Chân thành cảm niệm công đức của tất cả qúi Phật tử xa gần đã ủng hộ công tác Pháp thí này trong suốt mấy năm qua và đặc biệt công đức của Đạo hữu Trần mạnh Hùng (pd Tuệ Cường) đã tận tâm giúp đỡ tôi rất nhiều về mọi mặt để hoàn thành những tác phẩm dịch thuật của tôi từ bao năm qua và phổ biến lên mạng lưới toàn cầu trang nhà www.bachhac.net.
Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho quí đạo hữu bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn tu hành, vạn sự viên thông.
Nguyện hồi hướng công đức Pháp thí này đến pháp giới chúng sanh đều tròn thành Phật đạo.
Tỳ khưu Ni Thích nữ Minh Tâm cẩn bút
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ thiên thu.
Tạm dịch:
Một bát cơm vạn nhà
Cô đơn dặm đường xa
Sống chết tiêu đề chính
Kiếp kiếp độ quần sinh.
———
Mục Lục
Kho Tàng Tâm
Tổ Bồ Đề Đạt Ma, sanh khoảng năm 500 trước Công Nguyên, là đệ tam Thái Tử của Quốc Vương xứ Tích Lan. Khi Ngài mới lên 8 tuổi, người ta đã sớm xác nhận sự thông minh vượt bực và đạt ngộ nơi Ngài.
Một ngày kia, Sư Phụ của Bồ Đề Đạt Ma là Đại Lão Hòa Thượng Hannya Tara được Quốc Vương Tích Lan ban thưởng cho một hạt trân châu vô giá.
Thiền Sư Tara hỏi ba vị hoàng tử:
-“Các trò có biết vật gì còn qúi giá hơn hạt ngọc này không?”
Đại Thái Tử trả lời:
-“Đó chính là Sư Phụ, vì Sư Phụ là người được Vua Cha trọng vọng ban thưởng hạt ngọc này, Sư Phụ là người sở hữu nó, vậy Sư Phụ là người qúi giá hơn nó rất nhiều.”
Nhị Thái Tử cũng trả lời:
-“Ngay cả chúng ta đi tìm suốt cả cuộc đời đi chăng nữa, cũng không thể kiếm được hạt ngọc nào có thể so sánh với hạt ngọc vô giá này.”
Bồ Đề Đạt Ma, lúc đó mới 8 tuổi, chậm rãi trả lời:
-“Thực sự nó là một kho tàng đáng kể, một kho tàng qúi báu, nhưng dù là kho tàng đi chăng nữa, nó cũng chỉ là kho tàng thế gian, một kho tàng vật chất vô thường, không chắc thực. Sư Phụ, theo con nghĩ, Kho Tàng Tâm mới chính là vô giá.
Tầm tri kiến con người giúp chúng ta nhận định được những giá trị vất chất tương đối, và tri kiến đó chỉ có bề mặt, không có chiều sâu; hơn nữa, dù có nhận thức rằng viên bảo châu này là viên minh châu giá trị tột bực đi chăng nữa, nó cũng phát xuất từ đá mà thôi; sự thông thái đó của con người cũng chỉ là bác học tổng quan xã hội mà thôi.”
Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói tiếp: “Kho tàng thực sự chính là ta phải hiểu được chính mình, đó là Kho Tàng Tâm vô giá.”
—————————–
Âm Thanh Hòn Cuội – Âm Thanh Rặng Tre
Một ngày kia, thiền sinh Kyogen đang quét lá vườn hoa trước cửa thiền thất, bỗng một hòn cuội từ triền núi rơi xuống và lăn va vào rặng tre một cái “cốc.” Từ tiếng động hòn đá cuội ấy, Kyogen đạt ngộ.
