Mục Lục
1. Mở Ðầu
Ða số chúng ta ngày nay hầu như không còn biết bố thí, cúng dường một cách trong sạch và lợi ích nữa! Bố thí là bố thí chứ có gì mà trong sạch với không trong sạch? Nói như vậy không phải là Phật tử! Nếu không phải Phật tử thì muốn nói sao cũng được, nhưng nếu là con Phật thì cần phải học đạo, hiểu đến nơi đến chốn. Có nhiều người trong chúng ta thường hãnh diện nói rằng: ‘Tôi tu lâu, ăn chay trường, tụng kinh mấy chục năm rồi, biết Hòa Thượng này Hòa Thượng nọ từ lúc các vị ấy mới tu, chùa này là do tôi giúp từ lúc mới lập,…, và đa số đều là Bồ Tát tại gia (tức là thọ Bồ Tát giới). Thọ Bồ Tát giới tức là muốn bước trên Bồ Tát đạo; và Bồ Tát đạo thì gồm có Lục độ (Ba La Mật). Trong đó thì Bố thí đứng đầu. Bồ Tát mà không biết bố thí thì đó không phải là Bồ Tát. Vậy Bố thí là gì? Có mấy loại Bố thí? Phải Bố thí những gì: Bố thí làm sao, khi nào,…?
Trước khi đi vào giải đáp xin đọc giả phá bỏ thành kiến sai lầm xưa nay, cho rằng Bố thí là đem tiền cúng chùa, cúng Thầy, đó chỉ là một hình thức nhỏ của sự Bố thí. Không những Phật tử tại gia hiểu lầm mà ngay cả giới xuất gia cũng lơ là hay cố ý chỉ muốn dạy cho Phật tử sự Bố thí đó mà thôi, nên luôn luôn kêu gọi Phật tử phát tâm Bồ Tát (phát tài) cúng chùa, cúng Phật… Riết rồi Phật tử không dám đến chùa nữa, vì sợ đến thì phải cúng, nếu không cúng thì sợ tội, nên hay hơn hết là ở nhà cho xong. Ðó là nói người biết sợ tội phước, còn có những người học Phật mà bất chấp tội phước, hoặc quá si mê, là những người hay đi rêu rao chùa này nhiều tiền, chùa kia ít tiền, Thầy này giàu, Thầy kia nghèo,… Nói cho sướng cái miệng mà đâu có hay là mình đang tạo khẩu nghiệp, đó là chưa kể đã phạm vào các giới trọng, giới khinh của Bồ Tát.
Chùa là gì? Tại sao phải đến chùa? Là Phật tử, chúng ta ai cũng biết rõ lịch sử của đức Phật Thích Ca, biết Tứ Diệu Ðế, biết đời là khổ, biết quay về nương tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Chùa là nơi tượng trưng cho Tam Bảo, nhưng nơi nào chỉ có tượng Phật và kinh sách thôi mà không có chư Tăng thì không được gọi là Tam Bảo; và đúng lý ra thì chùa phải là nơi thoát tục của người trần tục. Khi bước chân vào một ngôi chùa, với không khí thoảng mùi hương thơm, với tiếng chuông tiếng mõ, ta sẽ cảm thấy tất cả những ưu phiền, bon chen của cuộc sống bên ngoài lắng xuống và tâm hồn ta trở nên lâng lâng thoát tục. Trước khi vào chùa, ta đầy phiền não, vào đến chùa được tắm mình trong sự thanh tịnh (sự trở về với chính ta), nên phiền não tiêu tan, và khi ra về ta cũng đem luôn sự thanh tịnh của chùa về tưới vào gia đình. Ðược như vậy thì ta là người biết đến chùa.
Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Mặc dù thân của ta vẫn đến chùa đều đều, nhưng ta không còn biết đến chùa thực sự là gì nữa! Chúng ta đã biến cảnh chùa chiền thành chợ chiều. Thay vì đến chùa để lấy sự thanh tịnh, ta lại đi đem những ô uế và phiền não nhét đầy vào chùa. Thay vì đến chùa để hỏi đạo, ta lại đem chuyện đời kể cho quý Thầy nghe; thay vì đến chùa làm công quả kiếm chút phước, ta lại đi tạo khẩu nghiệp nói chuyện người này, kể chuyện người kia. Rồi cứ thế, ngày qua tháng lại, một ngày kia ta sực tỉnh, nhận thấy rằng từ bao lâu nay ta đến chùa mà chả học được gì hữu ích cả. Kinh băng, sách Phật chất đầy nhà, vậy mà tâm ta vẫn không an, và hình như tham, sân, si vẫn còn đầy, thế rồi ta hoảng sợ vội vàng chạy đến chùa để cầu cứu, thì ô hay! Sao chùa bây giờ giống như cái chợ chiều? Tìm các Thầy để hỏi đạo thì các Thầy chỉ nói chuyện đời, nếu không thì lại kêu gọi ta phát tâm cúng dường… Thế rồi ta chán nản bỏ ra về, ghê tởm và xa lánh chùa! Lòng tin nơi Tam Bảo của ta càng ngày càng giảm. Ta nào có biết đâu rằng tất cả những gì xảy đến cho ta đều có nguyên nhân, đâu phải tự nhiên mà có; mà nguyên nhân thủ phạm lại chính là Ta. Vì ta không biết điều đó nên ta rao rằng: chùa này làm tiền, chùa kia làm tiền! Vì sao lại có tình trạng tệ hại như vậy? Tại vì trước kia đến chùa ta không chịu học đạo cho đàng hoàng, chỉ học lý thuyết suông cho vui, nên ta đã bố thí cúng dường không đúng đắn, không trong sạch. Chính chúng ta đã biến cái chùa thành cái chợ, thì nay cũng chính chúng ta phải biến cái chợ thành cái chùa như thuở nào, và nhất là những ai có thọ Bồ Tát giới. Công việc này không phải một người có thể làm nỗi, mà tất cả hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Tuy nhiên điều đầu tiên là chúng ta phải ý thức được sự tệ hại và đình trệ của Phật giáo Việt Nam (hải ngoại). Có ý thức được thì chúng ta mới mong muốn sửa đổi, còn nếu không thì chẳng có gì để nói nữa cả. Nhược bằng ý thức được thì ta hãy lên đường làm lại cuộc đời Phật tử của mình, cũng tức là cuộc đời của Phật Giáo Việt Nam vậy. Ta hãy can đảm đừng ngại ngùng học lại những giáo lý căn bản, rồi đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày. Chúng ta có thói quen là thân thì ngồi dưới đất, mà tâm trí thì cứ tưởng ở trên mây. Có nghĩa là sao? Nghĩa là trình độ tu học thì rất kém (tham, sân, si chưa trừ) mà lại hay nói những lý lẽ cao siêu, chỉ thích tụng kinh Ðại Ðại Thừa Ðại Ðại Phương Quảng, v.v… Nhất là có những Kinh nào nguyên văn bằng chữ Hán thì ta lại mù tịt, không hiểu gì cả. Ta quên mất rằng đức Phật có nói: ‘Nếu tin ta mà không hiểu ta thì đó là hủy báng ta,’ vậy nếu ta tụng kinh Phật mà không hiểu thì không biết một ngày ta đã hủy báng Phật bao nhiêu lần rồi? Với mục đích giúp cho đọc giả nào muốn làm lại cuộc đời Phật tử của mình, tôi xin biên soạn về ‘Bố thí Ba La Mật’, là một trong sáu hạnh của Bồ Tát. Vì sao lại chỉ nói về Bố Thí thôi mà không nói cả sáu hạnh của Bồ Tát? Ðó là tùy tình cảnh, tùy thời. Tùy tình cảnh vì Bố Thí là hạnh đầu tiên trong Lục Ðộ và nó dễ thực hành cho Phật tử tại gia. Còn tùy thời là vì ngày nay rất nhiều Phật tử than phiền là chùa này nhiều tiền, hoặc Thầy này giàu, Thầy kia nghèo,… Bố thí mà biết cách thì được phước đức vô biên cho cả người cho lẫn người nhận. Còn Bố thí mà không biết cách thì chỉ có một bên hoặc chả có bên nào được lợi cả. Do đó, Bố thí mà không biết cách thì tốt hơn là đừng bố thí!
