Bát Nhã Tâm Kinh – Chương 7: Chân Không Viên Mãn

chân không viên mãn, bát nhã tâm kinh chương 7

Chân Không Viên Mãn

Thiền định là gì? – bởi vì toàn bộ cốt lõi phẩm Kinh Bát Nhã đặt trọng tâm về thiền định nên chúng ta hãy nghiền ngẫm suy tư về vấn đề này.

Thứ nhất: nói cho đúng, nói cho rốt ráo, thiền không phải là định. Trong định, có cái cá nhân của hành giả đang tập trung và có đối tượng quán chiếu để hành giả tập trung tư tưởng vào. Đó là hình thái nhị nguyên đối đãi. Nhưng trong thiền, không có ai bên trong nội tại và cũng không có cái gì bên ngoài để quán chiếu. Với hình thức nhị nguyên đối đãi đó, có năng có sở, có chủ thể, có khách thể, có ta có vật hay có ta có người, thì đó không phải là thiền. Không được có sự phân chia cách biệt giữa trong và ngoài. Cái nội tại bên trong tuôn chảy chan hòa vào trong cái bên ngoài, và cái bên ngoài cũng hòa tan trộn lẫn vào cái bên trong. Sự phân định ranh giới đó, cái giới hạn, cái vòng đai “trong, ngoài” đó phải không được và không thể nào tồn tại, không còn tồn tại nữa. Trong là Ngoài, Ngoài là Trong, Trong ở Ngoài, Ngoài ở Trong, đó chính là Ý Thức Bất Nhị.

Định là ý thức đối đãi, nhị nguyên: bởi thế Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán, cho nên khi anh tập trung vào một đối tượng nào, anh cảm thấy mệt lả. Anh không thể tập trung suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ liền được, anh phải nghỉ ngơi. Sự tập trung không bao giờ có thể trở thành bản chất của anh được.

Thiền không bao giờ làm cho anh mệt mỏi. Thiền không bao giờ làm cho anh đuối sức. Anh có thể thiền hai mươi bốn giờ đồng hồ liền hay ngày nọ qua ngày kia, năm nọ qua năm kia. Thiền có thể trở thành vô tận vì chính bản chất thiền là thư thái, an nhiên, tuyệt đối không căng thẳng, mệt lả, đuối sức.

Định là một hành động, một loại hành động có ý chí mạnh mẽ. Còn Thiền là trạng thái không ý chí, một trạng thái vô hành. Thiền là sự thư giản tâm trí, là sự buông xả tất cả các cơ bắp và trí năng. Hành giả chỉ cần buông xả tất cả trọng lực toàn thân vào chính con người mình, không gồng cứng các cơ bắp cũng không dồn hết năng lực tâm trí vào một đối tượng nào khiến cho hành giả phải bị căng thẳng thân tâm quá mức. Khi hành thiền, cả thân lẫn tâm hành giả đều an nhiên, nhẹ nhàng, thư giãn, buông xả, theo danh từ nhà Phật, trạng thái an nhiên thư thái tuyệt mức đó gọi là “khinh an, xả ly triệt để.”

Trong Định, chúng ta đã có sẵn một kế hoạch, một dự án, một tư tưởng trong tâm trí. Khi anh tập trung tâm trí vào một đối tượng, đầu óc anh hoạt động dữ dội, anh thấy rõ là anh đang quán chiếu cái gì, tập trung tâm ý vào cái gì, vì tập trung hiện ra từ vùng quá khứ.

Trái ngược lại, không có một chủ thể, một kết luận nào đằng sau thiền cả. Anh không làm cái gì đặc biệt cả, anh chỉ là một hữu thể, đơn giản vậy thôi. Anh không bị quá khứ chi phối và cũng tuyệt nhiên không có cả dấu chân tương lai trong thiền.

Đó là cái mà Lão Tử đặt tên là Vi –Vô Vi, Hành – Bất Hành. Đó là cái mà tất cả các thiền sư nói là: “Ngồi yên lặng, không làm gì hết, Xuân đến và tự cỏ cây hoa lá nẩy mầm xanh tươi.” Hãy nhớ, “tự nó là” – vạn vật tự nhiên sanh trưởng, không có cái gì được làm ra cả. Anh không kéo cỏ cây cho nó mọc lên, mùa Xuân đến và cỏ cây phát triển tự nhiên, tự nó sanh sôi nẩy nở.

Cái trạng thái đó – cái trạng thái khi mà anh cho phép dòng sống tự nó phát triển theo cách của riêng nó, khi mà anh không muốn hướng dẫn nó theo ý muốn của anh, khi anh không chỉ huy và cũng không hề muốn chi phối kiểm soát nó, khi anh không điều khiển nó, khi anh không ép buộc cưỡng cầu áp đặt bất cứ một giáo điều qui chế nào lên nó cả – cái trạng thái bộc phát tự nhiên hoàn toàn không nặng tín điều qui ước gì cả đó, chính là Thiền.

Thiền ở ngay giây phút hiện tại, ngay hiện tại trong trinh này. Thiền là sự tiếp cận, là sự gần gũi. Anh không hành thiền, nhưng anh có thể sống trong thiền; anh không tập trung tư tưởng nhưng anh có thể chú tâm. Định mang tánh cách con người; nhưng Thiền thì linh thiêng hơn.

