Ngày 01 tháng Mười
Nếu những lời nói của chúng ta không phát xuất ra từ tâm từ bi thì chắc chắn chúng sẽ sai lệch và đem lại nhiều ngộ nhận, nghi kỵ và oán phiền.
Ayya Khema, Be An Island
Ngày 02 tháng Mười
Tính ích kỷ là một đặc tính tiềm ẩn và khó nhận ra nhất để quán chiếu; tuy nhiên, một khi chúng ta đã khám phá và nhận diện ra nó rồi thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được một cảm giác tự do mà không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn được.
Matthew Flickstein, Journey To The Center
Ngày 03 tháng Mười
Phép lạ nhiệm mầu của sự tỉnh thức giúp bạn nhìn thấy rõ những vấn đề liên quan tới những mối tương giao của bạn và người khác. Thói thường bạn chỉ liên hệ hay giao tiếp với những người bạn cần trong một vài mối tương quan xã hội nào đó; rồi bạn đòi hỏi người khác phải thỏa mãn nhu cầu của mình hay họ phải trở thành cái khuôn mẫu nào đó theo ý muốn của bạn. Tuy nhiên nét đẹp của mối tương quan giao thiệp chính là ở lòng độ lượng, nhiệt tình, cởi mở của mình đối với người, và ngược lại ở người đối với mình.
Với sự tỉnh thức, bạn càng lúc càng trở nên minh mẫn hơn, dễ thương hơn, và thông cảm hơn với mọi người chung quanh. Bạn sẽ thấy họ đúng y như họ, không phải là cái khuôn mẫu mà bạn muốn. Bạn sẽ khám phá ra được những phẩm chất cao đẹp của họ và đồng thời cũng thấy luôn những khuyết điểm của họ, nhưng bạn sẽ không lên án hay chỉ trích mà bạn sẽ yêu thương họ vô điều kiện; bạn sẽ tìm cách giúp họ chuyển hóa những khuyết điểm, thói xấu, tật hư thành toàn thiện.
Chấp nhận và giúp người thăng hoa nhân phẩm là nền tảng cơ bản của tình thương vô điều kiện.
Martine Batchelor, Meditation For Life
Ngày 04 tháng Mười
Hãy dễ thương với chính mình. Hãy tử tế với chính mình. Bạn có thể không hoàn hảo giỏi giang gì, nhưng bạn là hiện thân của tất cả những gì bạn đang phải tích cực chiến thắng. Tiến trình để hoàn thiện và trở thành một mẫu người bạn mong muốn trong tương lai bắt đầu bằng sự hoàn toàn chấp nhận con người bạn đang có trong hiện tại.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness in Plain English
Ngày 05 tháng Mười
Không thể nào khám phá hay đạt đến tận cùng trái đất này được dù ta có cố gắng tìm đủ mọi cách, mọi phương tiện để đi du hành chung quanh thế giới này suốt cả một cuộc đời thì cũng chẳng bao giờ có thể khám phá được điểm đích cuối cùng của trái đất này.
Khổ đau cũng thế, nếu chúng sinh còn lăn lộn lẩn quẩn trong vòng luân hồi đầy tham sân, si, thì khổ đau cũng không bao giờ cùng tận.Vì thế, quả thật là, chỉ có Đấng Thế Gian Giải, Bậc Giác Giả đã đi đến tận cùng thế giới, đã viên mãn đời sống thánh hạnh, đã rõ biết tận cùng thế giới, đã rũ bỏ sạch tận gốc khổ đau, kiết sử, và an trú tịch tĩnh, không còn khao khát đối với thế giới này hay thế giới nào khác.
Buddha, In The Connected Discourses of The Buddha
Ngày 06 tháng Mười
Nghiên cứu và trầm tư có thể thực hành cùng một lúc – trong thời gian thiền định, khi ngắm nhìn đại dương bao la hay ngay cả khi lững thững an nhàn tản bộ dọc ven sông, bờ suối . . . Bất cứ khi nào tâm thức ta muốn quày đầu trở về cội nguồn bản tính thì lập tức sẽ có phản ảnh ngay. Tôi hy vọng tâm hồn bạn có thể mở rộng ra khi đọc những dòng chữ này.
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 07 tháng Mười
Động cơ thiết yếu chân chính để tiến tới Thánh quả là sự cẩn trọng đối với mọi hành vi.
Geshe Rabten, In Advice From A Spiritual Friend
Ngày 08 tháng Mười
Khi chư Phật dạy “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” có nghĩa là chúng ta phải gia tăng nỗ lực tối đa để vun trồng các hạt giống thiện tốt ngày hôm nay hơn là cứ mãi ngồi đó băn khoăn lo sợ về những quả báo mà chúng ta đã gieo trồng từ vô lượng kiếp quá khứ.
Master Hsing Yun, Describing the Indescribable
Ngày 09 tháng Mười
Tâm giống như cái bấc của ngọn đèn chỉ tỏa sáng thông qua chính ánh sáng rạng rỡ của đèn.
Milarepa, Drinking The Mountain Stream
Ngày 10 tháng Mười
Trên thế giới này có quá nhiều thứ nên học hay cần học, nhưng cuộc đời con người lại quá ngắn để học hết mọi thứ; vì thế chúng ta nên hoàn thiện trọn vẹn dù chỉ có một hay hai việc mà chúng ta đã bắt đầu làm hơn là cứ mày mò loay hoay mãi ở trong quá nhiều thứ mà chẳng đi tới đâu.
Geshe Ngawang Dhargyey, In Advice From A Spiritual Friend
Ngày 11 tháng Mười
Cái chết vật lý là sự biến đổi, chuyển hóa bi tráng nhất của cái chết thực sự đang tiếp diễn hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày. Chúng ta đang luôn đối diện với những bắt đầu và kết thúc của mọi hoàn cảnh, mọi tình huống mà không hề nhận biết được những đổi thay vi tế, nhỏ nhiệm nhất đang xảy ra trong từng sát na sinh diệt. Những sinh sinh, diệt diệt, hóa hóa đó nhỏ nhiệm đến nỗi mắt thường ta không thể thấy; chúng nhỏ nhiệm vi tế và vô thường biến đổi như một ý nghĩ chợt lóe lên rồi tắt ngúm trong đầu óc hay tầm thường thông tục như cơn buồn ngủ.
Sự đổi thay đó chính là cái chết.
Rodney Smith, Lessons From The Dying
Ngày 12 tháng Mười
Ý niệm của chúng ta đã bị trò tuồng của sự dự đoán hằn dấu vô cùng sâu xa, mà phần lớn là chúng thường hay xảy ra dưới trạng thái vô ý thức hoặc chỉ có bán phần ý thức. Vì ý niệm, phần nhiều, là chỉ có bán phần ý thức, nên ta thường không nhận ra được trạng thái diễn dịch một cách gò ép và thiếu ý thức của ý niệm khi nó đang xảy ra. Cũng vì thế, nên ta thường cho rằng ta không có dự đoán gì cả về thực tại, và hoàn toàn tin chắc vào nền tảng tri giác của mình. Nghĩ tưởng như thế thì vô số ảo tưởng có thể phát sinh.
