Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 2 ] – Thích Nữ Minh Tâm

bình bát và thiền trượng

Đừng Chạy Trốn

Xá Lợi Phất, đại đệ tử của Đức Phật, đang tọa thiền bên cạnh một bờ hồ, nhưng trên mặt nứơc, cá tôm . . . bung mình nhẩy lung tung đùa giỡn khiến mặt hồ xao động, nước kêu lỏm bỏm. Xá Lợi Phất không yên, thay đổi chỗ ngồi thiền xa hơn, vắng vẻ hơn. Nhưng lần này, thì tiếng chim chóc kêu chiêm chiếp ríu rít nhức cả tai. Những tư tưởng trong tâm Xá Lợi Phất xao động, trỗi dậy, sinh khởi liên tục . . .

Những con cá và bọn chim chóc này thiệt quá đáng, chúng khuấy động tâm hành giả khiến Xá Lợi Phất phát bực muốn giết bọn này ăn thịt cho rồi. Nhưng vừakhởi tâm như thế, Xá Lợi Phất bỗng thấy bao tử mình đau dữ dội.

Câu truyện trên xảy ra khi Xá Lợi Phất còn trẻ tuổi. Thực ra, thiệt vô ích khi tìm cách trốn tránh âm thanh của chim, của gió, của cá. Sự xáo động đó phát xuất từ tâm chúng ta mà thôi.

Phiền não tức Bồ Đề,

Niết Bàn thị Sanh Tử.

———————————-

Ba Chiếc Cầu

Ở một làng nọ, có một ông bố già tối ngày khổ sở, bực mình vì đứa con ma men của ông ta. Không ngày nào, hắn ta mò về nhà mà không say khướt bí tỉ. Chịu không nổi nữa, ông bố cau có quát mắng dữ dội, và lần này, ông ta không thể tha thứ cho hắn được nữa.

Hắn ta cười lè nhè và đưa tay thề rằng: “Bố yên tâm, con hứa từ ngày hôm nay, con sẽ bớt rượu chè đi.”

Và ngay chiều hôm đó, ông bố ngồi chờ mãi mà không thấy bóng dáng thằng con yêu qúi đâu cả. Đến tối, ông ta đành phải đi tìm con. Đến cây cầu giữa làng, ông bắt gặp con trai mình nửa người dưới nước, sắp chết đuối, tay đang bám chặt vào chân cầu.

Cố hết sức để lôi được đứa con lên bờ, ông bố già vừa tức, vừa thương, quát lên:

-“Tại sao mày lại rớt xuống sông thế kia, hả thằng ngợm? Mày mới hứa với tao là sẽ bớt uống rượu đi, thế mà giờ này mày đã bí tỉ đến nỗi lọt tòm xuống sông thế này?”

-“Bố à, đây là hậu quả của sự bớt uống rượu của con đó. Thông thường, con nốc cạn c cả ba chai saké (rượu Nhật), và mỗi chiều, khi về nhà, băng qua cầu, con đều thấy có ba chiếc cầu; con luôn luôn bước ngay vào cây cầu ở giữa, và mọi chuyện đều ngon lành, con về nhà an toàn! Hôm nay, con uống chỉ có hai chai thôi cho nên con thấy chỉ có hai cây cầu, chẳng biết làm sao, con bước đại qua cây cầu bên trái, thế là con rơi tòm nó xuống sông!”

-“Thôi được rồi, bây giờ theo tao về nhà.”

-“Ồ chưa, chưa được đâu! Bố cho con đi uống chai thứ ba đi, rồi Bố sẽ thấy con về nhà ngon lành cho Bố coi!”

Và quả đúng vậy, đưá con đã về nhà an toàn bằng con đường tự nhiên đó.

Thực ra, câu chuyện trên chỉ là một thí dụ điển hình vui, vậy thôi; chứ không phải say rượu là một việc hay ho, đáng làm. Tuy nhiên, chúng ta sống ở đời, đôi khi phải biết thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà hành xử.

———————————-

Im Lặng Hoàn Toàn

Trong một ngôi chùa hẻo lánh vùng núi cao kia, có bốn vị thiền sinh đang tọa thiền. Họ đã thỏa thuận với nhau là tọa thiền trong im lặng tuyệt đối.