2. Bồ Tát Ðạo
I. Bồ Tát Ðạo
Ðịnh nghĩa Bồ Tát.
Bồ Tát là nói tắt của Bồ Ðề Tát Ðỏa tức Bodhisattva (Sanscrit). Bodhi là giác, Sattva là hữu tình. Bodhisattva có nghĩa là người giác ngộ. Nói như vậy thì hơi mơ hồ, vì đức Phật cũng là người giác ngộ, A-La-Hán cũng là người giác ngộ, vậy Bồ Tát khác Phật, khác A-La-hán chỗ nào? Có nhiều lối giải thích:
1. Trên phương diện độ sanh: A La Hán tự độ (độ mình), Bồ Tát độ tha (độ người), còn Phật là giác hạnh viên mãn (độ mình và độ người đã xong).
2. Trên phương diện phát nguyện thì:
- – A La Hán chỉ cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi.
- – Bồ Tát là người phát tâm cầu thành Phật để độ tất cả chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Trên quảng đường từ lúc mới phát Bồ đề tâm (Bodhicitta) cho đến lúc thành Phật thì gọi là Bồ Tát.
3. Trên phương diện chứng đắc thì:
- – A La Hán đã phá được ngã chấp, tức chứng được ‘ngã không’ (Sattvàsùnyatà), không còn chấp vào một cái Ta (Atman) hiện hữu.
- – Bồ Tát cũng chứng được ‘ngã không’, nhưng chưa hoàn toàn được ‘pháp không’ (Dharmasùnyatà).
- – Phật thì đã phá hoàn toàn ngã chấp và pháp chấp, tức là thấy được thực tướng của vạn pháp, thấy được các pháp không sinh (anutpanna), không diệt (anirudha).
4. Trên phương diện tu trì:
- – A La Hán tu theo Tứ Ðế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
- – Bồ Tát hành Lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ).
- – Phật thì cũng giống như Bồ Tát nhưng đã tới đích. Trên đây chỉ là khái lược sơ về sự khác biệt giữa Phật, Bồ Tát và A La Hán.
Chúng ta là hàng Sơ phát tâm Bồ Tát thì cần chú trọng nhiều về hai phương diện phát nguyện và tu trì. Phát nguyện là phát Bồ đề tâm tức tâm nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, còn tu trì là luôn luôn tìm mọi cách để thực hành Lục độ.
II. Tầm quan trọng của phát nguyện và hồi hướng
Trong đạo Phật, ta thường nghe nói về Tam Ðộc tức là lòng ham muốn, giận tức và si mê, chúng trói buộc ta trong vòng sinh tử luân hồi. Và muốn giải thoát thì ta phải dẹp trừ chúng bằng cách bớt ham muốn, mở rộng lòng từ bi, trau dồi giáo lý Phật Pháp. Do hiểu như vậy, 0nên nhiều người trong chúng ta không dám mong cầu gì cả, đến chùa tụng Kinh cho vui vậy thôi chứ không thành tâm phát nguyện và hồi hướng (trong các thời Kinh ở chùa đều có văn phát nguyện và hồi hướng, nhưng vì không chú tâm hoặc không hiểu nên gọi là không thành tâm), khi bố thí thì bố thí vậy thôi chứ không nghĩ gì hết. Rồi ta cho như vậy là đúng, vì trong Thiền Tông thường nói giữ ‘Tâm Không’, nên ta không dám nghĩ, không dám mong cầu gì hết, chỉ giữ Tâm Không thôi. Nếu ta cứ làm như vậy hoài thì kiếp sau ta sẽ đầu thai thành cục đá bên lề đường, vì cục đá cũng có Tâm Không, vô tri vô giác, không nghĩ, không biết gì cả. Cõi Ta Bà mà chúng ta đang ở đây thuộc về cõi Dục. Chúng sanh ở đây luôn luôn ham muốn, ham muốn ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ ấm. Nhưng chúng ta quên mất một điều là tất cả chư Phật đều thị hiện thành Phật ở cõi này, chứ không thành Phật ở hai cõi Sắc và Vô Sắc. Ðức Phật dạy ta lìa bỏ ngũ dục chứ đâu có dạy ta lìa bỏ Niết Bàn dục (tức lòng ham muốn đạt được Niết Bàn). Ở đời, khi làm một việc gì thì ta thường có lý do và mục đích. Lúc nhỏ ta cắp sách đến trường, lý do là cha mẹ ta muốn cho ta nên người. Mục đích của sự học là để được bằng tú tài. Có tú tài để được vào Ðại Học. Vào Ðại Học mấy năm để có được một văn bằng (diplôme). Có văn bằng để đi ra làm việc. Làm việc để có tiền. Có tiền để nuôi thân hoặc nuôi gia đình,… Tất cả những cái ‘để’ đó đều là mục đích của những hành động và việc làm của ta. Khi có mục đích là có sự mong cầu. Sự mong cầu hay ham muốn được xem là tốt hay xấu tùy theo mục đích của nó tức là đối tượng của sự mong cầu. Nếu ta ham muốn ngũ dục thì đó là xấu vì kết quả là ta sẽ đau khổ, ngược lại nếu ta ham muốn học đạo, tu đạo, thì đó là một sự ham muốn tốt vì kết quả là ta sẽ giải thoát, hưởng sự an vui của Niết Bàn. Khi ta ham muốn vừa vừa thì gọi là mong cầu, khi ta hết lòng ham muốn và quyết chí đạt cho được mục đích thì gọi là nguyện. Tất cả chư Phật và Bồ Tát đều là những người đã mong cầu, đã phát nguyện năm xưa. Ta há không nhớ Ðức Phật Thích Ca đã phát nguyện gì dưới gốc cây Bồ Ðề? Ngài nguyện: ‘Dù máu khô, thịt nát, xương tan, nếu không giác ngộ (thành Phật) ta thề không rời khỏi nơi đây.’
Ngoài ra đọc trong Túc Sanh Truyện (Jataka) kể về các tiền thân của đức Phật, ta sẽ thấy là mỗi khi làm một hạnh gì, ngài đều phát nguyện và hồi hướng. Phát nguyện cầu thành Phật để cứu độ chúng sanh và hồi hướng tất cả công đức cho quả vị Phật.
Hồi hướng là gì?
Là gom góp tất cả để đặt vào một chổ. Người làm phước nhiều mà không biết hồi hướng sẽ giống như người đi làm cho có thật nhiều tiền đem về chất đầy nhà, rồi không biết làm gì với đống tiền đó.
Hãy lấy một thí dụ:
1. Ta đến chùa làm một việc công đức, mà trong tâm ta luôn luôn nghĩ đến sự giàu sang sung sướng, thì kiếp sau ta sẽ được giàu sang sung sướng.
