Những Mẫu Pháp Thoại của Osho về Bát Nhã Tâm Kinh

Những ai đã từng thích thú, cảm hứng, ngấu nghiến đọc “Ngón tay Chỉ Đường” (Pointing The Way), “Không Nước Không Trăng” (No Water No Moon) và những quyển sách khác của Osho, chắc hẳn không còn lạ gì giọng văn ngang ngược, ngổ ngáo, trung thực, đầy khí phách của ông.

Tôi thiết nghĩ không cần phải giới thiệu dài dòng về một thiên tài văn chương và triết học đượm đầy tính chất tôn giáo như Osho. Tôi chỉ mong giới độc giả Việt Nam hãy đón chào Osho với một tâm hồn phóng khoáng, cởi mở hơn, hay nói cho đúng là “thiền” hơn một tí để có thể ngang nhiên lội ngược dòng Sanh Tử trở về cội nguồn uyên nguyên, nhìn lại con người thật của mình, tìm lại được chính bản lai diện mục của mình đã vô tình bị lãng quên trong những tháng năm dài phiêu bạt.

“Bát Nhã Tâm Kinh” (The Heart Sutra), một bộ kinh nòng cốt của Phật giáo, đã được Osho diễn đạt qua sự tư duy, chứng nghiệm tâm linh của cá nhân ông. Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với đường hướng suy nghĩ diễn giải của Osho, song như Chư Tổ đã nói: “Chân Lý như viên kim cương, chiếu soi mọi góc cạnh; mỗi người nhìn đạo, đến với đạo khác nhau, không có ai tu chứng giống ai cả, nhưng rồi cũng như nước trăm sông đổ dồn về biển cả.”

Với trình độ diễn dịch còn rất hạn hẹp, tôi biết chắc sẽ gặp rất nhiều khiếm khuyết khi dám chọn dịch “Bát Nhã Tâm Kinh” do Osho viết; tuy nhiên, người ta thường nói “viết hay không bằng hay viết, nhưng hay viết cũng không liều bằng dám viết” nên rất kính mong các bậc Tôn Túc, các vị cao minh và thiện tri thức chỉ dạy thêm để tôi được học hỏi, tiến triển tốt đẹp hơn nữa trong công tác Văn Hoá Giáo Dục.

Hy vọng tập dịch thuật này sẽ không khiến quí độc giả thất vọng quá và rất mong đón nhận mọi phê bình, góp ý của qúi vị.

Thích nữ Minh Tâm đệ bút

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Con xin đê đầu đãnh lễ cảm niệm công đức của Hòa Thượng Thượng Thủ Tăng Già Thế Giới kiêm Viện Chủ Tổ Đình Từ Quang (Montreal, Canada) đã dạy bảo con nhiều trong đời sống tu hành cũng như công tác dịch thuật pháp thí.

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Hòa Thượng pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành.

Nguyện đem công đức pháp thí này hồi hướng về:

-Bổn Sư: Sư Bà Viện Chủ chùa Phước Hải (Sàigòn, Quận 10, Việt Nam) được tăng long phước thọ, viên mãn hạnh nguyện.

-hương linh song thân được tiêu diêu lạc cảnh và tất cả pháp giới chúng sinh trọn thành chánh quả.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát

Đệ tử Thích nữ Minh Tâm cẩn bút

Chân thành cảm niệm công đức của đạo hữu Nguyễn Ngọc Hội (SC) và đạo hữu Trần Mạnh Hùng, pd Tuệ Cường (VA) đã hoan hỷ bỏ nhiều công sức và thì giờ giúp tôi hoàn thành những tác phẩm dịch thuật và trang website riêng cho tôi.

Kính nguyện Chư Phật gia hộ cho qúi đạo hữu thân tâm thường an lạc và tinh tấn.

Vài lời giới thiệu:

Trong khoảng không gian vô biên, cuộc hạnh hội với Sư Cô Minh Tâm tại chùa Phước Long (Connecticut) và sự trao đổi cùng Sư Cô trong ý niệm tinh thần Đạo Pháp đã để lại trong tôi nhiều hình ảnh đẹp. Tuy giữa hai lãnh vực dị biệt, Huệ Không tôi vẫn cảm nhận về Sư Cô đã có một quan niệm rất sâu rộng và cao thượng, dầu Sư Cô là Ni giới; nhưng đầy đủ tánh khí cùng với lòng phấn đấu trong hai thái cực Đạo – Đời.

Về mặt thế gian pháp, Sư Cô đã đem hết sở học cống hiến cho xã hội nhân sinh thêm phần tươi sáng, còn về mặt Đạo thì Sư Cô cũng đặt hết tâm lực vào những tác phẩm dịch thuật hay tự viết ngõ hầu chia xẻ trong ý niệm đạo vị cùng qúi pháp lữ trên tinh thần ngưỡng mộ Phật Pháp, cho nên trong những tác phẩm dịch thuật của Sư Cô Minh Tâm như: Ngón Tay Chỉ Đường, Trong Động Tuyết Sơn, Không Nước Không Trăng, hay các tuyển tập như: Bùng Vỡ, Tử Niệm v.v. tuy là văn chương nhưng không kém tánh chân thực, trong sáng; dù sư Cô dịch thuật nhưng chẳng ngoài một điểm “Tinh Minh” theo tinh thần “Bát Nhã”. Bởi thế, Sư Cô đã không quản ngại khó nhọc về việc học hành và nhiều phương diện khác, trực chỉ một mục đích duy nhất là góp một chút cho đời trong triết học văn chương và cho Đạo trong tinh thần Bát Nhã bất diệt.

Qua ý niệm sơ giao cùng cảm niềm thơ văn trong tay bút, đồng thời Huệ Không tôi hữu duyên có đọc qua những tác phẩm của Sư Cô đã xuất bản trong thời gian qua, nay lại được hữu duyên được Sư Cô mời viết vài lời lược nhận nói lên đôi nét tinh thần tay bút trong cuộc đời tu sĩ. Theo ý nghĩ của Huệ Không tôi, văn chương thi phú khó thành câu; còn nếu đã thành câu rồi thì ý nghĩa càng khó hơn, bởi vậy tôi rất cảm thông sự hy sinh của Sư Cô và xin cầu chúc Sư Cô được gặp nhiều thắng duyên trên bước đường hành Đạo.

Đôi lời tóm lược, cảm nhận người pháp lữ và xin mạo muội chân thành chia xẻ cùng qúi độc giả trong tinh thần Đạo Pháp, Triết Học, Văn Chương và Thi Phú.

Liễu liễu văn thi kệ,

Minh nguyệt trừng sơn đỉnh

Thủy lặng thính Thanh Khê
Ngã tri ngã Tâm Minh.

Sa Môn Thích Huệ Không

Những Mẫu Pháp Thoại của Osho về Bát Nhã Tâm Kinh

Chương Một

Phật ở trong Anh

Tôi đãnh lễ vị Phật trong anh. Anh có thể không biết; anh có thể chưa hề mơ nghĩ đến chính mình là một vị Phật; rằng Phật tánh vốn sẵn có trong anh; là trung tâm điểm củabản thể; Phật tánh đó không phải là một cái gì sẽ xảy đến ở tương lai mà nó đã vốn hằng hữu thường trụ.

Chân Như, Phật tánh là uyên nguyên, là cội nguồn xuất xứ mà cũng là mục đích tâm linh cuối cùng của anh. Từ Chân Như chúng ta đến và cũng từ Chân Như chúng ta đi tới. Chỉ một danh từ Chân Như đó thôi đã dung chứa tất cả – toàn thể dòng sống nhân quần từ A đến Z – nhưng anh đang mê ngủ nên anh không nhận thức rõ anh là ai. Anh phải quay trở về, anh phải tìm cho ra và nhận mặt rõ ràng con người thật của anh, anh phải nhìn sâu vào tận đáy hồn anh. Sự chạm mặt, sự đối diện với chính anh sẽ giúp anh thấy lại được Phật tánh của mình. Ngày mà con người nhìn thấy được chính họ, toàn thế giới hiện hữu sẽ bừng sáng; nhưng không phải cái “tôi” của con người đó giác ngộ, cái “tôi” nhỏ bé tầm thường đó phải tan biến đi trước khi con người giác ngộ. Vì thế không thể nói “tôi giác ngộ” mà chỉ có sự “giác ngộ”.

