Có Thượng Đế không? Chúng ta không biết.
Thực sự có linh hồn không? Chúng ta không biết.
Có một đời sống khác sau khi người ta chết đi không? Chúng ta không biết.
Đời sống con người có một ý nghĩa nào nữa không? Chúng ta không biết.
Trên đây là tất cả triết lý của đời sống con người mà người ta vẫn thường thắc mắc và tự hỏi. Nhưng câu trả lời duy nhất chỉ là “Ta không biết.”
Người ta đã tìm ra nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo, người ta đã phát minh ra nhiều công trình khoa học vĩ đại, người ta cũng đã giải đáp nhiều bài toán tâm lý hóc búa; nhưng những câu hỏi tương tự như trên hình như vẫn còn kẹt đáp số.
Tôi đã học hỏi, đã hành trì nhiều phương pháp của vài đạo giáo, tuy nhiên tôi cũng vẫy vùng mò mẫm trong bóng tối của tâm linh; cho đến khi tôi nghiên cứu học hỏi đạo Phật, tôi đã tự giải đáp cho mình.
Đức Phật đã dạy môn đệ của Ngài:
-“Đừng phí thì giờ tìm hiểu những vấn đề vô ích, có linh hồn hay không có linh hồn, chết rồi đi về đâu, có thượng đế hay không có thượng đế v.v. Điều căn bản thiết thực nhất là nỗi khổ của Sanh, Lão, Bệnh, Tử của kiếp người và phương pháp giải thoát khổ đau ngay trong đời sống hiện tại.
Đó là việc làm của một con người “trí tuệ.”
Đúng vậy, một khi chúng ta dừng tìm kiếm bên ngoài và quay lại nhìn sâu vào bên trong chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy câu giải đáp cho mọi vấn đề siêu hình hay tâm linh, và qua sự tu tập hành trì thiền định, chúng ta dễ dàng bước vào thế giới nội tâm và giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Có một lần, những tín đồ của vị thần này đi đập phá thiêu hủy những tượng thần và đền thờ cuả một đạo giáo khác. Điều đó không có gì mới lạ cả. Nó đã xảy ra từ khi có loài người.
Từ khi khai thiên lập địa, con người đã tranh giành nhau để sống còn (và chỉ có loài người làm như vậy.) Tranh giành miếng ăn, đất sống và tranh giành cả đất cắm thần linh. Ngôi đền này kèn cựa ngôi đền kia, ông tu sĩ này hậm hực ông đạo sĩ nọ, bà vãi này nói xấu cô sãi kia v.v. Vì sao? Vì sao? Vì lòng tham cố hữu và bản ngã con người; vì thế, thay vì ban phát tình thương cho nhau, con người đã đốt cháy đồng loại bằng thuốc độc của hận thù và chia rẽ.
Tôi vưà về đến nhà sau khi nghe tin một ngôi đền đã bị phá sập. Nhưng những kẻ phá hoại đó vẫn chưa nguôi giận. Chúng còn hung hăng muốn đi tìm các đền thờ khác để đập phá nữa. Chúng cho rằng đó là cách để bảo vệ tôn giáo của chúng, và nếu còn một ngôi đền nào thờ thần khác, chúng nó sẽ không được an ổn nghỉ ngơi.
Tôi bật cười vì luận điệu đó. Bọn người này tức giận, đổ xô tới tôi:
-“Đây không phải trò đùa đâu nhé. Chúng tôi rất quan tâm tới “tôn giáo của chúng tôi và quyết lòng bảo vệ Thần của chúng tôi.”
Tôi hỏi:
-“Các vị có hiểu được tiếng nói của quỉ Satan không?
Bọn họ ngạc nhiên:
-“Tiếng nói đó như thế nào?
Tôi nhận xét rằng đám người này vẫn bô bô đọc kinh và cầu nguyện, nhưng rõ ràng họ không hiểu gì về tiếng nói của Satan cả.
Tôi kể cho họ nghe một câu chuyện.
“Trên một chuyến tàu viễn du, giữa đám đông hành khách đang ồn ào cười nói huyên thiên, lao xao qua lại, có một vị khất sĩ ngồi yên lặng cầu nguyện. Sự im lặng cầu nguyện của vị tu sĩ đó khiến vài người trong đám hành khách đó cảm thấy khó chịu, bực bội. Họ bắt đầu cười cợt, trêu ghẹo ông ta. Vị khất sĩ vẫn im lặng, thản nhiên. Đùa giỡn một hồi, thấy không có kết quả gì, đám hành khách đó lấy chân đá vào vị khất sĩ, lấy giầy đập lên đầu ông ta. Vị khất sĩ vẫn đắm mình trong thiền định và cầu nguyện, và những giọt nước mắt tình thương lăn dài xuống má của ông.”