- Alan Wallace, Tibetan Buddhism From The Ground Up
Ngày 13 tháng Mười
Vô minh, tham lam… có thể đối với một số người nào đó, là một hạnh phúc, nhưng nó chắc chắn không thể nào đưa con người tới giải thoát khổ đau phiền não được.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness in Plain English
Ngày 14 tháng Mười
Có một vị tăng hỏi: “Cái gì là lưỡi kiếm của Shouchu?”
Thiền sư Shouchu nói: “Tại sao?”
Vị tăng sĩ đáp: “Người thiền sinh muốn biết.”
Thiền sư Shouchu nói: “Sai!”
From Zen”s Chinese Heritage
Ngày 15 tháng Mười
Nếu chúng ta không bắt đầu yêu thương chính mình và sống với chính mình thì chẳng bao giờ chúng ta có thể thực sự yêu thương người khác được.
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 16 tháng Mười
Nếu một người nào đó vẫn an nhiên tự tại độc hành độc bộ ở giữa chốn đông người hay vùng núi cao cô tịch thì người ấy chắc chắn là người có khả năng hân hưởng được niềm vui giải thoát tâm linh tuyệt đối.
Jae Woong Kim, Polishing The Diamond
Ngày 17 tháng Mười
Mỗi một kinh nghiệm ta gặt hái được trong cuộc đời đều được chuyển hóa từ tâm thức của chúng ta, ta diễn đạt đời sống và thế giới chung quanh ta qua trạng thái tâm linh tư tưởng của chính mình, vì thế ta phải thực sự cẩn trọng để luôn giữ vững chính kiến, chính niệm và ý chí để hành xử đúng đắn, nghiêm minh.
Lama Thubten Yeshe, The Bliss of Inner Fire
Ngày 18 tháng Mười
Một khi chúng ta thấu triệt sâu xa về đạo nghĩa, chân lý và hài lòng mãn nguyện với sự nhận thức đó, thì tâm hồn chúng ta được an lạc, hài hòa và trí tuệ được thăng hoa tối thượng.
Buddhadasa Bhikkhu, Mindfulness With Breathing
Ngày 19 tháng Mười
Căn bản đạo đức Phật giáo là nếu làm những hành động xấu sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu, và làm những hành động tốt sẽ chiêu cảm những kết quả tốt. Nguyên lý đơn giản nhân quả ấy là một phương diện đạo đức mà Phật giáo gọi là Hành Nghiệp.
Bhante Henepola Gunaratana, Eight Mindful Steps To Happiness
Ngày 20 tháng Mười
Khi bạn quay trở về nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng, bạn đã tự cam kết với chính mình là sẽ ổn định lại hành nghiệp của mình. Phương pháp để hoàn thành sự ổn định đó là Thiền Quán.
Lama Thubten Yeshe, In Wisdom Energy
Ngày 21 tháng Mười
Chúng ta thôi bàn luận đến hành nghiệp nữa, mà chỉ đơn giản nói đến trách nhiệm của chúng ta đối với toàn thể thế giới này.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 22 tháng Mười
Năm uẩn là gánh nặng cho những ai mang chúng trên vai. Gánh vác khối nặng ngũ uẩn đó là nỗi khổ đau lớn nhất của kiếp người. Quẳng gánh lo đó đi là giải thoát, là ân sủng vô thượng.
Ai đã đặt nặng gánh nặng năm uẩn xuống và không nhấc lên một gánh nặng nào khác nữa; cũng như khi đã đoạn diệt được tận gốc sự khát ái, người đó đã giải thoát được hoàn toàn ba độc tham, sân, si.
Buddha, In The Connected Discourses of The Buddha
Ngày 23 tháng Mười
Hãy tưởng tượng nếu tất cả chúng ta đều sống không tình cảm, tử tế hay từ bi gì hết mà chỉ ích kỷ nghĩ đến bản thân chúng ta mà thôi. Chúng ta sẽ đau khổ ghê gớm. Đúng vậy, nếu chúng ta nghĩ đến mọi người càng nhiều thì chúng ta sẽ càng được an vui, hạnh phúc.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 24 tháng Mười
Trên thế gian này, khó tìm được một ai cảm thấy hài lòng thỏa mãn, bởi vì lòng tham của con người thực sự không đáy, những khát vọng của họ không bao giờ cùng tận. Vì thế nếu chúng ta muốn giảm thiểu khổ đau và phiền muộn, chúng ta thôi đừng tìm tòi, băn khoăn hay bực tức vì những lỗi lầm của người khác nữa.
Adept Godrakpa, In Hermit of Go Cliffs
Ngày 25 tháng Mười
Giải pháp hoàn hảo không phải ở chỗ chúng ta kìm nén ý nghĩ hay tư dục của mình, bởi vì điều đó khó mà thực thi nổi; nó giống như chúng ta cố lấy cái nắp vung đậy chặt cái nồi nước đang sôi sùng sục vậy. Chắc chắn sức nóng của nước sẽ làm bật tung cái nắp nồi ra. Cũng như thế, càng lấy đá chặn cỏ, cỏ càng mọc tràn lan. Phương pháp tiếp cận thực tiễn và hữu hiệu nhất để giải thoát triền phược là sự hành trì nội tâm, chỉ lặng lẽ quán chiếu, theo dõi tư dục của mình nhưng không mống tâm theo đuổi chúng. Phương pháp đó, theo thời gian hành trì, sẽ tước bỏ dần dần sức tấn công của tư dục như nhấc cái nồi nước sôi ra khỏi bếp lửa vậy.
Lama Thubten Yeshe, Introduction To Tantra
Ngày 26 tháng Mười
Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng có một cái gì đó còn nhàm chán hơn là sự ngồi yên lặng, không cục cựa, không làm gì hết suốt cả tiếng đồng hồ chỉ để cảm nhận làn không khí đi ra đi vào từ lỗ mũi. Ta sẽ thấy sự chán nản mệt mỏi đó cứ lập đi lập lại trong suốt quá trình hành thiền tu tập của mình.
Ai cũng vậy. Người nào khi mới bắt đầu tu tập thiền đều cảm thấy như vậy. Sự nhàm chán đó là một trạng thái tâm linh vốn dĩ hiện hữu trong tâm thức của mỗi con người, của mọi người, và nó cần phải được rèn luyện, uốn nắn, sửa đổi, chuyển hóa từ trạng thái tiêu cực thành tích cực, linh động, nhậm hoạt, tỉnh thức và thâm sâu tĩnh lặng.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 27 tháng Mười
Vách đá lạnh, cây tàn, thân thô tục nghĩ: không gì hơn bằng một bài thơ tự nhạo mình, viết trong bụi mờ, và khốn thay cho văn nhân trong nét chữ đầu tiên đã dẫn biết bao người lạc lối.
