Ngón Tay Chỉ Đường ( Phần 1 ) – Thích Nữ Minh Tâm

Lời Giới Thiệu:

Bhagwan Shree Rajneesh là dấu hiệu rõ nhất trong cuộc hành trình viễn du của bạn. Rajneesh là ánh sáng, là ngọn hải đăng, là ngôi sao chỉ đúng hướng bạn sẽ tìm tới và muốn đi tới; như Đức Phật, như Lão Tử, như Jesus Christ, Rajneesh là ngón tay chỉ mặt trăng Chân Lý.

Không thể dùng ngôn từ hữu hạn để nói về cái Vô Hạn, Vô Cùng; không thể dùng cái tầm thường để thuyết minh về cái Chân Thường Tuyệt Đối; nhưng Rajneesh phải mượn ngôn ngữ loài người để diễn đạt Chân Lý bất diệt và vén lên bức màn bí mật cuộc sống, mượn ngón tay chỉ mặt trăng để trao cho loài người một thông điệp về sự thật cuộc đời.

“Pointing The Way” là một bộ sưu tập hàng trăm những mẫu đối thoại, thơ cho bạn, những sự kiện và những bài thuyết giảng ngắn của Rajneesh. Ông là một giáo sư, một giảng sư, một triết gia và tác giả của hàng trăm cuốn sách nổi tiếng tại Ấn Độ và ngoại quốc.

Gặp được Rajneesh trên đoạn hành trình về chân lý của tôi, tôi nghĩ rằng tôi là một trong những người may mắn nhất được nhìn thấy ánh s ao sáng chỉ đường trong đêm tối, để từ đó, bắt đầu tôi tự hỏi “Tôi là ai?”

Đã từ lâu, Rajneesh đã tự hỏi mình “Tôi là ai?” thì nay tôi mời bạn đọc “Pointing The Way” của Rajneesh để bạn cùng hòa nhịp thở với Rajneesh trong mạch sống muôn đời của vũ trụ hàm linh.

Swami Krishna Prenn

Chân thành cảm niệm công đức của tất cả qúi Phật tử xa gần đã ủng hộ công tác Pháp thí này trong suốt mấy năm qua và đặc biệt công đức của Đạo hữu Trần mạnh Hùng (pd Tuệ Cường) đã tận tâm giúp đỡ tôi rất nhiều về mọi mặt để hoàn thành những tác phẩm dịch thuật của tôi từ bao năm qua và phổ biến lên mạng lưới internet www.bachhac.net website.

Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho quí đạo hữu bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn tu hành, vạn sự viên thông.

Nguyện hồi hướng công đức Pháp thí này đến pháp giới chúng sanh đều tròn thành Phật đạo.

Tỳ khưu Ni Thích nữ Minh Tâm cẩn bút

Mãi cho đến chiều tối hôm qua, cây bông mọc ở trong vườn nhà vẫn còn sống. Những gốc rễ của nó bám sâu xuống lòng đất và mạch sống vẫn tuôn chảy trong lá, trong nụ, trong cây. Cây bông đó thật đẹp, nó mang mầu xanh lá cây thật dễ thương, thật sáng, thật ngọt ngào. Cây bông đó, trước kia, vẫn thường vui đùa ve vẩy lá cây theo ngọn gió mềm và ban rãi hạnh phúc bé nhỏ của nó đi khắp nơi. Tôi đã dạo quanh quẩn vườn nhà rất nhiều lần và cũng đã chia xẻ hạnh phúc cuộc sống với cây bông.

Ngày hôm qua, một kẻ nào đó đã nhổ cây bông đó lên rồi. Ngày hôm nay, khi tôi nhìn cây bông thì nó đã chết tự bao giờ.

Cái chết xảy đến cho cây bông khi rễ của nó không còn bám chặt vào đất nữa. Sự sinh trưởng của cây bông hoàn toàn phụ thuộc vào những cái rễ đó. Mặc dù bạn không thấy chúng, nhưng những cái rễ đó chứa đựng bí mật của cuộc sống.

Cây cỏ đều có rễ cây. Loài người cũng vậy. Cây cỏ đều có một nền tảng để sống, loài người cũng có một nền tảng để sinh tồn. Một khi những cội rễ bị bứng gốc, cỏ cây đều chết. Con người khi mất đi cái cơ bản của đời sống, con người cũng rụi tàn héo úa.

