Quán sát thân bất tịnh

Toàn Không Đỗ Đăng Tiến

(Tạp A Hàm quyển 3 Kinh số 809 từ trang 131 đến 135, quyển 4 Kinh số 1165 trang 215. Phật Học Phổ Thông từ trang 23 đến 30)

Quán thân dơ bẩn trừ ham sắc dục

quán sát thân bất tịnh

I )- Quán sát thân bất tịnh là gì?

Là quán chiếu quan sát phân tích tỉ mỉ thân người không sạch sẽ, không đẹp đẽ, cũng chẳng thơm tho, mà ngược lại, thân người dơ bẩn khó coi, hôi hám thối tha.

II )- Tại sao lại phải quán thân bất tịnh?

Hầu hết mọi người đều lầm tưởng cho rằng thân người là sạch sẽ đẹp đẽ thơm tho dễ thương đáng yêu. Nên đối với bản thân mình giữ gìn nâng niu, lo ăn lo mặc, tìm đủ cách để bồi đắp phục vụ cái thân. Không từ bỏ một hành vi xấu nào, bất chấp mọi thủ đoạn tàn ác vì mục đích phụng dưỡng nó. Đối với người khác phái, say mê đắm đuối, tìm đủ cách để chinh phục đoạt cho kỳ được.

Vì sự đánh giá sai lầm giá trị cái thân thể mình, và sự tham đắm sắc thân người không đúng sự thật, nên cuộc đời đã xấu xa lại càng tồi tệ hơn. Đây là hậu qủa tai hại của sự chấp ngã (chấp cái ta) chấp nhân (chấp người), cần phải quán thân bất tịnh để phá tư tưởng chấp ngã nhân.

Muốn biết thân người bất tịnh như thế nào, đức Phật dạy chúng ta quán sát từ lúc thụ thai tới lúc chết, thân người đều không sạch, có ba giai đoạn quán thân bất tịnh:

1)- Quán hột giống và chỗ ở không sạch (Chủng tử, trụ xứ bất tịnh):

Là quan sát hạt giống yếu tố nguyên nhân đầu tiên của sự sinh ra thân người, chủng tử của thân mạng gồm hai phần tinh thần và vật chất. Phần tinh thần gọi là “thần thức” hay “nghiệp thức” hay “thức thiện ác” của ý khẩu thân đã chứa trong “tàng thức” (A lại đa thức) của mỗi người mà người đời không hiểu gọi là “linh hồn”.

Khi con người chết đi, nghiệp lực dẫn dắt đi tái sinh tùy theo nghiệp đã tạo thiện hay ác mà được đến chỗ tốt hay xấu, nó là “sinh lực” và là “chủ nhân” của loài hữu tình.

Cái tàng thức hay thần thức này không trong sạch vì nó là kết tinh của đủ thứ tham sân tà kiến, yêu ghét, ác độc, nên nó xấu xa nhiễm ô bất tịnh.

Đã bất tịnh thì phải tìm bạn bất tịnh mà kết giao cho cuộc sống mới, nên mới tìm gá với, hòa duyên vào chỗ bất tịnh là tinh cha huyết (trứng) mẹ, tức là gá hòa vào cái thai mới kết tụ vậy. Tinh huyết là chất hôi tanh không thơm trong cơ thể con người.

Cái thai nhơ nhớp dơ bẩn, kẻ dơ bẩn phải ở chỗ không sạch, cái thai phải nằm trong cái bọc như trong ngục tối tăm. Cái thai phải nằm trong bào thai co quắp đầm mình trong nước máu nhớt hôi tanh trong suốt chín tháng mười ngày mới thoát ra được.

Khi ra, có khi gặp khó khăn, ra ngang ra ngược, có khi phải mổ thân mẹ để lấy ra, có khi bị ngộp thở, bởi vậy vừa ra khỏi bụng mẹ liền khóc thét lên “khổ qúa! khổ qúa!”.

Như vậy mầm sống đầu tiên của con người từ tinh thần đến thể chất đều không sạch, lại sống trong chín mười tháng ở nơi tối tăm dơ bẩn như thế. Quán sát rõ ràng rồi sẽ dẹp lòng kiêu căng về con người sạch sẽ đẹp đẽ thơm tho, dẹp lòng tham đắm say mê sắc thân người khác.

2)- Quán bản chất thân và thân sinh ra chất không sạch ( tự thể, tự tướng bất tịnh):

Về tự thể bản chất thân người vốn cấu tạo bằng những chất không sạch. Lấy thí dụ “tóc”, mọi người cho là đẹp, nhưng nếu không chăm sóc cắt tỉa uốn chải tắm gội xoa nước hoa dầu thơm thì làm gì có mùi thơm mà ngược lại có mùi hôi nồng nặc làm chỗ cho loài chấy rận sinh sống, Lúc ấy đầu tóc rối bù hôi hám như tổ cú, thử hỏi có ai yêu thích đắm say được nữa không?