Trong nhà thiền, người ta nói: “Sự đạt ngộ đến rất bất ngờ, chớp nhoáng.” Nhưng đạt ngộ là cái gì vậy? Trước khi liễu triệt được kinh nghiệm này, Kyogen luôn ôm ấp mối nghi ngờ này trong tâm như một công án. Ngày qua ngày, Kyogen không hề thỏa mãn hài lòng. Sư Phụ của ông, Issan, bảo ông rằng:
-“Ngươi rất thông minh nhưng ngươi đọc nhiều sách quá. Sự thông minh hiểu biết về thiền của ngươi phát xuất từ ký ức kinh nghiệm của ngươi. Ngươi không thể đạt được sự chuyển hóa nếu ngươi ôm ấp nhiều kiến thức như vậy. Ngươi hãy trở về cái thời kỳ ngươi mới sanh ra, lúc ngươi chưa hiểu hướng nào là hướng Đông, hướng nào là hướng Tây, rồi ngươi hãy đến Ta hỏi chuyện.”
Lập tức Kyogen đốt hết sách vở và kinh điển. Kyogen vừa đốt vừa khóc. Kyogen rời khỏi thiền viện của Thầy, đi vào một động núi và ẩn cư trong đó. Một năm, hai năm . . . Ngày nọ, âm thanh một hòn đá va vào rặng tre và Kyogen liễu ngộ. Những nghi ngờ trong tâm đột nhiên tan biến.
-“Ta đã ngu xuẩn từ bấy lâu nay, ngày hôm nay ta đã tỉnh ngộ.”
Kyogen làm một bài thơ:
“Đột nhiên nhờ vào
Âm thanh một hòn cuội
Âm thanh của rặng tre
Tôi đã rủ sạch
Những tư tưởng chất đầy trong trí óc
Những phức tạp rối ren đã chấm dứt.”
Kyogen gởi bài thơ ngắn đó về Sư Phụ và Thiền Sư Issan đã gật gù: “Rốt cuộc, người thanh niên đó, đệ tử của Ta, đã giác ngộ.”
Không còn gì lưu lại. Hoàn toàn là Không. Nhưng sự giác ngộ của Kyogen không phải tùy thuộc vào tri thức cũng không phải là bất chợt; cũng không phải Kyogen giác ngộ vì rặng tre hay ngọn gió hay chỉ đạt ngộ trong giây phút đó mà thôi. Không có gì là chuyện tình cờ, bất chợt hay ngẫu nhiên cả!
—————————–
Ăn xong rồi thì rửa chén đi!
Có một câu truyện nổi tiếng về Thiền sư Josshu.
Ngày kia, một thiền sinh hỏi Ngài:
-“Sư Phụ, xin Thầy chỉ cho con biết Chân Lý Phật Pháp thế nào?”
Thiền Sư Josshu trả lời:
-“Ngươi đã ăn cơm xong chưa?”
-“Dạ xong rồi.”
-“Vậy thì rửa chén đi!”
Thiền là thế đó. Đừng tìm kiếm xa xôi, hay khúc mắc, sâu thẳm, cao siêu tận đâu đâu.
Thiền là những công việc bình thường, bình thường đến độ tầm thường như ăn cơm, quét nhà, rửa chén, v.v.. .
Hãy lặng yên nghe tiếng gió thổi qua rặng cây kia!
—————————–
Đời Chỉ Là Cơn Mộng!
Có một người đàn ông kia mơ ước được giàu có, và mỗi ngày, ông ta cứ chắp tay cầu nguyện Ơn Trên hãy ban bố phép lành cho ông ta được trọn vẹn ứơc mơ.
Một ngày mùa Đông giá rét, khắp nơi tuyết đóng băng lạnh cóng, người đàn ông này, từ nhà nguyện bứơc ra, bắt gặp một cái bóp tiền dầy cộm của ai đánh rơi. Ông ta mừng rơn, cúi xuống nhặt lên – nhưng tuyết đóng dính cứng, không tài nào nhắc cái bóp lên nổi. Ông ta bèn tiểu lên trên cái bóp để chảy tan tuyết ra. Và rồi thì . . . ông ta chợt tỉnh giấc trên giường . . . quần áo ông ta ướt mèm nứơc tiểu.
Cuộc đời chúng ta cũng giống vậy.
