Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 4 ] – Thích Nữ Minh Tâm

bình bát và thiền trượng

Thiền Sư Dori (Ô Sào Thiền Sư)

Xưa kia, ở nước Trung Hoa, có một vị thiền sư pháp hiệu là Dori. Thiền sư này luôn tọa thiền tại một cành cây thông treo lơ lửng ở bờ vực và thiên hạ đã gọi ngài là Thiền Sư Tổ Chim (Ô Sào Thiền Sư).

Một hôm, Sakuraten, một đại thi hào, đến thăm Thiền sư và khi thấy Thiền sư tọa thiền trên cành cây, Sakuraten nói:

-“Cẩn thận đấy nhé, Thiền sư, nguy hiểm lắm đấy, ngài có thể bị rớt xuống vực đó.”

Thiền sư trả lời:

-“Không bao giờ. Chính ông mới là người đang bị nguy hiểm. Ở đây và bây giờ, ta tọa thiền, và tâm trí ta chú mục hoàn toàn vào một đối tượng. Ông, ông không bao giờ thiền định, và trong tâm ông chất chứa quá nhiều đam mê vì sáng tác thơ văn; thế cho nên đầu óc của ông luôn luôn nhậy cảm, dao động, lo âu, bồn chồn không ngừng nghỉ.”

Sakuraten ngẫm nghĩ:

-“Đúng vậy, tôi đã và đang là con mồi ngon của đam mê lãng mạn, đúng như là đang giỡn chơi với lửa vậy;” và Sakuraten hỏi Thiền sư: “Cốt tủy của Phật giáo là gì?”

Thiền sư Dori, nhắm mắt lại, nói:

“Không làm các điều ác,

Siêng tu các hạnh lành

Tự thanh tịnh tâm ý

Là cốt tủy Phật giáo.”

——————————-

Sống – Chết

Trong một cuộc bàn luận Phật Pháp với Bồ Tát Na Tiên, Vua Milinda hỏi:

-“Này Tỳ Khưu Na Tiên, luân hồi là gì?”

Na Tiên Tỳ Khưu đáp:

-“Tâu Đại Vương, đó làl ở nơi đây người ta sanh ra và chết đi, ở nơi kia người ta chết đi và tái sanh, rồi lại sanh ra và chết đi, chết đi và sanh ra . . . Tâu Đại Vương, đó là vòng tròn vô tận của luân hồi.”

Vua Milinda nói:

-“Trẫm vẫn không thể hiểu được, hãy giải thích rõ hơn nữa cho Trẫm.”

Na Tiên Tỳ Khưu giải thích:

-“Cũng giống như hột xoài mà ngươì ta trồng để ăn quả. Khi cây xoài lớn lên, nó trổ ra quả, người ta hái xoài, ăn nó và lại lấy cái hột xoài đem đi trồng lại. Rồi từ hột xoài đó, nó nẩy mầm, lớn lên thành cây và lại đơm bông kết trái, khi xoài chín, người ta lại hái xoài xuống ăn và lại gieo hột xoài xuống đất. Và cứ thế, cây xoài không bao giờ tận. Cũng vậy, tâu Đại Vương, con người sanh ra ở đây, chết nơi kia, cứ sanh ra rồi lại chết đi, chết đi và sanh ra . . . tâu Đại Vương, đó là luân hồi.”

Và cũng một đoạn kinh khác, Vua Milinda đã hỏi Na Tiên Tỳ Khưu:

-“Cái gì sẽ tái sanh sau khi con người chết đi?”

-“Sau cái chết, tên gọi, tâm thức và thể xác sanh lại.”

-“Có phải cũng cái tên gọi đó, cũng cái tâm thức đó, linh hồn đó, cũng cái thể xác đó trở lại không?

-“Không phải. Cái danh xưng, tâm thức, linh hồn và cái thể xác cũ đó đã tạo ra hành nghiệp. Từ cái hành nghiệp đó, một tên gọi khác, một linh hồn hay tâm thức khác, và một thể xác khác tái sanh.”

Và vua Milinda đã hiểu thế nào là luân hồi.

——————————-

Chuyện Một Con Chồn

Trong suốt những thời khóa giảng pháp của Thiền sư Hyakujo, người ta luôn luôn thấy sự có mặt đều đặn, tinh tấn của một lão già ngồi nghe rất chăm chú ở dãy ghế cuối giảng đường.

Một buổi chiều kia, khi thấy ông lão ngồi một mình, Thiền sư Hyakujo đến gặp lão và hỏi:

-“Ông là ai?”

