Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 3 ] – Thích Nữ Minh Tâm

bình bát và thiền trượng

Đầu To, To Đầu

Có một anh chàng thanh niên kia cứ mỗi buổi sáng là đứng ngắm vuốt mình trước gương. Một hôm, chàng ta vô ý để tấm gương lộn ngược, và khi soi vào ngắm vuốt, chàng ta không thấy mặt mình đâu cả. Thế là anh chàng hoảng hốt, thất kinh hồn vía lên, bổ nhào ra đường đi kiếm cái đầu.

Một người bạn nói rằng: “Tại sao anh lại đi kiếm cái đầu của anh? Cái đầu anh nó to đến nỗi tôi chỉ thấy có nó mà thôi đó!”

Nghe vậy, anh chàng này cho rằng cái đầu mình to lớn hơn đầu các người khác. Và thế là anh ta vênh váo tự đắc, đi kiếm cái “đầu to” của mình.

Câu truyện trên rất lý thú.

“Mất cái đầu” có nghĩa là “mất đi những ảo giác.” Nhưng niềm hãnh diện tự mãn về cái “đầu to” lại là chướng ngại của cái tự ngã ngu xuẩn và lố bịch.

———————-

Lòng Nhân Đạo Sợi Tơ Nhện, Sợi Tơ Bạc

Một ngày kia, Đức Phật đi dạo quanh bờ hồ hoa sen. Khi đứng lại nhìn sâu xuống mặt nước tĩnh lặng, Phật có thể thấy tận chín tầng địa ngục. Hôm đó, Phật thấy một người đàn ông tên Kantaka, vừa mới chết trước đó mấy hôm, đang kêu gào vật lộn đau đớn ở địa ngục.

Đức Phật Thíc Ca Mâu Ni, động lòng từ bi, muốn cứu vớt tất cả tội nhân đang chịu hình phạt dưới địa ngục kia và Ngài thiền định quán chiếu xem trong bọn chúng có ai đã làm được điều thiện gì khi còn sống không?

Phật thấy Kantakalúc sinh thời là một trên ăn trộm và hắn đã sống một đời sống bẩn thỉu. Vì thế hắn phải bị đọa vào địa ngục. Tuy nhiên, có một lần hắn ta đã làm được một điều lành: đó là có một ngày kia, đang trên đường đi lang thang vớ vẩn, hắn bắt gặp một con nhện thật to nằm cản đường; hắn muốn dơ chân nghiền nát con nhện, nhưng hắn chợt dừng lại và thôi không giết con nhện nữa, hắn đưa tay cầm con nhện lên và quăng qua một bên và tiếp tục đi.

Đức Phật quán thấy khi Kantaka làm việc thiện đó, tâm hắn rất hiền lành, quảng đại, thương con nhện, và Đức Phật muốn cứu hắn thoát khỏi địa ngục . . . và Ngài biến hoá ra một sợi giây tơ nhện thật dài xuyên suốt từ mặt hồ đến địa ngục trước mặt Kantaka.

Kantaka nhìn cái vật lạ đó, và nhận thấy rằng đó là một sợi giây bằng bạc rất chắc, nhưng hắn ta lại không muốn tin như vậy và tự nhủ đó là một sợi tơ nhện mong manh và rất khó mà leo bám vào sợi tơ đó; tuy nhiên hắn ta rất mong muốn được thoát khỏi địa ngục. Kantaka nắm sợi giây, do dự mãi là cái cầu thang bằng sợi tơ này thật mong manh, nguy hiểm quá vì nó có thể đứt ngay bất cứ lúc nào; nhưng rồi Kantaka bám vào và leo lên, leo lên . . . cẩn thận từng bước, bám chắc cả hai tay lẫn hai chân, Kantaka cố hết sức để đừng bị tuột tay và trèo lên.

Chiếc cầu thang giây này thật dài. Leo lên được nửa đường. Kantaka muốn ngoái nhìn xuống phía địa ngục rất sâu thẳm kia. Ngước nhìn lên, hắn thấy ánh sáng lóe lên cuối đường và chỉ mong muốn đến được vùng ánh sáng đó, nhưng khi cúi xuống nhìn về phía địa ngục một lần cuối, Kantaka bỗng thấy một đoàn người khổng lồ từ mọi cửa địa ngục chen chúc xô đẩy nhau bám leo lên sợi giây tơ đó. Kantaka chợt rúng động bấn loạn: cái sợi giây tơ này rất ư là mỏng manh, không chắc, may ra một mình hắn thôi thì còn hy vọng leo lên thoát được sống sót; nhưng giờ cả đám hàng trăm hàng ngàn người bám vào thế này thì chắc chắn đứt ngay thôi, và “un point final” tất cả sẽ rơi xuống địa ngục trở lại.

