Ngón Tay Chỉ Đường ( Phần 4 ) – Thích Nữ Minh Tâm

Một buổi chiều nọ, ngồi bên vệ đường dưới bóng mát một tàng cây lớn, tôi đưa mắt ngắm nhìn những người lướt qua mặt tôi. Khi tôi ngắm nhìn họ, tôi thấy sự vội vã chạy đua với cuộc sống hằn dấu chân trên gương mặt họ. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, già trẻ lớn bé gì gì cũng hộc tốc mà chạy, chạy như điên, chạy như bị ma đuổi. Mắt họ đảo lia lịa, bên này bên kia như tìm kiếm một cái gì, họ vội vã hấp tấp như họ bị lạc vào rừng hoang.

Họ chạy đi đâu vậy? Mục đích của họ là gì? Và họ có nhận thức được là họ đang chạy không?
Những ý nghĩ tương tợ đó đến với tôi khi tôi nhìn bạn. Và những câu hỏi đó làm tim tôi quặn đau vì tôi biết bạn cũng sẽ không đạt được một bến bờ nào. Bạn không đến được bến bờ nào, vì cả tâm trí và bước chân của bạn đã dẫn bạn xa rời chân tánh.

Sự bí mật của cuộc sống chính là những bước chân tiến về chân lý. Không có con đường nào dẫn tới Hạnh Phúc Vĩnh Cữu ngoài con đường này. Hãy bơi về hướng đó, hãy chạy về hướng đó. Nếu không, bạn sẽ chết chìm ngay trong dòng sông đời bạn.

Cái gì làm cho con người sợ hãi? Cái gì làm cho con người lo âu? Cái gì làm cho con người đau đớn? Cái gì làm cho con người phải chết?

Tôi đã quan sát tất cả những hiện tượng đó khi con người muốn đi ngược đường. Những đau khổ, dằn vặt, lo lắng, băn khoăn đều hiện rõ ràng trên con người họ, và sự đau khổ như bệnh dịch lây lan sang người thân trong gia đình, đến dòng họ và ra xã hội, khiến bầu không khí trong lành kia bị vẫn đục và ngột ngạt.

Thật ra, muốn sống hạnh phúc và an lạc có gì khó khăn đâu; chỉ cần bạn “biết đủ” và “dừng lại.” Đừng chạy thục mạng nữa thì khỏe liền.

“Chạy” thì mệt; “Dừng” là khỏe.

Bây giờ bạn chạy hay dừng? Hình như tôi thấy bạn còn chạy mau hơn nữa. Chết rồi!

Một bình minh mới – Một mặt trời mới.

Một mặt trời mới – Những nụ hoa mới.

Những nụ hoa mới – Một con người mới.

Một con người mới.

Một ông Phật mới,

Xuất hiện.

Ha! Ha! Ha!

Đã hằng ngàn năm trước, thành phố của những ngôi đền cổ xưa đã chìm sâu xuống đáy đại dương, nhưng những tiếng chuông của những ngôi đền đó vẫn còn vang vọng. Có lẽ những đàn cá hay các loài dưới nước khác đã bơi ngang qua và chạm vào thành chuông, có thể không phải như vậy. Tuy nhiên, tiếng chuông vẫn xa đưa cho đến tận ngày nay.

Tôi muốn nghe tiếng chuông đó nên đã đi tìm ngoài biển. Qua nhiều năm lang thang, tôi đã đến bờ biển đó, nhưng tôi không nghe thấy gì ngoài tiếng sóng gầm, tiếng gió hú và tiếng lao xao của bọt nước đập vào ghềnh đá. Tôi đứng ở bờ biển và lắng tai nghe. Không có gì ngoài tiếng sóng đại dương.