Từ phút giây bừng tỉnh cơn mê dài đó, tôi không thấy gì hết ngoài Phật – dù dưới nhiều dạng hình, dưới nhiều danh hiệu, với hàng ngàn lẻ một vấn đề – nhưng Phật vẫn thế, như như bất biến.

Vì thế, tôi cúi đầu đãnh lễ vị Phật trong anh.

Tôi vô cùng sung sướng khi thấy hằng hà sa số Phật đang qui tụ về đây. Sự kiện anh đến với tôi là sự khởi nguyên bắt đầu của tánh trực nhận. Lòng tôn kính chân thành từ đáy trái tim anh cho tôi, tình yêu trinh nguyên tận đáy hồn anh cho tôi, chính là niềm Tôn Kính và Tình Yêu cho khả tánh Phật của anh. Niềm Tin anh dành cho tôi không phải là niềm tin vào cái gì ngoài con người anh, mà đó chính là lòng Tự Tin Tuyệt Đối. Anh tin chính anh, chính con người anh qua tôi. Anh tin vào chính anh, anh nhìn thấy con người thật của anh qua hình bóng tôi. Khi đến gần tôi, hòa nhập vào tôi, anh đã đến với anh, anh đã tan biến vào biển Chân Như Phật Tánh trong anh. Chỉ có sự Trực Nhận thẩm thấu. Anh đã chạm đến sự trực nhận. Hạt kim cương vốn từng ở đó, vẫn từng ở đó, nhưng anh đã lãng quên, hay anh chưa từng nhớ đến nó từ lúc anh góp mặt vào dòng đời luân chuyển.

Emerson đã nói một câu bất hủ: “Con người là Thượng Đế trong hoang t àn đổ nát”. Tôi đồng ý và cũng không đồng ý. Về nội tại, sự thưc cũng có lẽ như vậy, nhưng con người không đúng như nó đã là. Chiều sâu nội tại vẫn ở đó nhưng có phần lật ngược. Con người không phải là Thượng Đế trong đổ nát điêu tàn, mà con người chính là Thượng đế trong sáng tạo; con người là một vị Phật đang thành.

Mầm giác ngộ vốn có sẵn ở đó, và có thể khai hoa nở nhụy bất cứ lúc nào: chỉ cần một cố gắng nho nhỏ mà thôi, chỉ một sự giúp đỡ rất nhỏ mà thôi . . . và sự giúp đỡ đó không phải là nhân tác động để mầm giác ngộ đâm chồi – vì Phật tánh, vì giác ngộ vốn đã hiện hữu trong anh tự xưa nay. Sự cố gắng đó của anh chỉ là cái duyên thúc đẩy để vén lên bức màn vô minh, để chỉ cho anh thấy cái tiềm ẩn, sâu thẳm, dấu kín trong anh. Đó là một sự khám phá nhưng sự thực vốn không thay đổi, luôn hằng hữu.

Chân lý mãi mãi bất diệt.

Hãy lắng nghe những lời kinh tuyệt diệu này vì đó chính là những lời kinh quan trọng nhất trong toàn bộ văn chương giáo lý nhà Phật. Vì thế, những câu kinh này đã được gọi là Tâm Kinh, Kinh Trái Tim, phần cốt lõi của thông điệp giáo lý của Đức Phật.

Nhưng tôi đây muốn bắt đầu đi từ cái khởi nguyên của Tâm Kinh. Chỉ từ điểm này, Phật giáo mới đúng là thích hợp, thích ứng: cứ để yên đấy trong tâm cái tư tưởng “Ta là một vị Phật”. Tôi biết anh sẽ cảm thấy tự phụ, kiêu ngạo, ra vẻ ta đây hoặc là sẽ không tin hoàn toàn và cho lập luận “Ta là một vị Phật” đó đầy tính chất giả thuyết. Cũng đúng thôi, tự nhiên thôi, tôi biết chắc như vậy; vì người nào phải có một niềm tin bất di bất dịch, tuyệt đối lắm mới đón nhận nổi tư tưởng “Ta là một vị Phật sẽ thành”. Cứ để yên đấy đi, khoan dấy động vội – cứ để yên tư tưởng đó trong nụ mầm sẵn có. Chung quanh sự kiện đó, có rất nhiều việc bắt đầu xẩy ra, và chỉ chung quanh sự kiện đó, anh có thể sẽ nhận hiểu được nghĩa lý Tâm Kinh.

Bát Nhã Tâm Kinh (Prajnaparamita Sutras) thật vô cùng cô đọng, xúc tích, hàm chứa, sâu nhiệm và quyền năng tột bực. Nhưng với nền tảng đó, với cái nhìn nhận định trong tâm tư: Anh là một vị Phật, rằng anh sẽ thành một vị Phật, rằng anh có tiềm năng Phật tánh giác ngộ để có thể trở thành một vị Phật, rằng không có cái gì khiếm khuyết, tất cả đều sẵn sàng, chỉ cần sắp đặt mọi vật cho có trật tự, và cũng chỉ cần một chút ý thức, một chút tỉnh thức thôi . . . và anh cũng chỉ cần thắp sáng ngọn đèn trong căn nhà tối tăm của anh, thì một khi ánh sáng tỏa ra, bóng tối liền biến mất, anh sẽ tìm thấy lại được kho tàng vốn có nhưng bị che dấu tự bấy lâu nay. Tìm lại được kho tàng tâm linh, anh sẽ không còn là một tên ăn mày khốn khổ nữa, anh sẽ là một quốc vương, một hoàng đế, một vị Phật. Cả một vương quốc tâm linh đồ sộ đó là của anh, thuộc về anh, là chính anh!

Song, anh sẽ không bao giờ xác nhận được vương quốc tâm linh đó nếu anh cứ tự cho rằng mình là một tên ăn mày. Anh sẽ không bao giờ dám mơ ước tới chứ đừng nói chi là nghĩ tới, nói ra và tin chắc là mình thực giàu có, mình thực là hoàng đế cả. Cái tư tưởng “anh là một tên ăn mày, anh thiệt là vô minh ngu ngốc, anh đầy tội lỗi” đã được các tu sĩ rao giảng trên bục đàn từ bao thế kỷ nay đến nỗi nó thấm sâu vào máu xương anh, thôi miên anh, khiến anh hụp lặn torng vùng ảo giác mờ mịt, và biến anh trở thành một con cừu non kêu be be những tiếng kêu vô vọng ngờ nghệch.

Bây giờ, vùng ảo ảnh đã tan biến, thuật thôi miên đó đã mất hiệu lực. Để bẻ gãy đập tan cái trò thôi miên gây ảo giác đó, tôi bắt đầu bằng cách cúi đầu “đãnh lễ vị Phật trong anh”. Đối với tôi, anh đã là Phật từ vô lượng kiếp xa xưa. Tất cả những nổ lực của anh để được giác ngộ thật lẩn thẩn, buồn cười làm sao nếu chính anh không dám đón nhận sự thực thuần chất đó. Sự hiểu biết nhận thức đó tiềm tàng sâu xa, không hiển lộ ra, và chính anh phải sống thực với sự thực đó. Anh phải đoan quyết “Ta là một vị Phật!” Đây là một sự bắt đầu hợp lý, đúng lúc, đúng thời cơ. Hãy bắt đầu với nhận thức đó, và anh đừng e sợ, lo lắng là sự nhận thức “Ta là một vị Phật” sẽ cấu tạo ra cái tự ngã hợm hĩnh. Đừng lo sợ gì cả, vì toàn bộ tiến trình giáo lý Bát Nhã Tâm Kinh sẽ giúp anh phóng thể, khai sáng cái bản ngã: cái “Tôi” đó thực không hiện hữu – chỉ cái “Tôi” đó là cái duy nhất không hiện hữu, không thực! Ngoài ra tất cả đều thực có.

Có nhiều đạo sư đã nói: “Thế giới này là ảo ảnh và linh hồn mới hiện hữu – cái ‘Tôi” là thực, ngoài ra đều là ảo giác.” Đức Phật lại giảng trái ngược lại: “Cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực.” Tôi đồng ý với Đức Phật về quan điểm này hơn tất cả những lập thuyết, quan niệm của những đạo sư khác.

