Ngón Tay Chỉ Đường ( Phần 8 ) – Thích Nữ Minh Tâm

Bây giờ đã gần nửa đêm rồi. Mặt trăng đã lên cao lắm vàtrời sáng vằng vặc ánh trăng.

Chiều nay, tôi đã nói chuyện với một đám tù nhân. Khi họ nói chuyện với tôi, tôi biết họ đã thư thái tinh thần rất nhiều. Ánh mắt và nét mặt của họ đã nói lên điều đó với tôi.

Tôi nhớ tôi đã nói với họ rằng:

-“Không có một kẻ phạm tội nào trong đôi mắt của Thượng Đế, của Phật, của Chúa, v.v. . . .và không có bóng đêm trong ánh sáng.”

Những kẻ nào nói với các bạn là hãy rửa sạch tội lỗi trước khi đến với Phật, với Chúa, với Thượng Đế, là những kẻ ngu xuẩn. Trên cuộc đời này, con người luôn luôn mong muốn có được một một cái gì mới trước khi họ vứt lại sau lưng cái cũ. Khi các bạn leo thang, các bạn bỏ lại nấc thang thứ nhất khi các bạn đặt chân lên nấc thứ hai; cũng vậy, ngày nào đó trong cuộc đời, các bạn sẽ để lại cái gì sau lưng trước khi tiến đến một cái gì mới. Nhưng thực ra, các bạn đã đặt chân lên nấc thang thứ hai trước khi chân kia của bạn rời nấc thang thứ nhất. Một khi các bạn đã chắc chắn nấc thứ hai, nấc thứ nhất tự nó đã bị bỏ lại sau lưng.

Trên hành trình tiến về chân lý cũng vậy, một khi chúng ta đến gần Phật, gần Thượng Đế, thì tội lỗi đã tự nó bị bỏ rơi lại sau lưng.

“Không có Thượng Đế ngoài tội lỗi.”

“Không có Niết Bàn ngoài đau khổ.”

Một khi chúng ta nhận thức được tội lỗi thì Phật, Chúa đã có mặt trong ta. Một khi chúng ta ý thức được những đau khổ phiền muộn vô minh thì Niết Bàn đã hiển hiện.

“Hãy thắp ngọn đèn trong tâm chúng ta và cầu nguyện. Hãy biết rằng Thượng Đế, Phật hay Chúa đang ở trong lòng chúng ta. Hãy luôn luôn tỉnh thức. Chúng ta sẽ không thấy bóng đêm dầy đặc che phủ tâm hồn chúng ta. Chính sự không nhận thức của chúng ta là bóng đêm.”

Tôi không phải chỉ nói với đám người tù ngồi trước mặt. Tôi muốn nói với tất cả mọi người. Phải chăng “Mỗi người chính là tù nhân trong ngục tù của chính họ?”

Chỉ có những đứa bé mới có những đôi mắt xanh không gợn đục. Chỉ có những đứa bé mới vào được cổng thiên đường. Đúng như Chúa Jesus Christ đã nói: “Người lớn vào được thiên đường cũng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim.”

Thực vậy, những đứa bé với tâm hồn ngây thơ trong trắng, không phân biệt, rất dễ đón nhận Tình Thương và Niềm Tin; còn người lớn thì đầu óc chứa đầy quan niệm, thành kiến, tính tóan, so đo hơn thiệt nên càng ngày cổng thiên đường càng khép chặt đối với họ.

Ngay cả đối với tình cảm, người thân, họ cũng đem ra tính toán. Tay kia họ cho đi, tay này họ lấy lại. Đời sống con người bắt đầu bằng những con số và kết thúc bằng những con số. Khi mới sanh ra, con người được đánh dấu bởi ngày sanh, tháng sanh, năm sanh; lớn lên lao đầu vào vật chất, kết toán mẫu số hạnh phúc cũng bằng những con số trong ngân hàng; và cuối cùng xuôi tay về cát bụi, trên mộ bia không có gì ngoài hàng số ngày, tháng giã từ cõi đời. Thế mà, con người vẫn không chịu tỉnh giấc mộng kê vàng, vẫn cứ lao vào ngọn lửa tự đốt cháy cuộc đời như con thiêu thân lao vào ánh sáng ngọn đèn.

