Mục Lục
Chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Thủ lăng-nghiêm
Kinh Thủ Lăng-nghiêm được nói sau kinh Pháp Hoa, là một bộ kinh rộng lớn sâu thẳm trong Phật pháp. Xưa kia, lúc ngài Trí Giả phân định về giáo pháp, kinh này chưa truyền đến Trung Hoa; vì thế, Ngài chỉ lấy Pháp Hoa và Niết-bàn làm pháp vị cuối cùng. Nếu một phen Ngài được thấy kinh này, chắc chắn sẽ viết chú sớ giải thích rộng rãi, và phân định kinh này là vị đề hồ vô thượng.
Biết làm thế nào khi bốn bậc Thánh có thể làm chỗ nương tựa cho chúng sinh (Tứ y Đại sĩ)[1] đã diệt độ rồi, các vị sớ chủ xưa nay ai nấy hưng khởi những cái thấy khác nhau, lâu ngày có nhiều sự tranh luận khiến cho hàng hậu học không có con mắt chọn lựa pháp, chẳng biết nên theo ai, đến nỗi toan bỏ sạch các sớ giải, chỉ xem kinh văn. Đây cũng là ý kiến nghiêng lệch. Bởi lẽ, dùng trí mình để tìm đọc kinh văn, đa phần chẳng thể lãnh hội được chỉ thú, nên rốt cuộc cứ mờ mờ mịt mịt mà thôi!
Thử bình tâm mà xét, chẳng lẽ các sớ giải không có chỗ hay của nó? Tuy nhiên, không sơ thất ở chỗ sai lầm và trái ngược thì lại sơ thất ở chỗ thô vụng giản lược. Nhưng vẫn có những vị trí thức cao siêu hơn người, dựa vào kinh này để phát huy những lý luận mới mẻ nơi tâm mình. Trong những bản chú giải thật sự bỏ đi ý riêng, thuận theo kinh, phù hợp ý Phật thì ngoài bản sớ giải của ngài Tây Hồ Giám ra, tôi chưa thấy bản nào hay bằng được; ai bảo người thời nay quyết chẳng thể vượt hơn thời xưa? Rất có thể có người trách Ngài chủ ý thái quá, hoặc chê rằng không có chỗ y cứ; cho dù bản sớ giải của Ngài chưa thể hoàn toàn không có điểm nào đáng chê trách, đó là bản sớ giải có công rất lớn đối với kinh này. Còn như thuyết “bỏ thức dùng căn, chú trọng viên thông” chính là lời chân thành của chư Phật, ai dám chẳng tin? Thể thức giáo hóa ở phương này ai dám chẳng tuân theo? Lại luận bàn điều ấy chính là trái kinh chống Phật vậy.
Hiện tại, các thiện hữu đã chú tâm vào Tịnh độ, lại muốn nghiên cứu kinh này thật là đáng quý. Chẳng luận đến phần trước hay phần sau, chỉ ngay nơi chương Viên Thông này đã có những điểm dễ gây lầm lẫn lớn. Nếu chẳng khéo đọc, khéo hiểu thì gọi là đề hồ biến thành độc dược cũng chẳng xa chi lắm. Chẳng lẽ các vị chưa từng nghe nói “trong trường tuyển Phật trên hội Lăng-nghiêm, ngài Quán Thế Âm đăng khoa, ngài Thế Chí thi trượt” đó ư? Đối với thuyết ấy, nếu người tu Tịnh độ chẳng khéo phân biệt nhận định, sao có thể phát huy được ý sâu kín của kinh này? Sao có thể giữ cho hạnh nguyện của người học sau này được vững chắc?
Chỉ vì pháp môn của ngài Thế Chí chẳng phải là nghĩa lý chính yếu của kinh này, nên trong bản sớ giải của ngài Tây Hồ Giám cũng có nêu nhưng không phát huy. Nay tôi sẽ nói rõ về pháp môn trước, sau đó tỏ bày nghĩa lý sâu kín.
a. Nói rõ về pháp môn:
Nên biết pháp Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí thuộc về Căn đại trong Thất đại, vì nhiếp trọn sáu căn. Nương vào sáu căn để tu Niệm Phật Tam-muội, có ba thứ khác nhau: một là niệm Phật chính mình, hai là niệm Phật khác, ba là niệm Phật chính mình và Phật khác.
* Nếu niệm Phật chính mình thì đồng
với môn Viên Thông của các bậc Thánh khác: lấy căn tánh làm pháp môn được niệm, lấy sự quay trở về tánh lặng trong làm phương tiện hay niệm, như kinh Ương Quật dạy: “Nhãn căn của người kia thường đầy đủ chẳng giảm tu, thấy rõ ràng rành rẽ ở nơi các đức Như Lai… Ý căn của người kia thường đầy đủ chẳng giảm tu, biết rõ ràng rành rẽ ở nơi các đức Như Lai”. Cũng giống như trong kinh này, mười phương chư Phật cùng bảo A-nan: “Ông muốn mau chứng an lạc giải thoát tịch tĩnh diệu thường thì chỉ do nơi sáu căn của ông, chớ chẳng phải cái gì khác nữa”.
