Xả Ly là Hiểu Biết
Có người đã đến hỏi tôi một cách thành khẩn và trông chờ câu trả lời: “Chân Lý là gì?”
Đó là một câu hỏi quan trọng nhất mà rất nhiều người đã thắc mắc nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi độc đáo nhất là câu hỏi không có giải đáp, như thế nó mới là câu hỏi độc đáo.
Khi Pontius Pilate hỏi Chúa Giê Su rằng: “Chân Lý là gì?” Chúa đã im lặng, không nói gì cả. Không phải chỉ có vậy mà câu truyện còn kể thêm rằng khi Pontius Pilate hỏi Chúa câu hỏi “Chân Lý là gì?” Pilate cũng không chờ đợi để nghe câu trả lời. Ông ta rời khỏi phòng và đi luôn.
Thật lạ lùng! Pontius Pilate hỏi mà không cần câu trả lời vì ông ta nghĩ rằng không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi “Chân Lý là gì?” vì thế Pilate đã ra đi không cần chờ đợi câu trả lời. Chúa Giê Su cũng giữ im lặng vì Chúa biết không thể trả lời câu hỏi đó. Nhưng sự nhận thức hiểu biết của cả hai không giống nhau, vì hai người đứng trên hai bình diện tương phản nhau.
Pontius Pilate nghĩ rằng câu hỏi “Chân Lý là gì?” không thể trả lời được vì không có Chân Lý. Chân Lý sự thực không có, chỉ trên danh từ mà thôi nên làm sao Chúa trả lời được, anh trả lời được? Làm gì có câu trả lời? Đó làsự suy luận của một hệ thống lập luận hóa tri thức; một đầu óc kiểu La Mã, đầu óc máy móc.
Còn Chúa giữ im lặng không trả lời vì Chúa nghĩ Chân Lý thật mênh mông, vô cùng vô tận, làm sao anh có thể dùng cái thứ ngôn ngữ hữu hạn của loài người mà diễn bày Chân Lý được. “Ngôn ngữ đạo đoạn”càng nói càng sai nên Chúa im lặng. Người ta có thể tu hành để chứng đạt, để thể nghiệm, để thâm nhập vào Chân Lý; nhưng người ta không thể nói về Chân Lý được.
Chidvilas cũng đã hỏi một câu hỏi tương tợ như vậy. Câu hỏi “Chân Lý là gì?” qủa tình thực đặc biệt ý nghĩa. Không có một câu hỏi nào cao siêu hơn câu hỏi đó, bởi vì không có tôn giáo nào cao hơn Chân Lý cả. Câu hỏi đó cần phải được hiểu, cần được phân tích.
Phân tích câu hỏi đó, cố gắng để hiểu chính câu hỏi đó, thì anh mới có thể thâm nhập vào chiều sâu của Chân Lý, và anh mới có thể tự anh hiểu Chân Lý là gì. Tôi không trả lời câu hỏi đó; không ai có thể trả lời câu hỏi đó, nhưng chúng ta có thể thẩm thấu câu hỏi đó bằng chính kinh nghiệm tu chứng bản thân.
Khi anh đã thâm nhập được vào câu hỏi đó rồi thì câu hỏi đó biến mất – và khi câu hỏi đó biến mất, anh sẽ tìm thấy được câu trả lời ngay chính trong trái tim anh – anh chính là Chân Lý – và như vậy làm sao anh có thể vuột mất Chân Lý được! Có thể anh đã vô tình lãng quên nó, đã đi trật đường với nó hay có thể anh đã quên làm sao thể nhập vào nó trong một đoạn thời gian của quãng đường đời của anh mà thôi – nhưng sự thực Chân Lý vẫn luôn ở trong anh, Chân Lý chính là anh.
Chân Lý không phải là một giả thuyết; Chân Lý không phải là giới điều. Chân Lý không phải là Ấn Độ giáo, không phải Thiên Chúa giáo cũng không phải là Hồi giáo. Chân Lý không phải của riêng anh cũng không phải của riêng tôi. Chân Lý không thuộc về của riêng ai, nhưng mọi người thuộc về Chân Lý. Chân Lý có nghĩa chính xác “là vậy, là thế.”
Danh từ “Chân Lý” (Truth) bắt nguồn từ căn nguyên tiếng La Tinh: “Verus”. Verus có nghĩa là: “Nó là thế! Nó là vậy!” Động từ “ToBe” của tiếng Anh chia theo thể qúa khứ “was, were,” cũng bản nguyên từ tiếng La Tinh: Verus. Danh từ “war” (chiến tranh) của Đức cũng phát xuất từ “Verus.” “Verus” có nghĩa là “thế đó, là thế” không giải minh được. Vì một khi anh lý giải được, anh thuyết minh được thì đó chỉ là thực tế, chứ không phải là Chân Lý. Chân Lý và Thực Tế là hai điều hoàn toàn đối lập nhau, không giống. Thực Tế là thứ chân lý công ước (conventional truth) đã được nói ra, được phơi bày ra, đươc biện minh ra chứ không phải Chân Lý Tuyệt Đối (Absolute Truth).