Lão già trả lời:

-“À, Ngài thấy lạ, phải không? Tôi không phải là người thường. Xa xưa kia, lâu lắm rồi, trong thời Đức Phật tại thế, tôi là trụ trì một ngôi chùa lớn tọa lạc trên triền núi vùng này, và một hôm có một tăng sĩ đến hỏi tôi: “Bậc đại tu hành có rơi vào Nhân Qủa không?” và tôi đã trả lời: “Ta sẽ không rơi vào chuỗi xích Nhân Quả (bất lạc Nhân Quả).” Vì những lời nói đó, tôi đã bị đọa đến 500 kiếp, trôi lăn không biết bao nhiêu lần, tái sinh không biết bao nhiêu kiếp hình hài thay đổi, cho đến đời này, tôi mang kiếp loài chồn đây. Tôi van xin Ngài hãy giúp tôi giải thoát khỏi kiếp đọa đày. Hãy giải đáp cho tôi thế nào để tôi có thể liễu ngộ được câu hỏi kia!”

Thiền sư Hyakujo nói:

-“Ông hãy hỏi lại ta câu hỏi đó!”

Lão gìa (trong kiếp chồn) hỏi:

-“Bậc đại tu hành có rơi vào Nhân Quả không?”

Thiền sư Hyakujo đáp:

-“Không lầm Nhân Qủa (bất muội Nhân Qủa). Đừng che dấu lỗi lầm! Đừng tìm cách trốn tránh nghiệp qủa.”

Lão chồn già tỉnh ngộ, và thoát kiếp chồn. Trước khi giã biệt, lão nói với Thiền sư Hyakujo rằng: “Bây giờ, tôi sẽ sống sung sướng và tự do trong dãy núi xa tít kia, và tôi xin Ngài hãy từ bi an táng tôi như an táng một vị tu sĩ.”

Ngày mai, vào buổi xế trưa, Thiền sư Hyakujo hội họp tất cả tăng chúng lại và tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta sẽ làm lễ cầu siêu cho một vị tăng sĩ mới tịch diệt ngày hôm qua.”

Tăng chúng ngạc nhiên nhìn nhau . . . ủa, có vị sư nào chết ngày hôm qua đâu nhỉ? Nhưng theo lời Sư Phụ, họ nối gót theo Thiền sư đi vào dãy núi xa kia, . . . và rồi họ thấy dưới một tảng đá, xác một con chồn gìa. Họ thiêu xác chồn và cùng nhau tụng chú cầu nguyện vãng sinh cho con chồn.

Trong một buổi thuyết pháp, Thiền sư Hyakujo đã kể lại tường tận chi tiết của câu truyện nhân quả của con chồn.

Thiền sinh Obaku hỏi lại Thiền sư:

-“Bạch Sư Phụ, ông lão đó, trong câu trả lời của ông ta, đã vấp phải một lỗi lầm lớn. Tuy nhiên, nếu ông ta không trả lời gì hết, thì ông ta sẽ tái sanh thế nào?”

Thiền sư Hyakujo nói:

-“Obaku, lại đây, lại gần đây, ta sẽ nói cho con nghe . . .”

Obaku tiến tới và kê sát mặt với Thầy. Thiền sư Hyakujo không nói gì hết, nhưng bỗng nhiên Obaku tát vào mặt Thầy một cái bốp, bởi vì Obaku nghĩ rằng Thầy sẽ tát mình như vậy.

Thiền sư Hyakujo cười lớn:

-“Haha, haha, ta tưỏng là chỉ có mình ta nắm được râu tóc của lão Tổ Đạt Ma, ai ngờ lại có thêm một tên nữa . . . tốt, tốt! Haha, haha!”

——————————-

Mẻ Cá và Cây Lê

Cuộc sống gia đình một lão chài bến sông kia thật vô cùng khốn khổ, vì từ mấy tháng nay, lão ta không vớ được mẻ cá nào khả dĩ có thể đánh đổi được một bữa cơm no đủ cho cả nhà cả.

Một buổi chiều mùa đông giá rét, có một vị du tăng đi ngang qua làng chài và gõ cửa nhà lão chài xin tá túc qua đêm. Lão chài vội vã dọn dẹp nhà cửa và nhường ngay cho vị du tăng đó cái giường và tấm chăn độc nhất của lão. Và lão chài còn co ro đi ra tận khu rừng dốc trên để chặt thêm mớ cây về đốt lửa sưởi ấm. Nhà không còn gì để ăn hết, lão chài năn nỉ người hàng xóm mượn đỡ ít gạo về nấu cháo cho vị du tăng no lòng. Sáng hôm sau, lão chài chào hỏi tử tế vị sư để giong buồm ra khơi như mọi ngày, hy vọng hôm nay sẽ kiếm được một chút cá. Vị sư nói: “Hôm nay ta đi với ông và ông hãy mang theo con cá hồi nhỏ bé này.”