Chợt, có tiếng nói trên không trung vang vọng:
-“Này con, nếu con muốn, ta sẽ lật úp con tàu này, hất bọn kia xuống biển.”
Đám hành khách lố lăng kia hoảng sợ, vội qùi xuống xin lỗi, năn nỉ khất sĩ tha tội
cho họ. Họ biết là hành động xúc phạm của họ đã phải trả một giá rất đắt.
Vị khất sĩ đó điềm nhiên trả lời:
-“Đừng lo sợ,” và ông ngước mặt lên trời, nói: “Lạy Thượng Đế, nếu Ngài muốn chuyển đổi, thì xin Ngài chuyển hóa tâm tư ho, khiến họ quay về đường lành nẻo thiện, chứ Ngài lật úp con tàu này, thì cũng đâu có lợi ích gì?”
Tiếng nói trên không trung vang vọng:
-“Ta rất bằng lòng về con. Con nói đúng lắm. Giọng nói lần trước không phải là của ta. Chỉ khi nào người ta nhận ra được tiếng nói của Satan thì mới có thể nhận ra được giọng nói của ta, của thượng đế.”
Hãy suy nghĩ kỹ đi, các bạn. Các bạn đang nhận ra giọng nói của Satan hay của Phật, của Chúa, của thần thánh, v.v. . . .?
Trên bục giảng kia là một giảng viên nổi tiếng, lỗi lạc. Ông ta là một học giả, một nhà trí thức đã dày công nghiên cứu nhiều triết thuyết, nhiều đạo giáo. Ông ta tỏ vẻ rất am tường nhiều trường phái triết học, đạo học, những hệ thống tín ngưỡng, tư tưởng, với nhiều quan niệm lý luận khác nhau.
Khi ông ta trình bày quan điểm của mình xong, ông ta mời mọi người phê bình và tranh luận. Đầu tiên, chỉ có một, hai người góp ý, phê bình, nhưng sau thì nhiều người nhảy vào tranh cãi. Sự tranh cãi của họ càng lúc càng gay cấn hơn, ác liệt hơn; nó không còn tranh luận giáo lý nữa, mà là chỉ trích, bới móc cá nhân, quyết hạ đối thủ cho bằng được. Bây giờ thì không có ai là diễn giả, không có ai là thính giả. Họ đều nói cùng một lúc, chẳng có ai nghe ai hết.
Tôi ngồi yên lặng, một người đến hỏi ý kiến tôi. Tôi nói tôi không có ý kiến gì hết. Tôi nghĩ rằng, một khi quan niệm khởi lên, chân lý bay mất. Chân lý chỉ có mặt một khi con người dứt bặt mọi quan niệm, ý nghĩ.
Tôi nói gì với họ bây giờ? Họ có vẻ như đang chờ tôi noi lên một điều gì để cân bằng cuộc tranh cãi. Cuối cùng, tôi kể cho họ nghe một câu truyện.
“Vào cuối thế kỷ thứ 6 Công Nguyên, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa. Ngài đã ở lại Trung Hoa nhiều năm truyền bá dòng thiền. Sau khi Thiền Tông được hưng thịnh ở Trung Hoa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma quyết định quay về Thiên Trúc.
Trước khi vân du, Tổ Đạt Ma họp các đệ tử lại và hỏi các đệ tử để xem ai là người đã thâm nhập giáo lý và có thể gánh vác Phật sự.
Tổ hỏi:
-“Đạo ở đâu?”
Một người đệ tử bước ra thưa:
-“Theo con, chân lý nằm ở giữa Không và Có. Ta không thể nói đây là Đạo mà cũng không thể nói đây không phải là Đạo. Hình danh sắc tướng, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.”
Tổ nói:
-“Ngươi được lớp da của ta.”
Một đệ tử khác ra thưa:
-“Theo con thấy, chân lý là quay về tự tánh, hồi quang tự kỷ. Một khi ta đã thấy đạo rồi, chân lý hiển hiện, không bao giờ mất.”
Tổ nói:
-“Ngươi được lớp thịt của ta.”
Một đệ tử khác, thứ ba, ra thưa:
-“Ngũ uẩn là không, ngũ trần cũng không. Chân Không là Đạo.”
