật và đại chúng sắp tới bảo anh rằng:

– Phật sắp tới anh ạ!

Tiện Na vui mừng, lấy hướng hoa âm nhạc ra cúng dàng, Phật và dại chúng Tăng từ từ hạ xuống vào nhà thứ tự ngồi an tĩnh.

Tiện Na và gia quyến, sửa soạn cỗ bàn trai nghi trịnh trọng thành kính dâng Phật và đại chúng.

Phật dùng cơm xong, rửa tay súc miệng, thăng tòa thuyết pháp cho cả nhà Tiện Na và toàn thể dân nước nghe. Xong cuộc thuyết pháp này, gia quyến Tiện Na đều chứng quả Tu đà hoàn, còn những người trong nước một số rất đông được độ.

Thấy thế, tôi (A Nan) hỏi Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Phú Na Kỳ đời quá khứ tạo ác nghiệp gì phải sinh làm con kẻ hạ tiện? Thuộc nô tỳ nhà người? Và có phước gì gặp Phật được thoát sinh tử? Cúi xin đức Thế Tôn Từ bi chỉ thị.

Phật dạy: – A Nan! Ông muốn biết hãy nghe cho kỹ và nghĩ cho khéo, tôi sẽ nói cho hay!

– Dạ! Lạy đức Thế Tôn, chúng con xin chú ý nghe!

– A Nan! Đời quá khứ đã lâu, thời Đức Phật Ca Diếp giáng thế độ sinh. Bấy giờ có ông Trưởng giả, nhà rất giàu có, cũng vì việc cầu phước, nên ông làm một ngôi chùa và phòng Tăng, dâng bốn món: áo mặc, thức ăn, giường tòa, thuốc thang đầy đủ, cúng dàng Phật và các vị Thánh Tăng. Sau khi ông chết, người con trai của ông đi xuất gia, không có người thừa tự, nên sự cúng dàng ngày một thiếu hụt, các sư phải giải tán đi nơi khác, chùa chiền bỏ hoang vu, không người sửa chữa, bị mục nát, điêu tàn! Người con trai ông đi xuất gia, khi trở về thấy thế, đi nói với dân làng và bè bạn thân quen, bỏ tiền ra tu bổ lại ngôi chùa, và mời các Sư Tăng về cúng dàng như xưa, bấy giờ các Sư Tăng đến tu rất đông, phần nhiều là những vị Cao Tăng Đại đức tu hành tinh tiến, đức hạnh đầy đủ.

Người con trai ông khi đó làm chủ chùa. Trong các Sư Tăng phân công mỗi người một chức, để chấp tác việc chùa, hôm đó có một vị phải phiên trực nhật, nhổ cỏ quét đất vun thành một đống ở giữa sân chưa kịp hốt. Ông chủ chùa bẳn gắt mắng rằng:

– Ai quét sân nhổ cỏ để đây không hốt đi, làm ăn thế à? Không khác gì đứa nô tỳ, lười lẫm như vậy? Trái lại sư này đã tu chứng đến quả vị La Hán, mà ông không biết!

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông chủ chùa thuở đó chính là Phú Na Kỳ, bởi một lời nói ác, mắng vị La Hán Thánh nhân, tỷ dụ Ngài như đứa nô tỳ, vì tội ấy nên trong năm trăm năm, thường phải làm thân nô tỳ. Cũng do công đức sửa lại chùa chiền, khuyên người cúng dàng Tăng, đền tội đã xong, nay được gặp ta đắc giải thoát; những người nước này được giáo hóa, là những người ngày xưa giúp việc làm chùa và cúng dàng chúng Tăng, nên đời đời sung sướng, hôm nay gặp ta đều giải thoát cả.

Khi đó tôi và đại chúng nghe xong đều vui mừng, tạ lễ mà lui.

30/ Phẩm thứ ba mươi NI – ĐỀ

Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn của ông Cấp Cô Độc, và rặng cây của Thái tử Kỳ Đà.

Bấy giờ trong thành Xá Vệ người ở đông đúc, chỗ cư xử chật hẹp, nhà xí ít, đi đại tiểu tiện phần nhiều phải ra ngoài thành, những nhà giàu sang họ đi vào trong một cái bô, đậy nắp cẩn thận, mướn người xách ra ngoại thành đổ.

Khi đó có ông Ni Đề nhà nghèo, hàng ngày sinh sống bằng nghề đổ phân thuê. Đức Thế Tôn luôn luôn nghĩ đến chúng sinh có duyên, kẻ nên độ trước thì độ trước, kẻ nên độ sau thì độ sau, cũng như cây kia nở hoa trước, thì kết quả trước, cây này nở hoa sau, thì kết quả sau, tùy theo những chúng sinh căn lành đã thục, hoặc sớm hoặc muộn đều được độ cả. Ngài biết ông Ni Đề căn lành đã thục, nghiệp chướng đã tiêu, nên một hôm tôi theo Ngài vào thành để cứu ông ra con đường giải thoát.