2. Cũng một việc công đức đó, mà ta hồi hướng được giải thoát sinh tử luân hồi, thì trong những kiếp sau ta sẽ được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
3. Cũng một việc công đức đó, mà ta hồi hướng cầu thành Phật thì chắc chắn một kiếp xa xôi nào đó ta sẽ thành Phật.
Tại sao trong thí dụ (1) nói kiếp sau, thí dụ (2) nói những kiếp sau, và thí dụ (3) nói một kiếp xa xôi, ý nghĩa là sao?
Thí dụ (1) nói về sự giàu sang sung sướng ví như một cái áo bành tô (manteau) trị giá 700 quan. Thí dụ (2) nói về sự giải thoát sinh tử luân hồi ví như một chiếc xe hơi trị giá 70.000 quan. Thí dụ (3) nói về sự cầu thành Phật ví như một căn nhà villa trị giá 700.000 quan.
Nếu ta đi làm lương một tháng là 5000 quan, và trong đầu ta không có một mục đích gì cả, thì khi đi đường, nếu thấy một cái áo bành tô đẹp, vừa giá ta có thể mua được thì ta mua ngay không chần chờ.
Cũng với số lương đó mà ta muốn có một chiếc xe hơi thì ta phải dành dụm năm này qua năm nọ, không dám lấy tiền lương xài vào việc khác như mua quần áo, thì khoảng vài năm là ta có thể có được một chiếc xe hơi.
Cũng với số lương đó mà ta muốn có một căn nhà villa thì ta phải dành dụm lâu hơn nữa vì lương của ta quá ít so với giá tiền của cái nhà. Do đó ta phải gom góp dành dụm tiền lương không dám xài hoang phí vào việc khác, mà cốt chỉ để mua nhà. Vậy thì khoảng hai mươi năm hay hơn nữa ta mới hoàn toàn làm chủ cái nhà (vì ở bên Pháp cho trả Crédit).
Sau ba thí dụ trên, ta thấy rằng cũng cùng một hành động (karman) cùng một nhân (hetu) mà có quả báo khác nhau. Ðó là do tâm hồi hướng mà ra. Nếu ta tạo công đức nhiều mà không biết hồi hướng thì uổng lắm, vì sao? Dĩ nhiên là khi tạo công đức thì chắc chắn ta sẽ gặp quả báo tốt, nhưng uổng vì đó là quả báo hữu lậu của thế gian, sau một thời gian ta sẽ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi.
Nếu thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện và hồi hướng thì sau này : trước khi, trong khi, và sau khi làm một việc gì tốt ta nên phát nguyện và hồi hướng. Và hơn nữa khi ta gặp một việc công đức nào ta sẽ vui mừng vì đó là một cơ hội cho ta tiến mau đến mục đích (nếu là trường hợp ta thích xe hơi hoặc căn nhà, mà không thích áo bành tô).
Vậy theo ta hiểu thì Bồ Tát là phải nhớ đến Bồ đề tâm, nhớ phát nguyện và hồi hướng cầu thành Phật, nhưng không hiểu tại sao khi ta đọc Tâm Kinh thì thấy trong đó có nói câu ‘vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố’. Lúc đó ta nên khởi tâm nghĩ như vầy : Bồ Tát Quán Tự Tại là bậc Diệu Giác Bồ Tát, còn ta đây là Bào thai Bồ Tát (Bồ Tát còn nằm trong bụng mẹ). Hơn nữa Quán Tự Tại Bồ Tát đã hiểu, đã thấy, đã chứng được tánh Không, tức thực tướng của vạn pháp, còn ta đây không biết cái gì là phải cái gì là trái, cái gì tốt cái gì xấu, cái gì là Từ Bi cái gì là ác độc, nói chi đến tánh Không với tánh Có. Ta đừng làm giống như người đang đi trên sông, thấy người khác đến bờ vứt bỏ con thuyền, mà ở đây ta cũng vội vàng lấy búa ra đập thủng thuyền của mình. Ta phải luôn luôn ý thức nhìn lại xem mình là ai? Em bé lên 3, thanh niên 20, hay ông lão 70. Nếu là em bé lên 3 thì ta hãy vui vẻ tập đi, không nên bắt chước lấy cây gậy của ông già bảy mươi mà chết sớm. Còn ngược lại nếu thấy mình là ông lão bảy mươi thì ta cứ việc ‘vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố’, không ai cấm cản vì đạo Phật là đạo tự giác không có bắt buộc hay độc tài.
Sau khi hiểu được sự phát Bồ đề tâm cũng như sự phát nguyện và hồi hướng của Bồ Tát, ta bước sang phần thực hành của Bồ Tát tức Lục Ðộ.
À, hình như chúng ta quên mất một điều, là không biết tại sao Bồ Tát lại phát Bồ đề tâm? Mục đích của Bồ đề tâm là thành Phật cứu độ chúng sanh, nhưng lý do và căn nguyên của sự phát Bồ đề tâm là gì? Bồ Tát phát Bồ đề tâm, lý do vì Bồ Tát thấy chúng sanh đau khổ nên muốn cứu khổ chúng sanh, muốn cứu khổ chúng sanh nên mới cầu thành Phật tức cầu sự giác ngộ hoàn toàn.
Bồ Tát là những người ý thức được sự đau khổ của cuộc đời, thấy rõ được sự bất công, sự đàn áp, bóc lột, lợi dụng, tàn hoại, ác độc của chính con người tạo cho con người. Nếu Bồ Tát chỉ ngồi một chỗ, cần gì hô lên một tiếng, có người đem đến dâng cho, thì Bồ Tát khó ý thức được sự khó khăn, đổ mồ hôi sôi nước mắt của người dâng cho mình. Nếu không tự thân chứng nghiệm đau khổ, thì ít nhất Bồ Tát cũng tập ý thức sự có mặt của đau khổ nơi mọi loài. Vì có đau khổ nên mới có đạo Phật, nếu không có đau khổ thì không có đạo Phật. Bồ Tát ý thức được sự đau khổ không phải để sợ hãi, mà là để nuôi dưỡng lòng từ bi của mình. Bồ đề tâm của Bồ Tát cũng ví như ngọn lửa được đốt bằng dầu đau khổ. Nếu không có dầu đau khổ thì ngọn lửa Bồ đề tâm sẽ tắt. Do đó đối với Tứ Diệu Ðế, Bồ Tát đã thấu triệt hoàn toàn. Nếu chúng ta muốn đi theo con đường của Bồ Tát thì chúng ta cũng cần phải học cho thông suốt Tứ Diệu Ðế, nếu không được thì ít nhất chúng ta cũng cần phải hiểu được ‘Nhị diệu đế’ tức là hai Diệu đế đầu: Khổ Ðế và Tập Ðế. Và sau khi hiểu rõ rồi thì ta hãy tiến bước trên Bồ Tát đạo, nếu không như thế thì ta chỉ là ‘danh tự Bồ Tát’, tức là ta đến chùa thọ bồ tát giới cho vui mà thôi.
Sau khi hiểu được nguyên nhân và mục đích của Bồ Tát, ta bước sang con đường đi của Bồ Tát, tức Bồ Tát đạo (Bodhisattvamàrga).
