Tình Yêu là Thiền Định – ” Bùng Vỡ – Thích Nữ Minh Tâm “

tình yêu là thiền định

Bạn định nghĩa ” Tình Yêu “thế nào? Bạn hiểu ” Tình Yêu” thế nào? Tình Yêu liên quan với Thiền Định thế nào? Các câu hỏi đó thật khó trả lời, phải không? Bạn không cần và không nên trả lời các câu hỏi đó; vì theo tôi, nếu bạn định nghiã được Tình Yêu thì bạn thực sự không hiểu Tình Yêu là gì cả .

Tình Yêu là hương thơm, là sức sống, là ánh sáng rực rỡ biết được chính mình, là chính mình. Tình Yêu là một niềm hỷ lạc diệu kỳ trong tâm. Tình Yêu có mặt khi bạn đã thẩm thấu “Bạn là Ai? “. Tình Yêu có mặt khi bạn thấy mình luôn hiện hữu trong người, và thấy người hiện hữu trong mình, là một thực thể không chia cắt. Một là Tất Cả. Tất Cả là Một. Tình Yêu có phép lạ nhiệm mầu giúp bạn thăng hoa tư tưởng, phát triển nhân cách và chan hòa niềm vui nhựa sống đến muôn lòai.

Tình Yêu không phải là sự giao tiếp tương quan giữa người này với người kia; Tình Yêu là thực thể . Con người không phải “đang yêu “; Con Người chính là Tình Yêu . Tình Yêu không phải là món hàng sản xuất trao đổi. Cội nguồn của sự hoàn thiện nhân cách tối viên mãn chính là Tình Yêu.

Tôi xin hỏi thẳng bạn: ” Thái tử Sĩ Đạt Ta có yêu Da Du Đà La không? ”

Bạn đừng ngập ngừng do dự. Câu trả lời chớp nhoáng, thẳng thắn và cởi mở là: “Có yêu “. Thái tử Sĩ Đạt Ta yêu Da Du Đà La rất nhiều, rất sâu đậm, rất nồng nàn; vì thế Thái tử đã phải rời bỏ hoàng cung lúc nửa đêm. Sự lo sợ trong tâm Thái tử lúc đó không phải là sợ những giọt nước mắt của người yêu, không phải sợ tiếng khóc não nùng, gương mặt thẫn thờ đau khổ của Da Du Đà La – mà Thái tử sợ chính nỗi lòng mình, sợ chính tình yêu của mình. Phải, Thái tử Sĩ Đạt Ta rất yêu Da Du Đà La và nàng luôn hiện hữu trong tâm Thái tử. Đó là điều chúng ta không nên chối cãi, biện hộ hay phủ nhận.

Thái tử đã từng tu tập thiền định, đã từng quán chiếu – nhưng hình bóng Da Du Đà La luôn ngự trị chiếm hữu. Vì thế, Thái tử đã quyết định chuyển hóa Tình Yêu của mình thành Bất Diệt, vượt lên cái Hữu Hạn tầm thường của thế nhân. Đó không phải là sự Hy Sinh.

Đó chính là sự Thể Hiện cao thượng nhất, thực tiễn nhất của một ” Tình Yêu” chân chính rộng lớn.

Người phụ nữ khi yêu là muốn chiếm giữ.

Người đàn ông khi yêu là ban cho, chia xẻ.

Mười hai năm sau, Thái tử Sĩ Đạt Ta, giờ là Đức Phật trở về hoàng cung. Bây giờ, không còn một vấn đề gì nữa cả. Bây giờ Da Du Đà La chính là Phật; Phật chính là Da Du Đà La. Phật là chúng sanh; chúng sanh là Phật! Thực thể hiện hữu đó không còn bị cắt xén phân hai ranh giới nữa ” Ta là Người, Người là Ta; Ta chính là Tình Yêu! ”

Trước kia, Da Du Đà La là tất cả và rất khó khăn cho Sĩ Đạt Ta đạt được Chân Lý. Bây giờ, Chân Lý là tất cả và không còn một chỗ trống nào cho cái tổng hợp gọi là “Da Du Đà La “.

Cũng vậy, nếu bạn không biết chắc bạn là ai, bạn không thể nào yêu được . Bạn sẽ sợ hãi. Sợ Hãi là tính chất trái ngược của Tình Yêu. Hãy nhớ kỹ là ” Thù ghét ” không phải đối nghịch với Tình Yêu như mọi người lầm tưởng; mà Sợ Hãi mới chính là sự trái ngược. Trong Tình Yêu, người ta ban rãi rộng lớn ra.

