Kinh Bi Hoa – PHẨM THỨ TƯ – PHẦN I BỒ TÁT THỌ KÝ

Kinh Bi Hoa - PHẨM THỨ TƯ - PHẦN I BỒ TÁT THỌ KÝ

Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng lại có ý nghĩ rằng: ‘Vô số chúng sinh ở đây đều đã đạt được địa vị không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Nay ta sẽ thọ ký cho từng người, đồng thời vì họ mà thị hiện cho thấy tất cả các cõi Phật.’

“Khi ấy, đức Thế Tôn liền nhập Tam-muội Bất thất Bồ-đề tâm. Ngài dùng sức của tam-muội ấy mà phóng ra ánh hào quang lớn, chiếu soi khắp vô số thế giới, khiến cho Chuyển luân Thánh vương cùng với vô số chúng sinh đều được nhìn thấy vô số thế giới của chư Phật.

“Bấy giờ, trong vô lượng vô biên thế giới khác ở khắp mười phương, mỗi một thế giới đều có các vị Đại Bồ Tát, được ánh hào quang của đức Phật chiếu đến, nương theo oai thần của Phật liền cùng hiện đến chỗ Phật, dùng những phép thần thông biến hóa mà mỗi vị đã đạt được để cúng dường Phật và chư tỳ-kheo tăng. Tất cả các vị đều cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng cung kính rồi ngồi xuống phía trước, mong muốn được nghe đức Như Lai vì chư Bồ Tát mà thọ ký cho sự thành Phật của từng vị.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại thưa với Thánh vương: ‘Đại vương! Nay đại vương trước hết nên phát thệ nguyện nhận lấy cõi Phật vi diệu.’

“Thiện nam tử! Khi Thánh vương nghe lời ấy liền tức thời đứng dậy, rồi chắp tay quỳ xuống hướng về đức Phật, bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay con thật lòng muốn được đạo Bồ-đề. Như việc con đã cúng dường Phật và chư tỳ-kheo mọi thứ cần dùng trong vòng ba tháng, nay nguyện đem căn lành ấy hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện cho chẳng bao giờ nhận lấy cõi Phật bất tịnh.

“Thế Tôn! Vừa qua trong vòng bảy năm con đã ngồi yên tĩnh tư duy về vô số những cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác nhau.

“Thế Tôn! Nay con phát nguyện khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì trong cõi thế giới sẽ không có những cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; hết thảy chúng sinh sau khi mạng chung sẽ không phải đoạ vào ba đường ác.(1) Toàn cõi thế giới và chúng sinh ở đó đều chỉ toàn một màu vàng ròng. Chư thiên và loài người không có gì khác biệt nhau, tất cả đều chứng đắc Sáu thần thông.(2)

“Nhờ được Túc mạng thông nên biết được những việc trong cả trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp đã qua. Nhờ được Thiên nhãn thanh tịnh(3) nên thấy được trăm ngàn ức na-do-tha thế giới trong khắp mười phương, cũng thấy được trong các thế giới ấy mỗi nơi đều có chư Phật hiện đang thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu. Nhờ được Thiên nhĩ thanh tịnh(4) nên nghe được tiếng của chư Phật hiện đang thuyết pháp trong trăm ngàn ức na-do-tha thế giới ở khắp mười phương. Nhờ có Trí huệ tha tâm(1) nên biết được tâm niệm của tất cả chúng sinh trong vô lượng vô biên ức na-do- tha thế giới ở khắp mười phương. Nhờ có Như ý thông(2) nên chỉ trong một khoảnh khắc có thể đi khắp trăm ngàn ức na- do-tha thế giới của chư Phật. Trong khi đến đi xoay chuyển đều khiến cho hết thảy chúng sinh hiểu rõ được ý nghĩa không có ngã ngã sở, đều đạt được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Ba đường ác: Xem chú giải ở trang 94.

(2) Sáu thần thông: tức Lục thần thông hay Lục thông. Xem chú giải ở trang 93.

(3) Thiên nhãn thanh tịnh: tức Thiên nhãn thông.

(4) Thiên nhĩ thanh tịnh: tức Thiên nhĩ thông.

“Nguyện cho thế giới của con không có nữ giới, cũng không có tên gọi nữ giới. Hết thảy chúng sinh đều chỉ hóa sinh(3) một lần và có thọ mạng vô lượng, trừ khi có thệ nguyện khác. Không có hết thảy các tên gọi bất thiện. Thế giới thanh tịnh, không có mọi sự xấu xa nhơ nhớp, thường có hương thơm vi diệu của chư thiên tỏa khắp mọi nơi. Hết thảy chúng sinh đều được thành tựu ba mươi hai tướng tốt,(4) tự có chuỗi anh lạc trang sức quanh thân. Tất cả Bồ Tát ở thế giới của con đều đạt địa vị Nhất sinh,(5) trừ khi có thệ nguyện khác.

“Nguyện cho chúng sinh ở thế giới của con chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn có thể nương oai thần của Phật mà đi đến khắp vô lượng vô biên cõi thế giới, được gặp các vị Phật hiện tại, lễ bái, đi quanh cung kính, dùng những phép thần túc biến hóa đã đạt được để cúng dường chư Phật.

(1) Trí huệ tha tâm: tức Tha tâm thông.

(2) Như ý thông: tức Thân như ý thông, hay Thần cảnh thông.

(3) Hóa sinh: một trong bốn cách sinh ra của chúng sinh. Đó là: 1. Thai sinh: sinh ra từ bào thai. 2. Noãn sinh: sinh ra từ trứng. 3. Thấp sinh: sinh ra từ môi trường ẩm ướt. 4. Hóa sinh: sinh ra từ sự biến hóa, do nghiệp lực hoặc do sức thần thông.

(4) Ba mươi hai tướng tốt: Xem chú giải ở trang 88.

(5) Nhất sinh: tức Nhất sinh bổ xứ. Xem chú giải ở trang 86.

Rồi cũng chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn đó đã trở về cõi thế giới này để thường xuyên khen ngợi tán thán kho tàng chánh pháp của chư Phật.

“Những chúng sinh ấy đều được thân thể có sức mạnh như lực sĩ na-la-diên(1) cõi trời. Những sự trang nghiêm tốt đẹp như thế ở cõi thế giới của con, cho dù là người đạt được thiên nhãn cũng không thể nói hết! Tất cả chúng sinh đều đạt được bốn biện tài.(2)   Hết thảy những cây mà các vị Bồ Tát ngồi bên dưới đều có cành lá tỏa rộng che khắp một vạn do-tuần.

“Thế giới của con thường luôn có ánh sáng thanh tịnh nhiệm mầu, khiến cho hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của vô lượng cõi Phật ở các phương khác đều hiện ra trong ánh sáng ấy. Chúng sinh ở thế giới của con, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết chẳng bao giờ làm những điều bất tịnh, thường luôn là chỗ cung kính cúng dường tôn trọng của hết thảy chư thiên cùng với người và phi nhân. Từ khi phát tâm tu hành cho đến lúc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thường luôn được sáu căn(3) thanh tịnh. Ngay khi vừa sinh ra đã được niềm vui không phiền não, thọ hưởng sự khoan khoái vui sướng, tự nhiên thành tựu hết thảy mọi căn lành. Sinh ra rồi liền tự nhiên trên người khoác áo cà-sa mới, liền được phép tam- muội tên là Thiện phân biệt.(4) Nhờ sức của tam-muội này nên có thể đi đến vô lượng vô biên cõi thế giới Phật ở khắp mười phương, được gặp chư Phật hiện tại, lễ bái đi quanh cung kính cúng dường ngợi khen tôn trọng, rồi mãi cho đến khi được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đối với phép tam-muội này quyết chẳng bao giờ thối thất.

(1) Na-la-diên: phiên âm từ Phạn ngữ Nārāyaṇa, chỉ các vị đại lực sĩ ở cõi trời, có sức mạnh vô hạn.

(2) Bốn biện tài: tức Tứ vô ngại biện, xem chú giải ở trang 102.

(3) Sáu căn: bao gồm nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn ý căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Sáu căn thanh tịnh tức là không bị mê đắm theo sáu trần (hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp).

(4) Thiện phân biệt: khéo phân biệt, có khả năng phân biệt đúng, chính xác.

“Tất cả các vị Bồ Tát ở thế giới của con đều theo như sở nguyện, tự mình tu tập trang nghiêm cho cõi thế giới thanh tịnh nhiệm mầu, nhìn vào trong cây quý bằng bảy báu liền thấy được mọi cõi thế giới Phật ở nơi xa cùng với hết thảy chúng sinh ở đó. Ngay sau khi sinh ra liền được phép tam- muội hóa hiện khắp nơi. Nhờ sức của tam-muội nên thường nhìn thấy chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên thế giới ở khắp mười phương, rồi mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết   chẳng   bao   giờ thối thất.

“Nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi thế giới của con đều có được cung điện, y phục, chuỗi ngọc anh lạc, đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp giống như ở cõi trời thứ sáu là cõi trời Tha hóa tự tại.(1) Thế giới của con không có núi đồi gò nổng, các núi Thiết vi lớn nhỏ, núi Tu-di và biển cả, cũng không có những tiếng như năm ấm,(2) năm sự ngăn che,(3) các phiền não chướng ngại; không có tên gọi của ba đường ác,(1) tám nạn xứ,(2) không có những tên gọi để chỉ những cảm thọ khổ cũng như những cảm thọ không khổ không vui.(3)

(1) Cõi trời Tha hóa tự tại: cõi trời thứ sáu trong Dục giới. Xem chú giải trang 78.

(2) Năm ấm, hay năm uẩn, được dịch từ Phạn ngữ pañca-skandḥāh, chỉ các nhóm thành tố tạo thành thân tâm chúng sinh, bao gồm: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm.

(3) Năm sự ngăn che (ngũ cái), được dịch từ Phạn ngữ pañca āvaraṇāni chỉ năm loại phiền não ngăn che trí huệ, gây chướng ngại cho sự giải thoát, bao gồm: tham dục (rāga-āvaraṇa), sân khuể (pratigha-āvaraṇa), hôn trầm, thụy miên (styāna- middha-āvaraṇa), trạo cử, ác tác (auddhatya-kaukṛtya-āva-raṇa) và nghi (vicikitsā- āvaraṇa). Khi chưa trừ được năm điều này thì trí huệ không thể phát huy, tâm thức không thể đạt đến sự giải thoát, vì thế chúng được hình dung như những “nắp đậy”, che bít tâm thức.

“Bạch Thế Tôn! Chỗ phát nguyện của con là như vậy, muốn được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh như thế.

“Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, con nguyện sẽ tu hành đạo Bồ Tát nhiều đời nhiều kiếp, sao cho phải được thành tựu cõi Phật thanh tịnh như thế.

“Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, con nguyện phải làm nên được những điều ít có, rồi sau mới thành tựu quả A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Vào lúc con thành tựu quả A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sẽ ngồi ở đạo tràng dưới gốc cây Bồ-đề lớn che khắp ngang dọc một vạn do-tuần, chỉ trong một khoảnh khắc là thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Sau khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam- bồ-đề, hào quang chiếu sáng khắp vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha cõi thế giới của chư Phật, khiến cho thọ mạng của con là vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, không ai có thể biết hết được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí,(4) khiến cho thế giới của con không có Thanh văn thừa Bích-chi Phật thừa,(5) hết thảy đại chúng đều chỉ toàn các vị Bồ Tát, số nhiều đến vô lượng vô biên, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí.

(1) Ba đường ác: Xem chú giải ở trang 94.

(2) Tám nạn xứ: xem chú giải ở trang 95.

(3) Cảm thọ của chúng sinh chia làm ba loại: cảm thọ khổ đau, khó chịu (khổ thọ), cảm thọ vui thích, dễ chịu (lạc thọ) và cảm thọ không khổ không vui, nghĩa là tuy có cảm thọ nhưng không thuận theo cũng không nghịch lại, không cảm thấy dễ chịu cũng không khó chịu (bất khổ bất lạc thọ, cũng gọi là xả thọ).

(4) Bậc Nhất thiết trí: chỉ đức Phật, bậc giác ngộ rốt ráo.

(5)Thanh văn thừa và Bích-chi Phật thừa: gọi chung là Tiểu thừa, chỉ những người

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, khiến cho chư Phật trong khắp mười phương đều xưng dương tán thán danh hiệu của con.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới Phật khác, nếu có chúng sinh nào nghe đến danh hiệu của con rồi phát tâm tu các căn lành để cầu sinh về thế giới của con, nguyện cho các chúng sinh ấy sau khi xả bỏ thân mạng chắc chắn sẽ được sinh về, trừ ra những chúng sinh phạm năm tội nghịch,(1) phỉ báng thánh nhân, phá hoại Chánh pháp.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới Phật khác nếu có chúng sinh nào phát tâm A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tu các căn lành để  cầu  được sinh về thế giới của con, thì vào lúc lâm chung con cùng với đại chúng vây quanh sẽ hiện đến ngay trước mặt người ấy. Người ấy được thấy con rồi, liền do nơi con mà được tâm hoan hỷ. Nhờ được nhìn thấy con nên lìa khỏi mọi sự chướng ngại, liền đó xả bỏ thân mạng, sinh về thế giới của con.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, nếu các vị Đại Bồ Tát nào muốn từ nơi con nghe được những pháp chưa từng nghe, vị ấy sẽ theo như chỗ phát nguyện mà được nghe.

phát tâm tin Phật, tu đạo, nhưng không cầu quả vị giải thoát rốt ráo mà chỉ mong thoát khỏi những nỗi khổ trước mắt. Bích-chi Phật thừa cũng được gọi là Duyên giác thừa.

(1)Năm tội nghịch (ngũ nghịch tội): xem chú giải ở trang 109.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới khác, mỗi nơi đều có các vị Bồ Tát, nếu nghe được danh hiệu của con liền được ngay địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được các bậc nhẫn nhục đệ nhất, đệ nhị, đệ tam.(1) Nếu có phát nguyện muốn được các pháp môn đà-la-ni hay các phép tam-muội, liền theo như sở nguyện mà chắc chắn sẽ được, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết không bao giờ còn có sự thối chuyển.

