Đức Phật phải làm gì? – Chương ba: Tình Yêu Chân Thiện

Phật phải làm gì

Chương Ba: Tình Yêu Chân Thiện

“Ôi, tình yêu, tình yêu!  Tình yêu đã làm cho trái đất này bé nhỏ lại và xoay tròn!”

Đó là lời được sửa lại của nhân vật nữ bá tước đã thốt ra trong phim Alice in Wonderland (nguyên văn câu nói này xuất phát từ tác phẩm Divine Comedy của Dante).

Nhưng tình yêu – được trân trọng giữ gìn hay bị mất đi, được nâng niu trong sự kết hợp của hai tâm hồn thành một hay được phát triển rộng tràn ra khắp vũ trụ hành tinh này – vẫn là một bi hài kịch.

Chúng ta đã tìm hiểu tình yêu, đã thử yêu bao lần nhưng vẫn hoàn thất bại.  Chúng ta thất bại khi đi tìm tình yêu.  Chúng ta thất bại khi cố nắm giữ tình yêu.

Chúng ta thất bại khi tìm hiểu, khi chia sẻ, khi mất mát tình yêu.  Chúng ta thất bại, thất bại rồi thất bại, nhưng chúng ta vẫn cười và lại tiếp tục đi tìm tình yêu.  Thật đúng là cái trò vớ vẩn, lẩn quẩn, loanh quanh rất người, rất đáng yêu, rất tuyệt mỹ.

Hầu hết chúng ta đều hiểu sai lời nói của Phật về tình yêu.  Phật không cấm đoán chúng ta là không được yêu.  Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta là nếu không khéo sử dụng trí tuệ, tình yêu vị kỷ đó sẽ khiến chúng ta mê nhiễm, đắm trước và xiết chặt chúng ta vào đau khổ, phiền muộn.

Nhưng chúng ta, những tên khờ khạo ngu xuẩn thích bị lừa gạt lầm lẫn, lại cho rằng thà chết vì tình yêu còn hơn là sống mà thiếu nó.

Chúng ta có phải là con người khôn ngoan trí tuệ không?  Tình yêu như thế nào mới đúng là chân tình?  Yêu như thế nào mới đúng?  Yêu như thế nào để không bị trói buộc?  Yêu như thế nào để không bị đau khổ?

Khi viết lên những câu hỏi này và đọc lại, tôi hy vọng các bạn sẽ tự hỏi và trả lời để các bạn học được cách thương yêu người và được người thương yêu thật chân tình.

Đức Phật phải làm gì khi bị người yêu bỏ rơi?

Ở đây Đức Phật muốn đề cập đến tánh chất vô thường của vạn sự vạn vật.  Tất cả đều giả tạm, mong manh, và nương gá nhau mà hiện khởi trong điều kiện tương đối, tương quan.

Tình yêu của chúng ta, người yêu của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, ngay cả bản thân của chúng ta cũng vô thường giả tạm như thế.

Khi những cuộc vui thú hoan lạc chấm dứt, cái gì còn lại?  Chỉ còn lại sự ngao ngán não nề, nhận thức rõ tánh chất vô thường của vạn hữu như là một giấc mơ, như là một giọt sương mong manh vội tan biến vào hư không.

Chúng ta thích thú khi ngắm nhìn những ánh sao băng hay những trò ảo thuật, nhưng chúng ta phải nên ngắm chúng khi chúng đang hiện hữu xảy ra trước mắt chúng ta cơ.

Có phải chính sự ngắn ngủi đó làm cho ánh sao băng trở nên đặc biệt diễm ảo hơn?  Chúng ta không yêu cầu, không mong đợi sao băng sẽ kéo dài hơn và chúng ta cũng không nên cầu mong những hoan lạc sẽ kéo dài lâu hơn cho thỏa ý.

Khi chúng ta thương nhớ một người nào, chúng ta nhớ những giờ phút người ấy cùng chúng ta chia sẻ hạnh phúc vui buồn với nhau.

Thời gian ấy qua đi thật mau chóng đúng như tánh chất vô thường của nó.  Cái cũ qua đi, cái mới sẽ đến.  Ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai, nhưng ngày hôm qua là ngày hôm nay và ngày mai thì chưa đến.

Vì thế, chúng ta nên sống trọn vẹn ngày hôm nay, thể nghiệm cuộc sống trọn vẹn ngày hôm nay, giây phút này, hiện hữu bây giờ và nơi đây như Đức Phật đã thể nghiệm kinh qua trọn vẹn cuộc đời của Ngài.

Chúng ta nên sống và phải sống trọn vẹn như Phật đã sống.

Đức Phật phải làm gì khi một người thân ra đi không bao giờ trở lại nữa?

Chúng ta vẫn còn là một con người trần thế với những cảm xúc bi, hỷ, ai, lạc, v.v.  vì thế có những lúc cần phải khóc để vơi bớt đi đau khổ phiền muộn trong lòng thì chúng ta cứ khóc đi, đừng e sợ, đừng ngại ngùng.

Khi những cảm xúc trong tâm hồn con người chúng ta cần phải phơi bày biểu lộ vì chúng ta không thể đè nén trong lòng nữa, chúng ta cứ để mặc nhiên cho dòng lệ nóng tuôn trào, không lúng túng bối rối trước mặt ai cả.

Đức Phật dư biết điều đó, và Ngài cũng không hề chống đối về những tách cách biểu lộ cảm xúc, tuy nhiên Phật khuyên chúng ta không nên quá bi lụy đau thương khi một người yêu qúi nhất từ giã chúng ta ra đi, không bao giờ trở lại.