Thiệt đúng là xui xẻo quá mà, “xuống đây rồi mà cũng còn không yên nữa!”

Niệm xấu ác đó vừa dấy khởi lên trong tâm, Kantaka vọt miệng la lớn to xuống dưới rằng: “Nè nè, cái đám ngu xuẩn kia! Mấy người leo lên theo ta làm gì vậy? Mấy người đâu có cái phước ngon lành như vậy đâu. Sợi dây tơ này là của mình ta đó! Bỏ tay ra, ở lại địa ngục đi!”

Kantaka vừa dứt lời, sợi giây đứt phựt ngay và cả đám người và Kantaka đang xô đẩy chửi bới nhau để bám leo vào sợi giây bị hất tòm rơi trở xuống địa ngục tối đen như lòng họ.

Ngay lúc đó, ánh sáng rực rỡ của mặt trời tỏa sáng trên mặt hồ mà Đức Phật đang dạo quanh bờ.

Đó là một công án!

———————-

Một Mùa An Cư Kết Hạ

Vào một mùa hạ kia, thời Đức Phật còn tại thế, có một người Bà La Môn rất giàu có muốn phát tâm cúng dường thực phẩm cho chư Tăng trong ba tháng An Cư Kết Hạ.

Mùa An Cư bắt đầu. Nhưng một đêm kia, người Bà La Môn đó nằm mơ thấy một con rắn trắng thật to lớn đang quấn chặt lâu đài của ông ta. Thực ra, mộng thấy con rắn trắng là một điềm tốt lành; nhưng lão Bà La Môn không biết và đi đến hỏi một tên thầy bói phù thủy. Lão phù thủy này rất ganh ghét Đức Phật vì Đức Phật đã khuyến hóa mọi người đừng mê tín và hãy siêng năng tu tập giáo lý để phát sinh trí huệ cầu giải thoát.

Lão phù thủy bàn rằng:

-“Đó là một giấc mơ rất xấu. Ngươi sẽ bị một kẻ thù rất mạnh, tàn ác tấn công ngươi và ngươi sẽ chết!”

-“Vậy phải làm sao bây giờ?” lão già Bà La Môn hỏi.

-“Ngươi hãy trốn kỹ trong nhà suốt mùa hè này và không được ló mặt cho một ai thấy cả. Hãy ở kỹ trong nhà với những tên hầu cận tốt đẹp của ngươi!”

Lão Bà La Môn đó rối rít vâng dạ nghe lời và không hề ló mặt ra ngoài. Vì thế lão không thể giữ tròn lời nguyện cúng dường mùa Hạ cho Tăng đoàn của Phật được. Tất cả mọi người, kể cả Phật, đều chỉ ăn độc nhất có món cháo bột mì.

Vì thiếu thốn, có một người nào đó đã lén đi ăn cắp ít gạo dự trữ trong kho của lão nhà giàu Bà La Môn.

Biết được chuyện này, Đức Phật rất tức giận, xử phạt kẻ đó và quở trách nặng nề đệ tử:

-“Như Lai sẽ không sống chung với chúng Tăng nữa nếu có người nào dám tái phạm lỗi lầm như vậy.”

Ngài Mục Kiền Liên thưa rằng:

-“Bạch Thế Tôn, con sẽ thi triển thần thông để mang về dâng Đức Thế Tôn thực phẩm của chư Thiên.”

Đức Phật trả lời:

-“Điều đó không cần thiết. Nếu sau khi Như Lai tịch diệt, trong mùa An Cư Kết Hạ, không có đến một người nào có khả năng thần thông như ông, thì họ sẽ phải làm sao? Không cần thiết phải thi thố thần thông phép lạ để tìm kiếm thực phẩm nuôi dưỡng xác thân như thế!”

Ngài A Nan lại thưa rằng:

-“Bạch Thế Tôn, mỗi ngày chỉ ăn có cháo bột mì suốt mấy tháng như thế thật vô cùng khó chịu cho mọi người. Ngay làng bên cạnh kia là gia đình dòng họ của con, họ rất giàu có. Con sẽ đến khất thực nhà họ.”

Đức Phật nói:

-“Nếu ở tương lai, trong mùa An Cư Kết Ha, chúng Tăng không tìm được sự giúp đỡ của một thí chủ giàu có nào thì thử hỏi họ phải làm sao?”

Ngài Xá Lợi Phất trả lời:

-“Thưa Thế Tôn, con cũng biết nhiều tín đồ thuần thành, rất có đạo tâm và giàu có ở ngay làng này, con sẽ đến gặp họ.”