Càng kêu gào Thượng Đế, con người càng hấp hối tuyệt vọng và cổng thiên đường vẫn xa vời tầm tay với.

Có một lần kia, tôi ngồi và nhắm mắt lại. Con người thường quen nhìn với đôi mắt mở to và đã quên đi cái nghệ thuật quan sát sự vật với đôi mắt nhắm lại. Và so sánh những gì ta thấy bằng đôi mắt với giác quan “giới hạn” đó với những gì ta “thấy” khi đôi mắt nhắm lại, thì những sự vật khác nhau rất nhiều. Cái màn ảnh bé nhỏ của đôi mắt thịt (nhục nhãn) đã ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài ta, không thể thẩm nhập được.

Tôi vẫn ngồi nhắm mắt lại, sự an bình đã đến với tôi, trong tôi. Một người đàn ông, chắc thấy lạ lắm, nên đến gần và hỏi tôi đang làm gì vậy. Tôi trả lời là tôi đang nhìn; anh ta tỏ vẻ bối rối, ngạc nhiên, ngờ vực. At hẳn anh ta đang tự hỏi: “Làm sao người ta có thể nhìn thấy được cái gì với đôi mắt nhắm lại?”

Khi người ta mở mắt ra, người ta chỉ thấy những vật hữu hình hữu thể, nhưng nếu ta nhắm mắt lại, thì “người thấy sẽ là vật bị thấy” (tự quán chiếu, phản quan tự tánh). Tuy nhiên, đã mấy ai lãnh hội được cái ý nghĩa thẩm sâu vi diệu này? Khi đôi mắt ta nhắm lại, ta “nhìn thấy” rõ ràng từng chuyển động của dòng tâm thức cũng như “nghe thấy” luôn mạch máu đang rần rần lưu chảy trong huyết quản.

Có một đạo sĩ tên là Rabiya sống trong một cái chòi tranh nhỏ bé tận nơi rừng thẩm. Ngày kia, một người khách phương xa đến gõ cửa và gọi:

-“Rabiya, Rabiya, ngươi làm gì trong cái chòi tranh này vậy? Hãy ra ngoài đây và nhìn xem quang cảnh lộng lẫy rực rỡ mà Tạo Hoá đã ban cho chúng ta. Buổi sáng mai tinh hồng, hoa cười khoe sắc thắm, chim muông hót vang lừng . . .Ôi, cảnh vật bên ngoài đáng yêu làm sao! Hãy ra đây!”

Từ bên trong, Rabiya trả lời:

-“Ta đã “thấy” tất cả những cảnh vật đẹp đẽ mà ngươi đang thấy đó. Hãy “vào trong này” đi, ông bạn. Cảnh sắc bên ngoài thật sự hoàn toàn vô nghĩa khi so sánh với những kỳ diệu nhiệm mầu của thế giới bên trong, “thế giới của nội tâm.”

Bây giờ các bạn hãy “tập nhìn với đôi mắt nhắm lại,” tôi chắc chắn các bạn sẽ trở thành những con người khác khi đã thực hành nghệ thuật “nhìn với đôi mắt nhắm lại.”

Bạn có biết tôi đang dạy gì không? Này, tôi nói nhỏ với ông bạn nhé! Tôi dạy mọi người “bí quyết trở thành một ông Vua.” Ồ, đề tài nghe thật hấp dẫn làm sao!

Thế giới này là một vương quốc vĩ đại mà trong đó mỗi người là một ông vua, nếu họ biết bí quyết làm một ông vua. Tuy nhiên, mỗi người, mọi người trên thế giới này lại biến mình thành nô lệ, một tên nô lệ tàn tật tâm hồn.