Khi ra đến bờ sông, vị sư cầm con cá quăng xuống sông và nói với lão chài rằng:

-“Hãy giong buồm ra khơi đi, khi vớt lưới xong, trở về gặp ta.”

Lão chài vâng lời giong buồm ra khơi, và tung lưới . . . ồ, khi lão vớt lưới lên, thiệt quá sức tưởng tượng, cá tôm hàng trăm, hàng ngàn con đang búng nhẩy loi choi trong lưới. Lão chài mừng rỡ, trở về và từ đó về sau, lão chài cứ đến nơi mà vị sư quăng con cá hồi và giăng lưới ở đó. Mỗi ngày lão chài vác về mấy giỏ đầy ụ cá. Đúng là một câu truyện đẹp!

Và đây là một câu truyện khác, trái ngược với câu truyện trên. Một vị du tăng đi khất thực và giữa đường, khát nước quá. Vị sư trông thấy một cây lê mới có một trái và đến xin bà gìa chủ nhà trái lê đó để đỡ cơn khát. Nhưng bà chủ nhà này keo kiệt quá, chửi rủa xô đẩy nhà sư. Vị sư vội vã xin lỗi và bước ra đi. Nhưng câu truyện còn kể lại thêm rằng, bà già đó chỉ ăn được một trái lê độc nhất cứng như đá trên cành mà thôi. Và trong xóm làng đó, cho đến bây giờ, người ta vẫn thấy “trái lê khô queo” như lòng bủn xỉn keo kiệt ích kỷ thâm căn cố đế của con người.

——————————-

Cái Gì Ngon, Cái Gì Biết Ngon?

Có một thiền sư cho người đệ tử một miếng dưa hấu. Đệ tử ăn xong rồi, Thiền sư hỏi:

-“Sao, con thấy miếng dưa hấu có ngon không?”

-“Dạ, ngon, ngon lắm!”

-“Vậy cái gì ngon, miếng dưa hấu ngon hay cái lưỡi nếm thấy ngon?”

Người đệ tử đứng lặng, suy nghĩ một chặp rồi mới ngập ngừng nói:

-“Nước miếng chảy ra vì có sự tương quan liên hệ ở trong miệng, nhưng không phải chỉ có vị ngon của dưa hấu và khả năng nếm cái vị của cái lưỡi, mà còn có sự tương quan chằng chịt giữa . . .”

-“Đồ ngu! Ngu gấp ba!” Ông thầy giận quá hét lớn lên. “tại sao mi rắc rối lẩm cẩm vậy? Trái dưa hấu này ngon. Ngươi biết ngon là đủ rồi. Còn lẩm cẩm phân tách ra cái lưỡi, cái biết, cái miếng dưa hấu . . . đồ ngu, đại ngu!”

-!!!

Thực tình, ý nghĩ của con người phức tạp, chuyên môn phân loại nhưng hữu hạn quá!

——————————-

Sống Hay Chết

Thiền sư Dogo và đệ tử Zangei đi nhập liệm cho một người vừa chết. Đến nhà xác, thầy trò sửa soạn nhang đèn, v.v. và chuẩn bị làm lễ. Bỗng Zangei đập đập tay vào chiếc quan tài và hỏi Sư Phụ rằng:

-“Cái này sống hay chết?”

-“Ta không thể nói gì cả,” Thiền sư Dogo trả lời.

Zangei hét lên:

-“Nếu Thầy không nói, con sẽ đập Thầy đó . . .”

-“Được rồi, Zangei, cứ đánh ta đi . . . nhưng dù bằng mọi cách, ta cũng không thể nói cho ngươi rõ “sống hay chết” được.”

Thế là Dogo bị đệ tử Zangei, to khỏe như trâu đập túi bụi, và Dogo, ông thầy già không hề chống cự lại . . . Đó là một người thầy có tấm lòng rộng lượng, tràn đầy vị tha. Chiều hôm đó, về lại tu viện, Dogo hội họp tăng chúng lại, từ hoà nhẹ nhàng bảo Zangei:

-“Này Zangei, ngày hôm nay, ngươi đã đánh ta thật nặng. Ta đau đớn lắm. Ta có thể tha thứ cho ngươi, nhưng qui luật của tu viện thì không cho phép trò đánh thầy như vậy. Vì thế ngươi hãy nên rời khỏi tu viện trước khi những người khác tống cổ ngươi ra ngoài.”

Zangei ra đi và đến nương nhờ một vị thiền sư danh tiếng khác, Thiền sư Sekito. Và Zangei trình bày sự việc vừa qua cho Sekito.