Có một lần, tôi đọc một cuốn sách của Albert Camus, trong đó có câu “Tự tử là một vấn đề triết lý vô cùng quan trọng.” Albert Camus rất chí lý. Ngày nay, con người hình như không có một muc đích thực sự cho đời sống của mỗi người. Mọi vật dường như vô nghĩa, phi lý. Cái rễ cái của con người như là bị lung lay, và trong sự vắng mặt của dòng liên kết cuộc sống, con người không còn gì hết ngoài sự cô đơn và sợ hãi. Con người cần gốc rễ, con người cần đất sống. Rễ ở trong lòng và linh hồn là tôn giáo. Nếu nhân loại biết trồng cội rễ tâm linh, thì đóa hoa Nhân Bản sẽ nở ra khắp vũ trụ hành tinh này.

Một người bạn của tôi đã trở thành một tu sĩ vàmột ngày kia, ông ta đến thăm tôi. Thấy ông ta mặc chiếc áo tu sĩ mầu vàng, tôi nói:

-“Tôi nghĩ là bạn đã thành một vị thánh rồi chứ. Cái này là cái gì vậy? Sao bạn phải nhuộm áo đi vậy?”

Ông bạn tu sĩ của tôi cười sự ngu ngốc của tôi.

-“Ông không hiểu gì hết. Tu sĩ thì phải ăn mặc khác biệt người thường chứ?”

Tôi suy nghĩ, không trả lời. Ông bạn tôi thắc mắc.

-“Sao, suy nghĩ gì vậy?”

-“Đây là một vấn đề cần nói,” tôi trả lời, “Một tu sĩ không cần phải có bề ngoài khác biệt, nếu cần phải có sự khác biệt thì ông ta không phải là thánh nhân.”

Có lẽ bạn tôi không hiểy ý tôi muốn nói gì, nên ông ta phản đối liền:

-“Đâu có được, người tu phải khác với người thường chứ, phải mặc áo vàng chứ; chẳng lẽ ông muốn người tu sĩ trần truồng, không mặc gì cả?”

Tôi trả lời:

-“Không phải vấn đề mặc hay không mặc. Tôi muốn nói cái sâu kín hơn dưới lớp áo này.”

-“Nhưng những cái áo này nhắc nhở tôi là một tu sĩ.”

Tôi phá lên cười:

-“ Tôi thì lại khác, tôi chẳng cần một lớp áo nào bao phủ tôi. Ông là loại thánh nhân gì nếu ông cần có một lớp áo để nhắc nhở ông? Quần áo chỉ là vật ngoài thân, chỉ là bề mặt. Những ai chỉ thấy lớp vỏ bên ngoài, lớp bề mặt đó thì sẽ không bao giờ thấy được bên trong tâm hồn mình. “Những ai thoát được cái vỏ bên ngoài đó mới chính là Thánh Nhân.”

Bạn có hiểu tôi muốn nói gì không?

Chiều dần xuống. Mơi lúc nãy, bầu trời còn trong sáng, thế mà bây giờ đã dần bị mây đen phủ kín. Mặt trời đã lặn từ lâu và không gian nghe lành lạnh. Tôi dừng chân ở một cửa tiệm. Ông chủ tiệm có nuôi một con vẹt. Con vẹt không cần ở lồng., nó hay đậu trên vai hay bàn tay của ông chủ tiệm. Dù không có lồng, con vẹt cũng dường như không muốn bay đi tìm tự do. Nó chỉ luôn miệng nói rằng “ram, ram,” và lập đi lập lại “ram, ram.”

Tôi bàn chuyện:

-“Chà, con vẹt chắc biết nói giỏi lắm.”

-“Con vẹt của tôi biết nhiều lắm, nó rất giỏi.”

Thoạt nghe qua, tôi bật cười.

-“Nếu vậy, các nhà học giả đều là vẹt hết.”

Đúng vậy, theo tôi, trí thức không phải do học thức mà có được. “Sự hiểu biết thực sự không phải do sách vở hay nhà trường mà có, cũng không phải do sự thâu lượm được từ những người khác hay do sự ghi chép từng sự kiện, biến cố. Những gì bạn học được nơi sách vở, nơi học đường chỉ biến bạn thành những con vẹt biết nói, và nhai đi nhai lại những cặn bã của những người khác, như con bò nhai cỏ, như con voi nhai bả mía. Cái học thức đó chẳng khác gì một cái thây chết bị người ta giải phẫu, cắt xén, lật đi lật lại nhiều lần. Và một đầu óc chứa đầy những sự kiện chết đó sẽ chẳng nhận thức điều gì.

Tri thức là một cái gì vượt ra ngoài cái xác học thức vay mượn đó. Nó la kinh nghiệm, là cuộc sống, là cái nhìn trực giác thẳng vào bản chất sự vật không qua một lớp áo tri kiến nào. Với cái nhìn xuyên suốt đó, bạn mới thẳng tiến được đến “đỉnh núi Chân Lý”.

Xem tiếp

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9