Đúng là khi người thân yêu của chúng ta vĩnh biệt cõi đời, chúng ta không thể không đau lòng được, nhưng một khi chúng ta chạm trán với thực tế đó, một sự kiện thực tế hiển nhiên không một ai tránh khỏi – cái Chết – dù đau khổ tột bực thì chúng ta cũng cần phải bình tâm, không nên bi lụy sầu khổ quá mức.

Vì sao?  Vì đó là một trong Bốn Chân Lý chắc thật của kiếp nhân sinh và vạn hữu sinh linh khác: Sanh, Già, Bệnh, Chết.  Phải, có sanh ắt có chết.  Không một ai tránh khỏi cả, ngay cả Đức Phật.

Đó là một qui luật tự nhiên.  Vì thế, một khi chúng ta phải đối diện với sự thật đau thương đó, chắc chắn chỉ có sớm hay muộn mà thôi, chúng ta cần phải bình tâm quán chiếu và trấn tĩnh nội tâm không để cho sự bi lụy sầu khổ trấn áp đánh chúng ta ngã gục.

Quả tình không phải chuyện dễ thực hành.  Chúng ta có thể nói rất hay, rất đúng và chúng ta cũng có thể đứng rất vững, rất bình tĩnh nếu người chết đó không phải là thân thuộc ruột thịt hay người yêu, chồng vợ, con cái của chúng ta.

Tuy nhiên tại sao chúng ta phải trấn định những cảm xúc bi thương đó?  Để làm gì?  Tại vì chúng ta là những đệ tử Phật, tại vì chúng ta đã thẩm thấu qui luật Vô Thường, Vô Ngã, tại vì thực sự vô ích nếu chúng ta cứ để mặc cho sự đau thương sầu muộn đó giết chết lần mòn tâm hồn chúng ta.

Sự bi lụy sầu khổ đó ngăn chận năng lực con người hướng đến tương lai, hướng về một cái mới. Chúng ta cần phải sống hết phần đời của mình thật hữu ích cho chính mình và chúng sinh trong giác ngộ và từ bi.

Chúng ta cần phải hiểu rõ ràng rằng, theo đạo Phật, chết không phải là hết mà chỉ là một sự thay đổi, như thay một cái áo cũ, như một sự chuyển hóa mà thôi.

Nếu chúng ta bi lụy quá mức thì chúng ta đã quá chấp thủ, quá bám chặt vào người thân yêu của mình trong vô minh ái nhiễm.

Nhà thơ Issa của Nhật Bản đã viết lên những vần thơ haiku (hài cú) như sau về cái chết của người con gái ông ta: “Giọt sương mai cuộc đời/ ôi đó chính là giọt sương mai cuộc đời/ và rồi, và rồi . . . (Tsuyu no yo wa tsuyu no yo nagara sari nagara )

Có phải Issa than khóc cái chết của con mình, có phải ông ta lên án sự vô thường khắc nghiệt tàn nhẫn?  Liệu ông ta có thay đổi được gì không?  Không, Issa chẳng thay đổi được gì, chúng ta cũng vậy.  Mặc dù những dòng lệ khóc con của Issa không mang con gái ông ta trả lại cho ông, những vần thơ của ông sẽ giúp ông và chúng ta tỉnh ngộ và hiểu sâu thêm chân tướng nhân sinh vũ trụ vốn mong manh, giả tạm, không chắc thật thường còn.  Và rồi, niềm đau của Issa sẽ vơi dần và qua đi; nỗi buồn của chúng ta rồi cũng sẽ vơi dần và qua đi, qua đi.

Đức Phật phải làm gì để trở thành một người chồng tốt?

Chồng phải có năm điều đối với vợ: lấy lễ đối đãi nhau, cho ăn mặc và trang sức phải thời, phó thác việc nhà cho vợ, phải tin tưởng và nói mọi chuyện với vợ, hết lòng thủy chung với vợ.

Kinh Trường A  Hàm 31

Trước khi bàn rộng ra về lời khuyên của Đức Phật, tôi phải xác nhận một cách khách quan là chính Phật cũng không làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình.

Phật đã rời bỏ hoàng cung, lìa xa hoàng tộc và vợ con để ruỗi bước theo con đường xuất gia thoát tục.

Chúng ta nghĩ gì về vấn đề này? Đương nhiên Phật đã gây cho người thân của mình biết bao đau khổ lo âu; mặc dù thực sự xưa kia, khi còn là thái tử, Phật đã nhiều lần ngăn trở Phụ Hoàng và không đồng ý kết hôn nhưng vẫn không lay chuyển nổi ý định của Vua Cha.

Tuy nhiên theo sử sách ghi chép lại, sau khi vượt thành xuất gia tìm chân lý và thành đạo, Phật đã trở về khuyến hóa Phụ Vương, vợ con và hoàng tộc theo đạo Phật và hướng dẫn họ đạt đến giác ngộ.

Chúng ta cũng không nhất thiết phải đồng ý hay phủ nhận ý kiến của bất cứ một người nào.  Mỗi người tự có quan điểm sống và trình độ ý thức khác nhau.

Chúng ta cũng không cần phải bênh vực Phật. Ngay chính Phật, khi còn tại thế, Ngài cũng không hề lên tiếng tự biện hộ, minh giải điều gì, tuy nhiên tôi chỉ muốn nhắc nhở một điều rằng chúng ta hãy cẩn thận khi bình phẩm hành xử của Phật.

