Phủ Định Tri Thức
Tri thức là bịnh ung thư, là cái chết, là sự nguyền rủa. Chính qua cái lớp vỏ tri thức đó mà con người bị chia cắt ra với đại thể. Tri thức tạo ra khoảng cách. Anh bắt gặp một cánh hoa dại trên triền núi, anh không biết cánh hoa đó là hoa gì, trí óc anh không hé ra một chút nhận thức nào, trí óc anh im lặng.
Anh nhìn đoá hoa, anh thấy đoá hoa, nhưng không có một ánh sáng tri thức nào lóe lên – đó, đó chính là sự huyền nhiệm, đó chính là bí mật. Đóa hoa có mặt ở đó, anh có mặt ở đó. Chính qua sự huyền nhiệm, anh không bị chia cắt, anh đã bắc ngang được nhịp cầu nối liền cùng đại thể.
Nhưng nếu anh nhận thức đây là hoa hồng hay hoa vạn thọ hay là cái hoa gì gì đi nữa, cái “nhận biết” đó liền cắt đứt nhịp cầu. Cánh hoa ở đó, anh ở đây, nhưng không có một cây cầu nào hết – anh biết rồi đó! Tri thức tạo ra khoảng cách.
Anh càng sử dụng tri thức bao nhiêu, khoảng cách với Chân Ngã càng lớn bấy nhiêu; anh càng ít sử dụng tri thức thì khoảng cách nhỏ dần hơn. Và nếu anh không nhận thức gì cả, ngay giây phút anh nhìn một sự vật, sẽ không có một khoảng cách nào, vì anh chính là cây cầu, anh chính là cây cầu.
Anh yêu thương một phụ nữ hay một người phụ nữ nào đó yêu một người đàn ông – ngay cái giây phút, cái ngày mà tình yêu bùng vỡ trong anh, trong họ, không có một khoảng cách nào dấy khởi, chia cắt. Chỉ có sự huyền nhiệm, chỉ có sự bàng hoàng sung sướng, chỉ có sự hứng thú, chỉ có sự xuất thần, hạnh phúc – nhưng tuyệt nhiên không có bước chân của Tri Thức.
Anh không biết người phụ nữ đó là ai và anh cũng không màng tới. Không có tri thức nên không có một cái gì chia đôi được anh. Đó chính là Cái Đẹp trọn vẹn nhất của tình yêu thuở ban đầu. Và rồi anh sống với người phụ nữ đó chỉ có 24 tiếng đồng hồ thôi: nhận thức dấy khởi lên.
Bây giờ anh đã có một vài ý tưởng về người phụ nữ đó, đối tượng tình yêu của anh: anh biết cô ta là ai, anh đã có một hình ảnh, một nhân dáng trong anh. Chỉ có 24 tiếng đồng hồ thôi đã tạo thành quá khứ. 24 tiếng đồng hồ đó đã để lại dấu ấn trong tiềm thức, và rồi anh nhìn lại cũng người phụ nữ đó, giờ không còn gì là bí mật nữa, không còn gì hấp dẫn nữa, không còn gì là hứng thú, háo hức nữa.
Anh đã biết người đó rồi, anh đã tụt xuống đồi rồi, cái đỉnh cao đó đã mất, không còn. Có một triết gia nói: “Dù là tuyệt thế giai nhân đi nữa, chỉ qua ngày hôm sau, cũng đã phai lạt, không còn quyến rũ, hấp dẫn nữa!”
Hiểu được điều đó là anh đã hiểu được rất nhiều. Hiểu được là tri thức chia chẽ sự vật, tri thức gây nên khoảng cách là hiểu được bí mật của thiền định. Thiền định là trạng thái của phi tri thức. Thiền định là vùng không gian trong vắt phẳng lặng, không bị vẩn đục hay khuấy động bởi tri thức.
Đúng vậy, có một câu truyện trong Kinh Thánh đã nói đúng rằng con người đã rơi tòm xuống hố thẳm khi ăn phải trái cây tri thức. Không có một kinh điển nào trên thế giới này có thể vượt qua được ý nghĩa của tích truyện đó. Cái ẩn dụ đó là câu nói cuối cùng; không có một ẩn dụ nào đạt tới chiều cao nội tâm sâu như ẩn dụ Trái Cấm Tri Thưc đó trong Kinh Thánh.
Nhìn chung thì có vẻ thực là phi lý khi nói con người đã bị sai lệch, lăn tòm xuống bởi lớp màn tri thức. Có vẻ thực phi lý bởi vì luận lý là một phần của tri thức. Luận lý bảo bọc, nâng đỡ nhận thức. Có vẻ thực phi lý vì luận lý là cội rễ chính, là lý do chính của sự thất bại của con người.