Khi đức Thế Tôn và tôi vừa vào tới đầu phố, thì ông Ni Đề gánh hai cái thúng phân đi đổ, ông nhìn thấy Phật trong lòng tủi hổ, quẹo đi ra con đường khác để lánh mặt, vừa ra khỏi đường, bỗng nhiên gặp Phật, sợ quá! Tẻ ra lối khác, tâm ý lộn xộn, đập thùng vào bờ tường gạch, phẩn bắn đầy người, ông ngồi thụp xuống và không dám nhìn Phật.

Đức Thế Tôn tới gần an ủi và nói rằng:

– Ni Đề, muốn theo ta xuất gia tu đạo cho thoát khỏi các nỗi đau khổ không?

– Dạ! Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài là dòng Kim Luân Vương, các đệ tử của Ngài là những quý nhân, con là kẻ hạ tiện hèn hạ, đâu dám xuất gia đồng hàng cùng các đệ tử của Ngài được!

– Ni Đề! Nghe ta nói: pháp của ta thanh tịnh nhiệm mầu, cũng ví như nước sạch có thể tẩy trừ được tất cả cấu uế nhơ bẩn, cũng như đống lửa cháy lớn có thể đốt tiêu mọi vật, mặc dù vật lớn hay nhỏ, cứng hay mềm, tốt hay xấu, đã bỏ vào thì thành tro than hết, pháp của ta cũng thế, rộng rãi vô biên, giàu nghèo, sang hèn, trai gái, nếu ai muốn tu ta sẽ độ hết.

Ông Ni Đề nghe Phật nói xong, lòng tin chắc chắn, phục xuống lạy và thưa rằng:

– Dạ! Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài đã giàu lòng thương đến con, vậy cúi xin Ngài cho con được nhập đạo tu hành.

Thấy ông bẩn thỉu quá, Phật sai tôi đưa ông ra sông tắm, và cho ông một tấm áo mới, mặc về Tinh xá Kỳ Hoàn, Phật thuyết pháp cho ông nghe như sau:

– Sinh tử là đau khổ phải nên sợ! Niết bàn là pháp an vui lâu kiếp bất diệt, phải nên kính.

Ông nghe Phật thuyết pháp xong hốt nhiên giác ngộ, chứng được sơ quả, chắp tay lễ kính thọ giáo làm Sa môn.

Phật nói: – Thiện Lai Tỳ kheo!

Ngài nói dứt lời, tóc của ông rụng hết, áo Cà sa thấy mặc tại mình.

Phật dạy: – Ni Đề! Ông nên biết: Sắc thân năm ấm này là khổ, những ác nghiệp gây ra từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tập họp ở tâm thức nên đoạn nó đi. Diệt phải nên chứng, đạo phải nên tu.

Nghe Phật nói xong, tự nhiên giác ngộ, dứt hết lậu nghiệp đắc quả La hán, đủ ba phép Minh và sáu phép thần thông.

Khi bấy giờ người trong nước họ nghe biết đức Phật độ cho ông Ni Đề, ai cũng lắc đầu lè lưỡi có ý khinh bỉ, nói cùng nhau rằng:

– Ông Ni Đề là người đổ phân thuê, đứng vào hàng hạ tiện, tại sao Phật lại độ cho ông ấy đi xuất gia. Lũ ta lễ bái làm sao? Thỉnh Phật và Tăng đến cúng dàng không mời kẻ đó! Lúc làm trai nghi họ lại ngồi bẩn giường nhà ta.

Họ xôn xao đồn khắp trong thành, ai ai cũng nghe biết, sau đến tai vua, vua nghe thấy cũng không hoan hỉ tâm, thầm nghĩ rằng:

– Ta phải can thiệp việc này, nếu để Phật độ những người nghèo hèn xuất gia thì khi cúng dàng lễ bái không tiện.

Nghĩ xong lên xe đi đến rừng Kỳ Hoàn, khi tới cửa rừng, vua dừng chân đứng nghỉ, nhìn thấy một vị sư ngồi trên tảng đá lớn vá áo, ở dưới có bảy trăm người cõi trời dâng hoa cúng dàng, lễ kính, đi nhiễu xung quanh, nhà vua tới gần thưa rằng:

– Kính thưa Tôn giả! Tôi muốn vào yết kiến Phật xin Ngài vào thông bạch cho.

– Phải! Bệ Hạ để tôi vào thưa trước giùm.

Nói xong rẽ qua hòn đá đi vào trong bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Vua Ba Tư Nặc ở ngoài cửa rừng muốn xin vào yết kiến đức Thế Tôn.

Phật nói: – Ni Đề hãy dùng đạo lực đi ra nói rằng: Ta cho vào.

Ông Ni Đề từ tảng đá lớn ấy bước ra cũng như người nhô khỏi mặt nước không có vướng vúi gì, bảo nhà vua rằng:

– Thưa Bệ Hạ! Tôi đã thưa với Phật, xin Ngài cứ việc đi vào.