Chiều sâu nội tại giác tĩnh của Phật thật sâu thẳm vô cùng; là chiều sâu tỉnh giác kín nhiệm nhất, không ai và cũng không có cái gì sánh bằng. Chưa có một ai có thể đặt chân tới, len lỏi tới lãnh vực bí mật kín nhiệm như thế; chưa có một ai có thể chạm tay tới chiều sâu và cao của Chân Lý như Đức Phật. Cho nên đừng sợ gì cả, hãy để tư tưởng “T a là một vị Phật” lan tỏa thấm sâu vào từng tế bào cơ thể anh và từng lớp ý nghĩ suy tư của anh, hãy để nó chui vào từng góc kẹt, xó xỉnh của dòng sống hiện hữu của anh, rằng “Ta là một vị Phật”. Đừng lo sợ gì cả. “Cái Tôi” và “Phật Tánh” thực ra không thể tồn tại, hiện hữu cùng một lúc được. Một khi Phật Tánh hiện diện, thì cái Tôi phải vắng bóng, y như bóng tối phải tan biến nhường chỗ cho ánh sáng tràn vào.

Trước khi đi vào Tâm Kinh, chúng ta cần trang bị một số kiến thức, cần chuẩn bị tư thế, cần thể nhập thông suốt một số vấn đề.

Những kinh sách Phật giáo cổ xưa có nói về Bẩy Tháp Báu, giống như các đạo sĩ Sufi (huyền bí của Hồi Giáo) nói về Bẩy Thung Lũng, và Ấn Độ giáo rao truyền về bẩy Bánh Xe Luân Hồi.

Tháp báu thứ nhứt tượng trưng thuần vật chất.

Tháp báu thứ nhì là thân tâm hợp.

Tháp báu thứ ba biểu tượng cho tâm lý.

Tháp báu thứ tư là tâm – ý thức.

Tháp báu thứ năm là thuần tâm thức.

Tháp báu thứ sáu là vượt qua phần ý thức.

Tháp báu thứ bẩy là siêu thức.

Tâm Kinh Bát Nhã thuộc về tháp báu thứ bẩy; đó là sự thể nhập vào Siêu Thức, vào Chân Như Tuyệt Đối, và đó cũng là ý nghĩa của Phạn ngữ “Prajnaparamita – Trí Tuệ đáo bỉ ngạn”, trí tuệ rốt ráo cùng tột, trí tuệ siêu việt. Cái trí tuệ rốt ráo đó chỉ đạt được khi anh đã chuyển hóa được tất cả những nhãn hiệu, những giá trị, những bảng đánh giá cao thấp đúng sai; khi trong anh chỉ còn một ngọn lửa Tỉnh Giác Thuần Nhất, không pha tạp, không khói đen bám chung quanh. Đó là lý do các tín đồ Phật giáo thờ kính tôn trọng quyển kinh nhỏ bé này, quyển kinh rất nhỏ này, quyển cốt lõi kinh điển này và đặt tên là Tâm Kinh – Kinh Trái Tim – là trái tim, là tinh túy, là cốt tủy Phật giáo.

Tháp thou bẩy, Siêu Thức, với biểu tượng bánh xe ngàn cánh sen (sahasrar chakra: sahasrar có nghĩa là ngàn cánh sen, chakra là bánh xe), là biểu tượng của dòng luân chuyển tuyệt đối: không có cái gì che dấu, tất cả đều được phơi bày trọn vẹn, linh động, đầy sức sống kín nhiệm, rạng ngời. Ngàn cánh hoa sen bừng nở, xông tỏa, cả bầu trời tràn ngập mùi hương vi diệu, toàn thái hư e thẹn chìm trong cái Đẹp Tối Thượng, vũ trụ và chúng sanh đón nhận ân sủng giáng phàm đó.

Trng cái thế giới hiện đại tân kỳ này, người ta đang nổ lực đi tìm cái cốt tủy, cái chân nhụy của con người; nhưng chúng ta cũng cần phải tìm hiểu là những nổ lực tân tiến đó sẽ dẫn chúng ta đi tận đâu, về đâu?

Pavlov, B. F. Skinner và những nhà nhân cách học khác, đã đi lòng vòng theo vòng bánh xe Muladhar (Muladhar Chakra theo Ấn Độ giáo: “muladhar” có nghĩa là nền tảng cơ bản, “chakra” là bánh xe). Họ cho rằng con người cơ bản chỉ là phần vật chất thân xác. Họ kẹt cứng ở tầng tháp thứ nhất, họ mắc cạn với phần vật lý và đã quên tất cả. Những nhà học giả này tìm cách giải thích hiện tượng con người chỉ qua phần vật lý, vật chất mà thôi. Thái độ và quan niệm tư duy đó đã trở thành vật cản bịt mắt họ khiến họ không thể thấy gì hết ngoài thân xác tứ đại (đất, nước, gió, lửa) kết hợp nên hình thể một con người. Một khi ngay từ đầu, anh từ chối không thấy gì hết ngoài thân tướng vật lý, anh đã từ chối luôn sự phát triển và khai phóng tâm linh. Tư duy đó rất lệch lạc, thiên kiến. Một người Cộng sản, một người theo chủ nghĩa Duy Vật Marx, một nhà nhâncách học, một người vô thần . . . hay tất cả những người nào tin là con người không có gì ngoài thân xác tứ đại thì cánh cửa Chân Lý Tối Thượng đã đóng sầm vào mặt họ rồi vậy. Họ đã mù rồi vậy. Anh không cần phải tìm tòi hay chứng minh là cái thân tướng hữu hạn đó có thực hay không có thực; điều đó không cần, vì không ai chối bỏ sự hiện hữu của một thân xác tứ đại – song, nếu đời sống con người thực ra chỉ thuần là vật lý, chỉ là cái thể xác này: anh ăn, anh thở, tiêu hóa, làm tình và sanh con đẻ cái, v.v. và v.v. và một ngày kia anh chết – thì quả tình sự có mặt của con người trên trái đất này qủa ư qúa là vô vị, rỗng tuếch. Con người chẳng qua giống như cái máy, bấm nút là chạy; cơ thể đòi hỏi gì thì sống theo bản năng như vậy; không có một cái gì sâu xa hơn, cao thượng hơn, thanh khiết hơn?

Triết gia Skinner có viết một quyển sách nhan đề là “Beyond Freedom and Dignity” (Vượt Ngoài Tự Do và Phẩm Chất); theo tôi, nên sửa lại là “Below Freedom and Dignity” (Dưới Tự Do và Phẩm Chất). Đó là phần thấp nhất, phần xấu xa nhất khi nói về conngười. Thân xác con người không có gì sai, không có gì xấu cả; tôi không chống đối lại thân xác – nó là một tòa tháp tuyệt đẹp – nhưng sự xấu xa len lỏi vào khi anh nghĩ thân xác là trên hết; thân xác là tất cả nghĩa sống, là hạt nhân của cuộc đời.

Con người cũng được ví như cái cầu thang có bẩy nấc, và cái cầu thang đó bắc nhịp liên lạc thế giới này với thế giới khác; cái gạch nối giữa phần vật chất và thượng đế. Thân xác là cái nấc thang thứ nhất. Nó sẽ tuyệt hảo nếu anh dùng nó để bước tiếp lên sáu nấc thang kia; nhưng nếu anh dừng lại ở nấc thang thứ nhất và tôn thờ đam mê cái nấc thang thân xác này, bỏ quân sáu nấc thang kia thì anh đã kẹt cứng ở đó, và tự anh đã tiêu hủy đời anh trong ô trược. Vì thế, những người theo chủ nghĩa Duy Vật đều bị kẹt cứng, họ luôn cảm thấy có cái gì thiếu thốn, có cái gì hụt hẫng. Họ bị chết cứng ở nấc thang thứ nhất, không tiến đi đâu được. Họ chạy lòng vòng, quanh đi quẩn lại một địa điểm. Họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường và bắt đầu đi tìm cái chết để giải quyết vấn đề bức xúc tâm lý. Những sự nổ lực của họ đều vươn tới đi tìm “cái mới” nhưng thực ra, có cái mới nào đâu? Tất cả chỉ là những món đồ chơi, những món đồ giải trí.

Hãy ngẫm nghĩ câu nói này của Frank Sheed: “Linh hồn con người đang dãy dụa khóc than kêu gào ý nghĩa, mục đích cuộc sống” – nhưng các khoa học gia lại nói: “Này bạn, điện thoại đây!” hoặc “Hãy nhìn tivi đi!” – y hệt như người ta đang cố gắng dụ dỗ đứa con nít khóc nhõng nhẽo đòi mẹ nó, bằng cách cho đứa bé kẹo hay làm trò hề chọc cho nó cười quên đi. Cũng vậy, hàng loạt phát minh tân kỳ kỹ thuật sản sinh ra để kềm chân con người lại, để hắn cảm thấy lúc nào cũng bận rộn với công việc, khiến hắn không còn dịp nghĩ tới những gì đang gây xáo trộn đời sống hắn. (Anh có thấy là mâu thuẫn và ngớ ngẩn buồn cười không? Con người phát minh ra nhiều sáng kiến để sống tiện nghi, sung mãn; song chính con người lại tự ràng buộc mình vào những tiện nghi vật chất ấy để rồi tù túng, đau khổ trong đó.)