Chúng ta đã giác ngộ chút nào chưa? Chúng ta đã thực thi được gì cho chính mình và nhân loại chưa?

Lời dạy của Đức Phật, từ hơn 2,550 năm qua cho đến ngày nay, vẫn còn đánh động tâm thức mọi người.  Có lẽ trong đời hiện tại đây chưa có ai thực hiện nổi như Phật.  Do đó, nếu chưa hay không thể theo gót chân Phật được, những kẻ thật tầm thường như chúng ta đây, nếu lập gia đình, nên thực hành đúng theo lời dạy của Phật để trở thành một người chồng tốt.

Đọc kỹ lời Phật dạy về năm bổn phận của người chồng đối với vợ nói trên, chúng ta nhận thấy Phật đã thực hiện một cuộc đại cách mạng nâng cao thân phận và vị trí người phụ nữ đã bị gò ép, bó buộc bởi những hủ tục xã hội từ hàng ngàn năm qua.

Và cũng chính vì lời dạy thiết thực nhân bản đó, những tín đồ của các tôn giáo khác đã bất đồng, căm phẫn và công kích bài xích đạo Phật rất nhiều, nhưng cho đến nay, giáo lý đạo Phật vẫn hoài đậm nét giá trị tuyệt đối nhân bản, bình đẳng trên nền tảng Từ Bi và Trí Tuệ.

Đức Phật phải làm gì để trở thành một người vợ hiền?

Người vợ cần phải thực hiện năm bổn phận đối với chồng: phải dậy trước và ngủ sau chồng, phải nói lời hòa nhã, êm ái, kính thuận chồng cũng như gia đình chồng, phải giữ gìn tài sản của chồng, phải giáo dục con cái, và phải chung thủy với chồng.

Kinh Trường A Hàm 31

Đây là lời Đức Phật dạy tiếp theo về bổn phận của người phụ nữ đối với vị hôn phối của mình.  Trong gia đình, người vợ cần phải tự nguyện gánh lấy nhiều hơn trách nhiệm giáo dục con cái và gìn giữ cai quản tài sản của chồng .

Người vợ phải hành xử đúng mức, hợp thời, khôn ngoan, sáng suốt không những trong đời sống gia đình mà còn trong mọi sinh hoạt thân quyến, bạn bè và xã hội nữa.

Đặc biệt ở đây, Phật nhắc nhở đến vấn đề tài chính phải được tin tưởng và giao phó cho người phụ nữ nắm vững.  Yếu tố then chốt hạnh phúc gia đình là sự yêu cầu tin tưởng giao phó tài sản và khả năng của người vợ.

Trái với cách ứng xử của người chồng đối với vợ cần phải đặt trên căn bản tình yêu chung thủy và lòng kính trọng vợ, bổn phận người vợ ở đây được quan tâm trên sự tổ chức sắp xếp tài trí của người phụ nữ.

Trong Kinh Trường A Hàm, Phật dạy người vợ phải có năm bổn phận đối với chồng cũng giống như bổn phận của người chồng đối với vợ, nhưng có một điều cần để ý nhất là lòng chung thủy trung thành của đôi lứa được Phật nhấn mạnh cho cả hai bên.

Đúng vậy, chỉ cần một yếu tố quan trọng này là đủ sức để giữ vững hạnh phúc tình cảm và kiến lập một gia đình êm vui thuận hòa tốt đẹp.

Đức Phật phải làm gì để cha mẹ và con cái thông cảm nhau nhiều hơn?

Dù rất yêu thương con đến nỗi có khi yêu luôn cả cái thế giới của con, không phải người làm cha mẹ nào cũng có thể dễ dàng thay đổi quan niệm hay tư tưởng của mình vì con.

Kinh Bản Sanh 544

Quả tình thật khó mà thay đổi được tư tưởng, quan niệm của một người nào về bất cứ một điều gì.  Đối với cha mẹ thì lại còn khó hơn.

Trong mắt cha mẹ, người con luôn luôn là một đứa trẻ thơ dù đứa con ấy đã trưởng thành, đã vững chãi trong cuộc sống.  Cha mẹ dù tám mươi tuổi vẫn thương con sáu mươi.

Cha mẹ bạn luôn nhớ hình ảnh ngây thơ bé bỏng của bạn, khi bạn chỉ là một chú nhóc tì lủn tủn quấn quít bên chân họ.  Thực sự họ luôn nhớ đến quãng thời gian mà bạn còn là một bào thai mong manh chưa sanh ra.

Họ đã vui sướng, đã hồi hộp lo âu, đã đợi chờ suốt bao nhiêu ngày tháng dài, và rồi ngày bạn lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, bé bỏng đáng yêu trong tay họ.

Vì thế rất khó mà lay chuyển, thay đổi được tư tưởng cha mẹ để cùng hoà điệu với ý kiến quan điểm của bạn hiện nay.

Cha mẹ bạn thương yêu bạn nhiều lắm, và chắc chắn, không nghi ngờ gì cả, bạn cũng đã hết sức khuyên giải trình bày với cha mẹ mình những gì bạn nghĩ, bạn muốn, bạn cần, nhưng để thay đổi suy nghĩ hay quan niệm của họ về một vấn đề gì đó thì quả tình đó là một sự khó khăn nhất trên đời.

Sự cảm thông thực sự giữa cha mẹ và con cái, giữa người già và người trẻ không phải dễ dàng.

