Ngón Tay Chỉ Đường ( Phần 5 ) – Thích Nữ Minh Tâm

Tôi đang ngồi bên cạnh giường một người đàn ông 84 tuổi sắp chết. Đã từ lâu, ông lão này chịu nhiều đau đớn và khổ sở vì căn bệnh quái ác hoành hành. Lão đã lẩm cẩm và bại xuội nằm trên giường bệnh lâu lắm rồi. Nhưng mặc dầu lão ta ngắc ngoải, dằn vặt, đau đớn với căn bệnh như vậy, lão ta vẫn muốn sống, “thèm sống.” Lão ta vẫn “sợ chết.” Ngay cả những người mà đời sống họ chỉ là một đời sống thừa, không đáng sống, hoặc “chết ngay khi còn sống” họ vẫn ham muốn được sống. Tại sao con người lại ham sống sợ chết đến như vậy? Tại sao cuộc sống đầy những khổ đau, lo sợ, mà con người vẫn thèm khát được sống? Cái cảm giác “sợ chết” là thế nào? Tại sao chúng ta sợ chết khi chúng ta chưa từng biết nó? Tại sao chúng ta sợ cái không quen, không biết đó?

Khi có người nào đến thăm, lão ta rên rỉ, than trách, phàn nàn đủ điều. Than phiền đi theo than phiền. Lão ta bực mình với đám bác sĩ và những nhà tâm lý trị liệu lắm rồi. Lão ta muốn tống cổ họ đi cho rồi, nhưng lão ta vẫn nuôi hy vọng là họ sẽ chữa cho lão lành bệnh.

Tôi gặp lão một mình và hỏi: “Bộ lão vẫn muốn sống hở?” Lão giương đôi mắt, trợn nhìn tôi và cho rằng tôi qúa nhẫn tâm khi hỏi như vậy; nhưng lão cố gắng trả lời: “Bây giờ tôi chỉ có cầu xin Thượng Đế đến mang tôi đi sớm cho rồi. Khổ qúa!”

Lão ta đã nói dối!

Tôi nhớ một câu chuyện.

“Ngày xưa có một lão tiều phu gìa yếu, cô đơn và nghèo đói. Ông ta già yếu đến nỗi không còn đủ sức để đi đốn củi đổi lấy thực phẩm nữa. Càng ngày, lão càng gìa yếu và không có một ai đến thăm hay giúp đỡ. Một ngày kia, lão đang cố sức bó củi trong rừng. Mệt qúa, lão ngồi phịch xuống, than thở: “Thần Chết đâu, sao không đến mang tôi đi cho rồi? Sống làm gì mà khổ qúa vậy nè?!”

Khi ông lão tiều phu vừa dứt tiếng, lão cảm thấy có cái gì lành lạnh sau lưng và hình như có một ai đó đang nhìn lão. Lão định quay người lại, thì một bàn tay lạnh giá sờ lên vai lão. Lão run bắn người lên, muốn qụi sụm xuống. Lão cố thu hết can đảm, quay phắt người lại. Không có ai hết. Nhưng lão vẫn có cảm giác có người nào đâu đó. Lão vẫn cảm thấy sức nặng của bàn tay ai đó đặt trên vai lão. Trước khi lão mở miệng định hỏi “ai đó” thì người vô hình đó nói:

-“Ta là Thần Chết đây, nào hãy nói đi, ta có thể giúp được gì cho ngươi đây?

-Lạy, lạy Ngài, Ngài muốn gì nơi con? Lão tiều phu lắp bắp, vã mồ hôi đầy người, run lập cập hỏi.

-Ta đến đây vì ngươi đã gọi đến tên ta kia mà!

-Ồ, lạy Ngài, xin hãy tha lỗi cho con. Con đã quên mất. Con gọi Ngài chỉ để xin Ngài đỡ dùm con bó củi lên vai con mà thôi. Con xin hứa với Ngài, con không dám làm phiền đến Ngài sau này nữa, mà thí dụ con có lỡ miệng quen gọi Ngài, Ngài cũng đừng thèm quan tâm đến lời lão già này. Con thực sự đang sống sung sướng lắm ạ!”

Tôi đang nhớ tới câu chuyện buồn cười đó thì có người nhà ông gìa bịnh nhân vào cho hay có một vị đạo sĩ đến. Vị đạo sĩ này nổi tiếng có nhiều phép thuật.

Ông già bịnh hoạn ốm yếu gần chết này, nghe nói có đạo sĩ nổi tiếng, vội thu hết sức tàn, nhỏm dậy nói to lên:

“Mau mau, đạo sĩ đó ở đâu? Mời ông ta đến gấp chữa cho ta. Đúng là Trời thương ta, cho ta sống mà. Mấy cái tên bác sĩ gàn dở thiệt, họ cứ nói ta sắp sửa tiêu ma rồi. Làm sao ta chết được khi Trời cho ta sống?