Thiền sư Sekito ôn tồn trả lời:

-“Sư Phụ của ngươi đã giải thích tường tận rõ ràng cho ngươi mà ngươi không hiểu. Câu trả lời của ngài Dogo rất đúng. Chính ta đây, ta cũng không thể xác định “Sống hay Chết. . .” Không ai trả lời rõ ràng được cả.”

Ngay lúc đó, Zangei tỉnh ngộ.

Câu truyện đó trở thành một công án.

“Sống hay Chết.” Người ta không thể nói đúng được. Không phải cũng không trái.

Nếu sống thì không phải chết!

Nếu chết thì không phải sống!

——————————-

Món Súp Trộn Thịt Cùi

(Lời người dịch Albin Michel: “Khi tôi còn trẻ, tôi rất thích thú và say mê câu truyện Thiền sư Tosui. Cuộc đời của Thiền sư Tosui không mấy được thảnh thơi, nhàn hạ!

Lần đầu tiên, khi tôi được diện kiến Thiền sư Kodo Sawaki tại chùa Sojifi, vị này đã cho tôi mượn ba quyển sách: “Quyển thứ nhất là tiểu sử của Thiền sư Ăn Mày Tosui; quyển thứ hai viết về công phu tu tập; quyển thứ ba là Nhật Ký của Thiền sư Tosui với tựa đề: “Lỗ tai con lừa!”

Tôi cảm thấy bị hấp dẫn ngay bởi phong cách của Thiền sư Tosui.

“Nguyên xưa là trụ trì một ngôi chùa lớn danh tiếng, một ngày kia, Tosui bỏ trốn, ra đi và sống lăn lóc với đám hành khất cùi. Ngày xưa, những người mắc bịnh cùi đều bị thiên hạ sợ hãi, xa lánh và đi đến đâu cũng đều bị xua đuổi, ghê tởm. Những người cùi bị xã hội bỏ rơi, họ phải sống lây lất từng nhóm và nương thân tại những vùng hẻo lánh, ít người lui tới. Và theo chân Tosui, có một đệ tử . . . Tosui nói với đệ tử đó rằng: “Rất khó để theo con đường của ta! Hãy quăng bỏ hết . . . ngay cả tấm tọa cụ, bồ đoàn, hay vài bộ quần áo cũ rách của ngươi. Chỉ có chiếc đệm cỏ rơm này thôi là đủ cho ngươi ngủ rồi.

Người đệ tử đó vẫn nằng nặc đòi theo Thiền sư Tosui.

Một ngày kia, Thiền sư Tosui bảo đệ tử hãy đào một cái huyệt để chôn xác một người cùi đã chết từ lúc nào không biết. Người đệ tử vâng lời, hì hục đào cái huyệt.

Khi cái huyệt đã được đào xong, Tosui ra lệnh:

-“Này, bây giờ, ngươi cầm hai chân, ta nắm cái đầu xác chết này để chôn xuống!”

Cái xác chết người cùi đó đã bầy nhầy rửa thối ra vì bịnh cùi lở loét và người đệ tử đưa tay nắm chân xác chết đã dợm nôn mửa ra vì ghê tởm quá! Họ lấp đất chôn xác chết.

Độ một thời ngắn sau, vì muốn khôi phục lại tinh thần, người đệ tử xin Tosui một chút thức ăn. Tosui bảo:

-“Ngươi hãy ăn món cháo súp kia kìa!”

Đó là món cháo mà người chết đó để lại, nó lạnh tanh mốc meo và trong đó còn lẫn lộn vài miếng thịt rơi rụng của người cùi.

-“Đó là bữa ăn của ngươi . . . Ngươi đừng trông mong là sẽ được ăn rau hay thịt gì cả.”

Người đệ tử tự nhủ: “Nếu ta không ăn nổi thứ cháo này, có nghĩa là ta đã đầu hàng ý chí của ta! Ta phải nuốt, phải ăn!”

Nhưng muỗng cháo súp đầu tiên vừa đổ thốc vào miệng, đã nằm chết cứng trong họng, người đệ tử không tài nào nuốt xuống nổi cái thứ súp gớm ghiếc này, dù đã cố vận dụng ý chí, cố trợn mắt mà nuốt, và thế là người đệ tử nôn thốc nôn tháo ra.

Thiền sư Tosui nói: “Ta đã nói là rất khó để thành đệ tử của ta, nhà ngươi không có khả năng đó đâu!”

Người đệ tử òa khóc và Tosui tiếp tục nói:

-“Khuynh hướng tu hành của ta và ngươi không hợp nhau. Trình độ lẫn cơ hội, khả năng tu tập của chúng ta đều khác nhau. Ngươi không thể làm một người hành khất được. Ngươi không thể sống đời ẩn sĩ được. Ngươi nên trở về trụ trì một ngôi chùa.”

