Đức Phật Phải Làm Gì ? Chương II – Hướng về một cái Tôi mới

Chương Hai: Hướng về một cái Tôi mới

Như vậy là chúng ta đã vượt qua được phần một của tập sách này cũng như là đã vượt qua chặng đường đầu tiên của dòng sinh mệnh.

Thật tốt quá!  Bây giờ chúng ta đi vào phần phẩm bình phê phán.  Chương hai của tập sách này sẽ chú trọng vào tính cách và phương hướng đương đầu với những nghịch cảnh hay nan đề xấu nhất của cuộc đời.

Ở phần này, chúng ta sẽ tập trung năng lực để tìm ra cách thoát khỏi những lỗi lầm không nên vướng mắc.  Chúng ta sẽ khai sanh ra một cái Tôi mới.

Thực ra thì cũng chẳng có cái gì siêu phàm nhập thánh hay vĩ đại gì cả, nhưng nếu chúng ta có thể ứng xử những khó khăn, nghịch cảnh với một trái tim rộng mở và một tâm trí minh mẫn, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả khả quan hơn, và cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.

Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta rằng con người, cũng như vạn loại hữu tình khác, không thể và không bao giờ tồn tại lâu dài.  Tất cả đều thay đổi.  Ngày xưa, chúng ta là một đứa trẻ (ngay cả con người chúng ta mới năm ngoái đây thôi), thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã thay đổi rồi, không giống con người chúng ta lúc này, bây giờ.

Tôi thay đổi, các anh thay đổi, họ thay đổi, chúng ta đều thay đổi, và tôi, các anh, họ, chúng ta vẫn đang tiếp tục thay đổi.

Nếu chúng ta nhận thức rõ ràng, thấu suốt qui luật Vô Thường đó và ứng xử một cách minh triết mọi vấn đề, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn con người chúng ta ngày trước.  Ngay trong phút giây minh triết đó, tôi là một vị Phật, các anh là những vị Phật.

Dĩ nhiên chúng ta dễ bị thụt lùi, không phải lúc nào cũng tự tăng tiến, nhưng nếu dần dần chú tâm luyện tập cư xử như các vị Phật thì sẽ đều đặn tiến bước trên con đường tái sinh như các vị Phật.  Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những nổ lực phi thường đó.

Đức Phật phải làm gì để có thể thay đổi được người khác?

Đừng chăm chú vào những khuyết điểm của người khác, mà hãy chăm chú vào việc làm thế nào để đổi thay những khiếm khuyết của chính mình.

Lời dạy của Nữ Thần Trí Tuệ 1(Dakinis)

Thật ngắn gọn nhưng vô cùng hào hùng khí phách.  Đây đích thực là tiếng sét đánh của Trí Tuệ.  Câu nói này đã làm sáng tỏ tâm trí tôi.  Chúng ta khó thể thành công trong việc cố gắng thay đổi người khác.

Thế mà chúng ta lại cứ tiếp tục làm như vậy hoài, tuy nhiên đó chỉ là lý do bào chữa cho sự không thay đổi của chính chúng ta, vì những khuyết điểm của người khác làm chúng ta khó chịu cũng chính là những khiếm khuyết của bản thân chúng ta.

Khi tôi dạy ở các lớp cao đẳng, tôi thường quan sát tìm hiểu các khuyết điểm của học trò tôi.  Làm như thế, tôi đã tập cho chúng những phương pháp hãy tự tìm hiểu chính mình.

Nếu tôi không tập cho họ được, có nghĩa là chính tôi đã thất bại rồi (thú thực là có đôi ba lần tôi đã hoàn toàn thất bại).  Và một khi thấy được những khuyết điểm của học trò, tôi cũng thấy được thật sâu sắc, thật rõ ràng những khiếm khuyết của bản thân mình.

Vì thế ngay cái lúc mà chúng ta muốn phê bình khuyết điểm của một người nào, chính là lúc chúng ta hãy nên quay về quán xét lấy chính mình để tự cải đổi những tánh hư tật xấu.

Như vậy thay đổi chính mình không phải chỉ là một cách tốt nhất để giúp chúng ta mà còn là để giúp người khác thay đổi chính họ nữa.