“Sau khi con diệt độ, trải qua nhiều kiếp vượt quá sự tính đếm, nếu có vị Bồ Tát nào trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới nghe được danh hiệu của con, trong tâm liền khởi lòng tin trong sạch, được sự hoan hỷ bậc nhất, liền lễ bái con và ngợi khen rằng: ‘Thật chưa từng có! Vị Phật Thế Tôn này khi còn tu hành đạo Bồ Tát đã làm các việc Phật sự trải qua nhiều đời nhiều kiếp rồi mới thành tựu quả A-nậu-đa-la

(1) Các bậc nhẫn nhục: Trong các kinh điển đề cập đến ba bậc nhẫn nhục (Tam nhẫn) với những cách hiểu có phần khác nhau. Theo kinh Vô lượng thọ và các bản sớ giải của kinh này, Tam nhẫn được hiểu là: 1. Âm hưởng nhẫn: sự nhẫn nhục có được vì do nơi âm hưởng mà ngộ hiểu được chân lý. 2. Nhu thuận nhẫn: sự nhẫn nhục có được do nơi tâm trí huệ nhu nhuyễn, có thể tuỳ thuận theo chân lý. 3. Vô sinh pháp nhẫn: sự nhẫn nhục có được do chứng đắc thật tánh vô sinh, lìa hết mọi pháp tướng, chính là chỗ đạt đạo rốt ráo. Duy thức luận quyển 9 viết: “Nhẫn có 3 loại là: 1. Nại oán hại nhẫn: nhẫn chịu được hết thảy mọi sự não hại, oán nghịch do chúng sinh hữu tình gây ra. 2. An thọ khổ nhẫn: nhẫn chịu được hết thảy những nghịch cảnh, sự khổ não do ngoại cảnh gây ra, như nóng bức, rét lạnh. 3. Đế sát pháp nhẫn, cũng gọi là Vô sinh pháp nhẫn: do thấu hiểu lý vô sinh, thật tánh của các pháp nên nhẫn chịu được tất cả mà không khởi tâm nhẫn chịu.” Ngoài ra còn có một số cách hiểu khác nữa, nhưng tựu trung vẫn giống nhau ở điểm là tùy theo mức độ nhẫn nhục đã đạt được mà người tu có thể có được tâm an nhiên bất động, vững vàng trước ngoại cảnh. Vì thế, Vô sinh pháp nhẫn được xem là mức độ cao nhất, khi hành giả hoàn toàn không còn bị chi phối bởi ngoại cảnh, dù thuận hay nghịch. Xem thêm: Hoa nhẫn nhục – Nguyên Minh, NXB Tôn giáo.

Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Các vị Bồ Tát ấy đã được tâm hoan hỷ với lòng tin sâu vững rồi, quyết định sẽ đạt được các bậc nhẫn nhục, từ đệ nhất cho đến đệ nhị, đệ tam. Nếu có phát nguyện được các pháp môn đà-la-ni cùng với các phép tam- muội, liền theo như sở nguyện mà chắc chắn sẽ được, mãi cho đến lúc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề, quyết không bao giờ còn có sự thối chuyển.

“Sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới khác, nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của con, liền sẽ được sinh tâm hoan hỷ, khởi lòng tin sâu vững, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam-bồ-đề,  rồi  mãi  mãi  cho  đến khi thành Phật quyết chẳng bao giờ còn phải thọ sinh thân người nữ một lần nào nữa.(1)

“Nguyện sau khi con diệt độ rồi, tuy đã trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nhưng trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi Phật thế giới, nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của con, liền sẽ được sinh tâm hoan hỷ, khởi lòng tin sâu vững, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi mãi mãi cho đến khi thành Phật quyết chẳng bao giờ còn phải thọ sinh thân người nữ một lần nào nữa.

(1)Trong nhiều kinh Phật thường đề cập đến những khó khăn của người phụ nữ trong việc tu tập, và ngay chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi cho phép thành lập Ni giới cũng đã có những sự phân tích, cân nhắc rất thận trọng. Cần lưu ý rằng đây không phải là sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới như nhiều người lầm tưởng. Sự thật, đức Phật luôn thuyết dạy về sự bình đẳng giữa tất cả chúng sinh, nghĩa là đối với cả muôn loài chứ không chỉ riêng trong loài người với nhau. Nhưng những khó khăn của người nữ trong việc tu tập là có thật, và điều đó là do nơi nghiệp lực từ đời trước. Vì thế, nếu khéo tu tập thiện pháp, gieo trồng căn lành trong đời này, thì việc không phải thọ sinh thân người nữ trong đời sau cũng chính là một trong những kết quả tốt mà người tu tập sẽ có được.

“Bạch Thế Tôn! Chỗ phát nguyện của con là phải thành tựu được cõi Phật như vậy, chúng sinh như vậy.

“Bạch Thế Tôn! Nếu được cõi thế giới thanh tịnh và chúng sinh như vậy, thì con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ đức Như Lai Bảo Tạng khen ngợi vua Chuyển luân rằng: ‘Lành thay, lành thay! Đại vương, nay sở nguyện của ông thật rất thâm sâu, muốn nhận lấy cõi Phật thanh tịnh và chúng sinh trong cõi ấy cũng có tâm thanh tịnh.

“Đại vương! Ông đã nhìn thấy về phương tây cách đây trăm ngàn muôn ức cõi Phật(1) có cõi thế giới tên là Tôn Thiện Vô Cấu. Thế giới ấy có Phật ra đời hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,  Vô  thượng  sĩ,  Điều  ngự  trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, hiện nay đang vì các vị Bồ Tát mà thuyết giảng chánh pháp. Thế giới ấy không có những tên gọi Thanh văn và  Bích-chi Phật, cũng không có ai thuyết giảng pháp Tiểu thừa, duy nhất chỉ có giáo pháp Đại thừa thanh tịnh không pha tạp. Chúng sinh trong cõi thế giới ấy chỉ hóa sinh một lần duy nhất, không hề có nữ giới, cũng không có cả tên gọi để chỉ nữ giới.

“Cõi Phật ấy có đầy đủ những công đức thanh tịnh trang nghiêm đúng như sở nguyện của đại vương, so với vô số những sự trang nghiêm tốt đẹp ở các cõi Phật đều hoàn toàn không khác, thảy đều đã thâu nhiếp và nhận lấy vô lượng vô biên những chúng sinh đã được điều phục. Vậy nay ta đổi tên cho ông là Vô Lượng Thanh Tịnh.’

(1) Đức Phật Bảo Tạng nêu lên ở đây là để nhắc lại, vì Chuyển luân Thánh vương nhờ oai lực của Phật nên trước đây đã được nhìn thấy cõi Phật này cùng với vô số cõi Phật khác, đồng thời trong suốt bảy năm tĩnh tọa tư duy ông cũng đã thường được nhìn thấy tất cả những cõi Phật thanh tịnh này.

“Bấy giờ, đức Thế Tôn liền bảo Vô Lượng Thanh Tịnh: ‘Đức Phật Tôn Âm Vương kia trải qua một trung kiếp nữa sẽ nhập Niết-bàn. Sau khi ngài nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp sẽ trụ thế đủ mười trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thế giới ấy sẽ đổi tên là Di Lâu Quang Minh. Khi ấy sẽ có đức Như Lai ra đời hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Đức Phật này cũng giống như đức Tôn Âm Vương Như Lai, thế giới cũng trang nghiêm tốt đẹp như thế giới Tôn Thiện Vô Cấu trước đây, không có gì khác biệt. Thọ mạng của Phật là sáu mươi trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp tiếp tục trụ thế sáu mươi trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt, trải qua một ngàn trung kiếp nữa, thế giới ấy lại lấy tên như cũ là Tôn Thiện Vô Cấu, lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Bấy giờ, thọ mạng ở thế giới ấy, cho đến thời gian chánh pháp trụ thế cũng đều giống như vào lúc đức Phật Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương ra đời, không có gì khác biệt. Sau khi chánh pháp diệt rồi, thế giới ấy lại đổi tên là Thiện Kiên, lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Khi ấy, sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới này vẫn như trước không có gì thay đổi.

“Đức Phật Bảo Tôn Âm Vương thọ ba mươi lăm trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ thế đủ bảy trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt mất, lại có vô lượng vô biên chư Phật lần lượt ra đời. Vào thời các vị Phật ấy, cõi thế giới cùng với thọ mạng và thời gian ở đời của chánh pháp thảy đều như trước, không có gì khác biệt.

“Nay ta nhìn thấy rõ hết thảy các vị Phật ấy, từ khi bắt đầu thành đạo cho đến lúc diệt độ, trong lúc ấy thế giới này vẫn thường trụ không thay đổi, không có sự thành hoại.

“Đại vương! Khi tất cả các vị Phật như vậy đều đã diệt độ rồi, sau đó trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng. Khi bắt đầu trải qua số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng thì thế giới ấy đổi tên là An Lạc.(1) Vào lúc ấy, ông sẽ thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ(2) Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Vị Phật này cũng có hiệu là Vô Lượng Quang, dịch từ Phạn ngữ là Amitābha , có nghĩa là “ánh sáng vô lượng”. Cả hai danh từ Phạn ngữ này được viết tắt lại thành Amita, và được phiên âm thành A-di-đà, trở thành danh hiệu Phật quen thuộc được nhiều người biết đến hơn cả. Tuy nhiên, cả ba danh xưng Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật và A-di-đà Phật đều chỉ đến cùng một vị Phật.

(1)An Lạc: cũng gọi là Cực Lạc, được dịch từ Phạn ngữ là Sukhāvati. Trong nhiều kinh điển khác, cõi thế giới này cũng được nhắc đến với các tên gọi như An Dưỡng Quốc, Vô Lượng Thanh Tịnh Độ, Vô Lượng Quang Minh Độ… Nhưng thường được biết đến nhất là tên gọi Tây phương Cực Lạc Thế giới. Riêng đối với những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ thì khái niệm “vãng sinh Tịnh độ” chính là chỉ việc được vãng sinh về cõi thế giới này.

(2) Vô Lượng Thọ: dịch từ Phạn ngữ là Amitāyus , có nghĩa là “thọ mạng vô lượng”.

Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Khi ấy, Thánh vương nghe lời Phật dạy rồi liền thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Còn hết thảy những người ở đây rồi sẽ thành Phật ở những cõi thế giới nào?’

“Phật bảo Thánh vương: ‘Những vị Bồ Tát hiện đang ở trong pháp hội này có số đông vô lượng, không thể tính đếm hết, tất cả đều từ nơi những cõi Phật khác trong khắp mười phương mà tụ hội đến đây để cúng dường ta và nghe nhận chánh pháp nhiệm mầu. Các vị Bồ Tát này trong quá khứ đã từng theo học với chư Phật, đều được thọ ký quả A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hiện nay lại đang theo học với chư Phật trong khắp mười phương, cũng được thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế, họ sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trước ông.

“Đại vương! Những vị Bồ Tát này đã từng cúng dường vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha đức Phật, trồng các căn lành, tu tập trí huệ. Đại vương! Vì những lý do ấy, những vị Bồ Tát này đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trước ông.’

“Bấy giờ, vua Chuyển luân lại thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Vị Phạm-chí Bảo Hải đây đã khuyên bảo được con và quyến thuộc cùng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề. Vậy trong đời vị lai, vị Phạm-chí này sẽ trải qua bao lâu mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’

“Phật bảo nhà vua rằng: ‘Vị Phạm-chí này đã thành tựu hạnh đại bi nên trong đời vị lai khi vị ấy thành Phật ông sẽ có thể tự biết được.’

“Khi ấy, vua Chuyển luân lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu như Phật đã thọ ký, thì nay khi con cúi đầu lễ Phật sẽ khiến cho các cõi thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều chấn động đủ sáu cách.(1) Chư Phật trong các thế giới ấy cũng đều thọ ký cho con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, khi vua Vô Lượng Thanh Tịnh nói lời ấy xong liền ở trước đức Phật mà cúi đầu sát đất lễ kính.

“Ngay khi ấy, các cõi Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều chấn động đủ sáu cách. Chư Phật trong các thế giới ấy cùng phát ra lời thọ ký rằng: ‘Tại thế giới San-đề-lam, trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ, trong suốt ba tháng cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng. Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, rồi khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới tên là An Lạc, hào quang tỏa ra quanh thân ngài thường chiếu khắp mười phương, mỗi phương đều soi thấu đến số thế giới của chư Phật nhiều như số cát sông Hằng.(2)

(1) Chấn động sáu cách (lục chủng chấn động): xem chú giải ở trang 105.

(2) Do nhân duyên này nên đức Phật Vô Lượng Thọ mới có danh hiệu khác là Vô Lượng Quang (ánh sáng vô lượng).

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì đại vương mà thuyết kệ rằng:

Khắp mười phương thế giới,

Cõi đất đều chấn động,

Cùng những chốn núi rừng,

Nhiều như cát sông Hằng.

Nay ông hãy đứng lên,

Ông đã được thọ ký,

Là bậc Thiên nhân tôn,

Bậc Thắng pháp, Điều ngự.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương nghe được bài kệ ấy thì trong lòng sinh ra hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị thái tử của Thánh vương: ‘Thiện nam tử! Hãy đem công đức cúng dường bảo vật này cùng với việc trước đây cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng đủ các loại trân bảo trong suốt ba tháng để hồi hướng cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Với công đức bố thí cúng dường hôm nay, chẳng nên cầu được làm Đao-lợi Thiên vương hay Đại Phạm thiên vương. Vì sao vậy? Hết thảy những gì có được hôm nay do phước báo cũng đều là vô thường, không có tướng nhất định, khác nào như cơn gió thoảng qua nhanh. Vì thế, hãy dùng những phước báo có được do công đức bố thí cúng dường này để khiến cho tâm được tự tại, mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, độ thoát  vô lượng vô biên chúng sinh, khiến cho đều được nhập Niết- bàn.’