Người đệ tử lạy tạThiền sư và trở về. Đúng như vậy, vài năm sau, người đệ tử đó đã trụ trì một ngôi chùa lớn, và thành đạt trong sự hướng dẫn các tín đồ tu học. Riêng Tosui, vẫn sống đời khất sĩ, rày đây mai đó, sống không ràng buộc lệ thuộc; chuồng bò, chuồng ngựa hay nghĩa địa, rừng núi hoang vu đều là nhà ở chỗ ngủ của Tosui. Tosui chết vào năm 88 tuổi, gần ngôi chùa Antai-ji, ở Tokyo.

Người ta đã kể lại rằng “trong thời gian Tosui sống lang thang khất thực, đi đâu Tosui cũng mang theo tượng ảnh Phật và thường treo tượng Phật ở góc chuồng bò nào đó và cầu nguyện. Tosui đã viết hai câu thơ:

“Ở nơi đây, chật hẹp và dơ bẩn,

Nhưng con cho Ngài mượn cái chuồng bò này!”

Tôi (Albin Michel) vô cùng cảm hứng và hấp dẫn bởi câu truyện này.

Thực sự là rất khó mà hành đạo, sống đạo được như Tosui!

——————————-

Sự Giận Tức và Ghen Hờn, Ôi Nghiệp Báo!

Câu truyện này xảy ra nơi một làng mạc xứ Ấn xa xôi ngày xưa kia, trong một gia đình nọ, bà mẹ chồng rất cay cú ghét bỏ nàng dâu đến nỗi lúc nào bà ta cũng tìm đủ mọi cách moi móc từng lỗi nhỏ nhặt sơ ý của nàng con dâu để kiếm chuyện chửi rủa đay nghiến. Nàng con dâu cũng không vừa gì, biết bà mẹ chồng nhỏ mọn, đanh đá, cay nghiệt với mình nên cô ta cũng tìm cách xỏ xiên chọc tức.

Một hôm kia, khi cô con dâu đang đứng nấu cơm, bà mẹ chồng thấy trái tai gai mắt một cách vô cớ và bà quai miệng ra tìm tòi lời nói nào độc địa nhất để rủa xả bóng gió; cô con dâu cũng vờ như không để ý, nhưng bất thình lình cô ta hất một mẫu củi đang cháy vào lưng con cừu đang đứng vơ vẩn ở góc hàng rào cạnh bếp. Con cừu bị cháy lông, phỏng da, đau quá đâm đầu chạy thục mạng, vừa chạy vừa rống be be, và nó húc đại vào đụn rạ trong nhà kho, thế làđụn rạ bắt lửa phừng cháy, và gió nổi cơn thổi mạnh tung tóe đám tàn lửa bay vèo đến tận chuồng voi của nhà vua; những con voi này, vì bất ngờ quá, hốt hoảng rống lên và dùng vòi quật sập nóc chuồng và đàn voi băng rừng bỏ chạy qua nước láng giềng và quậy phá nước này đủ cỡ vì chúng nhớ lại đã bị dân chúng nước này bắt đem đi bán. Thế là hai nước đang yên vui bỗng khởi động chiến tranh chém giết lẫn nhau đến cả mười năm trời.

Thực tình, chỉ vì cơn giận tức vô duyên của một mụ đàn bà nhiều sân si ghen tỵ, mà mười năm chiến tranh tàn khốc xảy ra giữa con người và con người, giữa nước này và nước kia đưa đến sự hủy diệt tiêu trừ nhau!

Ôi, đúng là Nghiệp Báo!

——————————-

Lòng Kính Trọng

Trong Kinh Pháp Hoa, có ghi chép lại một tích truyện rằng:

“Xưa kia, có một vị Bồ Tát hành trì thiền định miên mật qua nhiều năm. Vị Bồ Tát đó không thông minh lắm, cũng không biết đọc, không biết viết nên không bao giờ vị đó tụng kinh cả, chỉ chuyên lễ lạy mà thôi. Tuy nhiên, mỗi lần vị Bồ Tát đó gặp bất cứ một người nào, vị đó cũng luôn chắp tay lễ lạy và cung kính vái chào nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh qúi ngài, vì quí ngài đều là Phật sẽ thành!”

Nhưng một ngày kia, có một số người lòng bất tịnh giận hờn, đã cộc cằn nói lại rằng:

-“Ông Tỳ Khưu vô trí kia! Ông đang chế diễu chúng tôi đó à? Chúng tôi không tin vào lời nói hư dối kia của ông đâu!”