Cả một thế giới hiện đại tân kỳ đó không ban tặng cho anh cái gì ngoài những viên kẹo đắng bọc đường; những đồ chơi hấp dẫn để anh vui chơi; nhưng anh vẫn khóc đòi mẹ, vẫn khóc đòi tình yêu, đòi ý thức, đòi một cuộc sống có ý nghĩa. Những viên kẹo, những trò chơi đó chỉ hấp dẫn đươc anh trong chốc lát thôi, rồi anh lại thấy chán, thấy mệt, và các nhà thông thái kia lại đi tìm những cái mới lạ cho anh.

Tình trạng sống như vậy thật là kỳ quặc ngớ ngẩn. Làm sao chúng ta có thể sống dật dờ bệnh hoạn hết tìm thú vui này sang trò chơi khác như thế được nhỉ? Chúng ta đã bị kẹt cứng ở nấc thang thứ nhất rồi.

Hãy nhớ là anh đang ở trong cơ thể anh, nhưng anh không phải là cái thể xác vật lý này, anh hãy để cho dòng ý thức tiếp tục hiện hữu trong anh. Anh sống với thể xác này, và nó là một chỗ cư trú tuyệt hảo. Tôi không bao giờ khuyên anh hãy chống lại thân xác, không bao giờ, dù chỉ là phút giây. Tôi không bao giờ nói anh hãy nhàm ghét ghê tởm thân xác như một số các nhà Tâm Linh Học, qua nhiều thế kỷ trước, đã từng khuyến cáo đệ tử phải chán bỏ thân xác. Các nhà Duy Vật quan niệm Thân xác Vật Chất là tất cả; còn các nhà Duy Linh thì quan niệm ngược lại “Phải tiêu hủy thân xác này, vì đó là ảo ảnh, là mê lầm. Một khi thân xác tiêu, thì ảo ảnh trong anh sẽ tự động tiêu trừ.”

Trạng thái tiêu cực đó là phản ứng của các nhà Duy Linh Học. Họ đặt ra trò hề đó để phản bác lại các nhà Duy Vật Học, nhưng thực ra họ cũng là thành viên của một vụ buôn bán trao đổi, không có gì khác hơn hay khá hơn cả. Thân tướng này thiệt đẹp, nó vốn thực hữu, sống động và tràn đầy cảm tính yêu thương. Nó cũng cần được chăm sóc, vỗ về, nâng niu. Thân tướng hợp thể đó là món quà của Thượng đế ban tặng cho loài người. Đừng để một phút giây nào đối kháng lại nó, và cũng đừng khởi niệm một phút giây nào anh chỉ là thân tướng ngũ uẩn này. Anh phải đi xa hơn nữa, anh hãy sử dụng thân tướng này của anh như là một đòn bẫy, một bàn đạp búng anh lên cao và đi xa hơn nữa.

Tầng tháp thứ hai là phần Thân Tâm Hợp Nhất. Tâm lý học của Freud nằm gọn ở phần này. Tính chất phân tích của hệ thống tâm lý học của Freud có chút cao sâu hơn triết thuyết của Skinner và Pavlov.

Freud tiến sâu, tiến thẳng hơn nữa vào những vùng bí mật của tâm lý con người, vượt qua trạng thái mộng tưởng. Freud không những chỉ là một nhà nhân cách học mà ông còn là một nhà phân tích nghiên cứu mộng tưởng con người.

Mộng tưởng hiện hữu trong anh như là một ảo giác. Nó là một sự biểu thị, là một biểu tượng; nó là sứ giả của ý thức. Anh hãy biết cách ứng dụng mộng tưởng, nhưng đừng bao giờ bị biến hóa thành mộng. Anh không phải là mộng và cũng đừng ồn ào nhặng xị cả lên vì vấn đề mộng hay không mộng như Freud đã từng làm. Tất cả những nổ lực của các nhà phân tâm học đều như là phóng hút tới vùng thế giới của mộng tưởng. Hãy ghi nhận kỹ như vậy, hãy nhớ kỹ như vậy; anh phải hiểu rõ ràng thông điệp của nó và thực ra anh không cần phải tìm tới bất cứ một người nào để phân giải mộng tưởng của anh. Nếu chính anh không hiểu nổi ước mộng của anh thì không ai có thể hiểu nổi, bởi vì ước mộng đó là “ước mộng của chính anh”. Và ước mộng đó thật cá nhân đến nỗi không ai có thể mơ giống như anh cả. Không một ai ước mơ giống ai; mỗi người là một thế giới của riêng mình; mỗi người có mơ ước của riêng mình, không một ai có thể giải thích cho người khác hiểu vùng sâu mơ ước riêng tư đó – nónhư là một vùng cấm địa, một mảnh đất thiêng không ai có thể đặt chân vào ngoại trừ chủ nhân của nó.

Vùng đất thiêng của anh, tôi có thể nhìn vào, chỉ đứng ngoài nhìn vào mà thôi, nhưng không đặt chân tiến vào cấm địa được.

Không cần phải phân tích giải nghĩa ước mơ: anh chỉ nên nhìn tổng thể ước mơ đó với sự sáng suốt, tỉnh thức sâu xa và anh sẽ nhận chân rõ ràng thông điệp của nó. Không cần phải tốn công chầu chực một ông bác sĩ tâm lý nào cả ba, bốn năm trời như vậy cả.

Người nào ban đêm nằm mộng rồi ban ngày lại đi tới nhà tâm lý học hay phân tâm học nhờ họ giải thích giấc mơ của mình thì không chóng thì chầy, người đó sẽ bị lẩn quẩn bao vây bởi cái mớ hỗn độn mơ mộng, phân giải đó.

Cũng như người đứng ở nấc thang thứ nhất quá chấp chặt vào thân xác vật lý; người thứ hai kẹt cứng vào tình dục, bởi vì tính chất xác thực nhất của nấc thang Thân Tâm Hợp là tình dục. Bất cứ những gì anh làm, anh đến hỏi Freud, thì ông ta sẽ giải thích cho anh qua từ ngữ và tính chất tình dục vọng khởi trong anh. Không có gì khác hơn trong lối nghiên cứu phân tâm của Freud. Freud sống trong bùn đục, ông ta không thể tin, không tin vào hoa sen (có nghĩa là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Nếu anh mang đến cho Freud một đoá hoa sen, ông ta nhìn hoa sen và liệt kê nó vào bùn rác ngay. Freud sẽ nói: “Cái này chẳng là gì cả, chẳng có giá trị gì cả, nó chỉ là bùn mục thôi. Nó sống trong bùn, lớn lên trong bùn, thì nó cũng chỉ là bùn thôi.” Có nghĩa là, theo Freud, môi trường nào thì sản sanh ra loại đó. Nếu anh là con người hàng thịt, lớn lên anh sẽ làm tên đồ tể vì anh đã được nuôi dưỡng bằng môi trường máu thịt thú vật; nếu anh là con một giáo sư, lớn lên anh sẽ thích nghiên cứu học hỏi vì anh đã được tưới tẩm bằng hương vị sách vở v.v. Rồi tất cả những vần thơ, nét đẹp đều bị bóp méo, xuyên tạc qua định nghĩa tình dục. Michelangelo là một đại nghệ sĩ à? – nghệ thuật của ông ta cũng bị vặn vẹo theo góc độ tình dục – và những người theo Freud đã càng lúc càng lún sâu vào chiều dài phi lý vô nghĩa đó. Họ cho rằng: Michelangelo, Goethe hay Byron, tất cả những kiệt tác nghệ thuật của những đại nghệ sĩ này, những tuyệt tác được hàng triệu người trên thế giới chiêm ngưỡng, những tuyệt tác đem lại niềm vui, hưng phấn cho cuộc đời, cho con người – theo cách nhìn chủ quan của những người theo Freud – cũng chẳng là gì cả ngoài sự ức chế tình dục được miêu tả qua nghệ thuật, và họ có thể còn lệch lạc cho rằng Goethe đã mắc bệnh thủ dâm.

