365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương II

Ngày 01 tháng Tư,

Bạn chạy đuổi theo khoái lạc, và bạn không thấy thỏa mãn,

Bạn lại cố công truy tìm khoái lạc, và bạn lại càng không thấy thỏa mãn.

Bạn lại tiếp tục đuổi theo, tìm cầu, và bạn lại càng vẫn không thể nào thỏa mãn.

Lama Zopa RinpocheTransforming Problems Into Happiness

Ngày 02 tháng Tư,

Vì không nhận thức được là không có sự liên kết nào giữa từ ngữ và ý nghĩa, những ai đang lang thang lạc lối trong rừng thuật ngữ mênh mông vô tận kia đang băn khoăn, hốt hoảng, và lo sợ.

Adept GodrakpaIn Hermit of Go Cliffs

Ngày 03 tháng Tư,

Nền tảng vững chắc duy nhất của sự thực hành giáo pháp là Từ Bỏ.

Cánh cổng rộng mở duy nhất của sự thực hành giáo pháp là Niềm Tin.

Phương pháp tiếp cận sự thực hành giáo pháp duy nhất là Từ Bi.

Jamgon Kongtrul, Creation and Completion

Ngày 04 tháng Tư,

Trong một phòng ăn nọ có treo lơ lửng một con vẹt nhồi bông trên trần nhà, và ở cái mỏ vẹt đong đưa một tấm biển nhỏ đề hàng chữ: “Chúng tôi đang thực tập trở thành một người không là ai cả.

Tôi đã đọc và suy nghĩ rất kỹ, rất lâu về câu nói đó.  Và từ dạo ấy, hằng ngày tôi lập đi lập lại câu nói đó để tự đấu tranh chống lại cái nhu cầu, sự mong mỏi âm thầm trong tôi là được thành đạt và được mọi người vỗ tay hoan hô công nhận cái thành quả đó cũng như e ngại sẽ nổi cơn bất mãn nếu chẳng may không được như ý muốn.

“Tôi đang thực tập để trở thành một người bình thường, một người không là ai cả.”  Nhắc đi nhắc lại câu nói ấy trong trí, tôi cảm thấy câu nói ấy xoay hướng tôi trở ngược lại từ những đấu tranh vật chất quyến rũ, ham muốn và bệnh hoạn đến một trạng thái tâm thăng bằng, an lạc và định tĩnh hơn: quên hết những gì người ta nghĩ về mình, quên luôn cái mục tiêu thành đạt tương lai, đạt tới trạng thái thân tâm nhất như, có mặt trong phút giây hiện tại này.

Đó là toàn vẹn sự thực hành an định nội tâm.

Sandy Boucher, Hidden Spring

Ngày 05 tháng Tư,

Có nhiều người sống thu nép mình trong cái vỏ bọc tâm linh và luôn luôn sợ hãi phải chạm trán đối đầu với một ai hay một cái gì đó sẽ xé toạc đi cái vỏ bọc tinh thần mong manh, không kiên cố đó của họ.  Tuy nhiên, thái độ đó không phải là do lỗi của tôn giáo nhưng do sự kém hiểu biết của chính những người đó mà thôi.

Chính Pháp hướng dẫn con người theo một hướng hoàn toàn trái ngược lại.  Pháp Phật giúp người ta có thể tích hợp, bão hòa, thâm nhập vào tất cả những kinh nghiệm sống khác nhau ở đời thành một khối tổng thể đầy ý nghĩa và tích cực sống an lạc, sáng suốt, tươi trẻ, khỏe mạnh . . . trục xuất hết những lo sợ, bất an, não phiền của đời người.

Lama Thubten YesheIn Wisdom Energy

Ngày 06 tháng Tư,

Đừng căng thẳng quá.  Đừng tự ép mình tu khổ hạnh hay mắm môi mắm lợi hì hục, hào hễn cố sức tạo ra những thành tích vĩ đại, khiến người khác lé mắt nể phục.  Thiền định không phải là một sự việc gay cấn, một cuộc tranh đua so tài hùm hổ.  Không cần thiết phải như thế.  Trong sự tu tập thiền định, không có chỗ cho sự tranh tài, không có tính cách xâm lấn, không có lòng khát khao nôn nóng muốn đạt chiếm một cái gì . . . Hãy lắng dịu, buông xả toàn tâm toàn thân, thư thả thoải mái, an bình, trầm lặng, kiên nhẫn, và minh mẫn hành thiền.  Đó là thiền định.

Bhante Henepola GunaratanaMindfulness In Plain English

Ngày 07 tháng Tư,

Con người mông muội vô minh không thể nào phân biệt được cội gốc của khổ đau và cái gì là hạnh phúc.  Khi bị đau khổ thất vọng thì họ chạy trốn, sợ hãi, không dám đối diện, ngay cả trong giấc mộng, họ cũng cầu xin đừng bị khổ đau; nhưng họ lại không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có và cũng chẳng biết thế nào để an hưởng hạnh phúc.

Chính lòng tham ích kỷ, sự vô minh ngu muội, nỗi sân hận ai oán và ảo giác tự ngã của mỗi người đã khiến đời sống nhân loại bị phủ chìm trong bất an, não phiền, đau khổ và vắng bóng an lạc, hạnh phúc.

Tsongkhapa, The Splendor of An Autumn Moon

Ngày 08 tháng Tư,

Mục tiêu hàng đầu của chúng ta là chúng ta nên chuẩn bị một chiến lược lâu dài để cải thiện và phát triển tình trạng hiện nay của thế giới để bồi đắp xây dựng cho những thế hệ tương lai thêm tươi sáng vững mạnh.

His Holiness Dalai LamaImagine All The People

Ngày 09 tháng Tư,

Sự ủng hộ nâng đỡ mạnh lớn nhất mà chúng ta có chính là sự Tỉnh Thức; có nghĩa là chúng ta tỉnh giác, ý thức được từng hành nghiệp của thân, khẩu, ý của chúng ta trong từng phút giây.  Tâm thức tỉnh giác của chúng ta luôn hiện hữu ngay bây giờ, hiện tại lạc trú ngay nơi đây.  Nếu tâm ý chúng ta được an trú, tĩnh lặng thì nó sẽ không nẩy sinh ra những vọng niệm suy nghĩ về sự bất công của thế giới, sự đối xử không công bằng với người nào đó hay suy diễn về lòng tham của người này, si mê của người kia hay đau khổ của người nọ . . .  Những vọng niệm đó có thể diễn bày ra nhiều tập, nhiều màn, nhưng nếu chúng ta có tỉnh thức thì tất cả những suy nghĩ lung tung vớ vẩn đó sẽ chấm dứt ngay, không có cơ hội biểu diễn trước ánh sáng của sự tỉnh thức được.

Tỉnh thức có nghĩa là hoàn toàn hòa nhập thành một trong giây phút hiện tại, luôn luôn làm chủ được tự tâm, không có một chút kẻ hở nào cho vọng niệm phiền não chen chân vào, như canh giữ phòng hộ cửa thành, không cho quân giặc xâm chiếm.

Chúng ta tỉnh thức sáng suốt trong từng phút giây, biết rất rõ từng ý niệm sinh diệt trong tâm – an vui, hoan hỷ, hài lòng, đau khổ, phiền muộn, lo sợ –  chúng ta biết rất rõ từng ý niệm sinh diệt một, bất cứ ý niệm nào sinh khởi và diệt đi, bất cứ dưới hình thức nào.  Chúng ta cứ ngồi yên, trầm tư, theo dõi, và không hề phê phán, không đè nén, không chạy trốn, không gì hết . . . cứ lẳng lặng ngồi yên trầm tư, theo dõi, tỉnh táo, sáng suốt . . . chỉ đơn thuần là tỉnh thức, tỉnh thức mà thôi.

Ayya KhemaBe An Island

Ngày 10 tháng Tư,

Đừng bao giờ tự đánh giá thấp khả năng chính mình.