Do đó, bạn cần nên nhớ hai điều chính sau đây.  Thứ nhất, nên nhớ rằng đời sống của bạn chính là của bạn, thì cuộc đời của cha mẹ là của cha mẹ, hãy nên để cha mẹ sống tự do theo ý của cha mẹ.

Thứ hai, theo lời Phật dạy, bạn cần phải luôn khắc ghi trong lòng là cha mẹ rất thương yêu và hy sinh tất cả cho con nên họ rất mong muốn con sẽ được sống hạnh phúc.

Đó là một sự kiện tự nhiên như gió thổi thì mát, trăng tròn lại khuyết; cha mẹ thương con và lo cho con cũng tự nhiên như đất trời vậy.

Vì thế, nếu thực sự bạn cần phải thay đổi quan điểm của họ – tốt hơn hết không nên dùng lời nói tranh cãi trình bày – bạn chỉ cần chứng tỏ cho họ thấy là bạn đang rất hạnh phúc, rất vui vẻ, rất thành công qua nếp sống, qua phương cách hành xử, qua sự giao tiếp, trong công việc của bạn, trong đời sống lứa đôi của bạn, v.v.

Chắc chắn cha mẹ bạn, vì thấy bạn hạnh phúc thực sự, sẽ tự thay đổi và hiểu bạn nhiều hơn, thông cảm bạn nhiều hơn, và chính bạn rồi cũng sẽ làm cha mẹ sau này, bạn sẽ biết cách xử thế sao cho tất cả mọi người đều hòa hợp, vui vẻ, cảm thông nhau sâu sắc hơn.

Đức Phật phải làm gì để săn sóc cha mẹ khi già yếu?

Ngày xưa tôi đã được cha mẹ săn sóc thương yêu, bây giờ khi cha mẹ già nua đau yếu, tôi phải kính thương và săn sóc phụng dưỡng họ. Tôi sẽ thực hành y theo tất cả những gì cha mẹ tôi đã làm cho tôi.

Tôi sẽ gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng như tất cả những truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Tôi sẽ bảo vệ, quản lý và phát triển tất cả tài sản mà cha mẹ để lại cho tôi.

Kinh Trường A Hàm 31

“Xưa kia tôi được cha mẹ thương yêu chăm sóc, bây giờ khi cha mẹ già yếu, tôi phải kính thương phụng dưỡng họ.”  Câu nói đó thật tuyệt vời cảm động xiết bao, nhưng ngày nay, ít có ai thực hiện.

Lời dạy của Phật thật ý nghĩa thâm thúy vô cùng, không chê trách vào đâu được: người con phải luôn giữ bổn phận kính hiếu và phụng dưỡng cha mẹ không những trong lúc tuổi xế chiều mà mọi thời, mọi lúc, mọi nơi.

Cha mẹ càng sống lâu, người con hiếu thảo càng vui mừng, càng hết lòng phụng dưỡng tôn thờ, càng cầu nguyện cho cha mẹ sống đời trăm tuổi với con.  Đó mới đúng là đạo hiếu.

Xưa kia khi Đức Phật còn tại thế, người ta chỉ sống độ khoảng sáu, bẩy chục tuổi.  Tuy nhiên ngày nay, có thể do đời sống vật chất sung mãn hơn, y học tiến bộ hơn, người ta có thể kéo dài tuổi thọ nhiều hơn, có người sống đến tám, chín chục tuổi cũng là lẽ thường.

Theo thống kê trên thực tế thì chỉ có một số ít các quốc gia văn minh giàu có trên thế giới mới thực hiện được chương trình chăm lo sức khoẻ người già yếu, neo đơn, bệnh tật; ngoài ra tất cả đều do gia đình tự đảm trách bổn phận ấy, vì thế nếu cha mẹ không thể tự lo liệu được, con cái phải gánh vác bổn phận và trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu ốm đau.

Hãy đọc kỹ lại lời dạy của Đức Phật về hạnh hiếu.  Hạnh hiếu là hạnh Phật.  Người con phải tuân giữ truyền thống của gia đình, phải biết giữ gìn cẩn thận và phát triển tài sản của cha mẹ để lại, phải làm rạng danh tổ tiên dòng họ.

Phật đã dạy chúng ta những nguyên tắc cần yếu phải tuân thủ để trở thành người con chí hiếu.  Đúng vậy, phương cách sâu xa, chuẩn xác, đúng đắn nhất để vinh danh dòng họ chính là phát huy truyền thống, tài sản, và gương sáng của ông bà, cha mẹ ngay đời sống hiện tại và tương lai.

Đức Phật phải làm gì khi gia đình bị khủng hoảng?

Thành viên trong gia đình nương tựa vào nhau như cây cối trong rừng bám vững chắc với nhau, không hề hấn suy xuyễn gì khi bị mưa sa bão táp.

Nếu cây nào đứng riêng rẽ một mình, dù là cổ thụ, vẫn có thể bị trốc gốc đổ nhào xuống bởi cuồng phong.

Kinh Bản Sanh 74

Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không khác gì những sinh linh khác, ngay cả loài cây cỏ.  Phật đã khéo léo dùng ẩn dụ cây cỏ để thuyết minh sự nương tựa, tương trợ lẫn nhau của loài người – đó là rễ cây bám sâu chắc vào lòng đất, nuôi sống các cành lá tươi tốt xanh thẫm.

Con người cũng vậy, như loài cây cỏ, đều nương tựa, giúp sức nhau như các cành lá quấn quít xen kẽ đan chặt vào nhau và vươn lên phát triển sức sống nhờ vào rễ cây bám sâu chắc vào lòng đất.

