Ngón Tay Chỉ Đường ( Phần 7 ) – Thích Nữ Minh Tâm

Hôm qua, tôi tiếp xúc với một số khoa học gia, kỹ thuật viên, bác sĩ và vài người trí thức khác.

Họ có vẻ tự phụ và đắc ý với những phát minh tân kỳ khoa học mà họ đã góp phần vào cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, tôi ngậm ngùi nhận xét rằng chính nền khoa học thực nghiệm đã vô tình cắt đứt sợi dây truyền thống và xô đẩy con người vào cuộc sống phiêu lưu nguy hiểm, không định hướng. Càng văn minh khoa học, con người càng trở nên nô lệ và dã man hơn. Con người đã mất hết cội nguồn, quay cuồng sống vội vã trong những trào lưu của thời cuộc, và lúc nào cũng nơm nớp lo âu, bất an, đầy khát vọng và đau khổ. Con người không bao giờ có thể ý thức rõ rệt được ý nghĩa của kiếp nhân sinh.

Tôi nhìn họ và thấy thế giới họ đang sống đặc sệt toàn mầu đen, không có một chút ánh sáng nào. Mặc dầu có vài đốm lửa lóe lên, nhưng rồi vội tắt ngúm đi vì thiếu sinh khí.

Mầu đen rùng rợn bao phủ lấy đám người văn minh nọ; nhưng họ vẫn tươi cười, khoe khoang, vỗ ngực xưng danh; những danh xưng hão huyền, ngu xuẩn đáng tội nghiệp. Đám người văn minh đó không chịu thấy ánh sáng cuối con đường, họ không dám rũ bỏ những danh xưng tôn hiệu, họ thà đắm mình chết gục trong bóng tối vô minh còn hơn làm một khất sĩ vô danh ẩn cư thiền định chốn rừng già nhưng đầy ánh sáng trí tuệ.

Ôi, cái danh xưng hão huyền đó đã dìm chết bao kẻ dại khờ.

Vầng thai dương từ từ nhô lên khỏi chân trời, ánh sáng rực rỡ lan tỏa khắp nơi báo hiệu một ngày mới đang tới.

Chúng tôi đang đi dọc theo con đường vắng vẻ, rợp mát bóng tre xanh. Một tiếng chim hót líu lo ngọt ngào trên cây, một mùi không khí dễ chịu, một hương thơm cây cỏ đón chào chúng tôi hưởng thụ cuộc sống xinh tươi khoan khoái này.

Nhưng anh bạn của tôi không còn tâm hồn để nhìn cảnh vật xung quanh, anh ta như đắm hồn vào sự đau khổ của mình. Đi dạo buổi sáng với anh mà tôi cảm thấy như đi với khúc củi mục.

Một lát sau, anh ta hỏi: “Làm sao ta có thể chế ngự được tức giận, làm sao ta có thể điều phục được lòng tham muốn cố hữu của chúng ta?”

Đó là câu hỏi mà ai ai cũng hỏi. Thực ra, đã có sự lầm lẫn khi nêu lên một câu hỏi như vậy.

“Vấn đề không phải là chinh phục sự đau khổ hay sợ hãi, tức giận, v.v. . . .vấn đề là chúng ta cần phải nhận thức, cần phải biết rõ nguyên nhân của những cảm giác thất vọng, lo buồn, ganh ghét, sợ hãi . . .đó. Chính sự Vô Minh của con người đã làm con người đau khổ. Chính sự Thiếu Trí Tuệ đó làm con người hèn yếu, thua kém đi. Con người không nhận thức được hai điểm chính yếu này nên cứ trôi lăn trong đau khổ mãi.

Chỉ có Trí Tuệ mới chiến thắng được Đau Khổ; chỉ có Trí Tuệ mới chinh phục được Vô Minh. Và Trí Tuệ đạt được do một con đường duy nhất: “Thực tập Tư Duy và Thiền Định.”