Tôi đứng dậy đi ra ngoài. Chẳng bao lâu sau, khi tôi về đến nhà, thì nhận được tin ông già “ham sống” đó đã chết rồi.

Đêm qua trời đổ cơn mưa thật lớn làm đường phố lầy lội dơ bẩn. Những luồng gió lạnh vẫn còn thổi mạnh và bầu trời vẫn giăng giăng mây xám. Dường như là ông Mặt Trời đủng đỉnh không chịu vén màn nhìn xuống trần gian; ánhsáng mặt trời làm cho trái đất thêm phần ấm áp xinh tươi đầy sức sống, nhưng hôm nay thì thật là u ám quá.

Nhìn trời, nhìn mây, tôi thấy tâm hồn mình trì trệ hẳn lại, tối tăm hơn

Một thanh niên trẻ trung đến gặp tôi. Anh ta có vẻ như là một “từ điển sống”, một “từ điển biết đi.” Những lời nói của anh ta sặc mùi sách vở. Một cái mùi đáng chán!

Mặc dầu anh ta đến để nghe tôi nói, nhưng thực ra tôi đang chịu đựng để nghe anh ta nói. Anh ta nói đủ thứ, nói huyên thuyên, nói dai dẳng – những điều anh ta nói toàn là nhai lại những gì người ta đã nói rồi – và anh ta cứ lập đi lập lại, tưởng rằng người khác sẽ kính sợ cái “mớ trí thức” của mình.

Lối học ngày nay cũng vậy, nó dạy người ta trở thành những cái máy nói thụ động, máy móc. Cái lối học đó không giúp cho con người mở mang trí óc và đi sâu vào vùng đất tâm linh trí tuệ – nó chỉ sản xuất ra những người máy, những cái máy thâu băng chánh hiệu.

Chung quanh tôi, có rất nhiều máy thâu băng như vậy. Họ thâu, họ lập lại những gì họ nghe, họ thấy mà chẳng hiểu gì cả. Nhưng nếu có một người trí nào nhắc nhở họ thì họ lập tức nổi nóng lên liền và cãi lý dữ dội.

Thật là ngu xuẩn!

Một đêm kia, có một người lữ khách bước vào quán trọ. Khi hắn ngồi xuống, hắn chợt để ý có vài người bước ra khỏi quán, rồi một lát sau, lại có dăm ba người khác bước vào. Cứ như thế ra vào, vào r a không biết bao nhiêu lượt. Hắn để ý như vậy và chợt bùng lên trong ý thức một ý nghĩ.

Tâm con người cũng như quán trọ, những ý nghĩ, những ham muốn, và ngay cả những chuyển biến tư tưởng đó như những người khách chợt ra chợt vào, liên miên bất tận. Và trong cùng một nhịp thở, tôi nói bạn hay rằng không có gì quan trọng bằng sự yên lặng trầm tĩnh ngồi quán chiếu sự khác biệt nhau giữa “Chủ” và “Khách.” (Danh từ nhà Phật gọi là Năng và Sở, Tâm và Tâm Sở).

Nhưng làm sao chúng ta có thể nhận thức được “Chủ” và “Khách” đó?

Đức Phật đã dạy: “Hãy dừng lại!”

“Dừng lại” thì các bạn sẽ thấy cánh cửa bí mật của cội nguồn An Lạc.

Đơn giản qúa, dễ làm quá, sao các bạn không chịu làm? Chạy làm gì cho mệt?

Hãy “dừng” lại đi, tôi đang đứng đây chờ bạn.

Đêm tối đen như mực. Chỉ có một vài ngôi sao nhỏ lấp lánh yếu ớt trên bầu trời và mảnh trăng lưỡi liềm nằm khuất e thẹn sau đám mây xám đục. Mùi hoa cúc tỏa thơm ngát và hương thơm của nó làm không khí ẩm ướt ngột ngạt kia đỡ phần khó chịu.

Tôi thấy một người đàn bà bức rức đau khổ đi ra đi vào căn nhà. Tôi không biết bà ta rõ lắm, nhưng tôi nhìn được sự đau khổ bực bội hằn trên nét mặt bà ấy. Sự đau khổ phiền muộn che mờ đi gương mặt khả ái của bà ta.

Cuối cùng, bà ta tìm được tôi đang ngồi ở gốc cây và tiến đến hỏi: “Làm sao để tôi hết khổ?”

Tôi nhìn bà ta. Dường như cả một núi phiền muộn đang chụp lên đầu bà ấy. Bà ta là một hình ảnh thí dụ của kiếp con người. Ai ai cũng muốn rủ bỏ muộn phiền, nhưng lại quay lưng trốn chạy không dám đối diện với nó. Đau khổ chỉ xuất hiện khi ánh sáng tỉnh thức biến mất. Không có một ai nhận thức rằng “trong Đau Khổ có Hạnh Phúc, trong cái Sống có mầm Chết.” Sự vật luôn luôn có hai mặt dối đãi nhau, tương quan tương tức với nhau.