Các thành viên trong gia đình ủng hộ, che chở, và giúp sức cho nhau chống lại những nghịch cảnh phong ba cuộc đời, không để cho một ai bị xâm phạm, bị đe dọa, bị nguy hiểm, cũng giống như cây cối trong rừng nương tựa vào nhau, chống đỡ cho nhau mỗi khi bị cuồng phong bão táp.

Có một câu ngạn ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao.” Đúng vậy, nếu chúng ta sống đơn độc cô lẻ như cây một giữa rừng thì chúng ta chắc chắn dễ bị đốn ngã; chỉ cần một cơn gió lốc thôi, thân cây cô độc đó sẽ bị trốc gốc ngã nhào, nhưng nếu chúng ta cùng đứng chung lại với gia đình thì tất cả thành viên trong gia đình, dòng họ sẽ sát cánh ủng hộ, che chở, nâng đỡ cho nhau.

Sức mạnh tập thể gia đình là sự đoàn kết tin tưởng nhau.

Cây cối trong rừng cũng vậy.  Chúng vươn dài cành lá, quấn quít vào nhau để tăng thêm sức mạnh, thêm vững chắc mỗi khi gió bão nổi lên.

Chúng ta có giống như loài cây không? Có vươn dài đôi tay ra giúp đỡ, che chở cho nhau để cùng ứng phó bão táp cuộc đời không?

Thực tế thì đôi khi cũng ít có hay khó có sự hòa hợp, thông cảm, hiểu biết hay thương yêu nhau giữa những thành viên trong gia đình.

Rễ cây tình thương của chúng ta nhiều khi đã bị lung lay, bị nghiêng ngữa, bị trốc gốc vì thành kiến, vì bất đồng tư tưởng, vì sai biệt quan điểm, v.v. tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cần phải xóa bỏ hết đi những tị hiềm, hiểu lầm đó mà mở rộng vòng tay đón nhận nhau, che chở cho nhau, nâng đỡ nhau để cùng tiến bước trên con đường đời vốn dĩ quá nhiều chông gai sỏi đá.

Nếu chúng ta ủng hộ và thương yêu những thành viên trong gia đình, chắc chắn họ sẽ ủng hộ chúng ta và thương yêu trở lại chúng ta.  Sức mạnh tinh thần tập thể gia đình thân tộc đó là sức mạnh lớn nhất của loài người.

Đức Phật phải làm gì nếu gặp phải đứa con ngỗ nghịch?

Những đứa con ngỗ nghịch, khó dạy bảo thật sự đã làm cho cha mẹ phiền muộn đau khổ đôi khi đến chết, tuy nhiên những bậc làm cha mẹ luôn luôn tha thứ cho chúng bởi vì chúng là con cái của họ, do chính họ sanh ra.

Thi hào Bankei

Tại sao chúng ta lại có thể chịu đựng được những đứa con ngỗ nghịch, cang cường khó dạy bảo như thế nhỉ?  Tại vì, như Bankei nói, những đứa con ngỗ nghịch đó là hình ảnh phản chiếu lại chính bản thân chúng ta.

Chúng ta cưng yêu, chìu chuộng con cái chúng ta.  Chúng ta không muốn làm tổn thương chúng.  Đó là một mặt tốt của những bậc làm cha mẹ, tuy nhiên quá nhiều khi chúng ta không bao giờ vạch ra sự giới hạn phải có của hành vi, cách sống hay nếp suy nghĩ của con mình.

Chúng ta không bao giờ dám nói tiếng ‘không’ với chúng cả.  Sự cưng chìu quá độ của chúng ta có thể đã làm hư hại chúng, có khi đến mức không thể vãn hồi được.

Đó là khuyết điểm, mặt xấu của cha mẹ không biết hướng dẫn, dạy dỗ, giáo dục con cái.

Đức Phật không nói chúng ta phải quá nghiêm túc, khắc nghiệt với con cái.  Phật cũng không muốn chúng ta bóp méo hay làm lệch lạc tâm hồn non nớt của chúng.

Phật dạy chúng ta phải biết nuôi dưỡng tánh tốt, trí tuệ của trẻ con.  Hơn thế nữa, chúng ta phải biết hướng dẫn dạy bảo cho chúng nhận thức rằng hạnh phúc và sự hài lòng vừa ý luôn đến từ bên trong tâm hồn, không phải từ bên ngoài.

Trong thực tế, phần đông các bậc làm cha mẹ luôn nghĩ là con mình không bao giờ hiểu biết hoặc thông suốt được cái gì cả.

Trong mắt họ, những đứa con luôn là những trẻ nít, chưa bao giờ khôn lớn, trưởng thành.  Lúc nào chúng ta cũng muốn răn đe, dạy bảo, nhắc nhở chúng từng ly từng chút.

Lẽ đương nhiên tâm lý của những trẻ con rất khó mà chấp thuận cái lối hành xử ấy của cha mẹ chúng; chúng muốn được xem là người lớn, có chiều sâu tư tưởng.

Vì thế, chúng ta cần nên hiển bày cho con cái chúng ta biết rằng chúng ta tôn trọng tư tưởng, cảm nghĩ, và tình cảm của chúng, đồng thời nghiêm từ, khéo léo dạy bảo chúng sống chính trực, trung hậu, hữu ích và hướng về đời sống nội tâm, tinh thần cao thượng.