Tôi ngạc nhiên xiết bao khi thấy nhiều người mờ mắt vì những xảo thuật bịp bợm của kẻ khác. Người ta dễ bị kẻ xấu lợi dụng lòng mê tín quyền năng hay phép lạ. Do sự mờ mịt thiếu suy xét cẩn thận đó, con người đâm ra sợ sệt, tôn sùng, kính phục những trò xảo thuật, những hào quang giả hiệu, phù phiếm, những lời nói dụ dỗ, sai lầm đưa họ vào nẻo tà, đường trái.

Vì chán cuộc đời nhiều bất an và đau khổ, con người mơ mộng có một thế giới tốt đẹp hơn, nhiều lạc thú hơn; và họ đi tìm những phương cách tu luyện để đạt thần thông hay quyền năng. Chính vì lòng tham muốn dại khờ đó, họ đã vô tình tự biến mình thành con mồi ngon cho kẻ khác đục khoét. Nơi đâu có tin đồn phép lạ xẩy ra, họ đổ xô chạy đến, nơi đâu có thần thông hào quang xuất hiện, họ ào đến để cầu xin giúp đỡ hay thỏa mãn tham muốn.

Họ đâu có biết rằng quyền năng chỉ có nơi các bậc tu chứng thượng thừa, cả một cuộc đời tinh khiết thanh bạch, trong sạch thân, khẩu, ý; và quyền năng được dùng để giúp đỡ người khác trong mục đích thiện chứ không phải để mưu lợi riêng tư.

Tuy nhiên, mọi người có một đời sống riêng và nghiệp qủa riêng, dù tôi có khuyên bảo hay nói đúng sự thật, họ cũng chẳng chịu nghe, nếu họ có nghe thì chốc lát sau, họ cũng quên ngay; có khi trái lại, họ tỏ vẻ giận dữ hay khinh thường nữa. Con người thường chỉ thích nghe những gì hợp với ý mình, đúng với cái điều họ thích chứ không muốn nghe “sự thật” dù sự thật đó là một chân lý bất di bất dịch. Mặc dù họ đang “mê ngủ” hay “thiếu trí tuệ” cân nhắc mọi việc, nhưng họ không bằng lòng nếu ai đánh thức họ dậy.

Thực đáng tội nghiệp biết chừng nào! Họ như một người đeo đá nặng trăm cân, leo dốc núi hoài mà không tới đích được.

Tôi vừa về tới nhà sau một cuộc đi bộ dưới ánh nắng ban mai. Thực sự thoải mái sung sướng xiết bao được sưởi ấm trong ánh nắng nồng nàn rực rỡ của mặt trời sau một mùa đông dài âm u rét mướt. Mặt trời dần lên cao và khí hậu càng nóng dần lên.

Tôi đi dạo với một anh thanh niên và anh ta nói luôn miệng. Tôi giữ im lặng và lắng nghe. Khi tôi lắng nghe như vậy, tôi nhận thấy chúng ta sử dụng danh từ “Tôi” nhiều qúa. Cái từ “Tôi” là đầu đề câu chuyện của chúng ta. Tất cả mọi thứ trên cõi đời này đều liên quan mật thiết đến cái “Tôi.” Sau khi con người sanh ra đời, “cái Tôi” bắt đầu hình thành, và từ đó cho đến chết, Cái Tôi càng lúc càng bành trướng ra và hoành hành t ác quái. Giữa hai đầu Sống Chết, xuyên qua sự sống, con người chạm trán với cái Tôi trên mọi ngã rẽ dòngđời.

“Cái Tôi” đó thật quen thuộc với chúng ta biết chừng nào mà đồng thời , cũng xa lạ vô cùng. Không có một từ ngữ nào trong ngôn ngữ loài người lại ôm trọn sự bí mật bằng “cái Tôi” nhỏ bé đó. Dòng sông đến, trôi chảy, và đi, nhưng bí mật về Cái Tôi vẫn chưa hề khám phá đến tận cùng gốc ngọn.

“Tôi” là cái gì? Chúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của nó. Ngay cả lúc chúng ta nói “Tôi không có mặt,” nó cũng đã chình ình ở ngay đó rồi. “Cái Tôi” là cái rõ ràng nhất và cũng không chắc chắn nhất trong toàn vẹn tri thức loài người.

