Bát Nhã Tâm Kinh – Chương 5: Hương Vị Chân Không

bát nhã tâm kinh - chương 5

Hương Vị Chân Không

Chân Không là hương vị của cái vượt qua tầm nhận thức lý luận tầm thường. Chân Không là sự khai phóng của trái tim con người đến sự chuyển hóa. Chân Không là phút giây hé nở của đóa hoa sen ngàn cánh. Chân Không là số phận con người.

Con người chỉ toàn vẹn, viên mãn khi hắn chạm tới được Chân Không, khi hắn lọt vào được vùng Chân Không tuyệt đối ngay trong con người hắn, khi Chân Không lan tỏa tràn ngập khắp con người hắn, khi hắn chính là bầu trời trong ngần xanh lơ, không có một áng mây vần phủ.

Đức Phật gọi Chân Không đó là Niết Bàn. Trước tiên chúng ta cần phải hiểu Chân Không là gì, bởi vì Chân Không không phải là cái rỗng không, cái trống trơn, cái ngoan không – Chân Không thật đầy, thật tràn đầy. Đừng bao giờ, dù chỉ một phút giây, một tích tắc thời gian, anh nghĩ rằng Chân Không là một trạng thái tiêu cực, là một sự vắng bóng. Không. Chân Không đơn giản là Chân Không. Vạn vật biến mất, chỉ còn lại là thể chất tuyệt đối. Hình thể biến mất, chỉ còn lại cái không hình thể.

Định nghĩa biến mất, cái không thể định nghĩa duy nhất còn lại. Vì thế, Chân Không không phải ví như là không có cái gì cả. Có thể nói đơn giản là không thể định nghĩa được là cái gì là chân Không – ngôn ngữ hữu hạn của loài người không đủ và không có khả năng để diễn đạt đúng nghĩa Chân Không.

Không thể nào hiểu như là anh dời hết đồ đạc bàn ghế trong nhà anh ra ngoài rồi một người quen nào đó vào nhà và nói: “Bây giờ thì trống rỗng, không có gì hết.” Trước kia, một người bạn đã đến nhà, đã thấy những đồ đạc bàn ghế, trong tàng thức của anh ta đã chụp sẵn hình dáng của đồ đạc bàn ghế, nay phòng khách trống trơn, không có bàn ghế nên anh ta cho là trống trơn, không có gì hết.

Cái ý nghĩ “trống trơn, không có gì hết” đó của bạn anh chỉ đúng trên giá trị tương quan đối đãi mà thôi. Thực ra, khi anh dời bàn ghế ra ngoài, anh chỉ đơn giản dời bỏ đi những chướng ngại vật chiếm một khoảng không gian nào đó trong nhà mà thôi. Bây giờ, cái không gian trong trinh trọn vẹn đó hiện bày, bây giờ không có một vật chướng ngại nào cả. Bây giờ không có một áng mây nào lơ lững trên bầu trời; chỉ có bầu trời, bầu trời mà thôi. Đó không phải chỉ là sự vắng bóng mà còn là sự hiện diện.

Anh đã từng ở trong một căn nhà trống trơn hoàn toàn bao giờ chưa? Nếu có, anh sẽ cảm nhận cái Chân Không hiện diện; nó rất mong manh, lung linh, nhưng hữu hình, anh có thể chạm vào nó. Đó chính là cái Đẹp thực sự của một ngôi chùa, một đền thờ, một thánh đường – một Chân Không trọn vẹn, hoàn hảo, Chân Không, chỉ có Chân Không.

Khi anh vào một thánh đường, một nơi tôn nghiêm nào đó, có cái gì vây bọc ôm trọn lấy anh; đó là Chân Không. Không có gì hết, nhưng lại có tất cả. Trong cái Chân Không đó, có một cái gì thiêng liêng mầu nhiệm đầy ân sủng, thánh thiện hiện hữu – nhưng sự rung động mong manh kỳ bí đó của Chân Không chỉ hiện hữu cho những ai cảm nhận được nó mà thôi. Rất ít người cảm nhận được Chân Không, vì những người cảm nhận được là những người rất nhậy cảm, rất thức tỉnh, rất minh mẫn linh hoạt và rất phong phú niềm sùng kính đam mê.

Khi anh ân ái giao hợp với một người phụ nữ anh thương, cái tột đỉnh của khoái lạc chính là đỉnh cao của Chân Không. Ngay giây phút Chân Không hay khoái lạc cực điểm đó, người đàn bà không còn là người đàn bà nữa và người đàn ông cũng không còn là người đàn ông nữa. Những hình thái nam nữ đó đã biến mất.

Cái tính chất phân cực, sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn đó nữa, sự căng thẳng không còn đó nữa; tất cả đã tuyệt đối buông xả, thư giản hoàn toàn. (* Ngay đoạn văn này, người dịch muốn nêu rõ một điểm trên tinh thần Bát Nhã là có rất nhiều người do không hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai, lệch lạc tinh thần cũng như ý nghĩa “Chân Không” nên đã hành động tà ngụy, và dùng luận điệu Bát Nhã để biện luận cho hành vi sái quấy của họ cũng như lừa dối, bịp bợm người khác, sống đội lốt lợi dụng kẻ ngây thơ.