Đừng bao giờ để con mình vượt giới hạn và vị trí của chúng.  Đừng bao giờ nuông chìu con cái quá mức và cho rằng đó mới là tình thương cha mẹ ban cho con.

Hãy chứng tỏ cho con cái hiểu rõ rằng cha mẹ của chúng đã sống, đã lớn khôn, đã thành đạt từ sự giáo huấn nghiêm từ của ông bà, tổ tiên trước kia và đó chính là sự quan trọng nhất trong phương cách giáo dục trẻ con thành người tốt, có hữu ích giá trị cho quốc gia, xã hội và nhân loại.

Đức Phật phải làm gì khi được gia đình viếng thăm?

Hãy đối xử tử tế, nhã nhặn, cung kính tận sức, hết lòng khi được các thành viên gia đình viếng thăm, bởi vì ‘nhân nào quả nấy’, chúng ta sẽ được ân thưởng lại ngay kiếp sống này và những kiếp lai sinh.

Trích trong Saddharmaratnavaliya

Chúng ta đều biết rõ thật khó mà làm vừa lòng một ai, nhất là người trong gia đình với nhau.  Khi những mùa lễ hội hay nghỉ hè đến, bà con dòng họ thường hay viếng thăm nhau, có khi chỉ đôi ba ngày, cũng có khi lâu hơn.

Khi bà con dòng họ viếng thăm chúng ta, Phật không yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải trở thành những người chủ nhà toàn hảo, vì thực tế rất khó mà thực hiện nổi.

Không ai vừa lòng ai cả, ngay cả trời đất mà còn không chìu lòng được ai hết, huống chi những con người bình thường như chúng ta đây?

Những gì Phật dạy chúng ta đều có hai mặt. Thứ nhất, Phật dạy hãy cư xử hết lòng hết dạ với tất cả gia đình dòng họ, hãy đối xử với họ thật trung thực, tử tế, hòa nhã, khiêm cung mọi nơi, mọi lúc.

Thứ hai, những gì chúng ta đối xử với người khác sẽ được hoàn trả lại y như vậy.  Nhân nào quả nấy, có thể ngay trong đời này, chúng ta sẽ được đền trả tốt đẹp lại y hệt như chúng ta đã đối xử với người, có thể trong những kiếp lai sinh mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi.

Đó là một tư tưởng tuyệt mỹ.  Có thể bạn cũng như tôi có chút nghi ngờ về kiếp sau, tuy nhiên bạn có thể thấy rõ quan điểm của Phật về sự chăm sóc nâng đỡ nhau của bà con dòng họ.

Hãy cư xử thật tốt với nhau, vì gia đình là một yếu tố của xã hội, của quốc gia, của thế hệ mai sau.  Chúng ta sẽ thấy cuộc đời này, thế giới này là một nơi đáng yêu, đáng sống, và chan hòa tình thương.

Đừng lên án một ai hay một vấn đề gì, đừng chê bai chỉ trích một ai hay một vấn đề gì, đừng phiền muộn gì cái thế giới này.  Sống được như vậy, những điều tốt đẹp mà chúng ta cư xử với mọi người chung quanh sẽ lan rộng ra, và kéo dài đến tận những thế hệ con trẻ mai sau.

Đức Phật phải làm gì đối với một người bạn bị ghiền ma túy?

Khi một người nào đó bị lệch lạc tư tưởng và có những hành động sai lầm, tốt hơn hết là những người bạn chân tình của hắn phải biết khuyên răn, nâng đỡ, lôi kéo, thậm chí có khi phải dùng đến vũ lực, cốt sao giúp kẻ lầm đường lạc lối kia quay trở về đường ngay nẻo thẳng.

Kinh Bản Sanh 20. 23

Thời đại tân tiến ngày nay của chúng ta đã xô đẩy chúng ta đến tận bờ vực của bất an và trầm cảm, nhưng đồng thời nó cũng cho chúng ta nhiều phương cách để giải thoát khỏi những doanh vây phiền muộn, bức xúc đó, thí dụ như những vở hài kịch.

Những buổi hòa nhạc, những trò chơi giải trí, những công viên xanh tươi mát mẻ, những thức ăn bổ dưỡng, những buổi họp mặt cuối tuần với gia đình, những cuộc du ngoạn, v.v.

Tất cả những thú tiêu khiển thân tâm đó đều giúp chúng ta phóng xả được những bất an, và khiến chúng ta có thể đối mặt đương đầu trở lại được sức ép mãnh liệt của bổn phận và công việc.

Song, cái thế giới hiện đại văn minh này cũng tạo cho chúng ta những cách thức rất tiêu cực và nguy hại khi chúng ta tìm cách trốn chạy những bất an, thất vọng, bất mãn, lo buồn bởi những áp lực của xã hội như là tự buông trôi đời mình, sống buông thả phóng túng, đắm mình trong trụy lạc, trong men rượu, trong ma túy hoặc bùng nổ, phẫn nộ, sử dụng bạo lực hoặc trầm uất, tự tử và điên loạn . . .

Chúng ta đã từng chứng kiến những người bạn hay những người xung quanh chúng ta bị trôi lăn tụt dốc thảm hại như vậy.  Chúng ta có phải là những người bạn chí thành chí thiết của họ không?

Có phải là những người bạn cứu tinh tốt bụng của họ không?

Có lẽ Đức Phật chưa bao giờ nghe những danh từ ‘chỏ mũi, can thiệp, dính líu, xía vào’ chuyện của người khác, nhưng chắc chắn đó là điều mà Phật mong mỏi chúng ta nên làm, cần làm nếu việc làm đó thiết thực, đúng đắn, đem lại lợi ích cho người.