Lại như Tổ sư nói: “Ở trong thai gọi là thân, ở đời gọi là người, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, nơi mũi phân biệt hương, nơi miệng thì đàm luận, nơi tay thì cầm nắm, nơi chân thì đi chạy. Người biết bảo đó là tánh Phật, kẻ chẳng hiểu gọi đó là linh hồn”. Từ trước, chư Tổ đã chỉ dạy những điều như trên rất nhiều. Môn Tam-muội Niệm Phật chính mình này bao gồm hết thảy giáo nghĩa, hết thảy pháp môn trực chỉ của Thiền tông, hoàn toàn không thiếu sót.
* Nếu niệm Phật khác thì chẳng đồng với môn Viên Thông của các bậc Thánh: dùng sáu căn làm chỗ hay niệm, lấy quả vị Phật làm nơi được niệm. Tuy Pháp thân được niệm ấy vốn cùng một thể với ta, nhưng ta không có hai thứ trang nghiêm. Chư Phật phước trí tròn đầy, thành Lưỡng Túc Tôn. Niệm quả đức của Phật chẳng sinh mỏi chán, mắt thường chiêm ngưỡng tướng tốt của Phật, tai thường nghe lời dạy của Phật, mũi thường ngửi hương Phật, lưỡi thường xưng danh hiệu Phật, thân thường lễ tượng Phật, ý thường nghĩ nhớ pháp Phật. Sáu căn hoàn toàn chuyên chú vào cảnh Phật, như thế liên tục không gián đoạn, không xen tạp. Môn Tam-muội Niệm Phật khác này bao gồm hết thảy các kinh Di-đà, Dược Sư, Di-lặc Thượng sinh… và tất cả nghiệp hạnh, pháp môn quán tưởng (về sự tướng) trong Liên Xã hoàn toàn không thiếu sót.
* Nếu niệm Phật chính mình và Phật khác thì vừa giống như các môn Viên Thông lại vừa khác biệt. Trước hết phải khai mở sự hiểu biết trọn vẹn nhanh chóng, biết rõ chúng sinh và Phật như nhau, tâm và cõi nước chẳng hai, nương nhờ y báo, chánh báo của đức Phật A-di-đà để hiển lộ tâm tánh mình. Đã chẳng mê lầm ngoài tánh có Phật, cũng chẳng chấp cõi kia chẳng phải là tâm. Đó là chỗ “khai mở sự hiểu biết trọn vẹn nhanh chóng” giống với các môn Viên Thông khác. Còn điểm khác biệt là phải nương nhờ vào hoàn cảnh nơi cõi nước Cực Lạc, kinh Quán Vô Lượng Thọ gọi là phương tiện thù thắng lạ kỳ. Ở đây, kinh Lăng-nghiêm nói: “Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai ngộ”, do phương tiện tối thắng lạ kỳ này nên chẳng nhờ phương tiện nào khác nữa.
Nay, đem ba thứ Niệm Phật Tam-muội trong giáo lý Viên đốn so với bốn loại Tịnh độ để nói sơ lược về công dụng rộng lớn của sự nhiếp thọ chúng sinh:
Chỉ niệm Phật chính mình thì nhiếp về hai cõi Tịnh độ Thật Báo và Tịch Quang, nhưng chỉ có thể chứng nhập theo chiều dọc, chẳng thể vượt thoát ba cõi theo chiều ngang. Môn này chỉ có thể độ hàng căn cơ lanh lợi, chẳng thể tiếp độ cùng khắp. Hơn nữa, môn này đồng với môn Viên Thông của các bậc Thánh nên chẳng thể tỏ rõ tánh cách lạ lùng độc đáo, dường như chẳng phải là bản ý tiếp độ chúng sinh trở về của Bồ-tát Thế Chí.
Nay nói chính là thâu nhiếp hai hạng người tu môn niệm Phật khác và niệm Phật chính mình cùng Phật khác về nơi Tịnh độ Đồng Cư, đồng thời lại vượt thẳng lên cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang. Vì thế, kinh văn giảng sâu xa về lợi ích cảm ứng đạo giao.
b. Trình bày ý sâu kín của kinh:
Chọn lựa pháp Viên Thông giống như quốc gia dụng binh tuyển tướng: hoặc đưa lên làm tiên phong, hoặc đẩy xuống làm đoạn hậu. Cử người tiên phong, cắt người đoạn hậu là chánh, ngoài ra các người khác đều theo đội quân thông thường mà thôi. Việc đưa lên và đẩy xuống chẳng phải vô cớ mà làm.
