Bát Nhã Tâm Kinh – Chương 8: Con Đường Minh Triết

bát nhã tâm kinh chương 8

Con Đường Minh Triết

Câu hỏi thứ nhất:

Osho thân mến,

“Tri thức có phải là cánh cửa dẫn đến giác ngộ hay không; hay giác ngộ chỉ có thể đạt tới được qua cửa ngỏ xả ly?”

Giác ngộ được chứng đắc qua sự xả ly triệt để, nhưng xả ly thì lại đạt tới được qua cửa ngõ tri thức. Chỉ có những kẻ ngu mới không xả ly được. Muốn hành trì xả ly, anh cần phải thật thông minh để thấy đúng tiêu điểm của sự xả ly là đỉnh cao nội tại, để thấy được mục tiêu là anh không tách biệt khỏi hiện hữu, là tuyệt đỉnh mà tri thức có thể ban phát cho anh.

Không có sự đối kháng mâu thuẫn nào giữa tri thức và xả ly cả. Xả ly thì qua tri thức, nhưng khi anh xả ly thì tri thức cũng cần phải buông bỏ luôn. Qua sự xả ly, tri thức phải tự sát. Nếu anh thấy được sự vô nghĩa của tri thức, sự phi lý của nó, sự thống khổ ràng buộc mà nó gây tạo ra, thì tấm màn tri thức trong anh sẽ biến mất; tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra qua sự nhận thức hiểu biết mà thôi. Và đặc biệt hơn theo lời Phật dạy, con đường xả ly chính là con đường tri thức. Danh từ “Buddha – giác ngộ” co nghĩa là “tỉnh giác, minh triết.”

Trong Bát Nhã Tâm Kinh, một phần tư những danh từ sử dụng trong phẩm Kinh đều mang ý nghĩa tri thức. Danh từ “Buddha – giác ngộ” có nghĩa là tỉnh thức, “bodhi – bồ đề” có nghĩa là đang tỉnh giác, “sambodhi – tam miệu tam bồ đề” có nghĩa là đang tỉnh giác hoàn hảo, “abhisambuddha” có nghĩa là chánh đẳng chánh giác, “bodhisattva – bồ đề tát đoả” có nghĩa là trở thành hoàn toàn tỉnh giác, hữu tình giác.

Tất cả những danh từ, thuật ngữ trên đều cùng một căn nguyên là “budh – tri thức.” Từ “buddhi” cũng phát xuất từ căn nguyên “budh” này. Cái căn nguyên từ “budh” có nhiều khía cạnh. Khôn g có một từ ngữ tiếng Anh nào có thể diễn dịch chuẩn xác về từ “budh” cả. “Budh” mang nhiều hàm ý. Nó rất uyển chuyển linh động và nên thơ. Không có một ngôn ngữ nào trên thế giới lại có một danh từ hàm xúc sâu xa như là danh từ “budh” của Ấn.

Thứ nhất “budh là “giác ngộ, tự giác, và giác tha, có nghĩa là tự mình giác ngộ và giúp cho mọi người đều được giác ngộ như mình. Giác ngộ được ví như là tỉnh cơn mê ngủ. Trong vùng ảo mộng, hành giả bỗng bừng tỉnh giấc chiêm bao. Đó là nghĩa thứ nhất của tri thức, “budh” tạo ra sự tỉnh thức trong anh.

Thói thường, con người đều sống say chết ngủ. Ngay cả khi anh thức, anh cũng không “tỉnh” đâu. Bước đi trên đường, anh hoàn toàn không ngủ – trong tâm trí anh, anh cho là anh tỉnh. Nhưng nhìn qua lăng kính của Phật, anh là kẻ ngủ say, một ngàn lẻ một giấc mộng và tư tưởng đang gào thét ầm ĩ trong anh, thế mà anh vẫn ngủ say, vẫn không tỉnh.

Ánh sáng nội tâm của anh mờ mịt quá. Đó là hình thức say ngủ. Phải, mắt anh mở to ra đấy, rõ ràng như thế nhưng anh vẫn say – có nhiều người đã mộng du, đi trong giấc ngủ, đi và ngủ với đôi mắt mở to. Và Phật nói: “Ngươi cũng là kẻ mộng du – với đôi mắt mở to thao láo.”

Cặp mắt thịt (nhục nhãn) của anh mở to, nhưng mắt trí tuệ, mắt nội tâm anh lại không mở. Anh vẫn chưa biết anh là ai. Anh không nhìn vào thực tại của chính anh. Anh chưa tỉnh. Anh vẫn còn mê ngủ. Cái tâm trí đầy những tư tưởng đó không thức tỉnh, không thể tỉnh thức được.

Chỉ có tâm thức đã buông xả được tất cả mọi tư tưởng, suy nghĩ, vọng động, đã vẹt được đám mây che phủ kia đi – và mặt trời chiếu sáng trên cao, bầu trời trong vắt không gợn một áng mây – là tâm thức tỉnh giác.

Trí tuệ là khả năng sống trong hiện tại. Anh càng truy tìm quá khứ hay rong ruỗi theo tương lai, anh càng kém trí tuệ đi. Trí tuệ là khả năng sống bây giờ và ở đây, sống ngay trong giây phút này và không một nơi nào khác cả. Đó là sự tỉnh thức. Anh đã tỉnh thức. Ví dụ như anh đang ngồi trong nhà và bỗng dưng căn nhà bốc cháy, mạng sống anh đang gặp nguy hiểm. Trong thoáng chốc, anh bừng tỉnh.