Geshe Chekawa, In Advice From A Spiritual Friend

Ngày 11 tháng Tư,

Ai viết vở bi hài kịch mà chúng ta thủ vai diễn trên sân khấu: khóc, cười, buồn, vui . . . đủ màn hỉ, nộ, ái, ố . . . và rồi màn hạ, vai diễn hết?  Không có một đấng thiêng liêng nào có thể viết được cả, lại càng không phải Đức Phật.

Chính vọng tâm của chúng ta viết đó.

Jae Woong Kim, Polishing The Diamond

Ngày 12 tháng Tư,

Trái ngược với một số người có ý nghĩ tiêu cực, chẳng có gì sai khi chúng ta hưởng thụ những thú vui giải trí và những tiện nghi cuộc sống cả.  Cái sai chính là ở thái độ của chúng ta bị đắm nhiễm, đam mê, chấp chặt không buông bỏ những thứ tiện nghi vật chất và thú vui đó, để  rồi sau đó xoay chúng từ nguồn gốc hạnh phúc, sung sướng thành nguồn gốc khổ đau và bất mãn.

Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra

Ngày 13 tháng Tư,

Thiền định, trí tuệ và đời sống trong sạch là ba nền tảng cơ bản giúp ta sống lành mạnh, thánh thiện, không bị ô nhiễm.  Đạo đức phát sinh tự nhiên trong sự thực hành tinh cần ba nền tảng cơ bản thuần khiết đó.

Martin BatchelorMeditation For Life

Ngày 14 tháng Tư,

Đi ngang qua một ngôi chùa thanh tịnh, ngay cả đến con cọp, khi nghe thấy tiếng kinh tụng, cũng phủ phục hiền hòa.

Chia Tao, In When I Find You Again, It Will Be In Mountains

Ngày 15 tháng Tư,

Nếu ta để cho vọng tâm làm chủ thì đó là nguyên nhân phát sinh ra đau khổ.

Ayya KhemaBe An Island

Ngày 16 tháng Tư,

Có một người tên Liu Shiyu hỏi thiền sư Yangshan: “Tôi có thể hỏi về pháp môn đạt được Tâm?

Thiền sư Yangshan trả lời: “Nếu ông muốn đạt Tâm thì chẳng có tâm nào để đạt cả, chính cái Vô Tâm mới là Chân Tâm.

From Zen’s Chinese Heritage

Ngày 17 tháng Tư,

Thực tập hành nghiệp không có gì rắc rối, phức tạp cả.  Chính là chú ý kiểm soát hành động của bạn, kiểm soát cái miệng của bạn, kiểm soát cái ý của bạn.  Cố gắng kiểm soát ba cánh cửa đó hết sức trong sạch, cẩn mật là sự thực tập hành nghiệp.

Lama Thubten Yeshe, The Bliss of Inner Fire  

Ngày 18 tháng Tư,

Sân hận hay khát ái vốn dĩ không phải là tội lỗi như mọi người tưởng, và ta cũng không cần phải cảm thấy quá xấu hổ mỗi khi những tâm sở này sinh khởi trong ta.  Quan trọng là ta phải biết rõ và quán chiếu chúng chỉ là những ảo giác mà thôi; chúng chỉ là những khái niệm, những tâm sở méo mó, vạy vò, sơn phết vẽ vời bức tranh chân lý sai lệch.  Những tâm sở ấy là bất thiện vì chúng chỉ dẫn đến đau khổ, bất hạnh, sai lầm cho ta mà thôi.

Kathleen McdonaldHow To Meditate

Ngày 19 tháng Tư,

Khi bạn cố hết sức để thoát ra khỏi sự sợ hãi hay giận dữ, cái gì sẽ xảy đến?

Bạn sẽ không yên, bức rức, thất vọng hay khó chịu bực bội và có thể bạn sẽ phải đi tìm một cái gì đó để ăn, để uống hay bạn sẽ hút thuốc hay sẽ làm bất cứ cái gì đó để trút cơn bực tức sân giận trong lòng mình ra.  Có kết quả tốt đẹp gì chăng?

Tuy nhiên nếu bạn bình tâm lại một chút, ngồi xuống trong tư thế vững chãi, tĩnh lặng, theo dõi hơi thở của mình . . . và nhẫn nại chịu đựng những cơn sóng tham, sân, si, nghi ngờ, thất vọng, mất ngủ, bất an . . . đang trào dâng ồ ạt trong lòng . .  bạn cứ an nhiên theo dõi chúng, quán chiếu chúng sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt như thế . . . chỉ an nhiên quán chiếu chúng thôi, không cần phải làm gì cả . . . và quán chiếu như thế sau một thời gian, bạn sẽ cảm nhận được một sự tĩnh lặng yên bình sáng suốt của tâm trí mà trước kia bạn chưa từng bao giờ cảm nhận được. Trên nền tảng tư duy sâu xa đó, bạn sẽ đạt được bình an giải thoát nội tâm.

Ajahn SumedhoThe Mind And The Way

Ngày 20 tháng Tư,

Người ta nói rằng đời người có hai bi kịch:  một là không sở hữu được những gì ta muốn, và hai là sở hữu những gì ta muốn.  Cả hai đều mang lại đau khổ.

Bhante Henepola Gunaratana, Eight Mindful Steps To Happiness

Ngày 21 tháng Tư,

Lòng tham vô tận của con người không bao giờ biết dừng lại dù có sở hữu trong tay tất cả tài sản của cải tích lũy gom góp từ vô thủy kiếp cho đến tận ngày nay.  Càng tham lam, càng vơ vét, càng chiếm hữu thì lại càng gian nan, càng đau khổ, càng bất hạnh cho mình và cho người.

Vì thế, hỡi những người giàu có, sung sướng, đầy phúc báu kia ơi, hãy gieo trồng và vun bồi những hạt giống của lòng biết đủ, ít ham muốn, và hãy thực tập hạnh buông xả, từ bi và trí tuệ để có được hạnh phúc chân thật, lâu dài.

Milarepa, Drinking The Mountain Stream

Ngày 22 tháng Tư,

Hãy nhận thức tự bản thân kinh nghiệm của ta rằng năng lực đạt tới bình an nội tâm chính là sự điều phục chế ngự được hành động và tư tưởng qua thân, khẩu, ý.

Matthew FlicksteinJourney To The Center

Ngày 23 tháng Tư,

Một ngày kia khi Đức Thế Tôn trụ tại thành Vương Xá, gần vườn Lộc Uyển, trong một nhân duyên ra ngoài thành, Phật bị một mảnh đá vụn cắt gang bàn chân.  Chân Thế Tôn bị thương, chảy máu nhiều và bắt đầu sưng tấy, mưng mủ . . . khiến thân Ngài cảm thấy đau đớn, khó chịu vô cùng, nhưng Thế Tôn vẫn an nhiên chịu đựng những cơn đau thể xác đó một cách nhẫn nại và sáng suốt, không hề bị dao động phân tâm gì cả.  Rồi Thế Tôn xếp làm tư tấm ca sa lại, và nằm xuống hông phải theo dáng sư tử nằm, chân phải để lên chân trái, tay phải để xuôi theo thân hình, yên bình tĩnh lặng, trầm tư thiền định minh triết.

From The Connected Discourses Of The Buddha

Ngày 24 tháng Tư,

Ngay lúc thời gian mà cái chết đến, món quà chia tay tốt đẹp nhất ta dành cho người và  người dành cho ta là sự bình yên của tâm trí.