Ching An, In The Clouds Should Know Me By Now
Ngày 28 tháng Mười
Cái tâm lý muốn trở thành một người nào đó rất nguy hiểm. Nó giống như chúng ta đang đùa với lửa vậy; và chắc chắn chúng ta sẽ bị bỏng tay rất mau, rất đau. Hơn nữa, những người khác đã chắc gì chấp nhận cùng chơi theo quy luật của chúng ta. Người nào thực sự khao khát muốn trở thành một ai đó, chẳng hạn như thị trưởng, bộ trưởng hay thống đốc một tiểu bang, dĩ nhiên phải cần đến nhiều vệ sĩ rồi vì đời sống bản thân hay gia đình họ ắt sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Thế cho nên khi chúng ta không là một ai cả và cũng chẳng tư hữu một cái gì cả thì đó mới thiệt là hạnh phúc, yên bình và vô tư lự.
Ayya Khema, Be An Island
Ngày 29 tháng Mười
Cái chìa khóa giải mã tiến trình sống và chết là triệt để nhận thức rõ ảo giác là ảo giác, trù hoạch là trù hoạch, và ảo tưởng là ảo tưởng. Bằng phương cách đó, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi áp lực vây hãm của sống chết.
Lama Thubten Yeshe, Introduction To Tantra
Ngày 30 tháng Mười
Theo Phật giáo, giải thoát có nghĩa là luôn luôn từ một trạng thái bất an cần được khai phóng chữa trị đến một trạng thái ổn định, dung hòa, sung mãn năng lực và đầy tính cách hiệu quả. Đức Phật được xem như là một vị đại lương y; hành giả cũng như là bệnh nhân đang uống thuốc để trị lành hẳn những căn bệnh nan y. Thuốc ở đây chính là những lời dạy, là giáo pháp của Phật mà hành giả cần phải tinh tiến hành trì để đối trị và chuyển hóa những căn bệnh do tham, sân, si và đạt tới một thể lực sung mãn, một ý chí kiên cường, một tinh thần an định, tự tại, thông triết dành cho những nỗ lực hữu hiệu vị tha phụng sự, dâng hiến cho chúng sinh.
His Holiness Dalai Lama, Kalachakra Tantra
Ngày 31 tháng Mười
Chết mà không bị sợ hãi quả là rất khó khăn: nó đòi hỏi chúng ta phải có một niềm tin kiên cố bất định; một niềm tin giúp chúng ta sống có chiều sâu hơn, tin tưởng hơn, nếu chúng ta mong muốn là sẽ tự chế ngự, tự điều phục được nội tâm mình khi sắp chết.
Cái chết dạy chúng ta biết buông xả, biết chấp nhận thực tế, biết đầu hàng quy luật sinh, lão, bệnh, tử của kiếp chúng sinh, không day tay mắm miệng cố sức chống chọi lại nữa để níu kéo hơi tàn cuộc sống.
Tiến trình của cái chết là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên. Đó là một quy luật không thay đổi được. Cái quy luật tự nhiên đó thật tàn khốc; nó chế ngự chi phối cả cái sống của chúng ta. Chết và Sống chỉ là hai mặt phải trái của một đồng tiền mà thôi. Có sống phải có chết. Vì thế, chết dạy chúng ta khi nào phải biết xòe rộng hai bàn tay ra, buông ra, thả ra, không nắm giữ gì trong tay – vì có cố hết sức nắm giữ cũng chẳng nắm giữ được, cuối cùng cũng vẫn phải buông thôi.
Rodney Smith, Lessons From The Dying
Ngày 01 tháng Mười Một
Một vị đạo sư rất cần thiết.
Nếu chúng ta đi mua một chiếc xe hơi hiệu RollsRoyce và thay vì mua cả chiếc xe, chúng ta lại phải vác về một đống phụ tùng xe và một cuốn sách chỉ cách lắp ráp sử dụng thì chắc chắn chúng ta sẽ lúng túng, kinh hoảng lên ngay: “Ủa, cái gì thế này? Xe hơi của tôi đâu? Làm sao để lắp phụ tùng đây? v.v. và v.v.” Bảo đảm chúng ta sẽ tức tốc đi kiếm ngay một người nào đó chuyên nghiệp để chỉ cho chúng ta cách lắp ráp xe. Thiền định cũng thế. Chúng ta phải cần một vị đạo sư để hướng dẫn chúng ta pháp môn làm sao lắp ráp và phân loại hoàn hảo cái đống tư tưởng, ý nghĩ lộn xộn và phức tạp trong đầu óc chúng ta. Thực vậy, một vị đạo sư rất cần thiết.
Lama Thubten Yeshe, The Bliss of Inner Fire
Ngày 02 tháng Mười Một
Trong khi tọa thiền, chúng ta thấy chúng ta đang bị doanh vây và lôi kéo đi bởi hàng chuỗi mắc xích tư tưởng, ý nghĩ lộn xộn, rối ren như mớ bòng bong. Khi chúng ta ý thức được cái gì đang xảy ra trong đầu óc, ắt hẳn chúng ta sẽ hốt hoảng, lo sợ, nản chí, thất vọng hay dao động bất an ngay… Thực tế tất cả những phản ứng đó chỉ khiến chúng ta lãng phí thời gian mà thôi, không ích gì.
- Alan Wallace, Tibetan Buddhism From The Ground Up
Ngày 03 tháng Mười Một
Một thiền sinh hỏi: “Núi, sông, đất đá… tất cả những thứ đó từ đâu tới vậy?
Thiền sư trả lời: “Câu hỏi đó từ đâu xuất phát ra
vậy?”
From Zen”s Chinese Heritage
Ngày 04 tháng Mười Một
Khi chúng ta nhìn thấy được chính mình một cách thật rõ ràng thông suốt, chúng ta có thể thay đổi quan niệm, tư tưởng ngay cả đời sống của chúng ta… và nếu chúng ta có thể thay đổi, chúng ta sẽ sống thư thái, an nhiên, buông xả được hết mọi âu lo, phiền muộn, đau khổ… như thể đặt gánh nặng xuống hết hay trút bỏ, tháo gỡ được hết những gông xiềng, cùm xích trên cổ, trên tay chân vậy.
Ayya Khema, Who Is My Self
Ngày 05 tháng Mười Một
Nếu chúng ta không cẩn thận khi nhổ loài cỏ cú hoang dại, chúng ta sẽ bị cỏ làm xước tay rướm máu. Đời sống của một tăng sĩ cũng vậy, nếu sống không tỉnh giác để phòng hộ sáu căn, sẽ lôi kéo người ấy xuống tận địa ngục.
