Đó là một buổi xế trưa và trời xanh trong đẹp. Dọc theo con đường nhỏ, một đám trẻ con nô đùa với nhau, chơi xây nhà bằng cát. Một lát sau, bọn chúng gây lộn ầm ĩ. Chúng cãi nhau vì có đứa đã xô xập nhà đứa khác – “những lâu đài bằng cát.” “Cãi nhau vì những lâu đài bằng cát.”
Những đứa nhỏ không ai chịu thua ai; và rồi, trận khẩu chiến ác liệt hơn, bọn nhỏ đã có sự bênh vực của cha mẹ chúng. Cha mẹ đã nhẩy vào trận chiến của mấy đứa nhỏ để giành phần thắng – “những lâu đài bằng cát”
Tôi đứng bên này đường và nhìn trận ẩu đã trước mặt. Số tuổi hình như không có gì khác biệt và sự trưởng thành của một con người không có gì liên quan đến tuổi tác. Có nhiều người vẫn ngu dại khờ khạo cho đến khi chết, “vẫn là đứa trẻ con bé bỏng khờ khạo “ dù tuổi đời đã rất lớn. Đó là lý do Lão Tử đã “trưởng thành” ngay khi chỉ là một cậu bé. Mới nghe qua chúng ta tưởng là có cái gì không bình thường, nhưng không, sự thực là vậy. Có rất nhiều người, thể xác phát triển to lớn đẫy đà, đầy đủ , nhưng bộ óc thì không thăng tiến được bao nhiêu.
Vì thế họ mới cãi nhau, ẩu đã nhau, tranh giành lẫn nhau “những lâu đài bằng cát.” Ai nói con người là một động vật cao cấp? Một động vật đã thoát khỏi thú tánh? Không, con người vẫn còn nguyên vẹn sự man dại của một loài vật hạ đẳng – nếu không, họ đâu có chém giết nhau, tranh giành nhau, sát phạt lẫn nhau vì những ảo vọng cuộc đời.
Ngày xưa, Diogenes đã đốt đuốc đi tìm “Một con người thực sự” giữa ban ngày. Ông ta đốt đuốc tìm mãi mà chưa gặp đựơc Con Người mà ông ta muốn thấy. Một ngày kia, có người hỏi ông rằng, “Ông đã hết hy vọng tìm người chưa?” Ông ta trả lời rằng: “Tôi vẫn đốt đuốc đi tìm.”
Tôi vẫn đứng bên này đường. Đám đông người đã tụ tập nhiều hơn. Người ta cãi, nói, xô đẩy, xỉa xói nhau. Càng nói, họ càng hăng, tay chân vung vẫy, mặt mũi đỏ tía lên, ánh mắt bốc lên sự tham muốn, thèm khát, giận dữ. Trong cái đám lao xao lộn xộn đó, tôi nhận thấy có sự háo thắng gào thét của một loài “dã thú.”
Trận chiến bây giờ là của người lớn, bọn trẻ con ngơ ngác dạt ra ngoài, ngồi chụm lại với nhau và nhìn đám cha mẹ chúng hung hăng trước mặt. Ô hay, họ cãi nhau vì những cái “lâu đài bằng cát” này à? Buồn cười nhỉ?
Tôi thấy tội nghiệp họ quá.
Triết gia Gibran kể chuyện rằng: “ Có một ngày, tôi hỏi thằng bù nhìn giữa ruộng đồng rằng: “Mày có chán với công việc đứng giữa đồng đuổi chim không?” Nó trả lời: “Ồ không, tôi thích hù dọa mấy con chim lắm đến nỗi tôi không để ý đến cả thời gian đã qua.” Nó nói thêm rằng: “Chỉ những kẻ nào mà đầu óc nhồi nhét đầy rơm rạ, nùi giẻ như tôi mới cảm thấy thú trong công việc này.”
Khôi hài thật! Nhưng con người không nhận thấy sự khôi hài chua xót này. Tôi khóc cho những ai mang thân xác loài người mà đầu óc chỉ nhồi nhét toàn rác toàn rơm. Thằng bù nhìn giữa ruộng còn có ích lợi là đuổi chim chóc khỏi đến ăn lúa – nhưng một con người với đầu óc “đầy rơm” thì sống có ích lợi gì?