Như trong mười tám giới[2], trước hết là Căn, kế đến là Trần, sau cùng là Thức, đó là lệ thường. Nay kinh này đặt sáu trần ra trước, đặt Căn tiếp theo đó. Trong sáu trần, trước hết là Sắc, tiếp đó là Thanh cho đến Hương, Vị, Xúc, Pháp; nay kinh này nêu Thanh đầu tiên, kế đến là Sắc. Trong sáu căn chỉ nêu năm căn, đem Nhĩ căn đặt sau hai mươi bốn môn Viên Thông, là vì thể thức giáo hóa chân thật ở phương này được trong sáng thanh tịnh nơi âm thanh và cái nghe. Vì thế, dùng âm trần (tức Thanh trần) để mở đầu, xếp Căn nghe vào cuối cùng nhằm riêng biệt trình bày tận tường về điều ấy. Tuy chẳng nói rõ nguyên do, nhưng mọi người đều biết rõ là đã chú trọng môn Viên Thông nơi Nhĩ căn. Yếu chỉ toàn kinh, cách thức liệt kê các pháp môn Viên Thông, lẽ đương nhiên phải như vậy.
Song, pháp môn niệm Phật cũng thích hợp với căn cơ ở phương này, chúng sinh đời mạt pháp phải nhờ niệm Phật để được độ thoát; như kinh này chỉ khuyên dùng một môn để tiến sâu vào, hiểu rõ thẳng nơi tự tánh. Nếu chọn lấy cả hai môn sẽ khiến ý kinh bị mờ mịt. Nếu xếp lẫn pháp môn niệm Phật vào các đội quân thường thì lại đánh mất ý nghĩa được khen ngợi rộng rãi trong các kinh khác. Bởi thế, Phật khéo bày phương tiện đưa lên và hạ xuống như mật lệnh trong quân đội chưa cho tiết lộ.
Vì thế, trong mười tám giới, kinh rút lấy Nhĩ căn làm viên tướng quan trọng, nhưng trong Thất đại lại ngầm chọn Căn đại làm trọng tướng. Mà Căn đại vốn thuộc về pháp môn niệm Phật nên đã không trái với tông chỉ khen ngợi rộng rãi trong các kinh khác, mà cũng chẳng nghịch ý nghĩa của Căn được dùng trong kinh này; có thể nói cực kỳ khéo léo, lại vừa cực kỳ sâu kín!
Thất đại theo thứ tự là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức. Kiến chính là cội gốc của các căn, lẽ ra Căn trước, Thức sau. Nay dời Thức vào vị trí thứ sáu, đặt Căn đại chót hết, cũng như xếp Nhĩ căn ở cuối Thập bát giới. Hơn nữa, trong năm đại trước, lấy Hỏa đại làm tiên phong, xếp Địa, Thủy, Phong, Không tiếp theo sau. Ở đây là có hai ý:
* Một là vì đương cơ rơi vào việc dâm mà nói ra giáo pháp nên dùng (hình ảnh) đa dâm chuốc lấy lửa hừng để cảnh tỉnh người nghe nhiều trước hết phải trừ dục lậu. Vì thế, trong kinh nói: “Người đa dâm (dâm ý) biến thành đống lửa cháy hừng hực, cho đến biến tâm đa dâm thành lửa trí tuệ. Chư Phật đặt tên cho tôi là Hỏa Đầu, tôi do sức Hỏa Quang Tam-muội mà thành A-la-hán, nguyện làm lực sĩ đích thân hàng phục ma oán”… rõ ràng để răn nhắc điều đó. Trong hết thảy kinh luật đều lấy giới không sát sinh làm đầu, kinh này thì lấy sự không dâm dục làm lời dạy rõ ràng quyết định bậc nhất. Trong ba duyên cũng lấy tham dục đặt trước giết hại và trộm cắp, đều là ý này.
* Hai là đối trị nghiệp chướng sâu nặng của chúng sinh trong đời mạt pháp. Bởi lẽ phiền não tuy nhiều, nhưng chỉ có dâm dục là cội gốc của sự sinh tử, là pháp gây chướng ngại vãng sinh nhất. Vì thế, Phật dạy người tu hành quán xét lửa dâm dục trong thân phàm phu chính là ngọn lửa chân thật rỗng không nơi Tánh Như Lai tạng, theo nghiệp mà biểu hiện. Quán sát sâu xa thì được tỏ ngộ, lửa dâm ấy thành ánh sáng trí tuệ, chẳng những không chướng ngại vãng sinh mà còn đưa người tu vượt lên Thượng phẩm. Bởi thế, ngài Duy-ma khen ngợi dâm nộ si, do vì tánh của chúng chính là Tánh Như Lai tạng, nhưng công dụng nhiễm tịnh của chúng chỉ trong khoảng úp ngửa bàn tay mà thôi. Vì thế, ngài Hỏa Đầu được đặt trước tiên (trong số Thánh chúng trần thuật pháp Viên Thông về Thất đại); cũng như ngài Trần Na (đứng đầu) trong Thập bát giới.
Xin hãy xem kỹ phần kinh văn tường thuật pháp Viên Thông của các bậc Thánh, trừ hai vị trọng tướng tiên phong ấy, ngoài ra đều y theo thứ tự thông thường chẳng xáo trộn, điều này có thể thấy được. Khi hai mươi lăm vị Thánh từ chỗ ngồi đứng lên lúc các vị đại đệ tử kết tập, mỗi một oai nghi, một hành động đứng ngồi đều có thâm ý, đều phù hợp giáo nghĩa. Dùng cái tâm thô thiển sao có thể lãnh hội được?