Tất cả chúng ta đều có cảm giác quen thuộc với “cái Tôi,” “Tôi là,” “Tôi không là,” Tôi có,” “Tôi không có,” . . .nhưng câu hỏi “Tôi là Ai?” thì vẫn chưa được chúng ta trả lời thỏa đáng. Câu trả lời về câu hỏi đó chỉ có thể nảy sinh ra trong “tư duy và thiền định.” Con đường Trí Tuệ và Thiền Định là con đường”duy nhất” để hiểu trọn vẹn “cái Tôi.” Tất cả tôn giáo và triết thuyết đều quy về một mục tiêu rõ rệt là giải đáp câu hỏi đơn giản “Tôi là Ai?”

Tôi là Ai?

Mọi người, mỗi người nên tự hỏi mình như vậy. Hãy để mặc mọi thứ khác qua một bên và chừa lại câu hỏi này. Hãy để câu hỏi này vang động lên trong óc chúng ta. Và rồi câu hỏi đó sẽ đi sâu vào trong tiềm thức chúng ta. Càng đi sâu vào tiềm thức, Cái Tôi càng tan hòa đi và biến mất qua sự nhận thức tư duy. Trong tư duy và thiền định, chúng ta hiểu rõ ràng về hợp thể thân xác con người, và càng hiểu rõ hơn là chúng ta không phải chỉ là cái thân xác hỗn hợp này. Cái kinh nghiệm nhận thức đó ngăn cản lại sự tấn công của cái Tôi, và rồi chúng ta sẽ thấy ánh s áng trong suốt, minh bạch, hiểu biết bắt đầu le lói và rọi sáng tâm khảm chúng ta. Qua sự giác ngộ đó, cánh cửa bí mật của cái Tôi, của cuộc đời, sẽ mở toang ra trước mắt.

Khi chúng ta hiểu được chính chúng ta rồi, thì chúng ta sẽ hiểu trọn vẹn bí mật cuộc đời. Cái biết về cái Tôi là cái biết về Thượng Đế. Khi chúng ta đến tận cùng chiều sâu của “cái Biết về cái Tôi” rồi, chúng ta hiểu được tất cả uyên nguyên vũ trụ.

Cây cối, hoa lá trong rừng sâu tỏa ra mùi thơm ngai ngái hăng hắc nhưng nồng nàn dễ chịu. Càng đi sâu vào rừng già, tiếng động của trần gian như bỏ lại bên ngoài, và nơi chốn thâm sâu tĩnh mịch, tiếng gió, tiếng lá cây, tiếng muông thú là những âm thanh duy nhất.

Tôi chọn một tảng đá khá bằng phẳng và ngồi lên. Trước mặt tôi, xa xa một chút, là một đạo sĩ ẩn tu. Người này tu tập khổ hạnh, nhịn đói đã lâu nên thân thể trơ xương, da dẻ sạm nắng và bụi, mặt mũi hốc hác, mắt trỏm sâu vào như hai hốc núi. Hình như ông ta đã khổ hạnh tu tập lâu lắm rồi, ông ta tự hành hạ thể xác mình để mong đạt đến Thần Ngã và cái thiếu hiểu biết đó là hình phạt cá nhân trong sự tu tập.

Rất nhiều người muốn đạt tới Bản Ngã, Thượng Đế qua phương cách hành trì khổ hạnh, ép xác. Sự nổ lực đạt tới Thượng Đế đã khiến người ta chối bỏ cuộc đời này và tìm cách hủy diệt thể xác.

Những kẻ ngu muội đó thực ra chỉ là những kẻ bịp bợm, tự lừa dối mình và lừa dối người.

Cái lối tu ép xác khổ hạnh hay đời sống phóng túng hoang đàng xa hoa không phải là con đường chân chánh dẫn con người tới nẻo Chân – Thiện –Mỹ. Con đường thứ ba và duy nhất đưa người về Chân Như Tự Tánh là con đường cân bằng giữa hai cực đoan ấy. Đạo Phật gọi nó là Trung Đạo (The Middle Path). Con người cần phải có sự cân bằng mới đứng vững, đi vững được. Mất cân bằng, con người sẽ nghiêng ngã và té xuống. Sự vui hưởng nhục dục cũng như khổ hạnh ép xác đều đưa con người tới sự hủy diệt.