Buổi chiều thứ nhất, khi đang tọa thiền, ánh nến trong phòng lao chao theo ngọn gió và tắt phụt, phòng thiền chìm trong bóng tối dầy dặc.

Chàng thiền sinh trẻ tuổi nhất, mới nhập môn, thì thầm: “Ngọn nến vừa tắt rồi!”

Chàng thiền sinh thứ hai, ngồi kề bên, đáp: “Này sư đệ, không được nói đấy nhé, đây là buổi tọa thiền trong “im lặng hoàn toàn đấy!”

Chàng thiền sinh thứ ba suỵt suỵt: “Tại sao hai người lại nói chuyện vậy? Tất cả chúng ta phải im lặng, im lặng!”

Người thứ tư, cũng là người đề xướng và chịu trách nhiệm của buổi tọa thiền “Im Lặng” này, kết luận:

-“Cả ba sư đệ thiệt tệ quá, chỉ có ta là người không nói gì cả!” Hãy tập trung hành thiền đi! Chỉ có ta là ngon lành nhất, ta có nói gì đâu!”

———————————-

Tội Lỗi Ở Đâu?

Thiền sư Tăng Xán, đệ tử của Nhị Tổ Huệ Khả, trước kia có triệu chứng bị mắc bệnh cùi.

Lần đầu tiên khi Tăng Xán gặp Nhị Tổ, Tăng Xán đã xin Nhị Tổ rằng:

-“Sư Phụ, xin giúp đỡ con, cho con được thú tội. Xin Sư Phụ rửa sạch nghiệp báo và tội lỗi này của con!”

Tổ Huệ Khả trả lời:

-“Hãy đem tội lỗi của ngươi ra đây, ta sẽ rửa sạch cho!”

Ngay lúc đó, Tăng Xán hoát nhiên tỉnh ngộ.

Tội lỗi là gì? Cái gì là cái xấu? Cái gì là cái tốt?

Sau đó, Tăng Xán được truyền phép Tam Qui, xuất gia, tinh tấn thiền định và tự chữa lành bệnh cùi của mình.

 

———————————-

Rong Chơi Trên Núi

Một thiền sư hay đi rong chơi trên núi. Khi trở về thiền viện, có một đệ tử hỏi:

-“Sư Phụ, Sư Phụ đi dạo ở đâu vậy?”

-“Rong chơi trên núi,” Thiền sư trả lời.

-“Nhưng Sư Phụ đi đường nào, Sư Phụ đã thấy gì?”

-“Ta theo hương thơm của lá, của hoa, và ta lướt theo ngọn cỏ đùa trong gió.”

Hãy nghe theo lời dạy của Phật, hãy nhìn vào những ngọn cỏ và hoa lá kia tự nhiên nẩy nở sinh trưởng không mục đích tầm cầu gì cả, không bản ngã, thật tự nhiên, như bốn mùa thời tiết đổi thay, xuân đến vạn vật tốt tươi, thu sang cỏ cây tàn úa.

Câu trả lời của thiền sư là một câu trả lời đầy trí tuệ của một bậc đạt đạo – và trí tuệ chân thực đó vượt qua phần tri thức luận lý tầm thường.

———————————-

Anh Trăng Soi Cửa Sổ

Thiền sư Ryokan là vị thiền sư nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Thực ra, sự nổi tiếng của Thiền sư còn lan rộng đến tận các quốc gia khác, và những bút tích của ngài còn qúi giá và hiếm có hơn.

Thiền sư Ryokan không phải là hạng người thích nổi danh hào nhoáng bên ngoài: với tinh thần tự tại vô úy, can trường, khí phách, không lo âu, ngây thơ thánh thiện như một đứa bé con, Thiền sư không sở hữu một vật gì, không lệ thuộc vào bất cứ một cái gì cả . . .không chùa chiền, không tiền bạc, Thiền sư sống an nhiên trọn vẹn tự do tuyệt đối, hoàn toàn.