Trong Sợ Hãi, người ta thu nhỏ co mình lại. Trong Tình Yêu, người ta cởi mở hòa hợp. Trong Sợ Hãi, người ta khép kín cửa tâm hồn. Trong Tình Yêu, người ta tin tưởng. Trong Sợ Hãi, người ta nghi ngờ. Trong Tình Yêu, mọi cá thể vắng bóng. Trong Sợ Hãi, người ta cảm thấy cô đơn. Thấu triệt được như vậy, thì bạn đâu có thấy cô đơn, đâu có thấy mất mát sợ hãi, vì không có cái gì để nắm bắt chiếm giữ, phải không? Thế nên, cây xanh kia, chim hót kia, mây trời, trăng sao . . . vũ trụ đang ở trong bạn. Tình Yêu có mặt khi bạn thấy rõ được bầu trời tâm linh chính mình.

Đứa trẻ con không sợ hãi gì cả; nó thực sự không bị sợ hãi ám ảnh. Trẻ con được sanh ra trong sự an toàn, không vướng chút sợ hãi nào. Nếu xã hội có thể giúp đỡ và ủng hộ chúng không bị sợ hãi bất cứ gì cả; có thể giúp chúng trèo lên cây cao và núi đồi xanh tươi kia, giúp chúng bơi lội tung tăng trong đại dương và suối nguồn; nếu xã hội bằng đủ mọi cách có thể khuyến khích chúng trở thành những lãng tử phiêu bồng thay vì nhồi nhét mớ giáo điều cũ rích và tín ngưỡng sơ cứng chết yểu kia, thì những trẻ thơ kia sẽ chuyển hóa thành những ” tình nhân cuộc sống ” vĩ đại siêu tuyệt. Đó mới chính thực là Tôn Giáo. Đó mới chính là Thiền Định . Không có tôn giáo nào cao siêu hơn Tình Yêu (viết hoa).

Hãy thiền định, hãy nhẩy múa, hãy hát ca, hãy lắng sâu, lắng thật sâu, tận cùng con người bạn. Hãy ôm vũ trụ, ôm tha nhân thật chặt trong vòng tay rộng mở của bạn. Hãy tha thiết đón nhận Tình Yêu người cho bạn và trút hết sức sống của bạn cho người.

Đừng e dè, đừng sợ sệt, đừng lo lắng nghi ngờ gì cả. Hãy mở rộng cõi lòng. Hãy chú tâm lắng nghe tiếng chim hót riú rít. Hãy ngắm nhìn giọt sương mai đọng trên cánh hoa buổi rạng đông. Đừng để tri thức chen chân vào; đừng dán bất cứ một nhãn hiệu nào lên sự vật. Đừng phân loại, định giá gì cả .

Hãy đến với người, sống với người, hòa hợp với người, càng nhiều càng tốt, vì mỗi người là một bộ mặt khác nhau của Chúa, của Phật, của Tình Yêu, của Thiền Định, của Chân Lý .

Tin tôi đi! Tin tôi đi! Và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận một sức sống mới đang trào dâng trong bạn, một sức sống mãnh liệt thâm huyền đổi thay bạn, chuyển hóa bạn. Đó chính là sức mạnh của Tình Yêu Thánh Thiện, Tình Yêu của Chư Phật và bản chất của Tình Yêu bao la vô phân biệt đó chính là khát vọng thẩm sâu nhất muốn che chở ban ơn cho tất cả muôn loài từ vô thỉ đến vô chung.

Câu cuối cùng tôi muốn nhắn bạn là “Tình Yêu chính là Thiền Định”. Nếu không có Tình Yêu, bạn không thể nào thiền định được. Bạn không thể nào khám phá ra chính con người thật của bạn – và nếu không hiểu được mình thì làm sao thông cảm và thương yêu người khác được? Cố gắng tọa thiền đến mấy đi nữa cũng trở thành một con cóc chết mà thôi!

Hãy yêu tận cùng !

Hãy sống tận cùng !

Tôi có trong người – Người có trong tôi !

Hãy cùng tôi thét to lên cho đất trời lồng lộng ” Ta Yêu Người Trọn Vẹn, Tận Cùng Và Mãi Mãi! ”

Ta nên rong chơi ngòai ranh giới của thế gian, ta phải hoàn toàn là người ngoại cuộc. Chừng đó thế gian mơí có ý nghĩa và vẻ đẹp của những tầng trời và trái đất sẽ thường hằng, miên viễn …

 

Xem thêm:

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9

Phần 10

Phần 11

Phần 12

Phần 13

Phần 14

Phần 15

Phần 16

Phần 17

Phần 18