Thế thì, tuy một mình Bồ-tát Quán Thế Âm thi đỗ, lẽ nào ngài Thế Chí thi trượt hoàn toàn? Chỉ là Quán Âm thì được tuyển rõ ràng, còn Thế Chí thì tuyển ngầm mà thôi. Bởi vì vào riêng Nhĩ căn Viên thông cho nên tuyển chọn rõ ràng; vì thâu nhiếp chung cả sáu căn nên ngầm tuyển pháp niệm Phật. Vì thể thức giáo hóa ở phương này được rõ ràng là nhờ âm thanh và cái nghe nên tuyển rõ; vì cõi này có duyên nên ngầm tuyển. Khi có ích chung cho đương cơ thì phù hợp với chúng sinh thời hiện tại và vị lai, vì thế nên tuyển rõ. Có ích riêng cho chúng sinh đời ác lúc mạt pháp, chẳng được thấy Phật nên ngầm tuyển. Bảng hổ nêu cao ai nấy đều biết; áo đỏ chấm điểm ngầm nào ai biết đến.Vì thế mới nói “có điểm gây lầm lẫn lớn, cần phải khéo đọc khéo hiểu”.
Nếu có người bảo: “Đã là ý sâu kín sao lại tiết lộ? Trường thi tuyển Phật, Lăng-nghiêm yết bản đã hai ngàn năm rồi; nếu lúc ấy chẳng soi thấu được ý nghĩa sâu kín làm sao dùng được?”. Hoặc có người bảo: “Nếu đúng như lời ông nói thì lúc ngài Văn-thù nói kệ chọn lựa, lẽ nào Ngài cũng chẳng biết ý sâu kín, sao chẳng tuân theo lệ trên chọn hết tất cả?”.
Đáp: Các bậc Thánh khi trình bày chỗ Viên Thông đều nói là bậc nhất, nên phải mượn cách nâng lên hạ xuống khéo chỉ cơ sâu kín. Nếu lúc ngài Văn-thù vâng lệnh Phật tuyển chọn, cứ một mực y theo lệ trên thì làm sao trở thành ý nghĩa sâu kín? Nhưng chỉ có Thanh trần và Hỏa đại vẫn theo thứ tự thông thường. Vì hai môn này với ý riêng trợ giúp hiển bày chẳng phải là chỗ trở về trọng yếu, cho nên không nêu ra nữa. Ngay như pháp môn của ngài Thế Chí, theo mạch văn trường hàng đặt nằm sau phần nói về Thức đại, thành pháp cuối cùng trong hai mươi bốn môn Viên Thông, đâu không tuân theo thứ tự.
Phật đã dạy chọn lấy một môn, sao Bồ-tát Văn-thù chẳng chọn lấy môn của ngài Thế Chí? Xem lời Ngài phê bình pháp Viên Thông của ngài Thế Chí cũng khác với chư Thánh, Ngài chỉ nói: “Nay cảm nhân quả khác nhau, làm sao đạt Viên Thông?”. Ý nói: dù nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, nhưng cái niệm tiếp nối ấy thuộc về Hành uẩn đổi dời, cũng là pháp sinh diệt, nhưng dùng đấy làm cái nhân để vãng sinh thấy Phật, ai bảo là không được! Nay, muốn chứng Viên Thông không sinh diệt ngay trong hiện tại thì nhân quả chẳng phù hợp, làm sao đạt được? Lời phê phán ấy nhắm vào việc chứng đạt Viên Thông trong hiện tại thì khó, chớ không luận về lợi ích sau khi vãng sinh.
Ngoài ra, chư Thánh chỉ niệm Phật chính mình là thuộc về tu chứng ngay hiện tại, nên ngài Văn-thù gạt bỏ hoàn toàn, vì những pháp ấy chẳng phù hợp với căn cơ cõi này, chẳng xứng hợp với thể thức giáo hóa ở phương này. Ai có chí tu chứng cũng nhân đây mà suy xét kỹ!
Đây là vì những người sức mạnh lòng tin chưa kiên cố mà nói, còn nếu ai tin tưởng Tịnh độ sâu sắc thì dù kinh Lăng-nghiêm chỉ chê mình Bồ-tát Thế Chí, người ấy cũng chẳng ngờ vực gì. Vì sao vậy? Vì các kinh đều khen ngợi rộng rãi như “công đức chẳng thể nghĩ bàn”, hoặc là “pháp mà thế gian khó tin”, hoặc “hết thảy chư Phật hộ niệm”, hoặc “thiền sâu mầu vô thượng”, hoặc “phương tiện thù thắng lạ lùng”, hoặc “vua các Tam-muội”, nhiều chỗ khen ngợi tột bậc như thế. Đã chẳng sinh lòng tin, chỉ có một chỗ chê bai sao liền nảy lòng ngờ?
