PHẬT THUYẾT KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

PHẬT THUYẾT KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Ai đã là đệ tử Phật, phải chuyên tụng kinh Bát Đại Nhân Giác.

Điều thứ nhất: Phải biết rằng, cõi thế gian là vô thường, đất đai nọ chẳng vững vàng. Thân “tứ đại” khổ muôn đường. Bởi “ngũ uẩn” làm mơ màng. Là khổ cả, phải tỏ tường. “Sinh” rồi “diệt” biến đổi luôn. Giả dối hết, không chủ trương. Biển ác nọ, tâm là nguồn. Rừng tội đó, thân phải mang. Xem xét thế cho kỷ càng. Cầu “sinh, tử” liền qua sang.

Điều thứ hai: Phải biết rằng: Ham muốn nhiều nên mới khổ, nổi nhọc nhằn, cầu “sinh tử” vì đâu ra ? Bởi tham đó. Đạo “Vô vi” ta hâm mộ, lòng tục trần ta đánh đổ, cứ thế làm tất tới chỗ “Tự tại thân”, vui thiên cổ.

Điều thứ ba: Phải biết rằng: Cái tâm ta tham vô cùng, có bao nhiêu chẳng vừa lòng, biển tội ác càng mênh mông. Bậc Bồ Tát thì lại khác, “biết đủ” rồi thường an lạc, giữ đạo màu, theo “tiên giác”, vun “tuệ căn” không trễ nhác.

Điều thứ tư: Phải biết rằng: Hể biếng lười thì trụy lạc, tinh tiến lên trừ tội ác. Bốn con ma “tham, sân, si” với phiền não “tật đố” kia, nhờ tinh tiến đều xa lìa. Ma ngũ ấm: “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” biến muôn hình trạng, nhờ tinh tiến đều vắng lặng. Ma tử kia độc ác ghê, giết hại người thực vô kỳ, nhờ tinh tiến chẳng hải chi. “Tự tại thiên” ma cõi Dục cản việc lành, phá tính thực, khiến cho người càng ác độc, nhờ tinh tiến thoát địa ngục.

Điều thứ năm: Phải biết rằng: Vì ngu si “sinh, tử” hoài. Các Bồ Tát chăm dùi mài, học biết rộng, trí sáng soi, tài biện bác, giáo hóa người, cho hết thảy đều vui vầy.

Điều thứ sáu: Phải biết rằng, kẻ nghèo khổ hay oán hờn, cứ nhắm mắt mà làm càn. Hạnh Bồ Tát, nhứt bố thí, coi bình đẳng không khinh bỉ, oán thù xưa, kẻ độc dữ, cũng từ bi mà tha thứ.

Điều thứ bảy: Phải biết rằng, năm món dục “thanh, sắc, tài, ăn với ngủ” làm mê người, nên xa lánh, chớ miệt mài. Một bình bát, ba cà sa, quí pháp khí nguyện xuất gia, niềm thanh tịnh, giữ đạo ta, tu nết tốt, đức “Từ Bi” thảy chan hòa.

Điều thứ tám: Phải biết rằng, lửa sinh tử cháy nồng nàn, nỗi khổ não thực khôn lường. Mở cõi lòng, lòng “Đại Thừa” cứu hết thảy, tai nạn qua. Phát nguyện lớn vì chúng sanh, chịu thay hết nỗi khổ hình, cho đều được hưởng thái bình.

Tám điều trên. Là Chư Phật, cùng Bồ Tát, đã hiểu tất, nên làm đạo, tinh tiến thật. Đại Từ Bi “trí huệ” nhứt, cỡi con thuyền, thuyền “Pháp thân”, sang “Niết Bàn” vui vô ngần. Lại trở lại cõi hồng trần cứu đại chúng thoát khổ nàn.

Lấy tám điều, tám điều trên, để chỉ dẫn đều tiến lên, cho chúng sinh rõ nhãn tiền, biết “sinh tử” khổ vô biên. Bỏ “ngũ dục”, tu đạo liền, Đạo đạo thánh, Tâm tâm niềm.

Đệ tử Phật cứ một môn, tám điều đó, tụng tụng luôn, làm đúng mực, đạo vuông tròn, trong mỗi niệm tội tiêu mòn. Nhờ công ấy, sạch tội ác, tới Bồ Đề, lên Chánh Giác, hết “Tử, Sinh” thường an lạc.