Trong Động Tuyết Sơn – Chương 1: CUỘC GẶP GỠ

trong động tuyết sơn

Tôi nhớ lại lần hội ngộ đầu tiên với Tenzin Palmo tại Pomaia, một thành phố nhỏ của Ý nằm giữa những ngọn đồi hùng vĩ của Tuscany khoảng một giờ đường lái xe từ Pisa.

Đó là một buổi xế trưa mùa hè và không khí ngột ngạt hơi nóng và mùi nhựa thông. — đó, chúng ta thấy những tòa lâu đài một thời nguy nga tráng lệ với những bức tường chạm trổ tinh xảo, những cửa cái có vòm cao, mái nhà kiểu tháp nhọn lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời tháng Tám, và chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả phá tan bầu tĩnh lặng của buổi trưa hè.

Nhưng chỉ độ vài giờ nữa thôi, cuộc sống dưới phố kia sẽ náo nhiệt ồn ào vào buổi tối. Những cửa tiệm bán thực phẩm, giầy dép, bánh ngọt, và bia rượu sẽ mở cửa đón khách; và bọn đàn ông sẽ tụm năm tụm ba tán dóc đủ mọi chuyện từ chính trị, kinh tế, đến những hoạt động của các tổ chức phe nhóm địa phương. Tuy nhiên, lần đó, nét lộng lẫy gợi cảm nồng nàn của xứ Ý, nơi mà thiên hạ đua chen nhau hưởng thụ dục lạc, đã phải nhường bước cho ánh sáng thế giới nội tâm của Tenzin Palmo.

Lần đầu tiên, tôi gặp Tenzin Palmo khi cô đang đứng dưới bóng các cây cổ thụ trong một tòa lâu đài. Đó là một phụ nữ mảnh khảnh vào độ tuổi trung niên, với làn da trắng và lưng hơi khòm. Cô mặc áo nữ tu Tây Tạng mầu đỏ xậm và tóc cạo sát đầu. Đứng vây quanh cô là một đám đông phụ nữ.

Chúng ta có thể thấy đó là một buổi nói chuyện rất hào hứng, và bầu không khí rất thân mật, cởi mở. Đúng ra thì họ không được phép nói chuyện như vậy; tuy nhiên, sau cả một tháng trời tu học giáo lý và thực tập thiền định, thì buổi nói chuyện ngoại lệ đó cũng là điều tất yếu thôi.

Tôi và khoảng 50 người nữa cũng tham dự vào buổi nói chuyện đó. Những sinh hoạt hào hứng ngoại lệ như thế đã trở thành quen thuộc nhưng quan trọng đối với tôi, sau khi tôi gặp các vị Lạt Ma ở Nepal từ năm 1976 trở về trước và khám phá ra tính chất đặc biệt phong phú trong những thông điệp của các ngài. Vì thế, những buổi nói chuyện sống động như tôi đang chứng kiến đây, là một phương pháp thư giãn xả hơi sau những giờ dài ngồi kiết già thiền định hay lắng nghe các vị tu sĩ trùng tuyên lại lời dạy của Đức Phật.

Tối hôm đó, mọi người quây quần ăn uống ngoài trời. Một người đàn ông ngồi bên cạnh, thì thầm vào tai tôi, và chỉ vào Tenzin khiến tôi đặc biệt chú ý. Tenzin Palmo lúc đó đang ngồi ở bàn ăn bên kia và nói chuyện vui vẻ, hăng say với đám đông vây quanh cô.

– “Đó là Tenzin Palmo, một phụ nữ Anh Quốc đã sống 12 năm trong một hang động cao hơn 12.000 bộ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn đó. Cô ta sống một mình ở đó và vừa mới rời khỏi động tuyết.”

Bây giờ, sự chú ý của tôi đối với Tenzin Palmo không còn là một sự tò mò nữa, mà là một sự chú tâm đặc biệt.

Nhiều năm qua, tôi đã đọc, đã nghe về những nhân vật kỳ đặc – những bậc đạo sư du già ở Tây Tạng, Ấn Độ hay Trung Hoa. Những bậc đại nhân này đã lìa bỏ những tiện nghi sung mãn vật chất của đời sống con người để ẩn cư thiền định tại những núi rừng hoang vu tĩnh mịch hết năm này qua năm khác. Con đường của họ đi thật khó khăn và cô độc làm sao! Hoàn toàn cô đơn, trên người chỉ có một tấm vải thô hay một chiếc áo mỏng manh, họ dấn thân vào cuộc chiến đấu với bản thân và những cơn đói lạnh khủng khiếp ghê hồn. Thân họ chỉ còn da bọc xương, râu tóc họ mọc xồm xoàm rậm rạp đến tận lưng. Họ đối diện với thú rừng hung dữ và những tên cướp của giết người không gớm tay. Những tên cướp này không có lương tâm, không có một chút tình nhân loại. Chúng không cần biết đó chỉ là những vị đạo sĩ vô sản; khi không tìm thấy được một vật

gì, chúng đánh đập dã man các vị đạo sĩ này không chút nương tay, có khi gần chết. Tuy nhiên, những khổ sở đau đớn của ngoại cảnh không làm cho các đạo sĩ này nao núng lùi bước;

cũng không thể nào so sánh với những chướng ngại nội tâm mà các đạo sĩ cần phải vượt qua để đạt tới giác ngộ giải thoát. Những lớp sóng ngầm độc hại của nội tâm như sân hận, chấp thủ, tham luyến… v.v… sẵn sàng trổi dạy và trào dâng úp chụp lấy họ không biết lúc nào. Họ phải vượt qua tất cả – và ngay cả khi chiến thắng chúng thì các vị đạo sĩ này cũng phải dẹp tan sự phấn chấn hứng khởi đó thì mới có thể gọi là Vô Ngã được.