Giúp người tức là giúp mình.

Giúp mình tức là giúp người.

Đức Phật phải làm gì để kềm giữ được lời nói?

Chắc chắn con người đã được sanh ra với một cái búa trong miệng, và họ sẽ bị chính cái búa đó chém đứt lưỡi nếu họ nói toàn những điều xằng bậy.

Kinh Tiểu Bộ 657

Chúng ta đều thường nghe nói ‘cái miệng chính là con dao hai lưỡi’.  Các bạn có để tâm đến thành ngữ đó hay không?  Đó chính là điều Đức Phật muốn răn dạy và chế ra cấm giới.

Phật nói miệng lưỡi của con người là một vũ khí sắc bén có thể cắt đôi người nói bằng lưỡi dao và cả với cái sống dao.

Một khi chúng ta nhận thức rõ rằng chúng ta có thể tự làm tổn thương mình bởi những lời nói ngớ ngẩn, vô ý thức, vô duyên hay ác khẩu, chúng ta hãy nên tỉnh trí để mau mau ngậm miệng lại, khóa chặt nó, đừng nói nữa.

Đức Phật đã quán chiếu thật sâu xa sự tương quan tương tác giữa các chúng sanh với nhau.  Vì thế Ngài không bao giờ nói và cũng không bao giờ sanh tâm khởi ý làm tổn thương bất cứ một người nào hay một chúng sinh nào bằng lời nói, ngay cả đối với những người lăng mạ, hủy nhục hay phỉ báng ám hại Ngài.

Phật cũng nhận thấy rõ sự giả tướng của ngôn ngữ.  Thực hành quan trọng thiết thực hơn lời nói.  Ngạn ngữ có câu ‘thùng rỗng kêu to’ hay ‘nói suông, bàn phiếm’.

Đạo Phật chú trọng phần thực hành.  Đức Phật dạy không nên và đừng bao giờ làm thương tổn lòng tự trọng của người khác qua thân, khẩu, ý, vì đó chính là duyên do dẫn tới sân hận, thù nghịch và kết oán với nhau.

Đừng bao giờ đánh mất thời gian qúi báu của đời mình bởi những hành vi, tâm ý ngu xuẩn như vậy.  Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được Phật tánh của mình mà chỉ thấy cái búa sắc bén trong miệng mình mà thôi.

Nhớ kỹ được điều răn dạy của Phật qua giới cấm vọng ngữ, chúng ta sẽ tự chủ được mình và sẽ giữ được im lặng.  Khi nào cần nói, chúng ta sẽ nói, và chúng ta chỉ nói những điều hay, đẹp, hữu ích cho người mà thôi.

Đức Phật phải làm gì để tránh bị kiệt sức quá độ?

Sự nổ lực đều đặn trong một thời gian dài thực ra rất quan trọng đối với tất cả mọi người trong bất cứ một công việc nào.

Chúng ta sẽ dễ dàng bị thua cuộc nửa chừng nếu chúng ta làm việc quá hăng say, quá năng nổ lúc ban đầu, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn và sau đó buông xuôi tất cả.

Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV

Đời sống sao kéo dài lê thê quá khi chúng ta có nhiều công việc khó khăn cần phải giải quyết tức thì.  Chúng ta muốn nhảy một bước là tới ngay điểm cuối và hoàn thành tất cả mọi công việc trong chớp nhoáng mà thôi.  Đó không phải là phương cách sống của mọi người ở cái thế giới đại đồng này.  Thực tế, chúng ta phải biết nhiếp thủ sức lực của chúng ta cho một cuộc chiến trường kỳ hơn, dù cuộc chiến đấu đó thuộc lãnh vực tâm linh hay chính trị hoặc bất cứ trên một phương diện nào.

Đức Đạt Lai Lạt Ma rất chí lý khi phát biểu cảm nghĩ của Ngài như trên.  Hãy nhìn những nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của Ngài để giải cứu dân Tây Tạng và nền văn hóa lâu đời của họ thoát khỏi ách thống trị xâm lược của Trung Quốc đang bành trướng trên lãnh thổ yêu dấu của người dân xứ tuyết này.