Thật vô lý và buồn cười hết sức! Nhưng Freud là vậy, quan niệm phân giải tư tưởng con người của ông là vậy. Trong cái thế giới hắc ám đó của Freud, nghệ thuật đã bị biến thành bệnh lý học, thơ văn đã biến thành bệnh lý học, tất cả đều đã bị bóp méo vo tròn xuyên tạc. Nếu những phân tích nghiên giải của Freud là đúng và thành công thì đã không có Kalida, Shakespeare, Michelangelo, Mozart, Wagner. Mọi người đều bình thường nhưng Freud đã nhìn lệch lạc, đã bi quan hóa cuộc đời nên nhìn ai cũng cho là họ xấu xa, mắc bịnh tâm lý cả. Bậc siêu nhân cũng bị Freud hạ xuống thấp. Đức Phật cũng bị Freud cho là bịnh luôn. Cái lối lập luận phân tích tâm lý đó của Freud đã làm tiêu mòn suy giảm đi tánh chất vĩ đại của con người. Hãy cảnh giác cẩn thận! Đức Phật không bịnh; chính Freud mới là người bị bịnh. Sự im lặng của Phật, niềm đại lạc của Phật, sự hoan hỷ của Phật không có gì gọi là bất thường, bịnh hoạn cả; đó là sự khai hoa nở nhụy toàn vẹn của dòng sống tâm linh con người. Nhưng theo Freud, con người bình thường là con người không bao giờ hát ca, không bao giờ nhẩy múa, không bao giờ hoan hỷ, cầu nguyện, thiền định hay sáng tạo. Con người bình thường, theo Freud, là con người sáng đi làm, chiều tối về, ăn uống, ngủ và chết; không để lại một dấu vết gì, một bút tích gì sau lưng cả. Cái con người bình thường đó thật tầm thường, ngu ngốc và “đã chết” (ngay khi hắn còn sống). Freud thì cũng chẳng sáng tạo được gì. Và hãy coi chừng, một người có đầu óc và tầm suy luận tầm thường thì sẽ không chấp nhận có kẻ khác hơn mình. Đó mới là điều tai hại.

Nấc thang thứ ba là phần Tâm Lý Học. Alfred Adler (một tâm lý gia và điều trị tâm lý người Ao 1871- 1937) sống trong thế giới tâm lý này, trong lãnh vực ý chí vươn tới năng lực. Thế giới tâm lý học của Adler thực ra cũng còn lẩn quẩn trong vòng cá nhân, tự ngã – nhưng ít nhất ra, nó cởi mở hơn thế giới tình dục của Freud. Nhưng vấn đề ở đây là như Freud quan niệm tất cả đều liên quan đến tình dục, thì Adler lại hạ giảm mọi sự việc xuống cấp thấp của sự phức tạp. Người ta cố gắng cho được tốt đẹp vì họ cảm thấy họ còn thấp kém. Một người đang nổ lực vươn tới sự Toàn Bích vì người đó tự cảm thấy mình còn thấp kém, và một người đang cố gắng để đạt giác ngộ, đó là một người đang đi trên con đường phát huy năng lực. Nhưng suy cho cùng, điều đó không hẳn đúng – Đức Phật, Chúa Giê Su, Krishna – những con đường của các bậc siêu nhân này đi không phải là những con đường phát huy tự ngã. Khi Đức Phật chứng đắc, Ngài không hề khởi lên ý niệm cao thấp, trên dưới gì cả. Hòan toàn không. Phật không hề có ý nghĩ Ngài thánh thiện hơn anh, hoàn toàn không. Phật vẫn ung dung cúi mình xuống trân trọng chào toàn thể vạn vật vũ trụ đang hiện hữu xung quanh Ngài. Tất cả đều thánh thiện, ngay cả một hạt bụi cũng thánh thiện. Không, Phật không hề nghĩ là Ngài cao thượng hơn mọi chúng sinh khác, và Ngài cũng không hề khát khao đạt tới sự vượt thắng tha nhân đó. Phật không cảm thấy thấp kém cũng chẳng thấy cao tột gì. Ngài sinh ra là một thái tử, quyền uy giàu sang tột bực, đứng đầu thiên hạ . . .nhưng Ngài vẫn tự tại như không. Không có cái gì chi phối được Ngài.

Nhưng Adler thì không. Ông ta không tin rằng mục đích con người đang tìm kiếm còn có cái gì cao hơn, khác hơn Tự Ngã. Adler suy nghĩ khá hơn Freud, khá hơn một chút. Tự Ngã cao hơn tình dục một chút thôi, chỉ một chút thôi.

Nấc thang thứ tư là tâm Ý Thức, trung tâm điểm. Carl Jung, Assagioli và vài triết gia khác lọt vào địa hạt này. Họ vượt cao hơn Pavlov, Freud và Adler; họ mở rộng ra nhiều trường hợp có thể xảy ra hơn. Họ chấp nhận thế giới vô lý phi nghĩa: họ không hạn chế họ vào lý luận. Họ có lý hơn nhiều người – họ chấp nhận cả sự phi lý. Sự phi lý không bị phủ nhận từ chối nhưng được chấp nhận. Đó là tiêu điểm mà môn Tâm Lý Học dừng lại – ở nấc thang thứ tư, và nấc thang thứ tư là chặng giữa của cầu thang, bên này ba, bên kia ba.

Môn Tâm Lý Học chưa phải hoàn toàn là môn khoa học. Nó bị kẹt ở giữa. Nó rung rinh, không vững chắc. Nó mang tính chất lập luận, giả thuyết hơn là kinh nghiệm, và vẫn còn bị tranh chấp.

Nấc thang thứ năm là Tâm Thức: Hồi giáo, An Độ giáo, Thiên Chúa giáo – những cơ cấu tổ chức tập hợp quần chúng tôn giáo này bị mắc kẹt ở nấc thang thứ năm này. Tất cả những tôn giáo có hệ thống tổ chức, những giáo đường . . . đều kẹt cứng ở đây. Họ không tài nào đi xa hơn phần tâm thức. Họ chỉ đến đấy, mắc kẹt ở đấy.

Nấc thang thứ sáu là Vượt Qua Phần Tâm Thức – có thể đơn cử pháp Du Già thiền định và một số pháp môn tu tập khác. Trên khắp thế giới, trong vài thế kỷ qua, người ta đã khai triển và gặt hái khá nhiều kết quả trong các phương pháp thực nghiệm tâm linh này. Chúng không nặng tính cách giáo điều nhưng nghiêng hẳn về cách thức phát triển tâm linh. Anh phải thực tập cả thân và tâm; anh phải sáng tạo ra một sự hòa hợp tối thiểu nào đó trong anh để anh có thể lướt lên sự hòa điệu đó, cưỡi lên vầng mây hòa điệu đó và vượt qua vùng thực tại. Pháp Du Già có thể giúp anh hữu hiệu hóa sự phóng thể đó.

Sự kiện ấy chính là nấc thang thứ sáu, phần vượt tâm thức; và nấc thang thứ bẩy là Siêu Thức: đạo Lão, Thiền và Mật Tông. Sự thể nghiệm tâm linh của Phật là ở tầng tháp thứ bẩy này – Bát Nhã Ba La Mật Đa, có nghĩa là Trí Tuệ Siêu Thoát, cái trí tuệ chỉ phát sáng nơi anh khi anh đã vượt qua thân ngũ uẩn và trong anh chỉ thuần còn một khối băng trinh, trong suốt, thức tỉnh nhậm lẹ.

Một ngày nọ, tôi chợt bắt gặp một tờ quảng cáo xe hơi Mỹ. Tờ quảng cáo đó để trên mui xe và chỉ có hàng chữ: “Có một cái gì để qúi vị tin vào”.