Bồ Tát đạo thường được biểu hiện qua Lục độ, tức sáu hạnh, còn gọi là Lục Ba La Mật (Pàramità) gồm có: Bố thí (Dàna), Trì giới (Sila), Nhẫn nhục (Ksànti), Tinh tấn (Vìrya), Thiền định (Dhyàna), Trí tuệ (Prajna). Pàramità dịch âm là Ba La Mật Ða, dịch chữ là Ðáo Bỉ Ngạn có nghĩa là đến bờ bên kia. Lục Ba La Mật là sáu phương tiện có khả năng đưa (độ) Bồ Tát sang đến bờ bên kia là bờ Ðại Giác, tức Phật.
Trong phạm vi nhỏ hẹp, sách này chỉ xin nói về Bố thí Ba la mật thôi. Vì bố thí đúng với ý nghĩa của nó thì nó bao gồm cả sáu Ba la mật, nếu không thì nhiều khi nó cũng không được gọi là Bố thí nữa.
3. Bố thí là gì?
I. Bố thí là gì?
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí. Bố là khắp, thí là cho. Bố thí là cho khắp tất cả. Nếu nói như vậy thì hơi đơn giản và mơ hồ. Vì cho khắp tất cả có nghĩa là cho khắp tất cả những gì mình có, hay cho khắp tất cả chúng sinh?
Khi ta đi đường gặp một kẻ nghèo khó đứng xin ăn, ta lấy năm đồng hay một cắc ra cho họ, thì ta gọi đó là bố thí cho kẻ nghèo. Trong gia đình khi ta cho con cái vật gì thì ta chỉ gọi đó là cho. Ðối với những người có địa vị xã hội cao hơn ta, hay đối với hàng ông bà chú bác thì ta không gọi là cho mà gọi là Tặng hay Biếu. Rồi khi vào chùa đối với Tam Bảo ta lại có tiếng gọi khác là cúng dường. Cũng là một hành động cho mà lại có nhiều tên gọi khác nhau vì đó là tùy ở nơi đối tượng của sự cho, tức là người nhận. Mùa Xuân Tết đến, ta không thể đem một món quà đến gặp ông chủ của mình mà nói rằng: ‘Tôi xin bố thí cho ông chủ món quà’, hoặc gặp một vị Thầy ta nói: ‘Con xin bố thí cho Thầy’, hoặc ta cũng không thể nói: ‘Ba cúng dường cho con một hộp bánh’, v…v… Tiếng Việt của ta rắc rối lắm, không phải dễ dàng đâu! Nếu không chú ý cẩn thận một chút là ta có thể gây phiền phức cho chính mình và cả người khác nữa.
Như ta đã thấy Bố thí gồm có nhiều nghĩa: cho, tặng, biếu, cúng dường, bố thí. Nhưng để giản tiện bớt cho những trang sau, ta tạm gọi tất cả những cái đó là Bố thí.
II. Vì sao phải bố thí?
Vì Bố thí đem lại nhiều lợi ích sau đây : Bố thí là một kho tàng phước đức luôn luôn đi theo người chủ (tức người cho) đời này sang đời khác; bố thí xây dựng hạnh phúc và tiêu trừ đau khổ; người biết bố thí thì ai cũng thương mến; bố thí làm cho tâm (người cho) được an vui, khi gần chết tâm không sợ hãi; bố thí tiêu trừ lòng tham lam bỏn xẻn; người biết bố thí thì chư Thiên ủng hộ; bố thí là con đường trong sạch mà tất cả Thánh nhân đều đã đi qua; bố thí là một thiện nghiệp sẽ cho ra quả báo tốt; bố thí là hành động của những người hùng; bố thí sẽ tiêu trừ sự nghèo và đóng cửa dẫn đến ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh); bố thí giữ gìn công đức; bố thí là điều kiện đầu tiên của con đường dẫn đến Niết Bàn; bố thí là gốc rễ của tất cả thiện pháp; bố thí là nhà ở của những người cao quý, là thú vui của những bậc Thánh (Arya) và Vĩ nhân; bố thí là một cái gương sáng đáng để cho những người thiếu phước đức và trí huệ noi theo.
* Người trí và người ngu trong cuộc hỏa hoạn.
Khi có một cuộc hỏa hoạn, người có trí khôn biết nhận xét xem lửa có thể lan đến nhà mình hay không? Nếu có thì vội vàng thâu góp tài sản dời đi chổ khác yên ổn trước khi lửa cháy tới. Ðến khi lửa lan tới và mặc dù căn nhà của mình bị cháy tiêu rụi, nhưng người ấy vẫn còn nguyên những gì quý giá, và nhờ đó có thể xây cất lại căn nhà khác. Cũng như thế, người trí biết được cái thân xác của mình rất mong manh dễ tàn, và của cải vật chất cũng vậy nay còn mai mất, thừa dịp tốt lúc thân xác và của cải chưa mất, người ấy trau giồi tích tụ công đức bằng cách thực hành bố thí, cũng giống như người khôn biết thâu nhặt đồ vật quý giá trước khi nhà cháy; và trong những kiếp sau người ấy (người bố thí) sẽ được hưởng lại sự bố thí do phước báo đã tạo, giống như người khôn xây lại căn nhà mới vậy.
Ngược lại, cũng trong một cuộc hỏa hoạn, người ngu không biết làm gì, chỉ vì tham lam không muốn rời bỏ căn nhà; đến khi lửa cháy tới nơi, hoảng hốt lo chạy thoát thân một mình, không đem theo được đồ vật nào cả; người này không có trí khôn nhận xét được sự lan tràn nhanh chóng của lửa (nhất là khi có gió to), để rồi dưới sức gió mãnh liệt và ngọn lửa vô tình, căn nhà của mình chỉ trong vài phút là cháy rụi ra tro. Tệ hơn nữa là chờ đến giờ phút chót mới lo chạy thoát thân nên không đem theo được tài sản nào hết. Do đó sau cuộc hỏa hoạn, người này phải chịu đói khát, chịu nóng lạnh và sống cực khổ cho đến hết cuộc đời. Trường hợp của một người tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt cũng giống như người ngu vừa kể trên, tức là không biết rằng thân xác, của cải và mạng sống rất mong manh, dễ tàn nay còn mai mất, không thể nào giữ mãi mãi được, chỉ trong một tíc tắc đồng hồ thôi là có thể tiêu tan mất hết. Vì không biết được như vậy nên trong suốt cuộc đời, người ngu chỉ chúi đầu vào việc tích tụ của cải, vơ vét tiền bạc, rồi bảo vệ, giữ gìn chúng một cách tham lam ích kỷ. Nhưng rồi bất thình lình một ngày nào đó ‘Thần chết’ đến gõ cửa nắm đầu lôi đi (không thể từ chối được). Xác thân tứ đại này tan rã trở về với đất rừng, những của cải, tài sản khổ công tích tụ đều phải bỏ lại không đem theo được, và kiếp sau tái sinh trong cảnh nghèo khổ, đói rét giống như người ngu hoảng hốt trong cơn hỏa hoạn vậy.
Người trí, rộng lượng biết được rằng: khi bố thí cho người khác tức là làm lợi ích cho chính mình. Ngược lại người ngu, bần tiện, không biết được rằng: nếu không bố thí hay giúp đỡ người khác tức là chả làm được lợi ích gì cho chính mình cả.
4. Bố thí có mấy loại?
Nếu ta là người học Phật lâu năm ta sẽ nhanh nhẹn trả lời rằng có 3 loại:
- 1) Tài thí: tức bố thí tiền.
- 2) Pháp thí: tức bố thí pháp.