Đức Phật ngăn cản:

-“Không cần phải như vậy. Nếu sau này không có những người cư sĩ tại gia tín tâm mộ đạo thì các ông phải làm sao?”

Và như thế, Đức Phật và chúng Tăng đã cùng nhau tiếp tục thụ dụng cháo bột mì suốt cả mùa Hạ An Cư, không có đến một sự giúp đỡ cúng dường nào.

Câu truyện trên là một ví dụ khuyên răn các hàng đệ tử Như Lai đời đời về sau.

Khi chúng ta nghèo, chúng ta an phận trong cái nghèo, không mưu cầu lợi lộc, không than trách.

Khi chúng ta giàu, chúng ta an hưởng cảnh giàu và chia xẻ với mọi người.

Hãy bằng lòng với những điều kiện đang có, sẵn có!

Hãy biết tri túc! Người không biết tri túc thì dù sống ở thiên đường cũng không vừa ý.

Người biết tri túc thì dù nằm ở dưới đất cũng thấy an vui.

Nếu tâm chúng ta tịch lặng, không xao động, an nhiên tự tại, đời sống chúng ta sẽ giảm thiểu nhiều nhu cầu, khiến chúng ta không còn nô lệ cho vật dục, giản dị hóa mọi việc và chúng ta sẽ có được hạnh phúc thực sự.

———————-

Đại Hổ! Tiểu Hổ!

Đây là một mẫu truyện rất lý thú về Thiền sư Karin.

Thiền sư Karin trụ trì một ngôi cổ tự danh tiếng. Ngày kia, có một du tăng đi ngang qua vùng, gõ cửa ghé thăm. Sư Karin chạy ra mở cửa mời vào. Du tăng ngạc nhiên hỏi:

-“Bạch Thiền sư, ngài không có đệ tử sao?”

Vị du tăng đó rất ngạc nhiên vì luôn luôn các đệ tử phải ra mở cửa mời khách cho sư phụ mình chứ không phải đích thân vị trụ trì ra mở cửa như vậy. Thiền sư Karin nói:

-“Ồ, có chứ, có chứ! Tôi có hai đệ tử rất ngoan, rất giỏi, nhưng hơi nguy hiểm một chút nếu chúng nó ra đón khách.”

Vị tăng sĩ đó khăng khăng đòi gặp:

-“Không sao, không sao! Có gì đâu, tôi muốn gặp họ và tốt hơn là để họ mở cửa hơn là chính ngài.”

Sư Karin đồng ý, ngó ngoái vào trong chùa và gọi lớn: “O Zora! (Đại Hổ), Ko Zora! (Tiểu Hổ)”

Đáp lại lời gọi của Sư Karin, tức thì từ sau hậu liêu, hai con cọp lớn, nhỏ phóng nhanh ra trước mặt vị du tăng đang đứng như trời trồng.

Sư Karin vỗ đầu chúng, nói:

-“Thôi các con vào đi, các con to lớn quá và không cần thiết đối với vị khách này.”

Và quay qua vị du tăng, Sư Karin cười nói: “Đấy, ta đã bảo mà!”

Hai chú cọp đệ tử ngoan ngoãn vẫy đuôi lặng lẽ đi vào trong và nằm phủ phục dưới chân ghế của Thiền sư.

Vị du tăng, mãi một lúc lâu sau, vẫn chưa hoàn hồn, và đứng chết trân run lập cập, không bước đi nổi.

———————-

Ngọn Gió Mùa Thu Thổi Lá Vàng Rơi Rụng

Ngày xưa, có một thanh niên trẻ tuổi đem lòng yêu thương một cô gái đẹp giàu có. Mòn mõi kiên trì suốt hai năm, mỗi ngày chàng thanh niên đó đã viết và gởi đi không biết bao nhiêu lá thơ tình nồng đượm cho người đẹp nhưng không bao giờ đuợc hồi âm.

Hai năm, bẩy trăm ba mươi ngày, bẩy trăm ba mươi lá thơ đầy tình cảm vô vọng. Và rồi, chàng thanh niên bỏ nhà ra đi biệt tích. Chàng đã quyết chí xuất gia, và sống ẩn cư tại một chòi lá thô sơ vùng núi rừng hoang dã xa xôi.

Mấy năm trôi qua, vào một ngày kia, vị sơn tăng bỗng thấy người con gái ngày xưa đó đang tiến lên về tịnh cốc của mình.