From The Connected Discourses of The Buddha
Ngày 06 tháng Mười Một
Ngưỡng cửa giữa đúng và sai là đau khổ.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 07 tháng Mười Một
Một ngày kia, khi đang ngồi tĩnh tọa ngoài hiên nhà, tôi trông thấy một cái máng xối bị rò rỉ, và bỗng dưng tôi cảm thấy buồn buồn làm sao vì chắc chắn nó sẽ rò rỉ nhiều thêm và sẽ bị mục nát. Tôi bỗng trực ngộ vạn vật vô thường, sinh sinh diệt diệt, biến thiên chuyển hóa, không có gì trường tồn vĩnh hằng cả. Từ cái máng xối rỉ sét đó, tôi học được một bài học Phật Pháp về nguyên lý Vô Thường Vô Ngã.
Mae Chi Boonliang, In Women”s Buddhism, Buddhism”s Women
Ngày 08 tháng Mười Một
Khi chúng ta nhận thức sự sự vật vật thật rõ ràng, chúng ta có thể thay đổi được chính chúng ta và hoàn cảnh.
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 09 tháng Mười Một
Hãy tư duy, điều nghiên, quán chiếu chính bản thân mình. Hãy tìm hiểu mọi thứ. Đừng tin vào những gì mà không có cơ sở, căn bản hợp lý. Đừng tin vào một điều gì bởi vì nó được những nhà tiên tri hay bậc trí giả nói hoặc nghe có vẻ triết lý và sùng đạo. Hãy tin ở chính mình. Hãy nhìn rõ chính mình. Nói như thế không có nghĩa là tôi khuyên bạn phải hoài nghi, ương ngạnh, láo xược hay thiếu tôn kính lễ độ. Nói như thế có nghĩa là bạn nên và cần thực nghiệm quan sát thực tế. Hãy đặt để mọi thứ dưới quyền kiểm soát thông triết và kinh nghiệm của chính bản thân bạn, và hãy để những kết quả đó hướng dẫn bạn đến chân lý.
Tư duy thiền định bao gồm tiến trình lâu dài thanh lọc nội tại để đạt được sự tỉnh thức quán chiếu sâu xa về thực tại và vươn tới sự khai phóng giải thoát nội tâm. Toàn bộ tiến trình thực tập thiền định tư duy đó gắn chặt với lòng mong muốn, khát khao được giác ngộ chân lý. Nếu không có lòng mong cầu đó thì sự thực tập tư duy thiền định chỉ là bề mặt biểu diễn mà thôi.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 10 tháng Mười Một
Bạn không thể phủ nhận hay bác bỏ sự phủ định được. Vậy phải làm sao?
Shin Shu, In The Clouds Should Know Me By Now
Ngày 11 tháng Mười Một
Bạn nên cẩn trọng: đừng phê bình chỉ trích hay chiến đấu chống lại tâm thức, bởi vì suy nghĩ, cảm thọ hay nghe thấy gì gì đó… cũng là lý đương nhiên, bình thường thôi. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức… năm uẩn vốn sinh sinh, diệt, diệt, vốn là không. Cái mánh ở đây là bạn không nên bám víu hay bác bỏ hoặc chạy trốn chúng. Hãy mặc kệ chúng và để chúng đến đến, đi đi tự nhiên nhẹ nhàng như hư không.
Martine Batchelor, Meditation For Life
Ngày 12 tháng Mười Một
Buông xả, không nắm giữ không có nghĩa là bạn không thèm quan tâm hay mặc kệ người hôn phối của mình. Không nắm giữ ở đây có nghĩa là bạn nên khai phóng mình ra khỏi những ý nghĩ sái quấy, lệch lạc về chính bạn và người hôn phối của bạn. Nếu bạn làm được như thế, bạn sẽ hiểu và tìm thấy tình yêu đích thực, chân chính trong tầm tay mình, và tình yêu đó không phải là sự chấp thủ. Tình yêu đó không méo mó, không bám víu, không nắm giữ, không ích kỷ và không gây đau khổ phiền muộn cho bất cứ ai. Tâm thức rỗng rang, tự tại, an nhiên đó có đủ khả năng để quan tâm, lưu ý đến người khác và cũng để yêu thương người thật trong sáng, đơn thuần theo cái nghĩa thánh thiện, tinh khiết của Tình Yêu. Nhưng nếu bạn để bất cứ một sự chấp thủ, bám víu, tư dục nào hiện diện thì những thứ đó sẽ bóp méo và phá vỡ tình yêu thiêng liêng trong sáng của bạn ngay.
Ajahn Sumedho, The Mind and The Way
Ngày 13 tháng Mười Một
Biểu hiện về thực chất mong manh của bầu trời là bầu trời có thể hiện ra dưới vô số hình dạng. Cũng như thế, bản chất thay đổi không ngừng nghỉ của tâm cũng luôn hằng chuyển.
Adept Godrakpa, In Hermit Of Go Cliffs
Ngày 14 tháng Mười Một
Tâm chính là hạt nhân của Luân Hồi và Niết Bàn. Lama Thubten Yeshe, The Bliss of Inner Fire
Ngày 15 tháng Mười Một
Cuối cùng chúng ta cũng phải nhận định rằng chúng ta cần nên biết ơn những người đã khiến cho đời sống chúng ta thêm khó khăn, phiền tạp; bởi vì nhờ đó, chúng ta có dịp để mài dũa bớt đi “cái Ta” cồng kềnh của mình, và trau giồi thêm lòng nhẫn nại chịu đựng.
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 16 tháng Mười Một
Nếu bạn có thể tỉnh thức cẩn trọng tất cả hành nghiệp tương tác của thân, khẩu, ý mình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, bạn có thể điều phục chế ngự được nội tâm và càng cẩn thận vô vàn hành nghiệp của mình hơn để không làm ai đó bị tổn thương. Với sự tỉnh thức cảnh giác cẩn trọng đó, thì ví dụ như bạn có bị mất đi một người thân thương nào hay bị mất đi một cái gì quý báu nhất, bạn cũng sẽ cảm thấy ít bị dao động, tức giận hay khùng điên lên. Bạn thấy đó, sự tỉnh thức cẩn trọng trong từng hành nghiệp, trong từng suy nghĩ tư duy của mình sẽ giúp bạn khéo léo ứng xử đối phó với mọi người xung quanh như người chân trần, không giày dép, bước đi thật cẩn trọng trên nền đất có nhiều mảnh vỡ thủy tinh; chỉ cần một bước sai lệch thôi là chân sẽ bị cứa đứt, chảy máu. Điều đó rất quan trọng, nhất là khi bạn bị đau, bị mệt, bị đói hay bị cô đơn, phiền não, sầu muộn. Một khi bạn bị căng thẳng, từng bước từng bước, sự thực tập tỉnh thức này sẽ giúp bạn nhớ lại tính khí khó ưa, hay làm tổn thương người khác của mình và giúp bạn tránh được những hành nghiệp đáng tiếc của thân, khẩu, ý.