Sự giác ngộ không phải là một điều kiện đặc biệt của ý thức, cũng không phải là trạng thái của tâm thức chuyển hoá, mà chính là hãy thức tỉnh giấc mê đời.
Thiền Sư Takuan sắp chết; một đệ tử lại gần và hỏi: “Di chúc cuối cùng của Sư Phụ là gì?” Thiền Sư Takuan trả lời: “Ta không có gì để lại cả.” Nhưng người đệ tử cứng đầu cứ khăng khăng hỏi: “Sư Phụ không có gì thiệt sao? Không có gì để nói à?”
-“Đời chỉ là cơn mộng!” Takuan thở dài một hơi, ra đi.
—————————–
Cái Đầu và Cái Đuôi
Xưa kia, có một con rắn mà cái đầu và cái đuôi cứ tối ngày cãi lộn tưng bừng.
Cái đuôi phàn nàn rằng:
-“Tao cứ phải tò tò đi sau mày thôi, mày đằng trứơc, còn tao cứ phải theo mày. Tao phải cách mạng mới được.”
Thế là cái đuôi không thèm theo cái đầu nữa. Nó quấn chặt vào thân cây. Nó không muốn tiến tới. Cái đầu thì bắt gặp một con ếch nhái thiệt mập, thiệt ngon lành. Nó muốn đớp con mồi nhưng cái đuôi không chịu nới thân cây ra. Cái đầu đành chấp nhận cho cái đuôi đi trước nó. Nhưng khổ thay, cái đuôi không có mắt, thế là nó lăn tòm xuống hố và cái đầu ngu xuẩn bị dập mạnh vào đá chết tươi!
Chúng ta, ai là đầu, ai là đuôi?
—————————–
Ai Yêu Ai Nhiều Hơn?
Trong một phẩm kinh Phật giáo, có truyện : Nhà vua Hashinoku hỏi Hoàng hậu:
-“Ái khanh à, thế giới thì mênh mông, nàng yêu ai hơn cả yêu chính nàng?”
-“Tâu Bệ hạ, thần thiếp yêu Bệ hạ nhiều nhất, nhưng nếu Ngài cho phép thiếp nói thật lòng thì thiếp yêu thần thiếp nhiều nhất.”
Nhà Vua cũng trả lời:
-“ Ta là người quan trọng bậc nhất, tất cả mọi người phải tùng phục ta, nàng phải yêu ta nhiều nhất.”
Lời nói của họ phản ảnh cái bản ngã to lớn của họ, nhưng cả hai, nhà Vua lẫn Hoàng hậu không ai chịu thuần phục ý kiến của ai cả. Thế là họ dẫn nhau đến bạch Phật, nhờ Phật phân xử. Phật dạy:
-“Lời nói của hai vị không sai. Mỗi người đều yêu lấy chính mình và chính mỗi người quan trọng với tự chính mình. Vì thế, không ai muốn người khác làm phiền mình – nhưng chính vì yêu cái bản ngã cá nhân của mình mà mọi người làm khổ nhau.”
Bản Ngã là gì? Đó là một công án cho chúng ta.
—————————–
Nước Sạch, Nước Dơ
Đây là một câu truyện cổ Trung Hoa.
Một vị Hoàng Đế hỏi Kyogu:
-“Tiên sinh là một bậc đại nhân, Trẫm đây muốn nhường ngai vàng cho Tiên sinh. Tiên sinh có nhận chăng?”
Kyogu cảm thấy khó chịu, trả lời giản dị với nhà vua rằng:
-“Những lời nói đó làm bẩn tai tôi.”
Và ông ta đi ra dòng suối gần đó, cúi xuống rửa lỗ tai, “Ngày hôm nay, ta đã nghe những lời thực rơm rác.”
Một người bạn của Kyogu đang dắt trâu đến suối uống nứơc, thấy vậy hỏi:
-“Sao hôm nay Tiên sinh lại rửa tai thế?”