Huống chi kinh Lăng-nghiêm chưa từng chê riêng pháp niệm Phật, lại còn bày tỏ đây là pháp tuyển ngầm! Đáng tiếc, chúng sinh đời mạt pháp đọc kinh này, đã chẳng thể y theo lời dạy từ Nhĩ căn thâm nhập để chứng Viên Thông ngay trong hiện đời, lại còn ưa khởi nghi hoặc đối với pháp môn niệm Phật, thậm chí phá hoại lòng tin trong sạch, chướng ngại hạnh lành của người khác. Kẻ trí mỏng phước ít thường quen thói như thế. Vì vậy, tôi nay phải y theo pháp nương kinh phân tích rõ ràng, chẳng tự biết là lời lẽ rườm rà, cũng là điều ngoài ý muốn thôi!
Giảng thuyết về chữ “Lữ Tam”
Trong kinh Pháp Hoa nói: “Ba cõi không yên, giống như nhà lửa. Nếu chúng sinh tham đắm yêu thích, sẽ bị thiêu đốt”. Cho nên, xưa kia đức Phật Thế Tôn dùng phương tiện khuyến dụ, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi nhà lửa, bởi vì trong ấy đầy dẫy các thứ khổ, không yên ổn.
Trong Tịnh Tín Tập của Đại sư Ngẫu Ích nói: “Chân tánh vốn lặng lẽ chiếu soi, nhưng bị ngũ trụ trần lao[1] che lấp, cho nên ít có người hằng sống với chân tánh ấy. Mặc dầu Tứ thiền[2], Tứ không[3] cho đến cõi phương tiện, cũng chỉ là quán trọ mà thôi”. Ý nghĩa của thời gian ở trọ rất rộng vậy ư? Phàm ở trọ phải có người ở trọ và chỗ trọ. Đã là người ở trọ, ắt phải có chúng bạn, cũng phải có chỗ dừng chân, cũng phải có bản nghiệp. Nay xét rộng thì ba cõi chỉ là một quán trọ, như chúng sinh có bản nghiệp khác nhau: nghiệp vốn đã khác nhau thì nơi trọ và chúng bạn cũng khác nhau vậy. Than ôi! Từ vô thỉ đến nay, trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, xương cốt mà ta đã bỏ, chất lại cao hơn núi Tỳ-phú-la; sữa mẹ mà ta đã nhận, tính ra nhiều hơn nước biển cả. Những cảnh bồng bềnh, những nỗi khổ trôi dạt trong đó nhiều không kể xiết.
Có lúc làm bạn với chúng sinh trong địa ngục thì năm tội nghịch, mười điều ác là bản nghiệp. Ngục Hữu gián hay Vô gián là quán trọ; có lúc làm bạn với loài ngạ quỷ thì tham lam, bỏn xẻn là bản nghiệp, đồng hoang, đắm núi là quán trọ; có lúc làm bạn với loài súc sinh thì ngu si là bản nghiệp, mặt đất, dưới nước, hư không là quán trọ; có lúc làm bạn với A-tu-la thì sân hận, kiêu mạn là bản nghiệp, núi Tu-di và biển cả là quán trọ; có lúc làm bạn với loài người thì Tam cương Ngũ thường là bản nghiệp, các cõi nước trong bốn châu[4] là quán trọ; có lúc làm bạn với chư thiên ở cõi Dục thì năm giới và mười điều lành là bản nghiệp; có lúc làm bạn với chư thiên ở cõi Sắc và Vô sắc thì thiền định là bản nghiệp, Tứ thiền, Tứ không là quán trọ. Vừa mới đến ở trọ liền chấp trước, không biết đó là chỗ ở tạm thời. Than ôi! Giấc mộng cố hương vẫn còn mờ mịt, sống nơi quán trọ đâu thể là cứu cánh? Nếu chẳng nương An Dưỡng để vượt ra ba cõi, tỏ ngộ Tịch Quang mà đạt đến chỗ tận cùng thì đâu thể ra ngoài ý nghĩa ở trọ.
Cư sĩ Uông Nhuận Sinh ở Thiên Đô, pháp danh Tánh Tịnh, tự là Lữ Tam, xa nhà du học nhiều năm, tuổi già về sống ở Cầm Xuyên. Con nối nghiệp đã lớn lại có tài, sớm nắm giữ được gia nghiệp, cho nên cư sĩ không bị hoàn cảnh gia đình trói buộc. Tuy nhà cửa rộng lớn khang trang có thể vui hưởng tuổi già, nhưng cư sĩ xem nó rỗng không như nhà trọ, trường trai thờ Phật, vui sống đạm bạc, không mong cầu, chỉ khẩn thiết đối với việc học đạo tu hành.
Ngày mồng một tháng tám năm Ất Mão, niên hiệu Khang Hy là ngày mừng thọ ông tròn bảy mươi tuổi, các bè bạn thân thuộc xa gần tranh nhau làm văn, các thơ chúc tụng, cư sĩ đều từ chối không xem, dù có xem cũng chỉ qua loa rồi nói rằng: “Những việc ấy chỉ lòng vòng nơi tai mắt, đem những lời nịnh hót đến để làm xấu tên ta mà thôi, sao bằng nói lời chánh pháp bổ ích cho tâm ta!”.