Quả thực, con người chưa hề bị rớt xuống thấp đến như vậy. “Có một cái gì để tin vào!” Anh tin vào chiếc xe hơi à? – Vâng, quả đúng như vậy, người ta tin vào nhà cửa của họ, tin vào xe hơi của họ, tin vào tài khoản ngân hàng của họ. Nếu anh nhìn xung quanh anh, anh sẽ ngạc nhiên vô cùng – Chúa, Phật, Thánh . . . bay biến đi ráo hết rồi, nhưng niềm tin của thiên hạ vẫn còn đó. Chúa không còn nữa, nhưng bây giờ thay thế chỗ đứng của Chúa là chiếc xe hơi Cadillac hay Lincoln! Chúa đã biến mất nhưng người ta đã lập ra những ông thánh mới – Stalin, Mao Trạch Đông. Chúa đã bị dẹp bỏ và người ta tôn sùng mê cuồng những ngôi sao điện ảnh như thiên thần, thánh sống.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ý thức nhân loại, con người đã rơi xuống quá thấp như vậy, và ngay cả có đôi lúc anh chợt nhớ đến thánh, đến Chúa . . . thì những danh từ đó thật trống rỗng vô hồn, chúng chỉ là những danh từ đọng trên môi anh mà thôi. Có thể khi nào anh đau đớn, khi nào anh thối chí nản lòng, thì lúc đó anh mới sử dụng Chúa – cứ y như Chúa là viên thuốc aspirin làm giảm cơn đau cho anh. Đó là cách mà những cái “mệnh danh tôn giáo” đã dai dẳng rền rĩ bên tai anh, khiến anh phải tin: “Hãy dùng Chúa (aspirin) 3 lần mỗi ngày, bạn sẽ không còn đau đớn nữa!” Vì vậy, mỗi khi anh đau đớn khó chịu, anh liền nhớ đến Chúa. Chúa không phải là viên aspirin; Chúa không phải là người diệt trừ cơn đau cho anh.

Có một số người nhớ đến Chúa theo thói quen; có một số người thì nhớ đến Chúa theo tính cách nghề nghiệp hơn. Ông tu sĩ là người nhớ đến Chúa hay Phật nghề nghiệp hơn cả. Ông ta đã được trả công để nhớ đến Chúa, để rao giảng về Chúa. Ông ta đã lão luyện, thành thục trong công việc này.

Đúng vậy, có người nhớ đến Chúa theo thói quen, có người nhớ Chúa theo nghề nghiệp, nhưng chẳng có ai nhớ đến Chúa trong tình thương sâu đậm cả. Nhiều người đã lãi nhãi réo gọi tên Chúa hằng giờ khi họ gặp buồn phiền, đau khổ – nhưng khi họ vui sướng, thỏa mãn tràn đầy thì họ quên béng mất Chúa hay thánh thần.

Những người đó, thực ra, đã bị nhồi sọ từ lúc còn tấm bé – và cái tư tưởng đã bị nhồi sọ đó đã thấm sâu vào xương tủy như người bệnh ghiền thuốc lá. Khi anh hút thuốc, có khi anh cũng cảm thấy chẳng ngon lành gì cả, nhưng nếu anh không hút thì anh lại cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Cũng vậy, như anh nhớ đến Chúa, Phật ngày đêm, sáng tối tụng kinh, bái sám, cầu nguyện miệt mài hàng giờ, nhưng chẳng có ấn tượng gì lưu lại trong đầu óc anh; song nếu anh không lãi nhãi cầu kinh thì lại thấy như thiếu sót một cái gì mơ hồ, không tên gọi. Đó, đó chính là thói quen, chỉ là thói quen mà anh đã lập đi lập lại hàng ngàn lần như con vẹt từ thuở thiếu thời đến khi anh trưởng thành khôn lớn. Những lời nguyện, những câu kinh đã trở nên qúa quen thuộc, nhàm chán, máy móc đến độ anh không cần phải mấp máy miệng thì những câu, những chữ đó cũng đã bật ra khỏi đôi môi anh rồi – vì chúng đâu có nằm trong trái tim anh, chúng chỉ là những sản phẩm tôn giáo máy móc! Nhưng nếu anh không cầu nguyện, không tụng kinh thì anh cảm thấy có cái gì khang khác, thiêu thiếu. Niềm tin của anh đã trở thành máy móc, thông lệ. Anh hãy cẩn thận coi chừng đừng biến Chúa, Phật . . . thành lề thói, thành tập tục, thành nghề nghiệp, máy móc như vậy.

Tôi có nghe một câu truyện khá ngộ nghĩnh như thế này: “Người ta kể rằng xưa kia có một đạo sĩ danh tiếng, rất nổi tiếng, đã được Hoàng Đế đương kim hứa ban thưởng cho một con ngựa thật qúi giá nếu vị đạo sĩ này có thể nhập định dưới lòng đất một năm. Nhà Vua biết rất rõ là ông đạo sĩ này rất thích ngựa, rất mê ngựa – nên con ngựa qúi giá đó sẽ là phần thưởng cho ông đạo sĩ.

Ông đạo sĩ bằng lòng và được chôn sống trong một hòm cây dưới đất. Nhưng trong thời gian một năm đó, vị Hoàng Đế đương triều bị lật đổ và trong giai đoạn hỗn loạn ấy, cũng không ai nhớ đến chuyện ông đạo sĩ được chôn sống đó cả.

Một vương quốc mới được thành lập và mười năm trôi qua. Một hôm, có người chợt nhớ tới ông đạo và bàng hoàng tự hỏi: “Ông đạo sĩ ra sao rồi, đã chết chưa?” Câu chuyện được tâu lên vị TânVương và nhà vua hạ lệnh đào đất moi ông đạo sĩ lên. Khi được lôi ra, ông đạo sĩ vẫn còn nhập định sâu xa. Một vị đạo sĩ khác tụng một câu thần chú bí mật vào tai ông ta và ông đạo tỉnh dậy. Câu nói đầu tiên của ông đạo là: “Con ngựa của tôi đâu?”

Mười năm lặng thinh dưới đất; nhưng đầu óc vẫn không thay đổi gì hết. “Con ngựa của tôi đâu?” Có thực ông đạo sĩ đó nhập định? Ông ta có chuyên tâm nghĩ đến Thượng Đế, thánh thần? Ông ta quả thực rất điêu luyện, rất giỏi về kỹ thuật nín hơi thở, gần như chết vậy, nhưng đó chỉ là kỹ thuật mà thôi. Mười năm chôn sống như vậy, mười năm lặng thinh không nói, tuy nhiên đầu óc không thay đổi được một chút nào. Ông đạo giỏi kỹ thuật nín hơi chỉ vì con ngựa!

Chúng ta cũngvậy! Chúng ta cũng chỉ máy móc cầu nguyện, nhớ đến Chúa, đến Phật, đến Thánh Thần – nhưng chẳng có gì khác lạ xảy ra cả; chẳng có một đốm sáng giác ngộ nào vụt đến chuyển hóa tâm tư chúng ta cả.

Sư sự, vật vật đều có thể xảy ra, nhưng phải xảy ra từ Tâm. Vì thế, quyển Kinh này mới mang tên là” Bát Nhã Tâm Kinh. Nói như thế, có nghĩa là trừ phi anh làm bất cứ chuyện gì với tình yêu rộng lớn, tính qủa cảm dấn thân, sự chân thành, lời cam kết chắc chắn, sự xác thực, anh làm với cả con người anh; nếu không, chẳng có sự cố nào xảy ra cho anh cả.

Đối với một số người nào đó, tôn giáo như là một cánh tay giả; cánh tay đó chẳng có hơi ấm, chẳng có sức sống. Và mặc dầu nó giúp cho người ta có thể gượng gạo làm việc, nó không thể và không bao giờ trở thành một chi phần của thân thể người ta được; vì một ngày nào đó, nó có thể sẽ bị rơi rụng ra bất cứ lúc nào.

Anh hãy nhớ kỹ là sự cố đó đã xảy ra cho hàng triệu người trên trái đất này rồi thì nó cũng có thể xảy ra cho anh. Đừng tạo ra một cánh tay giả, hãy để cánh tay that mọc ra trong cơ thể anh. Chỉ như thế đời anh mới có niềm vui thực thụ – không phải là nụ cười giả tạo trên môi, không phải là cái thứ hạnh phúc vay mượn mà anh vờ như đang có, không phải là lớp mặt nạ; mà là sự thực, hạnh phúc thực, sức sống thực. Thói thường, người ta hay khoác lên người nhiều thứ: có người thì tạo một nụ cười đẹp, có người thì ra vẻ bộ mặt từ bi, có người thì khoác lên mình một phong cách đáng yêu, hiền lành, lịch lãm – nhưng tất cả giống như lớp áo quần anh đang mặc trên người mà thôi. Trong anh, trong họ, tận sâu vào tâm khảm, anh và họ vẫn y như cũ, tệ hại xấu xa, đầy tham lam sân hận, không thay đổi, không gì mới. Bởi thế, Tâm Kinh Bát Nhã là một sự thay đổi lớn, một sự chuyển hóa cùng tột, là một cuộc cách mạng tâm hồn.