Tôi vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Tôi đã quên hẳn đường về, và tôi chợt nhận thấy cái bờ biển xa lạ kia sẽ là mồ chôn tôi. Tôi không còn nhớ quá khứ, nghĩ tới hiện tại, tìm tương lai. Tôi cũng không còn nhớ đường về nhà tôi ở phố thị. Ngay cả tiếng chuông đã hấp dẫn tôi ra biển cũng đã bỏ tôi, và tôi đứng lặng yên, một mình. Một mình với sự “yên tĩnh của biển khơi”. Và rồi, một đêm khuya, tôi đã nghe thấy tiếng chuông. “Tiếng chuông đang vang lên! Tiếng chuông làm lòng tôi sảng khoái lạ thường!”

Điệu nhạc đó đã đánh thức tôi tỉnh cơn mê. Và tôi không “mê ngủ” nữa. Một khi con người đã “tỉnh ngủ” thì hắn không còn “mê” nữa. Tôi sung sướng qúa. Tôi sảng khoái quá. Không còn “mê ngủ” thì không còn “bóng đêm”. Làm sao con người có thể đau khổ một khi “tiếng chuông Tâm Linh” vang dội?

Bạn có muốn đến bờ biển đó không? Bạn có muốn nghe tiếng chuông không? Bao giờ bạn khởi hành?

Hãy đi tới một mình bạn đi. “Trái tim là đại dương của bạn, và ở tận đáy đại dương là những ngôi đền, chùa Tâm Linh của bạn.”

Nhưng chỉ có những người đã dừng chân và ngồi ngắm nhìn hoàng hôn nơi biển rộng thì mới có thể nghe được tiếng chuông thức tỉnh đó thôi. Còn những kẻ “mê ngủ” và “đầy dục vọng” thì hãy còn xa, xa lắm. Nhiều khi những kẻ này đã gục chết bên đường mà vẫn chưa chạm tay vào cát biển mịn màng nồng ấm.

Thật đáng thươnng biết chừng nào!

Thật uổng phí một kiếp làm người biết chừng nào!

Ngay cả những tu sĩ, đạo sĩ gì gì cũng vậy nghe, nếu không chịu “tỉnh ngủ” để nghe “tiếng chuông” thì thực không đáng sống nữa!

Thành phố bé nhỏ yên ổn này sáng nay chợt náo nhiệt ồn ào cả lên. Tiếng người nói, tiếng chân chạy, tiếng kèn, tiếng chuông ầm ĩ cả một góc phố.

Tôi nhỏm dậy, bò ra khỏi giường, quấn vội vào người mảnh vải và đưa đầu ra khỏi cửa sổ ngóng nhìn ra xa.

Thì ra hôm nay là ngày khánh thành một ngôi đền (hay một ngôi chùa, thánh đường) do một người rất giàu có bỏ tiền ra xây cất.

Tôi biết lão này. Lão ta đã xây vài ngôi đền rồi. Lão là người “đầu tư vốn vào tôn giáo” (investment his wealth in religion). Hắn là một tên lái buôn gian manh, bỏ vốn “buôn bán tôn giáo.” Hắn bỏ một lời mười.

Tại sao hắn “đầu tư vào tôn giáo”? Vì hắn sẽ được cả danh lẫn lợi. Thực sự, hắn chỉ là một kẻ “đại bịp” và những kẻ a dua theo hắn là một lũ ngu xuẩn tội nghiệp. Hắn bỏ tiền ra lúc đầu và hô hào mọi người giúp thêm để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Vì trình độ thấp kém, quá tin vào bề ngoài giầu có của hắn, nên nhiều người đã ít nhiều giúp hắn thâu lợi. Nhưng khi xây xong một ngôi đền nào, thì chỉ có tên hắn trên bảng vàng, còn ngoài ra đều là vô danh tiểu tốt cả. Cứ như thế, hắn càng giầu thêm và có quyền lực thêm.

Tiền có thể mua trái đất này, tiền có thể mua cả thiên đường. Vì tiền, người ta cam tâm làm mọi hành động tội lỗi, ngay cả buôn bán thần thánh.

Tôi có nghe chuyện một lão nhà giàu, khi chết bay lên gõ cửa thiên đường. Sứ giả mở cửa và hỏi:

-“Lão là ai?