Chúa Jesus Christ đã nói: “Vương quốc Thiên Chúa ở trong mỗi người.” Nhưng không một ai chịu đội vương miện của mình, mà cứ mãi lo đi giành giựt, chiếm đoạt những vương quốc bên ngoài không có đến một tên lính nào.

Cái thế giới bên ngoài, dù đầy mầu sắc huy hoàng lộng lẫy, thực sự đang dẫn chúng ta đến nghèo khổ cùng cực. Trong cái thế giới đó, những con người đang ngất ngưỡng tưởng mình là vua đó, lại chính là những tù nhân thê thảm trong ngục tù vương giả. Tham ái, tiền bạc, danh vọng, quyền lực đang cấu xé và nhai nghiến những tên tù si dại đó. Chúng không có được một chút tự do nào, chúng cũng không muốn thoát ra khỏi cái thòng lọng bằng vàng. Không có một sợi dây xích thép nào lại mạnh chắc hơn cái dây thòng lọng khát ái đó. Vì thế, làm sao người ta có thể làm vua được khi bị những sợi dây vô hình kia xiết cổ?

Một buổi chiều, Đại Đế Frederick dạo chơi ngoài cổng thành. Trời đã xập tối rồi và con đường nhỏ hẹp cũng vắng vẻ. Một ông già đi ngược đường va phải Đại Đế. Qúa tức giận, Đại Đế quát lên:

-“Ngươi là ai?

-Ta là “vua,” lão già thản nhiên trả lời.

-Một ông vua hả? Ha ha, ngươi điên rồi chăng?” Nhà Vua tức cười hỏi lại. Thế nhà ngươi cai trị vương quốc nào?

-“Chính Ta.”

Đúng vậy, chính Ta là vua của vương quốc nội tâm, một vương quốc đầy hoa thơm cỏ lạ, tràn đầy mầu nhiệm, siêu ẩn, đa dạng và tinh khôi. Thế mà có mấy ai biết được?

Tôi đang đứng trên nền đất hoang tàn đổ nát của một lâu đài cổ xưa một thời vang bóng. Không còn một dấu vết gì ngoài mớ gạch đá loang lỗ phủ rêu xanh. Cát bụi và thời gian đã xóa mờ đi tất cả.

Tôi tưởng tượng lại quang cảnh lộng lẫy khí thế của một hoàng cung với vua chúa và cung tần phi nữ. Đây là cung vua, đây là ngự uyển, đó là hồ tắm dát ngọc, nọ là giường vàng, thảm hoa . . . Nhưng bây giờ, tất cả những ngọc ngà châu báu, quyền uy tột đỉnh kia đã tan đi như làn khói sương không một tàn tích; và cũng chẳng còn một ai nhắc nhở tới tên một vị Cung Vương hay Hoàng Hậu.

Tôi ngồi như thế lâu lắm rồi. Anh tà dương đã soi qúa xuống chân tôi. Quang cảnh hoang liêu dưới bóng hoàng hôn tăng thêm phần cô quạnh, rùng rợn. Im lặng, thật im lặng, chỉ có tiếng thở dài của gió. Tôi đắm chìm trong vùng tư tưởng của tôi, không gian, thờii gian, vạn vật, vũ trụ . . . như hòa quyện vào nhau thành một. Bỗng chốc, cái cảm giác xót xa, đau đớn, tiếc nuối dĩ vãng kia bay biến mất, tôi chợt nhận ra cái tánh “Chơn Thường” trong “Vô Thường”, cái “Không” trong cái “Có”, cái “Bất Biến” trong cái “Thường Biến” của nhân sinh và vũ trụ. “Đạo” là đây, “Chân Lý” là đây, thật giản dị xiết bao, thế mà tôi đã hoài công đi tìm.