Đọc Osho, chúng ta phải đứng trên lập trường phá chấp nhưng không sai Chánh pháp, chúng ta phải có một trình độ tư duy cao, hiểu biết đúng đắn, nhận thức rõ ràng; không nên vội kết án Osho sử dụng những danh từ hay ví dụ qúa thực tế; nên nhớ là Osho viết cho người Tây Phương với quan niệm khác Á Đông.) Cả hai đã hòa tan trộn lẫn vào nhau. Cả hai đã biến dạng vào nhau và đã đạt tới một trạng thái không thể nào định nghĩa được.

Người đàn ông không thể nào nói “Tôi” ở đây, và người đàn bà cũng không thể nói “Tôi”; cả hai không còn cái Tôi cá thể nữa, cái bản ngã của cả hai không còn – bởi vì bản ngã luôn luôn đối kháng, chống chọi, cái bản ngã hiện hữu qua đối kháng, nó không thể tồn tại nếu không có đối kháng.

Như thế, ngay cái giây phút tột đỉnh đó, không còn cái Ta dung tục tầm thường nữa. Cái Đẹp trọn vẹn nhân bản là đó, trạng thái xuất thần kỳ diệu là đó, niềm an lạc thiền định là đó. Đối với những người chỉ thấy phần vật chất sẽ nói rằng “Có cái gì ở đây không? Không, không có gì hết.” Nhưng đối với những người có khả năng thấy được cái Chân Không, họ sẽ nói: “Vì không có gì nên có tất cả.”

Tánh chất “Có” và “Không” là bí mật của Chân Không. Hãy để tôi nhắc lại điều này, vì nó chính là cơ bản, chính là nền tảng tiếp cận của phương pháp đạo Phật. Chân Không không đồng nghĩa với cái ngoan không, cái không trơ. Chân Không là “trong Không có Có, trong Có có Không,” khi các điểm đối nghịch không còn là những điểm đối kháng nhau nữa.

Âm và dương, khẳng định và phủ định, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông, sống và chết – tất cả đối nghịch nhau. Khi “Có” và “Không” gặp nhau, khi những điểm đối nghịch gặp nhau và không còn đối nghịch, khi chúng hoà tan trộn lẫn vào nhau như nước với sữa, đó là tuyệt đỉnh hạnh phúc, vượt qua phần lý luận của ý thức, vượt qua “Có” và “Không”.

Cái tánh chất “Có” và “Không” đó là bí mật của Chân Không, của Niết Bàn. Chân Không không phải là ngoan không, không phải là trống không mà Chân Không hiện hữu bàng bạc nhưng vững chắc. Chân Không không loại trừ những điểm đối nghịch; nó bao gồm và ôm trọn luôn. Đó là một Chân Không viên mãn, tràn đầy. Đừng bao giờ, anh đừng bao giờ, dù chỉ một phút giây để cho cái từ điển đầy chữ nghĩa kia đánh lừa anh, nếu không, anh sẽ vuột mất cơ hội hiểu được Phật, gặp Phật – có nghĩa là anh sẽ bỏ lỡ dịp may “thấy rõ được chính mình”.

Nếu anh lật cuốn từ điển và tra cứu cái nghĩa “Chân Không” là gì, anh sẽ vuột mất cơ hội gặp Phật đấy, anh bạn của tôi ơi! Cuốn từ điển đó chỉ cho anh cái nghĩa thông thường, rất thông thường của danh từ “Không”, có nghĩa là trống không. Không có gì hết – nhưng danh từ Chân Không của đạo Phật không mang ý nghĩa tầm thường như vậy.

Chân Không mà Phật nói có ý nghĩa hết sức lạ lùng, kỳ bí, huyền dịu mà những người bình thường, với đầu óc bình thường, với tầm tư duy bình thường, không tài nào hiểu thấu được. Nếu anh hay bất cứ ai muốn thấu triệt ý nghĩa Chân Không, anh phải đi vào cuộc đời, anh phải dấn thân vào cuộc sống, anh phải đến nơi mà “Có” và “Không” giao nhau, roi anh sẽ hiểu được Chân Không là gì. Anh phải đến nơi mà thể xác và linh hồn gặp nhau, nơi mà Chúa và thế giới này gặp nhau, nơi mà những đối cực không còn đối nghịch nhau nữa – chỉ đến lúc ấy, anh mới nếm được Hương Vị Chân Không. Hương vị đó chính là hương vị của Lão, của Thiền, của Du Già . . .

Thế giới Du Già cũng rất có ý nghĩa. Danh từ Du Già (Yoga) có nghĩa là đến cùng nhau, sống cùng nhau. Trong cái thế giới đó, những điểm tương khắc đối nghịch không còn và trong tâm hồn những người thực tập Du Già chỉ còn một niệm buông xả hoàn toàn. (*đoạn này, người dịch tạm thoát ý chính của nguyên bản, quí vị nào đọc bản chính Anh văn sẽ hiểu thêm).

Xem tiếp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

Chương 6

Chương 7

Chương 8

Chương 9

Chương 10