Bhante Henepola Gunaratana, Eight Mindfulness Steps To Happiness
Ngày 17 tháng Mười Một
Ngay phút giây bừng lên ánh sáng giác ngộ, những quan niệm, kinh nghiệm hay tư tưởng… của người hành giả sẽ hoàn toàn tiêu dung hết. Phút giây giác ngộ tuyệt vời đó cũng giống như tình trạng của con búp bê bằng muối nhảy tùm xuống biển để xem biển mặn ra sao, biển rộng thế nào… con búp bê đó sẽ tan hòa đi trong biển và nhập lại thành một với biển cả mênh mông… không còn bóng dáng.
Chỉ còn là một duy nhất. Nhất Thể viên dung vô ngại!
Matthew Flickstein, Journey To The Center
Ngày 18 tháng Mười Một
Dục vọng luôn luôn tăng trưởng như người khát nước lại uống hoài nước muối mặn.
Milarepa, Drinking The Mountain Stream
Ngày 19 tháng Mười Một
Có đôi lúc tôi thấy chư Phật và Bồ Tát là những người ích kỷ nhất. Tại sao? Bởi vì khi các Ngài thực hành hạnh vị tha, các Ngài đã đạt tới hạnh phúc tuyệt đối.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 20 tháng Mười Một
Phật dạy: “Này, các Tỳ Khưu, khi màn si ám bị tiêu diệt và chân trí tuệ sinh khởi trong tâm, thì với sự vắng bóng của vô minh và sự sinh khởi của chân trí, vị Tỳ Khưu không dính mắc đắm nhiễm vào dục lạc, không chấp thủ vào định kiến chủ quan, không kẹt vào hình danh sắc tướng, không vướng vào hữu ngã hay vô ngã, có hay không, v.v. và một khi vị Tỳ Khưu không bị vướng mắc chấp thủ hay đắm nhiễm, vị ấy sẽ không bị dao động phân tâm bởi một duyên cớ gì và cũng không bị
si ám vô minh sai sử nữa.”
Buddha, In The Middle Discourses of The Buddha
Ngày 21 tháng Mười Một
Nếu chúng ta có thể thực tập quán chiếu hơi thờ, chúng ta có thể quán chiếu được cảm xúc, tư tưởng của mình – có nghĩa là, chúng ta có thể đối diện với niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ bất hạnh xảy đến trong đời sống chúng ta. Chúng ta cần nên thực tập miên mật đều đặn như vậy cho đến khi chúng ta cảm nhận được chúng ta hoàn toàn điều phục được tình cảm, tâm tư của mình; không bị thất tình lục dục chi phối; nếu không được như thế, sự tu tập của chúng ta thực ra chưa thành tựu kết quả gì.
Buddhadasa Bhikkhu, Mindfulness With Breathing
Ngày 22 tháng Mười Một
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Đừng phê phán người khác, mà hãy tự phê phán chính mình.” Những gì ta cho là lỗi của người, nhưng có thể thực ra là phản ảnh của chính những phiền muộn, đau khổ, sân hận của nội tâm mình.
Geshe Ngawang Dhargyey, In Advice From A Spiritual Friend
Ngày 23 tháng Mười Một
Nếu ta đã thực thi tốt tinh thần kỷ luật và có đầy đủ năng lực để tỉnh giác quán chiếu những gì đang xảy ra trong nội tâm ta, thì không có lý do nào ta lại không thể chọn nói những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe… hay làm những hành động đúng đắn, đàng hoàng để đem lại hạnh phúc cho chính mình và người khác. Cả thế giới có thể đứng lên chống đối lại ta, nhưng với khả năng tự điều phục chế ngự nội tâm đã được triển khai toàn mãn, ta có thể quán chiếu và xem mọi người đều là thân bằng quyến thuộc với tất cả lòng từ bi trung thực, thẳng thắn của ta hơn là cúi đầu gằm mặt xuống nhìn mọi người với ánh mắt oán hờn, tức giận hoặc sợ hãi.
Lama Thubten Yeshe, In Wisdom Energy
Ngày 24 tháng Mười Một
Trăm ngàn vạn thế giới chỉ là hoa đốm hư không, Tâm trí, sắc thân cũng chỉ là ánh trăng chiếu soi
trên mặt nước,
Một khi mưu mô xảo quyệt, khát vọng tham lam chấm dứt,
Ngay phút giây ấy, bình an nội tại xuất hiện, tâm thức khoảng khoát an nhiên.
Chân Không Diệu Hữu.
Han-Shan Te-Chi”ng, In The Clouds Know Me By Now
Ngày 25 tháng Mười Một
Phương pháp thiện xảo nhất đối diện với khổ đau sân hận là bày tỏ lòng biết ơn chúng. Chính lòng tri ơn đó giúp ta học được một bài học quan trọng. Thật vô ích xiết bao nếu ta cứ mong muốn khổ đau biến mất.
Không có một cái gì trường cửu vững bền cả. Khổ đau, hạnh phúc cũng thế. Nó tới rồi nó đi; nó đi rồi nó lại tới. Nhưng nếu ta không biết quán chiếu tu tập, ta sẽ không bao giờ học được bài học mà khổ đau dạy ta: đó là nó sẽ trở lại bất cứ lúc nào, và cũng công phá hoành hành nội tâm ta, đời sống ta y như cũ.
Nếu ta không tu tập, không tỉnh thức giác ngộ… thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, vô minh vẫn hoàn vô minh và luân hồi vẫn cứ thế mà luân hồi sinh tử…
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 26 tháng Mười Một,
Một tăng sĩ hỏi: “Pháp môn tuyệt đối của chư Phật là gì?”
Thiền sư Fayan đáp: “Ngươi cũng đã có đó.”
From Zen”s Chinese Heritage
Ngày 27 tháng Mười Một
Tâm là nền tảng của tất cả, của giác ngộ cũng như của vô minh, ảo giác.
Kalu Rinpoche, Luminous Mind
Ngày 28 tháng Mười Một
Muốn thoát khỏi cạm bẫy thì trước hết phải nghiên cứu phân tích cạm bẫy; phải tìm hiểu rõ ràng là nó được chế tạo như thế nào, cách sử dụng ra sao, có những nguy hiểm, bất lợi gì, v.v.
Bạn sẽ làm được bằng cách tách rời, chia chẻ mọi vật ra từng mảnh một, từng miếng từng miếng. Cạm bẫy dù tinh xảo đến mấy đi chăng nữa cũng không thể nào hại được bạn nếu cái cạm bẫy đó bị tháo gỡ ra từng mảnh.
Kết quả ư? Tự Do Tuyệt Đối.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 29 tháng Mười Một
Hãy cư xử với người bằng tâm trạng ban cho, không đòi hỏi nhận lại – thi ân vô cầu báo – và hãy thực tập làm mọi việc mà không hề khởi tâm muốn được người khen tặng ban thưởng – tác sự bất cầu danh.