Và đám người đó đã lấy gậy đánh đập xua đuổi vị Tỳ Khưu đi. Vị Bồ Tát đó, dù bị đánh đập chửi mắng, vẫn không tức giận sân si gì, vừa chạy vừa nói lớn rằng: “Tôi chẳng dám khinh qúi ngài, vì quí ngài đều là Phật sẽ thành!”

Lúc gần chết, vị Bồ Tát thấy hình tượng trang nghiêm lộng lẫy của Phật và trong thinh không, rền vang tiếng tụng kinh niệm Phật thật oai thiêng! Vị Bồ Tát đó chắp tay, ngồi kiết già, an nhiên thanh thoát mỉm cười thị tịch.

Nếu chúng ta tôn trọng thực hành theo lời Phật dạy: “Đừng phê phán một ai, đừng khinh rẻ một ai thì đời sống chúng ta sẽ an vui hạnh phúc lâu dài biết mấy!”

——————————-

Viên Ngọc Quí

Long Nữ, con gái vua Rồng Ta Kiệt La, mới tám tuổi mà đã liễu ngộ được Phật tánh.

Khi thành Phật, Long Nữ xây dựng một thiên đường cực lạc ở phương Nam.

Ngài Xá Lợi Phất, khi biết được sự kiện ấy, không khỏi khởi tâm nghi ngờ. Xá Lợi Phất tự nhủ: “Long Nữ kia mới có tám tuổi . . . chỉ làmột đưá con nít mà thôi. Lẽ nào lại thành Phật?”

Và ngài Xá Lợi Phất đã đi đến hỏi Phật. Đức Phật chỉ cho Xá Lợi Phất thấy viên bảo châu vô giá mà Long Nữ đã dâng cúng kia, và Xá Lợi Phất đã gật gù, lẩm bẩm: “Bạch Thế Tôn, con đã hiểu, con đã hiểu . . .”

Viên bảo châu vô giá đó, chính là Trí Tuệ chân thật, là Phật tánh sẵn có của mỗi chúng ta.

——————————-

Nghĩa Lý Của Đạo

Koshi, một tên đạo tặc nổi tiếng, rất hâm mộ lý thuyết của Khổng Tử; và Khổng Tử cũng muốn khuyến dẫn tên đạo tặc Koshi vào đạo giáo của mình. Vì thế, Khổng Tử đã trèo lên ngọn núi cao kia, nơi tên trộm khét tiếng trú ẩn và bắt đầu thuyết phục hắn.

Trong lúc Khổng Tử say sưa nói về triết thuyết của mình, tên trộm ngủ gà ngủ gật và cuối cùng, không chịu nổi nữa, hắn ta lên tiếng:

-“Thôi thôi, nhà hiền triết ơi, lý thuyết của ông con nít nghe cũng phát chán! Tôi đây chẳng lọt vào tai chút nào cả! Nếu ông muốn tôi hiểu được lý thuyết “đạo” của ông, thì ông phải giảng cách khác đi! Thẳng thắn mà nói, tôi không tin rằng các đấng hiền triết như các ông đây lại có thể ngây thơ khờ khạo như vậy được!”

Đây là bài học thực tế cho Khổng Tử và ngay cả cho chúng ta. Không phải gặp lúc nào, người nào, chúng ta cũng thao thao bất tuyệt cả, mà “phải tùy thời, tùy duyên, tùy nhân.”

——————————-

Hạt Kim Cương Trong Chéo Ao

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có ghi chép lại rằng:

“ Ngày xưa, có hai người bạn rất thân, tình cờ gặp lại nhau sau những tháng năm dài xa cách. Một người đã trở thành giàu có, còn người kia thì vẫn cùng đinh khổ sở. Gặp lại cố nhân, họ cùng nhau uống rượu saké để mừng ngày đoàn viên hội ngộ. Chén tạc chén thù, say khướt, người bạn nghèo lăn quay ra ngủ và người giàu có kia, nhìn bạn xót thương, trước khi ra đi, đã buộc giấu vào trong chéo áo của bạn mình một hạt kim cương giá trị: “Nếu bạn mình gặp chuyện khó khăn gì, có thể bán hạt kim cương này đi mà sử dụng.”

Tỉnh giấc, thấy bạn mình đã ra đi, người nghèo khổ kia vẫn không hay biết là trong chéo áo của mình có hạt kim cương nên vẫn lây lất sống nghèo khó.

Một năm sau, trời xui đất khiến, hai người bạn lại gặp nhau.

-“Trời đất ơi! Sao anh lại vẫn sống nghèo khổ vậy?”