-Úy trời đất ơi! Ngài không biết danh ta sao? Bộ tin tức đám ma của ta chưa lên đến đây hả?

-Lão muốn gì đó, nói đi!

-Ta cần gì phải muốn, đương nhiên là ta vào thiên đàng rồi. Thôi, cho Ngài vài đồng, mở cửa đi!

-Này, cái thói tiền bạc đó chỉ có ở trái đất của các người thôi nhé. Tại đây không có lệ này. Ta hỏi ngươi đã làm được điều tốt lành gì không mà muốn vào cửa thiên đàng này?

-Chậc chậc, thực tình ở trên này bắt tin tức chậm quá. Ta là người giầu lòng bác ái mà. Việc ta làm, ta không bao giờ kể công đâu, nhưng thôi các ngài đã hỏi, ta sẽ nói. Để ta nhớ lại coi. À, ta có bố thí 10 xu cho một bà già ăn mày.

-Có đúng không? Sứ giả quay lại hỏi thần ghi sổ công đức.

Thần Công Đức dò sổ, gật đầu:

-Đúng, lão có cho 10 xu.

-Được rồi, còn gì nữa không?

-À, còn chớ, một lần nữa ta cho một thằng nhỏ mồ côi 5 xu.

-Có đúng không?

Thần Công Đức gật đầu công nhận có.

-À, còn nữa à nghen, cái này mới dễ nễ nghen. Ta có dự một buổi đại hội từ thiện xã hội và ta đã ký 10,000 đồng vào sổ vàng công đức. Sau đó, ta lại ký cho một nhà thờ đang xây cất 10,000 đồng nữa, tên ta đứng đầu sổ đó nghen. Ai ai cũng khen tặng ta hết. Cho như vậy mới đáng cho chứ. À, còn . . .

-Thôi thôi, đủ rồi, này Thần Công Đức, ý ông nghĩ sao?

-Cho hắn xuống địa ngục là vừa rồi. Làm việc từ thiện mà khoe khoang, giả dối quá. Lên đây mệt thêm.

-Ý á, ý áaaaaaaaaaa . . . .

Đó, loài người là vậy. Khi làm được một chút gì đều muốn khoe khoang cho cả làng xóm đều nghe và giở trò bịp bợm, lợi dụng. Đối với tôn giáo, ngôn ngữ đồng tiền không có ý nghĩa gì, nhưng con người vẫn sử dụng đồng tiền để “buôn bán tôn giáo.” Vì thế, đạo đức, nhân nghĩa, v.v. đã mất dần, bọn “con buôn tôn giáo” tha hồ hoạt động vì những người khác đều “câm ngọng “hết rồi.

Tôi có nghe một câu chuyện.

Ở một thành phố kia, có hai cái chết xảy ra cùng một lượt. Đây là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Một cái chết của một ông tu sĩ (đạo nào cũng được), và cái chết của một ả giang hồ. Họ sống đối diện nhau và ả hai cùng chết một ngày. Những người dân phố thị ngạc nhiên vô cùng. Nhưng họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa (nếu họ biết được sự thật); và sự thật này chỉ có ông tu sĩ và ả giang hồ kia biết được mà thôi (tiếc thật!).

Ngay sau khi họ chết, sứ giả Tử Thần đến mang họ đi. Các sứ giả đem ả giang hồ kia lên thiên đàng và đẩy lão tu sĩ xuống địa ngục. Lão tu sĩ dẫy nẫy lên và hỏi rằng:

-“Nè nè, mấy ông bạn, mấy ông có lầm lẫn không đó? Mấy ông mang ả đó lên trời, còn ta xuống địa ngục hả? Cho mấy ông làm lại đó nghen . . .

-Chúng ta không lầm lẫn đâu. Nhưng thôi, lão cứ nhìn về đám đông kia rồi ta sẽ nói.”