-“Hôm nay ta đã nghe những lời làm bẩn cả lỗ tai ta. Nhà vua muốn ta là người kế vị ngai vàng; lỗ tai ta đã nghe những lời rơm rác đó nên ta phải rửa tai cho sạch.”
Người bạn của Kyogu liền dắt trâu đi nơi khác và nói: “Tôi muốn trâu tôi uống dòng nước sạch! Nước suối ở đây đã dơ bẩn rồi!”
Động tâm hay không động tâm?
Nếu không động tâm cần gì phải rửa lỗ tai?
—————————–
Củ Cà Rốt
Ngày xưa ở Nhật Bản, những người nông dân dùng ngựa để kéo cối xay bột mì. Muốn cho ngựa hùng hục kéo cối xay, họ buộc một củ cà rốt to trứơc mắt con ngựa, và con ngựa ngu xuẩn háu ăn cứ gồng mình, rứơn cổ lên để táp cho bằng được củ cà rốt và thế là không mệt mỏi, nó cứ kéo cái cối xay nặng nề, kéo mãi mà vẫn chưa táp được củ cà rốt. Và chỉ đến đêm tối, mệt lả thân xác, khi người chủ ngừng xay bột, con ngựa mới được họ ném cho củ cà rốt đã héo queo đó.
Đó chính là hình ảnh đáng thương xót của chúng ta, những con ngừơi văn minh thời đại!
Một sự xót xa, đau thật đau, xâm chiếm hồn tôi khi dịch đoạn văn này. Buồn cho kiếp chúng sinh!)
—————————–
Dưới Chân Cầu, Không Có Kẻ Cắp
Dưới gầm một chiếc cầu bắc ngang một con sông kia, có gia đình một người hành khất sống lây lất qua ngày ở đó. Gia đình đó gồm có một người cha, một người mẹ và một đứa con trai.
Một ngày kia, bà vợ đi ăn xin suốt ngày về, nói chuyện với ông chồng rằng: “Này ông, sáng nay tôi không xin được một đồng xèng nào cả. Trên phố, đã có nhiều nhà bị ăn trộm viếng thăm cho nên người ta đóng chặt cửa, không dám mở ra bố thí gì cả!”
Nghe nói vậy, đứa con góp chuyện:
-“Cha à, kể ra chúng ta thật hạnh phúc đấy, chẳng bao giờ có tên ăn trộm nào thèm vào “nhà” của chúng ta cả.”
Ông bố trả lời:
-“Đúng vậy. Chúng ta phải cám ơn cái “nghèo,” đó là gia tài cha mẹ để lại cho con đấy. Không có một ai chui vào cái gầm cầu này đâu!”
(Tùy quan niệm của mỗi ngừơi hiểu ý ngghĩa câu truyện thiền trên. Nghèo là hạnh phúc hay Giàu là hạnh phúc? Theo thiển ý của Minh Tâm, nghèo không hẳn là hạnh phúc mà giàu cũng chưa chắc là sung sướng; chỉ cần Biết Sống là tự tại!)
—————————–
Ai Là Người Chịu Trách Nhiệm?
Có hai vợ chồng nhà kia suốt ngày cãi lộn ỏm toi với nhau, có khi lại còn đánh nhau đến bươu đầu sứt trán. Chẳng ai chịu nhường ai, chẳng ai chấp nhận ai cả. Người nào người nấy gân cổ lên bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng, họ đưa nhau ra tòa.
Quan Tòa hỏi đứa con trai của họ:
-“Này bé, con hãy cho ta biết ai là ngừơi gây chuyện trước? Cha con hay mẹ con?”
Đứa bé trả lời:
-“Con không thể xác định là chỉ là mẹ con hay chỉ là cha con.”
Qúi độc giả nghĩ sao? Cuộc sống con người tương quan với nhau chằng chịt – nếu “sanh sự là sự sanh” đấy!