Nếu chúng ta thực tâm quay nhìn lại và nhận chân rõ những hệ quả mà người Tây Phương chúng ta đã làm khiến đất nước họ bị xâm chiếm, thì quả thực chính sự thất bại của chúng ta đã gây tổn thất cho những ai đi theo chúng ta.  Nếu chúng ta không thể mang cây đuốc đến tận mục tiêu đã định, thì cách tốt nhất là chúng ta nên trao cây đuốc đó lại cho người khác trước khi nó phừng cháy và đốt bỏng tay chúng ta.

Đức Phật phải làm gì khi bị hiếp đáp, bắt nạt?

Có những kẻ khó chịu đã lấy gạch đá ném chọi hay lấy gậy đánh đập Ngài, nhưng dù chạy tránh ra xa, vị Bồ Tát đó vẫn lễ lạy và nói to lên rằng: “Tôi chẳng dám khinh quí ngài, vì quí ngài sẽ thành Phật!”

Kinh Pháp Hoa (Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát)

Ở đoạn này, Đức Phật miêu tả một vị Bồ Tát tên là Thường Bất Khinh, mặc dù vị Bồ Tát này bị mọi người đối xử một cách phũ phàng tệ bạc, Ngài vẫn không đánh mất niềm tin sắt đá vào Phật tánh của mọi người.

Bồ Tát Thường Bất Khinh luôn miệng nói to rằng: “Tôi chẳng dám khinh quí ngài vì qúi ngài sẽ thành Phật!”

Tại sao Bồ Tát Thường Bất Khinh lại kiên quyết như vậy?  Vì Ngài luôn luôn tin tưởng rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng như nhau và tất cả sẽ là những vị Phật tương lai.

Với niềm tin vững chắc kiên cố ấy, cuối cùng Bồ Tát Thường Bất Khinh đã xoay chuyển được tâm niệm của mọi người và khiến họ quay đầu về với Chánh Pháp.

Chúng ta đây may mắn không bị lăng mạ, sỉ nhục hay đánh đập như Bồ Tát Thường Bất Khinh, thế mà đã nhiều lúc chúng ta đánh mất quan niệm sống của chính mình.

Chúng ta phải bắt chước vị thánh nhân đó và ghi khắc tạc dạ rằng chắc chắn một ngày nào đó, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả chướng ngại tâm linh và đắc quả.

Với lập trường vững bền, niềm tin sắt đá, quan niệm sống Đạo và đức kiên nhẫn, chúng ta khẳng định tin tưởng vào chính ông Phật sẽ thành của mình mặc cho bất cứ một trở ngại gì trước mặt.

Đức Phật phải làm gì khi không có đủ khả năng chia sẻ cho người khác?

Bất cứ một người nào, dù với tâm tán loạn, cầm một nhành hoa vào cúng dường tháp miếu Phật, vẫn có thể thấy được hằng hà sa số Phật và sẽ thành Phật đạo.

Kinh Pháp Hoa

Cúng dường tôn tượng hay hình ảnh Phật là một điều hết sức tán thán, nhưng lễ vật cúng dường không quan trọng bằng tâm cung kính, tâm chí thành cúng dường.

Khi chúng ta ban tặng hay chia sẻ cho bất cứ ai những gì chúng ta có thì món vật được chia sẻ hay ban tặng đó được xem rất qúi giá, không cần biết là đắt tiền hay rẻ tiền, giá trị hay không giá trị.

Vì sao ? Vì quan trọng nhất là tấm lòng thành và phương cách của chúng ta chia sẻ tình thân đến mọi người.  Chúa Giê Su đã nói “Một đồng xu của một bà goá phụ nghèo khổ đáng giá gấp mấy ngàn lần bạc vàng của những kẻ giàu có”.  Đức Phật cũng nói như vậy.

Đừng nên quan trọng quá về hình thức, và cũng không nên quá tự ti e ngại về khả năng hạn hẹp của chúng ta.  Không cần biết là xứng đáng hay không xứng đáng, khi nào chúng ta có thể chia sẻ được với mọi người bất cứ những gì chúng ta đang có là chúng ta cứ an nhiên tự tại mà làm.