Thậm chí nếu bắt buộc phải dùng đến vũ lực để giúp bạn chúng ta quay trở về đường ngay nẻo thẳng, thì chúng ta cũng phải ra tay một khi sức mạnh ý chí hay tinh thần của bạn chúng ta đã kiệt quệ, không thể tự lực đương đầu đối phó nổi những cơn ghiền ma túy hay những ma lực nguy hiểm khác.

Đó là một việc làm, một công tác thật sự khó khăn đòi hỏi sức kiên nhẫn và tình thương của chúng ta trên cuộc đời này, và đó cũng là một việc làm chẳng lợi lộc, chẳng danh tiếng gì cả, nhưng đó chính là một hành vi can đảm, cao thượng, thiêng liêng, và thánh thiện vô cùng.

Đó chính là việc làm phát xuất từ tình thương vô điều kiện – Tình Thương Vô Duyên Từ của Đức Phật và của chính chúng ta.

Đức Phật phải làm gì để giúp đỡ người khác?

Ta sẽ không bao giờ bỏ rơi bất cứ một chúng sinh nào.  Ta thương yêu chúng sinh bình đẳng như nhau.  Ta sẽ hướng dẫn tất cả chúng sinh đến tận cõi Niết Bàn giải thoát.

Lời Đức Phật

Từ thời gian này qua thời gian khác, từ sự tái sinh này qua sự tái sinh khác, Đức Phật đã cho hết tất cả, ngay cả bản thân mạng sống của Ngài để cứu độ chúng sinh, nhưng chúng ta chưa phải là Phật, chúng ta phải làm sao?

Đức Phật dạy chúng ta phải thực hành Bồ Tát đạo, phải trở thành những vị Bồ Tát bổ xứ thực thụ, nguyện trở về lại cái thế giới Sa Bà đầy khổ đau, phiền não, bất an này để cứu độ giáo hóa chúng sinh.  Những câu nói của Đức Phật trong bộ kinh Viên Giác đã toát yếu lý tưởng Bồ Tát đạo mà chúng ta nên phát tâm thực hành tinh tấn theo.

Đó là hạnh nguyện lợi tha của một vị Bồ Tát, người đã phát nguyện hy sinh cống hiến cả cuộc đời mình cho tất cả chúng sinh hữu tình.  Quả đúng vậy, hạnh nguyện đó thật thiêng liêng và từ ái bi mẫn vô cùng, và triệu triệu thập phuơng vô số chư vị Bồ Tát ở khắp mười phương đều lập đi lập lại lời thệ nguyện:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Các bạn hãy thực tập hạnh Bồ Tát này đi và lòng từ bi vô lượng sẽ nẩy mầm đơm hoa trong trái tim các bạn.

Đức Phật phải làm gì để củng cố tình bạn?

Chỉ bước song hành bẩy bước với chúng ta là người bạn mà chúng ta nghĩ tới khi cần sự giúp đỡ.  Bước mười hai bước với chúng ta là người bạn đồng chí hướng.  Cùng bước với chúng ta hàng tuần hàng tháng là anh em với chúng ta, nhưng bước lâu dài hơn trong cuộc đời, họ trở thành chính chúng ta, tuy hai mà một.

Kinh Bản Sanh 83

Có lẽ câu hỏi trên nên sửa lại chút ít rằng: “Đức Phật không nên làm những gì để củng cố tình bạn?”  Bởi vì Phật đã từng thực hành vô số phương tiện để xiết chặt sợi dây thân ái giữa mọi người lại với nhau.

Giúp đỡ bạn khi cần thiết tức là chúng ta gần gũi và sống với bạn nhiều hơn.  Phật dạy rằng chúng ta cần phải chia sẻ và giúp đỡ bạn khi cần thiết, không phải là nịnh bợ hay sợ hãi lòn cúi nhưng cốt yếu là xây dựng một nhịp cầu liên lạc mật thiết hơn, sâu sắc hơn giữa chúng ta và bạn.

Phật nhấn mạnh rằng sự tương quan mật thiết giữa bằng hữu với nhau cần phải duy trì, nuôi dưỡng và phát triển vì nó sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về chính bản thân mình.

Nói tóm lại, bằng hữu là ai?  Đó có phải chăng là trong nguời đó, chúng ta thấy rõ sự tương quan tương tức của tất cả van loại chúng sinh liên hệ chằng chịt với nhau?  Chúng ta thương yêu bạn của chúng ta bởi vì chúng ta hiểu họ, chúng ta chia sẻ với họ, chúng ta liên quan với họ.

Sự giúp đỡ nhau trong tình bạn sẽ nẩy sinh tình đồng chí hướng đưa đến sự kết nghĩa đệ huynh, và yêu thương nhau như ruột thịt, có thể sống chết vì nhau, vì cả hai liên đới mật thiết với nhau, tuy hai mà một, đồng một thể bất phân ly.

Đồng hành với nhau, có mặt trong nhau, chúng ta nhận thức sâu xa rằng chúng ta và bạn không bao giờ ngăn cách.

Đức Phật phải làm gì để thấu suốt sự tương quan giữa vạn loại chúng  sinh với nhau?