Không một ai có thể trở thành con người đúng nghĩa, nếu họ không thể hiểu được bản chất cuộc đời và sự thực con người.
“Sanh ra là một con người là một lẽ, nhưng có đầu óc của một con người hay không là một chuyện khác.”
Tôi đi ngang qua một ngôi đền đang xây cất dở dang. Tôi chợt tự hỏi, “Có nhiều đền, nhiều chùa, nhiều thánh đường quá rồi, sao người ta cứ xây thêm thế nhỉ? Càng ngày, con người càng ít đi lễ lạy hơn, thế mà người ta vẫn xây, để làm gì nhỉ?
Tôi suy nghĩ và loay hoay tìm câu trả lời, nhưng tôi không thấy thỏa mãn với những lý do, ý kiến tôi đưa ra. Tôi bèn đến hỏi thăm một lão thợ nề đang đứng xây cánh cổng đền. Câu hỏi của tôi làm lão ta bật cười và lão ta dắt tôi đi vào bên trong đền. Đằng sau ngôi đền đang xây, tôi thấy có nhiều tảng đá cắt dở dang và có tảng đang được người thợ khắc chạm những hình tượng thần thánh. Tôi tự nghĩ có lẽ những ngôi đền xây lên để thờ những bức tượng này. Nhưng không, ông lão thợ nề dắt tay tôi đi sâu tút vào bên trong nữa. Ở mãi tút đằng sau ngôi đền, có một nhóm vài ba người thợ đang khắc chạm tỉ mỉ trên một viên đá. Lão thợ nề nói: “Đây đây, những ngôi đền được xây lên cho những cái này đây.”
Tôi há hốc miệng ra nhìn và hiểu hoàn toàn. Những người thợ đang đẽo gọt, khắc chạm tên những “người quyên tiền đóng góp xây cất ngôi đền.” Người nào cho tiền nhiều nhất, tên họ sẽ đúc lên trước nhất. Thì ra người ta xây chùa, xây đền, xây nhà thờ không phải để tu hành, mà cốt chỉ khoe khoang, mua danh bán lợi. Xây đền để được người khen ngợi, chiêm ngưỡng, xây chùa để tên được đúc vào bia đá công danh. Cái vòng tròn lợi danh xoay con người thật nghiệt ngã, nhưng con người vẫn hám lợi, tham danh đua nhau húc đầu vào chỗ chết.
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện:
“Ngày kia, có một người giầu có muốn cúng 10,000 đồng tiền vàng lên Thánh Shree Nathji. Ông ta đến trước bệ tượng Thánh và cẩn thận đếm từng đồng tiền vàng xếp thành chồng một. Từng cử chỉ, từng động tác của ông ta đã lôi kéo sự tò mò của người khác. Họ vây xung quanh ông ta và xầm xì khen ngợi hâm mộ sự giầu có và hảo tâm của ông ta. Khi ông ta đặt đồng tiền vàng cuối cùng xuống và liếc nhìn đám đông, ánh mắt của ông ta cũng loé sáng sự kiêu hãnh như ánh sáng của đồng tiền vàng kia. Ông ta đến gặp một vị tu sĩ ở đền và trịnh trọng nói:
-“Đây là 10,000 đồng tiền vàng, tôi dâng lên Thần Shree Nathji.”
-“Ông hãy mang vàng của ông về đi. Thần không nhận đâu,” vị tu sỉ nói.
-“Vì sao?” lão ta ngạc nhiên hỏi.
_”Vì niềm tin tôn giáo và công đức không thể phát xuất từ vật chất tiền bạc được. Ông đem sự kiêu hãnh, ngạo mạn, tham lam để cầu được vào ngưỡng cửa thiên đàng thì không bao giờ có chuyện đó xẩy ra được. Hãy về đi!”
Vào một đêm không trăng, tôi ngồi ngắm nhìn những vì sao lấp lánh trên trời. Thành phố đang đắm chìm trong cơn ngủ và tôi thấy thương hại cho đám người đang ngủ say mê mệt đó. Sau một ngày làm việc vất vả, những kẻ “nghèo nàn” đó lại mơ được thỏa mãn những ước muốn vô tận của họ. Trong mơ, họ sống; trong mộng, họ ngủ. Họ không bao giờ thấy được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, nét đẹp của những vì sao; bởi vì đôi mắt của những kẻ ngủ mê kia không bao giờ thấy được như thực.