- 3) Vô úy thí: tức bố thí sự không sợ hãi.
Trả lời như vậy xong, ta yên chí cho là mình đã hiểu xong Bố thí Ba La Mật, rồi ta bỏ qua, đi lấy Kinh Hoa Nghiêm ra đọc, hoặc lấy sách Tổ Sư Thiền ra coi. Nhưng than ôi! Ta đã lầm to, Bố thí Ba La Mật đâu phải chỉ có bấy nhiêu thôi!
Khi nói đến sự bố thí, thì ta nhận ra có ba yếu tố tạo ra nó, đó là: người cho (năng thí), món đồ (vật thí), và người nhận (sở thí).
Ba món Bố thí mà ta vừa kể trên (Tài, Pháp, Vô úy) thuộc về vật thí. Còn người cho và người nhận, ta đã sơ xuất bỏ quên. Ba yếu tố cho ra sự Bố thí quan trọng lắm, nếu thiếu một trong ba cái đó thì sẽ không có sự Bố thí.
Có người cầm trong tay một món đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí. Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng không có sự bố thí. Có người sẵn sàng nhận đồ mà không có ai cho thì cũng không có sự bố thí.
Nếu muốn phân loại thì ta phải căn cứ trên ba yếu tố của sự Bố thí mà phân loại:
- – Trên phương diện người cho (dayaka) thì có hai loại: Bố thí trong sạch (visuddhadàna) và không trong sạch (avisudha).
- – Trên phương diện vật thí (deya) thì có ba loại: Tài thí (Dravyadàna), Pháp thí (Dharmadàna) và Vô úy thí (Abhayadàna).
- – Trên phương diện người nhận (tức đối tượng của sự bố thí), còn được gọi là ruộng phước (phước điền) thì có hai loại: ruộng phước nhỏ (karunàpunyaksetra) và ruộng phước lớn (satkàrapunyaksetra).
Trên đây chỉ là tạm phân loại tổng quát thôi, vì mỗi loại lại được phân ra làm các phần nhỏ nữa mà ta sẽ đi sâu vào chi tiết sau.
I. Trên phương diện người thí
Có hai loại bố thí: Trong sạch và không trong sạch.
1) Thế nào là bố thí không trong sạch?
Ðó là bố thí vì: tư lợi, bất kính, chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người,… Tóm lại bố thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.
2) Thế nào là bố thí trong sạch?
Nói một cách giản dị, đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã tả ở phần trên. Còn có nghĩa là Bố thí mà muốn đem lại lợi ích cho người nhận.
Vừa kể trên là sự bố thí trong sạch cho tất cả mọi người. Riêng cho Phật tử thì Bố thí trong sạch còn có nghĩa là bồi đắp công đức cho sự giải thoát, tức Niết Bàn (Nirvàna).
Phải bồi đắp cách nào? Bằng cách bố thí với tâm trong sạch, không cầu phước báo của Trời (Deva), người (Manusya), không cầu sự sung sướng trong đời này và đời sau, chỉ cầu giải thoát của Niết Bàn, bố thí với tấm lòng cung kính (satkàra) hoặc từ bi (maitrìkarùna). Trong lúc chưa chứng được hoàn toàn quả Niết Bàn, ta vẫn tái sinh ở cảnh an vui của Trời, người (mặc dù không cố ý cầu), đó là do nghiệp báo tốt của sự bố thí trong sạch. Ðức Phật có nói rằng: ‘Trên đời này có hai hạng người rất là hiếm có: 1) Một vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn giải thoát trong số các tu sĩ lang thang (pravajita); 2) Một người biết bố thí trong sạch trong số các cư sĩ tại gia’ (Anguttara I).
II. Trên phương diện vật thí
Có ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Trong mỗi loại trên lại chia ra: chân chính và không chân chính.
1) Tài thí
Tài thí lại chia ra hai loại: Ngoại thí và Nội thí.
a) Ngoại thí (bàhyadàna): Ngoại thí là bố thí những đồ vật bên ngoài như: vàng, bạc, của cải, quần áo, đồ ăn thức uống…
b) Nội thí (àdhyàtmika): Nội thí là bố thí những gì trong thân thể con người chúng ta; như xưa kia đức Phật còn làm Bồ Tát đã bố thí đầu, mắt, chân, tay… Ngày nay ta không làm nổi như vậy thì ta có thể ra công giúp sức như làm công quả cho chùa, kéo xe cho người già, v…v… Hoặc tiếp máu cho bệnh nhân ở nhà thương, hoặc ký giấy cho những bộ phận trong thân thể mình nếu bị chết bất đắc kỳ tử.
c) Tài thí chân chính: là những đồ vật được bố thí không phải do từ trộm cắp hay cướp giật. Nếu ngược lại là tài thí không chân chính.
Ngoài ra nếu ta bố thí trong những trường hợp sau đây thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội:
- 1. Bố thí đúng lúc. Có nghĩa là bố thí cho: những người đi xa, người từ xa mới đến, người bịnh, người trông coi kẻ bịnh, trong những mùa giá lạnh.
- 2. Bố thí luôn luôn mà không thấy mệt mỏi hay chán nản.
- 3. Bố thí tùy theo sở thích của người xin.
- 4. Bố thí những vật quí giá.
- 5. Bố thí cho những người làm việc cho Chùa, làm vườn, đào mương …
- 6. Bố thí cho chư Tăng.
- 7. Bố thí mà kính trọng người nhận.
- 8. Bố thí cho những người có đức hạnh.
- 9. Bố thí tất cả những gì mà mình có.
* Sự bố thí toàn vẹn của Họa sĩ Karna (Sùtralamkara).
Thuở đó ở làng Puskaravàvati có một người họa sĩ tên là Karna. Vì làm ăn không khá nên anh ta đã từ giả gia đình vợ con, lên đường một mình sang nước lân cận là Taksasila. Nơi đây anh ta tận tụy làm việc, kết quả là sau mười hai năm, anh ta đã dành dụm được ba chục đồng tiền vàng. Hớn hở, anh ta trở về quê cũ, trên đường về làng nghe thấy một hồi chuông trống báo hiệu sắp có một cuộc hội họp quan trọng của Chư Tăng, thế là anh ta lần mò đến. Với một đức tin trong sạch anh đi gặp vị Tăng Tri sự (tức vị Tăng phân phối chỉ huy buổi họp) mà hỏi rằng: ‘Thưa ngài, buổi họp như vậy nếu kéo dài một ngày thì phải cần chi phí bao nhiêu để có thể cúng dường (vật thực) đầy đủ cho chư Tăng?’ Vị Tăng Tri sự trả lời: ‘Khoảng ba mươi đồng vàng thì đủ cho một ngày’. Nghe vậy xong, anh liền móc túi lấy ra ba mươi đồng vàng đưa hết cho vị Tri sự mà thưa rằng: ‘Con xin thành tâm, dâng cúng vật thực một ngày cho chư Tăng’. Sau đó anh ta trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Về đến nhà, vợ anh mừng rỡ chạy ra đón và hỏi: ‘Trong suốt mười hai năm anh đã làm được bao nhiêu tiền?’ Anh ta trả lời: ‘Ðược ba mươi đồng vàng’. Vợ anh hỏi tiếp: ‘Thế ba mươi đồng vàng đâu anh hãy cho xem?’ Anh ta nói: ‘Tôi đã gieo tất cả vào một ruộng phước (punyaksetra) rồi’. Vợ anh hỏi ruộng phước nào thì anh trả lời: ‘Tôi đã cúng dường hết cho Giáo đoàn Tăng Già (Sangha)’. Vừa nghe như vậy xong, người vợ liền nổi giận la hét mắng chửi và đánh đập anh, rồi lôi kéo anh ra tòa nhờ quan trên xét xử và trừng phạt anh. Ra đến tòa, quan hỏi có chuyện gì thì vợ anh thưa rằng: ‘Chồng tôi là một tên khùng nặng ! Trong suốt mười hai năm trời đi làm ở nước ngoài, dành dụm được ba mươi đồng vàng. Nhưng về đến đây không biết nghĩ và thương hại đến vợ con, nên chồng tôi đã phung phí, cho người ta hết không còn đồng nào. Chiếu theo pháp luật, tôi lôi anh ta đến đây xin quan trên xét xử’. Quan tòa hỏi người chồng: ‘Tại sao anh lại đưa cho người ta hết thay vì đem về đưa cho vợ con?’ Anh trả lời: ‘Trong những kiếp sống trước của tôi, tôi đã không biết làm các hạnh lành, vì thế nên trong kiếp này tôi phải chịu cảnh nghèo và cực khổ. Nhưng cũng trong kiếp này, tôi có duyên may gặp được một ruộng phước, và nếu tôi không nắm lấy cơ hội gieo vào đó những hạt giống lành, thì chắc chắn trong những kiếp vị lai tôi sẽ phải chịu mãi mãi cảnh nghèo khổ không biết đến bao giờ mới hết. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ nên ngày hôm nay tôi đã cúng dường hết số vàng của tôi cho đoàn Tăng Già’.