Làm với tâm vô cầu, làm với tâm không dính mắc, không chờ đợi sự khen thưởng nào cả. Bất cứ một hành động thiện nào, chúng ta đều cần phải thực hành.

Bất cứ một việc ích lợi nào, chúng ta đều góp phần.  Có tiền, chúng ta góp tiền.  Có sức, chúng ta góp sức.  Có nhiều, chúng ta góp nhiều.  Có ít, chúng ta góp ít.  Nếu không có tiền, có sức, chúng ta góp lời cầu nguyện với tâm hoan hỉ, tán thán công đức của người khác.

Khi du lịch qua các nước Á Đông, bản thân tôi đã chứng kiến nhiều người dâng lễ vật rất tầm thường lên Phật nhưng với tấm lòng thành khẩn thiết tha vô cùng, và chính tôi cũng được nhận vài đồng xu rất qúi giá từ tay những người thật bần hàn nghèo khó nhưng lại chứa đựng cả một bầu trời tình thương ấm áp.

Nhận một cành hoa hay trao tặng cho ai một đóa hoa, chỉ một đóa hoa thôi, một đóa hoa thật tầm thường có thể mua hay hái ngoài đồng nội, nhưng đó là một ân sủng, là một món quà thiêng liêng cao qúi vô cùng.  Với tâm vô trụ, vô phân biệt, người ban tặng và người nhận đều là những vị Phật.

Đức Phật phải làm gì để sống ngay phút giây hiện tại?

Người ta hay quan niệm sao thời gian trôi qua quá nhanh và chưa hề nhận thức được rõ rệt sự có mặt của phút giây hiện tại.

Người ta chỉ thấy là bóng quang âm trôi qua theo bốn mùa thay đổi, nhưng chẳng có khả năng cảm nhận thật sâu xa rằng thực chất của thời gian là phải thường hằng sống trong từng phút giây hiện tại của nó.

Thiền sư Đạo An

Với phong cách sử dụng ngôn ngữ thật đặc thù, thiền sư Đạo An đã tìm cách thức tỉnh chúng ta hãy sống hiện thực trong từng phút giây.  Thời gian là gì?  Hay có thể hỏi thời gian là khi nào, lúc nào?

Thời gian là bây giờ.  Bây giờ và ở đây.

Theo cách suy nghĩ này, chúng ta luôn luôn sống đúng lúc, đúng thời.  Lúc nào?  Ngay lúc này.  Hãy bắt đầu sống tỉnh thức như vậy.  Bây giờ và ở đây.  Ngay chính phút giây hiện tại này.

Sống được ngay phút giây hiện tại này rất có lợi ích cho chúng ta và cả thế giới.

Khi giật mình nhìn lại, chúng ta thấy thời gian trôi qua thật quá nhanh, vì có bao giờ chúng ta sống thực trong dòng vũ trụ vận hành lưu chuyển đâu.

Đó là lý do chúng ta luôn bị chậm trễ.  Đừng đợi nước đến chân mới nhảy.  Đừng ngồi đợi thời gian đến với mình.  Nó không đến đâu.

Hãy nhận thức sự có mặt của chính mình ngay giây phút này, ngay phút giây hiện tại.  Bây giờ và ở đây.  Khi chúng ta sống được thường hằng như thế trong từng phút giây hiện tại, chúng ta sẽ luôn chuẩn mực, đúng giờ và tỉnh thức.

Đức Phật phải làm gì khi đứng đợi xe giữa trời tuyết?

Một vị thiền sinh hỏi: Đi đến nơi không lạnh không nóng có nghĩa là gì?

Tổ Tăng Xán trả lời:  Đi trong mùa băng tuyết, cái giá lạnh rét buốt sẽ giết chết ngươi; đi trong cơn nắng hạ, cái nóng rực lửa sẽ thiêu đốt ngươi.