Master Baek, In Polishing The Diamond
Ngày 30 tháng Mười Một
Phương pháp học có giá trị tuyệt vời nhất không phải là sự ghi nhớ nằm lòng các sự kiện hay con số. Nó cũng chẳng phải là để tìm điểm hạng cao nhất hay để thu thập khoe khoang những bằng cấp này, chứng chỉ nọ…
Học chính là cuộc đời; học chính là dòng sống và dòng sống cuộc đời đó chính là nhịp thở đang đập trong trái tim ta.
Rodney Smith, Lessons From The Dying
Ngày 01 tháng Mười Hai
Tiêu diệt cái không hiện hữu thì dễ, nhưng không bám víu chấp thủ vào cái hiện hữu thì mới khó làm sao.
Adept Godrakpa, In Hermit Of Go Cliffs
Ngày 02 tháng Mười Hai
Nghi ngờ là kẻ thù nguy hiểm xảo quyệt nhất – nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, nghi thầy bạn, nghi khả năng người khác, nghi lời khuyên dạy hướng dẫn, nghi cả toàn bộ hệ thống triết lý giáo pháp của Phật. Tất cả những sự nghi ngờ đó không những gây trở ngại khó khăn mà còn khó có thể thực tập thiền định. Chúng ta phải đoạn trừ tất cả những phiền não kiết sử nguy hại: phẫn hận, phiền não, đố kỵ, ghen tức, nghi ngờ… đó thì may ra mới sống yên ổn và tâm trí được minh mẫn sáng suốt để tu tập giải thoát.
Ayya Khema, Who Is Myself
Ngày 03 tháng Mười Hai
Bản thân tôi nghĩ rằng mỗi người tự ai nấy gìn giữ truyền thống tôn giáo của mình là một sự việc tốt đẹp nhất.
Có thể cá nhân bạn cho rằng đường lối tu tập của Phật giáo quả thực có đem lại nhiều kết quả khả quan, hữu ích thiết thực cho đời sống tâm linh mình thì bạn cứ hành trì theo, nhưng hãy nhớ là sự suy nghĩ đó chỉ là chủ quan của riêng bạn mà thôi. Và nếu bạn chắc chắn như vậy thì bạn có quyền thay đổi pháp môn tu tập của mình, nhưng nếu bạn còn dao động, do dự thì tốt hơn hết bạn cứ theo truyền thống tôn giáo cũ của chính bạn, không cần phải thay đổi gì cả.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 04 tháng Mười Hai
Ta có thể học thuộc lòng hay thuyết giảng vô cùng xuất sắc về triết lý Tính Không, nhưng nếu trong đời sống hằng ngày, ta gặp một người nào nói một cái gì đó nghịch ý hay thuận ý ta, hoặc phê bình chỉ trích ta hay khen ngợi ta vài câu thì lập tức lòng ta cảm thấy khoan khoái, bồi hồi xúc động hay khó chịu, thích hay không thích, v.v. theo những lời nói ấy thì quả tình ta nên phải tự xét lại sự tu tập của mình; vì đó là biểu hiện của sự kém tự chủ và không đạt được một hào ly nào của tiến trình thực hành Chính Kiến cả.
Lama Zopa Rinpoche, Door To Satisfaction
Ngày 05 tháng Mười Hai
Ta đã và đang chết trong từng sát na, vậy hãy để cho dòng sống tự nhiên biểu lộ qua thân tâm ta. Cuộc đời ta không thể nào xoay trở lại theo cách mà bản ngã ta mong muốn, tưởng tượng và đòi hỏi; nhưng một khi ta chấp nhận và đầu hàng sự thật phũ phàng đó, ta sẽ tìm thấy được tự do tuyệt đối, không thể suy lường, như dòng sông kia đã tìm được con đường nó xuôi chảy về đại dương bao la vô tận.
Matthew Flickstein, Swallowing The River Ganges
Ngày 06 tháng Mười Hai
Trọng tâm của thiền tập Phật giáo là tư duy và thiền định. Khi ta có thể thực hành miên mật được hai tính chất căn bản quan trọng này trong khi thiền tập, ta đã triển khai được khả năng tĩnh lự và minh triết để ban rải tình thương và sự hiểu biết.
Martin Batchelor, Meditation For Life
Ngày 07 tháng Mười Hai
Hãy quán chiếu mọi vấn đề như là những thử thách. Hãy nhìn những sự cố bất như ý, tiêu cực xảy đến với mình như là những cơ hội để ta học hỏi và trưởng thành. Đừng chạy trốn hay tránh né chúng; phải tự phê phán mình đi. Tại sao lại hèn nhát thế? Hãy chôn vùi gánh nặng phiền muộn cuộc đời đó trong sự tĩnh lặng thánh thiện.
Ta có chuyện gì chăng? Có đau khổ gì không? Có cũng tốt, không có, không sao. Người xưa có câu: “Lấy lửa thử vàng.” Càng nhiều gian nan thử thách, càng thành công mỹ mãn. Nếu hoa mai không thấm sương gió lạnh thì đâu phảng phất được hương thơm.
Hãy bình tâm, vui vẻ lên, hăng hái lên, can đảm nhấn chân sâu vào thử thách để được trui rèn mài giũa, và tư duy nghiên tầm, học hỏi kinh nghiệm sống từ đó.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 08 tháng Mười Hai
Qua Đêm Dưới Túp Lều Một Làng Quê
Gối đầu lên phiến đá, Dòng suối róc rách chảy về ao, Xuyên qua những rặng tre dầy lá.
Đêm dần qua,
Nhưng khách lữ hành vẫn còn thao thức, Lặng lẽ nghe mưa núi Âm thầm đến phủ ướt thôn làng.
Chia Tao, In When I Find You Again, It Will Be In Mountains
Ngày 09 tháng Mười Hai
Thiền sư Xinghua hỏi một thiền sinh: “Ngươi từ đâu đến?”
Thiền sinh trả lời: “Từ một thiền viện xa xôi cheo leo nơi góc núi kia.”
Thiền sư hỏi tiếp: “Vậy ngươi có mang theo tiếng Sư Tử nơi đó?”
Thiền sinh trả lời: “Không, tôi chẳng mang gì cả.” Thiền sư nói: “Vậy ngươi chẳng phải là người nơi đó.”
Thiền sinh hét lớn lên một tiếng.
Thiền sư quơ gậy đập cho một phát.
From Zen”s Chinese Heritage
Ngày 10 tháng Mười Hai
Phật tại tâm.