Vị quan tòa này lại là một Ưu bà tắc (Upàsaka), có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nên sau khi nghe anh họa sĩ trả lời như thế, liền hết lòng tán thán: ‘Việc làm của anh quả thật là cao thượng, anh đã biết bố thí toàn vẹn cho Giáo đoàn số tiền dành dụm được sau bao năm làm lụng cực khổ. Thật là cao quý, tôi đây thiệt không bằng’. Thế rồi vị quan tòa liền tháo cái vòng ngọc đang đeo ở cổ đưa tặng anh ta, cùng lúc cho anh ta con ngựa của mình đang cưỡi và một làng nhỏ. Rồi cuối cùng quan tòa lại nói thêm: ‘Anh vừa mới hiến tặng cho Giáo đoàn, thì tôi đây cũng xin hiến tặng lại anh, nhưng đó chỉ gọi là một chút quả báo hiện tại, chắc chắn trong những kiếp tới phước đức quả báo của anh sẽ vô lượng’.
* Sự cúng dường của Ma Ha Ca Diếp (Maha Kasyapa)
Ca Diếp có nghĩa là Ẩm Quang, vì thân hình của ngài lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ và trang nghiêm. Do nhân duyên nào mà được như thế? Trong một tiền kiếp quá khứ xa xưa vào thời Ðức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasyin), lúc đó tôn giả Ca Diếp tiền thân là một thợ bạc chuyên đúc tượng. Một ngày nọ, có một thiếu nữ nghèo vào tiệm trên tay mang theo một thoi vàng, nhờ ông đúc một pho tượng Phật. Người thợ bạc thấy thế liền hỏi : ” Vàng ở đâu mà cô có? ” Thiếu nữ trả lời :” Trên đường đi lễ Phật về đã nhặt được.”
Người thợ bạc lấy làm ngạc nhiên hỏi : ” Tôi thấy cô nghèo khổ quá, không đủ cơm ăn, áo mặc, sao cô không đem vàng này bán đi để chi dụng cho cuộc sống mà lại đem đúc tượng Phật? “
Thiếu nữ nói : “Vì tôi có phát lời nguyện tại chùa là nếu có đủ thuận duyên thì tôi sẽ đúc một pho tượng Phật bằng vàng đẻ cho chúng sinh chiêm ngưỡng lễ bái. Và hôm nay làm được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi, không còn mong cầu chi khác hơn.”
Cảm động trước sự phát tâm bố thí cúng dường quá rộng lớn của thiếu nữ, người thợ bạc cũng phát tâm : ” Ðược, tôi sẽ đúc cho cô pho tượng Phật này và tôi cũng xin nguyện cúng dường không lấy tiền công.”
Do nơi công đức bố thí và cúng dường này mà chín mươi mốt kiếp sau, hai người sinh ra lúc nào thân hình lúc nào cũng trong sáng trang nghiêm và gặp được nhiều thiện hữu tri thức, cho đến kiếp sau cùng sinh vào nước Ấn Ðộ gặp Phật Thích Ca xuât gia học đạo đồng chứng quả A La Hán.
2) Pháp thí
Thế nào là pháp thí?
Ðược xem là pháp thí gồm có:
- 1. Tất cả những lời nói chân thật, hữu ích có thể đem lại an lạc cho người nghe.
- 2. Giảng dạy chánh pháp của đức Phật (Buddhadharma).
- 3. Giảng dạy ba Tạng pháp: Kinh (Sùtra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma).
- 4. Giảng dạy cho người biết hai pháp: Thanh văn (Sravaka) và Bồ Tát (Bodhisattva).
Nghi vấn: Tại sao Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) cũng giảng dạy ba Tạng pháp, pháp Thanh văn và Bồ Tát mà lại bị đọa xuống Ðịa ngục? Lý do tại sao?
Ai cũng biết Ðề Bà Ðạt Ða là người chuyên môn ganh đua tìm cách hại đức Phật, lại còn hay chia rẽ phá rối sự hòa hợp của Tăng đoàn. Ngoài hai trọng tội này ra, Ðề Bà Ðạt Ða lại còn tạo rất nhiều tội về tà kiến. Sự giảng dạy thuyết pháp của Ðề Bà Ðạt Ða không phải là một sự bố thí Pháp trong sạch, nhằm cầu sự giải thoát, mà là cầu danh, cầu lợi, cầu sự kính trọng, … Chính vì sự Pháp thí không trong sạch này nên Ðề Bà Ðạt Ða chẳng gặt hái được công đức nào, và vẫn bị xuống địa ngục như thường.
- * Pháp thí không chân chính là giảng dạy những giáo pháp của ngoại đạo, không đưa con người đến sự giải thoát sinh tử luân hồi (như dạy xuất hồn, dạy làm bùa phép, v…v…)
- * Pháp thí chân chính là giảng dạy những giáo pháp đưa con người đến giải thoát rốt ráo của Niết Bàn (Nirvàna).
3) Vô úy thí
Vô úy thí có nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, tức là làm cho người khác được an tâm yên chí, không sợ gì cả.
Theo nguồn gốc Kinh tạng nguyên thủy (Anguttara, Itivuttaka) thì chỉ có hai loại Bố thí, đó là Tài thí và Pháp thí. Nhưng theo giáo lý Ðại thừa (Mahayàna), có thêm vào một loại bố thí thứ ba là Vô úy thí.
Theo ý kiến cá nhân, thì tôi thấy Vô úy thí nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí. Vì sao? Vì khi bố thí, tức là cho, thì có hai cách: một là cho bằng hành động, hai là cho bằng lời nói. Nếu bằng hành động thì đó thuộc Tài thí, còn nếu bằng lời nói thì đó thuộc Pháp thí.