—————————–
Cái Đuôi Con Voi
Xưa kia, ở Ấn Độ, trong hoàng cung, có một con voi cái bị đau đớn kinh khiếp vì đã đến ngày sanh mà không sanh con ra được. Nó rống lên điên cuồng và chà đạp cây cỏ hay dùng vòi quật ngã những chướng ngại trước mắt nó vì quá đau đớn.
Thấy vậy, nhà Vua hạ lịnh cho ai giúp được con voi cái khó sanh đó thì sẽ được trọng thưởng. Các quan ngự y bó tay và một cận thần nhiều kinh nghiệm tâu lên Vua rằng: “Phải tìm cho bằng được một người đàn bà nào hoàn toàn chân thực, không hề dấu diếm, không hề vọng tưởng một điều gì để đỡ đẻ cho con voi.”
Cuối cùng, chỉ có một người đàn bà đứng tuổi, một phụ nữ duy nhất, dám đứng ra yết kiến Vua:
-“Tâu Bệ Hạ, từ ngày thảo dân lập gia đình cho đến giờ, thảo dân chỉ có một người chồng duy nhất. Thảo dân tuyệt đối trung thành từ ý nghĩ đến hành động, không lừa dối, không mơ tưởng đến ai. Thảo dân nghĩ là thảo dân có thể sẽ giúp được con voi.”
Khi người đàn bà chân thực kia sờ đến bụng voi cái, con voi sanh được ngay, nhưng chỉ có cái đuôi của chú voi con là không chịu ló ra.
Nhà Vua và các quan nghi ngờ: “Sao vậy?”
Người đàn bà kia nói:
-“Có lẽ thảo dân đã có nói dối.”
-“Về chuyện gì?”
-“Thảo dân nhớ lại, khi thảo dân còn là một bé gái độ 12, 13 tuổi, thảo dân có bồng ẵm một đứa bé trai và ngay lúc đó, thảo dân đã thương yêu đứa bé đó vô cùng. Đứa bé không biết gì nhưng quả thực là thảo dân rất thương nó.”
Khi người đàn bà dứt lời, cái đuôi chú voi con lọt ra lập tức.
Đọc câu truyện này, qúi độc giả đừng vội “kết án” là phụ nữ hay gian dối” đấy nhé. Hãy nghĩ sâu hơn một tí là “Ai dám vỗ ngực tự xưng là ta hoàn toàn chân thật, không tội lỗi? Ngoại trừ Đức Phật!
—————————–
Nhanh Như Là . . .
Một người thanh niên gan dạ, dũng cảm và cường tráng, lịch thiệp, một ngày kia, đến thăm viếng bốn tay xạ thủ cung tiễn khét tiếng đang chung ẩn cư ở một chốn hoang sơ.
Chàng thanh niên này nói:
-“Qúi vị có bốn người, vậy thì tôi chấp cả bốn vị, mỗi người đi một hướng và cùng một lúc giương cung bắn tôi. Tôi sẽ bẽ gẫy hết cả bốn trứơc khi mũi tên chạm được vào người tôi.”
Bốn người xạ thủ đồng thanh la lớn:
-“Ồ, đừng có khoác lác, chúng ta không tin đâu.”
Những đệ tử của Phật, khi nghe kể câu truyện này, cũng la lên:
-“Đúng đó, làm sao mà tin được, chắc chắn anh chàng thanh niên đó phải nhanh nhẹn ghê lắm! Chụp được một mũi tên do một xạ thủ bắn kể ra đã khó lắm rồi, huống chi là cả bốn người. Không thể tin được. Chắc phải có ảo thuật gì đây!”
Đức Phật trả lời:
-“Có cái còn nhanh hơn anh chàng gan dạ can đảm kia nữa: đó là dòng ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và cả năng lượng của tia chớp. Tuy nhiên, còn có một thứ nữa còn nhanh hơn điện chớp, nhanh hơn tốc độ quang niên ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đó là . . . .
-“Đó là cái gì?”
Qúi độc giả thử nghĩ xem đó là cái gì?
Xem tiếp:
Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 1 ] – Thích Nữ Minh Tâm
Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 2 ] – Thích Nữ Minh Tâm