Góp nhặt

Đây là một công án nổi tiếng trong nhà thiền để thức tỉnh người thiền sinh trở về và sống trong thực tại.  Không có khả năng giải đáp công án đó cho riêng tôi và tôi cũng không thể giải đáp cho bạn, nhưng tôi có thể lý giải một phần nào về Chân Lý qua công án đó.

Tổ Tăng Xán đang khuyên vị đệ tử hãy phá bỏ đi cái khoảng cách giữa bản ngã và những tri giác cảm xúc vật lý.  Không có vật thể bên ngoài.

Không có cái ta bên trong.  Không trong, không ngoài, không tăng, không giảm.  Khoảng cách giữa ta và vật được san bằng, xóa sạch.  Cái biên giới, cái lằn ranh, cái giới hạn của cả hai đã bão hòa vào nhau và tan biến không dấu vết.  Công án đó giúp thiền sinh thức tỉnh khỏi giấc mơ tự ngã.

Một khi nội tâm đã an tĩnh rỗng rang, dù ta đi trong cái lạnh rét cắt da của mùa Đông hay đẫm ướt mồ hôi dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời mùa hạ, thì cái nóng hay cái lạnh bên ngoài cũng không làm ta khó chịu, bất an.

Nếu quán chiếu được vạn pháp đều không, ta sẽ không còn bám víu, không sợ mất, không tham ái nữa.  Ta sẽ thư thái buông xả tất cả được, và cũng sẽ không còn đau khổ nữa.  Ngay cả cái chết cũng sẽ không tác động chi phối được ta.

An nhiên tịch mặc.  Nhậm vận tùy duyên.

Đức Phật phải làm gì khi thấy dòng sống đang trôi qua?

Tinh cần là đường sống,

Buông lung là cửa chết,

Tinh cần là sống mãi,

Buông lung là thây ma.

 

Kinh Pháp Cú 21

Chúng ta thường nghe nói rằng sự hăng hái dấn thân vào cuộc đời luôn giúp cho con người ta tươi trẻ mãi.

Sự chú tâm, sự tỉnh thức, sự tinh cần giúp chúng ta năng nổ góp mặt vào dòng sống thực hữu và kinh nghiệm ngay trong phút giây hiện tại, ngay lúc bây giờ chúng ta đang nói, đang ăn, đang thở.

Nếu không có sự chú tâm tỉnh thức đó, chúng ta đã chết ngay trong phút giây hiện tại và đang chết dần mòn trên dòng sông cuộc đời.

Một khi chúng ta mất cảnh giác, không chú tâm, không tỉnh thức, chúng ta đã vuột mất khỏi dòng sống, không phải chỉ là vuột mất khỏi những cuộc đời chung quanh chúng ta mà ngay cả chính cuộc đời bản thân chúng ta.

Ở một cấp độ tâm linh cao nhất, khi chúng ta hiện diện thực sự, khi chúng ta sống thực sự, sống trọn vẹn thì không còn một lỗ trống khe hở nào trong tâm trí để cho những ảo giác huyễn ảnh có dịp xen chân vào.  Sống tỉnh thức như vậy là sống mãi, là bất tử, là vĩnh hằng vì chúng ta đã thẩm thấu được cái tự ngã của chính mình.

Cá nhân tôi (Frank) chưa chắc đã đạt được đến trình độ tâm linh đó nhưng tôi biết chắc một điều rằng sự nổ lực bền bỉ của tôi sẽ giúp tôi cảm nghiệm và đi vào dòng sống thực sự.

Đức Phật phải làm gì khi gặp những kẻ hẹp hòi thiển cận?

Những kẻ thiển cận chỉ muốn học những pháp tiểu thừa bởi vì họ không tự tin rằng họ có thể thành Phật.

Kinh Pháp Hoa

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.

Tất cả chúng sinh đều có khả năng giác ngộ tối thượng.

Tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật.

Đó chính là lời Phật nói.  Phật đã nhìn thấy được khả năng giác ngộ của vạn loại hàm linh. Vì thế, Phật đã tuyên thuyết pháp đại thừa, khai thị ngộ nhập chân lý cho chúng sinh.