Thiền sư Ryokan rất thích chơi đùa với trẻ con, ngài rất thương trẻ con và hay chơi ú tìm với chúng. Có một lần, ngài chơi đùa với trẻ con và nấp trốn ở trong một chuồng bò. Chiều xuống lâu rồi, đêm đến, mấy đưá nhỏ đã về nhà hết rồi mà Thiền sư cứ vui đùa, không nhớ đến thời gian, và cứ nấp trốn mãi ở chuồng bò, chờ mấy đứa bé đến kiếm được ra mình.

Khi ông chủ trại lùa bò vào chuồng, Thiền sư nói khẽ: “Suỵt suỵt, đừng gây động. Con chó sói tới bây giờ đó!”

Một ngày kia, Thiền sư mệt và ngủ say trong căn chòi lá của ngài. Một tên trộm lẻn vào chòi . . . không có đến một cái gì cả . . . chỉ có Thiền sư và mảnh chăn đắp trên người. Tên trộm liền ra tay cuỗm luôn mảnh chăn đó và lỉnh mất. Đêm xuống lạnh làm Thiền sư Ryokan tỉnh giấc, mới biết là mảnh chăn đắp không còn. Thiền sư ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ: trăng đẹp quá, thơ mộng quá, ánh trăng rạng ngời chiếu sáng qua song cửa sổ, cảnh vật lung linh huyền ảo dưới ánh trăng. Đẹp, đẹp tuyệt vời!

Thiền sư Ryokan cảm xúc thốt lên những vần thơ bất tuyệt:

“Lung linh huyền ảo ánh trăng treo

Tỏa sáng nơi nơi đẹp tuyệt vời,

Tại sao tên trộm vô minh thế?

Đoạt chăn sao chẳng lấy trăng treo?”

Qủa thực, không một sự cố gì có thể lay động được bản tâm như như bất động của Thiền sư.

———————————-

Trái Bóng Tròn Quay

Seppo Gisen có một trò chơi giải trí cá nhân gây tò mò cho đồ đệ là Gessha: đó là trò chơi quay bóng.

Ngày kia, khi ông thầy Gisen đang chơi quay bóng, Gessha hỏi thầy:

-“Sư Phụ, sao trái bóng lại quay tròn như vậy?”

Seppo Gisen trả lời:

-“Vì trái bóng tự do. Trái bóng là sự Tự Do thực sự.”

-“Tại sao?”

-“Bởi vì trái bóng tròn. Nó có thể quay lăn đi khắp nơi, bất cứ hướng nào, không bị ngăn ngại gì cả – tự do – tự do hoàn toàn.

Thật sâu sắc, thật tự nhiên, thật an nhiên

Một vòng tròn viên mãn!

———————————-

Hai Linh Hồn Của Senjo

Vào thế kỷ thứ 11, ở Trung Hoa, có một gia đình giàu có kia chỉ có một người con gái xinh đẹp duy nhất là Senjo. Ngày nọ, cha của cô ta, ông Cheyo-Ken, nói với Senjo và Wanchu (đứa cháu họ của ông) là khi hai trẻ thành nhân, ông sẽ tác hợp cho hai người thành vợ chồng vì đã hứa gả Senjo cho Wanchu từ lúc cô ta còn nằm trong bụng mẹ. Từ đó, hai trẻ quấn quít bên nhau, thương yêu nhau và chờ đợi ngày thành lập gia thất.

Nhưng, một vương hầu trong điạ hạt đã nghe biết đến nhan sắc của Senjo và cậy người đến mai mối. Ông phú hộ Cheyo-Ken, quá ngạc nhiên và hãnh diện, đã quên mất lời hứa năm xưa và hứa gả Senjo cho vương hầu kia.

Hai kẻ yêu nhau, quá đau buồn tuyệt vọng, không còn biết phải làm gì nữa. Và Wanchu, đau đớn bi ai, quyết định rời xa cái nơi đã gây vết thương lòng cho mình. Một ngày kia, Wanchu leo lên chiếc thuyền câu nhỏ bé và phó mặc đời mình trôi theo dòng nước. Khoảng nửa đêm, dưới ánh trăng rằm vằng vặc soi sáng không trung, Wanchu thấy như có một bóng người từ bờ sông chạy về phía mình và gọi: “Wanchu, Wanchu, đợi em, đợi em!” Wanchu tưởng lầm, bóng ma chăng? Không, rõ ràng là tiếng gọi của Senjo: chiếc bóng tiến lại gần, quả nhiên đó là Senjo. “Wanchu, em đi theo anh.”