Câu đầu tiên, câu mở đầu, bao giờ cũng là câu hỏi: “Ta là ai?” và anh cứ tiếp tục hỏi như thế. Câu hỏi đó như là một công án giúp anh trở về với bản thể từ vô thỉ của anh. Có thể khi anh tự vấn “Ta là ai?” sẽ có câu trả lời: “Ta là thân xác này” – Không – và lại có câu trả lời thứ ba “Ta là tự ngã” – Không – v.v. và v.v. câu thứ tư, thứ năm, thứ sáu . . .

Hãy nhớ anh chỉ dừng lại sự tư duy khi không còn một câu trả lời nào nữa cho câu hỏi của anh. Khi anh đã vượt qua cả sáu câu trả lời (6 nấc thang, 6 tầng tháp) và anh vẫn tiếp tục công án “Ta là ai?”; lúc đó, sẽ chẳng còn câu trả lời nào nữa, chỉ có sự Im Lặng Tuyệt Đối.

Câu hỏi đó rền vang trong chính nội tại của anh “Ta là ai?” và Im Lặng; không có câu trả lời dấy động. Anh đang hiện hữu triệt để, và không có một âm ba rung động nhẹ nào. “Ta là ai?” – chỉ có sự Im Lặng trọn vẹn tột cùng. Và rồi phép lạ xuất hiện: anh không thể đề ra một câu hỏi nào nữa. Những câu trả lời đã trở nên vô nghĩa, và những câu hỏi cũng trở nên vô nghĩa, rỗng tuếch. Đầu tiên, câu trả lời biến mất, và câu hỏi cũng biến mất – bởi vì câu hỏi và câu trả lời tồn tại tương quan với nhau, không tách rời. Như hai mặt một đồng tiền, nếu mặt này mất, mặt kia không thể còn. Và khi câu trả lời và câu hỏi biến mất, anh mới chợt thẩm thấu trực nhận rằng: đó là sự Chuyển Hóa Tâm Thức.

Anh biết nhưng anh không thể nói; anh biết nhưng anh không thể diễn đạt lưu loát về sự chuyển hoá đó được. Anh biết con người thật của anh là ai, nhưng anh không thể dùng ngôn ngữ bày tỏ được. Đó là sự Hiểu Biết Sống, đó không phải là kinh viện, không phải là chữ nghĩa danh tự, không phải vay mượn giả tạm gì cả; nó không thuộc về người khác. Sự Chuyển Hóa Tâm Thức đó phát khởi trong anh, là của chính anh.

Và với sự phát khởi chuyển hóa đó, anh là một vị Phật. Và rồi anh đột nhiên cười phá lên khi anh nhận ra rằng anh đã là Phật từ vô thỉ, không phải bây giờ anh mới thành Phật – nhưng có bao giờ anh quán chiếu sâu xa như vậy đâu; anh chạy lẩn quẩn, anh chạy vòng quanh tìm kiếm ngoài con người anh, và anh không hề quay trở về nhà xưa bến cũ.

Triết gia Arthur Schopenhauer đang rảo bước xuống một con đường vắng tanh. Chìm đắm trong suy tư, ông ta va nhằm vào một người bộ hành khác đi ngược chiều. Bị một cú đau điếng, người kia phát cáu, gắt ầm lên: “Vô ý chửa, lão già kia! Lão nghĩ lão là ai hử?” Vẫn chìm đắm mê man trong suy tưởng, Schopenhauer lẩm bẩm: “T a là ai? Nào ta có hề biết ta là ai?”

Đúng vậy, không một ai biết cả.

Sự nhận thức rằng “Ta không biết ta là ai?” là diểm khởi hành của cuộc hành trình.

Câu kinh thứ nhất:

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh,

Cúi đầu đãnh lễ Trí Tuệ Rốt Ráo, Trí Tuệ Siêu Thoát, Linh Thiêng!

Đây là một lời khẩn cầu tha thiết. Tất cả kinh điển của Ấn Độ đều bắt đầu bằng lời cầu khẩn một cái gì đó hay vì một lý do nào đó. Điều ấy không áp dụng tại các quốc gia khác với những ngôn ngữ khác, và cũng không xảy ra ở xứ Hy Lạp. Người Ấn Độ hiểu một cách sâu xa rằng con người là những thân tre rỗng ruột mà trong đó sự Vô CùngVô Hạn đang tuôn chảy. Chúng ta đang viện dẫn sự Vô Hạn Vô Cùng đó, chúng ta kêu gào nó hãy tuôn chảy qua chúng ta và chúng ta đã tự biến mình thành phương tiện của sự Vô Cùng đó. Đó cũng là lý do không một người nào biết ai chính là tác giả bản Kinh Bát Nhã. Bản Kinh đó không được ghi chú bút hiệu nào vì người viết cũng không tin là chính mình có khả năng viết được những câu kinh tuyệt vời diễm lệ ấy. Người viết cũng chỉ là phương tiện, là một người viết tốc ký. Bản Kinh Bát Nhã đã được đọc lên cho người viết, và họ kính cẩn cúi đầu ghi chép lại những gì Chư Phật giảng thuyết ra; chứ họ không thể nào là người sáng tác ra được bản Kinh Bát Nhã.

Ma Ha Bát NhãBa La Mật Đa Tâm Kinh,

Cúi đầu đãnh lễ Trí Tuệ Rốt ráo, Trí Tuệ Siêu Thoát, Linh Thiêng!

Từng lời, từng chữ trong câu kinh mở đầu đã đong đầy ý nghĩa huyền nhiệm, đã chuyên chở trùng trùng nghĩa lý giáo pháp.

“Trí Tuệ Rốt Ráo, Siêu Thoát” là sự chuyển dịch của từ “Bát Nhã Ba La Mật Đa” (Pragyaparamita). “Pragya” nghĩa là trí tuệ. Hãy nhớ kỹ như thế này, cái Trí Tuệ Rốt Ráo này, Trí Tuệ Bát Nhã này không phải là cái kiến thức lượm lặt được ở học đường, ở sách vở. Kến thức là những gì chúng ta thâu lượm được ở bên ngoài; kiến thức là những gì đến qua tầm suy luận, kiến thức không bao giờ là bản chất, là nguyên bản sơ khai cả, kiến thức là sự vay mượn.

Trí Tuệ mơi chính là sự nguyên lai bản chất, chính là nguồn gốc. Trí Tuệ, không phải là cái lượm lặt bên ngoài; Trí Tuệ nẩy sinh tự trong anh. Trí Tuệ Bát Nhã không phải là cái hoa hồng giả bằng nhựa mà anh mua ở ngoài chợ, nó chính là đoá hồng thật mọc trên cây, mọc ra từ thân cây. Nó mọc ra từ cái cốt lõi của cây hoa hồng, từ tận cùng chiều sâu của cây, hoa hồng khai nhụy và phát triển.

“Pragya” nghĩa là Trí Tuệ (Wisdom), nhưng trong Anh ngữ, danh từ thông minh (Intelligence) lại mang một hàm ý khác; nó mang nghĩa “kiến thức” (knowledge) nhiều hơn. Trong Anh ngữ, kiến thức không ẩn chứa một chút kinh nghiệm sống nào: anh học ở đại học, anh thâu lượm gặt hái kiến thức của các ông thầy và anh tự cho là mình hiểu biết (nhưng thực ra, anh chỉ nhai lại kiến thức của ông thầy truyền đạt lại cho anh, như con voi nhai bả mía, con bò nhai cỏ khô, và chính ông thầy cũng nhai lại kiến thức của thầy ông ta, anh nhai lại của ông thầy anh . . .cứ thế mà tiếp tục).

Trí Tuệ thì lại khác, anh dấn thân bương chải ngoài đời, và anh học hỏi kinh nghiệm ở trường đời, ở ngay chính những thăng trầm biến đổi của cuộc đời. Một người thanh niên có thể có nhiều kiến thức nhưng không bao giờ thông thái được; bởi vì sự thông thái, trí tuệ cần có thời gian suy tư nghiền ngẫm và kinh qua thực tế. Một người thanh niên có thể có nhiều bằng cấp: anh ta có thể là Tiến sĩ, là Cao học – điều đó không khó gì – nhưng chỉ có một người trưởng thành lớn tuổi mới khôn ngoan sâu sắc được. Sự thông minh uyên bác (theo người Tây phương định nghĩa) là những kiến thức, kinh nghiệm thâu lượm được của một người nào đó, nhưng cả hai vẫn chỉ là lớp vỏ bên ngoài, không diễn đạt đúng thực nghĩa “Trí Tuệ”.

