KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

kinh chuyển pháp luân

Thái tử Tất Đạt Đa (tiền thân của Đức PHẬT) vì đã giác ngộ được những nỗi khổ đau không thể tránh khỏi của con người và chân lý vô thường của cuộc sống nên đã quyết định tìm đường tu-hành để phá vỡ những định luật này.

Trong thời kỳ hiện nay, thời kỳ Mạt pháp (là thời kỳ không gặp PHẬT và rất khó được nghe Pháp) thì pháp môn thích hợp nhất để ra khỏi vòng luân hồi (vòng sanh tử mà thú, người, ma, quỷ, chư Thiên, v.v… chết đi sống lại (hay “đầu thai”) nhiều lần, không ai có thể biết được kiếp đầu tiên trong vòng này là kiếp nào) thì pháp môn Tịnh Độ niệm PHẬT là pháp môn thích hợp nhất để ra khỏi vòng luân hồi.

Đây là pháp môn DỄ TU, DỄ CHỨNG, HỢP THỜI CƠ cho thời kỳ Mạt pháp. Những ai tu theo pháp môn này thì chỉ ngay trong một đời có thể ra khỏi vòng luân hồi sanh tử hay được thành PHẬT (theo Kinh Niệm PHẬT Ba-la-mật).

Ý nghĩa hình trên: Trên bước đầu tìm đường tu-hành, Thái tử đã nghe theo lời ngoại đạo tu theo đường lối khổ hạnh (đường lối “tu” ép xác) trên núi Tuyết sơn, hạn chế nhiều về việc ăn uống nên thân thể của Thái tử gần như chỉ còn da bọc xương.

Tinh thần bị suy sụp vì ảnh hưởng theo thể xác đang yếu dần. Sau đó Thái tử đã sáng suốt loại bỏ lối “tu” này vì đó là lối tu ép xác. Lối “tu” này chẳng có thực tế, chẳng có chứng nghiệm và chẳng đáng noi theo.

Ý nghĩa hình trên: Thể theo lời thỉnh cầu của chư Thiên, Thái tử, nay đã là Đức PHẬT Thích-ca Mâu-ni, thuyết bài pháp đầu tiên cho năm người học trò của Ngài (trước kia “tu hành” theo đường lối ngoại đạo và là “thầy” của Ngài). Bài pháp này được thuyết giảng tại Lộc Uyển (vườn Nai).

Bài pháp đầu tiên là bài Tứ Diệu Đế hay Kinh Chuyển pháp luân. Năm người học trò đầu tiên là năm anh em Kiều trần Như. Bài pháp này được năm anh em Kiều trần Như và chư Thiên ở các tầng Trời khác nhau nhiệt liệt khen ngợi.

KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

Tôi nghe như vầy, sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn chuyển bánh xe pháp đầu tiên tại Vườn Nai. Tại đây, Ngài dạy năm vị Tỳ-kheo đầu tiên rằng:

– Này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia phải tránh xa. Một là đắm nhiễm các dục thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không dẫn đến đức hạnh Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập. Hai là tự làm khổ mình bằng các lối tu khổ hạnh ép xác, không thích hợp với các phẩm hạnh bậc Thánh, không dẫn đến mục đích giải thoát.

– Này các Tỳ-kheo, vị hành giả có chánh trí phải loại bỏ hai cực đoan vô ích này. Hãy đi theo con đường Trung Đạo do Như Lai chứng ngộ, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật, dẫn đến sự an tịnh, thánh trí, giác ngộ và niết-bàn.

– Này các Tỳ-kheo, con đường Trung Đạo, chính là tám đường chánh: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, ý niệm chân chánh và thiền định chân chánh.

– Này các Tỳ-kheo, sau đây là bốn chân lý vi diệu của cuộc đời:

Chân lý thứ nhất là thực tại đau khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, thù ghét mà phải gặp nhau là khổ, mong cầu mà không toại nguyện là khổ và chấp vào năm nhóm nhân tính là khổ.

Chân lý thứ hai là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là phiền não nhiễm ô, là tâm ái dục, là sự tham đắm và chấp thủ về cái ta, cái của ta, là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

Chân lý thứ ba là Niết-bàn, tức là sự trừ diệt hoàn toàn gốc rễ của đau khổ và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là sự ly tham, sự từ bỏ, sự giải thoát và không còn chấp trước.

Chân lý thứ tư là con đường dẫn đến niết-bàn, đó là tám đường chánh, là con đường Trung đạo.

– Này các Tỳ-kheo, cần phải liễu tri về thực tại khổ đau. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật. Này các Tỳ-kheo, cần phải trừ diệt hoàn toàn gốc rễ dẫn đến khổ đau.

Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật. Này các Tỳ-kheo, cần phải tu tập trọn vẹn con đường dẫn đến Niết-bàn. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật.

Như vậy, này các Tỳ-kheo chỉ khi nào tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn chân lý vi diệu của cuộc đời dưới ba sắc thái, gồm mười hai khía cạnh đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, thì khi ấy Như Lai mới xác nhận với thế gian, gồm chư thiên, ma vương, Phạm Thiên, giữa các đoàn thể Sa-môn, Bà-la-môn, giữa loài trời và loài người rằng Như Lai đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm Như Lai đã giải thoát và an tịnh tuyệt đối, đời sống này là cuối cùng, Như Lai không còn bị luân hồi sanh tử nữa.

Khi bánh xe chánh pháp đầu tiên này được Như Lai vận chuyển, tuyên bố, các hàng chư thiên trên địa cầu đều cung kính khen ngợi: “pháp môn này thật là vi diệu ! Không có Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma vương hay Phạm thiên nào có thể thuyết giảng được.

Đây là chân lý vi diệu vừa được Đấng Giác Ngộ khám phá và truyền bá, đem lại an lạc, hạnh phúc cho loài trời và loài người.”

Lúc ấy các chư thiên ở các cõi trời Tứ Đại Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm Chúng, trời Đại Phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Biến Tịnh, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền và các chư thiên Phạm thiên cũng đều đồng thanh khen ngợi nhiều lần như vậy.

Trong khoảng thời gian ấy, mười ngàn thế giới đều chấn động và vang rền tiếng pháp. Rồi một luồng hào quang rộng lớn, rực rỡ phát chiếu, làm sáng cả vũ trụ. Ngay thời pháp này, tôn giả Kiều-trần-như đã giác ngộ và được Đức Phật xác chứng là A-nhã Kiều-trần-như.