Ayya Khema, Being Nobody, Going Nowhere
Ngày 11 tháng Mười Hai
Nếu muốn biết chúng ta sẽ giải thoát đến mức độ nào sau khi chúng ta chết, thì hãy nhìn ngay trong lúc chúng ta đang sống đây; chúng ta đã được tự do giải thoát thế nào? Chúng ta có được thực sự tự do giải thoát trong cuộc sống hằng ngày chưa? Những giấc mộng ban đêm thế nào? Chúng ta có làm chủ được chúng không? Chúng ta có đè nén, ép buộc tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta thôi đừng thế này, hãy làm cái kia, không nên nghĩ thế này, đừng nên nhớ cái kia… hay không? Những tư tưởng, ý nghĩ đó trồi sụt, rối bời, điên đảo sinh khởi trong tâm chúng ta ra sao? Nếu chúng ta không thể kiểm soát, chế ngự, điều phục được những lượn sóng vọng thức đó ngay trong lúc chúng ta đang sống đây thì chúng ta cũng dễ biết chúng ta sẽ thế nào trên tiến trình chuyển tiếp từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Padmasambhava, Natural Liberation
Ngày 12 tháng Mười Hai
Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là đau khổ. Nhân và Duyên sinh khởi ra Sắc cũng là đau khổ. Vì Sắc sinh khởi từ khổ đau thì Sắc làm sao có thể là hạnh phúc được?
Buddha, In The Connected Discourses of The Buddha
Ngày 13 tháng Mười Hai
Ta sẽ làm gì để giảm bớt được nỗi đau khổ trên thế giới này? Theo đuổi và tự hỏi hoài câu hỏi trên sẽ khiến ta phát triển được lòng đại từ bi, đặt trên nền tảng tất cả chúng sinh đều bình đẳng pháp tính, và giúp ta tích cực thực hiện được nhiều việc thiện tốt đẹp hơn để giảm bớt nỗi đau khổ của mọi người, mọi loài và mang lại hạnh phúc cho chúng sinh hơn là cứ ngồi yên thụ động tiêu cực cầu nguyện: “Xin cho mọi loài giải thoát khổ đau.”
- Alan Wallace, Tibetan Buddhism From The Ground Up
Ngày 14 tháng Mười Hai
Yêu thương người không có nghĩa là ta phải quên đi mình.
His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People
Ngày 15 tháng Mười Hai
Khi một hành giả triệt ngộ được cái gì là pháp bất thiện và cái gì là cội rễ của những pháp bất thiện, cái gì là pháp thiện và cái gì là cội rễ của những pháp thiện, người đó sẽ buông xả hoàn toàn được khuynh hướng tham nhiễm, sẽ tiêu diệt được tính xấu ác, sẽ loại trừ được tư tưởng tự tôn, tự đại, tự mãn hay ý nghĩ về tự ngã “Ta là, của ta, cái của ta”, sẽ hủy diệt được gốc rễ si ám vô minh và sinh khởi lên nhận thức sâu xa về sự thật của bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Qua sự triệt ngộ chân lý đó, hành giả sẽ đạt đến chính kiến, chính tư duy, tin tưởng hoàn toàn vào giáo pháp, và đạt đến thân chứng Niết Bàn.
Buddha, In The Middle Length Discourses of The Buddha
Ngày 16 tháng Mười Hai
Tình yêu vốn hiện hữu hiển nhiên trong lòng người như đất trời, không khí vậy.
Rodney Smith, Lessons From The Dying
Ngày 17 tháng Mười Hai
Thiền đòi hỏi một khối óc thực tế, một tinh thần dám nghĩ dám làm. Dĩ nhiên là mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi chỉ ngồi chơi xơi nước và xem tivi. Vậy thì tại sao phải phiền phức? Tại sao lại phí phạm hết thời giờ và năng lực khi ta có thể hưởng thụ khoái lạc tùy theo sở nguyện? Tại sao? Giản dị lắm. Bởi vì bạn là một con người trần tục. Và cũng bởi vì lý do giản dị bạn là một con người trần tục, nên bạn cũng nhận ra được chính bản thân bạn là người thừa tự những đức tính không bao giờ thấy thỏa mãn với đời, những đức tính mà không dễ gì tống khứ. Bạn có thể lấp liếm nó trên vùng ý thức trong một thời gian. Bạn có thể phỉnh phờ chính mình hết giờ này qua giờ khác, nhưng rồi nó lại luôn luôn trở lại – thường là vào những lúc bạn hoàn toàn không có một mảy may trông mong gì đến nó. Đánh đùng một cái, như trên trời xanh rơi xuống, bạn ngồi trộc dậy, xem xét tình hình, và thấu rõ tình cảnh thực tế của bạn trong cuộc đời.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 18 tháng Mười Hai
Cái này sinh nên cái kia sinh, Một khi ta khai triển được tâm Bồ Đề rồi thì tất Cái này diệt nên cái kia diệt, cả mọi sự trên đời này đều đáng yêu đáng sống và Cái này có nên cái kia có, tỏa ngát hương thơm trong lành tinh khiết.
Cái này không nên cái kia không.
Lama Thubten Yeshe, Introduction To Tantra
Ngày 19 tháng Mười Hai
Sinh sinh, diệt diệt, thay đổi xoay chuyển vô thường, như áng mây cô đơn kia bồng bềnh vô định, không một nơi chốn dừng chân.
Chia Tao, In When I Find You Again, It Will Be In Mountains
Ngày 20 tháng Mười Hai
Đức Phật hỏi một đệ tử của Ngài: “Thời gian sống của một đời người được bao lâu?”
Vị đệ tử ấy trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, trong vài ngày.” Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết thực hành gì cả.” Ngài lại hỏi câu hỏi ấy với một đệ tử khác: “Thời gian sống của một đời người được bao lâu?” Đệ tử thứ hai trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, trong khoảng hai bữa ăn.”
Đức Phật nói: “Ngươi cũng chưa thực tập gì cả.” Ngài lại hỏi câu hỏi ấy với một đệ tử khác: “Thời gian sống của một đời người được bao lâu?” Đệ tử thứ ba trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, trong một hơi thở.”
Đức Phật gật đầu: “Ngươi đã thực hành giáo pháp.”
Jae Woong Kim, Polishing The Diamond
Ngày 21 tháng Mười Hai
Tình Yêu vô điều kiện hay Vô Duyên Từ là một thành ngữ nói về tình yêu không đặt trên cơ sở những cảm thọ ưa thích, thuận ý. Vô Duyên Từ là một tình yêu chân thật, một lòng từ bi không giới hạn, không phân biệt.
Ai đã có cơ duyên gặp được một người có từ tâm vô điều kiện như thế, sẽ cảm nhận được sự hiện hữu của tâm từ đó qua ngôn ngữ hành vi của người thể hiện. Và người thực hành được Vô Duyên Từ chính là người đáng yêu, đáng quý nhất, giống như một bông hoa tỏa ngát hương thơm đi khắp mọi nơi, đến khắp mọi người mà không một chút phân biệt so sánh giá trị người này, địa vị người kia, v.v.
Không phân biệt, không so sánh, chỉ một tình thương bình đẳng ban rải cho tất cả mọi loài như nhau.
Matthew Flickstein, Journey To The Center
Ngày 22 tháng Mười Hai
Ánh trăng lung linh tỏa sáng trên cao
Và âm thanh rì rào của rặng tùng xanh kia, Chúng ta vốn biết rõ, chẳng lạ lẫm gì.