“Pragya” – Trí Tuệ không phải là kiến thức cũng không phải là sự thông thái bình thường mà người ta thường hiểu. Trí Tuệ là sự “minh triết của tâm hồn, ở bên trong con người” – không phải sự thâu lượm, không thông qua những người khác, không qua đời sống vật dục và những liên hệ của đời sống vật dục. Minh triết được cảm nhận thấu triệt trong Im Lặng Tuyệt Đối, trong chiều sâu nội tại của một cá thể. Anh mang sự minh triết đó như hạt giống có sẵn trong anh, và hạt giống đó cần một mảnh đất tốt để gieo trồng. Trí Tuệ đó luôn luôn là nguồn gốc, luôn luôn là của anh, trong anh, chỉ trong anh.

Nhưng anh hãy nhớ kỹ cho rằng khi tôi nói “của anh”, tôi không hề ẩn ý có một tự ngã nào khởi dậy trong anh cả. “Của anh” có nghĩa là cái trí tuệ siêu việt đó luôn hàm tàng trong bản tánh uyên nguyên của anh, trong bản chất của anh, nhưng không phải là cái bản ngã cố hữu đáng ghét đâu nhé – bởi vì bản ngã thuộc về một phần trong ý thức, chứ không phải trong sự Im Lặng Nội Tại của anh.

“Paramita” – Ba La Mật Đa có nghĩa là “Vượt Qua” – đáo bỉ ngạn – vượt qua bờ bên kia – vượt qua bờ sanh tử – vượt qua không gian và thời gian. Anh đã vượt qua vùng không có thời gian ấn định. Anh đã chạm đến mảnh đất nội tại mà không gian cũng không còn dấu vết – Phi không gian, Phi thời gian. Cả hai Không – Thời gian đều biến mất. Thời gian ở ngoài anh. Không gian ở ngoài anh. Đó là giao điểm trong anh khi Không – Thời gian vắng bóng.

Có người hỏi Chúa Giê Su: “Chúa hãy nói cho con biết về vương quốc của Đức Chúa Trời! Có cái gì đặc biệt ở đó không?” Người ta kể lại rằng Chúa đã trả lời: “Nơi đó, thời gian không còn hiện hữu.” Đó là vĩnh cữu, nơi thường hằng bất diệt. Đó là vùng Phi Thời gian, Phi Không gian. Anh không còn xác định cái Không – Thời gian đó thì làm sao anh biết anh đang ở nơi chốn nào. Bây giờ, anh hãy nhìn tôi, tôi không thể nói tôi đang ở đây được, vì tôi cũng đang có mặt ở đó. Tôi không thể nói tôi đang ở Ấn vì tôi cũng đang hiện diện ở Trung Hoa. Tôi cũng không nói tôi đang hiện hữu trên hành tinh này vì tôi hiện không có mặt tại đây. Một khi tự ngã vắng bóng thì anh chỉ còn là Một với đại thể. Anh là Tất Cả, Tất Cả là anh. Anh có mặt khắp nơi và cũng không nơi nào hết. Anh không hiện hữu như là một đơn vị riêng lẻ, nhưng anh hòa tan, hòa nhập vào đại thể, như giáo lý Kinh Hoa Nghiêm “Tất Cả là Một, Một là Tất Cả.”

Nhìn kìa sáng nay, trên chiếc lá xinh đẹp kia, có một giọt sương mai đọng trên lá và lóng lánh dưới tia nắng mặt trời, thật đẹp, thật tuyệt vời, đẹp vô tả. Nhưng rồi, giọt sương đó bắt đầu lăn nhẹ, lăn nhẹ khỏi mình lá và rơi vào đại dương. Khi giọt sương còn đọng trên cành lá: ở đó còncó chiều không gian và thời gian, còn có một định nghĩa, một cái được đặt tên riêng biệt là “giọt suơng”. Nhưng khi nó rơi vào biển cả thì nó không còn cái tên “giọt sương” đơn lẻ nữa, vì nó đã hòa nhập vào đại dương mênh mông kia. Bây giờ giọt sương đó có mặt khắp nơi, va anh không còn tìm thấy giọt sương nữa. Anh không còn định hướng, không còn đặt để vị trí cho nó nữa vì bây giờ đại dương là nơi chốn của nó. Đại dương và nó bất phân hai, cả hai là một, một thực thể không chia cắt. Khi anh không cắt xén thực tại, khi anh và thực tại không phân hai, Trí Tuệ Bát Nhã trong anh mới khơi dậy. Cái Trí Tuệ siêu việt, rốt ráo, đáo bỉ ngạn đó!

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa

Một câu khiêu khích tuyệt diễm đầy bí ẩn, hóc búa: Tôi cúi đầu đãnh lễ Trí Tuệ Bát Nhã khi anh đã vượt qua được đến bờ bên kia. Và Trí Tuệ đó thật linh thiêng, thật đáng yêu biết chừng nào – linh thiêng vì anh đã thể nhập là một với tổng thể; đáng yêu vì cái tự ngã gây tạo nên bao sự xấu xa, lỗi lầm trong cuộc đời anh đã không còn nữa. Satyam, Shivam, Sunderam: đó là Chân, Thiện, Mỹ. Chân, Thiện, Mỹ là ba đức tính cao quí nhất của con người – và Trí Tuệ Bát Nhã gồm đủ ba đức tính Chân Thiện Mỹ đó.

Tại sao trí Tuệ Bát Nhã lại được tôn kính như vậy? Bởi vì Chư Phật đã được sanh ra từ Trí Tuệ Bát Nhã này cho nên trong Tâm Kinh đã nói: “Bát Nhã là mẹ của Chư Phật”. Các Đức Phật đã được hoài thai trong Bát Nhã. Anh giác ngộ, anh là Phật ngay khi anh dự phần vào trong Bát Nhã Trí. Anh là Phật khi giọt sương mai rơi tòm và biến mất trong đại dương. Anh là Phật khi thực tại không còn chia cách. Anh là Phật khi không còn sự đối kháng mâu thuẫn của nội tâm.

Bát Nhã Trí thánh thiện linh thiêng vì anh là một trong tất cả. Anh ca hát nhẩy múa với Bát Nhã Trí. Anh giống như chiếc lá đang nhẩy múa trong gió kia; chiếc lá uốn éo nhẩy múa theo gió, trong gió, thật đơn sơ hòa điệu, chiếc lá nhẹ nhàng theo điệu múa của gió, chiếc lá không có “cái ta” riêng của nó, chiếc lá không hề cưỡng lại gió, gió đưa nó đến đâu, lá đưa mình ru nhẹ theo. Sự hòa điệu Vô Ngã đó, tôi gọi đó là thánh thiện; các kinh điển gọi đó là linh thiêng.

Sự linh thiêng theo Phạn ngữ (Sanskrit) là “Bhagavati”. Có thể nói, “Bhagavati” chínhxác hơn, đúng nghĩa hơn danh từ “Holy” của Anh ngữ, vì danh từ “holy” (thánh thiện) thiên về Thiên Chúa giáo nhiều hơn; có vẻ thần quyền nhiều hơn.

“Bhagavati” là danh từ giống cái. Bhagavan là danh từ giống đực. Trước hết, Tâm Kinh ,trong bản Phạn ngữ, không dùng danh từ “Bhagavan” mà sử dụng danh từ “Bhagavati” – danh từ giống cái – vì nguồn gốc của vạn sự vạn vật đều là giống cái, không phải giống đực. Đó là Âm, không phải Dương. Đó là Mẹ, không phải Cha.

Quan niệm thần quyền của Thiên Chúa giáo là giống đực. Chúa Trời, Chúa Giê Su là cha, không phải mẹ. Điều đó thấy không đẹp lắm. Cái “ta” của giống đực không thể nghĩ rằng Chúa là một người đàn bà được; cái “ta” của giống đực đó muốn Chúa phải là một người đàn ông. Và anh thấy cả một khối tập quyền Thiên Chúa giáo đặt để là: cả ba ngôi thánh thần đều là giống đực cả – Chúa Trời cha là nam, Chúa Giê Su con là nam, Thánh Thần cũng là nam. Các đấng thiêng liêng là giống đực; một giáo hội cũng gồm toàn là giống đực cả. Nhưng anh chớ quên rằng giống cái mới là căn bản, nền tảng của sự sống; chỉ có người …

Bát Nhã Tâm Kinh