Thí dụ:
- * Nếu có một người đi đường ban đêm sợ cướp giật, thấy thế ta liền đi theo bảo vệ cho người đó hết sợ. Ta gọi đó là Vô úy thí. Nhưng hành động đi theo của ta chính là thân thí (có nghĩa là vác cái thân của ta đi theo người đó), vậy tức là thuộc tài thí rồi.
- * Nếu có người sợ chết, sợ xuống địa ngục, ta liền đem giáo lý an ủi họ, chỉ cho họ làm lành hoặc biết niệm Phật thì sau khi chết sẽ về Cực Lạc. Nhờ đó họ không còn sợ chết nữa. Ta gọi đó là vô úy thí. Nhưng những lời lẽ mà ta an ủi họ, đó chính là Pháp thí rồi.
Ta không thể nào tự nhiên làm cho người khác hết sợ hãi được. Ta phải làm một cái gì đó (một lời nói, một sự hiện diện, một sự an ủi, một sự giúp sức,…) cho người ấy thì người ấy mới hết sợ (vô úy) được. Sự hết sợ chính là kết quả của Tài thí hoặc Pháp thí. Vì vậy Vô úy thí không thể được xem là một loại bố thí riêng biệt không tùy thuộc gì nơi hai sự bố thí kia cả (Tài và Pháp thí).
* Thế nào là vô úy thí chân chính?
Vô úy thí chân chính hay không chân chính đó là tùy thuộc ở Tài thí và Pháp thí có chân chính hay không? Thí dụ:
- – Có một người sợ chết. Ta bảo họ đừng sợ, cứ lo niệm Phật, ăn chay, làm phước, đến khi chết sẽ về Cực Lạc. Thế rồi họ nghe theo và hết sợ chết. Ðó là vô úy thí chân chính.
- – Cũng cùng một người, nếu ta bảo họ đừng sợ chết, vì chết là hết, không có gì phải lo cả, không có địa ngục, không có thiên đàng. Nếu họ tin ta mà không sợ chết nữa, thì đó là Vô úy thí không chân chính (vì ta dạy họ chấp đoạn).
4. So sánh ba loại Bố thí
Vì thấy Vô úy thí nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí nên ở đây tôi chỉ so sánh Tài thí với Pháp thí thôi.
Ða số chúng ta ai cũng biết trước là Pháp thí quý hơn Tài thí. Chính đức Phật đã nói: ‘Trong hai loại Bố thí này, thì Pháp thí là trên’ (Anguttara I). Vì sao? Vì nhiều lý do:
- – Phước báo của Tài thí vẫn thuộc cõi Dục giới (Kàmadhatu) còn phước báo của Pháp thí có thể nằm trong ba cõi (Traidhàtuka) hoặc ngoài ba cõi.
- – Sự Bố thí tài (tiền của, đồ vật) có giới hạn, còn sự Bố thí Pháp không có giới hạn (apramàna), vì tiền cho lâu rồi cũng hết, còn giáo pháp cho hoài không bao giờ hết.
- – Quả báo của Tài thí còn thuộc về hữu lậu, trong khi quả báo của Pháp thí thuộc vô lậu.
- – Bố thí tài cần phải đòi hỏi nhiều sức lực, ra công trong khi bố thí pháp chỉ cần sự thông minh và trí tuệ.
- – Chỉ có bố thí Pháp mới có thể gặt hái được những phước báo giống như các hàng Thanh Văn (Sravaka), Bích chi Phật (Pratyekabuddha) hay Bồ Tát (Bodhisattva).
- – Chỉ có bố thí Pháp mới có thể dẫn người khác đến con đường giác ngộ (Bodhimàrga).
- – Ta có thể thực hành Tài thí trong bất cứ thời đại (Kalpa) nào, dù có Phật hay không có Phật ở đời. Ngược lại, chỉ trong thời đại có một đức Phật ra đời ta mới có thể thực hiện Pháp thí được. Vì thế Pháp thí hiếm hơn Tài thí.
Ta có thể nêu ra nhiều lý do nữa, nhưng tóm lại bố thí Pháp sẽ gặt hái được nhiều công đức hơn bố thí tài.
III. Trên phương diện người nhận hay ruộng phước
Tại sao lại gọi người nhận (pratigràhaka) ruộng phước (punyaksetra)? Tại vì chính ở nơi họ mà ta gieo hạt giống phước đức nên gọi là ruộng phước. Nhờ có họ mà ta mới thực hiện được sự Bố thí.
Có hai loại ruộng phước:
1) Ruộng phước nhỏ (Karunàpunyaksetra) : Vì lòng thương hại (karunà) người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống thương hại sẽ cho ra những cây lúa nhỏ, nên gọi là ruộng phước nhỏ.
2) Ruộng phước lớn (satkàrapunyaksetra) : Vì có tâm kính trọng (satkàra) người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống kính trọng sẽ cho ra những cây lúa lớn, nên gọi là ruộng phước lớn.
* Sự Bố thí của vua A Dục (Asoka)
Một hôm đức Phật đi tản bộ cùng với ngài A nan trên thành Vương Xá (Ràjagrha). Ðến một quãng đường có hai trẻ nhỏ Jaya và Vijaya đang vui đùa lấy đất sét nắn thành những cái nhà nhỏ. Khi thấy đức Phật đến gần, chúng rất vui mừng hớn hở. Jaya lấy đất sét nắn thành một cái bánh, thành kính cúi đầu cúng dâng cho đức Phật, còn Vijaya lức đó cũng chắp hai tay lại cúi lạy theo bạn. Jaya, trong lúc cúng dường cái bánh đất, phát nguyện rằng sau này sẽ làm vua an trị cả một thế giới, rồi em tụng lên một bài kệ cúng dường đức Phật. Ðức Phật hoan hỷ đưa tay đón nhận cái bánh đất của em và mỉm cười. Thấy đức Phật mỉm cười, ngài A nan lấy làm lạ nên hỏi lý do, và đức Phật trả lời rằng: ‘Một trăm năm, sau khi ta nhập Niết Bàn, đứa bé này sẽ là một vị Chuyển luân thánh vương (Cakravartin) trông coi một trong bốn châu thiên hạ, và trong thành phố Kusumapura (Pàtaliputra), nó sẽ làm một vị minh vương tên là A Dục (Ásoka). Sau khi chia phát những xá lợi của ta xong, nó sẽ xây cất 84.000 bảo tháp để làm lợi ích cho muôn loài’.
Sự tích trên cho ta thấy ý nghĩa phước báo của một sự bố thí với lòng kính trọng người nhận, tức ruộng phước lớn.
* Sau khi phân tách tỉ mỉ, đi sâu vào chi tiết từng loại bố thí, ta có thể tóm tắt lại như sau:
Một sự bố thí được xem là trong sạch và đem lại phước đức quả báo vô lượng vô biên cần phải có ba yếu tố sau đây:
- 1) Người bố thí phải có tâm trong sạch.
- 2) Vật được thí phải chân chính.
- 3) Người nhận phải được kính trọng tối đa.
5. Bố thí ba la mật
Thế nào gọi là bố thí Ba La Mật?
Về Bố thí (Dàna) thì chúng ta đã được trình bày trong các phần trước rồi. Bây giờ chúng ta tìm hiểu chữ Ba La Mật (paramità).