Con đường Đạo có rất nhiều ngã rẽ. Ở mỗi ngã rẽ đó, người ta tưởng là mình đã tới đích rồi.

Theo một lối nói và suy nghĩ nào đó, điều đó cũng có vẻ đúng, nhưng thực ra, trên con đường trở về “nhà”, có rất nhiều “hoá thành.”

Đây là thử thách khó khăn nhất mà đấng Đạo Sư muốn thúc đẩy ta tới. Ngài nói rằng: “Đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều sự mới lạ nữa đang chờ đợi con.” Mặc dù có thể ta ngờ ngợ không tin hoàn toàn vào những lời Đức Đạo Sư nói; tình thương và kính ngưỡng đối với Ngài vẫn thúc đẩy bước chân ta.

Có một câu chuyện cổ mà tôi rất thích.

Ngày xưa, có một lão tiều phu già, nghèo và cô độc, ngày ngày vào rừng đốn củi để sinh nhai. Đường dẫn vào rừng thì rậm rạp, quanh co và nhiều thú lạ.

Mỗi ngày vào rừng đốn củi, ông lão tiều phu luôn đến đặt tay vào chân một vị khất sĩ ngồi thiền định dưới một tàng cây to lớn. Vị khất sĩ này ngồi ở đó có thể đã lâu rồi, râu tóc mọc đầy và người phủ đầy bụi. Tuy nhiên, ông lão luôn cảm thấy có một sự an tĩnh tâm hồn toát ra từ gương mặt và con người của vị khất sĩ này, và ông lão rất hân hoan mỗi lần được chạm đến chân vị ẩn tu đó. Vì thế, lão tiều hay đến gần vị khất sĩ này trước khi vào rừng đốn củi.

Một hôm, khi lão tiều phu vừa đặt trán lên chân vị khất sĩ đó, thì ngài hé mắt ra, mỉm cười, khẽ nói: “Ngươi thực là một tên ngu.”

Lão tiều giựt nảy mình như bị điện chạm và tự hỏi: “Lạ qúa, đáng lẽ khi ta chạm chân ngài tỏ lòng kính ngưỡng, ngài không ban phước cho ta thì thôi, sao lại mắng ta ngu?”

Nhưng lão không dám hỏi, và ôm sự bực bội thắc mắc vào rừng.

Một lần, hai lần, ba lần . . . ngày đó, lão tiều thu hết can đảm và hỏi vị khất sĩ rằng:

-“Bạch ngài, ngài nói con ngu là có nghĩa gì vậy?”

Vị khất sĩ trả lời:

-“Ta nói ngươi ngu dại là vì ngươi vào rừng đốn củi mỗi ngày nhưng lại không biết là sâu hơn một tí nữa, ngươi sẽ tìm thấy một mỏ đồng ở đó. Nếu ngươi tìm thấy, ngươi sẽ sống khỏe, no đủ trong vòng 7 ngày, khỏi cần nhọc xác đi đốn củi nữa.”

Ông lão lẩm bẩm:

-“Ủa, không biết thật có mỏ đồng không hay là vị tu sĩ này giỡn cợt mình đây? Hình như ông ta không có vẻ đùa cợt; hay là mình thử nghe lời xem sao, biết đâu lại vớ được món bở . . .?”

Lão tiều hăm hở vác búa vào sâu hơn nữa và qủa thật, lão tìm thấy mỏ đồng. Mừng hết lớn, lão thu vét vác bao ra và thầm phục vị ẩn sĩ.

-“Hèn gì, ngài cứ nói mình ngu. Có mỏ đồng mà không biết, cứ đốn cây kiếm củi hoài.”

Hí hửng, lão tiều ra về và chỉ vào rừng đốn củi một tuần một lần. Lão gặp vị ẩn sĩ và đến chạm chân ngài. Vị ẩn sĩ lại cười nói:

-“Ngươi vẫn là một thằng ngu.”