Chúng ta cần phải nhìn như Đức Phật đã nhìn, cần phải mở rộng tâm hồn ra như Phật đã ôm trọn chúng sinh vào lòng, cần phải phát huy khả năng giác ngộ của chính chúng ta và mọi loài như Phật đã khai thị.

Chúng ta tin chắc vào lời Phật nói.

Chúng ta tin chắc vào khả năng giác ngộ của chính mình.

Chúng ta chắc chắn sẽ thành Phật.

Đức Phật phải làm gì khi đời sống mới  có quá nhiều lôi cuốn?

Thiền sư Trường Ông Như Tịnh nói: “Nếu ngươi không hiểu gì hết, ngươi sẽ vướng mắc vào tất cả những gì chung quanh ngươi.”

Đại sư Vân Môn lại nói: “ Nếu ngươi hiểu được, ngươi sẽ dấn thân vào tất cả những gì xảy ra chung quanh ngươi.”

Thiền Lục Vân Môn 284

Có thể nói phần đông chúng ta đều bị chi phối bởi những chuyện nhỏ nhặt, đâu đâu.  Chúng ta luôn bị quay cuồng bởi chương trình này hay dự án nọ hoặc đầu tư vào công trình kia hay tổ chức đó, và chúng ta để mình bị cuốn trôi đi theo dòng thác cuộc đời.

Có một câu cách ngôn: “Đời sống là những gì xảy đến với anh khi anh đang hoạch định vẽ vời ra hết những dự án này tới kế hoạch khác.”

Qua mẫu đối thoại trên của hai vị thiền sư, chúng ta nhận xét thấy cả hai vị đều điều nghiên và khai phóng vấn đề về những sự lôi cuốn của đời sống mới.

Thiền sư Trường Ông Như Tịnh đã bày tỏ quan niệm của ông và tôi (Frank) cũng đã viết giống như lời của ông, có nghĩa là người ta luôn bị chi phối ảnh hưởng bởi cuộc sống bên ngoài với những thú vui, những trò hoan lạc đắm nhiễm . . . Những lôi cuốn đó là một vấn đề lớn.

Trong khi đó, thiền sư Vân Môn lại nói những sự lôi cuốn của cuộc đời là một sự thực, một thực tế của đời sống nhân sinh, và thay vì đồng ý một cách đơn giản về sự kiện thực tế đó, thiền sư Vân Môn đã giải đáp một cách sâu sắc hơn.

Có nghĩa là nếu anh thực sự hiểu những lôi cuốn đó chính là bản chất cuộc đời thì anh sẽ dấn thân xông pha vào dòng lôi cuốn đó, không ngần ngại.  Vì sao? Vì “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ Đề, tức như tầm thố giác.”

Phiền não tức Niết Bàn.  Nếu chúng ta tách rời phiền não và Niết Bàn thành hai vế hoàn toàn biệt lập thì chúng ta đã hiểu sai Chân Lý và vẫn còn mắc kẹt trong vòng nhị nguyên đối đãi thị phi.

Rời xa trần thế để tìm Niết Bàn thì sẽ chẳng bao giờ thấy được.  Sống trong cuộc đời chính là sống trong hiện tại với tất cả sự xáo trộn, rắc rối, náo nhiệt của nó.  Nếu chúng ta không sống trong những sự lôi cuốn đó, chúng ta sẽ không có mặt trong dòng sống này.

Vì cuộc đời vốn dĩ là như vậy; bản chất cuộc đời là thế:  như thị tướng, như thị tánh, như thị bản mạt cứu cánh . . .  tuy nhiên, mặc dù cuộc đời vốn dĩ là thế, chúng ta không nhất thiết phải bỏ đi những dự tính lớn lao của mình, bởi vì những dự tính vĩ đại kia cũng xuất phát tích tụ và thành tựu từ những kinh nghiệm nhỏ bé này.

Bình thường tâm thị Đạo.

 

Xem thêm:

 

Đức Phật phải làm gì? – Chương Một

Đức Phật Phải Làm Gì ? Chương II – Hướng về một cái Tôi mới

Đức Phật phải làm gì? – Chương ba: Tình Yêu Chân Thiện

Đức Phật Phải Làm Gì ? Chương bốn: Khát vọng đời sống