Tổ gật gù:
-“Ngươi được lớp xương của ta.”
Cuối cùng, có một đệ tử bước ra đặt trán lên chân Tổ và yên lặng. Cặp mắt của người này không biểu lộ một điều gì và gương mặt thản nhiên bình lặng như mặt nước hồ thu không một gợn sóng.
Tổ nhìn sâu vào người đệ tử và nói:
-“Ngươi được linh hồn của ta, pháp ấn của ta.”
Câu truyện này là câu trả lời của tôi. Có phải chăng Tổ Bồ Đề Đạt Ma muốn nói:
“Đạo mà còn nói lên được, có phải chăng là Đạo?”
Một ngày kia, Đức Phật định lên tiếng phá tan sự yên lặng. Ngay lúc Ngài vưà mở miệng thì một tiếng chim hót lảnh lót vang lên. Đức Phật yên lặng, lắng nghe. Sáng hôm đó, trời trong xanh, gió thổi đùa qua những ngọn cây và chim muông ríu rít hót vang chào đón bình minh đầy sức sống.
Đức Phật yên lặng và chúng đệ tử theo Ngài cũng im lặng. Trong bầu không khí tĩnh mịch thanh tịnh đó, trong khoảng thái hư lồng lộng, tiếng chim hót nghe thật thiêng liêng, nhiệm mầu làm sao. Và khi tiếng chim dứt, chúng đã bay đi xa rồi, sự yên lặng trang nghiêm của vạn vật, của thiền đường, chiều sâu của tư duy càng sâu thẳm, sâu thẳm hơn.
Ngày hôm đó, Đức Phật không nói một lời nào. Buổi pháp thoại của Ngài là “Im Lặng,Vô Ngôn.” Và rồi, Ngài đưa tay lấy một cành bông sen cạnh Ngài, giơ lên và im lặng.
Đại chúng nhìn, ngơ ngác, không hiểu gì. Duy chỉ có đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.
Đức Phật dạy:
-“Này, Ma Ha Ca Diếp, Chánh Pháp Nhãn Tạng, Ta trao truyền cho ngươi.”
Tôi ngắm người làm vườn đang bón phân vào những cây kiểng. Sau đó, ông ta rưới nhẹ nước, chờ nước từ từ ngấm qua lớp vỏ mục trên mặt đất và sẽ ngấm tận xuống lớp phân bón. Một thời gian ngắn sau, đất sẽ mầu mỡ và hoa sẽ nở rộ trên cây.
Bạn không thể nào thúc giục hoa nở mau được. Bạn phải chờ đợi đúng thời đúng khắc. Bạn cần có sự kiên nhẫn và yêu thương.
Thượng Đế trồng những nụ mầm thiện cũng như vậy. Và cho những đóa hoa thanh khiết nhân bản nở ra trên thân cây người, Ngài cũng đợi chờ với tất cả lòng yêu thương và kiên nhẫn.
Sự thiếu kiên nhẫn không bao giờ đạt tới mục đích. Người nào thiếu kiên nhẫn sẽ không bao giờ thành công cả.
Nếu bạn kiên nhẫn đợi chờ với yêu thương, một ngày kia, những cánh hoa sẽ nở tung ra và tỏa hương thơm khắp căn vườn nhà bạn, xông ngát hương tâm hồn bạn.
Ngày đó, bạn sẽ hiểu Thượng Đế là ai, Chân Lý ở đâu?
Thật ngạc nhiên xiết bao khi tôi thấy bạn qúa lo lắng về đời sống. Cuộc đời không phải suy nghĩ mà được; đời sống phải được sống đúng trong từng giây phút một.
Đời sống không phải là sự rập khuôn, không phải là sự thực hành một vài nguyên tắc mà ta cho là đủ.
Đời sống không phải là những giá trị hão huyền, không phải là những danh từ trống rỗng, cũng không phải là những danh xưng khoác lác vô vị.
Đời sống cũng không phải là một qui tắc, một giáo điều hay một cái khuôn đúc ép ra những con người máy vô tri.
Đời sống thật ra là một cái gì sống động, đáng yêu và thực tế.
Hãy thức dậy và đi! Hãy thức dậy và sống!
Một khi bạn đã thức dậy và sống, thì phải sống cho trọn vẹn.