“Bấy giờ, thái tử nghe lời khuyên ấy rồi liền trả lời Phạm- chí rằng: ‘Nay tôi quán xét thấy chúng sinh nơi địa ngục chịu nhiều khổ não. Chúng sinh trong hai cõi trời, người nếu có tâm xấu ác, liền vì tâm xấu ác đó mà phải nhiều đời thọ sinh trong ba đường ác.’(1)

“Rồi thái tử lại khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Những chúng sinh ấy đều là do thân cận với kẻ ác, khiến cho sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, mất hết các căn lành, lại chấp giữ đủ mọi thứ tà kiến, che lấp chân tâm nên mới làm theo tà đạo.’

“Thái tử liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nay con sẽ dùng âm thanh lớn để báo cho hết thảy chúng sinh đều biết: Hết thảy những căn lành của con đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện khi con tu hành đạo Bồ Tát, nếu có chúng sinh nào đang chịu đựng các khổ não, sợ sệt lo lắng, sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, sầu đau buồn khổ, cô độc không người cứu giúp, không có nhà cửa, không nơi nương tựa, nếu có thể nhớ nghĩ đến con, xưng tụng danh hiệu của con, sẽ được con dùng thiên nhĩ mà nghe biết, dùng thiên nhãn mà thấy biết, khiến cho những chúng sinh ấy được thoát khỏi mọi sự khổ não. Nếu không được như thế, con quyết sẽ chẳng bao giờ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!

“Bạch Thế Tôn! Nay con lại vì tất cả chúng sinh mà phát khởi nguyện lực cao trổi thù thắng.

“Thế Tôn! Nếu như con thành tựu được sự lợi ích bản thân, nguyện cho vị Chuyển luân Thánh vương đây trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng rồi, đến khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi thế giới có tên là An Lạc sẽ thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới trang nghiêm, chúng sinh thanh tịnh, làm vị Chánh pháp vương.(1) Đức Phật Thế Tôn ấy đã trải qua vô lượng kiếp làm các Phật sự. Khi mọi việc đã hoàn tất, ngài sẽ nhập Niết-bàn Vô dư.(2) Cho đến suốt thời gian chánh pháp còn trụ thế, con sẽ thường ở đó tu hành đạo Bồ Tát, thường làm các Phật sự. Khi chánh pháp của đức Phật ấy diệt mất vào lúc đầu hôm, thì ngay sau nửa đêm hôm ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Ba đường ác: xem chú giải ở trang 94.

“Thế Tôn! Nguyện đức Thế Tôn vì con mà thọ ký. Nay con cũng nhất tâm cầu thỉnh chư Phật hiện tại trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Nguyện mỗi vị đều vì con thọ ký.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Phật Bảo Tạng liền thọ ký: ‘Thiện nam tử! Ông quán xét hết thảy chúng sinh trong hai cõi trời, người cùng với trong ba đường ác mà sinh tâm đại bi, muốn dứt trừ mọi khổ não cho chúng sinh, muốn dứt trừ mọi phiền não cho chúng sinh, muốn tất cả chúng sinh đều được trụ nơi an lạc. Thiện nam tử! Nay ta đặt tên cho ông là Quán Thế Âm.

“Thiện nam tử! Trong khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chúng sinh được lìa thoát mọi khổ não. Trong khi tu hành đạo Bồ Tát, ông có thể làm nên những Phật sự to tát!

(1) Chánh pháp vương hay Pháp vương đều là các danh hiệu khác nhau để tôn xưng đức Phật. Vì Phật là vua của tất cả các pháp, nên gọi là Pháp vương. Ngài lại vì tất cả chúng sinh mà thuyết giảng Chánh pháp, nên gọi là Chánh pháp vương.

(2) Niết-bàn Vô dư: cảnh giới Niết-bàn rốt ráo của chư Phật, khác với cảnh giới giải thoát của hàng Tiểu thừa được gọi là Niết-bàn Hữu dư, vì chưa phải thực sự hoàn toàn giải thoát.

“Thiện nam tử! Khi đức Phật Vô Lượng Thọ nhập Niết- bàn rồi, về nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai nhiều như số cát sông Hằng, vào lúc đầu hôm chánh pháp diệt mất, thì sau lúc nửa đêm cõi thế giới ấy liền đổi tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu. Mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới ấy là vô lượng vô biên, vượt hơn cả thế giới An Lạc.

“Thiện nam tử! Vào sau nửa đêm hôm ấy, ông sẽ tự có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, ngồi trên tòa báu kim cang dưới gốc cây Bồ-đề, chỉ trong khoảnh khắc một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Thọ mạng của Phật ấy là chín mươi sáu ức na-do-tha trăm ngàn kiếp. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp trụ thế sáu mươi ba ức kiếp.’

“Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, thì nay khi con cúi đầu kính lễ Phật, nguyện chư Phật hiện tại trong số thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương, mỗi vị đều vì con thọ ký; lại khiến cho ở khắp các cõi thế giới trong mười phương nhiều như cát sông Hằng, đất đai và sông núi đều chấn động đủ sáu cách, phát ra đủ các loại âm nhạc, hết thảy chúng sinh đều được tâm xa lìa tham dục.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền cúi đầu sát đất lễ kính đức Như Lai Bảo Tạng.

“Bấy giờ, các cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều chấn động đủ sáu cách, hết thảy các chốn núi rừng đều phát ra vô số đủ mọi âm nhạc. Chúng sinh nghe âm nhạc ấy rồi liền lìa khỏi mọi tham dục. Chư Phật trong tất cả các thế giới ấy đều phát ra lời thọ ký rằng: ‘Tại thế giới San-đề-lam, trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ. Thái tử của vua ấy nay tên là Quán Thế Âm, trong suốt ba tháng cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng. Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thế giới ấy tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu.’

Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng Bồ Tát Quán Thế Âm thuyết kệ rằng:

Bậc đại bi công đức,

Nay ông hãy đứng lên!

Cõi đất khắp mười phương,

Thảy đều đã chấn động.

Chư Phật lại vì ông,

Ban cho lời thọ ký.

Ông quyết sẽ thành Phật,

Hãy sinh lòng hoan hỷ.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm nghe kệ rồi sinh lòng hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ hai là Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã làm, vì tất cả chúng sinh mà cầu được trí huệ hiểu biết tất cả, vậy nên hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, vương tử Ni-ma liền đến trước Phật chắp tay bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay tất cả những phước đức có được do trước đây con đã cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với hết thảy những nghiệp thanh tịnh của thân, miệng và ý mà con đã làm, thảy đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không nguyện được thế giới xấu ác bất tịnh, nguyện cho cõi nước của con, cho đến cây Bồ-đề nơi ấy, thảy đều giống như ở thế giới của Bồ Tát Quán Thế Âm; từ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, cây báu Bồ-đề, cho đến việc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng đều  như vậy.

“Lại nguyện khi đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương vừa thành đạo, con sẽ là người trước hết thỉnh Phật chuyển bánh xe chánh pháp. Con theo Phật ấy mà nghe thuyết pháp, ở nơi cõi ấy tu hành đạo Bồ Tát. Sau khi Phật ấy nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt mất, con sẽ nối tiếp thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề. Khi con thành Phật, những Phật sự mà con làm, cùng với mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới, cho đến việc nhập Niết-bàn, việc chánh pháp trụ thế, thảy đều giống như đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương, không có gì khác biệt.’

“Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vương tử Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay sở nguyện của ông là nhận lấy thế giới lớn lao, vậy trong đời vị lai ông sẽ được thế giới lớn lao như thế, đúng như sở nguyện.

“Thiện nam tử! Trong đời vị lai ông sẽ ở nơi thế giới lớn lao nhất mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề, hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Thiện nam tử! Do sở nguyện của ông là được thế giới lớn lao, nên ta đặt tên cho ông là Đắc Đại Thế.’(1)

Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con kính lễ Phật, nguyện cho các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương thảy đều chấn động đủ sáu cách, không trung mưa xuống hoa tu-mạn-na, và chư Phật hiện tại trong các thế giới ấy mỗi vị đều vì con thọ ký.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế cúi đầu sát đất lễ Phật. Ngay khi ấy, các cõi thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chấn động đủ sáu cách, trời mưa xuống hoa tu-mạn-na, chư Phật Thế Tôn trong các thế giới ấy thảy đều nói ra lời thọ ký.

(1)Đắc Đại Thế: tên gọi này được dịch từ Phạn ngữ là Mahā-sthāma-prāpta, cũng được gọi là Đại Thế Chí, Đại Tinh Tấn, hoặc thường gặp hơn còn có cách gọi tắt là Thế Chí.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Đắc Đại Thế thuyết kệ rằng:

Bậc công đức kiên cố,

Nay ông hãy đứng lên!

Cõi đất đã chấn động,

Trời mưa hoa Tu-mạn.

Chư Phật khắp mười phương,

Đã vì ông thọ ký.

Sẽ thành bậc tôn quý,

Đứng đầu trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ ba là Vương Chúng: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã từng làm, nên vì tất cả chúng sinh mà cầu được thành bậc Nhất thiết trí, hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Lúc đó, vị vương tử thứ ba liền chắp tay trước Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Hết thảy những công đức cúng dường Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với những nghiệp thanh tịnh về thân, miệng và ý mà con đã làm, nay con xin hồi hướng tất cả về quả vị A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Sở nguyện  của  con  không thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất tịnh, cũng không nguyện được mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, nguyện cho tất cả những chúng sinh mà con đã giáo hóa trong vô lượng vô biên cõi Phật thế giới ở khắp mười phương đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dừng trụ vững chắc nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, và khuyến khích giáo hóa những chúng sinh ấy trụ yên nơi sáu pháp ba-la- mật.

“Nguyện cho trong tất cả các cõi thế giới ở mười phương, nhiều như số hạt bụi nhỏ trong các cõi Phật như số cát sông Hằng, có bao nhiêu chư Phật đã thành Phật, thuyết pháp trước con thì con đều có thể dùng thiên nhãn thanh tịnh để nhìn thấy tất cả.

“Nguyện cho trong khi con tu hành đạo Bồ Tát có thể làm nên vô lượng Phật sự. Trong đời vị lai con sẽ tu hành đạo Bồ Tát không có giới hạn. Những chúng sinh mà con đã giáo hóa đều được tâm thanh tịnh giống như Phạm thiên. Những chúng sinh ấy khi sinh về cõi thế giới của con đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, con dùng những chúng sinh như thế để trang nghiêm tốt đẹp cho cõi Phật.

“Nguyện cho các cõi Phật trong Tam thiên Đại thiên thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương hợp lại thành một cõi Phật, bao quanh cõi Phật ấy có một bức tường báu lớn, dùng bảy món báu lấp đầy những chỗ khuyết trũng. Bức tường ấy cao lớn lên đến tận cõi Vô sắc,(1) dùng ngọc lưu ly màu xanh biếc trải làm mặt đất, không có các thứ bụi đất, cát đá dơ bẩn; không có các loài gai góc, cũng không có những sự xúc chạm xấu ác; không có nữ giới, cũng không có tên gọi để chỉ nữ giới.

(1) Cõi Vô sắc: Cõi cao nhất trong Ba cõi (Dục giới, Sắc giới Vô sắc giới). Cõi này không có tất cả mọi hình sắc, nên gọi là Vô sắc.

“Hết thảy chúng sinh đều là hóa sinh,(1) không ăn bằng cách nhai nuốt, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn. Thế giới ấy không có Thanh văn thừa Bích-chi Phật thừa, trong khắp cõi thế giới chỉ có rất nhiều những vị Bồ Tát đã lìa xa tham dục, sân khuể, ngu si, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh.

“Ở thế giới ấy, ngay khi sinh ra thì râu tóc tự rụng, trên người có đủ ba tấm pháp y.(2) Khi sinh ra rồi, vừa khởi ý muốn ăn thì liền có ngay bát quý trong lòng bàn tay phải, tự nhiên có đủ hàng trăm món ăn ngon lạ hiện ra trong bát.

“Khi ấy, các vị Bồ Tát vừa sinh ra liền tự suy nghĩ rằng: ‘Chúng ta không nên dùng những thức ăn thuộc loại nhai nuốt này. Nay chúng ta nên mang đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật cùng với đại chúng Thanh văn và những người nghèo khó. Lại có những ngạ quỷ đang chịu đói khát khổ não, thân thể bị thiêu đốt, chúng ta nên đến đó để giúp cho họ được no đủ. Tự thân chúng ta nên tu tập hành trì, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn.’

(1) Hóa sinh: xem chú giải ở trang 325.

(2) Ba tấm pháp y: là ba tấm y mà một vị tỳ-kheo được phép sử dụng và buộc phải có đủ, nhưng không được chứa giữ nhiều hơn. Một là tấm y tăng-già-lê, là tấm áo chính, lớn nhất, được mặc trong những khi hành lễ, hoặc khi hội họp, khi đi khất thực, khi lên tòa thuyết pháp, cũng gọi là Tăng-già-trí hay Tăng-già-chi, đều là phiên âm từ Phạn ngữ là Saṅgāti. Tấm y này mặc ở ngoài cùng, nên cũng gọi là đại y. Thứ hai là tấm y Uất-đa-la-tăng, phiên âm từ Phạn ngữ là Uttarāsaṅga, dùng trong sinh hoạt thường ngày, cũng gọi là thượng y. Thứ ba là tấm y An-đà- hội, phiên âm từ Phạn ngữ là Antaravāsaka, cũng gọi là nội y hay trung trước y, vì là tấm y mặc ở trong cùng. Ba tấm pháp y và bình bát được xem là tượng trưng cho đời sống xuất gia của vị tỳ-kheo, vì đó là những yêu cầu tối thiểu mà bất cứ vị nào cũng phải có.

“Vừa suy nghĩ như vậy xong thì liền được phép Tam-muội Bất khả tư nghị hạnh của hàng Bồ Tát. Do phép tam-muội này liền được sức thần không ngăn ngại, hóa hiện ngay đến chỗ của chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên cõi thế giới, cúng dường chư Phật và chư tỳ-kheo tăng, cung cấp bố thí cho tất cả những người nghèo khó, xuống cho đến tận loài ngạ quỷ. Bố thí như vậy rồi lại vì những chúng sinh ấy mà thuyết pháp. Không bao lâu, vừa đến giờ ăn thì đã đi khắp mọi nơi và quay về cõi thế giới của mình.

“Cho đến y phục, trân bảo cùng với hết thảy những vật cần dùng cũng đều cúng dường chư Phật và bố thí xuống đến tận loài ngạ quỷ, tương tự như việc cúng dường bố thí thức ăn, rồi sau đó mới tự mình thọ dụng.

“Nguyện cho thế giới của con không có tám nạn,(1) không có những điều bất thiện, khổ não, cũng không có những việc như thọ giới, phá giới, sám hối,(2) không có cả tên gọi chỉ những việc như thế.

“Nguyện cho thế giới của con thường có vô lượng trân bảo các loại, dùng để lấp vào những chỗ khuyết trũng. Các thứ trân bảo, y phục, cây cối đều là chưa từng có ở các cõi thế giới trong mười phương, cũng chưa từng nhìn thấy hay nghe nói đến, thậm chí chỉ cần nói tên các thứ ấy thôi mà đến trăm ngàn năm vẫn chưa thể nói hết!

(1) Tám nạn: xem chú giải ở trang 95.

(2) Vì không có những điều bất thiện nên chúng sinh không cần phải thọ giới. Không có thọ giới nên cũng không có phạm giới. Không có phạm giới nên cũng không có việc sám hối.

“Nguyện cho các vị Bồ Tát ở thế giới của con, khi muốn thấy màu sắc của vàng liền tùy ý được thấy, muốn thấy màu sắc của bạc cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy màu sắc của bạc cũng không mất tướng mạo của vàng, trong khi thấy màu sắc của vàng cũng không mất tướng mạo của bạc. Đối với các loại như pha lê, lưu ly, xa cừ, mã não, xích chân châu, đủ mọi loại trân bảo, cũng đều tùy ý được nhìn thấy như thế.

“Nếu muốn được thấy các loại hương a-kiệt-lưu, hương đa-già-lưu,  hương  đa-ma-la-bạtchiên-đàn,  trầm  thủy,(1) cho đến loại chiên-đàn đỏ, chiên-đàn Ngưu Đầu, hoặc muốn thấy thuần một loại chiên-đàn, cũng đều tùy ý được thấy. Hoặc chỉ muốn thấy trầm thủy, cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy trầm thủy cũng không mất chiên-đàn, trong khi thấy chiên-đàn cũng không mất trầm thủy. Hết thảy các loại khác cũng đều như vậy. Hết thảy mọi sở nguyện đều được thành tựu.

“Nguyện cho thế giới của con không có mặt trời, mặt trăng. Các vị Bồ Tát đều có hào quang sáng rực, tùy theo chỗ mong cầu mà tự nhiên phát ra, thậm chí có thể chiếu sáng đến trăm ngàn muôn ức na-do-tha thế giới. Do ánh sáng của hào quang nên không có sự phân biệt ngày đêm. Khi các loài hoa nở ra liền biết là ban ngày; khi các loài hoa khép lại liền biết là ban đêm.

“Thế giới ấy điều hòa dễ chịu, không có sự nóng bức hay rét lạnh, cho đến không có cả những việc như già, bệnh, chết. Nếu như có vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ(2) nào sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới khác, vị ấy liền mang chính thân hiện tại mà đến ở nơi cung trời Đâu-suất của thế giới kia cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành Phật.

(1) Trầm thủy: cũng chính là trầm hương. Xem chú giải ở trang 201.

(2) Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ: xem chú giải ở trang 86.

“Sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề rồi sẽ không ở nơi thế giới ấy mà nhập Niết-bàn. Vào lúc con nhập Niết-bàn ở giữa hư không, các vị Bồ Tát có chỗ mong cầu đều sẽ tự nhiên thành tựu.

“Bao quanh thế giới ấy thường có trăm ngàn ức na-do- tha các loại âm nhạc tự nhiên. Các loại âm nhạc ấy không phát ra âm thanh của lòng ham muốn, thường phát ra âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, âm thanh của kinh tạng Bồ Tát, âm thanh của ý nghĩa rất thâm sâu. Các vị Bồ Tát đối với những âm thanh ấy đều tùy theo từng loại mà hiểu rõ.

“Bạch Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp mà con từng được thấy trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi Phật, cùng với mọi cách nghiêm sức, đủ mọi tướng mạo, hết thảy các trụ xứ, đủ mọi sở nguyện, nguyện cho thế giới của con thảy đều thành tựu được những sự trang nghiêm tốt đẹp giống như vậy, chỉ trừ ra không có các hàng Thanh văn Bích-chi Phật, lại cũng không có những thứ như năm sự uế trược,(1) ba đường ác… không có các núi Tu-di, núi Thiết vi lớn, núi Thiết vi nhỏ, đất cát sỏi đá, biển cả, cây rừng… Thế giới ấy chỉ toàn các loại cây báu, vượt hơn các loại cây báu cõi trời; không có các loại hoa nào khác, chỉ có các loại hoa cõi trời như hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la. Thế giới ấy không có sự thối tha hôi hám, chỉ thuần có hương thơm mầu nhiệm lan tỏa khắp nơi nơi. Các vị Bồ Tát thảy đều là ở địa vị Nhất sinh bổ xứ,(1) không có vị nào phải thọ sinh ở một nơi nào khác nữa, chỉ trừ những vị sẽ thành Phật ở phương khác thì sẽ đến ở nơi cung trời Đâu-suất của phương ấy cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề.

(1) Năm sự uế trược: Xem chú giải ở trang 196.

“Bạch Thế Tôn! Thời gian tu hành đạo Bồ Tát của con không có giới hạn, miễn là phải thành tựu được cõi Phật vi diệu thanh tịnh đúng như vậy. Các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ có rất nhiều trong khắp cõi thế giới ấy, thảy đều là do con đã khuyên dạy từ lúc mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho đến lúc trụ yên trong sáu pháp ba-la-mật. Thế giới San-đề-lam này nếu như sáp nhập vào thế giới của con thì hết thảy mọi khổ não liền dứt mất.

“Thế Tôn! Khi con tu hành đạo Bồ Tát, nhất thiết phải thành tựu cho bằng được những điều ít có như thế, rồi sau mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện có cây Bồ-đề tên là  Tuyển  trạch  kiến  thiện  trân bảo, che rộng ra chung quanh đến mười ngàn cõi Bốn thiên hạ, hương thơm và ánh sáng tràn ngập khắp mười cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Bên dưới cây Bồ-đề ấy, có đủ các loại trân bảo làm thành tòa báu kim cang, rộng lớn bằng năm cõi Bốn thiên hạ. Tòa báu ấy có tên là Thiện trạch tịch diệt trí hương đẳng cận, cao đến mười bốn ngàn do-tuần. Con ngồi kết già trên tòa báu ấy, chỉ trong một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Từ đó cho đến khi nhập Niết-bàn, con vẫn thường ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề ấy, ngồi trên tòa báu kim cang, chẳng hề tan rã, hoại mất. Lại còn hóa hiện ra vô lượng chư Phật cùng với chúng Bồ Tát, sai khiến đến các cõi Phật khác để giáo hóa chúng sinh. Mỗi một vị hóa Phật đều vì chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn. Trong thời gian ngắn ngủi ấy đã có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh thảy đều phát tâm  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề.  Không  bao lâu sau khi phát tâm liền được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

(1) Nhất sinh bổ xứ: Xem chú giải ở trang 86.

“Những vị hóa Phật và chúng Bồ Tát này thường làm được những điều ít có như thế!

“Sau khi con đã  thành  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ- đề rồi, nguyện cho chúng sinh trong tất cả các cõi thế giới khác thảy đều nhìn thấy thân con. Nếu có chúng sinh nào vừa nhìn thấy thân con với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt(1) và tám mươi vẻ đẹp, liền khiến cho chúng sinh ấy phát tâm kiên định không còn thay đổi đối với quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề, từ đó cho đến khi đạt đến Niết-bàn thường luôn được thấy Phật.

“Nguyện cho hết thảy chúng sinh trong cõi thế giới của con đều được đầy đủ sáu căn,(2) trọn vẹn không khiếm khuyết. Nếu các vị Bồ Tát có ai muốn được nhìn thấy con, thì ngay tại nơi ở của họ, trong những lúc đi lại, nằm ngồi đều có thể được nhìn thấy. Các vị Bồ Tát này, ngay sau khi vừa khởi tâm muốn thấy, tức thời liền được thấy con đang ngồi nơi đạo tràng dưới gốc cây Bồ-đề. Trong khi được nhìn thấy con thì bao nhiêu những chỗ nghi trệ về pháp tướng từ trước đều được con giảng thuyết cho, thảy đều trừ dứt, lại còn hiểu sâu thêm ý nghĩa của pháp tướng.

(1) Ba mươi hai tướng tốt: Xem chú giải ở trang 88.

(2) Nguyên bản Hán văn dùng “lục tình”, nhưng thật ra là cách dùng của các nhà cựu dịch để chỉ lục căn. Xem chú giải ở trang 326.

“Nguyện cho thọ mạng của con trong đời vị lai là vô lượng, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí. Thọ mạng của các vị Bồ Tát cũng đều như vậy. Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chỉ trong một niệm, thì ngay sau đó cũng chỉ trong một niệm liền có vô lượng Bồ Tát, râu tóc tự rụng, trên người có ba tấm pháp y,(1) cho đến lúc nhập Niết-bàn cũng không có bất cứ một ai có râu tóc mọc dài ra hay mặc y phục thế tục. Tất cả đều chỉ mặc y phục của bậc xuất gia.’

“Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vị vương tử thứ ba rằng: ‘Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Ông thật là một bậc đại trượng phu thuần thiện, khéo thông hiểu rất sâu xa, có thể khởi nên đại nguyện rất khó khăn. Công đức việc làm của ông thật hết sức sâu xa, không thể nghĩ bàn. Đó chính là chỗ làm của bậc có trí huệ mầu nhiệm tinh tế vậy!

“Này thiện nam tử! Ông vì chúng sinh nên mới tự phát đại nguyện đáng kính đáng trọng như vậy, muốn có được cõi nước mầu nhiệm thanh tịnh. Do ý nghĩa này, nay ta đặt tên cho ông là Văn-thù-sư-lợi.(2) Trong đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát của hai con sông Hằng, vào số a-tăng-kỳ kiếp vô lượng vô biên lần thứ ba, về phương nam cõi này có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Trí. Thế giới San-đề-lam này sẽ sáp nhập vào trong thế giới ấy.

(1) Ba tấm pháp y: Xem chú giải ở trang 346.

(2) Văn-thù-sư-lợi: phiên âm từ Phạn ngữ là Mađjuśrỵ, thường được gọi tắt là Văn- thù. Theo các nhà Cựu dịch (trước ngài Huyền Trang), tên gọi này thường được dịch là Diệu Đức, Diệu Thủ, Nhu Thủ hay Kính Thủ. Các nhà Tân dịch về sau lại phiên âm là Mạn-thù-thất-lợi và dịch nghĩa là Diệu Cát Tường.

“Trong thế giới ấy có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Phổ Hiện Như  LaiỨng  cúng, Chánh biến  tri,  Minh  hạnh  túc,  Thiện  thệ,  Thế  gian  giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng  phu,  Thiên  nhân  sư,  Phật Thế Tôn. Chúng Bồ Tát nơi ấy thảy đều thanh tịnh. Những sở nguyện của ông đều được thành tựu đầy đủ đúng như lời ông đã nói.

“Thiện nam tử! Khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã từng ở nơi vô lượng ức các đức Như Lai trồng các căn lành, vì thế nên hết thảy chúng sinh dùng ông như phương thuốc quý: tâm thanh tịnh của ông có thể phá trừ phiền não, tăng trưởng các căn lành.’

“Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ được thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện các cõi thế giới vô lượng vô biên a-tăng- kỳ trong khắp mười phương đều sẽ chấn động đủ sáu cách. Trong các thế giới ấy, chư Phật hiện tại đang thuyết pháp đều thọ ký cho con. Lại nguyện cho hết thảy chúng sinh được thọ hưởng sự hoan hỷ như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai,(1) được tùy ý tự tại. Không trung mưa xuống hoa mạn-đà-la, tràn ngập khắp thế giới. Trong hoa ấy thường phát ra những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức,(1) vô sở uý(2)… Nguyện khi con kính lễ Phật liền xuất hiện đủ các tướng mạo như thế.’

(1)Về bốn cảnh giới thiền định, xem chú giải ở trang 203.

“Nói lời ấy xong, Văn-thù-sư-lợi liền cúi đầu  sát  đất kính lễ đức Phật Bảo Tạng. Ngay khi ấy, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới trong khắp mười phương liền chấn động đủ sáu cách, không trung có hoa mạn-đà-la rơi xuống như mưa. Hết thảy chúng sinh đều được thọ hưởng sự vui sướng khoan khoái như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai, tùy ý tự tại. Các vị Bồ Tát khi ấy chỉ còn nghe thấy những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức, vô uý

“Bấy giờ, các vị Bồ Tát ở những phương khác thấy nghe việc này đều kinh ngạc, cho là chưa từng có. Mỗi vị đều thưa hỏi đức Phật ở cõi mình rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này?’

“Chư Phật đều bảo với các Bồ Tát rằng: ‘Hết thảy chư Phật trong khắp mười phương hiện đang vì Bồ Tát Văn- thù-sư-lợi thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho nên mới hiện điềm lành này.’

“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng Văn-thù-sư-lợi thuyết kệ rằng:

Bậc phát nguyện cao rộng,

Nay ông hãy đứng lên!

Chư Phật khắp mười phương,

Đã vì ông thọ ký,

Nên trong đời vị lai,

Ông sẽ thành Chánh giác.

Mặt đất khắp thế giới,

Đều chấn động sáu cách,

Hết thảy mọi chúng sinh,

Đều được hưởng khoái lạc.

(1) Sức: tức Năm sức (Ngũ lực), xem chú giải ở trang 83.

(2) Vô sở úy: tức Tứ vô sở úy, xem chú giải ở trang 93.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nghe Phật thuyết kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

CHƯ BỒ TÁT BỔN THỌ KÝ PHẨM ĐỆ TỨ CHI NHỊ

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí, bạch đệ tứ vương tử Năng-già-la ngôn, nãi chí phát nguyện diệc phục như thị.

Nhĩ thời Phật cáo Năng-già-la ngôn: “Thiện tai thiện tai. Thiện nam tử! Nhữ hành Bồ Tát đạo thời, dĩ kim cang huệ phá vô lượng vô biên chúng sanh chư phiền não sơn, đại tác Phật sự nhiên hậu nãi thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Thị cố hiệu nhữ vi Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức.

Nhĩ thời Phật cáo Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nhữ ư lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, ư thử đông phương quá thập hằng hà sa đẳng thế giới trung vi trần số đẳng thế giới, hữu thế giới danh viết Bất Huyễn. Thiện nam tử! Nhữ ư thị trung đương đắc tác Phật, hiệu viết Phổ Hiền Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Kỳ Phật thế giới sở hữu trang nghiêm, như nhữ sở nguyện tất giai cụ túc.

Thiện nam tử! Bảo Tạng Như Lai thọ Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát ma-ha-tát A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề ký, thời hư không trung hữu vô lượng vô biên bá thiên ức na-do-tha thiên nhi tán thán ngôn: “Thiện tai thiện tai!” Vũ ngưu đầu chiên-đàn a-già-lưu hương, đa- già-lưu hương, đa-ma-la-bạt tinh cập mạt hương, nhi dĩ cúng dường.

Nhĩ thời Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, ngã kim kính lễ chư Phật Thế Tôn, duy nguyện thập phương như hằng hà sa đẳng thế giới mãn trung chư thiên vi diệu hảo hương. Chúng sanh chi loại, hoặc tại địa ngục súc sanh ngạ quỷ thiên thượng nhân trung, nhược văn thị hương, sở hữu thân tâm khổ não chi tật tất đắc viễn ly. Như thị đầu diện đáo địa.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát tác thị ngôn dĩ, tức đầu diện lễ Phật.

Nhĩ thời thập phương như hằng hà sa đẳng thế giới, chu biến tất hữu vi diệu chi hương. Chúng sanh văn giả giai đắc viễn ly thân tâm khổ não.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tức vị Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát nhi thuyết kệ ngôn:

Kim cang huệ năng phá,

Nhữ kim khả hoàn khởi,

Thập phương Phật thế giới,

Chu biến hữu diệu hương,

Dữ vô lượng chúng sanh,

An lạc cập hoan hỷ,

Đương lai đắc thành Phật,

Vô thượng thế gian giải

Thiện nam tử! Nhĩ thời Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức Bồ Tát văn thị kệ dĩ, kỳ tâm hoan hỷ tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ ngũ vương tử vô sở uý ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Nhĩ thời vương tử đáp Phạm-chí ngôn: “Ngã kim sở nguyện, bất dục ư thử bất tịnh thế giới thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện thành Phật thời, thế giới chi trung vô hữu địa ngục súc sanh ngạ quỷ, kỳ địa thuần dĩ cám lưu ly bảo, quảng thuyết giai như Liên Hoa thế giới sở hữu trang nghiêm.

Nhĩ thời Vô Sở Úy vương tử thủ trì liên hoa thướng Bảo Tạng Phật, tác như thị ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, dĩ Phật thần lực cố kim tại Phật tiền, nguyện ngã đương đắc tất kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội. Phục nguyện thiên vũ chủng chủng liên hoa, đại như xa luân, biến mãn thập phương như hằng hà sa thế giới vi trần số đẳng chư Phật quốc độ, diệc linh ngã đẳng giai dao kiến chi.

Thiện nam tử! Vô Sở Úy vương tử thuyết thị ngôn dĩ, dĩ Phật lực cố tầm thời tức đắc tất kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội. Thiên vũ chủng chủng vô lượng liên hoa đại như xa luân, biến mãn thập phương như hằng hà sa đẳng thế giới vi trần đẳng chư Phật quốc độ, nhất thiết đại chúng giai đắc dao kiến. Kiến thị sự dĩ đắc hoan hỷ lạc.

Nhĩ thời Phật cáo Vô Sở Úy vương tử: “Thiện nam tử! Nãi năng tác thị thậm thâm vi diệu chi đại nguyện dã, thủ nghiêm tịnh Phật độ. Phục năng tật đắc tất kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội. Nguyện bất hư cố thiên vũ như thị vô lượng liên hoa.”

“Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, nguyện thử chư hoa tất trụ ư không bất phục đọa lạc.”

Thời Bảo Tạng Phật cáo Vô Sở Úy vương tử ngôn: “Thiện nam tử! Nhữ kim tốc tật dĩ chư liên hoa ấn ư hư không, thị cố hiệu nhữ vi Hư Không Ấn.”

Nhĩ thời Phật cáo Hư Không Ấn Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nhữ ư lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp,nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, ư đông nam phương khứ thử Phật độ bá thiên vạn ức hằng hà sa đẳng thế giới, bỉ hữu thế giới danh viết Liên Hoa. Nhữ ư thị trung đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Liên Hoa Tôn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, sở hữu đại chúng thuần chư Bồ Tát ma-ha-tát đẳng kỳ số vô lượng bất khả xưng kế. Kỳ Phật thọ mạng vô lượng vô biên. Sở nguyện cụ túc tất giai thành tựu.

Nhĩ thời Hư Không Ấn Bồ Tát ma-ha-tát đầu diện lễ ư Bảo Tạng Như Lai, tức khởi hợp chưởng khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Nhĩ thời Thế Tôn vị Hư Không Ấn nhi thuyết kệ ngôn:

Thiện nam tử đương tri, Hữu nhân tác kỷ lợi,

Năng đoạn phiền não kết,

Thường linh đắc tịch tĩnh,

Sở thọ trì công đức,

Số như hằng hà sa,

Thế giới vi trần đẳng,

Thành tựu nhi bất thất,

Nhữ ư đương lai thế,

Thành tựu vô thượng đạo,

Diệc như quá khứ Phật,

Đẳng vô hữu sai biệt.

Thiện nam tử! Hư Không Ấn Bồ Tát văn thị kệ dĩ tâm sanh hoan hỷ.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí bạch đệ lục vương tử Hư Không ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Nhĩ thời vương tử Hư Không bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim sở nguyện bất dục ư thử bất tịnh thế giới thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Lược thuyết như Hư Không Ấn sở nguyện.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, nguyện linh thập phương như hằng hà sa đẳng thế giới chi trung, tự nhiên nhi hữu thất bảo diệu cái, tại thượng hư không la liệt nhi trụ, thuần kim vi võng dĩ phú kỳ thượng, thất bảo vi linh thùy dĩ trang nghiêm. Kỳ cái bảo linh thường xuất Phật thanh, pháp thanh, tỳ-kheo tăng thanh, lục ba- la-mật cập lục thần thông, thập lực, vô uý, như thị đẳng thanh. Thế giới chúng sanh văn giả, tầm phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Dĩ phát tâm giả tức đắc bất thối chuyển. Bảo linh sở sanh Phật, Pháp, Tăng thanh, nãi chí vô sở uý thanh, tất văn thập phương thế giới hư không tức dĩ Phật lực cố nãi đắc tự văn.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, nguyện ngã kim giả đắc Tri nhật tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố tăng ích nhất thiết chư thiện căn bổn. Đắc tam-muội dĩ, duy nguyện chư Phật dữ ngã thọ A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký.

Thị thời vương tử thuyết thị ngữ dĩ, dĩ Phật lực cố tức đắc Tri nhật tam-muội.

Nhĩ thời Thế Tôn tán vương tử ngôn: “Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ sở nguyện giả thậm thâm thậm thâm. Dĩ thậm thâm công đức nhân duyên cố, tầm thời thập phương như hằng hà sa chư thế giới trung, tự nhiên nhi hữu thất bảo diệu cái, ư thượng hư không la liệt nhi trụ, thuần kim vi võng dĩ phú kỳ thượng, thất bảo vi linh tất dĩ trang nghiêm. Kỳ linh thường xuất Phật pháp tăng thanh, nãi chí vô sở uý thanh.

Nhĩ thời hữu bá thiên ức na-do-tha chúng sanh, văn thị thanh dĩ tầm phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề  tâm. Thị cố hiệu nhữ vi Hư Không Nhật Quang Minh.

Nhĩ thời Phật cáo Hư Không Nhật Quang Minh Bồ Tát ma-ha-tát: “Nhữ ư lai thế đương thành A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Quá nhất hằng hà sa a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, đông phương khứ thử nhị hằng hà sa đẳng Phật sát, hữu thế giới danh viết Nhật Nguyệt, nhữ ư thị trung đương thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Pháp Tự Tại Phong Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri,  Minh  hạnh  túc,  Thiện  thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự  trượng  phu,  Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời Hư Không Nhật Quang Minh Bồ Tát văn thị ký dĩ tức lễ Phật túc.

Nhĩ thời Thế Tôn vị Hư Không Nhật Quang Minh, nhi thuyết kệ ngôn:

Thiện nam tử kim khởi,

Thiện giới tự điều ngự,

Dĩ thuần thục đại bi,

Ư nhất thiết chúng sanh,

Độ thoát linh đoạn khổ,

Tất cánh trụ bỉ ngạn,

Trí huệ thiện phân biệt,

Linh đáo vô thượng đạo.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Hư Không Nhật Quang Minh Bồ Tát văn thị kệ dĩ, kỳ tâm hoan hỷ tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ thất vương tử Thiện Tý ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Nhĩ thời vương tử bạch Phật ngôn: “Ngã kim sở nguyện bất dục ư thử bất tịnh thế giới thành  A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề. Nguyện ngã lai thế sở hữu thế giới, vô hữu địa ngục súc sanh ngạ quỷ nữ nhân danh tự cập dĩ thai sanh, Tu-di chư sơn đại tiểu Thiết vi, sơn lăng đôi phụ thạch sa uế ác, kinh cức ác phong mộc thọ tùng lâm, đại hải giang hà, nhật nguyệt trú dạ, ám minh xú xứ. Chúng sanh đẳng loại vô hữu tiện lợi thế thố cấu ô. Thân tâm bất thọ chư bất lạc sự. Mã não vi địa, vô chư trần độ. Thuần hữu bá thiên vô lượng trân bảo nhi trang nghiêm chi. Vô hữu chư thảo duy hữu hảo diệu mạn-đà-la hoa, chủng chủng bảo thọ dĩ vi hiệu sức. Kỳ bảo thọ hạ hữu diệu bảo cái. Phục hữu chủng chủng bảo y hoa man, chư bảo anh lạc hương hoa kỹ nhạc. Chư bảo khí vật chư bảo diệu hoa, dĩ như thị đẳng hiệu sức kỳ thọ. Thế giới chi trung vô hữu trú dạ, dĩ hoa khai hợp nhi tri thời tiết. Chư Bồ Tát đẳng tại hợp hoa trung tự nhiên xuất sanh. Ký đắc sanh dĩ giai đắc tất kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố đắc kiến thập phương như vi trần đẳng chư thế giới trung hiện tại chư Phật, ư thử tam-muội nhất niệm chi khoảnh cụ túc lục thông. Dĩ thiên nhĩ cố tất văn thập phương như vi trần đẳng thế giới hiện tại chư Phật thuyết pháp âm thanh. Dĩ túc mạng trí tri quá khứ thế như nhất Phật độ vi trần đẳng kiếp túc thế chi sự. Dĩ thiên nhãn cố tất kiến thập phương chư Phật thế giới chủng chủng trang nghiêm. Dĩ tha tâm trí cố ư nhất niệm trung, đắc tri như nhất Phật thế giới vi trần số đẳng thế giới chúng sanh tâm chi sở niệm. Nãi chí  thành  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề  chung bất thất thị tam-muội. Thanh đán chi thời tứ phương hữu phong nhu nhuyễn thanh tịnh, xuy vi diệu hương cập tán chư hoa. Dĩ phong lực cố, chư Bồ Tát đẳng tùng tam-muội khởi. Tam-muội khởi dĩ tức đắc như thị như ý thông lực. Dĩ thị lực cố ư nhất niệm khoảnh năng đáo thập phương nhất nhất phương diện như nhất Phật độ, vi trần số đẳng chư Phật thế giới. Cúng dường hiện tại chư Phật Thế Tôn tư thọ diệu pháp. Tức nhất niệm trung hoàn chí bổn độ vô hữu quái ngại.

Chư Bồ Tát đẳng tại mạn-đà-la  hoa,  ma-ha  mạn-đà-la hoa hoa đài chi trung, kết già phu tọa tư duy pháp môn. Sở vị dục đắc kiến ngã sở tại phương diện, tùy thân sở hướng tất linh đắc kiến. Nhược ư thâm pháp hữu nghi trệ giả, dĩ kiến ngã cố tầm đắc trừ diệt. Nhược hữu vấn nghĩa dục thính pháp giả, dĩ kiến ngã cố tức đắc thâm giải vô hữu hồ nghi. Sở hữu Bồ Tát thâm giải vô ngã cập vô ngã sở, thị cố năng xả thân căn mạng căn nhất thiết tất định bất thối ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thế giới vô hữu nhất thiết bất thiện chi danh, diệc vô thọ giới phá giới chi danh hủy giới hối quá. Nhất thiết chúng sanh kỳ thân giai hữu tam thập nhị tướng, đắc na-la-diên lực, nãi chí thành  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề,  vô hữu nhất nhân lục căn hủy khuyết bất hoàn cụ giả. Sở hữu chúng sanh tức ư sanh dĩ tu phát tự lạc, phục tam pháp y, đắc Thiện phân biệt tam-muội, nãi chí A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề chung bất trung thất. Chư chúng  sanh đẳng tất đắc hồ hợp nhất thiết thiện căn, vô hữu nhất nhân vi lão bệnh sở khổ.

Nhược chư Bồ Tát mạng chung chi thời kết già phu tọa, nhập ư hỏa định tự thiêu kỳ thân. Thiêu kỳ thân dĩ tứ phương thanh phong lai xuy kỳ thân, xá-lợi tán tại chư phương vô Phật thế giới, tầm thời biến tác ma ni bảo châu, như Chuyển luân Thánh vương sở hữu bảo châu. Nhược hữu chúng sanh kiến xúc chi giả, tất linh bất đọa tam ác đạo trung, nãi chí Niết-bàn bất thọ chư khổ, tức đắc xả thân sanh ư tha phương hiện tại Phật sở tư thọ diệu pháp, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm tiện bất thối chuyển.

Sở hữu chúng sanh nhược mạng chung thời, kỳ tâm tại định vô hữu tán loạn, bất thọ chư khổ ái biệt ly đẳng, mạng chung chi hậu bất đọa bát nạn, vô Phật chi thế, nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thường đắc kiến Phật tư thọ diệu pháp, cúng dường chúng tăng.

Nhất thiết chúng sanh ly ư tham dục, sân khuể, ngu si, ân ái, tật đố, vô minh, kiêu mạn. Thế giới vô hữu Thanh văn, Duyên giác. Sở hữu đại chúng thuần chư Bồ Tát ma- ha-tát đẳng sung mãn kỳ quốc, kỳ tâm nhu nhuyễn vô hữu ái trược, kiên cố bất thối ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề đắc chư tam-muội. Thế giới thuần hữu thanh tịnh quang minh. Thập phương như vi trần đẳng chư Phật thế giới, tất đắc kiến văn ngã chi thế giới.

Ngã giới sở hữu vi diệu chi hương, tất biến thập phương như vi trần đẳng chư Phật thế giới. Ngã giới chúng sanh thường đắc khối lạc, vị tằng văn hữu thọ khổ chi thanh.

Thế Tôn! Ngã hành Bồ Tát đạo thời bất tác tề hạn. Ngã kim yếu đương trang nghiêm như thị thanh tịnh Phật độ. Chúng sanh chi loại giai sử thanh tịnh biến mãn kỳ quốc, nhiên hậu nãi thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thế Tôn!  Ngã  thành  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ- đề, đương xuất vô lượng vô biên quang minh chiếu ư thập phương, như thiên Phật sát vi trần số đẳng chư Phật thế giới, linh bỉ chúng sanh tất dao kiến ngã tam thập nhị tướng, tức thời đắc đoạn tham dục, sân khuể, ngu si, tật đố, vô minh, kiêu mạn, nhất thiết phiền não, phát A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Như kỳ sở cầu đắc đà-la-ni tam-muội nhẫn nhục.

Dĩ kiến ngã cố, hàn băng địa ngục sở hữu chúng sanh tất đắc ôn lạc, thí như Bồ Tát nhập đệ nhị thiền. Dĩ kiến ngã cố thân tâm thọ ư đệ nhất diệu lạc, phát A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Nhược kỳ mạng chung yếu đương sanh ngã Phật chi thế giới. Sanh dĩ tức đắc bất thối chuyển ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Nhiệt địa ngục đẳng súc sanh ngạ quỷ diệc phục như thị. Chư thiên sở kiến quang minh nhất bội, linh ngã thọ mạng vô lượng vô biên vô năng sổ giả, trừ nhất thiết trí.

Thế Tôn! Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, linh thập phương vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới hiện tại chư Phật xưng tán ư ngã. Kỳ dư chúng sanh nhược đắc văn thị xưng tán ngã thanh, nguyện tác thiện căn tốc sanh ngã quốc. Mạng chung chi hậu tất sanh ngã quốc. Duy trừ ngũ nghịch hủy hoại chánh pháp phỉ báng thánh nhân.

Thế Tôn! Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, thập phương vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới trung sở hữu chúng sanh, nhược văn ngã thanh, phát nguyện dục sanh ngã thế giới giả. Thị chư chúng sanh lâm mạng chung thời, tất linh kiến ngã dữ chư đại chúng tiền hậu vi nhiễu. Ngã ư nhĩ thời nhập Vô ế tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố hiện tại kỳ tiền nhi vị thuyết pháp. Dĩ văn pháp cố tầm đắc đoạn trừ nhất thiết khổ não, tâm đại hoan hỷ. Kỳ tâm hỷ cố đắc bảo minh tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố linh tâm đắc niệm cập Vô sanh nhẫn. Mạng chung chi hậu tất sanh ngã giới. Nhược dư thế giới chư chúng sanh đẳng vô hữu thất tài, bất dục tu tập hành ư tam thừa, bất dục sanh ư nhân thiên trung giả, diệc bất tu hành nhất thiết thiện căn cập tam phước xứ, phi pháp hành ô ái trước ác dục, chuyên hành tà kiến. Như thị chúng sanh nguyện ngã nhập ư Vô phiền não tam-muội, dĩ tam-muội lực cố bỉ chư chúng sanh nhược mạng chung thời, ngã dữ đại chúng nhi trụ kỳ tiền vị thuyết diệu pháp. Phục vị thị hiện Phật độ sở hữu, hựu khuyến linh phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Chúng sanh văn dĩ tức ư ngã sở tâm sanh thâm tín, hoan hỷ an lạc, tầm phát A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề  tâm. Linh bỉ chúng sanh đắc đoạn khổ não. Đoạn khổ não dĩ tiện đắc nhật đăng quang minh tam-muội đoạn ư si ám, mạng chung chi hậu tầm sanh ngã giới.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tán ngôn: “Thiện tai thiện tai! Nhữ kim nãi năng tác vi diệu chi đại nguyện dã.”

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, nguyện linh thập phương như vi trần đẳng chư Phật thế giới, tất vũ ưu-đà-la-bà-la hương tinh chiên-đàn hương,  ngưu đầu chiên-đàn hương, chủng chủng mạt hương. Nhược hữu chúng sanh tại tại xứ xứ văn thị hương giả, tất phát A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, linh ngã kim giả đắc Kim cang nguyện tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố tất đắc dao kiến chư thế giới trung sở vũ chư hương.

Thiện nam tử! Nhĩ thời vương tử thuyết thị ngôn dĩ tầm đắc tam-muội, tự kiến thập phương như vi trần số đẳng chư Phật thế giới, sở hữu chư hương ưu-đà-la-bà-la hương, chiên-đàn chi hương, ngưu đầu chiên-đàn chủng  chủng mạt hương, cập kiến nhất nhất phương diện hữu bất khả kế chư chúng sanh đẳng, cung kính xoa thủ phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.

Bảo Tạng Như Lai cáo vương tử ngôn: “Thiện nam tử! Nhữ chi sở nguyện dĩ đắc thành tựu. Thiên vũ chủng chủng chư vi diệu hương dĩ, hữu bất khả kế chúng sanh, cung kính xoa thủ  phát  A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề  tâm.  Thị cố hiệu nhữ vi Sư Tử Hương. Nhữ ư lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, thượng phương khứ thử tứ thập nhị hằng hà sa thế giới vi trần số đẳng chư Phật thế giới, hữu thế giới danh Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu. Nhữ ư bỉ độ đương đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Quang Minh Vô Cấu Kiên Hương Phong Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh  túc,  Thiện  thệ,  Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Sư Tử Hương Bồ Tát lễ Bảo Tạng Như Lai đầu diện trước địa.

Nhĩ thời Như Lai vị Sư Tử Hương Bồ Tát, nhi thuyết kệ ngôn:

Thiên nhân sư khởi,

Thọ chư cúng dường,

Độ thoát sanh tử,

Linh ly khổ não,

Đoạn chư kết phược,

Cập chư phiền não,

Lai thế đương tác,

Thiên nhân chi tôn

Thiện nam tử! Nhĩ thời Sư Tử Hương Bồ Tát văn thị kệ dĩ, tâm đại hoan hỷ tức khởi hợp chưởng, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ bát vương tử Mẫn-đồ ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Nhĩ thời vương tử tiền bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim sở nguyện yếu đương ư thị bất tịnh thế giới tu Bồ Tát đạo, phục đương tu trị trang nghiêm thập thiên bất tịnh thế giới, linh kỳ nghiêm tịnh như Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu thế giới. Diệc đương giáo hóa vô lượng Bồ Tát, linh tâm thanh tịnh vô hữu cấu uế giai thú đại thừa, tất sử sung mãn ngã chi thế giới, nhiên hậu ngã đương thành A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thế Tôn! Nguyện ngã tu hành Bồ Tát đạo thời, yếu đương thắng ư dư chư Bồ Tát.

Thế Tôn! Ngã dĩ ư thất tuế chi trung, đoan tọa tư duy chư Phật Bồ Tát thanh tịnh công đức, cập chủng chủng trang nghiêm Phật độ công đức. Thị thời tức đắc tất kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội đẳng vạn nhất thiên Bồ Tát tam-muội tăng tấn tu hành.

Thế Tôn! Nhược vị lai chư Bồ Tát đẳng hành Bồ Tát đạo thời, diệc nguyện tất đắc như thị tam-muội.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Xuất ly tam thế thắng tràng tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố tất kiến thập phương vô lượng vô biên chư Phật thế giới, tại tại xứ xứ hiện tại chư Phật, xuất ly tam thế vị chư chúng sanh thuyết ư chánh pháp.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Bất thối tam-muội. Dĩ tam- muội lực cố ư nhất niệm trung, tất kiến như vi trần đẳng chư Phật Bồ Tát cập chư Thanh văn cung kính vi nhiễu.

Nguyện ngã ư thử nhất nhất Phật sở, đắc Vô y chỉ tam- muội. Dĩ tam-muội lực cố tác biến hóa thân, nhất thời biến chí như nhất Phật giới vi trần số đẳng chư Như Lai sở cúng dường lễ bái. Nguyện ngã nhất nhất thân dĩ chủng chủng vô thượng trân bảo, hoa hương, đồ hương, mạt hương, diệu thắng kỹ nhạc, chủng chủng trang nghiêm, cúng dường nhất nhất chư Phật.

Thế Tôn! Nguyện ngã nhất nhất thân ư nhất nhất Phật sở, như đại hải thủy tích đẳng kiếp hành Bồ Tát đạo.

Nguyện ngã đắc Nhất thiết thân biến hóa tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố ư nhất niệm trung tại nhất nhất Phật tiền, tri như nhất Phật độ vi trần số đẳng chư Phật thế giới.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Công đức lực tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố ư nhất nhất Phật tiền, biến đáo như nhất Phật độ vi trần số đẳng chư Phật Thế Tôn sở, dĩ vi diệu tán thán tán thán chư Phật.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Bất huyễn tam-muội. Dĩ tam- muội lực cố ư nhất niệm trung tất kiến chư Phật biến mãn thập phương vô lượng vô biên thế giới chi trung.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Vô tránh tam-muội. Dĩ tam- muội lực cố ư nhất niệm trung tất kiến quá khứ vị lai hiện tại chư Phật sở hữu tịnh diệu thế giới.

Thế Tôn! Nguyện ngã đắc Thủ lăng nghiêm tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố hóa tác địa ngục chi thân nhập địa ngục trung, dữ địa ngục chúng sanh thuyết vi diệu pháp, khuyến linh phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Bỉ chư chúng sanh văn thị pháp dĩ, tầm phát vô thượng Bồ-đề chi tâm, tức tiện mạng chung sanh ư nhân trung, tùy sở sanh xứ thường đắc trực Phật. Tùy sở trực Phật nhi đắc thính pháp, thính thọ pháp dĩ tức đắc trụ ư bất thối chuyển địa. Càn-thát-bà,   a-tu-la,    ca-lầu-la,    khẩn-na-la,    ma-hầu-la- già, nhân, phi nhân đẳng, thiên, long, quỷ thần, dạ-xoa, la-sát,  tỳ-xá-già,  phú-đan-na,  già-trá  phú-đan-na,  đồ-sát, khôi quái, thương giá, dâm nữ, súc sanh, ngạ quỷ, như thị đẳng chúng diệc phục như thị, giai linh phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.

Hữu chư chúng sanh tùy sở sanh xứ đắc chư sắc tượng, ngã phân chi thân như nghiệp sở tác, tùy thọ khổ lạc cập chư công xảo. Nguyện ngã biến hóa tác như thị thân, tùy kỳ sở tác nhi giáo hóa chi.

Thế Tôn! Nhược hữu chúng sanh các các dị âm, nguyện ngã tùy kỳ chủng chủng âm thanh, nhi vị thuyết pháp các linh hoan hỷ. Nhân kỳ hoan hỷ khuyến phát an chỉ, linh kỳ bất thối ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thế Tôn! Ngã yếu đương giáo thập thiên Phật độ sở hữu chúng sanh, linh tâm thanh tịnh vô hữu hành nghiệp phiền não chư độc, nãi chí bất linh nhất nhân thuộc ư tứ ma, hà huống đa dã?

Nhược ngã trang nghiêm thập thiên Phật độ, như thị thanh tịnh như Quang Minh Vô Cấu Tôn Hương Vương Phật Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu thế giới sở hữu chủng chủng vi diệu trang nghiêm, nhiên hậu ngã thân cập chư quyến thuộc, nãi đương như bỉ Sư Tử Hương Bồ Tát chi sở nguyện dã.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, đương linh thập thiên chư Phật thế giới sở hữu chúng sanh đoạn chư khổ não, đắc nhu nhuyễn tâm đắc điều phục tâm. Các các tự ư tứ thiên hạ giới, kiến Phật Thế Tôn hiện tại thuyết pháp. Nhất thiết chúng sanh, tự nhiên nhi đắc chủng chủng trân bảo hoa hương mạt hương cập dĩ đồ hương, chủng chủng y phục chủng chủng tràng phan, các các dĩ dụng cúng dường ư Phật. Cúng dường Phật dĩ tất phát vô thượng Bồ-đề chi tâm.

Thế Tôn! Nguyện ngã kim giả dĩ tất đắc Kiến chủng chủng trang nghiêm tam-muội lực cố, giai đắc dao kiến như thị chư sự.

Tác thị ngữ dĩ tầm như sở nguyện tất đắc kiến chi.

Nhĩ thời Thế Tôn tán Mẫn-đồ ngôn: “Thiện tai thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ kim thế giới châu táp tứ diện nhất vạn Phật độ thanh tịnh trang nghiêm, ư vị lai thế phục đương giáo hóa vô lượng chúng sanh linh tâm thanh tịnh, phục đương cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Dĩ thị duyên cố kim cải nhữ tự hiệu vi Phổ Hiền. Ư vị lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng- kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, mạt hậu phần trung ư bắc phương giới, khứ thử thế giới quá lục thập hằng hà sa đẳng Phật độ, hữu thế giới danh Tri Thủy Thiện Tịnh Công Đức, nhữ đương ư trung thành A-nậu-đa- la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu Trí Cang Hống Tự Tại Tướng Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,  Vô  thượng  sĩ,  Điều  ngự  trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ Tát ma-ha-tát đầu diện trước địa lễ Bảo Tạng Phật.

Nhĩ thời Như Lai tức vị Phổ Hiền Bồ Tát, nhi thuyết kệ ngôn:

Nhữ khởi thiện đạo sư, Dĩ đắc như sở nguyện,

Thiện năng điều chúng sanh,

Giai linh đắc nhất tâm,

Độ ư phiền não hà,

Cập thoát chư ác pháp,

Lai thế tác đăng minh,

Chư thiên thế nhân sư.

Thiện nam tử! Nhĩ thời hội trung hữu thập thiên nhân tâm sanh giải đãi, dị khẩu đồng âm tác như thị ngôn: “Thế Tôn! Ngã đẳng lai thế tức ư như thị nghiêm tịnh Phật độ, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu  Tam-bồ-đề,  sở  vị  Phổ  Hiền Bồ Tát sở tu thanh tịnh chư thế giới dã.

Thế Tôn! Ngã đẳng yếu đương cụ túc tu lục ba-la-mật. Dĩ cụ túc lục ba-la-mật cố, các các ư chư Phật độ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tức tiện vị thị thập thiên nhân đẳng, thọ A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề ký.

Thiện nam tử! Phổ hiền Bồ Tát thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thời, nhữ đẳng đương ư Phổ Hiền Bồ Tát sở tu thanh tịnh vạn Phật độ trung, nhất thời thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hữu nhất thiên Phật đồng hiệu Trí Sí Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Tăng Tướng Tôn Âm Vương.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Thiện Vô Cấu Tôn Âm Vương.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Ly Bố Uý Tôn Âm Vương.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Thiện Vô Cấu Quang Tôn Âm Vương.

Phục hữu ngũ bá Phật đồng hiệu Nhật Âm Vương.

Phục hữu ngũ bá Phật đồng hiệu Nhật Tạng Tôn Vương.

Phục hữu ngũ Phật đồng hiệu Lạc Âm Tôn Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Nhật Quang Minh.

Phục hữu tứ Phật đồng hiệu Long Tự Tại.

Phục hữu bát Phật đồng hiệu Ly Khủng Bố Xưng Vương Quang Minh.

Phục hữu thập Phật đồng hiệu Ly Âm Quang Minh.

Phục hữu bát Phật đồng hiệu Âm Thanh Xưng.

Phục hữu thập nhất Phật đồng hiệu Hiển Lộ Pháp Âm.

Phục hữu cửu Phật đồng hiệu Công Đức Pháp Xưng Vương.

Phục hữu nhị thập Phật đồng hiệu Bất Khả Tư Nghị Vương.

Phục hữu tứ thập Phật đồng hiệu Bảo Tràng Quang Minh Tôn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Giác Tri Tôn Tưởng Vương.

Phục hữu thất Phật đồng hiệu Bất Khả Tư Nghị Ý.

Phục hữu tam Phật đồng hiệu Trí Tạng.

Phục hữu thập ngũ Phật đồng hiệu Trí Sơn Tràng.

Phục hữu ngũ thập Phật đồng hiệu Trí Hải Vương.

Phục hữu tam thập Phật đồng hiệu Đại Lực Tôn Âm Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Sơn Công Đức Kiếp.

Phục hữu bát thập Phật đồng hiệu Thanh Tịnh Trí Cần.

Phục hữu cửu thập Phật đồng hiệu Tôn Tướng Chủng

Vương.

Phục hữu bá Phật đồng hiệu Thiện Trí Vô Cấu Lôi Âm Tôn Vương.

Phục hữu bát thập Phật đồng hiệu Thắng Tôn Đại Hải Công Đức Trí Sơn Lực Vương.

Phục hữu tứ thập Phật đồng hiệu Vô Thượng Bồ-đề Tôn Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Tri Giác Sơn Hoa Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Công Đức Sơn Trí Giác.

Phục hữu tam Phật đồng hiệu Kim Cang Sư Tử.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Trì Giới Quang Minh.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Thị Hiện Tăng Ích.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Lượng Quang Minh.

Phục hữu tam Phật đồng hiệu Sư Tử Du Hý.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Vô Tận Trí Sơn.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Bảo Quang Minh.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Vô Cấu Trí Huệ.

Phục hữu cửu Phật đồng hiệu Trí Huệ Quang Minh.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Sư Tử Xứng.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Công Đức Biến Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Vũ Pháp Hoa.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tạo Quang Minh.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tăng Ích Sơn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Xuất Pháp Vô Cấu Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Hương Tôn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Cấu Mục.

Phục hữu nhất Phật hiệu Đại Bảo Tạng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Lực Vô Chướng Ngại Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tự Tri Công Đức Lực.

Phục hữu nhất Phật hiệu Y Phục Tri Túc.

Phục hữu nhất Phật hiệu Đức Tự Tại.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Chướng Ngại Lợi Ích.

Phục hữu nhất Phật hiệu Trí Huệ Tạng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Đại Sơn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Viết Lực Tạng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Cầu Công Đức.

Phục hữu nhất Phật hiệu Hoa Tràng Chi.

Phục hữu nhất Phật hiệu Chúng Quang Minh.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Ngại Công Đức Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Kim Cang Thượng.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Pháp Tướng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tôn Âm Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Kiên Trì Kim Cang.

Phục hữu nhất Phật hiệu Trân Bảo Tự Tại Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Kiên Tự Nhiên Tràng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Sơn Kiếp.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vũ Ngu Lạc.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tăng Ích Thiện Pháp.

Phục hữu nhất Phật hiệu Sa-la Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Công Đức Biến Mãn Đại Hải Công Đức Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Trí Huệ Hồ Hợp.

Phục hữu nhất Phật hiệu Trí Sí.

Phục hữu nhất Phật hiệu Hoa Chúng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Thế Gian Tôn.

Phục hữu nhất Phật hiệu Ưu-đàmbát Hoa Tràng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Pháp Tràng Tự Tại Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Chiên-đàn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Thiện Trụ.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tinh Tấn Lực.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tràng Đẳng Quang Minh.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Trí Bộ.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Hải Tràng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Diệt Pháp Xứng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Hoại Ma Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Chúng Quang Minh.

Phục hữu nhất Phật hiệu Xuất Trí Quang Minh.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Huệ Đăng.

Phục hữu nhất Phật hiệu An Ẩn Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Trí Âm.

Phục hữu nhất Phật hiệu Tràng Nhiếp Thủ.

Phục hữu nhất Phật hiệu Thiên Kim Cang.

Phục hữu nhất Phật hiệu Chủng Chủng Trang Nghiêm Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Thắng Trí.

Phục hữu nhất Phật hiệu Thiện Trụ Ý.

Phục hữu nhất Phật hiệu Nguyệt Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Vô Thắng Bộ Tự Tại Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Sa-lân-đà Vương.

Phục hữu bát thập Phật đồng hiệu Sư Tử Bộ Vương.

Phục hữu ngũ thập Phật đồng hiệu Na-la-diên Vô Thắng Tạng.

Phục hữu thất thập Phật đồng hiệu Tụ Tập Trân Bảo Công Đức.

Phục hữu tam thập Phật đồng hiệu Quang Minh Tạng.

Phục hữu nhị thập Phật đồng hiệu Phân Biệt Tinh Tú Xưng Vương.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Công Đức Lực Sa-la Vương.

Phục hữu cửu thập Phật đồng hiệu Vi Diệu Âm.

Phục hữu nhất Phật hiệu viết Phạm Tăng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Đề-đầu-lại-trá Vương.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Liên Hoa Hương Trạch Xưng Tôn Vương.

Phục hữu lục thập Phật đồng hiệu Quang Minh Sí Đăng Vương.

Phục hữu tam thập Phật đồng hiệu Liên Hoa Hương Lực Tăng.

Phục hữu nhị Phật đồng hiệu Vô Lượng Công Đức Đại Hải Trí Tăng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Diêm-phù-âm.

Phục hữu nhất bá tam Phật đồng hiệu Công Đức Sơn Tràng.

Phục hữu nhất Phật hiệu Sư Tử Tướng.

Phục hữu nhất bá nhất Phật đồng hiệu Long Lôi Tôn Hoa Quang Minh Vương.

Phục hữu nhất Phật hiệu Thiện Thú Chủng Vô Ngã Cam Lộ Công Đức Kiếp Vương.

Phục hữu thiên Phật đồng hiệu Ly Pháp Trí Long Vương Giải Thoát Giác Thế Giới Hải Nhãn Sơn Vương.

Giai hữu thập hiệu Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Như thị đẳng Phật đồng cộng nhất nhật nhất thời, các các ư chư thế giới thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thọ mạng các thập trung kiếp, khanh đẳng Niết-bàn diệc đồng nhất nhật, bát Niết-bàn dĩ sở hữu chánh pháp thất nhật tức diệt.

Thiện nam tử! Nhĩ thời thập thiên nhân hướng Bảo Tạng Phật đầu diện tác lễ.

Nhĩ thời Thế Tôn vị thập thiên nhân, nhi thuyết kệ ngôn:

Long vương nhữ khởi,

Kiên cố tự tại,

Vô thượng thiện nguyện,

Thanh tịnh hồ hợp,

Khanh đẳng dụng ý,

Tật như mãnh phong,

Tinh cần tu học,

Lục ba-la-mật,

Lai thế tất thành,

Thiên nhân chi tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời thập thiên nhân văn thị kệ dĩ, tâm sanh hoan hỷ tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Hải Phạm-chí phục bạch đệ cửu vương tử Mật-tô ngôn, nãi chí phát tâm diệc phục như thị.

Nhĩ thời vương tử tiền bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã hành Bồ Tát đạo thời, nguyện thập phương như hằng hà sa đẳng thế giới, sở hữu hiện tại chư Phật vị ngã tác chứng, kim ư Phật tiền phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.

Thế Tôn! Nguyện ngã hành Bồ Tát đạo thời, nãi chí thành Phật, ư kỳ trung gian bất sanh hối tâm, nãi chí thành Phật thường trụ nhất tâm vô hữu thối chuyển, như thuyết nhi hành, như hành nhi thuyết, nãi chí vô hữu nhất nhân lai não ngã tâm. Cánh bất cầu ư Thanh văn duyên giác, bất khởi dâm dục ác tưởng chi tâm, kỳ tâm bất dữ thụy miên, kiêu mạn, nghi hối đẳng cộng, diệc phục bất sanh tham, dâm, sát, đạo, vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham khuể, tà kiến, tật đố, mạn pháp, khi cuống chi tâm.

Ngã tu Bồ Tát đạo nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trung gian bất sanh như thị đẳng pháp nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hành thời bộ  bộ tâm tâm sổ pháp thường niệm chư Phật, đắc kiến chư Phật, tư thọ diệu pháp, cúng dường chúng tăng.

Ư chư sanh xứ thường nguyện xuất gia, đương xuất gia thời tức đắc thành tựu phấn tảo tam y. Thường tại thọ hạ độc tọa tư duy, trụ a-lan-nhã thường hành khất thực, bất cầu lợi dưỡng hành ư tri túc, thường giảng thuyết pháp thành tựu vô lượng vô chướng ngại biện, bất phạm đại tội. Bất dĩ ngã tướng vị nữ nhân thuyết pháp. Nhược thuyết pháp thời hằng dĩ không tướng. Kỳ tâm thường niệm không vô chi pháp. Củng thủ đoan tọa diệc bất lộ xỉ. Nhược hữu học tập đại thừa chi nhân, nhi ư kỳ sở khởi Thế Tôn tưởng cung kính cúng dường. Sở văn pháp xứ diệc khởi Phật tưởng. Ư chư sa- môn bà-la-môn trung, cố sanh cung kính cúng dường tôn trọng. Trừ Phật Thế Tôn, ư chư chúng trung bất sanh phân biệt thử thị phước điền, thử phi phước điền nhi hành bố thí.

Nguyện ngã bất ư pháp thí nhân sở sanh tật đố tâm. Nhược hữu chúng sanh ưng bị hình lục, nguyện ngã xả mạng dĩ cứu hộ chi. Nhược hữu chúng sanh phạm ư chư tội, nguyện ngã dĩ lực ngôn thuyết tiền tài, nhi bạt tế chi, linh đắc giải thoát.

Nhược hữu tại gia xuất gia chi nhân hữu chư tội quá, nguyện bất phát lộ hiển hiện ư nhân. Ư chư lợi dưỡng, danh dự đẳng trung nhi thường viễn ly, như tỵ hỏa khanh đao kiếm độc thọ.

Thế Tôn! Nhược ngã thử nguyện nãi chí thành A-nậu- đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, tất đắc thành tựu như kim Phật tiền chi sở nguyện giả, linh ngã lưỡng thủ tự nhiên nhi hữu thiên phúc thiên luân, sở đắc quang minh như hỏa mãnh diệm.

Thiện nam tử! Thị thời vương tử thuyết thị ngữ dĩ, kỳ lưỡng thủ trung tức tầm các hữu nhất thiên phúc luân như thuyết nhi đắc.

Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đãi đắc kỷ lợi, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề giả, ngã kim khiển thử thiên phúc thiên luân, chí ư vô Phật ngũ trược thế giới. Thị luân đương tác như thị đại thanh biến mãn Phật độ, như Nan-đà long vương, Ưu-ba Nan-đà long vương, tác đại âm thanh biến mãn thế giới, kỳ luân âm thanh diệc phục như thị. Sở vị Bồ Tát thọ ký âm thanh, bất thất chuyên niệm trí huệ chi thanh, tu học không pháp chư Phật sở hữu pháp tạng chi thanh. Nhược hữu chúng sanh tại tại xứ xứ văn thị pháp thanh, tức thời đắc đoạn tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, nhi đắc tịch tĩnh tư duy chư Phật thậm thâm trí huệ, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.

Thiện nam tử! Nhĩ thời vương tử tức khiển nhị luân. Thí như chư Phật thần túc tiệp tật, kỳ luân khứ tật diệc phục như thị, biến chí thập phương vô Phật ác thế, vị chư chúng sanh xuất chư Bồ Tát thọ ký âm thanh, bất thất chuyên niệm trí huệ chi thanh, tu học không pháp chư Phật sở hữu pháp tạng chi thanh. Tại tại xứ xứ chư chúng sanh đẳng văn thị pháp âm, tức tiện đắc đoạn tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, nhi đắc tịch tĩnh tư duy chư Phật thậm thâm trí huệ, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam- bồ-đề tâm. Kỳ luân tu du hoàn lai tại thử vương tử tiền trụ.

Thiện nam tử! Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai tán vương tử ngôn: “Thiện tai thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ hành Bồ Tát đạo sở phát thiện nguyện vô thượng tối diệu, khiển thử thiên luân chí ư vô Phật ngũ trược chi thế, linh vô lượng vô biên a-tăng-kỳ ức bá thiên chúng sanh an chỉ trụ ư vô uế trược tâm. Tâm vô não hại, khuyến hóa phát ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. Dĩ thị cố kim cải nhữ danh vi A-súc, ư vị lai thế đương vi Thế Tôn. Nhữ kim đương ư Phật tiền như tâm sở hỷ nguyện thủ chủng chủng trang nghiêm Phật độ.

Nhĩ thời A-súc bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim sở nguyện như thị chủng chủng trang nghiêm Phật độ, linh ngã thế giới thuần kim vi địa, địa bình như chưởng, đa hữu chủng chủng chư thiên diệu bảo biến mãn kỳ quốc. Vô hữu sơn lăng đôi phụ, độ sa lịch thạch, kinh cức chi thuộc. Kỳ địa nhu nhuyễn thí như thiên y, hành thời túc hạ đạo nhập tứ thốn, cử túc hoàn phục. Vô hữu địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, bất tịnh, xú uế. Thuần hữu chư thiên vi diệu thượng hương cập mạn-đà-la, ma-ha mạn-đà-la hoa biến mãn kỳ quốc. Sở hữu chúng sanh vô hữu lão bệnh, các các tự tại bất tương uý bố. Thường bất não tha, mạng bất trung yểu, lâm xả mạng thời tâm vô hối hận, kỳ tâm quyết định vô hữu thố loạn, hệ niệm tư duy chư Phật Như Lai. Nhược mạng chung dĩ bất đọa ác đạo, bất sanh vô Phật ngũ trược ác thế, nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thường   đắc   kiến   Phật, tư thọ diệu pháp, cúng dường chúng tăng.

Sở hữu chúng sanh bạc dâm nộ si giai hành thập thiện. Thế giới vô hữu chủng chủng công xảo. Vô hữu phạm tội cập phạm tội danh. Diệc vô thiên ma chư lưu nạn sự. Chúng sanh thọ hình vô hữu ác sắc, diệc bất phân biệt tôn ty cao hạ. Nhất thiết chúng sanh thâm giải vô ngã cập vô ngã sở. Thanh văn Bồ Tát nãi chí mộng trung bất thất bất tịnh. Chúng sanh thường nhạo cầu pháp thính pháp, vô hữu nhất nhân sanh ư đảo kiến, diệc vô ngoại đạo. Chúng sanh vô hữu thân tâm bì cực, giai đắc ngũ thông, vô hữu cơ khát chư khổ não sự. Tùy sở hỷ nhạo chủng chủng thực ẩm, tức hữu bảo khí tự nhiên tại thủ, hữu chủng chủng thực, do như dục giới sở hữu chư thiên. Vô hữu thế thố tiện lợi chi hoạn, đàm ấm ô lệ, diệc vô hàn nhiệt, thường hữu nhu nhuyễn hương phong xúc thân. Thử phong hương khí vi diệu cụ túc, huân chư thiên nhân bất tu dư hương. Như thị hương phong, tùy chư thiên nhân sở cầu lãnh nỗn giai sử mãn túc. Hựu phục hữu cầu ưu-bát-la hoa hương phong, hựu phục hữu cầu ưu- đà-sa-la hương phong, hữu cầu trầm thủy hương phong, hữu cầu đa-già-la hương phong, hữu cầu a-già-la hương phong, hữu cầu chủng chủng hương phong, như sở hy vọng ư phát tâm thời giai đắc thành tựu, trừ ngũ trược thế.

Nguyện ngã quốc độ hữu thất bảo lâu. Kỳ bảo lâu trung phu thất bảo sàng, nhân nhục đan chẩm tế hoạt nhu nhuyễn do như thiên y. Chúng sanh xử thử bảo lâu sàng tháp, giai tất hoan lạc. Kỳ lâu tứ biên hữu hảo trì thủy. Kỳ thủy cụ túc hữu bát công đức, chúng sanh tùy ý nhi thủ dụng chi. Kỳ quốc đa hữu kim đa-la thọ, chủng chủng hoa quả diệu hương. Cụ túc thượng diệu bảo y, chủng chủng bảo cái, chân châu anh lạc nhi dĩ trang nghiêm. Chư chúng sanh đẳng tùy ý sở hỷ diệu bảo y phục tức ư thọ thượng tự tứ thủ trước, hoa quả hương đẳng diệc phục như thị.

Thế Tôn! Nguyện ngã Bồ-đề chi thọ thuần thị thất bảo, cao thiên do-tuần, thọ hành châu táp mãn nhất do-tuần, chi diệp tung quảng mãn thiên do-tuần, thường hữu vi phong xuy Bồ-đề thọ. Kỳ thọ tắc xuất lục ba-la-mật, căn, lực, giác đạo vi diệu chi thanh. Nhược hữu chúng sanh văn thử diệu thanh, nhất thiết giai đắc ly ư dục tâm.

Sở hữu nữ nhân thành tựu nhất thiết chư diệu công đức, do như Đâu-suất thiên thượng thiên nữ, vô hữu phụ nhân chư bất tịnh sự, lưỡng thiệt, xan lận, tật đố phú tâm, bất dữ nam tử lậu tâm giao thông. Nhược chư nam tử phát dâm dục tâm chí nữ nhân sở. Dĩ ái tâm thị, tu-du chi gian tiện ly dục tâm, tự sanh yếm ly tức tiện hoàn khứ, tầm đắc thanh tịnh Vô cấu tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố, ư chư ma phược nhi đắc giải thoát, cánh bất phục sanh ác dục chi tâm.

Như thị nữ nhân nhược kiến nam tử hữu ái dục tâm, tiện đắc nhâm thân, diệc đắc ly ư dâm dục chi tưởng. Đương nhâm thân thời nhược hồi nam nữ, thân tâm vô hữu chư khổ não sự, thường thọ khối lạc như Đao-lợi thiên nhân, thân tâm sở thọ thượng diệu khối lạc.

Nữ nhân hồi nhâm thất nhật thất dạ, sở thọ khối lạc diệc phục như thị, diệc như tỳ-kheo nhập đệ nhị thiền. Xử thai nam nữ bất vi nhất thiết bất tịnh sở ô, mãn túc thất nhật tức tiện xuất sanh. Đương kỳ sanh thời thọ chư khối lạc hữu vi diệu âm. Nữ nhân sản thời diệc vô chư khổ như thị mẫu tử câu cộng nhập thủy, tiển dục kỳ thân. Thị thời nữ nhân đắc như thị niệm. Dĩ niệm lực cố tầm đắc ly dục thanh tịnh tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố kỳ tâm thường định, ư chư ma phược nhi đắc giải thoát.

Nhược hữu chúng sanh túc nghiệp thành tựu, ưng vô lượng ức thế tác nữ nhân thân. Dĩ định lực cố đắc ly nữ thân nãi chí Niết-bàn, nhất thiết nữ nghiệp vĩnh diệt vô dư cánh bất phục thọ.

Hoặc hữu chúng sanh túc nghiệp thành tựu ư vô lượng ức kiếp, ưng xử bào thai thọ khổ não giả. Nguyện ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, văn ngã danh tự tức sanh hoan hỷ. Sanh hoan hỷ dĩ tầm tiện mạng chung, xử thai tức sanh ngã chi thế giới, tầm ư sanh dĩ sở thọ thai phần vĩnh tận vô dư, nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cánh bất thọ thai.

Hoặc hữu chúng sanh đa thiện căn giả, tầm tiện đắc lai chí ngã thế giới liên hoa trung sanh. Hoặc hữu chúng sanh thiểu thiện căn giả, yếu đương xử thai, hoặc thọ nữ nhân nhi sanh ngã giới, nhiên hậu nãi đắc vĩnh tận thai phần. Sở hữu chúng sanh nhất hướng thuần thọ vi diệu khối lạc, vi phong xuy thử kim đa-la thọ xuất vi diệu thanh. Sở vị khổ, không, vô ngã, vô thường đẳng thanh. Văn thị thanh giả giai đắc Quang minh tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố đắc chư không định thậm thâm tam-muội. Thế giới vô hữu dâm dục tưởng thanh.

Thế Tôn! Ngã tọa Bồ-đề thọ hạ, ư nhất niệm trung thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề  dĩ. Nguyện ngã thế giới vô hữu nhật nguyệt quang minh, trú dạ sai biệt, trừ hoa khai hợp.

Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, đương dĩ quang minh biến chiếu tam thiên đại thiên thế giới. Dĩ quang minh lực cố linh chư chúng sanh tất đắc thiên nhãn. Dĩ thiên nhãn cố đắc kiến thập phương vô lượng vô biên chư Phật thế giới, tại tại xứ xứ chư Phật Thế Tôn hiện tại thuyết pháp.

Thế Tôn! Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, thuyết ư chánh pháp linh thử âm thanh biến mãn tam thiên đại thiên thế giới. Chúng sanh văn giả đắc Niệm Phật tam-muội. Chúng sanh hoặc hữu hành trụ hồi chuyển, tùy sở phương diện thường đắc kiến ngã. Nhược ư chư pháp hữu nghi trệ xứ, dĩ kiến ngã cố tức đắc đoạn nghi.

Thế Tôn! Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dĩ, thập phương vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chư Phật thế giới, tại tại xứ xứ sở hữu chúng sanh nhược học Thanh văn, nhược học Duyên giác, nhược học Đại thừa, văn ngã danh giả, mạng chung yếu lai sanh ngã thế giới.

Học Thanh văn nhân văn ngã pháp giả, đắc bát giải thoát, A-la-hán quả. Học Đại thừa nhân văn ngã pháp giả, đắc thâm Pháp nhẫn đà-la-ni môn cập chư tam-muội, bất thối chuyển ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đắc vô lượng Thanh văn dĩ vi quyến thuộc, kỳ số vô biên vô năng sổ giả, duy trừ chư Phật.

Thế Tôn! Ngã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tùy sở chí phương cử hạ túc xứ, tức hữu thiên diệp kim liên hoa sanh. Kỳ hoa vi diệu hữu đại quang minh, ngã đương khiển chí vô Phật chi xứ xưng tán ngã danh. Nhược hữu chúng sanh ư thử hoa trung đắc văn xưng tán ngã danh tự giả, tầm sanh hoan hỷ, chủng chư thiện căn, dục sanh ngã quốc, nguyện mạng chung thời tất giai lai sanh.

Ngã chư đại chúng xuất gia chi nhân, viễn ly siểm khúc, đố tật, gian khi sa-môn chi cấu tôn trọng ư pháp. Ư chư sở tu danh xưng, lợi dưỡng tâm bất quý trọng, thường nhạo khổ, không, vô thường, vô ngã, thường cần tinh tấn tôn pháp y tăng.

Nhược chư Bồ Tát đắc bất thối giả, giai tất linh đắc Long vũ tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố vị chúng sanh thuyết Bát nhã ba-la-mật, linh ly sanh tử nãi chí thành Phật, ư kỳ trung gian sở khả thuyết pháp bất vong, bất thất.

Thế Tôn! Ngã thành Phật dĩ, thọ mạng trụ thế thập thiên đại kiếp, bát Niết-bàn hậu chánh pháp trụ thế mãn nhất thiên kiếp.

Nhĩ thời Như Lai tán A-súc ngôn: “Thiện tai thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ kim dĩ thủ thanh tịnh thế giới. Nhữ ư lai thế quá nhất hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, nhập đệ nhị hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp, đông phương khứ thử thiên Phật thế giới, bỉ hữu thế giới danh viết Diệu Lạc, sở hữu trang nghiêm như nhữ sở nguyện giai tất cụ túc. Nhữ ư thị trung đương thành A-nậu-đa-la  Tam-miệu  Tam-bồ-đề, du hiệu A-súc Như Lai, Ứng cúng, Chánh  biến  tri,  Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Nhĩ thời A-súc Bồ Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nhược ngã sở nguyện thành tựu đắc kỷ lợi giả, nhất thiết thế gian ấm giới chư nhập sở nhiếp chúng sanh giai đắc từ tâm, vô oán tặc tưởng cập chư uế trược, thân tâm khối lạc do như thập trụ chư Bồ Tát đẳng, xử liên hoa thượng kết già phu tọa tam-muội chánh thọ. Dĩ tam-muội lực linh tâm vô cấu.

Thị chư chúng sanh thân tâm khối lạc diệc phục như thị. Ngã kim đầu diện kính lễ ư Phật, duy nguyện thử địa hữu kim sắc quang.

Thiện nam tử! Nhĩ thời A-súc Bồ Tát tầm dĩ đầu diện kính lễ Phật túc. Thị thời nhất thiết vô lượng chúng sanh, thân tâm tức đắc thọ đại khối lạc. Kỳ địa diệc hữu kim sắc quang minh.

Nhĩ thời Bảo Tạng Như Lai vị A-súc Bồ Tát nhi thuyết kệ ngôn:

Tôn ý thả khởi,

Nhữ kim dĩ linh,

Nhất thiết chúng sanh,

Tâm vô phẫn nộ,

Phục ư chúng sanh,

Sanh đại bi tâm,

Lưỡng thủ các đắc,

Thiên thiên phúc luân,

Tịnh ý đương lai,

Vi thiên nhân tôn.

Thiện nam tử! Nhĩ thời A-súc Bồ Tát văn thị kệ dĩ, tâm đại hoan hỷ tức khởi hợp chưởng tiền lễ Phật túc, khứ Phật bất viễn phục tọa thính pháp.