Cư sĩ bèn thỉnh tôi luận về tên tự “Lữ Tam”. Tôi nghĩ rằng: “Cư sĩ đã ở trọ (Lữ) trong ba (Tam) cõi thì chỗ trọ đó rất rộng lớn, đâu chỉ có Thiên Đô và Cầm Ấp thôi sao?”. Nhưng tôi trộm nghĩ: “Những người cùng dòng dõi thân thuộc của ông, phần nhiều đều là những người buôn bán châu ngọc, rong ruổi khắp bốn phương, họ chỉ biết thu hoạch mối lợi, chưa thể hiểu tận cùng ý nghĩa của chỗ trọ đó. Nay cư sĩ tạm ở chỗ này, giả sử có người đến chỉ cho ông mưu kế nấu biển của Ỷ Sinh, dâng cho ông cái kế dọn núi của Quách Thị thì tôi biết cư sĩ ắt sẽ bịt tai mà bỏ đi!”. Chỉ riêng trong lúc chúc thọ tuổi bảy mươi này, mà có thể từ chối chén rượu mừng, không ngồi bên đỉnh thịt tế, lại hỏi tôi về bến bờ đạm bạc, vắng lặng, thưa hỏi yếu chỉ nghịch thế, trái tục. Có thể cho rằng cư sĩ đức chân thuần chưa mất, tánh chất phác vẫn còn, như thế gần với đạo chưa?
Đáp: Vẫn còn chưa phải!
Đã gọi là Lữ Tam (ở trọ trong ba cõi) thì tất cả pháp đều là Lữ (trọ), lại không có pháp nào vượt ngoài chữ Lữ, tức là hễ gặp chỗ nào cũng liền đắm trước, không biết đó là chỗ trọ, ấy là “Lý tánh lữ”.
Hiểu rõ ba cõi đều là quán trọ bản nghiệp, chỗ ở, chúng bạn, mỗi mỗi đều sai khác, đó là “Danh tự lữ’.
Biết đó chẳng phải là nhà nên không trụ, không chấp trước, ở nơi cảnh thô xấu, nên không sinh tham luyến; đó là “Quán hạnh lữ”.
Đối với phiền não khách trần, dùng phương tiện mà điều phục, giấc mộng ở trọ dài đăng đẳng, dường như sắp tỉnh, đó là “Tương tợ lữ”.
Không lìa pháp giới, tùy thuận gởi tạm thân này nơi cõi trần, xót thương cho những người ở trọ mà tận lực đưa họ đến bến bờ, đó là “Phần chứng lữ”.
Căn nhà cũ mục nát này, thuộc về một người, ta thường ở trong đó thuyết pháp giáo hóa.
Khi lửa lớn đốt cháy, mà cõi của ta vẫn được yên ổn, đó là “Cứu cánh lữ”. Nếu không hiểu rõ được nghĩa này, thì nhận lầm quán trọ, nhà nghỉ là quê hương, mọi sự mong cầu đều là việc trong nhà lửa.
Có những người sợ chỗ ở tạm này quá nhiều khổ nạn, nên vội nhập diệt mà không trở lại độ sinh, khiến cho sáu đường đều mờ mịt, bốn loài[5] không biết cậy nhờ vào đâu? Nếu như vậy thì không đúng với nghĩa ở trọ này. Thế thì ngày hôm nay cư sĩ nên lấy cõi An Dưỡng làm chốn trở về, chớ nên vĩnh viễn là lữ khách ở cõi Ta-bà này. Nếu hoa nở thấy Phật, chứng đạt chân thường, nên thương xót Ta-bà, trở lại chỗ trọ, hộ trì chúng bạn, dẫn dắt người mê. Lại phân thân ứng hiện các phương, qua lại giáo hóa ba cõi mà không hề mệt mỏi. Đây chính là Lữ khách rốt ráo. Như thế mới mong không luống uổng ý lập tên tự Lữ Tam của cư sĩ.
Người Ấn Độ ngày xưa cho rằng trong lớp biển mặn giữa bảy lớp núi vàng và núi Đại Thiết Vi ở bốn phía núi Tu-di có bốn đại châu. Theo Đại Đường Tây Vức Ký 1, Câu-xá Luận Quang Ký 8 thì Tứ châu là:
1. Đông Thắng Thần châu (Purva videha): vì người dân ở châu này có thân hình thù thắng nên gọi là Thắng Thân. Địa hình châu này giống như hình bán nguyệt, khuôn mặt con người cũng có hình bán nguyệt.
2. Nam Thiệm-bộ châu (Jambu dvipa, xưa gọi là nam Diêm-phù-đề): Thiệm-bộ (Jambu) vốn là dịch âm của cây bồ-đào. Châu này lấy tên cây này làm tên châu. Địa hình châu này như cái thùng xe, khuôn mặt người cũng thế.