Quì xuống khóc nức nở, nàng bộc lộ:

-“Em đã lầm lẫn rất lớn. Bây giờ em đã cảm nhận và thấu hiểu tình yêu anh dành cho em, và em đã lặn lội tìm kiếm anh suốt bao năm qua. Xin anh hãy tiếp nhận em.”

Nhưng vị sơn tăng đã điềm đạm ôn tồn trả lời:

-“Đã trễ quá rồi. Bây giờ, tôi đã là tu sĩ và tôi cũng đã dứt khoát được tình yêu của tôi cho cô rồi. Cô hãy đi về đi!”

Không lay động được tâm hồn vị sư, cô gái thất thểu trở về.

Vài ngày sau, vị sơn tăng xuống núi khất thực. Trong làng đang xôn xao bàn tán một chuyện – người ta đã vớt được xác một cô gái còn trẻ đẹp, có gương mặt khả ái qúi phái, quần áo và trang sức đắt tiền, dìm mình chết trong dòng suối bạc: “Chắc chắn đây là kết thúc của một mối tình bi thảm,” dân làng kháo nhau như vậy, “thật tội ngghiệp quá!”

Và người ta đã tử tế chôn xác nàng nơi ven đồi và đặt tên là “Ngôi Mộ Tình Yêu.”

Vị sơn tăng nghe chuyện, hiểu tất cả và đến ngôi mộ người thiếu nữ bất hạnh đó. Sư ngồi thật lâu, trầm ngâm trước mộ nàng và đọc lên một bài thơ cho người đã chết:

“Khi nàng đến trước tịnh cốc xa xôi,

Những chiếc lá đỏ mùa thu

Đang run rẩy chao mình rơi đầy đất lạnh.

Và ngọn gió buồn mùa thu

Đã thổi bay những chiếc lá tàn úa đó

Theo từng bước chân nàng ra đi.

Tất cả đều vô thường và,

Tịnh cốc nghèo nàn của ta

Còn đáng gía hơn gấp bội một lâu đài.

Tại sao duyên phận hai chúng ta

Không thể nào liên kết được?

Trước khi ta đau khổ,

Và nàng được sống bình yên.

Giờ đây,

Ta đang cất bước trên đường về cô tịch,

Lòng an nhiên thanh thoát,

Nhưng nàng thì chua xót trầm luân.

Tháng năm trôi qua như giấc mộng,

Có gì đâu một chút tình si?

Khi chúng ta xuôi tay về cõi vắng,

Không một ai theo chúng ta đến tận cỗ quan tài.

Chẳng còn gì, những ảo vọng mê lầm tan biến.

Thống trách bi thương nào có ích lợi gì,

Và xin cũng đừng tuyệt vọng, oán hờn.

Bây giờ nàng đã yên nghỉ ngàn thu,

Thôi hãy như ta, cùng ta

Lắng nghe gió thổi dài trong cành thông xanh lá,

Điệu nhạc thiền muôn thuở an nhiên.”

———————-

Thính Chúng Búp Bê

Đây là câu truyện của thiền sư Hotan.

Ngày xưa khi còn đi tham vấn mọi nơi, Hotan luôn luôn rất chăm chú nghe lời giảng pháp của các thiền sư.

Một ngày kia, Hotan đến một giảng đường. Ngày đầu tiên, khi vị pháp sư thăng tòa, cử tọa thính chúng rất đông, nhưng từ từ, vài ngày, một tuần lễ trôi qua . . . thính chúng đã lần lượt thưa thớt và cuối cùng, chỉ còn lại một mình Hotan và vị pháp sư đó.

Vị pháp sư này nói với Hotan:

-“Ta không thể tổ chức một buổi pháp thoại chỉ cho một mình ngươi, vả lại ta cũng đã mệt mỏi lắm rồi!”

Hotan hứa là ngày hôm sau sẽ trở lại với đông người. Nhưng ngày hôm sau, Hotan cũng trở lại chỉ có một mình, và nói với vị pháp sư kia rằng: “ Ngài có thể ra giảng pháp được rồi, tôi đã mang theo nhiều thính chúng!”

Vị pháp sư kia ra giảng đường và chỉ thấy những con búp bê ngồi ngay ngắn trên ghế. Ông ta qúa đỗi ngạc nhiên nói: “Nhưng đây chỉ là những con búp bê thôi mà!” “Qủa đúng vậy,” Hotan trả lời. “Nhưng tất cả những người đến đây nghe pháp cũng đâu có khác gì những con búp bê nhồi bông này. Họ không hiểu gì hết và cũng quan tâm gì đến lời ngài giảng đâu. Riêng tôi đây, tôi đã thấu hiểu thật sâu xa những lời ngài nói. Tôi đã hiểu triệt để đến tận cùng sự thật. Bởi vậy, dù có đông thính chúng mà không một ai quan tâm hay hiểu gì cả, họ cũng chỉ là những con búp bê để trang trí, chất đầy phòng, và cũng rỗng tuếch vô hồn thôi.”