Trong sự tương quan giữa vạn loại chúng sinh, không có một loại chúng sinh hữu tình nào mà không đã từng đắp đỗi làm cha làm mẹ chúng ta, ít nhất là một lần.  Vì thế, chúng ta hãy làm tất cả điều lành để hồi hướng phước báu cho họ.  Đó cũng là một cách báo hiếu báo ân cho ông bà, cha mẹ chúng ta từ vô lượng kiếp trầm luân sanh tử.

Lời dạy của Nữ Thần Trí Tuệ Dakinis 1

Thế giới này thật lâu xưa, lâu xưa hơn chúng ta tưởng tượng và tin nổi.  Đức Phật dạy rằng trãi qua vô lượng a tăng kỳ kiếp và vô biên vô số tiến trình đầu thai và tái sinh, mỗi một loại chúng sinh hữu tình đều đã từng thay đổi, đổi thay làm cha làm mẹ chúng ta ít nhất là một lần.

Tình thương mà họ dành cho chúng ta trong vô lượng kiếp luân hồi đó cần được báo đền.

Chúng ta cần phải tôn trọng, tri ân, thương yêu và báo ân cho họ bằng cách làm tất cả mọi hạnh lành hồi hướng phước báu, cầu cho họ được giải thoát.

Lời dạy này tìm thấy trong Phật Giáo Nguyên Thủy Tây Tạng, do đại sư Liên Hoa Sinh tuyên thuyết ra.

Ngài không mong đợi hay yêu cầu chúng ta phải cứu độ giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình nhưng hãy chí thành khẩn thiết hồi hướng công đức khi thực thi những hạnh lành cho tất cả pháp giới chúng sinh đều được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Với lòng đại từ đại bi đó, đại sư Liên Hoa Sinh nhấn mạnh rằng chúng ta nên làm bất cứ điều thiện nào, dù nhỏ nhoi nhất, cho hạnh phúc và giải thoát của chúng sinh.

Dù chúng ta tin hay không tin về thuyết tái sinh, thì sự thực hành những việc làm tốt đẹp đó cũng giúp chúng ta đền trả báo đáp phần nào tình thuơng của vạn loại chúng sinh đã từng làm cha mẹ chúng ta, đồng thời cũng là một phương tiện hữu hiệu đánh thức tâm từ của chúng ta đối với tất cả các loài hữu tình và vô tình trên thế gian này.

Đức Phật phải làm gì khi người ta ganh đua nhau?

Nếu một cặp vợ chồng nào đó có bẩy đứa con và trong số đó có một đứa bị đau yếu èo oặt, thì bậc làm cha mẹ bao giờ cũng nghĩ nhớ và thương xót đứa con đau yếu bịnh tật này nhiều hơn.

Đức Phật cũng vậy, Ngài thương yêu và tìm cách cứu độ trước hết chúng sinh nào còn lầm lạc vô minh nhất.

Thiền sư Nichiren

Đức Phật yêu thương tất cả mọi người, nhưng Ngài không ban phát thì giờ đồng đều nhau cho mọi người.  Ngài luôn luôn đến với người nghèo khổ nhiều hơn là kẻ giàu. Chúa Giê Su cũng vậy.

Điều đó thoạt xem qua như có vẻ không bình đẳng, nhưng kỳ thực đó chính là cách bộc lộ tình thương đối với chúng sinh rõ rệt nhất của các đấng tối cao thánh thiện.

Thiền sư Nichiren so sánh tình thương của Phật đối với chúng sinh như cha mẹ thương yêu chăm sóc con đỏ của mình.  Cha mẹ giống như bậc lương y, từ mẫu luôn quan tâm chú ý đến bệnh nhân nào, đứa con nào cần sự chăm sóc đặc biệt nhất.

Đó không phải là sự lấy lòng cũng không phải là ân huệ gì cả, đơn thuần đó là tình thương từ ái của bậc làm cha mẹ,vì thế không thể đòi hỏi sự bình đẳng trong tình thương được.

Khi một đứa bé bị đau nặng, nó cần sự chăm sóc đặc biệt và có thể sự chăm sóc đó sẽ kéo dài hàng tháng hàng năm.

Trong sự khủng hoảng tinh thần, không những chỉ có những đứa trẻ con mới cần sự quan tâm đặc biệt mà ngay cả những người lớn, khi chạm trán đối mặt với những lo âu phiền muộn hay bất an đau khổ, họ cũng đều cần đến sự chăm sóc quan tâm chú ý của người thân.

Chúng ta phải làm sao?  Câu trả lời là tình thương. Những việc làm của chúng ta đều và phải bắt nguồn từ tình thương.  Muốn giúp người khác thoát khỏi âu lo, muốn trấn an người khác, chúng ta cần phải hiểu, quan tâm tới và thương yêu họ.

Khi một đứa bé hay một người bạn biết rằng chúng ta thực sự thương yêu quan tâm đến họ, họ có thể kiên nhẫn chờ đợi sự ban phát chia sẻ lòng trìu mến quan tâm đó của chúng ta; điều đó không có nghĩa là họ thích chờ đợi – nhưng có nghĩa rằng họ có thể xử lý tốt tình trạng chờ đợi đó.

Người thân hay bạn hữu của chúng ta đang trông đợi và rất vui khi chúng ta đến với họ bằng cả một tấm chân tình.

 

Xem thêm:

Đức Phật phải làm gì? – Chương Một

Đức Phật Phải Làm Gì ? Chương II – Hướng về một cái Tôi mới

Đức Phật phải làm gì? – Chương ba: Tình Yêu Chân Thiện

Đức Phật Phải Làm Gì ? Chương bốn: Khát vọng đời sống