Lão tu sĩ nhìn về phía trái đất. Lão thấy xác mình được quấn vải thơm, phủ đầy hoa và nước thơm. Đằng sau có hằng ngàn người ngậm ngùi tiếc thương một vị tu sĩ phạm hạnh, suốt đời hy sinh cho lý tưởng tôn giáo. Họ sẽ đưa thi hài vị tu sĩ này lên giàn thiêu. Họ tưới dầu thơm lên giàn củi và châm lửa. Tiếng tụng kinh cầu nguyện nổi lên theo làn khói bốc tỏa lên. Nhưng bên kia đường là xác chết của ả giang hồ, không ai thèm đếm xỉa tới ả hết. Lát nữa, vài người lượm rác sẽ quăng thây ả lên ngọn đồi hoang kia; nơi đó đã có bọn chó đói và diều hâu, kên kên chực chờ sẵn để xâu xé, phanh thây.

Khi lão tu sĩ thấy như vậy, lão quay lại các sứ giả Tử Thần nói:

-“Nè, thấy chưa, nấy người ở trần gian còn biết điều hơn mấy ông nữa đó!

-Người ở trần gian chỉ biết những gì bên ngoài mà thôi. Sự nhận xét hiểu biết của họ không bao giờ có thể đi quá hơn cái thân xác của con người. Nhưng câu hỏi không phải là ở thân xác này, mà chính là ở trong lòng người. Khi ngươi còn sống và khoác áo nhà tu, ngươi đã nghĩ gì trong đầu óc? Có phải ngươi cũng đã thầm yêu trộm nhớ ả giang hồ kia không? Có phải ngươi cũng đã rên rỉ hát theo những khúc hát ả giang hồ kia hát không? Có phải đã có lúc ngươi thấy đời sống ngươi trống rỗng vô vị và thèm khát được ôm một người đàn bà trong tay? Có phải có lúc ngươi định đem số tiền những tín đồ tin vào ngươi, dâng cúng cho ngươi để quì xuống dưới chân ả giang hồ kia xin chút tình yêu không? Trong khi ngươi núp dưới lớp áo thánh thiện đó để lợi dụng, lừa bịp thiên hạ qua cái vỏ bề ngoài đạo mạo, phạm hạnh của ngươi thì bên kia đường, ả giang hồ hèn hạ đó đang tôn vinh ngưỡng mộ đời sống cao thượng, thanh khiết của ngươi. Khi ngươi làm lễ ở thánh đường hay đền thờ, và rống to lên những khúc kinh cầu hay lời nguyện, thì ả giang hồ đó gục đầu trong ăn năn hối lỗi và xúc động sâu xa. Bên này đường, ngươi giả dối gian trá trong chiếc áo nhà tu, thì bên kia, sự thống thiết ăn năn tội lỗi đang dày vò tâm hồn ả giang hồ. Ngươi trở nên chai sạn lì lợm, xảo quyệt với cái trí thức học mót được của người khác; ả giang hồ đó cúi đầu chấp nhận sự ngu dốt vô minh của mình và chỉ mong được giải thoát. Cuối cùng những gì còn lại trong ngươi, đó là “bản ngã, là tham lam, là si mê, là giả dối, bịp bợm, . . . nhưng ả giang hồ kia đã thoát khỏi được cái “Tôi” ràng buộc, thấp hèn, vị kỷ. Ngay lúc ngươi trút hơi thở cuối cùng, ngươi vẫn kiêu hãnh và thoả mãn vì không ai khám phá được bề trong tồi bại của ngươi; nhưng khi ả kia chết, ả đã hoàn toàn trong sạch vì sự tham muốn đã dứt bặt trong tâm. Do đó, ngươi đi xuống cõi tối tăm như tâm hồn ngươi, còn ả đang đi trong vùng “Ánh sáng của Tình Thương và Chân Lý.” Bây giờ đã đến ngày tàn của ngươi rồi.”

-“Trời ơi, á chết ta rồi ồi ồiiiiiiiii . . .”

Này các bạn, đừng “đánh giá vội một ai qua lớp áo bên ngoài nhé.” Trên đời này, người ta hay “nhìn lầm” nhau lắm!

Chúc các bạn sáng suốt.

 

Xem tiếp

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9