Khi đem lột da mặt của một người, ta thấy thịt máu bầy nhầy trông phát khiếp sợ, có ai mê được cái mặt ấy nữa hay không? Thật khủng khiếp khi thấy một tai nạn làm vỡ bể đầu một người, lúc ấy máu chảy óc lòi ra thật là dễ sợ. Những chất trong con người chẳng có cái gì đẹp đẽ thơm tho cả.

Thân sau khi ra khỏi bụng mẹ, bắt đầu cuộc sống mới với sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý điều hòa với các bộ phận trong người thường tiết ra những chất dơ bẩn, mà ai cũng thấy là không sạch, ghê tởm cần phải tránh xa.

1- Về mắt: Hai mắt tiết ra chất nhử hay ghèn phải lau rữa, nếu người nào có một cục nhử ở khóe mắt, người khác trông thấy sẽ ghê tởm xa lánh.

2- Về tai: Hai lỗ tai lại tiết ra chất dơ khác gọi là ráy tai, ráy tai khô còn đỡ, nếu ráy tai ướt có mùi hôi gọi là thối tai, chẳng ai muốn gần người thối tai.

3- Về mũi: Hai lỗ mũi thường hay chảy nước, có khi đặc sệt xì ra coi khiếp qúa, nhất là những lúc cảm cúm càng sản xuất nhiều hơn nữa chất dơ bẩn này.

4- Về lưỡi miệng mồm hay chảy ra nước rãi, nhổ ra nước bọt, khạc ra đờm xanh đàm vàng gớm ghiếc qúa. Có người không gìn giữ hàm răng hay buồng phổi, nên mỗi khi nói chuyện mùi hôi trong miệng xông ra làm cho người đối thoại phải bật ngửa người ra xa!

5- Về thân: Trên thân có rất nhiều lỗ chân lông thường tiết ra mồ hôi khi nóng nực, gọi là mồ hôi vì mùi nó hôi chứ không thơm. Có người hôi nách, nếu không tắm rửa thường xuyên và bôi dầu khử mùi hôi, sẽ làm nhức mũi người bên cạnh. Thân còn hai lỗ nữa tiết ra nước tiểu khai khú và phân hôi thối khủng khiếp mà ai cũng biết không cần phải dài dòng. Khi bị bệnh nặng hay lớn tuổi, các chất nhơ nhớp dơ bẩn từ chín lỗ nêu trên không kiểm soát được nữa, chúng muốn ra lúc nào thì ra, gây biết bao khổ sở cho thân người và làm ghê tởm cho cả những người khác nữa. Như hắt hơi, ho bắn ra đàm, nước tiểu hay phân rỉ chảy ra, thật khó coi, nhơ nhớp hôi hám.

Như vậy, rõ ràng thân người thật ra là đáng ghê tởm, nhưng ít người thừa nhận như thế do sự mê muội từ nhiều đời nhiều kiếp tham đắm bề ngoài, nhầm cái đẹp hào nhoáng được che đậy bao phủ bởi lớp nhung lụa phấn son, nhưng chỉ ít giờ sau là chất bất tịnh lại hiện ra.

Hành giả quán sát thân mình hay thân người khác cũng dơ bẩn như nhau không hơn không kém. Khi nào thấy rõ ràng từ bản chất thân đến sự sinh sản của thân, sản xuất ra toàn là chất bất tịnh rồi mới đúng lý của nó.

3)- Quán sát người chết dơ bẩn thối tha (chung cánh bất tịnh):

Sau khi chút hơi thở cuối cùng, thần thức ra khỏi xác mang theo cái nghiệp đã gây ra trong suốt cuộc đời khi sống. Cái xác không hồn dần dần trở nên cứng ngắc, trả lại cho bốn đại là đất nước gió lửa. Hơi thở về với gió, hơi ấm về với lửa, chất lỏng về với nước, và chất cứng về với đất. Khi thân xác phân hóa thì những ruột gan phèo phổi v.v…tan rã thành nhơ nhớp hôi thối ghê tởm.

Dù cho xác chết là người đẹp người thân nhất trên đời, dù cho là cành vàng lá ngọc tiểu thơ công chúa, dù cho là nguyên thủ thống lãnh uy phong lừng lẫy v.v… cũng đều như thế cả. Nếu với khí hậu nóng nực không gìn giữ thân xác ấy trong phòng lạnh, chỉ vài ngày sau, chất nước phân hóa chảy ra, mùi hôi thối xông lên không sao chịu nổi.