Ông lão cự lại:

-“Không, con không còn ngu nữa đâu, con đã tìm thấy mỏ đồng rồi.”

-“Nếu ngươi vào sâu hơn một tí nữa, ngươi sẽ bắt gặp mỏ bạc đấy.”

-“Trời đất ơi, sao ngài không nói sớm hơn một tí nữa cho con nhờ?”

-“Bởi vì nhà ngươi không tin ta nói là có mỏ đồng thì làm sao ngươi tin là có mỏ bạc? Thôi, vào sâu hơn một tí nữa đi!”

Lần này thì lão tiều phu thích chí qúa, chẳng còn nghi ngờ gì, co chân phóng sâu vào rừng. Qủa nhiên, có mỏ bạc thật.

Lão tiều phu trở ra, ngồi dưới chân vị ẩn sĩ và nói:

-“Con tìm thấy mỏ bạc rồi. Ngài ạ. Bây giờ con không cần vào rừng mỗi tuần nữa, mà một tháng con vào một lần. Con sẽ nhớ ngài và ân sủng của ngài. Con bắt đầu thích nghe ngài nói: “Ngươi qủa là tên ngu xuẩn.”

-“Nhưng mà ngươi vẫn còn ngu thiệt.”

-“Ngay cả lúc con tìm thấy mỏ bạc rồi, con vẫn còn ngu sao?”

-“Đúng vậy, nếu ngươi đi sâu hơn nữa, sâu hơn một ít nữa, ngươi sẽ thấy mỏ vàng đó. Đừng đợi đến một tháng sau, ngày mai ngươi trở lại đây đi. Ta sẽ chỉ cho.”

Ông lão, lần này lại băn khoăn ngờ vực, tự nhủ: “Coi bộ lần này, vị đạo sĩ này đùa ta thiệt. Nếu thực có mỏ vàng, sao ông ấy không đi lấy để thụ hưởng mà lại ngồi khổ cực ở dưới tàng cây này, chịu đựng mưa gió, nắng bụi và sống nhờ vào thực phẩm của người ta dâng hiến, có khi họ mang đến, có khi không . . . lạ thiệt! Ừ, nhưng nếu có mỏ vàng thiệt, vì hai lần trước, ổng không có nói đùa với mình. Thôi kệ cứ đi thử xem, không có thì thôi, cũng chẳng hại gì. Ai biết được hư thực thế nào?”

Thế là lão tiều phu phóng vào rừng, sâu hơn nữa để tìm mỏ vàng và qủa nhiên, lão tìm thấy một mỏ vàng khổng lồ. Lão té đụi xuống, không tin vào mắt mình nữa. Ồ, đây là khu rừng lão đã thường xuyên đốn củi mỗi ngày gần suốt cả cuộc đời lão, nhưng sao mấy cái mỏ qúi báu này, lão không hề thấy cà? Sao vị ẩn tu đó biết mà chỉ cho lão vậy? Lão tiều hí hửng khuân vàng ra, đến bên vị ẩn sĩ nói:

-“Lần này, ngài phải nói là con khôn rồi đó nghe. Con tìm thấy mỏ vàng rồi.”

-“Ngươi vẫn còn là một tên ngu. Ngày mai ngươi trở lại đây vì chưa hết đâu, vàng chỉ là bước đầu thôi.”

-“Sao? Vàng chỉ là bước đầu, còn cái gì nữa à?”

-“Ngươi hãy về đi, mai trở lại. Ngươi sẽ còn tìm thấy nữa, nhưng ta không nói bây giờ đâu, ngươi sẽ không ngủ được. Mai trở lại đi.”

Đúng vậy, lão tiều phu thao thức trằn trọc suốt đêm. Lão như người mộng du. Từ một người bần cùng, lão trở thành một trưởng giả, lão là chủ nhân mỏ đồng, mỏ bạc, mỏ vàng – và còn nữa, trời ơi, còn nữa . . .