Thế là hai kẻ tình nhân dắt nhau bỏ xứ ra đi vô định và trôi dạt vào một phố thị đông đúc xa lạ. Năm năm sau, Senjo hạ sanh hai đứa trẻ kháu khỉnh và Wanchu, rất khéo léo giỏi giang, kiếm việc làm rất dễ dàng để nuôi sống gia đình.

Một ngày kia, Senjo nói với chồng:

-“Cha mẹ em có lẽ rất buồn đau về sự ra đi của em. Thời gian đã qua. Chắc ông bà cũng đã nguôi ngoai nhiều rồi. Chúng ta hãy trở về thăm cha mẹ.”

Wanchu bằng lòng và họ bế con trở về chốn cũ. Wanchu về nhà ông Cheyo-Ken trước để tìm hiểu tình hình xem sao.

Thật quá đỗi ngạc nhiên, ông bà Cheyo-Ken la lên vui mừng và nói rằng: “Ồ, cháu về rồi đấy à? Từ ngày cháu bỏ nhà ra đi, Senjo nằm liệt giường, câm lặng, bất động như xác chết vậy. Cháu về kịp để cứu nó đấy, nếu không sẽ không còn cơ hội nữa!”

Wanchu, như rớt từ trên trời xuống, lắp bắp: “Nhưng mà Senjo còn sống mà. Senjo bỏ đi với con và chúng con đã có hai đứa con với nhau.”

Mọi người sửng sốt, cùng chạy vào phòng riêng của Senjo: người thiếu nữ xanh xao như tàu lá uá kia, khi thấy Wanchu thì mỉm miệng cười và ngồi dậy được. Wanchu hết hồn, chạy bổ ra đường tìm Senjo. Khi cả hai người con gái gặp nhau, họ giống nhau như hai giọt nước và bất ngờ . . . quá sức tưởng tượng, họ biến mất vào trong nhau và trở lại nguyên vẹn hình hài của một người là Senjo, vợ của Wanchu.

Ông bố Cheyo-Ken liền nói:

-“Như vậy là linh hồn của Senjo đã theo con suốt mấy năm qua, con đã ăn ở với một bóng ma.”

-“Không,” Senjo trả lời, “linh hồn mới là ở đây. Con đã bỏ đi với thể xác này để theo Wanchu và chính hai đưá con này là bằng chứng xác thực về thể xác của con.”

Ai nói sự thực đây?

Câu truyện nổi tiếng này đã trở thành một công án: trong đời sống thường nhật của chúng ta, chúng ta luôn luôn sống hai mặt, một trong cõi mộng và một ở thực tế.

Cái “Tôi” thật là cái nào?

Có phải chăng có một linh hồn ngoài thể xác?

Trời và Đất có chung một cội nguồn, cùng một thể, vô hạn, vô tận, bất tử vĩnh hằng trong vạn hữu hàm linh.

———————————-

Lòng Tin Chân Xác

Ở Trung Hoa, tại một căn nhà nọ, có một bà mẹ hết lòng thương yêu và tin tưởng con mình, đang ngồi yên lặng quay tơ dệt vải.

Bỗng nhiên, vài người đàn ông hàng xóm hớt hãi chạy tới, nói với người mẹ rằng: “Con bà là một kẻ sát nhân! Nó vừa mới giết người nào đó, bà chạy trốn mau đi!” Bà mẹ vẫn lặng thinh, không nói một lời nào, tay vẫn không ngừng se chỉ. Lát sau, lại có một người đàn ông khác chạy đến, la lớn lên: “Đúng, đúng rồi, con bà giết người đó!” Nhưng bà mẹ vẫn tiếp tục lặng yên ngồi dệt tơ se chỉ.

Bà ta tự nhủ:

-“Không, tôi tin con tôi, tôi tin tưởng con tôi.”

Và sau đó, qủa nhiên người ta khám phá ra đó là những tin đồn thất thiệt.

Đúng vậy, khi chúng ta có niềm tin chân thực về nhau, cha mẹ tin con, chồng vợ tin nhau, thầy trò tin nhau, bạn bè tin nhau . . . thì ma qủy hay bọn xấu ác làm sao tấn công chia rẽ họ được? Nhưng nếu chúng ta khởi tâm nghi ngờ thì ác qủy rình rập ngay.