-“Tôi đã cố hết sức rồi mà vẫn không kiếm được bao nhiêu cả.”

-“ Anh thiệt là quá dại khờ đi, anh không thấy hạt châu tôi đã buộc trong chéo áo của anh ngày trước sao?”

Thiền sư Keisan cũng đã viết như thế này:

“Nếu ta cho ngươi một viên minh châu, ngươi phải trả lại cho ta ngay. Nếu ngươi không làm được như vậy ngay lúc này . . . thì bao giờ ngươi mới có thể làm nổi? Ngay bây giờ và ở đây, ngươi phải đạt được Chân Như Phật Tánh.” Có nhiều người luôn luôn hẹn lần hẹn lựa: “Khoan khoan, sau này tôi sẽ làm . . . sau này đã . . .” Cuối cùng, những kẻ đó đã lăn vào trong quan tài và vẫn cứ lập đi lập lại: “Khoan khoan, để sau này đã, sau này đã . . .”

——————————-

Giòi Bọ Trong Thi Hài

Có một đoạn kinh điển thuật về câu chuyện giữa Ngài Xá Lợi Phất và đệ tử.

Một hôm, người đệ tử theo hầu ngài Xá Lợi Phất, thầy trò đi ngang qua một khu nghĩa địa. Người đệ tử thấy một cái sọ người nằm lăn lóc bên đường. Từ cái đầu lâu đó, bay túa ra giòi bọ, ruồi muỗi, vàmùi nhơ nhớp hôi thối xông lên nồng nặc. Người đệ tử hỏi ngài Xá Lợi Phất:

-“Cái này là cái gì vậy, bạch Sư Phụ? Trông ghê tởm, kinh khiếp quá!”

Xá Lợi Phất trả lời:

-“Đám xương mà ngươi thấy kia, cái đầu lâu này là hài cốt của một người phụ nữ rất xinh đẹp. Lúc còn sống, nàng ta rất mê đắm chính sắc đẹp của mình và tối ngày chỉ lo trau chuốt chưng diện. Có rất nhiều người đàn ông đã say mê nhan sắc của nàng ta và chạy theo săn đuổi. Nhưng người phụ nữ này còn yêu chính mình và sắc đẹp của mình còn hơn cái gì hết trên cõi đời này. Ngay cả cho đến khi hấp hối gần chết, nàng ta cũng không sao buông xả được sự đắm nhiễm sắc đẹp đó; suốt cả cuộc đời, nàng ta đã dành hết thì giờ để chưng diện, và khao khát sau khi chết đi lại tái sanh làm người giàu có để chưng diện sắc đẹp nữa! Hành nghiệp xấu đó đã theo đuổi và phát sanh hậu quả thành những đám ruồi muỗi giòi bọ bu bám vào cái xác chết thối rửa này.

Chúng ta nghĩ gì về câu truyện này?

——————————-

Ngàn Tay, Ngàn Mắt

Thiên Thủ Thiên Nhãn (Ngàn Tay Ngàn Mắt) là thánh hiệu mà mọi người tôn vinh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Người ta còn xưng tán Ngài là:

– Đức Quán Âm có mười một gương mặt.

– Đức Quán Âm của sự Tự Do.

– Đức Quán Âm với sáu thân hình, như một quái vật khổng lồ.

– Đức Quán Âm của nước và mặt trăng.

– Đức Quán Âm đầu rồng nhưng không có gương mặt v.v.

Tất cả những tôn tượng Quán Thế Am Bồ Tát đó được trưng bày tại các bảo tàng viện và người dân Nhật Bản rất tự hào về những kiệt tác nghệ thuật Phật Giáo đó. Nhưng, một ngày kia, có những phái đoàn du lịch ngoại quốc, và điển hình là người Hoa Kỳ, khi thăm viếng bảo tàng Phật Giáo và ngắm nhìn những bức tượng biểu trưng cho hạnh nguyện của Đức Quán Thế Am, đã bụm miệng cười, tỏ ý phê bình.

Bấy giờ, vị giám đốc bảo tàng viện Phật Giáo, rất tự nhiên, đến gần một phụ nữ Hoa Kỳ đang cười khinh dễ nhiều nhất và hỏi:

-“Thưa bà, bà có con cái chứ?”

-“ Ồ, có chứ, tôi có một người con.”

-“Vậy thì dám hỏi bà, khi bà giáo dục con của bà, bà có những phương pháp gì?”

-“Tôi đã sử dụng nhiều phương pháp thay đổi tùy trường hợp để dạy bảo con tôi.”