———————-

Năm Trăm Bộ Sách – Vỏn Vẹn Ba Câu

Người ta kể lại rằng ở cái xứ Ba Tư xa xưa kia có một ông vua tên là Zémin. Lên ngôi khi còn rất trẻ, nên nhà vua rất hăng say tìm hiểu đủ thứ, và vua Zémin này đã tập họp lại một số đông các vị bác học thông thái đến từ khắp mọi nơi và yêu cầu các nhà học giả này hãy biên soạn cho nhà vua một bộ sách lịch sử nhân loại.

Hai mươi năm sau, những nhà bác học này hẹn gặp nhau tại triều đình để cùng dâng lên vua công trình nghiên cứu của họ. Tất cả công trình đó của họ chứa đựng trong 500 bộ sách và chất đầy trên lưng mười hai con lạc đà.

Nhà vua Zémin lúc đó đã hơn bốn mươi tuổi.

-“Trẫm đã già rồi và đâu có thì giờ để đọc hết 500 bộ sách này của chư khanh, vậy chư khanh hãy nên tóm tắt lại nữa đi để trẫm có thể đọc được.”

Các học giả lục tục trở về và hai mươi năm sau, họ lại đến yết kiến vua Zémin và chỉ có ba con lạc đà chở sách mà thôi. Nhưng vua Zémin đã sáu mươi tuổi hơn và yếu đuối lắm rồi.

-“Chư khanh cố rút ngắn nữa đi. Trẫm không còn hơi sức nào để đọc được nữa.”

Mười năm sau, các học giả trở lại và chỉ có một con voi chở sách. Vua Zémin giờ đã bẩy mươi tuổi hơn và mắt đã mờ loà, ông ta không thể đọc được một chữ nào. Zémin đòi tóm tắt nữa. Các học giả cũng đã quá già yếu rồi như vua và cố gắng tóm tắt cuộc thế nhân sinh một lần nữa và năm năm sau, họ lụm khụm qùi trước bệ rồng và dâng lên chỉ một pho sách mà thôi.

Vua Zémin thều thào nói qua hơi thở yếu ớt:

-“Ta đây sắp chết rồi mà vẫn chưa thấu triệt được chủ đích cuộc đời và con người.”

Qùi trước bệ rồng, vị bác học gìa nua nhất tâu rằng:

-“Bệ hạ, thần đây sẽ giải thích cho Bệ hạ cuộc phù thế nhân sinh chỉ vỏn vẹn gồm trong ba câu mà thôi; đó là: con người sanh ra, chịu đau khổ và cuối cùng chết.”

Ngay lúc đó, nhà vua mỉm một nụ cười và băng hà.

———————-

Đốm Lửa Dưới Tro Tàn

Isan được thâu nhận làm đệ tử của thiền sư Hyakujo lúc 23 tuổi.

Khi Hyakujo thấy anh chàng thanh niên trẻ tuổi này, Thiền sư cho phép anh ta làm thị gỉa hầu cận mình.

Một ngày kia, Hyakujo hỏi Isan:

-“Còn tí lửa nào ở đống tro tàn lò sưởi kia không?”

Isan lui cui moi tro tàn ra nhưng không tìm thấy chút lửa nào.

-“Bạch Sư Phụ, không còn gì cả.”

Thiền sư Hyakujo đi đến lò sưởi, lấy que gắp than săm soi tận cùng đống tro, và moi ra một cục than nhỏ xíu còn đỏ.

-“Thế nào, đây là cục than đỏ chứ?”

-“Vâng, vâng, đúng là cục than còn cháy,” Isan trả lời.

-“Ta không quan tâm đến cục than cháy,” Hyakujo nói, “nhưng nếu con muốn thấy Phật tánh của con, quan trọng nhất là con hãy kiên tâm bền chí tìm ra cơ hội, một cơ duyên hi hữu để nhận chân được Phật tánh. Bản tâm vô trụ, vô phân biệt, và tâm thức đối đãi nhị nguyên kia là hai bộ mặt quan trọng. Con phải hiểu toàn triệt Có – Không thì con mới liễu đạt được Phật tánh.”

 

Xem tiếp:

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 1 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 2 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 3 ] – Thích Nữ Minh Tâm

Bình Bát và Thiền Trượng [ Phần 4 ] – Thích Nữ Minh Tâm