Lòng tin chân xác không bao giờ hiển lộ, không bao giờ bày tỏ ra, không cần phải chứng thực, xác nhận gì cả. Niềm tin đó không cần phải xác chứng và cũng không bao giờ có sự hối tiếc giữa hai người tin nhau. Tuy nhiên, ở thời đại nhiễu loạn ngày nay, sự chân thực đã vắng bóng.

———————————-

Bóng Trăng Đáy Nước

Sư Yuse là một người đàn ông rất đẹp trai, và có một phụ nữ đã đem lòng thương yêu Sư. Người đàn bà này đã có chồng nhưng bà ta không thể nào chống cự nổi tình yêu cuồng nhiệt, đam mê đó. Bà ta vô cùng đau khổ, dằn vặt, và cũng đã bao nhiêu lần tự xỉ vả, thống trách ăn năn.

Mẹ của người phụ nữ này cũng đã hết lời can gián khuyên lơn, nhưng như một định nghiệp quả báo, bà ta vẫn không chiến thắng nổi con tim mình, và cuối cùng, bà ta đã ngã qụi, lâm trọng bệnh vì tình yêu oái oăm đó.

Bà về nhà cha mẹ mình dưỡng bệnh, và người mẹ thương con đành phải chạy đến chùa tìm Sư Yuse kể rõ sự tình và năn nỉ Sư đến nhà thăm con gái mình, mong là Sư sẽ khuyên giải để con mình hết bệnh và lành lại vết thương lòng. Sư Yuse động lòng trắc ẩn và đồng ý đến nhà khuyên giải, giảng pháp để cảnh tỉnh người phụ nữ đam mê này. Và mỗi ngày, Sư Yuse đều đặn đến thăm bịnh nhân.

Dần dần, người đàn bà đa tình đó bình phục nhưng khốn nạn thay, hai tâm hồn họ đã khắng khít vào nhau. Sư Yuse đã phạm giới và gây tạo đến hai lỗi lầm nghiêm trọng là: Sư đã yêu một người đàn bà có chồng, và vì tình yêu này, Sư đã ra tay giết chồng họ.

Một thời gian sau, không thể chịu đựng nổi sự dày vò cắn rứt của lương tâm, của trừng phạt tội lỗi . . . Sư Yuse đã đến thú tội với Đức Phật. Đức Phật đã an ủi và hoá độ cho người đàn ông này.

Đức Phật đã thị hiện ra nhiều hình tượng, nhiều cảnh giới: tất cả những hiện tượng đó giống như những bóng phản chiếu trên mặt gương trong như bóng trăng đáy nước.

Những kẻ đau khổ mê muội vì tâm thức họ chứa đầy ảo ảnh, hỗn loạn và sợ hãi; nhưng tất cả những thứ đó chỉ là những bóng phản chiếu trên mặt gương, bóng trăng đáy nước. Đó là những ảo ảnh của tâm thức, chúng không thực tế. Và theo lời khuyên dạy của Phật, Yuse hành trì thiền định miên mật.

Ông ta hiểu thấu rằng từ bấy lâu nay, cuộc đời ông ta chỉ là một cơn mộng, và ông ta hiện diện, trôi lăn theo dòng đời đó, không nhận thức được rằng ông ta và tất cả chúng sanh còn có một đời sống tâm linh chân thực, sâu xa, bền vững vượt ngoài cơn mộng ảo đó.

Phải khám phá dòng sống tâm linh đó như người ta đi rửa một cuộn phim ảnh vậy. Yuse thấu triệt được và nhập vào cảnh giới thiền định của vô sanh, bất tử. Yuse đã đi về được tận nguồn.

Yuse an nhiên nhập định và sẵn sàng trả quả về những hành nghiệp của mình nhưng với một tâm hồn tự tại, vô úy – vì Yuse đã thực sự đạt đến cảnh giới vô thượng của Tâm – Hiện hữu bây giờ và ở đây.

 

Xem tiếp:

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 1 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 2 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 3 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 4 ] – Thích Nữ Minh Tâm