His Holiness Dalai Lama, Imagine All The People

Ngày 25 tháng Tư,

Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ nhỏ ngửa lưng nằm dài trên đám cỏ, đưa mắt ngắm bầu trời trong xanh không gợn một áng mây trên cao kia, và thổi những bong bóng bọt xà phòng qua một vòng tròn cao su nhỏ.  Khi những bong bóng bọt xà phòng bay lên cao, bạn ngắm những bong bóng đó bay lên cao, bay lên cao nữa, cao nữa . . . và những bong bóng bọt xà phòng lung linh nhiều màu sắc dưới ánh nắng mặt trời đó hấp dẫn bạn và lôi cuốn bạn ngước mắt nhìn mãi lên trời.  Khi bạn đang ngắm nhìn những bong bóng bọt xà phòng thì bỗng dưng ‘bốp, bốp’ chúng nổ tung, vỡ tan, nhưng bạn vẫn dán mắt vào nơi những bong bóng bọt xà phòng đã bay tới.  Sự chú tâm của bạn giờ đang trụ tại khoảng không gian trống rỗng kia, trống rỗng kia . . .

  1. Alan Wallace,Tibetan Buddhism From The Ground Up

Ngày 26 tháng Tư,

Phương pháp tiếp cận thiện xảo nhất để nhận thức triệt để khả năng tiềm tàng nhậm lẹ vi diệu nhất của con người là gì?  Nói một cách đơn giản, đó chính là sự kiên trì thường hằng, giữ vững tâm trí luôn luôn được tươi thắm, an lạc, khoảng khoát, tự nhiên càng nhiều càng lâu càng tốt.

Lama Thubten Yeshe, Introduction To Tantra

Ngày 27 tháng Tư,

Vô Trụ, Vô Nguyện, Vô Tướng

Cỏ phủ kín con đường mòn hoang vắng,

Cánh cửa dầy đóng chặt

Lối bước vào núi cao,

Cổ tự tịch liêu.

Chiều buông, tiết trời se thấm lạnh,

Mưa bụi đã ngừng rơi,

Bình minh lên, xa xa

Vài cánh ve sầu rỉ rả điệu buồn tênh.

Lá rơi trên mặt đất

sần sùi lởm chởm,

Một hình bóng thong dong,

Hững hờ trên vai, manh áo trắng đơn sơ.

Tiêu diêu, khoáng đạt,

Tháng ngày qua lặng lẽ, chẳng băn khoăn,

Thế thì, cần gì tìm kiếm đâu xa,

Cần gì phải tìm pháp an tâm?

Chia TaoIn The Clouds Should Know Me By Now

Ngày 28 tháng Tư,

Không có khoái lạc nào mà không có sự hiện hữu của khổ đau.

Không có khổ đau nào mà không có mặt của hạnh phúc.

Bhante Henepola GunaratanaMindfulness In Plain English

Ngày 29 tháng Tư,

Đừng bao giờ mong cầu hay đòi hỏi lòng biết ơn của người.

Cứ cho đi!

Geshe Chekawa, In Advice from A Spiritual Friend

Ngày 30 tháng Tư,

Hãy đặt giả thuyết rằng có một người lúc nào cũng kè kè bên mình một cái túi tiền đầy ắp, mắt thì dáo dác lo sợ đảo tới đảo lui xem có bị ai rình rập không?  Anh ta không bao giờ dám mở túi đó ra hay dám tiêu một đồng nào vì sợ bị dòm ngó hay bị cướp giật . . .  và rồi có một ai đó đến gần và thuyết phục được anh ta hãy mở túi xách ra đi giữa ban ngày thì anh ta mới khám phá ra là trong túi chẳng có một đồng xu teng nào mà chỉ chứa đựng toàn là giấy rác và một con chuột chết.  Lúc đó liệu anh ta có còn dám vác cái túi gớm ghiếc đó nữa không hay vội quăng bỏ đi ngay một cách sợ hãi?

Không cần thiết phải bàn cãi gì nữa ở đây, phải không? – dĩ nhiên là anh ta thấy túi rác đó thì sẽ vất bỏ thôi.  Thực tập thiền định cũng vậy.  Thiền định giúp chúng ta lọc sạch những tư tưởng bất thiện, ô nhiễm, phơi bày chúng ra giữa ánh sáng ban ngày, không cho chúng có cơ hội quấy nhiễu, xóa sạch dấu vết vô minh, và hướng tâm trí chúng ta về chân thiện mỹ tuyệt đối, thanh tịnh.

Bhikkhu NyanasobhanoLandscapes of Wonder

Ngày 01 tháng Năm,

Trong bất cứ một mối tương quan liên hệ nào của đời sống xã hội loài người, thì từ bi và tình yêu là cần thiết quan trọng nhất, dù người đó là thương gia, là chính trị gia, là khoa học gia, là kỹ sư . . . hay là một ai ai đi nữa.  Nếu người nào làm việc với mục tiêu trong sạch, thánh thiện và một tâm hồn tràn đầy tình thương tha nhân thì công việc đó sẽ trở thành hữu ích, có lợi cho nhân loại.  Ngược lại, nếu ai làm việc vì lòng sân hận, thù nghịch, ích kỷ thì công việc đó sẽ méo mó, sai lệch.  Thay vì đem lại lợi ích an vui hạnh phúc cho nhân loại thì sự thông minh trí tuệ bác học của những người đầy sân hận ích kỷ đó chỉ đem lại tai họa, nguy hiểm và tàn phá chết chóc cho con người mà thôi.

Từ Bi là thiết yếu quan trọng hàng đầu cho tất cả.

His Holiness Dalai LamaOpening The Eye Of New Awareness

Ngày 02 tháng Năm,

Từ Bi là hạnh nguyện được nô đùa trong vùng trời mơ mộng mặc dù ta đang thức.       

Matthew Flicksten, Swallowing The River Ganges

Ngày 03 tháng Năm,

Trong từng phút giây chúng ta tạo tác ra hàng trăm hành nghiệp, nhưng có thể nói, chúng ta chưa hay khó có thể ý thức được chúng.  Chỉ trong sự tu tập thiền định tĩnh lặng, ta mới ‘nghe’ thấy được tiếng nói nội tâm mình, nguồn gốc cội rễ của tất cả các hành nghiệp đó.  Ta sẽ học được cách tỉnh thức và lặng lẽ quán sát, theo dõi những hành nghiệp của ta bộc khởi thế nào một cách thật sâu sắc, thật sáng suốt, và chiêm nghiệm đà phát triển mãnh liệt của chúng.  Chính sự tỉnh thức tâm linh đó hướng dẫn ta có thể tự kiểm soát mình, tự chế ngự mình, tự điều phục mình và làm chủ được mọi hành nghiệp tạo tác của mình, không bị chúng lôi kéo sai khiến.

Lama Thubten YesheIn Wisdom Energy

Ngày 04 tháng Năm,

Tỉnh thức không bao giờ đơn điệu, nhàm chán cả.

Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness In Plain English

Ngày 05 tháng Năm,

Trong sự hữu hạn của hình thái loài người, chúng ta không thể thấu triệt được bản chất hiện hữu của tổng thể vạn vật dưới lăng kính vĩ mô vũ trụ được.  Những gì chúng ta có thể làm được là tập trung ý thức quán sát sự hiện hữu tồn tại mà không dấy lên một tư tưởng phán xét, đánh giá, phê bình nào.

Ajahn SumedhoThe Mind and The Way

Ngày 06 tháng Năm,

Kinh nghiệm về Niết Bàn siêu việt qua lăng kính tư tưởng nhị nguyên của con người, bao gồm luôn ý nghĩ về hiện hữu hay không hiện hữu.

  1. Alan Wallace,Tibetan Buddhism From The Ground Up

Ngày 07 tháng Năm,

Người ta phải hiểu rõ rằng ngay cả khi họ sở hữu tất cả mọi tiện nghi của đời sống, có tiền bạc dư dật, và ngay cả mức lương thâu nhập tăng trưởng vù vù hằng năm đi chăng nữa . . . thì tất cả những thứ đó cũng không thể đem lại hạnh phúc.  Những thứ vật chất của cải đó không bao giờ là hạnh phúc cả. Họ phải cần biết rằng thủ phạm chính của sự không hạnh phúc đó là tham vọng vô bờ bến của con người.

Lòng tham của ta vô tận, không có điểm đến, điểm dừng hay sự kết thúc – vì thế càng tham lam, mong cầu bao nhiêu thì ta càng đau khổ bấy nhiêu; vì lòng tham không đáy.  Càng tham, càng chạy đuổi theo nắm bắt giành giựt thì càng đau khổ tuyệt vọng bấy nhiêu – như kẻ khát uống nước biển mặn chát, như người cùi gãi ngứa hơ phỏng tay trên đống than hồng . . . và có lẽ khi cái chết thực sự đến, ta cũng vẫn chưa chắc đã hiểu được thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ.

His Holiness Dalai LamaImagine All The People

Ngày 08 tháng Năm,

Từ Bi là liều thuốc chữa bệnh thần diệu nhất.

Lama Zopa Rinpoche, Ultimate Healing

Ngày 09 tháng Năm,

Người dân Tây Tạng thường truyền tụng với nhau rằng: “Nếu một tấm vải sạch được đặt để trên đống phân, chẳng chóng thì chầy, tấm vải đó sẽ bị hôi thối như đống phân đó vậy.  Nếu tấm vải được đặt để gần bình trầm hương thì nó sẽ được nhiễm mùi thơm và sẽ thơm mùi trầm hương.”

Cũng quan trọng giống như thế, hoàn cảnh môi trường sống chung quanh ảnh hưởng đến tâm trí vị hành giả rất nhiều (ngoại trừ các bậc thượng căn đại trí).  Chúng ta bị môi trường ảnh hưởng tác động mãnh liệt rõ rệt; nếu chúng ta không biết lựa chọn xấu hay tốt thì chúng ta sẽ dễ dàng bị ô nhiễm bởi bụi trần hoặc chúng ta sẽ được hương thơm giáo pháp bao phủ.

Lorne Ladner, Wheel Of Great Compassion

Ngày 10 tháng Năm,

Vượt qua được tham chấp không phải là biến thành khô khan lạnh lùng hay lãnh đạm.  Trái lại, chiến thắng được tham đắm chấp ngã có nghĩa là chế ngự điều phục được tâm thức chúng ta một cách tự nhiên thư thái qua sự hiểu biết nhận thức rõ nguyên nhân thực sự của hạnh phúc và làm tròn bổn phận của mình  Chính điều đó giúp chúng ta an hưởng đời sống nhiều hơn và đau khổ ít hơn.

Kathleen McDonald, How To Meditate

Ngày 11 tháng Năm,

Như làn sương mù kia bị tan biến đi

không dấu vết dưới ánh sáng mặt trời chói lọi,

định kiến cũng bị đánh bạt đi bởi sức mạnh của tỉnh thức nhiệm mầu.

Đúng vậy,

chỉ có giác ngộ tỉnh thức mới có đủ năng lực

xóa sạch đi dấu vết mọi vọng tâm.

Hãy thể nghiệm chúng như là những giấc mơ không tồn tại,

như những bong bóng bảy mầu,

như những cầu vồng ngũ sắc không thực thể,

như bầu thái hư lồng lộng trên cao kia.

Tuyệt chẳng có hình tích gì . . .

Milarepa, Drinking The Mountain Stream

Ngày 12 tháng Năm,

Viếng thăm Sư Wu K’o ở nơi ẩn cư

Từ khi Sư ẩn dật nơi đây,

Chúng ta hiếm có lần gặp lại.

Những trận mưa kéo dài,

Giúp mảnh vườn rau thêm xanh mát tươi um,

Những ngọn núi xa xa hùng vĩ kia,

Soi mình trên mặt nước hồ thu trong vắt.

Những chiếc lá vàng uốn éo theo làn gió,

Buông nhẹ mình rơi trên nghiên mực của Sư,

Những áng mây trôi hững hờ lười biếng,

Trên mặt gối bạc phếch màu thời gian.

Một lữ khách ngông nghênh,

Một thiền sư trầm lặng,

Thật không công bằng chút nào

Nếu tôi cứ mãi bám víu vào cuộc gặp gỡ này.

Giã biệt.

Chia TaoIn When I Find You Again, It Will Be In Mountains

Ngày 13 tháng Năm,

Một tâm trí bình yên là một tâm trí từ bi.

Ayya Khema, Be An Island

Ngày 14 tháng Năm,

Một vị tăng sinh hỏi: “Tất cả chư Phật và giáo pháp đều từ bộ Kinh này mà lưu xuất ra.  Vậy xin hỏi đó là bộ Kinh gì?”

Thiền sư Qinshan trả lời: “Luôn quay đầu trở lại.

From Zen’s Chinese Heritage

Ngày 15 tháng Năm,

Chư thiên hỏi Phật:

Người mong con trai, được con trai, vui sướng vì có con trai,

Người muốn có gia súc, được gia súc, hỉ hả vì có gia súc,

Người ham của cải tiền bạc, được tiền bạc, nhảy nhót vì có tiền bạc,

Không có vật chất của cải, người ta đâu có thấy sung sướng hoan lạc gì?”

Đức Phật trả lời:

Người mong con trai, sẽ đau khổ vì con trai,

Người ham gia súc, sẽ buồn phiền vì gia súc . . .

Chiếm đoạt tư hữu là nỗi đau khổ bất hạnh của con người.

Ai không tư hữu, người đó không khổ đau tuyệt vọng.”

From The Connected Discourses of The Buddha

Ngày 16 tháng Năm,

Khi bạn rũ sạch được tất cả phiền não, u buồn, mông muội trong tâm thức thì không một ai có thể gây tạo chướng ngại cho bạn được nữa.

Lama Thubten Yeshe, The Bliss of Inner Fire

Ngày 17 tháng Năm,

Cuộc sống tự nó xoay vần thay đổi, còn – mất, nghèo – giầu, ngày – đêm, trẻ – già, hạnh phúc – đau khổ . . . Vô thường, không có một cái gì tồn tại lâu dài cả – ngay trong một tích tắc, một chớp mắt, một sát na thôi cũng đã thay đổi liên tục không dừng, không trụ – buồn thương, vui vẻ, thanh bình, chiến tranh, đau khổ, hoan lạc, v.v. và v.v.

Vô thường, vạn sự vô thường, thế gian vô thường, đời người ngắn ngủi vô thường.

Sandy BoucherHidden Spring

Ngày 18 tháng Năm,

Thật đúng khi cho rằng tư tưởng hay suy nghĩ khiến cho chúng ta đau khổ hay hạnh phúc.  Bây giờ hãy tưởng tượng là ta đang ngồi dưới một tàng cây rậm mát trong một ngày đẹp trời mùa xuân.  Chẳng có gì đặc biệt xảy ra với ta cả, ngoại trừ làn gió mát mẻ kia đang thổi lùa vào mái tóc, nhưng ta đâu có để ý tới . . . vì đầu óc ta đang phiêu du lãng đãng nơi nào, không biết nữa.  Có thể ta đang hồi tưởng lại một ngày mùa xuân nào đó vài năm trước, khi ta cảm thấy khốn khổ, bức rức, bất an cùng tột chẳng hạn: ta vừa bị mất việc làm, ta bị thi truợt hay con mèo, mấy chú thú cưng qúi yêu của ta đi lạc mất đâu rồi . . .  Ký ức đó khiến ta băn khoăn bồn chồn, lo sợ.  “Sao?  Có lẽ nào ta lại mất việc làm nữa? Tại sao ta cứ lãi nhãi, càm ràm, kêu rêu hoài mãi cái chuyện bực mình đó?  Tại sao ta cứ lập lại cái lỗi vớ vẩn đó vậy? Bây giờ mà có chuyện gì xảy ra, ta cũng thây kệ, bịt tai lại.  Ta sẵn sàng rồi đó.  Trời ơi, làm sao trả tiền nợ đây?  Làm sao trả tiền điện, tiền nước đây?  v.v. và v.v.  Hàng trăm, hàng ngàn lo sợ, phiền muộn, bất an theo nhau tấn công ta tới tấp; cái này chưa giải quyết xong, cái kia đã ùa tới.  Và ta nhận thấy rằng cuộc đời ta đầy dẫy buồn phiền, hỗn độn, lộn xộn – nhưng tất cả những cái đó sinh khởi ngay khi ta đang ngồi duới gốc cây.  Suy cho cùng, thân tâm ta đều bất an.  Khi ngồi cũng không yên, suy nghĩ cũng chẳng xong.

Đó chính là mạng lưới Kiến Hoặc- Tư Hoặc dầy dặc đang bủa vây ta.  Vậy ta cần làm gì để tự cứu lấy chính mình?  Tự hỏi chính là tự trả lời vậy.

Bhante Henepola GunaratanaEight Mindful Steps To Happiness

Ngày 19 tháng Năm,

Thiền định thực ra là một thực hành của niềm tin.  Niềm tin tâm linh, niềm tin vào chính khả năng của mình.  Tin là căn bản của thiền định.  Không phải một niềm tin nào ngoài con người bạn, một vị Phật hay một lý tưởng nào đó không thành tựu được . . . hay những lời nói của một ai đó.

Niềm tin kiên cố đó nằm ngay trong bạn, trong chính Phật tính của bạn.  Bạn có thể thành một vị Phật, một vị giác ngộ đang sống và thực hành thật minh mẫn, sáng tạo và từ bi.

Martine BatchelorMeditation For Life

Ngày 20 tháng Năm,

Phân nửa dòng sống trí tuệ chứa đựng sự suy tầm, hồi tưởng về những gì ta chống đối và mục tiêu ta đến.

Ayya KhemaWhen The Iron Eagle Flies

Ngày 21 tháng Năm,

Tất cả những ai giữ vai trò trong thương nghiệp và tài chánh nên phát triển tinh thần trách nhiệm đặt trên nền tảng Từ Bi, Bác Ái và quan tâm đến những gì mang lại lợi ích, hạnh phúc cho tha nhân và thế giới.

His Holiness Dalai Lama, Imagine All People

Ngày 22 tháng Năm,

Sôi sục vì hận thù tức giận, kẻ ngu ngủ không yên giấc,

Sôi sục vì hận thù tức giận, kẻ ngu không thấy hối tiếc ăn năn;

Diệt trừ tận gốc rễ chất độc oán giận hận thù,

Đó chính là sự đoạn diệt mà người trí hâm mộ, tán thán,

Và quyết tâm thực hành, không hề băn khoăn, hối tiếc, nghi ngờ.

BuddhaIn The Connected Discourses of The Buddha

Ngày 23 tháng Năm,

Chúng ta thường hay nhầm lẫn ‘chấp thủ, tham trước’ với Tình Yêu.  Ái Thủ luôn  dính liền với nhu cầu ‘của tôi’, hạnh phúc ‘của tôi’, anh là ‘của tôi’, em là ‘của tôi’, sở thích ‘của tôi’, tất cả đều là ‘của tôi’ . . . trong khi Tình Yêu thực sự là một tâm thái không vị kỷ, không ràng buộc, không mong cầu, không tự lợi, không chiếm hữu, nhưng trái lại còn quan tâm đến nhu cầu và hạnh phúc của tha nhân.

Hầu hết thời gian và tình yêu của chúng ta đều đổ dồn vào ái thủ, chấp trước, bởi vì chúng ta luôn cảm thấy bất an, lo sợ, thiếu thốn, không thỏa mãn . . . và chúng ta cố gắng tìm sự toàn vẹn đầy đủ hoàn toàn đó qua những cái khác bên ngoài.  Chúng ta tự biến mình lệ thuộc vào những cảm giác an toàn, phù hợp trong những mối quan hệ tuơng giao với người khác và đau khổ nếu những nhân duyên quan hệ đó thay đổi.

Mối quan hệ tương giao nào không vướng mắc vào chấp thủ, ái kiến, si mê lầm lạc là mối tương quan không bị ảnh hưởng bởi thất vọng, nghi ngờ, ganh ghét, hận oán, ghen tỵ và những vấn đề, trạng thái khác . . . Chính sự tương giao vô điều kiện, không ái thủ đó là mảnh đất màu mỡ phì nhiêu cho sự phát triển nở rộ cánh hoa tình thương và trí tuệ.

Kathleen McDonaldHow To Meditate

Ngày 24 tháng Năm,

Lòng rộng lượng bắt đầu từ sự nhận thức rõ rằng ta mắc nợ người.

Master Hsing Yun, Describing The Indescribable

Ngày 25 tháng Năm,

Với sự thấu triệt minh triết về chuyển hóa tự tâm, bất cứ những gì ta làm 24 giờ trong ngày, đều có thể giúp ta càng lúc càng tiến gần đến quả vị tu chứng.

Tất cả những hành nghiệp của ta – đi đứng, ăn uống, nằm ngồi ngay cả đại tiểu tiện – đều được tiến hành trên lộ trình tâm linh.  Đến cả giấc ngủ của ta, thường trãi qua trong vũng lầy tối đen của vô thức hay những giấc mộng lộn xộn ngổn ngang, cũng sẽ được chuyển hóa thành ánh sáng vi diệu kinh nghiệm thẩm thấu của Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật.

Lama Thubten YesheIntroduction To Tantra

Ngày 26 tháng Năm,

Du Hành

Tâm trí ứ đầy, thật khó diễn tả bằng lời,

Xa gia đình từ bao lâu, chẳng nhớ nổi,

Bạn bè cũ, nay ắt hẳn cũng đã già nua.

Lá vàng khô quăn queo,

Rơi xuống từ những tổ chim lạnh vắng,

Những cánh chuồn chuồn mong manh,

Bay sè sè lượn qua những khung cửa sổ mở toang,

Tôi dừng lại khu rừng nơi có một ẩn sĩ,

Và qua đêm trong thiền tọa yên bình.

Chia TaoIn The Clouds Should Know Me By Now

Ngày 27 tháng Năm,

Khi có ai đó hỏi bạn điều gì, hãy trả lời người đó thành thật, nhưng khi không có ai

hỏi thì bạn không nên (và đừng bao giờ) ép buộc người khác nghe những lời giáo

 huấn ‘dạy đời’ của bạn.

Jae Woong Kim, Polishing The Diamond

Ngày 28 tháng Năm,

Khi ta thấy một chiếc xe tải vọng tâm có vẻ như đang lao nhanh về phía mình, lẽ dĩ nhiên bằng đủ mọi cách, ta phải tránh né cái xe tải điên cuồng đó ngay để không bị nó tông vào, nhưng một khi ta bắt đầu tu tập thiền định thì lại khác, theo thời gian hành trì miên mật, ta sẽ nhẫn nại hơn, trầm tĩnh hơn, thăng bằng hơn, nhạy bén hơn để có thể giữ vững nội tâm không bị dao động hốt hoảng vì cái xe tải vọng tâm đó.

Học cách làm sao ứng phó được với nghịch cảnh một cách thiện xảo để vượt qua mọi khó khăn thăng trầm của đời sống chính là phương cách duy nhất mà ta có thể sẵn sàng đương đầu không những với chiếc xe tải điên cuồng đang lao nhanh về phía mình mà ngay cả với chiếc xe tải mà ta không thấy.

Bhante Henepola GunaratanaMindfulness In Plain English

Ngày 29 tháng Năm,

Mặc dù chúng ta đều có cảm nhận về sự hiện hữu của tâm và vũ trụ nhân sinh, chúng ta vẫn luôn mơ mơ hồ hồ không trực nhận triệt để rõ ràng về tâm thức của mình và hay tự suy gẫm làm sao, thế nào chúng ta lại hiện hữu ở thế gian này?

Chúng ta luôn nói ‘Tôi có tri thức’, ‘Tôi là’, ‘Tôi hiện hữu’ . . . Chúng ta nhận dạng chúng ta với cái ‘tôi’, cái ‘ta’ mà chúng ta đã khoác lên đó với những nhãn hiệu danh tiếng nhất, những phẩm chất tốt đẹp nhất, tuyệt hảo nhất, nhưng thực ra chúng ta không hề biết rõ bản tâm là gì hay cái được mệnh danh là ‘cái tôi’ thế nào cả.  Chúng ta không hề biết chúng là cái gì, chúng hành hoạt ra sao . . . hay chúng ta thực sự là ai, là gì?  Mãi mơ hồ, nhầm lẫn, mông muội . . .

Kalu RinpocheLuminous Mind

Ngày 30 tháng Năm,

Chúng ta cần phải nghiên tầm và học cách quán chiếu một cách thật khách quan tiến trình tâm linh của chúng ta.

Matthew FlicksteinJourney To The Center

Ngày 31 tháng Năm,

Đừng bám víu vào bất cứ một cái gì và cũng đừng chối bỏ một cái gì.  Cứ để mọi vật đến đến đi đi tự tại, cái gì đến cứ đến, cái gì đi cứ đi, chúng ta chỉ cần ứng phó xoay chuyển chính mình sao cho kịp thời, kịp lúc đối với những sự việc đó, bất kể là cái gì.  Nếu những hình ảnh tốt đẹp sinh khởi trong tâm, rất tốt, nhưng nếu những hình ảnh xấu xuất hiện, cũng không sao.  Hãy nhìn chúng thật vô tư, khách quan, và chỉ cần chúng ta tự tại an nhiên đối với bất cứ một sự việc nào tốt, xấu, hay, dở nào xảy ra mà thôi.  Đừng gân cổ lấy hơi chiến đấu chống trả lại gì cả, mà chỉ ngồi yên lặng lẽ quán sát vạn sự vạn vật đến đến đi đi một cách sáng suốt, trí tuệ.

Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness in Plain English

Ngày 01 tháng Sáu,

Phật không thể thấy bởi tìm kiếm, mong cầu.

Hãy quán chiếu và diệt trừ vọng tâm.                             Adept GodrakpaIn Hermit of Go Cliffs

Ngày 02 tháng Sáu,

Dù chúng ta có ngồi thiền kiểu kiết già hay bán già hoặc chúng ta tu tập thiền Minh Sát, thiền Tánh Không, thiền Tổ Sư, thiền Như Lai. . . hay ngồi một tiếng, hai tiếng, thậm chí cả ngày . . .  thì phương cách đó cũng chỉ đem lại một ít kết quả mà thôi; điều tối quan trọng là chúng ta phải triệt để nhận thức rõ là pháp môn thiền định nào mang lại sự an lạc nội tâm và là phương thuốc hữu hiệu chữa khỏi những tâm sở đau khổ, phiền muộn, tham vọng, ích kỷ, ngu muội . . . của chúng ta.

Lama Thubten YesheIn Wisdom Energy

Ngày 03 tháng Sáu,

Ta thường nghĩ giáo lý nhà Phật dạy rằng đau khổ sẽ biến mất nếu người ta hành thiền miên mật dài hạn hay nếu người ta nhìn sự vật một cách khác.  Không phải thế đâu, đau khổ vẫn tồn tại đó, không biến mất đâu cả, duy chỉ có trạng thái tâm của người hành giả sẽ thay đổi nếu tinh tiến tu tập theo lời dạy của Phật.

Ayya KhemaWhen The Iron Eagle Flies

Ngày 04 tháng Sáu,

Thế trí biện thông (trí thông minh thế gian) là một vấn nạn của chúng ta, nhưng thật khờ khạo nếu nghĩ rằng giải pháp để loại trừ được vấn nạn đó là chúng ta cần phải giảm thiểu sự thông minh.  Không nên học hỏi, nghiên cứu, tu tập sâu, cặn kẽ, kỹ càng . . .

Không, không phải như vậy.  Thực ra, chỉ có một phương cách duy nhất để chế ngự vấn nạn đó là chúng ta phải biết cách điều ngự trí thông minh của chúng ta; không nên để những tư tưởng, cảm xúc bất thiện, ô nhiễm, thấp hèn, tăm tối điều khiển hay giật dây chúng ta.  Nếu tâm trí chúng ta được hướng dẫn duy bởi những tư tưởng, ý nghĩ và cảm xúc trong sáng, lành mạnh, thanh khiết, lương thiện thì chắc chắn trí tuệ sẽ trở thành một phương tiện hữu ích cho chúng ta trên con đường thăng hoa nhân phẩm một cách tuyệt đối.

His Holiness Dalai LamaImagine All The People

Ngày 05 tháng Sáu,

Một bài thuyết pháp hay, một bài diễn văn đạt hay những lời nói dịu đẹp lòng người không những chỉ đòi hỏi người nói phải chú ý thận trọng từng từ ngữ một và từng âm điệu trầm bỗng, mạnh yếu, sắc bén, ngọt ngào, v.v. mà còn phải phản ảnh được chất liệu từ bi và sự quan tâm chân thật đối với người khác để người nghe có thể cảm nhận được lòng trung thực, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ . . . của người nói, và trên nền tảng từ bi bác ái đó, chân thật ái ngữ sẽ là phương tiện nhiệm mầu giúp hàn gắn được những vết thương lòng của tha nhân.

Bhante Henepola Gunaratana, Eight Mindful Steps To Happiness

Ngày 06 tháng Sáu,

Giống như tất cả vật chất đều từ cát bụi và rồi sẽ tan thành cát bụi, những ý nghĩ và tư tưởng, quan niệm của chúng ta cũng đều sẽ tan tành thành cát bụi.  Cũng như chỉ cần một vài giây phút để lau sạch bề mặt một tấm gương, chỉ cần một sát na thôi tức thì đốn ngộ: cái sát na mà tất cả những tư tưởng ô nhiễm vô minh sẽ biến mất tức thì, xóa sạch không còn một dấu vết trong tâm thức của chúng ta.  Ngay khi đó, chúng ta sẽ phản quang tự kỷ, thấy rõ lại thật hoàn toàn, thật trọn vẹn con người mình trong tấm gương chân lý.

Master Hsing YunDescribing The Indescribable 

Ngày 07 tháng Sáu,

Bạn đã phí bao nhiêu thời gian cuộc đời mình để đeo đuổi tìm cầu sẽ đến được một nơi nào đó mà bạn cho là lý tưởng ở cái thế giới hỗn loạn, triền phược, sa đọa này?

Matthew FlicksteinJourney To The Center

Ngày 08 tháng Sáu,

Này anh bạn, hãy giả sử rằng, có một con bò trắng và một con bò đen bị buộc chung với nhau bằng một yên cương.  Có đúng chăng khi có người nào đó nói rằng: “Con bò đen là sự trói buộc của con bò trắng, và con bò trắng là sự trói buộc của con bò đen?”

Không, không đúng đâu, anh bạn ạ.  Con bò đen không phải là sự trói buộc của con bò trắng và ngược lại, con bò trắng cũng chẳng phải là sự trói buộc của con bò đen,  đơn giản nói cho chính xác là cái yên cương đó chính là cái ràng buộc trói chằng hai con bò lại với nhau:  sự trói buộc là ở đó.

Cũng vậy, anh bạn, mắt không phải là kiết sử của sắc, tai không phải là kiết sử của thanh, mũi không phải là kiết sử của hương . . . lục trần không phải là kiết sử của lục căn nhưng chính lòng khát ái, tham nhiễm sinh khởi lên khi lục căn tiếp xúc lục trần là nguyên nhân trói buộc, phiền não và tội lỗi.

BuddhaIn The Connected Discourses of The Buddha

Ngày 09 tháng Sáu,

Tìm nhưng không thấy vị ẩn sĩ

Dưới rặng cây tùng, tôi hỏi thăm chú tiểu,

Chú trả lời:

Sư Phụ tôi đi nhặt lá cỏ rồi.’

Tôi biết thiền sư ấy đang ở đâu đó trong núi,

Nhưng ‘mây’ quá dầy,

Nên không thể tìm thấy thiền sư.

Chia TaoIn When I Find You Again, It Will Be In Mountains

Ngày 10 tháng Sáu,

Rất quan trọng là ta không nên so sánh ngôn ngữ hành vi của ta với bạn bè, người thân hay người hôn phối của ta cũng như không nên lên án, phán xét tư cách của họ là đúng sai, hay dở, khéo vụng . . . mà tốt hơn hết, điều đáng làm là ta hãy tự quán xét lấy ngôn ngữ hành vi của chính mình và chịu trách nhiệm về những hành vi ngôn ngữ của mình.

Hãy nhớ lại xem có khi nào ta nhìn vào đôi mắt người thân quen của ta và thấy trong đó ánh lên niềm đau khổ, bối rối, buồn bã khi họ bị ta chỉ trích, phê bình.  Hãy tự nhắc mình là ta đã gây đau khổ buồn phiền cho người thân thương của ta.  Nếu ta có thể xác nhận lỗi của mình đã gây buồn đau cho người khác, nếu ta có thể nhìn thấy rằng hành động hay lời nói của ta đã làm người khác đau khổ, thì lòng từ bi và tình thương, thân thiện đang khai triển tuôn trào từ trái tim ta và chan hòa lên người khác, để ta sẽ cẩn trọng lời nói, hành vi hơn, để không bao giờ làm tổn thương hay gây đau khổ cho một ai nữa.

Bhante Henepola Gunaratana, Eight Mindful Steps To Happiness

Ngày 11 tháng Sáu,

Caoshan hỏi thiền sư Qiang: “Pháp thân Phật tợ hư không.  Khi một vật xuất hiện trong đó cũng giống như ánh mặt trăng phản chiếu xuống nước.   Ngài giải thích thế nào về lời dạy này?”

Qiang trả lời: “Giống như con lừa nhìn xuống giếng.”

Caoshan nói: “Ngài nói rất nhiều nhưng ngài chỉ đạt được tám mươi phần trăm thôi.”

Qiang hỏi: “Vậy ngài nói thế nào?”

Caoshan đáp: “Giống như cái giếng nhìn con lừa.”

From Zen’s Chinese Heritage

Ngày 12 tháng Sáu,

“Này các Tỳ Khưu, giả sử như có người mang đi cỏ cây, hoa lá . . . của vườn Kỳ Đà, rồi thiêu đốt chúng đi hay làm bất cứ những gì người ấy muốn. Vậy các ông có nghĩ rằng “Người ta mang mình đi, thiêu đốt mình hay làm bất cứ những gì họ muốn đối với mình không?”

-“Không, bạch đức Thế Tôn.  Vì sao?  Bởi vì, bạch đức Thế Tôn,  không có gì là ta cũng không có cái gì thuộc về ta cả.”

-“Cũng vậy, này các Tỳ Khưu, mắt (tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không phải là ta, không phải là cái của ta.  Những sinh khởi bởi các duyên dều cũng không phải là ta, không phải là của ta, hãy buông xả đi.  Một khi các ông buông xả được, đó là hạnh phúc và giải thoát.”

rom The Connected Discourses of The Buddha

Ngày 13 tháng Sáu,

Các pháp không sinh khởi từ bên ngoài.

Các pháp sinh khởi từ bên trong.

Adept GodrakpaIn Hermit of Go Cliffs

Ngày 14 tháng Sáu,

Sư sự vật vật đều như thị.  Pháp nhĩ như thị.  Nó chẳng có cái tên gọi nào khác ngoài cái danh xưng, một cái nhãn hiệu giả tạm mà chúng ta gán đặt cho nó; rồi cũng tự chúng ta khoác lên cái sự vật đó một cái giá trị nào đó theo quan điểm, chủ kiến của chúng ta.  Chúng ta cho cái điều này là đúng, sự việc kia là sai, cái này tốt, cái kia xấu, v.v.  nhưng thực ra, bản chất của sự sự vật vật như thị, không tăng, không giảm, không tốt không xấu, không hai không khác . . . như thị, pháp nhĩ như thị.  Nhậm trì tự tánh, qũi sanh vật giải.  Không có gì tuyệt đối, chỉ là sự sự vật vật như thế nào, ra như thế nấy.

Vạn vật, con người như thị. Tất cả vạn pháp đều như thị.

Ajhan SumedhoThe Mind And The Way

Ngày 15 tháng Sáu,

Mặc dù có thể nói, trở thành một vị tăng sĩ hay một vị ni cô là con đường thực tập hạnh bố thí, nhưng đa số người ta vẫn còn bị ràng buộc trong vòng xoáy đa đoan, nhiều phức tạp hệ lụy của đời sống gia đình.  Cái mà chúng ta cần không phải là từ bỏ những gì chúng ta đang có hay gia đình, bạn bè chúng ta, mà chính là sự từ bỏ cái ý niệm sai lầm cố hữu về những gì mà chúng ta cho đó là sở hữu của riêng mình.  Chúng ta phải từ bỏ cái tập khí bám víu, đắm trước vào vật chất hay người nào đó trong đời sống chúng ta, ngay cả tư tưởng, ý nghĩ, quan điểm, v.v. về vật nào đó, người nào đó. . .  Tất cả đều phải buông xả hết.

Bhante Henepola GunaratanaEight Mindful Steps To Happiness

Ngày 16 tháng Sáu,

Tựa như sự phản ảnh trong một tấm gương, rõ ràng có đó nhưng không thật chất,

(nhìn sâu, nơi nào cũng có) một vị thần đang cúng dường các vị thần khác.

Tuệ giác chân thật phô bày trên cánh đồng của sự sống,

và hoàn toàn thoát ly ra khỏi mọi sự chứa chấp của kiến thức ý miệm.

 (Biết thế,) con xin hằn sâu vào tâm khảm dấu ấn của lòng hiến dâng vô điều kiện.

Với  tâm niệm này con xin cúng dường vật thực.

MilarepaDrinking The Mountain Stream

Ngày 17 tháng Sáu,

Nếu chúng ta không quyết tâm nổ lực tinh tiến thực hành chánh niệm trong từng phút giây thì chúng ta sẽ dễ dàng quên bẵng đi không hề thực hành sống trong chánh niệm.

Ayya KhemaBe An Island

Ngày 18 tháng Sáu,

Phần đông người ta dường như không nhận thức được hôn nhân quan trọng cỡ nào.  Một tình yêu nồng cháy thôi, không đủ.  Trong cuộc hôn nhân thực sự, đôi tình nhân phải đặt tình yêu của họ không những chỉ trên tình yêu đam mê mà còn trên sự hiểu biết nhau, tôn trọng nhau, thông cảm nhau, tương thân, tương quan, tương ái qua phẩm hạnh cao qúi của nhau.  Nếu được như thế, cả hai vợ chồng sẽ tự nhiên tình nguyện cam kết nhận lãnh trách nhiệm chia sẻ ngọt bùi cay đắng cùng nhau cho đến trọn đời.

His Holiness Dalai LamaImagine All The People

Ngày 19 tháng Sáu,

Khi thực hành hạnh Bố Thí, chúng ta nên luôn nhớ rằng chúng ta thật sự có may mắn và diễm phúc lớn được có cơ duyên thù thắng để thực thi hạnh nguyện ấy.

Gomo Tulku, Becoming A Child of The Buddhas

Ngày 20 tháng Sáu,

Tâm có thể ví như là đại dương, và những biến cố xảy ra trong kiếp nhân sinh như hạnh phúc, kích động, tưởng tượng, tẻ ngắt, phiền muộn . . . được ví như những đợt sóng thủy triều dâng lên rút xuống nhấp nhô trên mặt biển.  Nếu như gió lặng, sóng yên, để lộ ra mặt đại dương sự phẳng lặng yên bình như đáy biển vốn dĩ luôn luôn bình lặng, không bao giờ xao động, thì chúng ta cũng có thể làm dịu đi những hỗn loạn của tâm trí chúng ta để cuối cùng sẽ lộ ra sự trong sáng, tinh khiết, vô nhiễm nguyên sơ của biển Tâm.

Kathleen McDonaldHow To Meditate

Ngày 21 tháng Sáu,

Với những đàm luận suông về thực-thể-vô-ngã và bản chất hão huyền của mọi hiện tượng, chúng ta có thể kết luận là chúng ta (ngã), người khác/vật khác (nhân/chúng sinh), thế giới, và ngay cả tri giác chân thật và toàn vẹn đều không hiện hữu. Kết luận như thế là (đi lạc vào con đường) hư vô đoạn diệt và thái quá. Mọi hiện tượng thật có hiện hữu. Nhưng vì chúng phô bày với bộ mặt có vẻ như bất di bất dịch và với một thái độ hoàn toàn biệt lập, vì thế đưa đến cái nhìn lầm lạc, và nhận thức sai lầm này cần phải bác bỏ.

Hãy xem ví dụ về chiếc cầu vồng. Nó có hiện hữu hay không? Dĩ nhiên là có, nhưng (hiện hữu) như thế nào? Nó nảy sinh ra từ sự tác động lẫn nhau giữa những hạt nước trong bầu khí quyển, ánh sáng mặt trời và địa điểm nơi ta quan sát nó. Vì thế, chiếc cầu vồng kia là một hiện tượng tương tức, và nếu ta quán xét sâu sắc, ta có thể khám phá ra vô vàn nguyên nhân và điều khiện cần thiết (đã kết hợp) để tạo nên nó.

Cũng như thế, tất cả sự hiện hữu của mọi hiện tượng chỉ là sự biểu hiện của tâm, không có thực thể bất di bất dịch của ngã, mà chúng chỉ được hình thành từ sự tác động lẫn nhau của vô vàn nguyên nhân và điều khiện. Điều này cũng đúng cho bản thân của chúng ta. Chúng ta cùng với  tất cả mọi hiện tượng, dù cho hiện tượng ấy có bé nhỏ như vi trần (hạt nguyên tử bé nhỏ nhất) đi chăng nữa, cũng hoàn toàn không vượt thoát ra ngoài tánh không. Và chính tánh không này là nền tảng thực chất cho sự hiện hữu của vạn vật.

Lama Thubten YesheIntroduction To Tantra

Ngày 22 tháng Sáu,

Chúng ta thôi hãy dừng lại đi, đừng ích kỷ cố gắng tìm kiếm phước đức và cố ý khiến người khác phải chú ý, khen ngợi, công nhận những việc làm của chúng ta nữa, thay vào đó, chúng ta nên vun bồi công đức và gieo trồng trí tuệ.

Jae Woong KimPolishing The Diamond

Ngày 23 tháng Sáu,

Chiều tà bên thác suối

Mưa mong manh rơi rơi, xa xăm, xa xăm . . .

Che cả làn mây trôi lãng đãng,

Sương mù núi thẳm vời vợi,

Làm mờ đi cả làng mạc hẻo lánh vùng cao.

Ríu rít kéo nhau về tổ,

Đàn chim soi dấu bay trên cát,

Lướt nhẹ trên sông,

Thuyền trôi không gợn lượn sóng nào.

Tôi ngắm mãi không chán dòng nước bạc,

Hiểu thật sâu uyên nguyên thác bắt nguồn từ đâu,

Lặng nhìn đỉnh cô phong xanh thẳm,

Tự hỏi thầm ‘Núi có bao giờ thấy cô đơn?’

Lòng bâng khuâng, chân không nỡ bước,

Rời xa dòng thác nước mơ huyền

Hoàng hôn đang phủ dần lên vạn vật,

Lững thững quay về trên lưng ngựa,

Vẫy tay chào hẹn sẽ gặp lại một ngày . . .

Chia TaoIn The Clouds Should Know Me By Now

Ngày 24 tháng Sáu,

Một khi sân hận không cách gì có thể bộc khởi trong tâm, ta sẽ không tìm thấy có một kẻ oán thù nào bên ngoài hết, nhưng một khi sân hận tràn đầy trong lòng thì kẻ oán thù hiện hữu ngay tức thì.

Lama Zopa RinpocheThe Door To Satisfaction

Ngày 25 tháng Sáu,

Đừng nghĩ.  Hãy nhìn.

Bhante Henepola Gunaratana, Mindfulness in Plain English

Ngày 26 tháng Sáu,

Thay đổi những kiểu cách, bộ dạng bên ngoài, dễ thôi, nhưng giữ chúng y như thế cho đến phút chót mới là điều khó.

Adept Godrakpa, In Hermit of Go Cliffs

Ngày 27 tháng Sáu,

Hạnh nguyện thị hiện của đức Quán Thế Âm chính là hạnh nguyện Từ Bi.  Ngài được tôn xưng là “Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát”, và Ngài luôn luôn ứng hiện hóa thân cứu độ tất cả chúng sinh hữu tình đang kêu khóc ở thế giới Sa Bà này.

Quán tưởng về đức Quán Thế Âm – quán tưởng Ngài ngồi tọa thiền cạnh giòng sông, tay cầm nhành dương liễu hay Ngài đứng trên tòa sen, tay cầm bình cam lộ rưới tắt lửa não phiền của chúng sinh – làm trái tim chúng ta mềm lại, cõi lòng chúng ta thanh tịnh, lắng đọng hơn và mở cánh cửa chân lý tối thượng, giúp chúng ta chia sẻ mọi buồn vui đau khổ với vạn loại hàm linh trong cuộc sống.

Bồ Tát Quán Thế Âm mong chúng ta hãy học và thực tập hạnh lắng nghe (như Ngài) những tiếng kêu khóc của chúng sinh, và hãy luôn luôn ban rãi tình thương, chăm sóc đến mọi người, mọi loài, y như chúng ta đang thương yêu và chăm sóc, quan tâm đến chính mình vậy.

Sandy Boucher, Hidden Spring

Ngày 28 tháng Sáu,

Nếu ta có thể vun bồi và điều phục được những trạng thái trí tuệ tâm linh minh mẫn tinh khiết trước khi ngủ và cho phép chúng sinh khởi trong khi ngủ mà không bị ảnh hưởng, dao động hay phân tâm gì hết thì giấc ngủ của ta sẽ trở thành một khối tinh khiết trong sáng tịnh như băng tuyết.

His Holiness Dalai LamaSleeping, Dreaming And Dying

Ngày 29 tháng Sáu,

Khi mắt nhìn thấy sắc, thấy sắc đẹp, hài lòng và tham đắm liền vào sắc: đó chính là sự ái nhiễm của mắt.  Tai nghe tiếng hay, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc chạm mềm mại, trơn láng, ý khởi lòng tham dục: đó chính là sự ái nhiễm của sáu căn khi xúc chạm sáu trần, phát sinh ra sáu thức; nhưng sáu trần đều không tồn tại lâu dài, thường hay thay đổi và gây ra đau khổ: đó chính là sự nguy hiểm của sáu trần tác động qua sáu căn. Nếu ta điều phục và từ bỏ được sự khát ái về sắc cũng như thanh, hương, vị, xúc thì pháp không nương vào đâu mà sinh khởi: đó chính là sự giải thoát khỏi sáu trần.    

Buddha, In The Connected Discourses of The Buddha            

Ngày 30 tháng Sáu,

Bất cứ hành nghiệp nào sinh khởi bởi tham, sân, si đều không phải là sự thực tập giáo pháp của Phật.

Lorne Ladner, Wheel of Great Compassion

 

Xem thêm:

365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương I

365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương II

365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương III

365 Ngày Pháp Vị – Josh Bartok – Chương IV