Cảnh giới giải thoát đó rộng rãi thênh thang, vượt qua biên giới nhị nguyên – không Ngã – không Nhân – Đó là cảnh giới thanh bình an lạc tối thượng, không có gì so sánh được. Đó là trạng thái tinh thần sung mãn cao nhứt mà con người có thể chứng được nếu muốn.

Tôi đã đọc, đã nghe; nhưng hôm nay, tại Pomaia Ý đại Lợi, tôi đã gặp, đã chứng kiến một con người thực sự chứ không phải trong huyền thoại truyền thuyết; một con người bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt tôi – và hơn thế nữa, đó không phải là một đạo sĩ người Á Đông, mà là một phụ nữ Tây Phương tân tiến thời đại. Một phụ nữ Tây Phương thời đại !

Đầu óc tôi quay mòng mòng với hàng trăm câu hỏi. Cái gì đã xui khiến người phụ nữ Anh này rời bỏ được những tiện nghi văn minh vật chất để rút vào độc cư thiền định nơi núi thẳm rừng sâu như vậy? Làm sao cô có thể sống sót qua những cơn gió lộng bão tuyết kinh hồn? Cô ăn gì, tắm làm sao, ngủ thế nào, và không có cả điện thoại nữa? (đời sống người Tây Phương gắn liền với máy điện thoại; không có nó, họ cảm thấy thiếu thốn, có thể chết đi được). Làm sao cô có thể tồn tại khi không có một chút hơi ấm của tình người, của một người bạn đồng hành qua nhiều năm như vậy? Cô đã chứng đạt được gì? Và, tò mò hơn nữa, làm sao cô có thể chịu đựng nổi sự cô đơn và im lặng tuyệt đối giữa cảnh núi tuyết lạnh lùng hoang vắng, khi chính cô xuất thân từ một hoàn cảnh tương đối tốt đẹp?

Nhưng tất cả sự tò mò nóng nảy đó của tôi đã vội nhường bước cho lòng kính trọng pha lẫn sự ngạc nhiên đối với

một người phụ nữ đã can đảm kiên trì phiêu lưu đến một nơi chốn mà tôi chưa hề biết và cũng không thể tưởng tượng ra được. Sự khao khát tìm cầu chân lý của cô, hoàn toàn khác tôi, đã đẩy cô vượt qua những khóa tu tập bình thường để dấn thân vào một cuộc chiến đầy cam go và thử thách, cốt làm sao vượt qua khỏi sanh tử luân hồi.

“Nhập Thất”, theo kiến thức nông cạn của tôi, là một việc làm lâu dài đòi hỏi tánh bền bỉ chịu đựng ngày này qua ngày khác; những thời khóa tu tập, tụng kinh, ngồi thiền, niệm chú, v.v… cứ lập đi lập lại dài vô tận; hay đối phó với những khủng hoảng dao động tâm lý chợt đến, chợt đi, khuấy phá nội tâm hành giả – và hành giả phải kiên trì, tin tưởng, can đảm đi đến cuối con đường mình đã chọn.

Ngày hôm sau, tôi lại gặp cô ta ở ngoài vườn, và chỉ ngồi một mình. Thấy có cơ hội, tôi tiến lại gần. Không biết cô có chịu tiếp chuyện với tôi không? Nhưng nụ cười rộng mở, nét mặt khả ái của cô, và đôi mắt xanh trong sáng đã thúc giục tôi tiến bước. Từ người cô tỏa ra một sự bình an, hoan hỷ, tự tại, và thản nhiên; nhưng tính chất nổi bật nhất của cô là sự tinh khiết trong sáng hoàn toàn không chút vẩn đục của thân tâm.

Xem tiếp:

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 1: CUỘC GẶP GỠ

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 2: NƠI KHÔNG THÍCH HỢP

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 3: Buổi Bình Minh

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 4: Bước Đầu Tiên

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 5: Vị Đạo Sư

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 6: Cô Đơn Và Đau Khổ

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 7: LAHOUL

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 8: Động Tuyết Sơn

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 9: Đối Diện Tử Thần

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 10: Các Vị Đạo Sư Du Già

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 11: Con Đường Của Người Phụ Nữ

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 12: Xuất Động

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 13: Thực Hiện Ước Mơ

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 14: Vị Đạo Sư

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 16: Một Hang Động Ẩn Tu Có Cần Thiết Không?

Trong Động Tuyết Sơn – Chương 17: Bây Giờ