3. Tây Ngưu Hóa châu (Apara godaniya, xưa gọi là Tây Cù-da-ni): do dùng trâu bò để trao đổi mua bán nên có tên là Tây Ngưu Hóa châu. Địa hình châu này giống như mặt trăng tròn, mặt người cũng thế.
4. Bắc Câu-lô châu (Uttara kuru, xưa gọi là Bắc Uất-đơn-việt): Câu-lô nghĩa là thắng xứ, vì đất đai cõi này thù thắng hơn ba châu nói trên nên được gọi là Bắc Câu-lô châu. Địa hình châu này có hình vuông, giống như cái ao vuông, khuôn mặt người cũng thế.
Mặt trời, mặt trăng, các sao nhiễu quanh lưng chừng núi Tu-di, chiếu sáng Tứ thiên hạ. Bốn đại châu, mỗi châu đều có hai trung châu và năm trăm tiểu châu, bốn đại châu và tám trung châu đều có người ở, còn hai ngàn tiểu châu thì hoặc có người ở hoặc không có người ở. Quả báo ở Bắc Câu-lô châu rất thù thắng, vui nhiều khổ ít, nhưng không có Phật xuất thế, nên là một trong tám nạn. Cả bốn châu đều có ba việc đặc biệt:
– Nam châu: người dân châu này dũng mãnh nhớ dai, tạo tác các hạnh nghiệp, tu phạm hạnh, có Phật xuất thế, ba việc này thù thắng hơn ba việc kia và chư thiên.
– Đông châu: châu này rất rộng, rất lớn, rất vi diệu.
– Tây châu: nhiều trâu bò, nhiều dê, nhiều châu ngọc.
– Bắc châu: không bị lệ thuộc, không có ngã sở, sống lâu ngàn năm.
[5] Bốn loài: chỉ cho bốn loài hữu tình trong sáu đường thuộc ba cõi, gồm:1. Noãn sinh (Andajayoni): loài sinh ra từ trứng, như ngỗng, khổng tước, gà, rắn, cá, kiến…
2. Thai sinh (Jalabuja, còn gọi Phúc sinh): loài sinh ra từ thai mẹ, như người, voi, ngựa, trâu, bò, heo, dê, lừa…
3. Thấp sinh (Samsedaja, còn gọi Nhân duyên, Hàn nhiệt hòa hợp sinh): loài sinh ra từ khí ẩm ướt ở những nơi ẩm thấp, như các loài thiêu thân, muỗi, sâu, mối mòng, sâu mè…
4. Hóa sinh (Opapatika): loài không chỗ nương tựa bỗng nhiên sinh ra gọi là Hóa sinh, như các loài hữu tình: chư thiên, địa ngục, trung hữu, đều do nghiệp lực đời quá khứ mà hóa sinh.
Trong Tứ sinh nói trên thì chúng sinh hóa sinh là nhiều nhất.
Pháp quán tướng bạch hào của Phật
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Nếu người muốn sinh về Tây Phương Tịnh độ thì nên quán tượng Phật một trượng sáu ở trên hồ nước”. Lại chép: “Tướng tốt trên thân rất nhiều, không thể quán khắp hết, nên cần phải quán một tướng mà thôi. Đó là chuyên tâm quán tướng lông trắng, hễ quán thành thục, thì các tướng còn lại sẽ tự nhiên hiển hiện”. Lông trắng đó dài một trượng rưỡi, xoáy tròn chu vi năm tấc, bên ngoài có tám cạnh, bên trong rỗng thông như ống thủy tinh. Vị trí của lông này nằm ngay giữa hai chặng mày, biểu thị cho lý Trung đạo. Lông ấy mềm mại, uyển chuyển xoáy vòng theo phía phải, trắng như ngọc, sáng sạch trong suốt, ánh chiếu đến toàn thân sắc vàng ròng của đức Phật.
Khi quán tưởng, tâm phải an trú kiên cố. Nếu tâm hôn mê tán loạn, liền chế phục khiến tâm trở lại sáng suốt, lặng lẽ. Bởi vì sáng suốt thì không mê muội; lặng lẽ thì không tán loạn. Nên biết, sáng suốt lặng lẽ chính là kết quả của Chỉ Quán. Thể tánh Định Tuệ cũng chính là bản thể của tâm. Chỉ Quán là công phu, Định Tuệ là nhân hạnh, sáng suốt lặng lẽ là kết quả. Sáng suốt lặng lẽ đến tột cùng thì liền hợp với bản thể. Nếu đạt đến quả vị cao tột, tức thành tựu phước trí trang nghiêm.
Thân tâm đã được tịch định, đó là Chỉ; quán tưởng tướng bạch hào của Phật, đó là Quán; tướng bạch hào hiển bày rõ ràng đó là sáng suốt; trụ tâm kiên cố không động, đó là lặng lẽ, nghĩa là nương nơi thân tướng đức Phật mà huân tập tâm tánh của mình. Nếu trí quán thành thục, tự nhiên sẽ hiện bày chính là nghĩa này vậy. Nhưng muốn tu tập pháp quán này, trước hết cần phải hiểu rõ vạn pháp đều do tâm. Kinh dạy: “Tâm như họa sĩ giỏi, tạo các thân năm ấm; tất cả pháp thế gian, thảy đều do tâm tạo”. Do đó, nên biết rằng tướng bạch hào của đức Phật A-di-đà vốn đầy đủ nơi tâm ta, những tướng hiện ra trong định cũng đều từ tâm ta biến hiện. Tâm ấy làm tướng bạch hào, tấm ấy là tướng bạch hào, không từ nơi khác mà có, không phải tìm cầu bên ngoài mà được. Hiểu được như thế mới gọi là tu quán đúng pháp.