Sự thật này được phơi bày rõ ràng trong thời chiến tranh, mà nhiều người đã từng chứng kiến cảnh xác chết rữa thối khiến phải bịt mũi nhắm mắt ngoảnh đi chỗ khác. Nói một cách tổng quát, dù người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, người đẹp kẻ xấu, người trẻ kẻ già, ai ai khi chết cũng trương sình mục rữa thôi tha ghê sợ cả.

Tóm lại, qua ba giai đoạn quán sát thân người bất tịnh nêu trên, chúng ta có quan điểm rõ ràng về những cái dơ bẩn của thân thể con người từ khởi đầu cho đến lúc chết.

Không có một tí gì là sạch sẽ thơm tho mà chỉ là che đậy đánh bóng thân bằng tắm gội chải chuốt phấn son trong nhất thời, và nếu buông lơi là chất dơ bẩn lại xuất hiện, vì cội gốc bản chất của thân thể là bất tịnh.

III )- Quán thân bất tịnh như thế nào?

Hầu hết mọi người đều qúy trọng thân mình, tham sống một cách mãnh liệt đến nỗi tìm mọi cách để phục vụ cho thân mình bất chấp mọi bất công phi lý, hành động hiếp đáp giành giật một cách tàn nhẫn.

Nếu quán sát kỹ càng, chúng ta sẽ thấy thân không qúy báu, không xứng đáng cho chúng ta tự hào hay tham đắm mến chuộng.

Chúng ta phải quán ngày quán đêm, quán nhiều lần, quán rồi quán nữa, quán không ngưng nghỉ về sự dơ bẩn của thân như thế rồi, ái dục, nhục dục, tham dục, tình dục sẽ bị tiêu diệt.

Những cái hôi hám, khắm khú dơ bẩn sẽ làm cho tính ham mê nhục dục nhạt nhòa, lòng khát khao tình dục xấu xa bị phá tan tành vì sự dơ bẩn khiếp đảm. Không còn thấy một tí nào đáng qúy đáng yêu cái thân hôi hám thối tha của mình của người được nữa.

Nếu chưa hết, chưa nhòa sự ham nhục dục, cần phải quán nữa, quán liên tiếp không ngưng nghỉ, đến khi nào thấy rõ như thật thân là bất tịnh, không muốn gìn giữ, không muốn gần gũi, muốn xa lià, muốn thoát ly mới thôi.

Khi nào không còn ham thích cái thân mình, không còn lưu luyến thân người khác phái, khi nào gần gũi cảm thấy chán ngán, thấy ghê sợ thật sự, mới tạm ngưng quán. Chỉ dừng quán khi lòng dục vọng, lòng ham thích nhục dục bị phá nát tan bởi quán chiếu sâu thẳm trong suy tư triền miên.

Chỉ ngừng quán chiếu thân bất tịnh khi ham muốn ái dục bị triệt tiêu không còn manh giáp, không còn cách nào ngóc đầu lên được nữa mới thôi.

Do sự quán sát nhận chân ra cái nhơ nhớp hôi hám của thân thể mà màn ảo ảnh đẹp đẽ thơm tho qúy hóa của xác thân người bị xé toang phơi bầy bộ mặt thật, giúp người tu hành hướng đến giá trị chân thật một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, chúng ta không nên kết luận một cách vội vàng rằng “cái thân bất tịnh thối tha nhơ nhớp, hãy diệt nó đi bằng cách tự tử chết cho rồi”.

Làm như vậy là xét đoán một cách nông cạn, vì trong thân bất tịnh còn có một cái qúy giá vô cùng, đó là “Phật tánh” đẹp đẽ sạch sẽ bất sinh bất diệt mà đức Phật đã cho biết.

Phật tánh tuy lẫn trong cái bất tịnh dơ bẩn, nhưng nó không bị nhiễm ô hoen ố như hoa sen từ bùn chui lên mà không dính mùi bùn, lại có mùi thơm đặc biệt. Nếu chúng ta biết lợi dụng cái thân không sạch không bền mà tìm ra cái sạch cái bền, chúng ta đã làm đúng ý mà đức Phật đã dạy vậy.

Như thuở ấy, thời đức Phật còn tại thế, khi Ngài ngự tại rừng Tát La Lê thuộc làng Kim Cương ven sông Bạt Cầu Ma, vì thấy các đệ tử phần lớn ham sắc dục, nên Ngài dạy các Tỳ Kheo quán thân bất tịnh, tu tập nhiều được lợi ích lớn. Sau khi giảng rồi, Ngài nhập thất hai tháng không tiếp xúc một ai, trừ người mang thức ăn và ngày trăng tròn thuyết giới.