Xưa, có một anh chàng muốn trèo lên đỉnh núi. Nhưng dù đỉnh núi không cao ngất, chỉ cao hơn những ngọn đồi thường một ít thôi, anh chàng đó cứ lần lửa mãi, chưa chịu khởi hành, dù anh ta rất muốn leo núi. Cuối cùng, anh ta quyết định đi. Anh ta leo, leo mãi, mệt nhoài rồi mà cũng chưa tới đỉnh núi. Chiều xuống, chiều tàn và đêm phủ vạn vật. Đỉnh núi xa xa, mờ mờ.
Ngọn đèn trong tay anh ta sắp cạn dầu rồi, giỏi lắm nó chỉ soi sáng cho anh ta thấy độ mươi bước nữa thôi. Anh ta do dự, ngần ngại nhìn lui lại phía sau. Ngôi làng bé nhỏ của anh đã xa khuất rặng cây cao kia rồi. Lui về cũng tiếc công mà nhìn lên phía trước, đỉnh núi chắc phải khoảng mười dặm nữa mới tới đích. Ngọn đèn thì yếu dần đi, chỉ độ vài sãi chân. Anh ta suy nghĩ, ngồi xuống, đứng lên và lại ngồi xuống. Làm sao bây giờ, làm gì bây giờ? Ngay lúc anh ta đang chần chừ, do dự, lúng túng, một ông gìa leo lên núi với ngọn đèn dầu còn yếu hơn ngọn đèn của anh ta.
Anh ta thắc mắc làm sao ông lão đi được với ngọn đèn tí xíu như vậy? Anh ta gọi ông lão và hỏi ông; ông lão phá lên cười, nói:
-“Này anh bạn dại khờ ơi, anh cứ mạnh dạn bước tới đi, dù anh bước mười bước thôi cũng còn hơn anh cứ đứng nguyên chỗ này. Mỗi bươc chân tiến tới trước của anh là một sự thay đổi không ngừng. Nếu anh cứ ngồi và suy nghĩ thì bao giờ anh mới lên đến đỉnh núi? Bước lên, hăng hái lên, tiến lên.”
Anh chàng dại khờ đó hiểu ra rồi. Anh ta hăm hở, leo lên, leo lên, và dù ngọn đèn đã tắt, anh ta vẫn leo.
Cuối cùng, anh ta đã trèo lên tận đỉnh núi trước khi mặt trời mọc. Và bây giờ anh đang tắm trong ánh sáng ấm áp nồng nàn của buổi bình minh trên đỉnh núi.
Thế nào, bạn có muốn cùng tôi leo núi không?
Chúng ta cùng trèo núi, trèo cao hơn nữa.
Một vị sư đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất dần. Bạn của vị sư đó đến thăm và hỏi:
-“Ta biết ngài đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngài?”
-“Ta đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì, ngài giúp được gì cho ta?”
-“Nếu thực sự ngài nghĩ “Có Đến, Có Đi,” ta sẽ chỉ cho ngài “Con Đường Không Đến, Không Đi.”
Những lời nói đó đã đưa vị thiền sư vào cõi Chân Không vô cùng vô tận với nụ cười giải thoát trên môi.
Trên con đường đạo, người lữ hành cô độc phải trãi qua những giây phút mệt mỏi, chán chường, bị thử thách hay đầy tuyệt vọng. Nhưng một khi người lữ hành kia vượt qua được mọi gian nan trở ngại, đạt đến mục tiêu cuộc hành trình, thì mặt trời Chân Lý xuất hiện ra rực rỡ hơn bao giờ hết. Tất cả những phương tiện người đó mượn để đi đến mục tiêu đều gạt bỏ lại phía sau cũng như thấy “mặt trăng” rồi, chúng ta phải quên đi “ngón tay.”
Lời Kết:
-Bạn có nghe tiếng nước chảy của một con suối bắt nguồn từ đỉnh núi gần đây không?
-Tôi có nghe.
-Đó, hãy bắt đầu từ đó. Hãy vào bằng chính cửa đó.
Cánh cửa thật gần. Đó là tiếng suối reo, tiếng lá hoa thì thầm trong gió, ánh nắng mặt trời đùa giỡn với sóng đại dương. Cánh cửa đó không xa tầm tay bạn. Bạn chỉ cần đưa tay, vén tấm màn che phủ mắt bạn thì tự nhiên cánh cửa hiện ra trước mặt.
Lời tôi nói chỉ là một sự dẫn đường.
Bạn cần phải đặt chân bước thẳng, bước mau và vững chắc tự mình.
Hãy quên lời tôi nói. Hãy quên “Ngón Tay Chỉ Đường” của tôi.
Dịch xong ngày 09 tháng 9 năm 1998
Thích nữ Minh Tâm
Xem tiếp