Thiền trí và ảo giác nêu ra,
Để phân biệt ai là bậc minh triết, ai là kẻ ngu ngơ.
Hãy trở về đi, nơi vô niệm, vô cầu, vô nguyện, vô tâm!
Làm sao tôi có thể nói cho bạn biết?
Vô ngôn, vô tận ý.
Han- Shan Te – Ch”ing, In The Clouds Should Know Me By Now
Ngày 23 tháng Mười Hai
Nếu chúng ta đã nói ra một điều gì hay đã làm một hành động gì trong ngày và rồi sau đó chúng ta phải hối hận thì chúng ta đã thiếu sự cân nhắc thận trọng và đánh mất chính niệm rồi. Không thể đổ lỗi cho một ai hết; không thể đổ lỗi cho một cái gì hết. Chúng ta phải thừa nhận và chấp nhận đó là lỗi của chính mình.
Ayya Khema, Be An Island
Ngày 24 tháng Mười Hai
(Bản tính) chủ động điều khiển tình hình thừa nhận quan điểm chủ nghĩa cá nhân và tính tự phụ tự mãn. Bản tính này cho rằng có một thế lực vượt ra ngoài kinh nghiệm xác minh. Nhu cầu muốn làm chủ tình hình tạo nên khoảng cách giữa ta và người, và ta nếm mùi đơn độc vô cùng, vì thiếu vắng sự giao kết cũng như mối tương quan được hiến dâng trong tình thân thuộc. Ta làm tắc nghẽn sự thông thương ở tâm hồn.
Rodney Smith, Lessons From The Dying
Ngày 25 tháng Mười Hai
Chân Lý giống như viên ngọc ma ni vô giá mà những viên kim cương quý báu nhất khác không tương xứng và cũng không thể so sánh được. Một khi chất cặn dơ cáu bẩn bị cạo dần mòn đi do công phu thiền định – từng lớp từng lớp cấu uế, thời gian hành thiền này miên mật đến thời gian hành thiền khác – dần dần bị tước bỏ đi từng lớp một như ta tước vỏ củ hành – cuối cùng viên ngọc chói sáng rực rỡ lạ thường. Và ta sẽ cảm nhận được tận cùng tâm khảm hạnh phúc Tự Do tuyệt đối của bầu trời chân lý tối thượng như thị – Vương Quốc Thiên Đường.
Tom Chetwynd, Zen And The Kingdom Of Heaven
Ngày 26 tháng Mười Hai
Điều kiện tiên yếu để vượt bậc thường tình chính là giúp đỡ người khác vô điều kiện. Chẳng lẽ khi ta muốn rửa sạch mặt lại đi chùi tấm gương trước hay sao?
Sakya Pandita, In Ordinary Wisdom
Ngày 27 tháng Mười Hai
Tất cả những gì bạn nghĩ đều lưu xuất tự trong tâm của bạn. Nếu bạn nghĩ đó là một nan đề thì nan đề đó phát xuất từ trong tâm trí bạn; nếu bạn nghĩ đó là niềm vui, an lạc thì niềm an lạc vui vẻ đó cũng phát xuất từ trong tâm trí bạn mà ra.
Hạnh phúc hay đau khổ đều sinh khởi tự tâm, không phải từ bên ngoài.
Lama Zopa Rinpoche, Transformation Problems Into Happiness
Ngày 28 tháng Mười Hai
Đức Phật so sánh giận dữ giống như là ta cầm than lửa cháy hừng hực trong lòng bàn tay trần trụi của mình và quăng ném vào kẻ thù. Nhưng ai sẽ là người bị bỏng trước nhất? Dĩ nhiên là kẻ cầm cục than lửa trong tay rồi – kẻ đang lên cơn giận dữ, sân hận kia. Có thể chưa chắc chúng ta đã quăng trúng vào đối tượng giận tức của mình, bởi vì nếu người đó thông minh, sáng suốt, có tu tập thì họ sẽ không bị hề hấn gì, vẫn an nhiên tỉnh bơ – nhưng chúng ta sẽ là người bị thương nặng, bị phỏng tay trước đấy, các bạn ạ.
Ayya Khema, When The Iron Eagle Flies
Ngày 29 tháng Mười Hai
Khi bạn gặp phải rắc rối hay một giai đoạn khó khăn nào đó, đừng vội nản chí, buồn bã hay thất vọng. Hãy bình tâm lại, quán chiếu những khó khăn rắc rối đó, chiêm nghiệm từng ngõ ngách, nguyên nhân, hiện tượng của vấn đề đó một cách thấu đáo, thông suốt, trí tuệ, và sau khi đã chiêm nghiệm thấu đáo rồi, hãy tìm cách tháo gỡ mấu chốt vấn đề đó để giải quyết khó khăn rắc rối.
Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English
Ngày 30 tháng Mười Hai
Thiền sư Shouchu hỏi một thiền sinh: “Mỗi ngày ông đọc được bao nhiêu kinh?” Thiền sinh trả lời: “Có khi con đọc bảy, tám bộ kinh, có khi mười.”
Thiền sư Shouchu nói: “À, như vậy là ông không
thể đọc kinh văn rồi.”
Thiền sinh hỏi lại: “Vậy còn Thầy, Thầy đọc được bao nhiêu bộ trong một ngày?” Thiền sư Shouchu trả lời: “Ta ấy à? Mỗi ngày ta chỉ đọc có một chữ mà thôi.
From Zen”s Chinese Heritage
Ngày 31 tháng Mười Hai
Một trăm ngàn con voi,
Một trăm ngàn con ngựa,
Một trăm ngàn cỗ xe lừa,
Cũng không đáng giá được một phần mười sáu
Của một bước chân tiến thẳng về chân lý tối thượng.
Buddha, In The Connected Discourses of The Buddha
Phương danh quý Phật tử phát tâm ấn tống
Montreal, Canada:
Đạo hữu Nguyễn Ngọc Bích, pháp danh Trí Bảo Đạo hữu Trí Dũng (Tiến) và Nguyên Trí (Huệ) Virginia, USA:
Đạo hữu Lê Tuyết Hạnh, pháp danh Diệu Đạo
Đạo hữu Tịnh Trí
Chúng con ấn tống kinh sách để hồi hướng Trang nghiêm thế giới Tịnh độ và khắp pháp giới chúng sinh cũng như những oan gia trái chủ của chúng con từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay đều được vãng sanh về cảnh giới Cực lạc của Phật A-di-đà
Nguyện xin hồi hướng chút công đức lành này lên các bậc đại đức ân sư, phụ mẫu, cửu huyền thất tổ, thân nhân quyến thuộc quá khứ hiện tại và tất cả ân nhân, các Phật tử, các vị đồng tu pháp môn Tịnh độ đều cùng có thắng duyên tu trì niệm Phật, cùng ngộ Chân Thường và cùng trụ Liên Hoa thượng phẩm.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật
Xem thêm:
365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương I
365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương II