Kinh Bi Hoa – PHẨM THỨ TƯ – PHẦN II – BỒ TÁT THỌ KÝ

Kinh Bi Hoa - PHẨM THỨ TƯ - PHẦN II - BỒ TÁT THỌ KÝ

Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ tư là Năng- già-la phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.  Vị  này liền nghe theo lời khuyên ấy, cho đến phát nguyện được cõi thế giới thanh tịnh cũng đều giống như vương tử thứ ba.

“Khi ấy, đức Phật Bảo Tạng bảo vương tử Năng-già-la rằng: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Khi ông tu hành đạo Bồ Tát, dùng trí huệ kim cang mà phá trừ vô lượng vô biên các núi lớn phiền não của chúng sinh, làm nên những Phật sự lớn lao, rồi sau đó mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Vì thế, nay ta đặt tên ông là Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức.’

“Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Kim Cang  Trí  Huệ  Quang Minh Công Đức: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, khi bước vào số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phía đông của thế giới này, trải qua vô số thế giới như số bụi nhỏ trong các thế giới nhiều như số cát của mười con sông Hằng, có một thế giới tên là Bất Huyễn. Thiện nam tử! Ông sẽ ở trong cõi thế giới đó mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Những sự trang nghiêm tốt đẹp của cõi Phật ấy đều đúng như sở nguyện của ông, đầy đủ không có gì thiếu sót.’

“Thiện nam tử! Khi đức Như Lai Bảo Tạng thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam-bồ-đề  cho  Đại  Bồ  Tát  Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức thì giữa hư không liền có vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha chư thiên xuất hiện tán thán rằng: ‘Lành thay, lành thay!’ Và rải xuống như mưa đủ các loại hương bột chiên-đàn Ngưu Đầu, hương a-già-lưu, hương đa-già-lưu, hương đa-ma-la-bạt để cúng dường.

“Khi ấy, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân, nay con xin kính lễ chư Phật Thế Tôn, nguyện cho khắp các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều tràn ngập hương thơm nhiệm mầu của chư thiên. Hết thảy các loài chúng sinh đang ở các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, cho đến cõi trời, cõi người, nếu ngửi thấy hương thơm này thì mọi sự khổ não, bệnh tật của thân và tâm đều được lìa xa.’

“Thiện nam tử! Lúc đó, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức vừa phát nguyện xong liền cúi đầu sát đất lễ Phật.

“Khi ấy, trong các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng liền có hương thơm nhiệm mầu lan tỏa khắp nơi. Chúng sinh ngửi được hương thơm ấy đều được lìa xa hết thảy mọi sự khổ não của thân và tâm.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức thuyết kệ rằng:

Bậc Trí huệ Kim cang, Nay ông hãy đứng lên! Mười phương các cõi Phật, Đã tỏa hương nhiệm mầu, Giúp vô lượng chúng sinh, Được lìa khổ, hoan hỷ, Ông quyết sẽ thành Phật, Bậc Vô thượng thế gian.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

“Thiện nam tử! Lúc đó, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ năm là Vô Sở Uý phát tâm A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát nguyện được cõi thế giới thanh tịnh cũng như vậy.

Khi ấy, vương tử Vô Sở Uý đáp với Phạm-chí rằng: ‘Chỗ sở nguyện của tôi không muốn ở nơi cõi thế giới bất tịnh này mà thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.  Nguyện khi tôi thành Phật, trong cõi thế giới không có các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Mặt đất toàn bằng ngọc lưu ly quý màu xanh biếc. Nói rộng ra thì hết thảy đều giống như những sự trang nghiêm tốt đẹp ở thế giới Liên Hoa.’

Rồi vương tử Vô Sở Úy liền cầm hoa sen dâng lên đức Phật Bảo Tạng, thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện cho con được nương vào oai thần của Phật mà ở ngay trước Phật được nhìn thấy hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Lại nguyện cho không trung mưa xuống đủ mọi loại hoa sen, to lớn như bánh xe, đầy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng với số cát sông Hằng, cũng khiến cho con từ xa được nhìn thấy rõ tất cả.’

“Thiện nam tử! Vương tử Vô Sở Úy nói lời ấy xong, liền được nương oai thần của Phật tức thời được thấy hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Không trung liền mưa xuống đủ mọi loại hoa sen, to lớn như bánh xe, đầy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng với số cát sông Hằng, tất cả đại chúng đều được nhìn thấy từ xa. Thấy như vậy rồi đều sinh tâm hoan hỷ.

“Bấy giờ, Phật bảo vương tử Vô Sở Úy: ‘Thiện nam tử! Ông có thể phát khởi đại nguyện thâm sâu mầu nhiệm như thế, cầu được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, lại có thể tức thời được thấy hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Lời nguyện của ông không hề hư dối nên không trung mưa xuống vô số hoa sen như vậy.’

“Vương tử lại bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nguyện những hoa sen này đều dừng lại giữa hư không đừng rơi xuống.’ “Khi ấy, đức Phật Bảo Tạng bảo vương tử Vô Sở Úy: ‘Thiện nam tử! Ông chỉ một lời nguyện mà có thể tức thời khiến cho các hoa sen này được giữ lại như được ấn vào hư không. Vì thế, nay ta đặt hiệu cho ông là Hư Không Ấn.’

“Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Hư Không Ấn: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số  a-tăng-kỳ kiếp  nhiều như số cát sông Hằng, khi vào số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về hướng đông nam của cõi Phật này, trải qua trăm ngàn muôn ức cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng, có thế giới tên là Liên Hoa, ông sẽ ở thế giới đó thành tựu quả  A-nậu-đa-la  Tam-miệu Tam-bồ- đề, hiệu là Liên Hoa Tôn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Đại chúng của ông nơi thế giới ấy chỉ toàn là các vị Đại Bồ Tát, số đông vô lượng không thể kể xiết. Thọ mạng của Phật ấy là vô lượng vô biên. Sở nguyện của ông sẽ được thành tựu đầy đủ.’

“Khi ấy, Đại Bồ Tát Hư Không Ấn cúi đầu kính lễ đức Như Lai Bảo Tạng, rồi đứng dậy lui ra gần đó, chắp tay cung kính ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Bồ Tát Hư Không Ấn thuyết kệ rằng:

Thiện nam tử nên biết,

Tự làm lợi cho mình,

Dứt phiền não trói buộc,

Thường được sự tịch tĩnh,

Chỗ công đức có được,

Như số cát  sông  Hằng.

Thế giới nhiều như bụi,

Đều thành tựu chẳng mất.

Ông ở đời vị lai,

Sẽ thành đạo vô thượng.

Như chư Phật quá khứ,

Không có gì khác biệt.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Hư Không Ấn nghe kệ rồi liền sinh tâm hoan hỷ.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ sáu là Hư Không phát tâm A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát nguyện được cõi thế giới thanh tịnh cũng đều như vậy.

“Vương tử Hư Không liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Sở nguyện của con là không muốn thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất tịnh này. Chỗ phát nguyện của con về đại lược cũng giống như sự phát nguyện của Bồ Tát Hư Không Ấn.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện như vậy của con có thể thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện cho trong khắp các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng tự nhiên đều có những lọng quý nhiệm mầu bằng bảy món báu hiện ra đầy khắp trên hư không, có lưới bằng vàng ròng phủ lên trên lọng, có những chuông nhỏ bằng bảy món báu dùng để tô điểm trang nghiêm. Những chuông báu trên lọng này thường phát ra các âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, những âm thanh nói về sáu pháp ba-la-mật cùng với sáu thần thông,(1) mười sức,(2) vô uý(3)… Chúng sinh trong các thế giới được nghe những âm thanh ấy rồi liền  phát  tâm  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề. Phát tâm rồi liền được địa vị không còn thối chuyển. Những âm thanh Phật, Pháp, Tăng cho đến vô sở uý… đều vang ra khắp các thế giới mười phương. Nhờ oai thần của Phật nên tất cả chúng sinh đều có thể tự nghe được.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành tựu, được lợi ích bản thân mình, thì nguyện hôm nay con được phép Tam-muội Tri nhật. Nhờ sức tam-muội nên hết thảy các căn lành đều được tăng trưởng. Được phép tam-muội ấy rồi, nguyện chư Phật thọ ký cho con quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.’

“Khi vương tử Hư Không vừa nói ra lời nguyện ấy, liền nhờ oai thần của Phật mà tức thời được phép Tam-muội Tri nhật.

“Bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngợi vương tử Hư Không: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Chỗ phát nguyện của ông thật hết sức thâm sâu.’

“Nhờ nơi nhân duyên công đức thâm sâu, liền khiến cho tức thời trong khắp các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng tự nhiên đều có những lọng quý nhiệm mầu bằng bảy món báu hiện ra đầy khắp trên hư không, có lưới bằng vàng ròng phủ bên trên lọng, có những chuông nhỏ bằng bảy món báu dùng để tô điểm trang nghiêm. Những chuông báu trên lọng này thường phát ra các âm thanh Phật, Pháp, Tăng, cho đến âm thanh nói về pháp vô sở uý… Khi ấy có trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được nghe những âm thanh ấy rồi liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Sáu thần thông: xem chú giải ở trang 93.

(2) Tức Thập lực: xem chú giải ở trang 104.

(3) Vô úy: tức Tứ vô úy hay Tứ vô sở úy, xem chú giải ở trang 93.

“Đức Phật Bảo Tạng dạy: ‘Vì những việc ấy, nay ta đặt hiệu cho ông là Hư Không Nhật Quang Minh.’

“Bấy giờ, Phật bảo Đại Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh: ‘Trong đời vị lai, ông sẽ thành tựu quả vị A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương đông của thế giới này trải qua số cõi Phật nhiều như số cát của hai con sông Hằng, có thế giới tên là Nhật Nguyệt, ông sẽ ở trong thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề, hiệu là Pháp Tự Tại Phong Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Khi ấy, Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh được nghe thọ ký rồi liền cúi đầu làm lễ dưới chân đức Phật.

“Đức Thế Tôn liền vì Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh thuyết kệ rằng:

Ông nay hãy đứng lên,

Khéo dùng giới điều phục,

Tâm đại bi thuần thục,

Vì hết thảy chúng sinh,

Dứt trừ mọi  khổ  nạn,

Rốt cùng được giải thoát,

Trí huệ khéo phân biệt,

Nên đạt đạo Vô thượng.

“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ bảy là Thiện Tý phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề, cho đến phát nguyện được cõi Phật thanh tịnh.

“Khi ấy, vương tử Thiện Tý bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Sở nguyện của con là không muốn thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất tịnh này. Nguyện cho thế giới của con trong đời vị lai sẽ không có các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, không có nữ giới, cho đến không có cả tên gọi, cũng không có việc sinh ra từ bào thai; không có các núi Tu-di, núi Thiết vi lớn và nhỏ; không có những chỗ núi đồi, gò nổng, cát đá dơ xấu, gai góc, gió độc, rừng cây rậm rạp, biển cả, sông ngòi; không có mặt trời, mặt trăng, ngày đêm không phân biệt;(1) không có những chỗ tối tăm hôi hám.

“Các loài chúng sinh đều không có tất cả những sự bài tiết hôi hám, từ đại, tiểu tiện cho đến khạc nhổ, chảy nước mũi… Thân và tâm không phải nhận chịu những điều không vui, khổ não. Đất đai toàn bằng mã não, không có các thứ bụi đất, chỉ dùng toàn trăm ngàn vô lượng các thứ trân bảo để trang nghiêm tốt đẹp. Không có các loại cây cỏ, chỉ có loài hoa xinh đẹp nhiệm mầu là mạn-đà-la hoa cùng với đủ các loại cây báu để tô điểm trang nghiêm. Bên dưới những cây báu đều có lọng quý tuyệt đẹp. Lại có đủ các loại áo quý, vòng hoa, đủ mọi thứ chuỗi anh lạc, hương hoa, kỹ nhạc, các món báu vật, các hoa báu xinh đẹp… dùng những thứ như vậy để tô điểm, trang sức cho cây báu.

(1) Không có mặt trời, mặt trăng, ngày đêm không phân biệt: có nghĩa là ở thế giới ấy luôn được chiếu sáng bởi hào quang của Phật và các vị Bồ Tát nên không có sự phân biệt ngày và đêm.

“Trong thế giới ấy không có sự phân biệt ngày đêm, chỉ dựa vào sự nở ra hay khép lại của hoa mà biết được thời gian. Khi hoa khép lại, có các vị Bồ Tát tự nhiên sinh ra giữa hoa. Khi sinh ra rồi, liền được thấy đủ các sự trang nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Nhờ sức tam-muội lại được nhìn thấy chư Phật hiện tại trong vô số thế giới mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ, ở nơi tam-muội ấy chỉ trong khoảnh khắc của một niệm được có đủ sáu thần thông.

“Nhờ có thiên nhĩ thông nên nghe được tất cả âm thanh thuyết pháp của chư Phật hiện tại trong các thế giới mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ. Nhờ có trí huệ của túc mạng thông nên biết được hết thảy những sự việc trong vô lượng kiếp quá khứ nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi Phật. Nhờ có thiên nhãn thông nên thấy được đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của tất cả các thế giới chư Phật trong mười phương. Nhờ có trí huệ tha tâm thông nên chỉ trong thời gian một niệm có thể biết được mọi suy nghĩ niệm tưởng của chúng sinh nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi Phật. Mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng chẳng bao giờ mất đi phép tam-muội này.

“Vào lúc sáng sớm, bốn phương đều có những cơn gió nhẹ trong sạch thổi đến, mang theo hương thơm mầu nhiệm và tung rải các loại hoa. Do sức của gió này, các vị Bồ Tát liền ra khỏi tam-muội, rồi tức thời được sức Như ý thông.(1) Nhờ sức thần thông này nên chỉ trong khoảnh khắc của một niệm có thể đi đến khắp các cõi Phật trong mười phương, ở mỗi phương đều trải qua số thế giới nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi Phật. Đi đến rồi liền cúng dường chư Phật Thế Tôn trong hiện tại, thưa hỏi và nhận lãnh chánh pháp nhiệm mầu, rồi chỉ trong khoảng thời gian một niệm lại trở về cõi thế giới của mình không một chút khó khăn trở ngại.

“Các vị Bồ Tát đều ngồi kết già giữa các đài hoa mạn-đà- la ma-ha mạn-đà-la để tư duy về các pháp môn. Nếu có vị nào muốn được nhìn thấy con đang ở đâu, liền tùy theo chỗ vị ấy đang hướng về mà đều được nhìn thấy. Nếu đối với pháp sâu xa còn có chỗ nghi trệ, được thấy con rồi sẽ tức thời dứt hết. Nếu có chỗ ý nghĩa cần thưa hỏi, muốn được nghe thuyết pháp, nhìn thấy con rồi liền được thấu hiểu, không còn nghi ngờ gì nữa.

“Các vị Bồ Tát ở thế giới ấy đều thấu hiểu sâu xa về ý nghĩa không có ngã ngã sở, cho nên có thể xả bỏ thân thể, mạng sống, chắc chắn không bao giờ còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế giới ấy không có hết thảy những tên gọi bất thiện, cũng không có những tên gọi như thọ giới, phạm giới, phá giới, hối lỗi… Thân thể của tất cả chúng sinh đều có đủ ba mươi hai tướng tốt,(2)   được sức mạnh như lực sĩ na-la-diên cõi trời, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề cũng không có bất cứ ai bị thiếu khuyết sáu căn.(1)

(1) Như ý thông: tên gọi khác của Thần túc thông. Xem chú giải ở trang 89.

(2) Ba mươi hai tướng tốt: Xem chú giải ở trang 88.

“Chúng sinh ở thế giới ấy vừa sinh ra thì râu tóc tự rụng mất, trên người liền có đủ ba tấm pháp y,(2) được phép tam- muội Thiện phân biệt, rồi mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng không bao giờ mất đi. Những chúng sinh ấy thảy đều được hòa hợp tất cả các căn lành, không có bất cứ người nào phải chịu các nỗi khổ già, bệnh, chết.

“Các vị Bồ Tát đến lúc mạng chung liền ngồi kết già, nhập hỏa định(3) tự thiêu thân xác. Thiêu thân xác rồi, từ bốn phương liền có gió mát thổi đến nơi ấy, đưa xá-lợi(4) của Bồ Tát đến những thế giới không có Phật ở khắp mười phương. Không bao lâu, xá-lợi ấy liền biến thành bảo châu ma-ni, cũng giống như bảo châu của vị Chuyển luân Thánh vương. Nếu có chúng sinh nào nhìn thấy hoặc được sờ vào bảo châu ma-ni ấy liền không còn phải đọa vào trong ba đường ác, rồi mãi cho đến khi được thành tựu Niết-bàn không lúc nào còn phải nhận chịu các sự khổ não, liền được xả bỏ thân ấy mà sinh về nơi hiện đang có Phật thuyết pháp ở phương khác, thưa hỏi và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, liền được địa vị không còn thối chuyển.

(1) Sáu căn: xem chú giải ở trang 326.

(2) Ba tấm pháp y: xem chú giải ở trang 346.

(3) Hỏa định: hay Hỏa tam-muội, cũng gọi là Hỏa sinh tam-muội, là phép nhập định mà hành giả có thể tùy ý phát sinh ra lửa tam-muội.

(4) Xá-lợi: cũng gọi là ngọc xá-lợi, là phần còn lại sau khi thiêu xác của một vị tu hành chứng đạo, vì đó là phần mà lửa không thể thiêu mất được.

“Chúng sinh ở thế giới ấy vào lúc mạng chung tâm nhập thiền định, không có sự tán loạn, không phải chịu những nỗi khổ như yêu mến phải xa lìa… Sau khi mạng chung không phải sinh vào nơi có tám nạn,(1) nơi không có Phật ra đời, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề thường được gặp Phật, được thưa hỏi và thọ nhận chánh pháp, cúng dường chúng tăng.

“Hết thảy chúng sinh ở thế giới ấy đều đã lìa xa tham dục, sân khuể, ngu si, ân ái,  tật  đố,  vô  minh,  kiêu  mạn. Trong thế giới không có các hàng Thanh văn, Duyên giác.(2) Hết thảy đại chúng ở đó chỉ thuần là các vị Đại Bồ Tát, đầy khắp cõi thế giới. Tâm ý các vị đều nhu nhuyễn, không có sự nhiễm ô vì ái dục, được các phép tam-muội, kiên định vững chắc, không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.

“Thế giới ấy chỉ thuần có ánh sáng thanh tịnh soi chiếu. Các cõi Phật khác trong khắp mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ thảy đều nghe biết và nhìn thấy thế giới của con.

“Thế giới của con có loại hương thơm mầu nhiệm tỏa khắp các cõi thế giới Phật khác trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ. Chúng sinh ở thế giới của con thường được khoan khoái vui vẻ, chưa từng nghe biết đến việc nhận chịu khổ não.

“Bạch Thế Tôn! Thời gian tu hành đạo Bồ Tát của con không hề có giới hạn, miễn sao có thể trang nghiêm được cõi Phật thanh tịnh như thế. Con sẽ khiến cho hết thảy các loài chúng sinh đều được thanh tịnh, đầy khắp trong cõi nước, rồi sau đó con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Tám nạn: xem chú giải ở trang 95.

(2) Không có Thanh văn, Duyên giác: tức là không có giáo pháp Tiểu thừa, chỉ toàn những chúng sinh tin theo và tu tập Đại thừa.

“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sẽ phóng ra vô lượng vô biên đạo hào quang sáng rực, chiếu khắp các cõi Phật mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một ngàn cõi Phật, khiến cho chúng sinh trong các thế giới ấy đều từ xa được nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt(1) của con, tức thời được dứt trừ tham dục, sân khuể, ngu si, tật đố, vô minh, kiêu mạn, hết thảy phiền não, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, theo như chỗ mong cầu liền được phép Đà-la-ni, Tam-muội, Nhẫn nhục.

“Khi được nhìn thấy con rồi, hết thảy những chúng sinh ở trong địa ngục Hàn băng(2) liền được vui sướng ấm áp, giống như vị Bồ Tát nhập cảnh giới thiền thứ hai.(3) Những chúng sinh ấy được nhìn thấy con nên thân tâm đều được thọ hưởng niềm vui sướng nhiệm mầu bậc nhất, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.  Đến  khi  mạng chung chắc chắn sẽ được sinh về cõi Phật của con. Sinh về đó rồi liền được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Hết thảy những chúng sinh ở cảnh giới địa ngục Nhiệt(4) cũng được như vậy. Cho đến những chúng sinh ở các cảnh giới súc sinh, ngạ quỷ cũng đều được như vậy.

(1) Ba mươi hai tướng tốt: Xem chú giải ở trang 88.

(2) Địa ngục Hàn băng: Cảnh giới địa ngục mà chúng sinh trong đó phải chịu khổ não vì sự rét buốt, lạnh giá.

(3) Cảnh giới thiền thứ hai: Mức thiền định thứ hai trong Tứ thiền. Xem chú giải ở trang 203.

(4) Địa ngục Nhiệt: Cảnh giới địa ngục mà chúng sinh trong đó phải chịu khổ não vì sự nóng bức, thiêu đốt.

“Khi ấy, chư thiên cõi trời đều được nhìn thấy ánh sáng rực rỡ tăng thêm gấp bội.

“Nguyện cho thọ mạng của con là vô lượng vô biên, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí.

“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới mười phương đều xưng tán, ngợi khen con. Những chúng sinh ở các thế giới ấy nếu được nghe những lời ngợi khen xưng tán con liền phát nguyện tạo các căn lành để mau chóng được sinh về thế giới của con, rồi sau khi mạng chung thảy đều sẽ được sinh về thế giới của con, chỉ trừ những kẻ phạm năm tội nghịch, hủy hoại chánh pháp, phỉ báng các bậc thánh nhân.

“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, những chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương, nếu được nghe tiếng con, phát nguyện muốn sinh về cõi thế giới của con, thì những chúng sinh ấy vào lúc lâm chung đều sẽ được nhìn thấy con cùng với tất cả đại chúng vây quanh. Vào lúc đó, con sẽ nhập Tam-muội Vô ế.(1) Nhờ sức tam-muội nên có thể hiện đến trước các chúng sinh ấy, vì họ mà thuyết pháp. Các chúng sinh ấy nhờ được nghe thuyết pháp nên liền được trừ dứt hết thảy mọi khổ não, trong lòng vô cùng hoan hỷ. Nhờ tâm hoan hỷ nên liền được phép tam-muội Bảo điền. Nhờ sức tam-muội nên tâm đạt được niệm Vô sinh nhẫn.(2)

(1) Vô ế: không có sự ngăn che. Tam muội Vô ế: phép tam muội giúp hành giả trừ hết mọi sự ngăn che, trở nên sáng suốt và có thể tùy ý thực hiện mọi việc không ngăn ngại.

(2) Vô sinh nhẫn: tức Vô sinh pháp nhẫn, xem chú giải ở trang 93.

Sau khi mạng chung chắc chắn sẽ được sinh về thế giới của con.

“Nếu như có những chúng sinh ở các cõi thế giới khác không có bảy thánh tài,(1) không muốn tu tập hành trì giáo pháp trong Ba thừa,(2) không muốn được thọ sinh trong hai cõi trời, người; cũng không tu hành hết thảy mọi căn lành cùng với ba điều phúc,(3) làm những việc trái với chánh pháp, tham đắm ái dục nhơ bẩn, chỉ toàn làm theo tà kiến. Những chúng sinh như thế, nguyện khi con nhập Tam-muội Vô phiền não sẽ dùng sức tam-muội mà khiến cho họ khi mạng chung được thấy con và đại chúng ở trước mặt, vì họ mà thuyết giảng diệu pháp, lại vì họ mà thị hiện cho thấy cõi Phật  thanh tịnh, khuyến khích họ phát tâm  A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Những chúng sinh ấy được nghe pháp rồi liền đối với con sinh lòng tin sâu vững, trong tâm được hoan hỷ, an lạc, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Con sẽ khiến cho những chúng sinh ấy được trừ dứt mọi khổ não. Trừ dứt khổ não rồi, liền được phép Tam-muội Nhật đăng quang minh, trừ dứt mọi sự ngu si tăm tối, sau khi mạng chung liền sinh về thế giới của con.’

(1) Bảy thánh tài (Thất thánh tài): Bảy món tài bảo của bậc thánh hoặc người tu tập hướng đến thánh quả, nên cũng gọi là Bảy tài bảo (Thất tài bảo), thường gọi tắt là Thất tài. Phạn ngữ là saptadhanāṇi, chỉ bảy điều quý giá nhất của người tu học, đó là:

  1. Tín (śraddhādhana): lòng tin vững chắc là của báu.
  2. Giới (śīladhana): lấy giới luật thanh tịnh làm của báu.
  3. Tàm (hrīdhana): biết cung kính, tùy thuận người có đức hạnh, tự thấy hổ thẹn về việc xấu đã làm, đó là của báu.
  4. Quí (apatrapādhana): biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ với người khác khi làm việc xấu, đó là của báu.
  5. Đa văn (śrutadhana): lấy việc được nghe thuyết pháp, hiểu biết rộng là của báu.
  6. Bố thí (tyāgadhana): xem việc bố thí là của báu.
  7. Trí huệ (prajñādhana): xem trí huệ là của báu.

(2)Ba thừa: gồm Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa. Ba thừa chỉ chung cả Đại thừa và Tiểu thừa.

(3) Ba điều phúc (Tam phúc xứ): xem chú giải ở trang 206.

Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Nay ông có thể phát khởi lời nguyện lớn lao và nhiệm mầu đến thế!’

“Vương tử Thiện Tý liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện cho các cõi thế giới Phật trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ đều sẽ có mưa xuống hương ưu-đà-la-bà-la cùng với hương chiên-đàn, hương chiên-đàn Ngưu Đầu, đủ các loại hương bột. Nếu có các chúng sinh ở mỗi thế giới ấy ngửi được mùi hương ấy liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Nguyện cho con nay được Tam-muội Kim cang nguyện. Nhờ sức tam-muội nên có thể từ xa trông thấy trời mưa các loại hương ấy xuống những thế giới ấy.’

“Thiện nam tử! Khi vương tử Thiện Tý nói ra lời ấy rồi, liền tức thời được tam-muội, tự thấy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ, có các loại hương ưu-đà-la-bà-la, hương chiên-đàn, hương   chiên-đàn   Ngưu Đầu, đủ các loại hương bột, cùng thấy được vô số chúng sinh nhiều không thể tính đếm ở khắp mọi phương, thảy đều chắp tay cung kính phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề.

“Đức Như Lai Bảo Tạng bảo vương tử Thiện Tý: ‘Thiện nam tử! Sở nguyện của ông đã được thành tựu. Không trung mưa xuống đủ các loại hương thơm mầu nhiệm, có vô số chúng sinh nhiều không thể tính đếm đều chắp tay cung kính phát tâm A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề.  Vì  thế,  nay ta đặt hiệu cho ông là Sư Tử Hương. Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương trên của thế giới này, trải qua các cõi Phật nhiều như những hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một thế giới tên là Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Quang Minh Vô Cấu Kiên Hương Phong Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh  túc,  Thiện  thệ,  Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Bồ Tát Sư Tử Hương liền cúi đầu sát đất kính lễ đức Như Lai Bảo Tạng.

“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng Bồ Tát Sư Tử Hương thuyết kệ rằng:

Bậc thầy cõi trời, người,

Nay ông hãy đứng dậy!

Thọ nhận sự cúng dường,

Độ người thoát sinh tử,

Khiến lìa mọi đau khổ,

Dứt trói buộc, phiền não,

Đời vị lai sẽ thành,

Tôn quý trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Hương nghe kệ rồi trong lòng hết sức hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, rồi lui ra gần đó ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ tám là Mẫn-đồ phát tâm Bồ-đề, cho đến phát nguyện nhận lấy cõi Phật của mình.

“Vương tử Mẫn-đồ nghe lời khuyên ấy rồi, liền bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Sở nguyện của con là ở ngay nơi thế giới bất tịnh này để tu hành đạo Bồ Tát, lại còn tu sửa trang nghiêm cho mười ngàn thế giới bất tịnh, khiến cho đều được trang nghiêm thanh tịnh giống như thế giới Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu. Con cũng sẽ giáo hóa vô số các vị Bồ Tát khiến cho đều được tâm thanh tịnh, không có mọi sự cấu uế, thảy đều hướng theo Đại thừa. Những Bồ Tát như thế đầy khắp trong cõi thế giới của con, sau đó con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Nguyện khi con tu hành đạo Bồ Tát phải vượt trội hơn so với các vị Bồ Tát khác.

“Thế Tôn! Trong bảy năm qua con đã ngồi ngay ngắn tư duy về những công đức thanh tịnh của chư Phật, Bồ Tát, cùng với đủ mọi công đức trang nghiêm tốt đẹp của các cõi Phật. Khi ấy con liền được thấy đủ mọi sự trang nghiêm của các phép tam-muội, bằng với mười một ngàn môn tam-muội của hàng Bồ Tát tu hành tinh tấn.

“Thế Tôn! Con cũng nguyện cho các vị Bồ Tát trong tương lai khi tu hành đạo Bồ Tát thảy đều được các phép tam- muội như vậy.

“Thế Tôn! Nguyện cho con đạt được Tam-muội Xuất ly tam thế thắng tràng. Nhờ sức tam-muội nên thấy được khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật trong mười phương, tại mỗi thế giới ấy đều có chư Phật hiện tại, lìa khỏi ba đời(1) vì chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp.

“Thế Tôn! Nguyện cho con đạt được Tam-muội Bất thối. Nhờ sức tam-muội nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết các vị Phật và Bồ Tát số nhiều như những hạt bụi nhỏ, cùng với chúng Thanh văn cung kính vây quanh. Nguyện cho con ở chỗ mỗi một vị Phật ấy đều đạt được Tam-muội Vô y chỉ. Nhờ sức tam-muội nên có thể biến hóa thành những hóa thân, cùng lúc hiện đến chỗ các đức Như Lai nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật để cúng dường lễ bái. Nguyện cho mỗi một hóa thân ấy đều dùng đủ mọi thứ trân bảo quý giá nhất, cùng với các thứ hương hoa, hương phết,(2) hương bột, những âm nhạc nhiệm mầu thù thắng, đủ mọi cách trang nghiêm tốt đẹp để dâng lên cúng dường hết thảy chư Phật.

“Thế Tôn! Nguyện cho mỗi một hóa thân của con ở chỗ của mỗi một vị Phật đều trải qua số kiếp nhiều như số giọt nước trong biển cả để tu hành đạo Bồ Tát.

“Nguyện cho con được Tam-muội Nhất thiết thân biến hóa. Nhờ sức của tam-muội nên chỉ trong thời gian một niệm có thể ở trước mỗi một đức Phật mà biết được hết thảy các thế giới của chư Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật.

“Thế Tôn! Nguyện cho con được phép tam-muội Công đức lực. Nhờ sức của tam-muội nên có thể ở nơi trước mỗi một đức Phật mà hiện đến chỗ của chư Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật, dùng những lời ngợi khen xưng tán vi diệu để xưng tán chư Phật.

(1) Lìa khỏi ba đời (xuất ly tam thế): không còn có quá khứ, hiện tại hay tương lai, vì đã đạt được chân lý thường hằng bất biến.

(2) Hương phết: dạng bột hương thơm được chế biến để xoa phết lên thân thể hoặc các tượng thờ.

“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Bất huyễn. Nhờ sức của tam-muội nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết được chư Phật đầy khắp trong vô lượng vô biên thế giới mười phương.

“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Vô tránh. Nhờ sức của tam-muội nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết được những thế giới thanh tịnh nhiệm mầu của chư Phật trong hiện tại, quá khứ và vị lai.

“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Thủ lăng nghiêm. Nhờ sức của tam-muội nên có thể biến hóa thành thân của chúng sinh địa ngục, vào trong địa ngục thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu cho chúng sinh trong đó, khuyến khích và làm cho họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Những chúng sinh ấy được nghe chánh pháp rồi liền nhanh chóng phát tâm Bồ-đề Vô thượng, liền đó mạng chung sinh lên cõi người, rồi tùy nơi sinh ra thường được gặp Phật. Tùy chỗ gặp Phật được nghe thuyết pháp; nghe nhận chánh pháp rồi liền trụ yên nơi địa vị không còn thối chuyển.

“Đối với tất cả các loài chúng sinh như càn-thát-bà, a-tu- la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già,  loài  người,  loài phi nhân… cho đến chư thiên, rồng, quỷ thần, dạ-xoa, la- sát, tỳ-xá-già,(1) phú-đan-na,(2) già-trá phú-đan-na, đồ-sát, khôi quái, thương giá, dâm nữ, súc sinh, ngạ quỷ… cũng đều như thế, đều khuyến khích giáo hóa, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Tỳ-xá-già: xem chú giải ở trang 317.

(2) Phú-đan-na: phiên âm từ Phạn ngữ là Ptana, cũng đọc là Bố-đát-na, dịch nghĩa là xú quỷ hay xú uế quỷ. Loài quỷ này tuy thân hình xấu xí hôi hám nhưng lại là loài có phước đức cao nhất trong các loài ngạ quỷ.

“Lại có những chúng sinh tùy chỗ sinh ra mà có những hình tướng khác nhau, con nguyện sẽ phân thân hóa thành giống họ, cùng làm những nghề nghiệp như họ, cùng nhận chịu những nỗi khổ, niềm vui như họ. Nguyện cho con biến hóa ra những thân như vậy để tùy theo việc làm mà giáo hóa những chúng sinh ấy.

“Thế Tôn! Nếu có những chúng sinh dùng các ngôn ngữ khác nhau, nguyện con sẽ có thể tùy theo từng loại ngôn ngữ ấy mà thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho tất cả đều được hoan hỷ. Nhân nơi sự hoan hỷ ấy liền khuyến khích họ phát tâm, trụ yên trong chánh pháp, khiến cho đạt được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Con nguyện sẽ giáo hóa cho tất cả chúng sinh trong mười ngàn cõi Phật, khiến cho được tâm thanh tịnh không còn hết thảy mọi nghiệp tạo tác và các độc phiền não, cho đến dù chỉ một người cũng không để cho bốn thứ ma(1) não hại, huống chi là nhiều người?

“Nếu như con đã trang nghiêm tốt đẹp cho mười ngàn cõi Phật, khiến được thanh tịnh như thế giới Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu của Phật Quang Minh Vô Cấu Tôn Hương Vương, được đủ mọi sự trang nghiêm vi diệu như thế giới ấy, rồi sau đó bản thân con và quyến thuộc sẽ phát những đại nguyện giống như vị Bồ Tát Sư Tử Hương kia.(1)

(1) Bốn thứ ma: chỉ các nguyên nhân gây khổ não cho chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi, bao gồm:

1. Phiền não ma: các phiền não gây đau khổ, như tham lam, sân hận, si mê.

2. Ấm ma: ma ngũ ấm, tức sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Những yếu tố này biến đổi không ngừng, không phải thực có, nhưng chúng sinh chấp chặt đó là bản ngã của mình nên phải chịu khổ não.

3. Tử ma: ma chết, cướp mất sinh mạng trong khi chúng sinh luôn ham muốn được sống.

4. Thiên ma: tức Ma vương ở cõi trời Tha hóa tự tại, luôn tạo ra những khó khăn, trở ngại để thách thức, não hại người tu tập.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành tựu, được lợi ích bản thân, xin nguyện cho những chúng sinh trong mười ngàn cõi Phật đều được dứt hết mọi khổ não, được tâm nhu nhuyễn, được tâm điều phục, mỗi chúng sinh đều có thể tự ở nơi Bốn cõi thiên hạ của mình mà thấy được đức Phật Thế Tôn hiện đang thuyết pháp. Hết thảy chúng sinh lại tự nhiên có được đủ các loại trân bảo, hương hoa, hương bột cùng với hương phết, đủ mọi thứ y phục, cờ phướn… Mỗi chúng sinh đều dùng những thứ ấy để cúng dường đức Phật. Cúng dường Phật rồi, thảy đều phát tâm Bồ-đề Vô thượng.

“Bạch Thế Tôn! Nguyện cho con nay sẽ được sức Tam- muội Kiến chủng chủng trang nghiêm, từ xa nhìn thấy hết thảy những việc như thế.’

“Vương tử vưa nói xong liền đúng như sở nguyện được nhìn thấy tất cả.

“Khi ấy, đức Thế Tôn khen ngợi vương tử Mẫn-đồ: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Thế giới của ông bao quanh bốn phía có mười ngàn cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, trong đời vị lai lại sẽ giáo hóa vô lượng chúng sinh, khiến cho được tâm thanh tịnh, lại sẽ cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn.

(1) Đại nguyện của Bồ Tát Sư Tử Hương như vừa trình bày ở đoạn trước là được cõi Phật thanh tịnh với đủ mọi sự trang nghiêm vi diệu. Vị vương tử này phát nguyện trước tiên sẽ tu hành đạo Bồ Tát ở cõi Phật bất tịnh, giáo hóa cho chúng sinh ở cõi bất tịnh, cho đến khi có thể chuyển hóa được mọi thứ trở thành thanh tịnh trang nghiêm rồi sau đó mới nguyện được cõi Phật thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy, nay ta đổi tên cho ông là Phổ Hiền. Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, trong khoảng sau cuối của số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương bắc của thế giới này, trải qua số cõi Phật nhiều như số cát của sáu mươi con sông Hằng, có thế giới tên là Tri Thủy Thiện Tịnh Công Đức, ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề, hiệu là Trí Cang Hống Tự Tại Tướng Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc,  Thiện  thệ,  Thế  gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng  phu,  Thiên  nhân  sư, Phật Thế Tôn.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, Đại Bồ Tát Phổ Hiền liền cúi đầu sát đất lễ kính đức Phật Bảo Tạng.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng Bồ Tát Phổ Hiền thuyết kệ rằng:

Đạo sư hãy đứng lên!

Ông đã được như nguyện,

Khéo điều phục chúng sinh,

Khiến cho được nhất tâm,

Vượt qua sông phiền não,

Thoát khỏi mọi điều ác.

Mai sau làm đuốc sáng,

Soi khắp cõi trời, người.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, trong pháp hội có mười ngàn người sinh tâm nôn nóng không muốn đợi lâu, liền đồng thanh bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Chúng con vào đời vị lai nguyện cũng sẽ ở nơi cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh như vậy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề, cũng nguyện tu tập trang nghiêm các cõi thế giới giống như Bồ Tát Phổ Hiền.

“Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện sẽ tu tập đầy đủ sáu pháp ba-la-mật. Nhờ đầy đủ sáu pháp ba-la-mật nên mỗi người chúng con đều sẽ được ở nơi các cõi Phật mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai Bảo Tạng liền vì mười ngàn người ấy mà thọ ký: ‘Các thiện nam tử! Khi Bồ Tát Phổ Hiền thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, các ông sẽ ở trong mười ngàn cõi Phật thanh tịnh mà Bồ Tát Phổ Hiền đã tu tập trang nghiêm, cùng lúc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trong đó có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Trí Sí Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Tăng Tướng Tôn Âm Vương.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Thiện Vô Cấu Tôn Âm Vương.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Ly Bố Uý Tôn Âm Vương.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Thiện Vô Cấu Quang Tôn Âm Vương.

“Lại có năm trăm người thành Phật cùng hiệu là Nhật Âm Vương.

“Lại có năm trăm người thành Phật cùng hiệu là Nhật Tạng Tôn Vương.

“Lại có năm người thành Phật cùng hiệu là Lạc Âm Tôn Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Nhật Quang Minh.

“Lại có bốn người thành Phật cùng hiệu là Long Tự Tại.

“Lại có tám người thành Phật cùng hiệu là Ly Khủng Bố Xứng Vương Quang Minh.

“Lại có mười người thành Phật cùng hiệu là Ly Âm Quang Minh.

“Lại có tám người thành Phật cùng hiệu là Âm Thanh Xưng.

“Lại có mười một người thành Phật cùng hiệu là Hiển Lộ Pháp Âm.

“Lại có chín người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Pháp Xứng Vương.

“Lại có hai mươi người thành Phật cùng hiệu là Bất Khả Tư Nghị Vương.

“Lại có bốn mươi người thành Phật cùng hiệu là Bảo Tràng Quang Minh Tôn Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Giác Tri Tôn Tưởng Vương.

“Lại có bảy người thành Phật cùng hiệu là Bất Khả Tư Nghị Ý.

“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Trí Tạng.

“Lại có mười lăm người thành Phật cùng hiệu là Trí Sơn Tràng.

“Lại có năm mươi người thành Phật cùng hiệu là Trí Hải Vương.

“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Đại Lực Tôn Âm Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Sơn Công Đức Kiếp.

“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Thanh Tịnh Trí Cần.

“Lại có chín mươi người thành Phật cùng hiệu là Tôn Tướng Chủng Vương.

“Lại có một trăm người thành Phật cùng hiệu là Thiện Trí Vô Cấu Lôi Âm Tôn Vương.

“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Thắng Tôn Đại Hải Công Đức Trí Sơn Lực Vương.

“Lại có bốn mươi người thành Phật cùng hiệu là Vô Thượng Bồ-đề Tôn Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Tri Giác Sơn Hoa Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Sơn Trí Giác.

“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Kim Cang Sư Tử.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Trì Giới Quang Minh.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Thị Hiện Tăng Ích.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Lượng Quang Minh.

“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Du Hý.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Tận Trí Sơn.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Bảo Quang Minh.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Cấu Trí Huệ.

“Lại có chín người thành Phật cùng hiệu là Trí Huệ Quang Minh.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Xứng.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Biến Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vũ Pháp Hoa.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tạo Quang Minh.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tăng Ích Sơn Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Xuất Pháp Vô Cấu Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Hương Tôn Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Cấu Mục.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Đại Bảo Tạng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Lực Vô Chướng Ngại Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tự Tri Công Đức Lực.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Y Phục Tri Túc.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Đức Tự Tại.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Chướng Ngại Lợi Ích.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Huệ Tạng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Đại Sơn Vương. “Lại có một người thành Phật hiệu là Lực Tạng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Cầu Công Đức.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoa Tràng Chi.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Chúng Quang Minh.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Ngại Công Đức Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Kim Cang Thượng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Pháp Tướng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tôn Âm Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Kiên Trì Kim Cang.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trân Bảo Tự Tại Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Kiên Tự Nhiên Tràng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Sơn Kiếp.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vũ Ngu Lạc.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tăng Ích Thiện Pháp.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Sa-la Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Biến Mãn Đại Hải Công Đức Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Huệ Hòa Hợp.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Sí.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoa Chúng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Thế Gian Tôn.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Ưu-đàm-bát Hoa Tràng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Pháp Tràng Tự Tại Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Chiên-đàn Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Trụ.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tinh Tấn Lực.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tràng Đẳng Quang Minh.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Bộ.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Hải Tràng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Diệt Pháp Xứng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoại Ma Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Chúng Quang Minh.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Xuất Trí Quang Minh.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Huệ Đăng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là An Ẩn Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Âm.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Tràng Nhiếp Thủ.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiên Kim Cang.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Chủng Chủng Trang Nghiêm Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Thắng Trí.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Trụ Ý.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Nguyệt Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Thắng Bộ Tự Tại Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Sa-lân-đà Vương.

“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Bộ Vương.

“Lại có năm mươi người thành Phật cùng hiệu là Na-la- diên Vô Thắng Tạng.

“Lại có bảy mươi người thành Phật cùng hiệu là Tụ Tập Trân Bảo Công Đức.

“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Quang Minh Tạng.

“Lại có hai mươi người thành Phật cùng hiệu là Phân Biệt Tinh Tú Xưng Vương.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Lực Sa-la Vương.

“Lại có chín mươi người thành Phật cùng hiệu là Vi Diệu Âm.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Phạm Tăng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Đề-đầu-lại-trá Vương.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Liên Hoa Hương Trạch Xưng Tôn Vương.

“Lại có sáu mươi người thành Phật cùng hiệu là Quang Minh Sí Đăng Vương.

“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Liên Hoa Hương Lực Tăng.

“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Lượng Công Đức Đại Hải Trí Tăng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Diêm-phù-âm.

“Lại có một trăm lẻ ba người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Sơn Tràng.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Sư Tử Tướng.

“Lại có một trăm lẻ một người thành Phật cùng hiệu là Long Lôi Tôn Hoa Quang Minh Vương.

“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Thú Chủng Vô Ngã Cam Lộ Công Đức Kiếp Vương.

“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Ly Pháp Trí Long Vương Giải Thoát Giác Thế Giới Hải Nhãn Sơn Vương.

“Tất cả đều có đủ mười hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Hết thảy các vị Phật này đều trong cùng một ngày, một giờ, mỗi vị ở nơi thế giới của mình mà thành tựu quả A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thọ mạng của mỗi vị đều là mười trung kiếp, đều nhập Niết-bàn trong cùng một ngày. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, sau bảy ngày chánh pháp sẽ diệt mất.

“Thiện nam tử! Khi ấy, mười ngàn người cùng hướng về đức Phật Bảo Tạng, cúi đầu làm lễ.

“Bấy giờ, đức Thế Tôn vì mười ngàn người ấy thuyết kệ rằng:

Long vương hãy đứng lên!

Được kiên cố tự tại,

Phát nguyện lành vô thượng,

Thanh tịnh và  hòa  hợp,

Dụng ý của các ông, 

Gấp rút như gió mạnh,

Tinh tấn và chuyên cần,

Tu học pháp Lục độ,

Đời vị lai sẽ thành,

Tôn quý trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Khi ấy, mười ngàn người cùng nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vương tử thứ chín là Mật-tô phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát nguyện được cõi Phật.

“Khi ấy, vương tử Mật-tô bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Khi con tu hành đạo Bồ Tát, nguyện được hết thảy chư Phật hiện tại trong các thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng vì con mà chứng minh, nay con ở trước Phật phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Nguyện trong khi con tu hành đạo Bồ Tát cho đến khi thành Phật, chẳng bao giờ sinh tâm hối tiếc, đến khi thành Phật cũng vẫn thường trụ yên nơi nhất tâm, không có sự thối chuyển, luôn theo đúng như sự thuyết dạy mà làm, theo đúng như việc làm mà thuyết dạy, cho đến chẳng có một người nào đến làm não hại tâm con. Con rốt ráo chẳng cầu Thanh văn, Duyên giác, chẳng khởi tâm dâm dục, chẳng khởi các tư tưởng ác. Con cũng chẳng bao giờ để tâm rơi vào những trạng thái mê ngủ, kiêu căng, ngạo mạn, nghi ngờ, hối tiếc… cũng chẳng sinh khởi những tâm tham lam, dâm dục, giết hại, trộm cắp, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời không chân chánh,(1) sân hận, tà kiến, ganh ghét; cũng chẳng bao giờ dám khi dễ, xem nhẹ chánh pháp.

“Trong suốt thời gian con tu hành đạo Bồ Tát cho đến thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện không sinh khởi các pháp xấu ác như vậy, cho đến thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, mỗi bước chân đi vẫn thường niệm tưởng chánh pháp, niệm tưởng chư Phật, được thấy chư Phật, thưa hỏi và nhận lãnh chánh pháp nhiệm mầu, cúng dường chúng tăng.

“Mỗi khi con sinh ra ở bất cứ đâu, nguyện thường xuất gia tu tập. Ngay khi xuất gia liền tự nhiên có đủ ba tấm phấn tảo y,(2) thường ngồi tư duy một mình dưới gốc cây, ở nơi thanh vắng tịch tĩnh thường thực hành việc khất thực, không cầu được lợi dưỡng, thực hành hạnh biết đủ, thường giảng thuyết chánh pháp, thành tựu được vô lượng tài biện thuyết không có chướng ngại, không phạm vào các tội lớn; không rơi vào chấp ngã khi vì người nữ thuyết pháp, khi thuyết pháp thường luôn giữ lấy tướng không, trong tâm nhớ nghĩ muôn pháp đều không, chắp tay ngồi ngay ngắn, khi nói chẳng để lộ răng.(3)

(1) Lời không chân chánh: nguyên bản Hán văn dùng “ỷ ngữ”, xin xem chú giải ở trang 124.

(2) Phấn tảo y, cũng gọi là nạp y, chỉ ba tấm pháp y của người xuất gia. Phấn tảo có nghĩa là phân rác, đồ bỏ đi, vì người xuất gia dùng những loại vải xấu xí, rách nát mà chắp vá lại thành áo mặc, hoặc nhuộm cho mất đi màu sắc đẹp mà thế gian ưa chuộng, nên gọi tên như vậy. Tên Phạn ngữ là Paṃsukulika. Xem chú giải về Ba tấm pháp y ở trang 179.

(3) Đoạn này mô tả oai nghi của vị tỳ-kheo khi cần thiết phải vì người nữ thuyết pháp, luôn nghiêm trang thận trọng, tự giữ gìn cho mình và cho người, không để cho các tâm niệm xấu có điều kiện sinh khởi.

“Khi gặp những người học tập theo Đại thừa, luôn khởi ý tưởng xem đó như đức Thế Tôn, thường luôn cung kính cúng dường. Ở bất cứ nơi đâu được nghe chánh pháp đều khởi ý tưởng xem như được gặp Phật. Đối với các vị sa-môn, bà-la- môn cũng luôn cung kính, cúng dường tôn trọng. Khi thực hành việc bố thí, cúng dường, chỉ trừ ra đức Phật Thế Tôn, còn đối với tất cả mọi người khác đều không có tâm phân biệt là ruộng phước(1) hay không phải ruộng phước.

“Con nguyện đối với những người bố thí pháp(2) không sinh lòng ganh ghét. Nếu có chúng sinh nào sắp bị hình phạt giết chóc, con nguyện xả bỏ thân mạng để cứu giúp, bảo vệ. Nếu có chúng sinh nào phạm vào tội lỗi, con nguyện dùng hết sức mình với mọi phương tiện như lời nói, tiền bạc, của cải… để cứu giúp, khiến cho được giải thoát.

“Nếu có những người tại gia hoặc xuất gia mắc phải lỗi lầm, con nguyện không mang những việc ấy ra phô bày với người khác. Đối với những sự lợi dưỡng, danh vọng, con sẽ luôn tránh xa như hầm lửa, như đao kiếm, như cây có độc.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sự phát nguyện của con hôm nay trước Phật, cho đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi sẽ được thành tựu đúng như vậy, xin khiến cho trong cả hai tay con đều tự nhiên có được bánh xe báu cõi trời với ngàn cây nan hoa, ánh sáng tỏa ra như ngọn lửa lớn.’

(1) Ruộng phước (phước điền): xem chú giải ở trang 223. Ở đây có ý muốn nói không phân biệt người nhận bố thí là có nhiều hay ít oai đức, chỉ trừ ra tâm cung kính đối với đức Thế Tôn là có khác biệt mà thôi.

(2) Bố thí pháp (pháp thí): nghĩa là đem chánh pháp ra giảng giải, truyền trao cho người khác. Phật dạy có ba hình thức bố thí: một là tài thí, là cung cấp cho người khác những của cải vật chất mà họ đang cần; hai là vô úy thí, là sự an ủi, trấn an, bảo vệ người khác, khiến cho họ được an ổn, không sợ sệt; ba là pháp thí, là dùng chánh pháp để dạy bảo, khuyến khích người khác tu tập. Như vị Phạm-chí Bảo Hải trong kinh này chính là người đang thực hành việc bố thí pháp, tức là pháp thí.

“Thiện nam tử! Khi vương tử Mật-tô vừa nói xong lời ấy, trong cả hai tay liền tự nhiên xuất hiện mỗi tay một bánh xe báu có ngàn cây nan hoa, đúng như lời nguyện.

“Khi ấy, vương tử Mật-tô lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, thành tựu quả  vị  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề,  thì nay con sẽ sai khiến các bánh xe báu cõi trời có ngàn cây nan hoa này bay đến những cõi thế giới không có Phật với đủ năm sự uế trược. Những bánh xe báu này sẽ phát ra âm thanh rất lớn, vang dội khắp các cõi Phật. Cũng giống như các vị Long vương Nan-đà, Long vương Ưu-ba Nan-đà phát ra âm thanh lớn vang khắp thế giới, âm thanh của những bánh xe báu này cũng vang dội khắp nơi như vậy. Đó là những âm thanh thọ ký cho Bồ Tát, âm thanh không để mất chánh niệm, trí huệ; âm thanh tu học pháp không Pháp tạng của chư Phật.

“Chúng sinh ở khắp mọi nơi, nếu nghe những âm thanh chánh pháp này liền được trừ dứt tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, đạt được sự tư duy tịch tĩnh và trí huệ rất thâm sâu của chư Phật, liền phát tâm A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, vương tử Mật-tô tức thời sai khiến hai bánh xe báu. Cũng giống như thần túc của chư Phật hóa hiện cực kỳ nhanh chóng, những bánh xe ấy cũng đến rồi đi nhanh chóng như vậy, hóa hiện khắp những cõi thế giới xấu ác không có Phật, vì những chúng sinh ở đó mà phát ra những âm thanh thọ ký cho Bồ Tát, âm thanh không để mất chánh niệm, trí huệ; âm thanh tu học pháp không Pháp tạng của chư Phật. Chúng sinh ở khắp mọi nơi khi nghe những âm thanh chánh pháp này liền được trừ dứt tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, đạt được sự tư duy tịch tĩnh và trí huệ rất thâm sâu của chư Phật, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Rồi chỉ trong phút chốc, các bánh xe ấy đã quay về ngay trước mặt vương tử Mật-tô.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, đức  Như Lai Bảo Tạng ngợi khen vương tử Mật-tô: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nguyện lành của ông khi hành đạo Bồ Tát thật là cao trổi nhiệm mầu bậc nhất, sai khiến những bánh xe báu này bay đến những cõi thế giới không có Phật với đủ năm sự uế trược, khiến cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ trăm ngàn ức chúng sinh được dừng yên, trụ vững nơi tâm không uế trược, tâm không não hại, khuyến khích giáo hóa cho thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.  Do  vậy, nay ta đổi tên ông là A-súc,(1) trong đời vị lai sẽ thành bậc Thế Tôn. Nay ông nên đối trước Phật mà vui mừng hoan hỷ, phát nguyện nhận lấy cõi Phật với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp.’

“Bấy giờ, Bồ Tát A-súc bạch Phật: ‘Thế Tôn! Sở nguyện của con là được cõi Phật với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp như thế này: Nguyện cho thế giới của con chỉ dùng toàn vàng ròng làm đất, đất đai bằng phẳng như lòng bàn tay, có rất nhiều mọi thứ báu vật cõi trời, đầy khắp trong thế giới; không có những núi đồi gò nỗng, đất cát sỏi đá, các loại gai góc… Mặt đất mềm mại êm ái như vải lụa cõi trời, khi đi thì bàn chân lún sâu vào đất đến bốn tấc, khi nhấc chân lên mặt đất liền khép lại.

(1) A-súc, phiên âm từ Phạn ngữ là Akṣobhya, cũng đọc là A-súc-bệ hay A-súc-bà, dịch nghĩa là Vô động hay Bất động. Kinh Duy-ma-cật có một phẩm nói về thế giới của đức Phật này.

“Thế giới ấy không có các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, không có những điều bất tịnh, hôi hám, dơ bẩn. Khắp thế giới chỉ có toàn hương thơm mầu nhiệm bậc nhất của chư thiên cùng với các loại hương hoa mạn-đà-la, ma- ha mạn-đà-la xông tỏa khắp nơi. Chúng sinh ở thế giới ấy không có già yếu, không có bệnh tật, mỗi người đều sống rất tự tại, không hề e dè, sợ sệt lẫn nhau, thường không não hại người khác.

“Thế giới ấy không có những trường hợp chết yểu, đến lúc mạng chung tâm không có sự hối tiếc, oán hận. Người sắp chết luôn có tâm quyết định, không có sự sai lầm, rối loạn, luôn giữ tâm niệm tưởng, tư duy đến chư Phật Như Lai. Sau khi mạng chung không đọa vào các đường ác,(1) không sinh về những thế giới xấu ác có năm sự uế trược không có Phật.

“Chúng sinh ở thế giới ấy mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thường luôn được gặp Phật, thưa hỏi và nhận lãnh chánh pháp nhiệm mầu, được cúng dường chúng tăng.

“Chúng sinh ở thế giới ấy trừ bỏ dâm dục, giận hờn, si mê, thảy đều thực hành theo Mười điều lành.(2) Trong thế giới không có mọi thứ ngành nghề khéo xảo, không có sự phạm tội, cũng không có cả tên gọi để chỉ sự phạm tội; cũng không có Thiên ma(1) và những trở ngại khó khăn trên đường tu đạo.

(1) Các đường ác: tức là ba đường ác, chỉ các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

(2) Mười điều lành (Thập thiện): là những điều mà bất cứ ai làm theo cũng sẽ gặt hái được những quả lành, được sinh về những cảnh giới tốt đẹp hơn. Mười điều lành gồm có:

  1. Không sát sinh, thường làm việc tha thứ và phóng
  2. Không trộm cắp, thường tu hạnh bố thí, giúp đỡ, san sẻ với mọi người.
  3. Không tà dâm, luôn giữ lòng chung thủy một vợ một chồng.
  4. Không nói dối, luôn nói lời chân thật.
  5. Không nói trau chuốt, thô tục, thường nói những lời có ý nghĩa, có ích lợi.
  6. Không nói đâm thọc, gây chia rẽ, thường nói những lời tạo ra sự đoàn kết, thương yêu
  7. Không nói lời độc ác, gây tổn hại, thường nói những lời ôn hòa, nhu thuận.
  8. Không tham lam, luôn quán xét rằng mọi thứ của cải vật chất đều chỉ là giả tạm, không thường tồn.
  9. Không sân nhuế, thường tu tập hạnh từ bi, nhẫn nhục.
  10. Không ngu mê, tà kiến, thường sáng suốt tu tập theo chánh kiến.

(1) Thiên ma: tức Ma vương Ba-tuần và quyến thuộc ở cõi trời Tha hóa tự tại, nên cũng gọi là Tha hóa tự tại thiên tử ma, thường đi khắp nơi gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho người tu đạo.

(2) Các kiến giải điên đảo (đảo kiến): chỉ bốn quan điểm sai lầm mà chúng sinh thường rơi vào, nên cũng gọi là Tứ đảo hay Tứ điên đảo, gồm có: 1. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường; 2. Khổ cho là vui, vui cho là khổ. 3. Không có thật ngã cho là có ngã, có thật ngã cho là không có ngã. 4. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh.

(3) Năm thần thông (ngũ thông): là năm năng lực siêu phàm của một bậc chứng ngộ, bao gồm: 1. Thiên nhãn thông, 2. Thiên nhĩ thông, 3. Tha tâm thông, 4. Túc mạng thông, 5. Thần túc thông hay Như ý thông. Như vậy, Năm thần thông cũng tương tự như Sáu thần thông (Lục thông), chỉ trừ không có Lậu tận thông. Xem lại chú giải ở trang 93. Những tiên nhân ngoại đạo tu hành lâu năm cũng chứng đắc

“Hình thể của chúng sinh không có các tướng xấu xí, cũng không có sự phân biệt thứ bậc cao thấp. Hết thảy chúng sinh đều thấu hiểu sâu xa lý vô ngã, rằng không thật có cái ta vật của ta. Hàng Thanh văn Bồ Tát cho đến trong giấc mộng cũng không khởi tâm bất tịnh. Chúng sinh thường ưa muốn, mong cầu chánh pháp, lắng nghe chánh pháp, không có bất cứ một người nào sinh ra các kiến giải điên đảo,(2) cũng không có ngoại đạo. Chúng sinh không có sự mỏi mệt của thân và tâm, hết thảy đều đạt được năm thần thông,(3)không phải chịu đói khát và mọi sự khổ não. Tùy theo sự vui vẻ ưa thích các món ăn thức uống, liền tức thời có bát quý tự nhiên hiện ra trong tay, lại có đủ mọi món ăn, giống như chư thiên ở các cõi trời Dục giới.(1)

“Chúng sinh ở đây không có những sự bài tiết ô uế như khạc nhổ đờm dãi, đại tiện, tiểu tiện, cho đến chảy nước mắt, nước mũi, cũng không có nóng bức, rét lạnh, thường có gió mát mang theo hương thơm chạm nhẹ vào thân thể.

“Loại gió ấy có đầy đủ các hương thơm mầu nhiệm, có thể xông ướp cho chư thiên và loài người, không cần đến loại hương thơm nào khác. Gió thơm ấy lại có thể tùy theo sự mong cầu lạnh hay ấm của chư thiên và loài người mà khiến cho tất cả đều được vừa ý. Nếu có chúng sinh nào mong muốn được loại gió mang hương hoa ưu-bát-la, hoặc hương hoa ưu-đà-sa-la, hoặc hương trầm thủy, hoặc hương đa- già-la, hoặc hương a-già-la… hoặc đủ các loại hương thơm, thì đều tùy theo chỗ mong cầu, vừa mới phát tâm liền được thành tựu, trừ ra những chúng sinh ở các thế giới có năm sự uế trược.

“Nguyện cho thế giới của con có lầu bằng bảy báu. Trong lầu báu ấy có giường cũng bằng bảy báu, chăn đệm toàn bằng các loại vải lụa mềm mại êm ái như vải của chư thiên. Chúng sinh ở trên giường ấy, tất cả đều được vui vẻ, khoái lạc. Bao quanh lầu báu bốn bên đều có hồ nước đẹp. Nước trong hồ có đủ tám công đức,(1) chúng sinh tùy theo ý muốn mà dùng nước ấy. Trong thế giới có rất nhiều cây đa-la bằng vàng, với đủ loại hoa trái xinh đẹp, thơm tho mầu nhiệm, lại có đủ các loại y phục tốt đẹp quý giá, các loại lọng báu, chân châu, anh lạc dùng để tô điểm trang nghiêm đẹp đẽ trên cây. Hết thảy chúng sinh nếu ưa thích loại y phục tốt đẹp nào thì tùy ý đến nơi cây ấy lấy dùng. Đối với các loại hoa trái thơm tho cũng đều như vậy.

(1) Dục giới có sáu cõi trời. Theo luận Du-già, quyển 4, tờ 2, sáu cõi trời này là:

1. Tứ đại vương chúng thiên (cõi trời của Bốn vị Thiên vương Hộ thế, ở lưng chừng núi Tu-di),

2. Tam thập tam thiên (cõi trời thứ Ba mươi ba, cũng gọi là Đao-lợi thiên, ở trên đỉnh núi Tu-di),

3. Thời phần thiên (tức Diệm-ma thiên, cõi trời này trụ giữa hư không, hào quang thường chiếu sáng không phân biệt ngày đêm),

4. Tri túc thiên (tức Đâu-suất thiên, hay Diệu hỷ thiên),

5. Hóa lạc thiên (cũng gọi là Hóa tự lạc thiên hay Bất kiêu lạc thiên),

6. Tha hóa tự tại thiên (cõi trời của Ma vương Ba-tuần và quyến thuộc).Năm thần thông nhưng với mức độ giới hạn, không được như các vị chứng Thánh quả và cũng không có Lậu tận thông. Các bậc chứng ngộ trong Ba thừa tuy vẫn có đủ Sáu thần thông nhưng không đạt đến mức rốt ráo như chư Phật.

“Bạch Thế Tôn! Nguyện cho cây Bồ-đề ở thế giới ấy chỉ thuần bằng bảy món báu, cao một ngàn do-tuần, thân cây to lớn choán đến một do-tuần, cành lá che phủ ra đến một ngàn do-tuần, thường có gió nhẹ thổi qua cây Bồ-đề ấy làm phát ra những âm thanh mầu nhiệm diễn thuyết về sáu pháp ba-la-mật, năm căn, năm sứcbảy  thánh  giáctám thánh đạo… Tất cả chúng sinh nghe được những âm thanh mầu nhiệm này liền được lìa khỏi tâm tham dục.

(1) Nước có đủ tám công đức: theo sự giải thích của ngài Huyền Trang thì tám công đức ấy là:

  1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch
  2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh
  3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt ngon
  4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại
  5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát
  6. An hòa: yên ổn hòa nhã
  7. Trừ bệnh: trừ được đói khát và vô số khổ não bệnh tật
  8. Trưởng dưỡng: nuôi lớn thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn

“Những nữ nhân ở thế giới ấy thảy đều thành tựu hết thảy mọi công đức nhiệm mầu, giống như các vị thiên nữ trên cõi trời Đâu-suất, không có những điều bất tịnh của nữ giới, không nói lời hai lưỡi, không bị những tâm xan lận, ganh ghét che lấp, không có dục tâm qua lại cùng nam giới. Nếu có người nam khởi tâm dâm dục tìm đến chỗ người nữ, người nữ liền khởi tâm thương yêu mà nhìn trong chốc lát, người nam ấy liền được lìa khỏi tâm dâm dục, tự sinh chán lìa, lập tức quay về, không bao lâu liền đạt được Tam-muội Thanh tịnh Vô cấu. Nhờ sức tam-muội nên được giải thoát khỏi mọi sự trói buộc của ma, chẳng bao giờ còn khởi tâm dâm dục xấu ác.

“Những người nữ như vậy, nếu nhìn thấy người nam mà có tâm ái dục thì liền thụ thai, rồi cũng được lìa khỏi tư tưởng dâm dục. Đang khi mang thai, dù là con trai hay con gái, thân tâm người mẹ cũng không có những sự khổ não, vẫn thường thọ hưởng sự khoái lạc tột bậc giống như chư thiên trên cõi trời Đao-lợi.

“Người mẹ mang thai trong bảy ngày bảy đêm, được thọ hưởng những khoái lạc giống như chư thiên, lại cũng giống như vị tỳ-kheo nhập cảnh giới thiền định thứ hai. Thai nhi dù là nam hay nữ cũng đều không bị nhơ nhớp bởi những điều bất tịnh, trải qua đủ bảy ngày liền được sinh ra. Đang khi sinh ra được hưởng mọi sự khoái lạc, lại có âm thanh vi diệu. Người mẹ khi sinh con không có những điều khổ não. Sau khi sinh, cả hai mẹ con cùng xuống nước tắm gội thân thể.

“Lúc ấy, người mẹ có được chánh niệm. Nhờ sức chánh niệm nên liền đạt được Tam-muội Thanh tịnh ly dục. Nhờ sức của tam-muội nên tâm thường an định, đối với mọi sự trói buộc của ma đều được giải thoát.

“Nếu có những chúng sinh do nghiệp lực đã tạo phải thọ sinh làm thân nữ trong vô lượng ức kiếp. Nhờ sức của tâm định liền được lìa bỏ thân nữ, vĩnh viễn trừ hết mọi nghiệp quả của thân nữ, mãi mãi cho đến khi đạt được Niết-bàn cũng chẳng bao giờ còn phải thọ thân nữ lần nữa.

“Hoặc có những chúng sinh do nghiệp lực đã tạo phải vào bào thai chịu mọi khổ não trong vô lượng ức kiếp. Nguyện khi con thành tựu quả  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề rồi, những chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của con liền sinh tâm hoan hỷ. Sinh tâm hoan hỷ rồi, không bao lâu sẽ mạng chung, khi vào thai liền sinh về thế giới của con. Vừa sinh ra rồi liền vĩnh viễn dứt nghiệp thọ thai, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng chẳng bao giờ còn phải vào thai lần nữa.

“Hoặc có những chúng sinh trồng nhiều căn lành, liền được hiện đến thế giới của con, từ trong hoa sen mà sinh ra. Hoặc có những chúng sinh có ít căn lành, phải chịu vào thai hoặc thọ thân người nữ mà sinh về thế giới của con, rồi sau đó mới được mãi mãi dứt nghiệp thọ thai.

“Hết thảy chúng sinh ở thế giới của con chỉ toàn thọ hưởng khoái lạc nhiệm mầu. Gió nhẹ thổi vào những cây đa-la bằng vàng, phát ra âm thanh vi diệu như khổ, không, vô ngã, vô thường… Những người nghe được các âm thanh ấy thảy đều đạt được Tam-muội Quang minh. Nhờ sức tam- muội nên đạt được các phép tam-muội Không định rất thâm sâu. Khắp thế giới của con hoàn toàn không có những âm thanh gợi tư tưởng dâm dục.

“Bạch Thế Tôn! Khi con ngồi dưới gốc Bồ-đề, chỉ trong thời gian của một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Nguyện cho thế giới của con không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, không phân biệt ngày đêm, chỉ có khác biệt là các đóa hoa nở ra hoặc khép lại.

“Nguyện khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền dùng hào quang sáng rực chiếu khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới.(1) Nhờ sức của hào quang ấy khiến tất cả chúng sinh đều được thiên nhãn. Nhờ có thiên nhãn liền thấy khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật trong mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.

“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, thuyết giảng chánh pháp, nguyện cho âm thanh thuyết pháp ấy vang ra khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Chúng sinh nghe qua liền đạt được Tam-muội Niệm Phật. Nhờ sức tam-muội, những chúng sinh ấy trong khi đi lại xoay chuyển, dù hướng về đâu cũng thường được thấy con. Nếu như đối với các pháp có chỗ nghi trệ, nhờ nhìn thấy con liền được dứt nghi.

“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, trong khắp vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới của chư Phật mười phương, tại mỗi thế giới nếu có những chúng sinh tu học pháp Thanh văn, hoặc tu học pháp Duyên giác, hoặc tu học pháp Đại thừa, khi nghe được danh hiệu của con rồi, khi mạng chung chắc chắn sẽ được sinh về thế giới của con.

“Những chúng sinh tu học pháp Thanh văn, khi nghe con thuyết pháp liền được Tám giải thoát,(1) chứng quả A-la- hán.(2) Những chúng sinh tu học Đại thừa nghe con thuyết pháp liền được thâm nhập sâu xa các môn đà-la-ni, pháp nhẫn và các phép tam-muội, không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có được vô lượng chúng Thanh văn làm quyến thuộc, số nhiều đến vô biên, ngoài chư Phật ra thì không ai có thể tính đếm được.

(1) Tám giải thoát (Bát giải thoát, Sanskrit: aṣtavimokaṣa), là tám trình độ tu chứng của người tu tập, gồm có:

  1. Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát (内有色想觀外色解脱): Ở trong sắc giới, quán nội sắc và ngoại sắc, nhằm bỏ tâm ham thích sắc thể.
  2. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát (内無色想觀外色解脱): Không quán nội sắc, quán ngoại sắc, nhận ngoại sắc là ô nhiễm.
  3. Tịnh thân tác chứng cụ túc tác giải thoát (淨身作證具足作解脱): Quán tưởng về thanh tịnh nhưng không bám giữ.
  4. Không vô biên xứ giải thoát (空無邊處解脱): Vượt qua sắc thể, quán tưởng rằng hư không là vô biên.
  5. Thức vô biên xứ giải thoát (識無邊處解脱): Đạt đến ý niệm thức là vô biên.
  6. Vô sở hữu xứ giải thoát (無所有處解脱): Đạt địa vị trong tâm không còn có vật gì.
  7. Phi tưởng Phi phi tưởng xứ giải thoát (非想非非想處解脱): Đạt đến mức định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
  8. Diệt tận định giải thoát (滅盡定解脱): Đạt mức định diệt Thọ tưởng xứ.

(2) Quả A-la-hán: quả vị cao nhất của Thanh văn thừa. Thanh văn thừa có bốn thánh quả từ thấp lên cao là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm A-la-hán. Người chứng quả A-la-hán xem như đạt được Niết-bàn của Tiểu thừa, hay còn gọi là Niết-bàn Hữu dư.

“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề, bất cứ nơi nào con đặt chân xuống liền sinh ra hoa sen vàng ngàn cánh. Hoa ấy rất nhiệm mầu, tỏa hào quang rực sáng, con liền sai khiến hoa ấy bay đến những thế giới không có Phật để xưng dương tán thán danh hiệu của con. Nếu có chúng sinh nào được nghe hoa ấy xưng tán danh hiệu của con liền sinh tâm hoan hỷ, trồng các căn lành, mong muốn được sinh về thế giới của con, ngay khi mạng chung liền được sinh về đúng như ý nguyện.

“Đại chúng xuất gia ở thế giới của con đều đã lìa bỏ những tâm ô nhiễm như siểm nịnh, tà vạy, ganh ghét, gian  trá, khinh dễ bậc sa-môn… Hết thảy đều tôn trọng chánh pháp. Đối với những món cần dùng cho đến danh vọng, lợi dưỡng đều không xem trọng, thường ưa thích các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, thường chuyên cần, tinh tấn, tôn trọng chánh pháp, nương theo Tăng-già.

“Hết thảy các vị Bồ Tát, nếu đã được địa vị không còn thối chuyển, con đều khiến cho được Tam-muội Long vũ. Nhờ sức tam-muội liền vì chúng sinh thuyết giảng pháp Bát-nhã ba-la-mật, khiến cho được lìa khỏi sinh tử, rồi mãi mãi về sau cho đến khi được thành Phật cũng không bao giờ quên mất những pháp mà mình đã thuyết được.

“Bạch Thế Tôn! Khi con thành Phật rồi, thọ mạng ở đời là mười ngàn đại kiếp. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp ở đời đủ một ngàn kiếp.’

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen Bồ Tát A-súc: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh. Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương đông cách thế giới này một ngàn cõi Phật, có một thế giới tên là Diệu Lạc,(1)  có đủ hết thảy những điều trang nghiêm tốt đẹp theo như sở nguyện của ông. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng lấy hiệu là A-súc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

(1) Thế giới Diệu Lạc: Kinh Duy-ma-cật, phẩm Kiến A-súc Phật gọi tên thế giới này là Diệu Hỷ. (有國名妙喜。佛號無動。- Hữu quốc danh Diệu Hỷ, Phật hiệu Vô

“Khi ấy, Bồ Tát A-súc bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện hết thảy chúng sinh ở thế gian đang bị khống chế bởi các ấm, nhập, giới đều có được tâm từ, không còn những tư tưởng oán thù và những điều xấu ác, nhơ bẩn, thân và tâm được khoái lạc như các vị Bồ Tát ở hàng Thập trụ(1) ngồi kết già trên tòa sen nhập tam-muội,(2) do sức của tam-muội nên tâm thanh tịnh không cấu uế. Các chúng sinh kia cũng được thân tâm khoái lạc giống như vậy. Nay con cúi đầu kính lễ Phật, nguyện cõi đất này tỏa ánh sáng màu vàng ròng.’

(1) Thập trụ: tức Thập địa, xem chú giải ở trang 108.

(2) Nguyên bản Hán văn dùng tam-muội chánh thọ (三昧正受), nhưng thật ra thì tam-muội cũng chính là chánh thọ. Cả hai danh từ này đều xuất phát từ Phạn ngữ là Samaya, dịch âm là tam-muội và dịch nghĩa là chánh thọ, hay định.

“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát A-súc liền cúi đầu sát đất kính lễ dưới chân Phật. Ngay khi ấy, hết thảy vô lượng chúng sinh liền được sự khoái lạc lớn lao nơi thân tâm. Mặt đất nơi ấy cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ màu vàng ròng.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng Bồ Tát A-súc thuyết kệ rằng:

Bậc tôn quý, đứng lên!

Nay ông đã  khiến  cho,

Hết thảy mọi chúng sinh,

Được tâm không phẫn nộ,

Đối với chúng sinh khác,

Lại khởi lòng đại bi.

Trong hai tay đều có,

Bánh xe ngàn nan hoa,

Ý thanh tịnh ngày sau,

Thành bậc Thiên nhân sư!

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát A-súc nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

CHƯ BỒ TÁT BỔN THỌ KÝ PHẨM ĐỆ TỨ CHI TAM

Phật cáo Tịch Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ thập vương tử Nhu Tâm ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Vương tử sở nguyện giai như A-súc Bồ Tát sở nguyện, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, linh nhất thiết chúng sanh tất đắc tư duy chư Phật cảnh giới, thủ trung tự nhiên sanh chiên-đàn hương, ưu-đà-bà-la hương, dĩ thử chư hương cúng dường chư Phật.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tán vương tử ngôn: “Thiện tai thiện tai. Thiện nam tử! Nhữ sở nguyện giả thậm kỳ thậm đặc. Nhữ nguyện chúng sanh thủ trung tự nhiên hữu chiên-đàn hương, ưu-đà-bà-la hương, tất đắc tư duy chư Phật cảnh giới hệ niệm thanh tịnh. Dĩ thị cố, kim cải nhữ tự hiệu vi Hương Thủ.

Phật cáo Hương Thủ: “Thiện nam tử! Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, hậu phần chi trung A-súc Như Lai bát Niết-bàn hậu, chánh pháp diệt tận quá thất nhật dĩ,nhữ ư thị thời đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề, kỳ Phật thế giới cố danh Diệu Lạc, Phật hiệu Kim Hoa Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô  thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời Hương Thủ Bồ Tát phục tác thị ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, kim ngã lễ Phật thử Diêm-phù viên châu táp đương vũ chư chiêm-bặc hoa.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hương Thủ Bồ Tát, ư Bảo Tạng Phật tiền đầu diện trước địa, thị thời Diêm-phù viên trung như kỳ sở ngôn, châu táp biến vũ chư chiêm-bặc hoa.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai vị Hương Thủ Bồ Tát nhi thuyết kệ ngôn:

Tôn diệu công đức,

Thiện thú nhữ khởi,

Như tâm sở nguyện,

Vũ chiêm-bặc hoa,

Độ thoát vô lượng,

Nhất thiết chúng sanh,

Thị chư thiện đạo,

Linh chí vô uý.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hương Thủ Bồ Tát văn thị kệ dĩ tâm đại hoan hỷ, tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ thập nhất vương tử Mông-già-nô ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Vương tử sở nguyện diệc như Hương Thủ Bồ Tát sở nguyện.

Nhĩ thời Mông-già-nô vương tử, dĩ trân bảo tràng cúng dường Bảo Tạng Như Lai

Thời Phật tức tán Mông-già-nô vương tử ngôn: “Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ kim dĩ thử bảo tràng cúng dường, thị cố hiệu nhữ danh vi Bảo Tướng.

Phật cáo Bảo Tướng: “Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng- kỳ kiếp, hậu phần chi trung Diệu Lạc thế giới, Kim Hoa Như Lai bát Niết-bàn hậu, chánh pháp diệt dĩ quá tam trung kiếp, Diệu Lạc thế giới chuyển danh Nguyệt Thắng, nhữ ư thị trung đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề, hiệu Long Tự Tại Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Bỉ Phật thế giới sở hữu trang nghiêm, như Diệu Lạc thế giới đẳng vô sai biệt.

Nhĩ thời Bảo Tướng Bồ Tát tiền bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, ngã kim đầu diện lễ ư Phật túc, linh nhất thiết chúng sanh đắc như thị niệm, do như Bồ Tát trụ Vô siểm tam-muội, nhất thiết chúng sanh đắc đại lợi ích sanh ư đại bi phát Bồ-đề tâm.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tướng Bồ Tát tại Bảo Tạng Phật tiền đầu diện trước địa. Nhất thiết chúng sanh tất đắc như thị Vô siểm tam-muội, đắc đại lợi ích, sanh ư đại bi phát Bồ-đề tâm.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai vị Bảo Tướng Bồ Tát nhi thuyết kệ ngôn:

Thiện ý cần khởi,

Dĩ ư ngã tiền,

Vị chư chúng sanh,

Thiện tác đại thệ,

Năng đại lợi ích,

Vô lượng chúng sanh,

Linh tâm vô cấu,

Thị cố lai thế,

Đắc thành vi Phật,

Thiên nhân chi tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tướng Bồ Tát văn thị kệ dĩ tâm đại hoan hỷ, tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Nhĩ thời Ma-xà-nô vương tử đẳng, ngũ bá vương tử tác như thị nguyện, nguyện đắc như thị chủng chủng trang nghiêm công đức Phật độ, giai như Hư Không Ấn Bồ Tát ma-ha-tát sở tu tịnh độ.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai giai vị nhất nhất thọ A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký, đồng cộng nhất thời các ư dư quốc thành vô thượng đạo, như Hư Không Ấn Bồ Tát ma-ha-tát.

Phục thứ tứ bá vương tử tác thị thệ nguyện nguyện thủ trang nghiêm tịnh diệu Phật độ giai như Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Bồ Tát ma-ha-tát.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai diệc vị nhất nhất thọ A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký, đồng cộng nhất thời các ư dị quốc thành vô thượng đạo, như Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Bồ Tát ma-ha-tát.

Phục thứ bát thập cửu vương tử hựu tác thị nguyện, nguyện thủ như thị trang nghiêm Phật độ, như Phổ Hiền Bồ Tát ma-ha-tát sở tu Phật độ đẳng vô sai biệt.

Nhĩ thời bát vạn tứ thiên tiểu vương, các các biệt dị tác thù thắng nguyện, nhân nhân tự thủ chủng chủng trang nghiêm thượng diệu Phật độ.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai các các dữ thọ A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký, đương lai chi thế các tại dư quốc đồng cộng nhất thời thành vô thượng đạo.

Nhĩ thời cửu thập nhị ức chúng sanh diệc các phát nguyện, thủ chủng chủng trang nghiêm thắng diệu Phật độ.

Thời Bảo Tạng Như Lai nhất thiết giai dữ thọ A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký: “Nhữ đẳng lai thế ư dư quốc độ, đồng cộng nhất thời thành vô thượng đạo.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí hữu bát thập tử, tức thị Bảo Tạng Như Lai chi huynh đệ dã. Kỳ tối trưởng tử danh Hải Địa Tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí cáo kỳ trưởng tử ngôn: “Nhữ kim khả thủ vi diệu thanh tịnh trang nghiêm Phật độ.”

Kỳ tử đáp ngôn: “Duy nguyện tôn giả tiên sư tử hống.”

Kỳ phụ cáo ngôn: “Ngã chi sở nguyện đương tối hậu thuyết.”

Kỳ tử phục ngôn: “Ngã kim sở nguyện đương thủ thanh tịnh bất thanh tịnh da.”

Phụ phục đáp ngôn: “Nhược hữu Bồ Tát thành tựu đại bi, nhĩ nãi thủ ư bất thanh tịnh thế giới. Hà dĩ cố? Dục thiện điều phục chúng sanh cấu cố. Như thị chi sự nhữ tự tri chi.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hải Địa Tôn chí Bảo Tạng Như Lai sở, tại ư Phật tiền bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã nguyện A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhược nhân hữu thọ bát vạn tuế thời, như kim Phật thế nhĩ nãi thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Ngã kim hựu nguyện linh ngã quốc độ sở hữu chúng sanh, bạc dâm khuể si yếm ly thân tâm, bố uý sanh tử kiến kỳ quá hoạn, lai chí ngã sở xuất gia học đạo. Ngã ư nhĩ thời vị chư chúng sanh thuyết tam thừa pháp.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, duy nguyện Thế Tôn thọ ngã A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề ký.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai cáo Hải Địa Tôn ngôn: “Thiện nam tử! Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, thị thời hữu kiếp danh viết Biến Phu Ưu-bát-la Hoa. Thử Phật thế giới đương danh Nguyện Ái. Thị thời nhân dân thọ bát vạn tuế, nhữ ư thị trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề, hiệu viết Bảo Sơn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời Hải Địa Tôn phục tác thị ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, thử Diêm-phù viên châu táp đương vũ xích sắc chân châu, nhất thiết thọ mộc tự nhiên giai xuất vi diệu kỹ nhạc.

Thiện nam tử! Thời Hải Địa Tôn tại Bảo Tạng Phật tiền đầu diện tác lễ. Đương nhĩ chi thời kỳ viên châu táp vũ xích chân châu, nhất thiết thọ mộc giai xuất chủng chủng vi diệu kỹ nhạc.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tức vị ma-nạp, nhi thuyết kệ ngôn:

Đại lực nhữ khởi,

Vô lượng trí tạng,

Từ bi chúng sanh,

Tác đại lợi ích,

Sở nguyện thanh tịnh,

Kim đắc thành tựu,

Đương vị chúng sanh,

Tác thiên nhân sư.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hải Địa Tôn văn thị kệ dĩ tâm đại hoan hỷ tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Phạm-chí đệ nhị tử danh viết Tam-bà-bà  bạch  Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim sở nguyện như Hải Địa Tôn chi sở nguyện dã.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tiện cáo Tam-bà-bà ngôn: “Vị lai chi thế Ưu-bát-la Hoa kiếp trung, Nguyện Aùi thế giới, nhân thọ chuyển đa bát thập ức tuế, nhữ đương ư trung đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu viết Nhật Hoa Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô  thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Đệ tam tử sở đắc thế giới diệc phục như thị, nhân thọ nhị thiên tuế thời thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề, hiệu Hỏa Âm Vương Như Lai, nãi chí Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Đệ tứ thành Phật hiệu Tu-mạn-na.

Đệ ngũ thành Phật hiệu Trì Giới Vương.

Đệ lục thành Phật hiệu Thiện Trì Mục.

Đệ thất thành Phật hiệu Phạm Tăng Ích.

Đệ bát thành Phật hiệu Diêm-phù Ảnh.

Đệ cửu thành Phật hiệu Phú-lâu-na.

Đệ thập thành Phật hiệu viết Thắng Diệu.

Thập nhất thành Phật hiệu viết Bảo Sơn.

Thập nhị thành Phật hiệu viết Hải Tạng.

Thập tam thành Phật hiệu Na-la-diên.

Thập tứ thành Phật hiệu viết Thi Khí.

Thập ngũ thành Phật hiệu Nam-vô-ni.

Thập lục thành Phật hiệu viết Giác Tôn.

Thập thất thành Phật hiệu Kiêu-trần-như.

Thập bát thành Phật hiệu Sư Tử Lực.

Thập cửu thành Phật hiệu viết Trí Tràng.

Nhị thập thành Phật hiệu Âm Thanh.

Nhị thập nhất thành Phật hiệu Tôn Thắng Phật.

Nhị thập nhị thành Phật hiệu Ly Thế Tôn Phật.

Nhị thập tam hiệu Lợi Ích Phật.

Nhị thập tứ hiệu Trí Quang Minh Phật.

Nhị thập ngũ hiệu Sư Tử Tôn Phật.

Nhị thập lục hiệu Tịch Tĩnh Trí Phật.

Nhị thập thất hiệu Nan-đà Phật.

Nhị thập bát hiệu Ni-câu-la Vương Phật.

Nhị thập cửu hiệu Kim Sắc Mục Phật.

Tam thập hiệu Đắc Tự Tại Phật.

Tam thập nhất hiệu Nhật Lạc Phật.

Tam thập nhị hiệu Bảo Thắng Phật.

Tam thập tam hiệu Thiện Mục Phật.

Tam thập tứ hiệu Phạm Thiện Lạc Phật.

Tam thập ngũ hiệu Phạm Tiên Phật.

Tam thập lục hiệu Phạm Âm Phật.

Tam thập thất hiệu Pháp Nguyệt Phật.

Tam thập bát hiệu Thị Hiện Nghĩa Phật.

Tam thập cửu hiệu Xứng Lạc Phật.

Tứ thập hiệu Tăng Ích Phật.

Tứ thập nhất hiệu Đoan Nghiêm Phật.

Tứ thập nhị hiệu Thiện Hương Phật.

Tứ thập tam hiệu Nhãn Thắng Phật.

Tứ thập tứ hiệu Thiện Quán Phật.

Tứ thập ngũ hiệu Nhiếp Thủ Nghĩa Phật.

Tứ thập lục hiệu Thiện Ý Nguyện Phật.

Tứ thập thất hiệu Thắng Huệ Phật.

Tứ thập bát hiệu Kim Tràng Phật.

Tứ thập cửu hiệu Thiện Mục Phật.

Ngũ thập hiệu Thiên Minh Phật.

Ngũ thập nhất hiệu Tịnh-phạn Phật.

Ngũ thập nhị hiệu Thiện Kiến Phật.

Ngũ thập tam hiệu Tỳ-lưu-ly Tràng Phật.

Ngũ thập tứ hiệu Tỳ-lâu-bác-xoa Phật.

Ngũ thập ngũ hiệu Phạm Âm Phật.

Ngũ thập lục hiệu Công Đức Thành Tựu Phật.

Ngũ thập thất hiệu Hữu Công Đức Tịnh Phật.

Ngũ thập bát hiệu Bảo Quang Minh Phật.

Ngũ thập cửu hiệu Ma-ni Châu Phật.

Lục thập hiệu Thích-ca Văn-ni Phật.

Lục thập nhất hiệu Âm Tôn Vương Phật.

Lục thập nhị hiệu Trí Hồ Hợp Phật.

Lục thập tam hiệu Thắng Tôn Phật.

Lục thập tứ hiệu Thành Hoa Phật.

Lục thập ngũ hiệu Thiện Hoa Phật.

Lục thập lục hiệu Vô Nộ Phật.

Lục thập thất hiệu Nhật Tạng Phật.

Lục thập bát hiệu Tôn Lạc Phật.

Lục thập cửu hiệu Nhật Minh Phật.

Thất thập hiệu Long Đắc Phật.

Thất thập nhất hiệu Kim Cang Quang Minh Phật.

Thất thập nhị hiệu Xứng Vương Phật.

Thất thập tam hiệu Thường Quang Minh Phật.

Thất thập tứ hiệu Tướng Quang Minh Phật.

Thất thập ngũ hiệu San-ni-du Phật.

Thất thập lục hiệu Trí Thành Tựu Phật.

Thất thập thất hiệu Âm Vương Phật.

Thất thập bát hiệu Sa-la Vương Na-la-diên Tạng Phật.

Thất thập cửu hiệu Hỏa Tạng Phật.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Phạm-chí kỳ tối tiểu tử danh Ly Bố Não, tại Phật tiền trụ bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Thị thất thập cửu nhân Phật, kim dĩ vi hiện tiền thọ ký, ư biến phu Ưu-bát-la Hoa kiếp Nguyện Ái thế giới nhân thọ chuyển đa thời, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam-bồ-đề. Thế Tôn! Ngã kim Phật tiền phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, Ưu-bát-la Hoa kiếp hậu phần chi trung, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam-bồ-đề  thời,  như  thất thập cửu Phật sở đắc thọ mạng, nguyện ngã thọ mạng diệc phục như thị. Như thất thập cửu Phật sở độ chúng sanh, ngã sở độ chúng sanh diệc phục như thị. Như thất thập cửu Phật tam thừa thuyết pháp, ngã diệc như thị thuyết tam thừa pháp. Như thất thập cửu Phật Thanh văn đệ tử chúng số đa thiểu, ngã chi sở đắc chúng số đa thiểu diệc phục như thị. Thị thất thập cửu Phật ư Ưu-bát-la Hoa kiếp sở khả giáo hóa vô lượng chúng sanh, sử thọ nhân thân vị đắc độ giả, ngã ư mạt kiếp thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề dĩ, tất đương giáo hóa linh trụ tam thừa.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, duy nguyện Thế Tôn thọ ngã A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề ký.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Phật tức tán  Ly Bố Não ngôn: “Thiện tai thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ kim nãi vị vô lượng chúng sanh sanh đại bi tâm. Thiện nam tử! Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp. Thị trung hữu kiếp danh Ưu-bát-la Hoa, hậu phần chi trung nhữ đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Vô Cấu Đăng Xuất Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,  Vô  thượng  sĩ,  Điều  ngự  trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Thất thập cửu Phật sở đắc thọ mạng đô hợp bán kiếp, nhữ chi thọ mạng diệc đắc bán kiếp. Như tiền sở nguyện tất đắc thành tựu.

Nhĩ thời Ly Bố Não Bồ Tát phục tác thị ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, ngã kim đầu diện kính lễ ư Phật, linh thử thế giới châu táp biến vũ ưu- bát-la hoa vi diệu chi hương. Nhược hữu chúng sanh văn thử hương giả, thân chư tứ đại thanh tịnh vô uế điều thích hồ thuận, nhất thiết bệnh khổ tất đắc trừ dũ.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Ly Bố Não Bồ Tát thuyết thị ngôn dĩ, tầm dĩ đầu diện kính lễ Phật túc.

Nhĩ thời thử Phật thế giới tầm thời biến vũ ưu-bát-la hoa vi diệu chi hương. Chúng sanh văn giả thân chư tứ đại thanh tịnh vô uế điều thích hồ thuận, nhất thiết bệnh khổ tất đắc trừ dũ.

Bảo Tạng Như Lai vị thị Bồ Tát nhi thuyết kệ ngôn:

Thiện tâm từ bi,

Đạo sư khả khởi,

Chư Phật Thế Tôn,

Hàm xưng tán nhữ,

Năng đoạn kiên lao,

Chư phiền não kết,

Đương lai thành thiện,

Tịnh trí huệ tạng.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Ly Bố Não Bồ Tát văn thị kệ dĩ tâm đại hoan hỷ, tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí hữu tam ức đệ tử, tại viên môn ngoại nhất xứ nhi tọa, giáo dư chúng sanh thọ tam quy y, linh phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề tâm giả.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Phạm-chí khuyến chư đệ tử tác như thị ngôn: “Nhữ đẳng kim giả ưng phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, thủ Phật thế giới. Kim ư Phật tiền như tâm sở cầu tiện khả thuyết chi.

Thị tam ức nhân trung hữu nhất nhân danh viết Thọ- đề, tác như thị ngôn: “Tôn giả! Vân hà Bồ-đề? Vân hà trợ Bồ-đề pháp? Vân hà Bồ Tát tu hành Bồ-đề? Vân hà hệ niệm đắc ư Bồ-đề?”

Nhĩ thời kỳ sư báo ngôn: “Ma-nạp! Như nhữ sở vấn Bồ- đề giả, tức thị Bồ Tát chi sở tu tập Tứ vô tận tạng.

Hà đẳng vi tứ? Sở vị vô tận phước đức tạng, vô tận trí tạng, vô tận huệ tạng, vô tận Phật pháp hồ hợp tạng. Thiện nam tử! Thị danh Bồ-đề.

Ma-nạp! Như Phật sở thuyết trợ Bồ-đề pháp, sở vị nhiếp thủ trợ thanh tịnh độ sanh tử pháp môn.

Thiện nam tử! Xả tài tức thị trợ Bồ-đề pháp, dĩ điều phục chúng sanh cố. Trì giới tức thị trợ Bồ-đề pháp, tùy kỳ sở nguyện đắc thành tựu cố. Nhẫn nhục tức thị trợ Bồ-đề pháp, tam thập nhị tướng bát thập chủng tùy hình hảo cụ túc cố. Tinh tấn tức thị trợ Bồ-đề pháp, cụ túc nhất thiết chư sự cố. Thiền định tức thị trợ Bồ-đề pháp, kỳ tâm đương đắc thiện điều phục cố. Trí huệ tức thị trợ Bồ-đề pháp, dĩ tri nhất thiết chư phiền não cố.

Đa văn tức thị trợ Bồ-đề pháp, đắc vô ngại biện cố. Phước đức tức thị trợ Bồ-đề pháp, nhất thiết chúng sanh chi sở tu cố. Trí tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu vô ngại trí cố. Tịch diệt tức thị trợ Bồ-đề pháp, nhu nhuyễn thiện tâm đắc thành tựu cố. Tư duy tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu đoạn nghi cố.

Từ tâm tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu vô ngại tâm cố. Bi tâm tức thị trợ Bồ-đề pháp, giáo hóa chúng sanh vô yếm túc cố. Hỷ tâm tức thị trợ Bồ-đề pháp, ư chánh pháp trung sanh ái nhạo cố. Xả tâm tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu đoạn ư ái tăng pháp cố.

Thính pháp tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu diệt ngũ cái cố. Xuất thế tức thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu xả trừ nhất thiết thế gian cố. A-lan-nhã thị trợ Bồ-đề pháp, sở tác bất thiện diệt sử bất sanh, sở hữu thiện căn đa tăng trưởng cố. Niệm thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu hộ trì cố. Ý thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu phân biệt chư pháp cố. Trì thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu tư nghị giác ngộ cố.

Niệm xứ tức thị trợ Bồ-đề pháp, phân biệt thân thọ tâm pháp thành tựu cố. Chánh cần tức thị trợ Bồ-đề pháp, dĩ ly nhất thiết bất thiện pháp tu hành nhất thiết thiện pháp tăng quảng cố. Như ý túc thị trợ Bồ-đề pháp, thành tựu thân tâm khinh lợi cố. Chư căn tức thị trợ Bồ-đề pháp, nhiếp thủ chư căn thành tựu cố. Chư lực tức thị trợ Bồ-đề pháp, tồi diệt nhất thiết phiền não cố.

Giác thị trợ Bồ-đề pháp, giác tri thật pháp cố. Lục hồ kính tức thị trợ Bồ-đề pháp, điều phục chúng sanh linh thanh tịnh cố.

Ma-nạp! Thị danh nhiếp thủ trợ thanh tịnh độ sanh tử pháp môn.

Thọ-đề phục ngôn: “Tôn giả! Như Phật sở thuyết, bố thí quả báo tức thị đại phú đắc đại quyến thuộc. Hộ trì cấm giới đắc sanh thiên thượng. Quảng bác đa văn đắc đại trí huệ. Hựu như Phật thuyết, tư duy chi pháp đắc độ sanh tử.”

Sư phục báo ngôn: “Ma-nạp! Nhược nhạo sanh tử cố hành bố thí, thị cố đại phú. Ma-nạp! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, tâm hướng Bồ-đề vị tâm điều phục cố hành bố thí, vị tâm tịch tĩnh cố trì cấm giới, vị tâm thanh tịnh vô hữu ái trược cố cầu đa văn, vị đại bi cố tư duy tu đạo. Kỳ dư chư pháp trí huệ phương tiện thành tựu trợ cầu.

Ma-nạp! Thị danh trợ Bồ-đề pháp. Như thị tu hành tức thị hệ niệm đắc Bồ-đề dã.

Ma-nạp! Như thị Bồ-đề kim ưng sanh dục. Thị  đạo thanh tịnh ưng chuyên tâm tác nguyện. Thị đạo vô trược tâm thanh tịnh cố. Thị đạo chánh trực vô hữu siểm khúc đoạn phiền não cố. Thị đạo an ẩn, nãi chí năng đáo Niết- bàn thành cố. Nhữ đẳng kim ưng tác đại thiện nguyện, thủ trang nghiêm Phật độ tùy ý sở cầu tịnh cập bất tịnh.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Thọ-đề ma-nạp  tại Bảo Tạng Phật tiền, hữu tất trước địa trường quỵ xoa thủ, tiền bạch Phật ngôn: “Thế Tôn ngã kim phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Thử bất tịnh thế giới sở hữu chúng sanh, thiểu ư tham dâm, sân khuể, ngu si, bất phạm phi pháp, tâm vô ái trược, vô oán tặc tưởng, xả ly xan lận, tật đố chi tâm, ly tà kiến tâm, an trụ chánh kiến, ly bất thiện tâm cầu chư thiện pháp, ly tam ác tâm cầu tam thiện đạo, ư tam phước xứ thành tựu thiện căn, ư tam thừa pháp tinh cần tu tập, nhĩ thời ngã đương thành vô thượng đạo.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, linh ngã lưỡng thủ tự nhiên nhi xuất bạch sắc long tượng.

Tác thị ngôn dĩ Phật thần lực cố, kỳ lưỡng thủ trung tức xuất long tượng, kỳ sắc thuần bạch thất xứ đáo địa. Kiến thị sự dĩ cáo ngôn: “Long tượng! Nhữ đẳng kim giả khả chí hư không khứ thử bất viễn, biến vũ thử giới bát đức hương thủy, giác ngộ thử giới nhất thiết chúng sanh. Nhược hữu chúng sanh đắc ngộ nhất tích, văn kỳ hương khí tất đoạn ngũ cái. Sở vị dâm dục, sân khuể, miên thụy, trạo hối, nghi cái.”

Tác thị ngữ dĩ, nhĩ thời long tượng tại hư không trung, chu toàn tốc tật do như lực sĩ thiện xạ phóng tiễn. Thị nhị long tượng sở tác chư sự tất thành tựu dĩ, phục hoàn lai chí ma-nạp tiền trụ.

Nhĩ thời Thọ-đề kiến thị sự dĩ tâm đại hoan hỷ.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tức cáo ma- nạp: “Thiện nam tử! Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà  sa  a-tăng-kỳ kiếp, thị thời hữu kiếp danh Âm Quang Minh, thử Phật thế giới chuyển danh Hồ Hợp Âm Quang Minh, nhữ ư thị trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Bảo Cái Tăng Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Thọ-đề, đầu diện trước địa lễ ư Phật túc.

Bảo Tạng Như Lai tức vị Thọ-đề nhi thuyết kệ ngôn:

Kỳ tâm ly cấu,

Thanh tịnh thả khởi,

Kim dĩ thọ ký,

Năng linh vô lượng,

Ưùc số chúng sanh,

Tịnh đệ nhất đạo,

Ư đương lai thế,

Điều ngự thiên nhân.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Thọ-đề văn thị kệ dĩ sanh đại hoan hỷ, tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Tam ức đệ tử trừ nhất thiên nhân, kỳ dư hàm cộng đồng thanh phát nguyện, ư thử thế giới thành A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai giai vị nhất nhất thọ kỳ A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký, nãi chí Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-thi-sa-bà, tối hậu thành  A-nậu-đa-la  Tam- miệu Tam-bồ-đề.

Kỳ dư thiên nhân tất giai độc tụng tỳ-đà ngoại điển. Kỳ trung tối đại sở tôn ngưỡng giả, danh Bà-do-tỳ-nữu bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim sở nguyện đương ư ngũ trược ác thế thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vị thử hậu trọng tham dục, sân khuể, ngu si, đa não chúng sanh, thuyết ư chánh pháp.”

Thời thiên nhân trung phục hữu nhất nhân tự viết Hỏa Man tác như thị ngôn: “Tôn giả Bà-do-tỳ-nữu, hướng kiến hà nghĩa nguyện ư ngũ trược ác thế chi trung thành A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?”

Kỳ sư báo ngôn: “Thị Bồ Tát đại bi thành tựu cố, ư ngũ trược thế  thành  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề.  Nhĩ thời chúng sanh vô hữu cứu hộ, vô chư thiện niệm, kỳ tâm thường vi phiền não sở loạn, chư kiến sở xâm, ư trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nãi năng  đại  ích  vô lượng chúng sanh, thiện năng vị tác cứu hộ y chỉ xá trạch đăng minh, kiêm phục độ thoát ư sanh tử đại hải, giáo linh an trụ ư chánh kiến trung, sử xử Niết-bàn, phục cam lộ thủy, thị Bồ Tát ma-ha-tát dục thị hiện đại bi cố, nguyện thủ như thị ngũ trược ác thế.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai cáo Bà-do- tỳ-nữu ngôn: “Thiện nam tử! Đương lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, hậu phần chi trung đông phương khứ thử nhất Phật thế giới vi trần số đẳng Phật độ, hữu thế giới danh Ca-sa Tràng, nhữ ư thị trung đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Kim Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời Bà-do-tỳ-nữu phục bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, ngã kim đầu diện kính lễ Phật túc, duy nguyện Như Lai dĩ bá phước trang nghiêm Phật chi lưỡng túc trí ngã đỉnh thượng.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bà-do-tỳ-nữu thuyết thị ngữ dĩ, tầm thời kính lễ Bảo Tạng Phật túc. Tức thời Như Lai bá phước chi túc tại kỳ đầu thượng.

Phục dĩ thử kệ nhi tán thán ngôn:

Đại bi tâm giả,

Kim khả hoàn khởi,

Trí huệ minh lợi,

Hành bồ tát đạo,

Vị bồ-đề cố,

Đoạn trừ kiên lao,

Chư phiền não phược,

Đương lai thành Phật,

Năng đại lợi ích,

Vô lượng chúng sanh.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bà-do-tỳ-nữu văn thị kệ dĩ tâm đại hoan hỷ, tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hỏa Man ma-nạp tại Bảo Tạng Phật tiền, hữu tất trước địa trường quỵ xoa thủ, tiền bạch Phật ngôn: “Ngã kim sở nguyện ư thử thế giới, phát A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Nhược hữu  chúng  sanh tam độc đẳng phần, bất năng chuyên tâm trụ ư thiện pháp. Kỳ tâm bất thiện thọ tứ vạn tuế, nhĩ thời ngã đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai cáo Hỏa Man ngôn: “Thiện nam tử! Vị lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, hậu phần chi trung thử Phật thế giới đương danh Ta-bà. Hà nhân duyên cố danh viết Ta-bà? Thị chư chúng sanh nhẫn thọ tam độc cập chư phiền não, thị cố bỉ giới danh viết Nhẫn Độ. Thời hữu đại kiếp danh viết Thiện Hiền. Hà nhân duyên cố kiếp danh Thiện Hiền? Thị đại kiếp trung đa hữu tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn chúng sanh, hữu thiên Thế Tôn thành tựu đại bi xuất hiện ư thế. Thiện nam tử! Hiền kiếp chi sơ nhân thọ tứ vạn tuế, ư thiên Phật trung tối sơ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, vị chư chúng sanh thuyết tam thừa pháp, linh vô lượng chúng sanh tại sanh tử giả, tất đắc giải thoát trụ ư Niết-bàn.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hỏa Man ma-nạp tiền lễ Phật túc, khước tại nhất diện phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời đệ nhị ma-nạp tự Hư Không tại Phật tiền tọa, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã ư lai thế thứ Câu-lưu-tôn Như Lai chi xứ nhân thọ tam vạn tuế, ngã đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Hư Không ma-nạp ngôn: “Thiện nam tử! Đương lai chi thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng- kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp hậu phần, nhập Hiền kiếp trung Ta-bà thế giới, thứ Câu-lưu- tôn Phật hậu, nhân thọ tam vạn tuế, nhữ đương ư trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Già-na-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô  thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, hữu đại danh xưng biến văn thế gian.

Nhĩ thời Hư Không văn thọ ký dĩ, đầu diện lễ Phật hữu nhiễu tam táp tại Phật tiền trụ, dĩ chủng chủng hoa tán Phật thân thượng, xoa thủ cung kính lễ, dĩ kệ tán Phật:

Nhiếp hộ thân tâm,

Thiện nhập thiền định,

Dĩ vi diệu âm,

Thiện năng giáo giới,

Kỳ tâm thanh tịnh,

Vô hữu trược loạn,

Tuy hóa chúng sanh,

Bất hoại chánh pháp,

Danh xưng quang minh,

Cập niệm tổng trì,

Bá phước công đức,

Vô bất tăng quảng,

Vị chư chúng sanh,

Thị hiện thiện đạo,

Thụ tiên thắng tràng,

Chư công đức sơn,

Trì dĩ lợi ích,

Vô lượng chúng sanh,

Tất linh nhất thiết,

Công đức mãn túc,

Hựu dữ chúng sanh,

Thiện tịch diệt đạo,

Sở thiêu phiền não,

Như Tu-di sơn,

Ư tam hữu trung,

Sanh đại bi tâm,

Nhi dữ vô lượng,

Chúng sanh thọ ký.

Thiện nam tử! Nhĩ thời đệ tam ma-nạp tự Tỳ-xá-cúc- đa, tại ư Phật tiền dĩ thất bảo sàng, sàng thượng sở phu uyển diên nhân nhục giá trị thiên vạn lượng kim. Ư kỳ sàng thượng trí chân kim khí thạnh mãn thất bảo, thuần kim tháo quán thất bảo diệu trượng, cúng dường Thế Tôn cập tỳ-kheo tăng. Tác thị thí dĩ bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã vị lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp hậu phần, nhập Hiền kiếp trung nguyện ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề.

“Nhĩ thời nhân dân thọ mạng tổn giảm, sơ nhập ngũ trược sở hữu chúng sanh hậu trọng tham dâm, sân khuể, ngu si, xan lận, tật đố, hành ư tà kiến, tùy ác tri thức, chư bất thiện căn dĩ phú kỳ tâm, ư chư thiện căn tâm một thối thất, viễn ly chánh kiến, tà mạng tự hoạt. Già-na-ca Mâu- ni bát Niết-bàn hậu, chánh pháp diệt dĩ, nhất thiết chúng sanh manh vô huệ nhãn, vô sở sư tông, nhân thọ nhị vạn tuế, nhĩ thời ngã đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tán Tỳ-xá- cúc-đa ngôn: “Thiện tai thiện tai. Thiện nam tử! Nhữ kim thành tựu vô thượng trí huệ. Nhữ đương sơ nhập ngũ trược ác thế, thời nhân thọ mạng mãn nhị vạn tuế, manh vô huệ nhãn vô sở sư tông, nhữ ư thị trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Kim đương hiệu nhữ vi Đại Bi Trí Huệ.”

Phật cáo Đại Bi Trí Huệ Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nhữ ư lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp hậu phần, nhập Hiền kiếp trung nhân thọ nhị vạn tuế, nhữ ư nhĩ thời đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Ca-diếp Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Đại Bi Trí Huệ Bồ Tát, tầm dĩ đầu diện lễ ư Phật túc khước trụ nhất diện, dĩ chủng chủng hoa hương, mạt hương, đồ hương cúng dường Thế Tôn, dĩ kệ tán Phật:

Nhân trung chi tôn,

Lợi ích chúng sanh,

Tất năng linh bỉ,

Sanh ái nhạo tâm,

Niệm định pháp môn,

Tâm đắc chuyên nhất,

Ngã văn diệu âm,

Tâm đại hoan hỷ,

Trí huệ phương tiện,

Vô bất cụ túc,

Thị cố năng hành,

Thế gian giáo hóa,

Hựu dữ vô lượng,

Vô biên chúng sanh,

Thọ ư vô thượng,

Bồ-đề đạo ký,

Duyên thị đắc kiến,

Thập phương chư Phật,

Trí huệ thần túc,

Giai tất bình đẳng,

Chư Phật sở hữu,

Vi diệu công đức,

Tinh cập thị hiện,

Tu Bồ Tát đạo,

Thọ chư chúng sanh,

Vô thượng đạo ký,

Nhược dục xưng tán,

Bất khả đắc tận,

Thị cố ngã kim,

Khể thủ kính lễ.

Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục cáo đệ tứ ma-nạp Tỳ- xá-da Vô Cấu ngôn: “Thiện nam tử! Nhữ kim khả phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Tỳ-xá-da Vô Cấu tại Phật tiền trụ bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã nguyện ư thử thế giới Hiền kiếp trung,  cầu  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề, phi ư ngũ trược ác thế chi trung như Ca-diếp Phật sở hữu quốc độ, Ca-diếp Như Lai bát Niết-bàn hậu chánh pháp diệt dĩ, nhân thọ chuyển thiểu, chí thập thiên tuế. Sở hữu bố thí điều phục trì giới tất giai diệt tận. Thị chư chúng sanh thiện tâm chuyển diệt viễn ly thất tài, ư ác tri thức khởi Thế Tôn tưởng, ư tam phước sự vĩnh vô học tâm, ly tam thiện hành, cần hành tam ác, dĩ chư phiền não phú trí huệ tâm linh vô sở kiến, ư tam thừa pháp, bất dục tu học. Thị chúng sanh trung, nhược ngã dục thành A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thượng vô hữu nhân năng tác già ngại, hà huống nhân thọ nhất thiên tuế dã? Nãi chí nhân thọ bá tuế, thị thời chúng sanh nãi chí vô hữu thiện pháp danh tự, hà huống hữu hành thiện căn chi giả. Ngũ trược ác thế, nhân dân thọ mạng sảo sảo giảm thiểu, nãi chí thập tuế đao kiếp phục khởi. Ngã ư nhĩ thời đương tùng thiên lai ủng hộ chúng sanh, vị hiện thiện pháp, linh ly bất thiện pháp, nãi chí an trụ thập thiện pháp trung, ly ư thập ác phiền não chư kết, tất linh thanh tịnh diệt ngũ trược thế. Chúng sanh nãi chí nhân thọ bát vạn tuế, nhĩ thời ngã đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thị thời chúng sanh, thiểu ư tham dâm sân khuể ngu si vô minh xan lận tật đố. Ngã ư nhĩ thời vị chư chúng sanh thuyết tam thừa pháp, linh đắc an trụ.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, duy nguyện Như Lai thọ ngã A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề ký.

Thế Tôn! Nhược ngã bất đắc như thị thọ ký, ngã ư kim giả đương cầu Thanh văn hoặc cầu Duyên giác, như kỳ thừa lực tật đắc giải thoát độ ư sanh tử.

Thời Bảo Tạng Phật cáo Tỳ-xá-da Vô Cấu ngôn: “Thiện nam tử! Bồ Tát hữu tứ giải đãi. Nhược Bồ Tát thành tựu như thị tứ pháp giả, tham trước sanh tử, ư sanh tử ngục thọ chư khổ não, bất năng tật thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Hà đẳng tứ? Hạ hạnh, hạ bạn, hạ thí, hạ nguyện.

Vân hà Bồ Tát hạ hạnh? Hoặc hữu Bồ Tát phá thân khẩu giới, bất thiện hộ nghiệp, thị danh hạ hạnh.

Vân hà hạ bạn? Thân cận Thanh văn cập Bích-chi Phật dữ cộng tùng sự, thị danh Bồ Tát hạ bạn.

Vân hà hạ thí? Bất năng nhất thiết xả chư sở hữu, ư thọ giả trung tâm sanh phân biệt, vị đắc thiên thượng thọ khối lạc cố nhi hành bố thí, thị danh Bồ Tát hạ thí.

Vân hà hạ nguyện? Bất năng nhất tâm nguyện thủ chư Phật tịnh diệu thế giới. Sở tác thệ nguyện bất vị điều phục nhất thiết chúng sanh, thị danh Bồ Tát chi hạ nguyện dã.

Bồ Tát thành thị Tứ giải đãi pháp, cửu xử sanh tử, thọ chư khổ não, bất năng tật thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thiện nam tử! Phục hữu tứ pháp, Bồ Tát thành tựu tắc năng tật thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Hà đẳng tứ? Nhất năng trì cấm giới tịnh thân khẩu ý hộ trì pháp hạnh. Nhị thân cận tu học đại thừa chi nhân, dữ cộng đồng sự. Tam sở hữu chi vật năng nhất thiết xả, dĩ đại bi tâm thí ư nhất thiết. Tứ nhất tâm nguyện thủ chủng chủng trang nghiêm chư Phật thế giới, diệc vị điều phục nhất thiết chúng sanh. Thị danh tứ pháp, Bồ Tát thành tựu tắc năng tật thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Phục hữu tứ pháp, Bồ Tát thành tựu năng trì vô thượng

Bồ-đề chi đạo.

Hà đẳng tứ? Tinh cần hành ư chư ba-la-mật, nhiếp thủ nhất thiết vô lượng chúng sanh tâm, thường bất ly tứ vô lượng, hành du hý chư thông. Thị danh tứ pháp, Bồ Tát thành tựu năng trì vô thượng Bồ-đề chi đạo.

Phục hữu tứ pháp linh tâm vô yếm. Hà đẳng vi tứ? Nhất giả hành thí, nhị thính pháp, tam tu hành, tứ nhiếp thủ chúng sanh. Như thị tứ pháp linh tâm vô yếm, Bồ Tát ưng học.

Phục hữu Tứ vô tận tạng, thị chư Bồ Tát sở ưng thành tựu.

Hà đẳng tứ? Nhất giả tín căn, nhị giả thuyết pháp, tam thiện căn nguyện, tứ giả nhiếp thủ bần cùng chúng sanh. Thị vi Bồ Tát Tứ vô tận tạng cụ túc tu mãn.

Phục hữu Tứ thanh tịnh pháp Bồ Tát thành tựu.

Hà đẳng tứ? Trì giới thanh tịnh dĩ vô ngã cố, tam-muội thanh tịnh vô chúng sanh cố, trí huệ thanh tịnh vô thọ mạng cố, giải thoát tri kiến thanh tịnh dĩ vô nhân cố. Thị vi tứ thanh tịnh pháp. Bồ Tát thành tựu dĩ thị cố, tật thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chuyển hư không pháp luân, chuyển bất khả tư nghị pháp luân, chuyển bất khả lượng pháp luân, chuyển vô ngã pháp luân, chuyển vô ngôn thuyết pháp luân, chuyển xuất thế pháp luân, chuyển thông đạt pháp luân, chuyển chư thiên nhân sở bất năng chuyển vi diệu chi luân.

Thiện nam tử! Vị lai chi thế, quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp hậu phần, sơ nhập Hiền kiếp ngũ trược diệt dĩ, thọ mạng tăng ích chí bát vạn tuế, nhữ ư thị trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu viết Di-lặc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời Tỳ-xá-da ma-nạp, tại ư Phật tiền đầu diện lễ túc khước trụ nhất diện, dĩ chủng chủng hoa hương mạt hương đồ hương, cúng dường ư Phật cập tỳ-kheo tăng, dĩ kệ tán Phật:

Thế Tôn vô cấu,

Như chân kim sơn,

Mi gian hào tướng,

Bạch như kha tuyết,

Ưùng thời vị ngã,

Thuyết vi diệu pháp,

Ký ngã lai thế,

Tác thiên nhân sư,

Thùy hữu kiến văn,

Nhi đương bất thủ,

Tiên thánh đại giác,

Thế đăng công đức.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí nhất thiên ma-nạp, duy trừ nhất nhân, tất cộng độc tụng Tỳ-đà ngoại điển, giai dĩ khuyến hóa ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề, như Câu-lưu-tôn, Già-na-ca   Mâu-ni, Ca-diếp, Di-lặc. Kỳ đệ ngũ giả, danh Sư Tử Quang Minh diệc như thị.

Kỳ thiên nhân trung, duy trừ nhị nhân, kỳ dư giai nguyện ư Hiền kiếp trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Ư kỳ chúng trung tối hạ tiểu giả, danh Trì Lực Tiệp Tật. Bảo Hải Phạm-chí phục giáo linh phát A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề tâm.

Thiện nam tử! Nhữ kim mạc quan cửu viễn đương ly tâm giác, vị chư chúng sanh khởi đại bi tâm.

Nhĩ thời Phạm-chí, tức vị Trì Lực Tiệp Tật nhi thuyết kệ ngôn:

Ấm giới chư nhập,

Sở nhiếp chúng sanh,

Uý lão bệnh tử,

Đọa ư ái hải,

Bế tại tam hữu,

Khả uý ngục trung,

Ẩm phiền não độc,

Hỗ tương xâm hại,

Trường dạ đọa tại,

Khổ não hải trung,

Si manh vô mục,

Thất ư chánh đạo,

Cửu xử sanh tử,

quan sở phú,

Tam hữu chúng sanh,

Chư khổ sí nhiên,

Dĩ ly chánh kiến,

An trụ tà kiến,

Chu hồi sanh tử,

Ngũ đạo chi trung,

Bất đắc hưu tức,

Thí như xa luân,

Hữu chư chúng sanh,

Thất ư pháp nhãn,

Manh vô sở đổ,

Hựu vô cứu hộ,

Nhữ ưng tu tập,

Vô lượng trí huệ,

Linh ly si hoặc,

Sử phát bồ-đề,

Ưng dữ chúng sanh,

Tác thiện tri thức,

Vị thiêu ái kết,

Giải phiền não phược,

Ưng vị thị đẳng,

Phát bồ-đề tâm,

Thất pháp nhãn giả,

Vi si sở phú,

Vị ly si cố,

Ưng dữ thắng đạo,

Sanh tử hữu ngục,

Đại hỏa sí nhiên,

Dữ pháp cam lộ,

Linh kỳ sung túc,

Nhữ kim tốc vãng,

Chí ư  Phật  sở,

Đầu đỉnh lễ túc,

Tác đại lợi ích,

Đương ư Phật sở,

Phát diệu thắng nguyện,

Sở nguyện thắng diệu,

Thiện trì niệm chi,

Nhữ đương lai thế,

Điều ngự thiên nhân,

Diệc đương nguyện thí,

Chúng sanh vô uý,

Bạt tế nhất thiết,

Tất linh giải thoát,

Diệc linh cụ túc,

Căn lực giác đạo,

Vũ đại pháp vũ,

Đầu trí huệ thủy,

Diệt chư chúng sanh,

Khổ não chi hỏa.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Trì Lực Tiệp Tật tác như thị ngôn: “Tôn giả! Ngã kim sở nguyện bất cầu sanh thiên quả báo, bất cầu Thanh văn Bích-chi Phật thừa, ngã kim duy cầu vô thượng đại thừa, đãi thời đãi xứ, đãi điều phục chúng sanh, đãi phát thiện nguyện. Ngã kim tư duy như thị đẳng sự. Tôn giả, thả đãi tu du, thính ngã sư tử hống thời.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí tiệm tiệm khước hành hữu thị giả ngũ nhân, nhất danh Thủ Long, nhị danh Lục Long, tam danh Thủy Long, tứ danh Hư Không Long, ngũ danh Diệu Âm Long, nhi cáo chi viết: “Nhữ đẳng kim giả khả phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.”

Ngũ nhân báo viết: “Tôn giả! Ngã đẳng không vô sở hữu, vô dĩ cúng dường Phật cập chúng tăng vị chủng thiệncăn, vân hà đắc phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm?”

Thiện nam tử! Nhĩ thời Phạm-chí, dĩ tả nhĩ trung sở trước bảo hoàn, trì dữ Thủ Long, hữu nhĩ bảo hoàn trì dữ Lục Long, sở tọa bảo sàng trì dữ Thủy Long, sở dụng bảo trượng dữ Hư Không Long, thuần kim tháo quán dữ Diệu Âm Long. Như thị dữ dĩ phục tác thị ngôn: “Đồng tử! Nhữ kim khả trì thử vật cúng dường Phật cập chúng tăng, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.