Tóm lại, Trí hay quán là Nhất tâm tam quán[1]; còn tướng lông trắng được quán là Nhất cảnh tam đế[2]. Vì sao? Vì tướng lông trắng trong định tuy hiện ra trước mắt, nhưng đều do tưởng niệm mà có, không phải tướng thật, tánh thật. Pháp được sinh ra do nhân duyên này vốn không có tự tánh, không có tha tánh, không có cộng tánh, không phải không có nhân tánh. Bốn tánh đều không, cho nên không có thật tánh. Tướng bạch do quán tưởng mà có này không chỉ tánh không mà tướng cũng không, như bóng trong gương, như trăng dưới nước, nên không có thật.
Tánh tướng đều không thật, nên ngay nơi không tức là chân; tùy theo niệm mà thấy, nên ngay nơi giả tức là tục. Ngay nơi giả tức là tục, nên chẳng phải chân, chẳng phải không; ngay nơi không tức là chân, nên chẳng phải tục, chẳng phải giả. Như thế, khởi một niệm đồng thời phá dẹp chấp trước và chiếu soi (già chiếu), lìa tức là lìa chẳng phải, lìa tức là mà chẳng phải tức là, cho nên đó là cảnh quán Trung đạo không thể nghĩ bàn tam nhất viên dung. Toàn đế khởi quán, quán trở lại chiếu soi đế. Cảnh và quan không hai, chỉ là một tâm. Cho nên, người xưa có bài tụng:
Cảnh là diệu giả, quán là không,
Cảnh quán đều không tức là Trung.
Bạch chiếu, trước sau chưa từng có
Nhất tâm dung hợp, vết không còn.
Văn trong bài tụng này quá vắn tắt, nên cần phải giải thích sơ lược. Nói “cảnh là diệu giả”, tức chỉ cho cảnh có đủ không và trung ở trong đó. Nếu chẳng có không và trung thì đâu được gọi là diệu giả? Nói “quán là không”, tức diệu không mà có đầy đủ trung và giả ở trong đó. Nói “cảnh quán đều không”, tức đã có song chiếu ở trong đó. Đều không tức chẳng phải không, chẳng phải giả; song chiếu là ngay nơi không tức là giả. Không dính mắc hai bên, nhưng cũng không lìa hai bên, cho nên gọi là Trung đạo. Hai câu dưới thì nói bạch chiếu đồng thời nhất tâm dung hợp. Vì cảnh tuy đủ ba, nhưng thuộc về cảnh được quán, nên chỉ gọi là diệu giả. Quán tuy đủ ba, nhưng thuộc về quán của trí hay quán, nên chỉ gọi là diệu không. Cảnh và quán, tuy mỗi thứ đều đủ cả ba, nhưng đã dùng diệu quán song vong song chiếu, nên thầm hợp với diệu cảnh song phi song tích. Nhưng diệu trung này, do đưa ra một tức đủ cả ba, nói đến ba tức là một.
Ba và một chẳng đồng, ba và ba chẳng khác. Không thể dùng ý thức để suy lường, không thể dùng ngôn ngữ để phân biệt, cho nên nói “bạch chiếu, trước sau chưa từng có; nhất tâm dung hợp, vết không còn”. Lý nhiệm mầu cảnh quán viên dung này, chỉ dùng bốn câu kệ tóm thâu trọn vẹn. Thấu rõ bài kệ nhiệm mầu này hơn đọc cả mấy trăm quyển sách của tông Thiên Thai. Nhưng nếu chẳng phải người hiểu rõ lý nhất tâm, thấu triệt giáo nghĩa tông Thiên Thai, e rằng không dễ gì thông đạt được.
Kinh chép rằng: “Chỉ nghe được danh từ bạch hào, cũng diệt được vô lượng tội”, huống gì chuyên tâm hành trì đúng pháp. Pháp này chính đức Phật Thích-ca chỉ dạy, ngài Trí Giả ân cần khuyên bảo chuyên tu, gần đây chỉ có Hòa thượng U Khê thường tu tập. Nay, người tu Tịnh nghiệp nếu có thể nhất tâm trì danh hiệu Phật, thì bảo đảm được vãng sinh; lại kết hợp tu diệu quán này, nhất định sẽ đạt được phẩm cao, bậc thượng sĩ căn cơ lanh lợi, sao không dốc sức mà hành trì?
(Dịch xong tháng 10 năm 2002).
Mấy lời tâm huyết
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.
Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.
Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.
Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.
Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.
Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!
Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.