Tôi nhớ có một đoạn trong bộ kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya), Đức Phật đã ví dụ sự tu tập với các sợi dây đàn. Nếu dây đàn chùng quá, âm thanh sẽ không phát ra được, nếu dây đàn căng quá, tiếng đàn cũng không kêu. Do đó, người nhạc sĩ phải điều chỉnh sợi dây đàn sao cho nó vừa mức, không chùng không căng, để âm thanh phát ra thành các nốt nhạc tuyệt vời êm dịu. Qui luật của âm nhạc và qui luật cuộc sống cũng giống nhau. Sự thật là mức cân bằng giữa hai cực đoan.

Tôi tiến gần đến vị đạo sĩ khổ hạnh và trình bày cho ông ta thấy sự sai lầm trong đường lối tu tập của ông ta. Nghe xong, hình như ông ta tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài.

Trước khi từ giã ông ta, tôi nói:

-“Hãy quên đi những ước mơ, những khát khao cuồng vọng đạt tới Đại Ngã. Ông chỉ cần ngồi yên quan sát. Hãy ví tâm ông như một ly nước đầy bụi, ông hãy để ly nước xuống một mặt bằng phẳng và rồi ông sẽ thấy, theo qui luât tự nhiên, những hạt bụi kia sẽ từ từ rơi xuống đáy ly và nằm yên ở đó.”

Tâm thức chúng ta cũng vậy, những hạt bụi phiền não sẽ rơi rụng khi chúng ta ngồi yên, cân bằng và lặng lẽ quan sát từng sát na hoạt động của dòng tâm thức. Một ngày nào đó, khi ý thức hoàn toàn vắng bặt mọi vọng niệm phân biệt, Tiểu Ngã và Đại Ngã sẽ tan biến đi trong Chân Ngã.

Mục đích của đời sống là gì?

Rất nhiều người đã hỏi tôi như thế, nhưng hình như chẳng có câu trả lời nào đúng cả, mà tôi cũng không trả lời câu hỏi đó của họ.

Mỗi người, mọi người đều có quan niệm sống và cách sống riêng của họ. Tùy theo trình độ tư duy, nhận thức và hiểu biết của mỗi người mà họ tự an bày đời sống của họ.

Tôi đang ngồi dưới một tàng cây và hưởng làn gió mát, tiếng chim hót. Đời sống sao đáng yêu qúa! Nhưng tôi không thể nói với một ông thương gia đang chúi mũi đếm những con số sản xuất doanh thương là hãy dẹp tiền bạc qua một bên và ngồi cạnh tôi lúc này để hưởng nét đẹp thiên nhiên. Tôi cũng không thể nói là mục đích kiếm tiền bạc, sung mãn vật chất của họ là sai.

Tôi chỉ có thể nói thật là đáng yêu, đáng sống biết chừng nào khi được ngồi yên ổn trong một đêm trăng tĩnh mịch hay đi dạo dưới ánh nắng ban mai. Đời sống tự nó là thanh bình, tự nó đã thanh bình. Nhưng con người dường như đã quên mất ân sủng của thiên nhiên và luôn mãi dong ruỗi tìm cầu những hư ảo cuộc đời.

Tôi nói với các bạn là: “Hãy sống một đời sống giản dị – không đấu tranh, không đè nén. Các bạn chỉ cần yên lặng và nhìn những gì đang xảy ra. Cái gì xảy đến, cứ để nó đến. Cứ để dòng sống tự nhiên trôi chảy xuôi chiều, đừng chận nó lại, đừng lái nó về một hướng khác. Khi bạn ngồi yên và lặng lẽ quan sát sự vật, tôi chắc chắn cảm giác tự do và thanh bình sẽ đến với bạn.”

Cái ảo giác mê lầm là có một mục đích của đời sống là một quan niệm ngu muội đã được người đời trau chuốt theo đuổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đời sống không phải sống cho một nhóm người nào, không phải sống cho những sung mãn vật chất. Người nào thực sự hiểu được điều đó mới đáng sống, mới thực sự đang sống, và người đó sẽ đi đến điểm cuối cùng của chân lý cuộc sống.

 

Xem tiếp

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9