Cái hạnh phúc trần gian mà con người bình thường muốn hưởng, có phải chăng là sự sung mãn tiền bạc, tình yêu lứa đôi hay cơ hội phát triển nghề nghiệp, v.v.?

Tuy nhiên có mấy ai hiểu rằng cái hạnh phúc dục lạc tạm thời đó đã ẩn chứa trong nó đau khổ, mất mát, phiền muộn , v.v . . .Con người càng tham càng muốn hưởng thụ nhiều, nhưng một khi không đạt được nhu cầu hưởng thụ đó thì vũng lầy đau khổ bực bội ganh tị còn sâu thẳm hơn, dìm chết con người trong nó; và tiến trình đau khổ đó cứ lập đi lập lại suốt cả một đời người. Chúng ta có thể chữa lành thân bệnh, nhưng khó có thể chữa lành “tâm bệnh” nếu chúng ta không biết cách “chuyển hóa” tư tưởng, ý thức chúng ta. Càng chậm “chuyển hóa” chừng nào, chúng ta càng đối diện với đau khổ nhiều chừng nấy.

Một ngày kia, có một chàng trai đến gặp Đức Phật. Anh ta sao mà bức rức, lo âu, tuyệt vọng đến thế. Anh ta rên lên, kêu um sùm: “Sao thế giới này kinh khủng qúa, cuộc đời sao khốn nạn qúa, đâu đâu cũng thấy phi lý, đau khổ làm sao!”

Đức Phật gọi anh ta:

-“Hãy đến “nơi Ta.” Nơi đây không còn đau khổ phiền muộn nữa.”

Đọc xong đoạn này, bạn nghĩ gì?

Đó là một buổi trưa hè vắng lặng. Mặt trời chiếu sáng rực lửa và khắc nghiệt. Cây cối dường như bị say nắng hết, gục đầu im lìm chịu đựng. Mặt đường bốc hơi nóng hầm hập. Không gian như chết sững khô cứng. Nóng, nóng, trời nóng qúa.

Tôi ngồi ở bãi cỏ, dưới tàng cây dâu xanh. Chung quang tôi là nắng, những vạt nắng nhẩy múa làm tôi hoa mắt nhức đầu kỳ lạ. Ngồi chịu đựng như thế một lúc lâu, tôi chợt nhớ đến hình ảnh căn nhà lửa mà Đức Phật đã ví dụ trong phẩm Kinh Pháp Hoa do Ngài thuyết giảng.

Tôi không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng tôi rất thích và bị hấp dẫn khi đọc các Kinh sách Phật gíao.

Hình ảnh căn nhà lửa trong Kinh Pháp Hoa đó, có phải chăng là thế giới bạo loạn của con người ngày nay? Có phải chăng là thế giới tâm linh đầy dục vọng, sân hận, oán thù, thèm khát?

Con người đã trả một cái giá quá đắt cho lòng tham thấp hèn của mình. Biết đến bao giờ con người mới chui ra khỏi căn nhà lửa đó?

Tiếng hót của bầy chim trên cây làm tôi cảm thấy vui vẻ lạ thường. Ông mặt trời đã bớt cơn thịnh nộ và ban bố cho trần gian một chút gió thoảng. Không khí dịu lại một ít, dù hơi nóng vẫn ngột ngạt nhưng sinh vật và cây cối dễ thở hơn nhiều.

Tôi lắng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cây. Có lẽ chúng đang cãi lộn, có lẽ chúng đang dành ăn, có lẽ chúng đang tự tình.

Dù gì đi nữa, tiếng chim hót vẫn đem lại vui vẻ, sảng khoái cho loài người. Những tiếng hót du dương hay ríu rít khác nhau của bầy chim phá tan đi bầu không khí tĩnh mịch của buổi trưa hè và giúp cho tôi thêm sức sống mãnh liệt.

Tôi tiếp tục lắng nghe điệu nhạc êm tai đó hòa theo tiếng thở dài của gió. Im lặng và lắng nghe. Tôi ru hồn tôi vào điệu nhạc thiên nhiên và thế giới của âm nhạc thiên nhiên đã đưa tôi vào thế giới của tâm linh. Và giây phút này thật tuyệt vời. Điệu nhạc đó không phải riêng cho tôi, của riêng tôi. Đó là của tất cả mọi người. Nếu ai lãnh hội được thì thế giới tâm linh đó đã mở cửa sẵn chờ. Ngay lúc ta yên lặng không xao động, tấm màn sân khấu đã vén mở và dàn nhạc hòa tấu khúc nhạc tâm linh đã trổi lên. Và đó là lần đầu tiên ta cảm nhận được sự phong phú sung mãn của nội tâm mình, của thế giới bên trong mình.

Hãy thức tỉnh đi!

Hãy lắng nghe đi!

Hãy bước vào đi!

 

Xem tiếp

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Phần 7

Phần 8

Phần 9