Vào ngày Phật thuyết giới của tháng thứ hai, thấy thiếu vắng các Tỳ Kheo, Ngài hỏi Tôn giả A Nan, thị giả của Ngài do nhân duyên nào mà hội trường thưa vắng hơn trước. Bấy giờ Tôn giả A Nan mới trình bày rằng: “Sau khi giảng dạy về quán thân bất tịnh, Thế Tôn nhập thất, các Tỳ Kheo tinh tấn thiền quán thân bất tịnh sinh ra chán ghét cái thân dơ bẩn thối tha, không muốn sống nữa.

Do đó có nhiều người tự tử bằng cách uống thuốc độc, hoặc tự đâm, hoặc nhảy xuống sông, hoặc đâm đầu vào đá, còn phần lớn là nhờ người giết giùm. Có con của một tu sĩ ngoại đạo đã làm việc đi giết giùm các Tỳ Kheo chán cái thân thối tha dơ bẩn, nên tất cả đã có 60 Tỳ Kheo tự tử như thế”.

Rồi Tôn giả thỉnh Phật nói pháp khác khiến các Tỳ Kheo nghe xong tinh tấn tu tập trí tuệ, được sống an vui trong chính pháp.

Bấy giờ đức Phật liền giảng: tuy cái thân dơ bẩn thật sự như thế, nhưng nó còn có cái quý giá ở trong. Không nên bỏ cái thân, mà cần giữ cái thân gớm ghiếc ấy để thoát khỏi nó, thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Nếu chết rồi, sẽ lại có cái thân khác, còn dơ bẩn hơn nữa, không có ngày ra khỏi, mà cần phải tu để thoát ra khỏi, không còn tái sinh nữa mới đúng ý nghĩa.

IV )- Lợi ích của quán thân bất tịnh

Vì sự đánh giá sai lầm lấy xấu làm đẹp, lấy dở làm hay, lấy hôi thối làm thơm tho, thì tất nhiên cái đẹp cái hay cái thơm thật sự bị bỏ quên bỏ rơi không còn được biết đến nữa.

Phần lớn mọi người đã chấp cái “ta” tức là chấp cái thân nhỏ hẹp ngắn ngủi mà bỏ quên cái “tâm” rộng lớn đẹp đẽ bất biến trường tồn.

Làm thế nào để tìm ra cái bất biến trường tồn ấy? Bằng cách không coi thân mình là trọng, không coi thân người khác là đẹp là thơm, vì thực chất của nó là bất tịnh. Khi đã không thiết tha qúy mến thân mình và thân người nữa, sẽ không tìm đủ cách phục vụ thân mình hoặc chiếm đoạt thân người.

Khi không còn yêu qúy tham đắm sắc thân, không còn tham sân gây bao khổ não. Không còn tham sân gây bao khổ não, tâm không còn loạn động, hết vọng tưởng, được yên tĩnh thảnh thơi tiến tới thanh tịnh. Lúc đó chân tâm mới hiện ra, tức là được giải thoát vậy.

Nhưng vàng ngọc không phải tự nhiên có, mà phải tìm kiếm tôi luyện mài dũa mới có. Người tu hành cũng vậy cần phải gia công tu luyện, phải có sự sáng suốt không để cho ái dục khuấy phá, lấy giả làm chân lấy xấu làm đẹp.

Người tu hành còn phải thành thật với chính mình trong vấn đề quán sát và phải tôn trọng sự thật, không để thành kiến tự ái, vào hùa thiên vị xen vào. Đó là người có trí tuệ, cộng với sự kiên nhẫn bền bỉ nữa, khó gì không thành công tốt đẹp.

Như thuở xưa, Tôn giả Ưu Ba Ni Sa Đa quán thân người chỉ toàn là nhơ nhớp thối tha, từ chân đến đầu, từ ngoài vào trong. Từ tóc tai mắt mũi lưỡi răng cho đến tim gan phổi ruột, v.v… không cái nào sạch sẽ đáng tham đắm, không cái nào chân thật, tất cả chỉ là huyển hóa, che đậy, dối gạt.

Khi người chết thành một tử thi bỏ ngoài gò mả sình trương bầm tím, máu mủ chảy ra, gân thịt rữa thối, cầm thú rỉa ăn, ròi bọ sinh sản, xương gân ly tán.

Lúc ấy chỉ còn lại xương khô, dần dần tiêu thành tro bụi hư không, nên thân sắc chẳng khác với không. Quán sát thiền định kiên cố trong nhiều ngày như thế, Tôn giả ngộ thật tánh “sắc không không hai”, thành A La Hán, bậc Thánh, đã được Phật ấn khả.