Người nào luôn sống trong luận lý tuyệt đối, luôn luôn tỉnh trí; người nào không cho phép bất cứ một phi lý nào xảy đến trong đời, kẻ đó chính là một kẻ điên. (*người dịch chua thêm cho bạn đọc dễ hiểu: ví dụ bạn nói: 1+1 = 2 (luận lý); nhưng người dịch có thể nói: 1+1 = 3 (vì một người cha cộng với người mẹ sanh ra một đứa con là 3 người); hay có thể là: 1+1 = 1 (sự hợp nhất của đại ngã, chỉ có một, không hai.)
Sự tỉnh trí, lành mạnh cần phải cân bằng bởi sự không tỉnh trí, luận lý cần phi luận lý cân bằng. Những điểm đối xứng gặp nhau và cân bằng. Người duy lý là kẻ sống vô lý nhất – bởi vì hắn ta sẽ vuột mất rất nhiều. Thực tế, hắn đã và tiếp tục mất đi tất cả những cái đáng yêu, đáng sống mà cuộc đời ban tặng cho hắn; hắn không bao giờ hưởng được Chân Thiện Mỹ của dòng sống. Đó là sự thực! Hắn chỉ biết tán dóc tầm phào qua ngày đoạn tháng; cuộc đời hắn thật vô vị, tẻ nhạt. Hắn hoàn toàn là một con người trần tục.
Cái ẩn dụ trong Kinh Thánh đó mang một ý nghĩa nội tại thực sâu xa, rộng lớn. Tại sao con người lại bị rơi rụng, hụt hẫng vì tri thức? Bởi vì tri thức gây tạo nên khoảng cách, bởi vì tri thức tạo ra “Tôi” và “Anh”, bởi vì tri thức tạo ra “chủ thể” và “khách thể,” “năng tri” và “sở tri,” “năng quán” và “sở quán.”
Tri thức căn bản của nó là loại bệnh tâm thần phân liệt, nó cấu tạo ra sự chia chẽ, phân tích. Và rồi không có một cách nào để có thể bắc ngang được một nhịp cầu. Đó là lý do vì sao người ta càng ngày càng thông thái, học thức chừng nào, thì khả năng tiếp cận thượng đế hay tâm linh càng giảm bớt đi chừng đó.
Chúa Giê Su đã có lý khi phán xét rằng: “Chỉ có trẻ thơ mới vào được thiên đàng . . . chỉ có trẻ thơ mà thôi.”
Trẻ thơ có những đặc tánh, phẩm chất gì mà các anh, người lớn chúng ta đã mất?
Trẻ thơ có phẩm chất của Phi Tri Thức. Một đứa bé sống thực vô tư, ngây thơ và thánh thiện. Nó ngạc nhiên nhìn vạn sự, đôi mắt của nó thực vô cùng trong sáng. Nó nhìn sâu vào sự việc nhưng nó không có sự phán xét phân chia, cũng không dấy lên một tư tưởng nào. Nó không dự kiến gì cả, từ đấy nó sẽ thông suốt rõ ràng vạn vật.
Ngày hôm trước, chúng ta đã nói về sự phân biệt giữa thực tế và chân lý. Đứa bé nhận biết được chân lý, nhưng anh thì chỉ hiểu biết được thực tế. Thực tế là cái mà anh tạo tác ra chung quanh con người anh. Chân lý đơn giản như nó là; còn thực tế là cái mà anh vừa nhận thức – đó là cái tư tưởng của anh về chân lý.
Thực tế chứa đựng những sự việc, và tất cả sự sự việc việc đó đều chia rời; song chân lý chỉ chứa đựng một năng lực vũ trụ. Chân lý chỉ có một, thực tế thì nhiều. Thực tế là quần hợp, Chân lý là hợp nhất.
Trước khi chúng ta đi vào phần chánh kinh, chúng ta cần nên biết cơ bản là tri thức thật đáng nguyền rủa.
J.Krishnamurti đã nói: “Phủ định là im lặng.” Nhưng phủ định cái gì cơ chứ? – Phủ định tri thức, phủ định sự bận rộn chiếm ngự trong nội tâm anh; để tạo ra một không gian không bị ràng buộc giới hạn.
Một khi anh được thong dong thảnh thơi, anh sẽ hòa điệu được trong đại thể – nhưng khi anh bị ràng buộc, anh đã bị văng ra khỏi nhịp hòa điệu sống đó. Vì thế từ đó, bất cứ luc nào anh có thể chạm tới được cái khoảnh khắc im lặng tột cùng đó, anh sẽ bơi lội được trong niềm hỷ lạc vô biên.
Trong giây phút im lặng không mảy may xao động đó, cuộc đời mới thực có ý nghĩa làm sao, ngay cái giây phút im lặng đó, đời sống mới có một chiều cao vượt ngôn ngữ. Ngay cái giây phút đó, ngay cả khi cái chết thực xảy đến cho anh, cho tôi, cho người, đời sống vẫn là một điệu luân vũ, một sự chào đón nồng nhiệt, một buổi tiệc mừng, bởi vì trong cái giây phút đó, không có gì ngoài hỷ lạc. Giây phút đó là ân sủng, là hỷ lạc, là thánh thiện, là liễu đạo.
Xem tiếp