Lúc đó, vị giám đốc mỉm cười, nói:

-“Vậy thì thưa bà, bà chỉ có một đứa con thôi mà đã phải sử dụng nhiều phương pháp để giáo dục con mình, huống chi Đức Phật hay các đấng Bồ Tát muốn cứu độ tất cả chúng sanh khỏi đau khổ thì phải cần có cả hàng ngàn cánh tay, hàng ngàn con mắt mới có thể cứu giúp mọi loài được chứ, phải không?”

Đoàn người du lịch ngẩn ngơ, thấm ý, và gật gù, bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về biểu tượng Phật Giáo.

Lời kết:

——————————-

Bình Bát và Thiền Trượng

Ngày xưa, xưa thật là xưa, tại nước Trung Quốc, đã xảy ra một trận hạn hán vô cùng khắc nghiệt chưa từng thấy. Những con sông khô cạn, những cánh đồng vàng héo, đất đai nứt nẻ, nơi nơi hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau bỏ xứ ra đi và lần lượt gục chết vì đói khát nơi đồng hoang cỏ cháy. Đâu đâu cũng thấy xác người, xác thú vật, mùi xú uế nồng nặc kinh khủng . . . Và rồi trong cơn thoi thóp hơi tàn đó, người ta thấy xuất hiện một bậc lão tăng anh minh quắc thước, Đại Sư Shoko.

Đại Sư Shoko, một bậc cao tăng thạc đức, rất nổi tiếng vì đã hiển bày những kỳ tích phép lạ cứu độ chúng sanh. Ngày đó, Đại sư Shoko, nghe tiếng kêu than cứu khổ của chúng sanh, nên đã động lòng từ bi, ngài đã rời bỏ chốn ẩn cư, chống thiền trượng đến tận nơi xảy ra thiên tai hạn hán. Và ngoài sức tưởng tượng của hạng người phàm tình, Đại Sư Shoko đã hô thiên hoán vũ, dộng thiền trượng xuống đất ba lần: trên trời mây đen xám vần vũ kéo về, sấm chớp liên hồi chấn động, bầu trời hiện rõ những rồng thiêng uốn mình, và một đầu rồng thật to, thật uy mãnh xuất hiện ở giữa phun nước ra như vũ bão. Đại Sư Shoko đã triệu tập được Thần Long, chúa của các loài rồng, và Đại Sư đã giữ Thần Long và các thiên long kia trong bình bát. Nước mưa như thác đổ trút xuống trái đất, sông biển dâng sóng ngập tràn, cây cối, đồng ruộng, đất đai . . . thấm nước, bung nở ra xanh mướt; con người, muông thú reo hò nhẩy múa, hân hoan ngửa cổ uống dòng nước ngọt lịm sau bao ngày cháy bỏng. Người ta dập đầu lạy tạ Ơn Đất Trời, và quay lại tìm Đại Sư thì Đại Sư Shoko đã đi mất từ bao giờ.

Bình Bát và Thiền Trượng của một vị Sư có uy đức thiêng liêng, hiển linh vượt ngoài tầm tri kiến hữu hạn của con người, vượt lên trên không và có, trong và ngoài, Sắc tức thị không, không tức thị sắc . . .

Trong một chuyến du hành ngang qua xứ Trung Quốc, Thiền Sư Chu bắt gặp giữa đường đèo núi rừng rú kia, hai con cọp hung dữ đang đấu tránh chết sống với nhau. Cả hai con đều đã bị thương nhưng không con nào chịu buông ra cả. Thiền sư Chu liền quăng vào giữa hai con cọp cây gậy thiền trượng, và lạ lùng thay, cây thiền trượng xoay tròn lơ lửng trên không và những khoen sắt tròn trên đầu gậy rung lên leng keng không ngừng; vừa nghe tiếng khoen sắt, hai con cọp tức khắc buông nhau ra và nằm phục xuống đất rất hiền hoà; trận chiến chấm dứt.

Cây thiền trượng tượng trưng cho sức mạnh tâm linh và một năng lực kỳ bí, mãnh liệt.

Bình bát và Thiền trượng thực ra không có năng lực huyền bí, những con rồng cũng không thể nào chui vào cái bình bát nhỏ xíu kia được, cây gậy gỗ cũng không thể nào khuất phục được hai con mãnh thú. Bình Bát và Thiền Trượng cũng không có phép lạ hiển linh gì cả, nhưng cả hai, “Bình Bát và Thiền Trượng tượng trưng cho sức mạnh tâm linh của Phật, tinh túy của đạo, cốt tủy của Thiền.”

Virginia, dịch xong ngày 21 tháng 11 năm 02

Tỳ Khưu Ni Thích nữ Minh Tâm

 

Xem tiếp:

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 1 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 2 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 3 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 4 ] – Thích Nữ Minh Tâm