Sáng sớm tinh mơ, lão đã trỗi dậy lò mò vào rừng để gặp vị ẩn sĩ. Lão kích động quá, hồi hộp qúa. Cái gì sẽ chờ đợi lão đây?

Vị ẩn sĩ mỉm cười, hé mắt ra nói:

-“Ta biết ngươi không ngủ được đâu, hãy đi hướng này, một mỏ châu báu tuyệt trần. Hãy cẩn thận lần này, từng bước chân ngươi vào trong mỏ châu báu này là từng bước chân ngươi đi vào một thế giới khác; nếu ngươi không cẩn thận, ngươi sẽ bị điên khùng đó. Hãy suy nghĩ cẩn thận.”

Lão tiều vừa đi vừa suy nghĩ. Tại sao? Tại sao? Tại sao vị ẩn sĩ đó không thụ hưởng mấy mỏ qúi giá này? Tại sao ông ta không chỉ ngay mỏ kim cương mà lại dẫn dắt lão từ mỏ đồng đến mỏ bạc, mỏ vàng? Tại sao ông ta lại nói là lão vẫn còn ngu muội? Tại sao ai ai cũng ham vàng bạc mà ông ta lại không thèm? Tại sao? Tại sao?

Hàng trăm câu hỏi nhẩy múa trong đầu lão tiều và chân lão cứ đều đặn bước sâu vào rừng, sâu, sâu hơn nữa.

Một thứ ánh sáng diệu kỳ hắt vào mặt lão. Sáng, sáng lắm, đẹp, đẹp lắm, đẹp lạ lùng. Mỏ kim cương đây rồi. Những viên ngọc, những viên kim cương lấp lánh, ngời sáng.

Lão tiều phu ngồi xuống, lần này lão không há hốc mồm ra nữa, không dụi mắt nữa, không bàng hoàng nữa. Cái cảm giác điên dại vì vàng bạc đó không còn áp lực đối với lão nữa. Lão lặng lẽ ngồi xuống, nhìn đám kim cương ngọc ngà kia. Đầu óc lão đầy những câu hỏi tại sao, tại sao, nên ánh sáng rực rỡ của kim cương không còn sức hấp dẫn nữa. Có cái gì ẩn mật đằng sau cái mỏ vàng này, có cái gì sâu kín nhiệm mầu hơn mà vị ẩn tu kia muốn nói cho lão biết. Lão cứ ngồi và miên man suy nghĩ, suy nghĩ hoài. Bây giờ lão đã già rồi, ôm mấy cái mỏ vàng này để làm gì, lão cũng đâu có mang được hết qua bên kia thế giới, mà không biết lão có còn sống lâu để hưởng hết của cải này không, cái niềm vui hào hứng khi đào được mỏ đồng, mỏ vàng sao vội tắt ngúm, không lâu dài . . . Lão tiều ngồi yên lặng, đắm chìm trong dòng suy tưởng . . . và chợt, ồ, lão “thấy” rồi, lão “thấy” rồi!

Trong đống kim cương ngọc ngà kia, lão thấy hào quang bao bọc toàn thân vị ẩn sĩ và hình dung ngài vô cùng tươi tắn, đẹp đẽ, uy nghi khác thường. Ngài mỉm một nụ cười từ bi và đưa tay xoa đầu lão. Lão run run thưa:

-“Sao Ngài đợi đến giờ phút này mới đến bảo cho con hay? Sao Ngài để con trông chờ qúa lâu?”

-“Ta đợi đúng thời cơ, đúng nhân duyên mới gặt qủa chín, bây giờ con không còn là một tên “khờ dại” nữa, con đã “tỉnh thức.” Đây mới thực sự là “nhà châu báu” của con, ngoài ra tất cả chỉ là “hóa thành”, là “lâu đài trên cát.”

 

Xem tiếp

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9