Ngay cái giây phút nguy hiểm cận kề cái chết đó, anh không còn có thể suy nghĩ lan man nữa. Ngay giây phút tử sanh đó, anh quên hết quá khứ của anh. Ngay giây phút tử sanh đó, anh không còn nghe những âm thanh gào thét ầm ĩ của những ức niệm tâm lý của anh – rằng anh đã yêu người đàn bà đó 30 năm trước đây, và ôi, đời sống mới đáng yêu làm sao! Hay một ngày nọ, anh bước vào một nhà hàng Tàu và mùi vị thơm ngon của thức ăn ngào ngạt, mùi bánh mì mới thơm phưng phức . . .

Không, anh không còn kịp thời gian để nghĩ vớ vẩn như vậy nữa. Không, khi căn nhà cháy, anh không còn có thời giờ để ngồi mơ tưởng suy diễn lan man. Bất thình lình, anh bổ nhào tới cái giây phút là: căn nhà bốc cháy và mạng sống anh đang nguy hiểm, như sợi chỉ mành treo chuông. Anh không mơ nổi đến tương lai, anh sẽ không có cái ngày mai. Tương lai bất khả đắc, quá khứ bất khả đắc, ngay hiện tại cũng bất khả đắc! Chỉ có giây phút này, cái giây phút hi hữu này. Đó là ý nghĩa đầu tiên của danh từ “budh – giác ngộ – trí tuệ.”

Và cánh cửa nội tâm anh đã mở. Người nào thực sự tỉnh thức, thực sự muốn thành Phật, phải sống trong từng phút giây căng thẳng như vậy – như thể là anh luôn đang sống trong nguy hiểm.

Cái nghĩa thứ nhất của giác ngộ đối nghịch lại với mê ngủ. Và lẽ dĩ nhiên, anh chỉ có thể thấy được thực tại khi anh không say ngủ. Anh có thể đối diện thực tại, anh có thể nhìn sâu vào đôi mắt chân lý – hay gọi chân lý là thượng đế, là Chúa – anh chỉ nhìn thấy như vậy khi anh tỉnh thức. Anh có hiểu điểm đích tột cùng của sự căng thẳng, của sự bị thiêu đốt không? Hoàn toàn tỉnh thức, nội tại hoàn toàn tỉnh thức. Ánh sáng tỉnh thức nội tại đó đem lại tự do, đem lại chân lý.

Ý nghĩa thứ hai của danh từ “budh” là trực nhận – ghi nhận, hiểu biết, tỉnh giác. Đức Phật là người đã trực nhận cái giả huyễn là giả huyễn, cái thực là cái thực. Thấy giả đúng là giả, đó là bước đầu của sự hiểu biết chânlý là gì. Chỉ khi nào anh thấu đáo được giả là giả, anh mới có thể biết chân lý là gì.

Anh không thể tiếp tục sống trong ảo giác mê lầm nữa, anh không thể tiếp tục sống trong niềm tin của anh, anh không thể tiếp tục sống trong những phán xét suy đoán của anh nếu anh thực tâm muốn biết sự thật. Cái giả phải được nhận diện rõ ràng là giả. Ý nghĩa thứ hai của danh từ “budh – giác ngộ” là trực nhận, nhận diện giả là giả, không thật là không thật.

Thí dụ như anh tin vào thượng đế, anh sanh ra đã là người đạo Thiên Chúa hay một người Ấn Độ giáo hay một tín đồ Hồi giáo. Anh đã bị nhồi sọ là thượng đế hiện hữu, thượng đế có mặt khắp nơi; người ta đã làm anh hãi sợ thượng đế rằng nếu anh không tin có thượng đế, có Chúa, anh sẽ bị đau đớn, anh sẽ bị trừng phạt; rằng thượng đế, Chúa rất hung ác; rằng Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho anh nếu anh không tin vào Chúa, vào thượng đế. Vị Chúa Do Thái nói rằng, “Ta là một vị Chúa rất ganh tị.

Các ngươi phải thờ phụng chỉ một mình Ta thôi, không được thờ một ai khác!” Thượng đế bên Hồi giáo cũng rống lên: “Chỉ có một thượng đế tối cao, một thượng đế duy nhất, không có ai khác. Chỉ có một thánh tiên tri là Mohammed – không có một vị thánh nào hết!”

Cái điều kiện đó ăn sâu vào tiềm thức tâm khảm anh đến độ nó cứ lần lựa lay lứt trong anh ngay cả khi anh quyết không tin vào thượng đế.

Một ngày kia, Mulla Nasruddin có mặt ở đây và tôi hỏi ông ta rằng:

-“Này, Mulla Nasruddin, bởi vì ông đã chuyển hướng thành cộng sản, đã thành một đồng chí rồi, vậy thượng đế của ông thế nào?”

Mulla trả lời:

-“Không có thượng đế gì hết! Chỉ có Mohammed là vị thánh duy nhất mà thôi!”

Xem tiếp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

Chương 6

Chương 7

Chương 8

Chương 9

Chương 10