Đôi mắt là cửa sổ linh hồn. Con người chứa đầy trong nó những gì nó thấy. Người nào thấy mặt trời sẽ chứa đầy trong họ ánh sáng mặt trời; người nào thấy tiền bạc thì sẽ chứa đầy trong họ sự thèm khát đau khổ về tiền bạc, v.v và sự thấy đó tỏa ra bên ngoài, để cho người khác nhìn vào và đánh giá từng loại người một.
Sự mê mệt miệt mài vào vật chất đã đẩy con người xa dần, xa dần Hanh Phúc và những Đau Khổ bắt đầu chồng chất lên cuộc đời mỗi người; tuy nhiên họ vẫn như con thiêu thân chết rụi trong ánh lửa, vì sao? Vì họ còn “Mê Ngủ” quá.
Tôi cũng là một người làm vườn. Tôi đã gieo trồng những hạt giống và nay chúng đã nẩy bông. Hương thơm của hoa lá tràn ngập hồn tôi và đưa tôi vào một thế giới khác. Nó đã cho tôi một sức sống mới, một ý thức mới. Tôi không còn là con người mà bạn đang nhìn với cặp mắt trần tục của bạn, và bây giờ tôi đang nghe một điệu nhạc mà bạn “không thể nghe thấy bằng đôi tai thịt của bạn.”
Những gì tôi biết và những gì cuộc đời ban tặng cho tôi đang trào dâng trong tôi – như một dòng sông từ núi cao cuồn cuộn trào về biển cả. Khi những đám mây kia trĩu nặng nước, mưa sẽ rơi. Khi hoa nở, mùi thơm sẽ lan tỏa khắp không gian. Khi đèn bật lên, ánh sáng sẽ trãi khắp các góc tối của căn phòng.
Có một cái gì kỳ lạ đã xẩy đến với tôi và gió đang chuyên chở những hạt giống thay đổi trong con người tôi, đi khắp bốn phương. Tôi hoàn toàn không có ý nghĩ gì và mong muốn gì cả là những mầm thay đổi đó sẽ rơi xuống đâu và ai sẽ là người nhận nó. Tôi chỉ có một ý nghĩ và nhận thức là những “Cánh Hoa Đời bất tử và nhiệm mầu” kia sẽ ban rãi hương thơm và gieo trồng hạt giống của chúng trên những mảnh đất mầu mỡ để biến thành những “Đóa Hoa Phật Tánh, những Đóa Hoa Thượng Đế.” v.v.
Khi đóa hoa còn nằm yên trong nụ mầm thì sự sống vẫn nằm trong cái chết. Những gì tôi muốn chia xẻ với các bạn là các bạn nên trồng những nụ mầm bất tử, thánh thiện và ý thức.
Một khi chúng ta nhận thức được Phật, Chúa hay Thượng Đế qua ánh sáng giác ngộ, chúng ta sẽ thành Phật, thành Chúa, thành Thượng Đế với lòng từ vô biên vô hạn.
“Giác Ngộ là con đường. Tình Thương là bến đậu.”
Tối hôm qua, tôi ngồi ở bờ sông dưới ánh sáng vằng vặc của trăng. Dãi nước bạc lấp lánh lăn tăn đùa theo gió và xa xa, có một chiếc thuyền câu nhỏ bé đang thả mái chờ.
Người bạn ngồi cạnh tôi đang hát một khúc hát dâng Thượng Đế. Lời hát mang ý nghĩa cầu xin được gặp Thượng Đế. Người bạn mới quen này đã bao năm tìm kiếm Thượng Đế mà chưa được gặp. Anh ta đã đậu Đại Học Khoa Học, nhưng anh ta không thỏa mãn, và mục đích tối hậu của anh ta chính là tìm gặp Thượng Đế. Nhưng bao năm đã trôi qua, sự tìm kiếm vẫn vô vọng.
Sau khi nghe bài hát của anh, tôi im lặng. Giọng hát của anh thật hay, thật ngọt ngào và sự trong sáng chân thành của hồn anh bay theo lời kinh nguyện, chuyên chở tấm lòng thiết tha tìm Thượng Đế của anh làm tôi xúc động vô cùng. Lời hát được diễn tả từ trong trái tim đầy đau khổ, đầy yêu thương, mong cầu giải thoát.