Vua Ba Tư Nặc thầm nghĩ như vầy:

– Việc ta định hỏi trước, hãy khoan, ta sẽ hỏi Phật, vị Tỳ kheo này ở đâu tới đây có thần lực cao siêu, hơn nữa lại được các người cõi trời kính phục cúng dàng như vậy?

Khi tới nơi cúi đầu dưới chân Phật, đi ngang về bên hữu ba vòng, lui đứng về một bên bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Bên ngoài cửa rừng có một vị Tỳ kheo, thần lực cao siêu đi vào trong hòn đá cũng như người đi dưới nước, đá vẫn không nứt vỡ, họ tên gì, và ở đâu tới đây xin nói cho con được biết?

Phật dạy: – Đó là một người hèn hạ nhất ở trong nước nhà vua đấy, tên là Ni Đề hàng ngày đi đổ phân thuê, tôi thương tình độ cho xuất gia tu học, chưa được bao lâu đã chứng Thánh quả, hôm nay nhà vua đến đây cũng định hỏi tôi việc đó!

Nghe Phật nói thế nhà vua tàm quý, tự bỏ hết tâm kiêu mạn, nhân thế Phật nói rằng:

– Phàm con người ở trên đời, tôn, ty, sang, hèn, giàu, nghèo, khổ, vui, cũng do tạo ác nghiệp, hay thiện nghiệp đời quá khứ. Người nhận từ đạo đức, khiêm nhượng, kính trên nhường dưới, đó là bậc quý nhân, kẻ hung ác tàn bạo, ương ngạnh, kiêu ngông vô lễ độ, không phân phải trái thiện ác là kẻ hạ ngu tiểu nhân.

– Kính lạy đức Thế Tôn! Bậc Đại Thánh xuất thế! Cứu tế cho muôn loài đến những người hạ tiện, đê hèn còn cứu khổ ban vui, không bỏ sót từng lớp người nào, nếu có duyên lành. Ông Ni Đề tại nhân duyên gì phải sinh nơi hạ tiện? Làm phúc gì được gặp Thế Tôn? Hơn nữa lại được chứng quả La Hán cúi xin Từ bi chỉ thị.

– Nhà vua nghe cho kỹ, tôi sẽ nói rõ nguyên nhân cho biết.

– Dạ! Lạy đức Thế Tôn! Con xin chú ý nghe, cúi xin chỉ giáo.

Đây cũng một câu truyện đời quá khứ, thời đức Phật Ca Diếp giáng thế độ sinh, sau khi Ngài vào Niết bàn, có mười vạn vị Tăng cùng ở với nhau một Tùng Lâm. Hôm ấy vị Sa môn chủ Tùng Lâm mắc bệnh phải uống thuốc hạ, ông cậy thế làm một vị chủ không chịu đi ra nhà cầu, mua một cái bình bằng bạc mạ vàng, đi đại tiểu tiện vào trong, rồi bắt một người đệ tử đem ra ngoài đổ. Song người đệ tử ấy đã đắc quả Tu đà hoàn.

Bởi thế! Vì không có tâm khiêm nhường, không phân biệt được người hay kẻ dở, cậy mình có thế lực, giữ việc Tăng chúng, gặp chút bệnh nhẹ lười biếng không chịu đi, sai vị Thánh nhân đổ phân cho mình. Vì nhân duyên ấy bị lưu lãng trong vòng sinh tử, thường phải làm kẻ hạ tiện trong năm trăm đời, đi đổ phân thuê, cho đến ngày nay không thôi. Cũng do công đức xuất gia trì giới, nên gặp ta cứu thoát. Nhà vua nên biết ông chủ Tùng Lâm thuở đó, nay là Tỳ kheo Ni Đề đấy.

– Dạ! Kính lạy đức Thế Tôn quý hóa thay, Ngài xuất thế thực là hiếm có, làm lợi ích cho không biết lượng nào chúng sinh đau khổ.

– Quý hóa! Như thế đấy, ông nói cũng phải, chúng sinh luân chuyển trong ba cõi không có định, người tích thiện tu nhân, được sinh vào nhà tôn quý, kẻ tạo ác phóng túng vô lễ độ, phải sinh nơi hèn hạ.

Nghe Phật nói! Nhà vua rất vui mừng bỏ hết tâm kiêu mạn, khinh người, đứng lên quỳ thẳng ôm lấy chân ông Ni Đề lễ lạy, và cầu xin ông xá tội.

Đức Thế Tôn nhân vì ông thuyết pháp nói về luận “Bố Thí”, Luật “Trì Giới”, luận “Sinh Thiên”. Kẻ tà dâm phạm dục là hạnh bất chính, đoạn dục là hạnh an vui.

Bấy giờ tất cả mọi người dự thính, ai nấy đều vui mừng, tự thệ bỏ tâm kiêu ngạo tuân lời Phật dạy, tu hành tạ lễ mà lui.

(Quyển Thứ Sáu Hết)