Định đặt trọng tâm trong anh, và từ trọng tâm đó, Định bộc khởi. Định có tánh chất cá nhân bản ngã. Thực tế, người nào tập trung cao độ sẽ bộc phát một tự ngã rất mạnh. Người đó bắt đầu trở thành càng lúc càng xung động, càng bạo quyền hơn; ý chí người đó càng lúc càng hợp nhất hơn, và tổng hợp lại thành một. Song, con người của Thiền thì không trở thành bạo hành như vậy. Thiền giả càng hành trì thâm sâu, càng trở nên yên tĩnh, ôn hòa, sâu lắng. Quyền lực được tạo ra bởi sự mâu thuẫn đối kháng, mọi quyền lực phát xuất từ sự ma xát đối kháng trái nghịch nhau. Dòng điện lực cũng được cấu tạo ra do sự ma xát. Anh có thể tạo ra điện lực từ nước: khi dòng suối đổ xuống từ triền núi, nước tuôn ào xuống qua những hòn đá, tạo ra một sự ma xát giữa nước và đá, gây nên một năng lực, đó chính là dòng điện lực phát xuất từ sự ma xát giữa nước trên đá.

Trên nguyên lý đó, chúng ta thấy vì sao những người thích quyền lực luôn gây hấn, chống đối lẫn nhau. Vì sự gây hấn chiến đấu đó tạo ra năng lực và luôn luôn từ sự ma xát chiến đấu lẫn nhau đó, quyền lực bộc phát. Thế giới loài người cứ xảy ra chiến tranh liên miên vì thế giới này bị chi phối chế ngự quá nhiều bởi cái tư tưởng quyền lực.

Anh không thể mạnh nếu anh không chiến đấu. Trái lại, thiền đem đến thanh bình. Sự thanh bình nội tại đó có mãnh lực riêng của nó, nhưng có hai hiện tượng khác nhau. Cái quyền lực phát xuất từ bạo hành, xung đột, khiêu chiến . . . là dương; còn cái quyền lực phát xuất từ sự thanh tịnh, hài hòa, nhu nhuyến, là âm. Sự thanh bình đó ẩn tàng một ân sủng thánh thiện, linh thiêng trong nó. Đó là một quyền lực thụ động, một sự nhẫn chịu, một sự khoan dung, cởi mở. Sự thanh bình đó không phát xuất từ sự ma xát chiến tranh, vì thế nó rất ôn hòa, không bạo động.

Đức Phật rất kiên cường, kiên cường trong sự thanh tịnh nội tại của Ngài, trong sự yên lặng của Ngài. Phật mạnh mẽ, kiên cường nhưng kiên cường như một bông hoa hồng chứ không phải cương mãnh như bom nguyên tử. Phật mạnh mẽ như nụ cười của đứa bé thơ . . . nụ cười của đứa bé thơ rất mong manh, rất dễ vỡ, rất ẻo lả yếu ớt, chứ không sắc bén mạnh mẽ như một lưỡi kiếm.

Năng lực mãnh liệt của Phật đó, như ngọn đèn nhỏ của trái đất, một ánh lửa nhỏ cháy sáng trong đêm trường tối đen, mờ mịt. Cái năng lực đó ở một bình diện hoàn toàn khác. Đó là năng lực thiêng liêng vượt hẳn khỏi sư ma xát giữa hai vật. Định là một sự ma xát: anh chiến đấu với chính tư tưởng của anh. Anh cố gắng tập trung tâm trí anh một cách nào đó, về một ý tưởng nào đó, về một đối tượng nào đó.

Anh áp chế tâm trí anh, anh cố gắng kéo đi kéo lại cái tâm viên ý mã của anh. Cái tâm trí lăng xăng như khỉ chuyền cành, như ngựa chạy rong đó đang vùng vẫy cố thoát ra, nó muốn bung ra để chạy, nó lạc lối, nó bắt đầu suy diễn hàng ngàn lẻ một thứ, và anh cứ cố sức mà lôi kéo nó trở về. Anh đang chống trả lại với chính anh, anh đang chiến đấu trong chiến trường tự thân của anh. Lẽ dĩ nhiên, cái thứ quyền lực được cấu tạo ra từ bạo hành đó, từ những mâu thuẫn đối kháng đó gây tác hại như bất cứ thứ quyền lực nào khác, nguy hiểm độc hại như bất cứ thứ quyền lực nào khác.

Cái thứ quyền lực đó rồi sẽ bị sử dụng lại để gây hại cho người khác vì quyền lực này phát xuất từ sự ma xát bạo lực. Cái gì phát xuất từ bạo lực sẽ gây ra bạo lực, hủy diệt. Cái năng lực phát xuất từ thanh bình tâm trí, không bạo hành ma xát thì sẽ đưa người ta đến an tịnh nhu hòa, như năng lực của cánh hoa hồng hàm tiếu kia, như năng lực của nụ cười trẻ thơ, như năng lực của ngọn đèn nhỏ, như năng lực của dòng nước mắt người phụ nữ, năng lực trong những giọt lệ và trong những hạt sương. Thật bao la nhưng không nặng nề khó thở, thật vô tận nhưng không bạo quyền.

Xem tiếp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

Chương 6

Chương 7

Chương 8

Chương 9

Chương 10