Sự im lặng kéo dài giữa hai chúng tôi. Cuối cùng, anh ta mở miệng hỏi tôi:
-“Có phải chăng sự tìm kiếm của tôi là vô vọng? Tôi đã hy vọng thật nhiều, nhưng bây giờ tôi đầy tràn tuyệt vọng.”
Tôi im lặng một lúc lâu và nói:
-“Sự tìm kiếm Thượng Đế của anh là một ảo giác. Chính cái ảo giác đó đánh lừa anh chạy vòng vòng như con kiến bò miệng chén, như con ong húc đầu vào giấy dán cửa sổ. “Thượng Đế, Thần Ngã, Phật hay Chúa” luôn luôn có mặt trong anh. Chính những danh từ to kêu đó đánh lừa anh và anh sống trong ảo giác của chính mình. Hãy tìm lại con “Người Thật” của anh. Khi nào anh nhìn thấu được chính anh, lúc đó anh thấy Thượng Đế.”
Có người mù nào lại có thể thấy được ánh sáng mặt trời? Cũng vậy, anh có mắt mà không tròng nên cũng như người mù kia, cứ đòi thấy được ánh sáng khi chính đôi mắt thịt của hắn đã hòan toàn hỏng nát.
Thượng Đế luôn luôn có mặt trong anh. Khi nào anh nhìn sự vật bằng chính “đôi mắt tâm linh,” anh sẽ gặp Thượng Đế.
Có một câu chuyện thiền rất lý thú và nổi tiếng trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa mà tôi được đọc và thấy thú vị vô cùng.
“Một người đệ tử đến hỏi một Thiền Sư:
-“Ý nghĩa của giải thoát là gì?
-Ai trói buộc ngươi mà ngươi cần giải thoát?
-Không ai trói buộc cả.
-Nếu vậy, ngươi hỏi để làm gì?”
Tôi nghĩ ai tu học thiền đều biết xuất xứ của giai thoại thiền này.
Tôi cũng đã hỏi một người như vậy. Đúng ra, mỗi người nên tự hỏi mình câu hỏi như vậy.
“Ai trói buộc? Ai giải thoát?”
Hãy cẩn thận đấy, các bạn ạ. Coi chừng tư tưởng sẽ lừa bạn, ý thức sẽ lừa bạn, tham muốn sẽ lừa bạn đấy.
Hãy buông bỏ những nổ lực đạt tới một cái gì, hãy buông bỏ mọi ảo vọng thay đổi cách sống, và cũng đừng rong ruỗi chạy theo những thần tượng. “Hãy sống trong hiện tại, đừng chạy theo tương lai.” “Không có một ràng buộc nào ở hiện tại cả. Nếu bạn ý thức được điều đó, những xiềng xích vô minh sẽ biến mất.”
Mong muốn trở thành một người như thế nào, mong muốn đạt tới một ước mơ, một lý tưởng, một sở nguyện, v.v. tất cả đều là trói buộc, phiền não. Dù cái tâm tham đó, dù cái mong muốn đó có thiện mấy đi chăng nữa, thì vẫn là trói buộc và đau khổ, vì còn tìm cầu là còn “tham”, còn “tham” là còn “đau khổ”. Nếu cái cầu mong đó không đạt được, con người sẽ sanh ra tức giận, buồn phiền, lo lắng và những tâm sở đó là cội rễ vô minh đưa con người đến bờ vực thẳm luân hồi chìm đắm.
Nếu các bạn thức tỉnh được điều này, cắt đứt được tâm mong cầu ham muốn thì các bạn đã giải thoát rồi.
Là một con người tôn giáo không phải là cầu nguyện, không phải là những sinh hoạt tôn giáo, không phải là niềm tin đơn thuần, mà chỉ là trở về với giác tánh sáng suốt của chính mình. Sự giác ngộ đến với chúng ta trong từng giây phút sống. Một khi chúng ta hiểu thấu được sợi giây ràng buộc chúng ta là tâm ham muốn, mong cầu, vị kỷ, thì chúng ta sẽ chặt đứt nó để khỏi bị làm vướng bận.
Chúc các bạn thành công trong “Ý Thức Tìm Lại Chính Mình”.
Xem tiếp