Vì thế, ngay cái lúc mà anh trả lời câu hỏi “Chân Lý là gì?” thì cái chân lý đó đã biến thành thực tế, không còn là chân lý nữa. Sự biện giải đã lọt vào, tri thức đã tô màu lên chân lý và có nhiều loại thực tế như tri thức cũng có nhiều loại.
Chân Lý chỉ có một mà thôi, vì Chân Lý chỉ hiển hiện khi tri thức vắng bóng. Chính cái tri thức, cái trí năng muôn màu sắc đã tách anh ra khỏi tôi, tách khỏi mọi người, tách rời khỏi hiện hữu. Nếu anh nhìn Chân Lý qua tri thức, qua trí năng, tri thức sẽ cho anh bức hình chụp lại của Chân Lý. Đó chỉ là tấm ảnh, một tấm ảnh chụp lại sự thật, và đương nhiên, tấm ảnh tùy thuộc vào máy ảnh, tùy thuộc vào loại phim ảnh nào, vào các loại hóa chất rửa phim, tráng phim, hay người thợ chụp ảnh có chuyên môn hay không v.v. Cả hàng ngàn nhân duyên kết hợp vào với nhau để tấm ảnh thành hình. Trùng trùng vô tận nhân duyên nhóm họp lại nhau để thành hình cái ta gọi là “thực tế.”
Cái danh từ “thực tế” cũng đẹp như nghĩa của nó. Chữ “thực tế” phát xuất từ nguyên từ “Res” có nghĩa là đồ vật. Chân Lý không phải là đồ vật, vì thế một khi trí năng chen chân vào định nghĩa thì Chân Lý biến thành sự vật.
Khi anh yêu một người đàn bà, khi anh trao tặng ai trọn vẹn tình cảm chân thuần của anh, đó chính là Chân Lý, đó chính là Sự Thực Tinh Khôi nếu anh không chuẩn bị, anh không dò xét, anh không suy tính.
Bất chợt anh gặp người phụ nữ đó, anh nhìn vào mắt cô ta, cô ấy nhìn vào mắt anh, một giây chớp ngẩn ngơ, một rung động trào dâng ngập tràn tâm hồn anh và Tình Yêu thực sự đến. Anh không ngờ tới, anh không có sự chờ đón, anh không ở trong tư thế chuẩn bị, anh không dò xét, không suy tính đắn đo – anh không chủ động cũng không bị động.
Đơn thuần, giản dị, chân thật, ngây thơ, thế thôi. Thật bất ngờ, thật tự nhiên anh rơi vào trong Tình Yêu; thật bất ngờ, thật tự nhiên anh là Tình yêu, anh đang yêu. Thế thôi! Lúc đó, cái “tự ngã” của anh không dính líu tới, không liên quan tới ngay cái giây phút đầu tiên của Tình Yêu Băng Trinh đó, ít nhất ra, trong giây phút đầu tiên đó, bản ngã của anh không hiện diện, bản ngã của anh vắng mặt. Đó là lý do Chân Lý hay Tình Yêu không thể nào định nghĩa được.
Chân Lý là Chân Lý, Tình yêu là Tình Yêu, nếu anh ngồi trầm tư suy gẫm để giải thích yêu là gì, chân lý là gì, thí dụ như: yêu là hai người cùng nhìn về một hướng, yêu là nhịp đập điên loạn của trái tim, yêu là cái gì gì . . . đi nữa hoặc Chân Lý là thể tánh của sự vật, Chân Lý là cảm nghiệm của cuộc sống, v.v. và v.v. thì nội cái anh ngồi nặn óc moi tim ra để giải thích hay định nghĩa thì Chân Lý hay Tình Yêu cũng vỗ cánh bay xa mất rồi còn đâu nữa!
Do đó, một khi tri thức chen chân vào, một khi ý thức len lỏi vào hoạt động, là bắt đầu trong anh nổi lên sự chiếm hữu, tranh giành. Anh bắt đầu suy nghĩ về cô bạn gái của anh, anh bắt đầu suy nghĩ phải kết hôn thế nào, cái cô này có đúng là người yêu lý tưởng của anh hay không, cái cô này có phải sẽ là người vợ suốt đời của anh hay không, anh sẽ được gì, anh sẽ mất gì, v.v. hàng lô nghi vấn nổi lên, hàng loạt vấn đề được anh đặt ra.
Chân lý không còn nữa, tình yêu trinh nguyên trong anh không còn nữa, bây giờ sự vật được anh phủ lên một sắc màu quan trọng. Cái gì mà anh định nghĩa được mới chắc ăn – và thế là anh bắt đầu giết chết Chân Lý, đầu độc Tình Yêu. Chẳng sớm thì muộn, chẳng có thì không, hai kẻ tạm gọi là “tình nhân” kia sẽ kết hợp thành vợ chồng, hai vật thể, hai con người kết hợp lại với nhau, nhưng Nét Đẹp trong nhau đã biến mất, niềm An Lạc đã biến mất, tuần trăng mật đã chấm dứt.
Xem tiếp