Paramità dịch âm là Ba La Mật Ða. Nhưng ở đây chúng ta nói tắt là Ba La Mật (parami). ‘Para’ có nghĩa là bờ bên kia, ‘mi’ có nghĩa là đi đến. Bố thí Ba La Mật có nghĩa là băng qua con sông Bố thí (dànanadi) và đến được bờ bên kia. Chữ ‘đến được bờ bên kia’ quan trọng lắm. Vì sao? Vì có nhiều khi ta bắt đầu qua sông, nhưng đến nửa đường ta lại quay trở về, đó không gọi là Ba La Mật.
1. Ngoài ra ‘bờ bên này’ còn có nghĩa là bờ tham lam, bỏn xẻn, con sông là sự Bố thí, ‘bờ bên kia’ là bờ đại bi (mahakarunà).
2. ‘Bờ bên này’ là bờ tà kiến chấp trước (mithyàdrsti), ‘bờ bên kia’ bờ Trí huệ (prajnà).
3. ‘Bờ bên này’ là bờ sanh tử luân hồi (Samsàra), ‘bờ bên kia’ là bờ Niết Bàn giải thoát (Nirvàna).
4. Ngoài ra, Bồ Tát khi bố thí thấy rằng sự bố thí không sanh, không diệt, không có thiệt, tức là không thấy có người cho, vật được cho, và người nhận, đó gọi là Bố thí Ba La Mật.
Ở chỗ này ta nên dừng lại, phân tách một chút, vì đa số chúng ta đều lầm lẫn cho rằng mình Bố thí Ba La Mật nhưng thực sự thì không phải vậy. Ta thường được nghe giảng trong Kinh Kim Cang nói rằng bố thí mà không phải bố thí thì mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không chấp nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không thấy ta là người cho, đây là vật được cho, và kia là người nhận mới là bố thí,v…v…
Chữ Bố thí mà ‘không thấy’ ở đây không có nghĩa là bố thí mà nhắm mắt lại để khỏi thấy, hoặc bố thí mà tâm không dám nghĩ gì hết. ‘Không thấy’ ở đây là kết quả của một sự quán chiếu nhân duyên thấy được các pháp không có tự tánh. Vì thấy các pháp không có tự tánh nên thấy sự bố thí không có tự tánh. Như ta đã xem qua ở các phần trước, bố thí không thể là một cái gì tự nhiên có được, phải có đầy đủ ba yếu tố (người cho, vật cho, người nhận) hợp lại mới có nó. Nếu thiếu một trong ba thì không thể có sự bố thí. Do đó bố thí không có thiệt, nó chỉ là giả danh của một hợp thể (yếu tố). Xa hơn nữa, ba yếu tố vừa kể trên, chúng cũng lại là giả danh của một hợp thể nào đó. Như người cho và người nhận là giả danh của hợp thể ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đồ vật được cho là giả danh của một hợp thể vô số chất liệu. Và cứ thế ta quán chiếu để thấy không có một yếu tố nào có thực tướng, nó hiện hữu vì vô số các yếu tố khác hiện hữu. Thấy được như vậy gọi là thấy ‘Không’ (sùnya). Ðem áp dụng cái thấy ‘Không’ vào sự bố thí ta sẽ thấy không có cái gì thực sự là bố thí cả, mà chỉ có một sự biến chuyển, diễn tiến, sinh diệt của vô số nhân duyên, đây gọi là Bố thí Ba La Mật.
Chúng ta nên cẩn thận, đừng vội vã hấp tấp thực hành ‘Bố thí Không’, nếu ta chưa thực sự hiểu được ‘tánh Không’ (Sùnyatà), hay thấy được sự duyên khởi của các pháp. Tốt hơn là ta nên thực hành sự Bố thí trong sạch như đã nói ở phần trước. Còn nếu ta cố chấp cứ muốn bố thí theo kiểu (hiểu lầm) Kim Cang, tức là nhắm mắt để khỏi thấy ta, thấy vật, thấy người, hoặc bố thí mà tâm không nghĩ gì cả thì đó chẳng khác gì một người máy ‘Rô bô’ cầm hộp bánh bố thí cho một em bé. Ðó gọi là Bố thí Rô bô máy, chứ không phải là Bố thí Ba La Mật ! Dĩ nhiên là Rô bô chả được phước báo gì hết !
* Bồ Tát thực hiện Bố thí Ba La Mật ra sao?
- – Bồ Tát thực hiện tất cả các loại bố thí trong sạch, Tài thí, Nội thí, Ngoại thí, Pháp thí không bao giờ hối tiếc.
- – Bồ Tát bố thí một cách bình đẳng với tất cả mọi loài, không bao giờ nghĩ rằng:
- – Phải bố thí cho người lớn chứ không cho trẻ em.
- – Phải bố thí cho người tu hành chứ không cho người thường.
- – Phải bố thí cho người chứ không cho thú vật.
- – Phải bố thí cho Hòa Thượng chứ không cho chú tiểu.
- – Bồ Tát bố thí không cầu được phước báo.
- – Bồ Tát bố thí không kể ngày hay đêm, mùa đông hay mùa hè, trời tốt hay trời xấu.
- – Bồ Tát bố thí để thực hiện thực tướng (bhùtalaksana) của sự bố thí.
6. Bố thí và Sáu Ba La Mật
Trong sáu Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) thì Bố thí đứng đầu, vì nó làm nền tảng cho cả sáu Ba La Mật.
I. Bố thí làm nền tảng cho bố thí
Bố thí gồm có ba trình độ: hạ, trung, thượng. Nghĩa là sao?
Khi mới bắt đầu bước chân vào Bồ Tát đạo, Bồ Tát tập bố thí trong sạch, nhưng chỉ bố thí những đồ vật tầm thường như : đồ ăn, thức uống, đèn, dầu,v…v… Ðó gọi là bố thí hạ (avara).
Từ chỗ luôn luôn thực hành bố thí hạ, tâm của Bồ Tát bắt đầu phát triển, Bồ Tát tập bố thí nhiều hơn như : quần áo, thuốc men, nhà, cửa, vàng, bạc, những món đồ quý giá, v…v… Ðó gọi là bố thí trung (madhya).
Từ chỗ thực hành bố thí trung, hảo tâm của Bồ Tát phát triển tới mức cùng tột, tức là bố thí tất cả những gì mà mình có (nội thí và ngoại thí) không ngần ngại hay hối tiếc như: đầu, mắt, tay, chân, v…v… Ðó gọi là bố thí thượng (agra).
II. Bố thí làm nền tảng cho trì giới
Bồ tát biết rằng nếu ta tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, không bao giờ biết làm phước bố thí cho ai, thì kiếp sau ta sẽ chịu cảnh nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên ta có những ý tưởng trộm cắp, lường gạt.Và nếu đi trộm cắp hay cướp giật thì ta dễ phạm phải tội giết người. Vì nghèo khổ nên ta khó có thể thỏa mãn dục lạc, dục lạc không được thỏa mãn thì ta sẽ dễ phạm vào tà hạnh dâm dục.Vì nghèo khổ nên ta phải chịu làm những việc hạ tiện, hạ cấp. Vì hạ tiện, hạ cấp nên ta luôn luôn sợ chủ và ta sẽ dễ phạm phải tội nói dối, nịnh bợ, v…v… Như vậy, vì nghèo khổ, ta sẽ dễ phạm vào mười điều ác của thân, miệng, ý.
Ngược lại, Bồ Tát nghĩ, nếu thực hành bố thí, ta sẽ tái sinh trong cảnh giàu sang, tiền của đầy đủ, nhờ đó sẽ dễ giữ gìn giới luật.
* Chuyện tích con rắn, con ếch và con rùa (Jàtaka)
Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta), trong một tiền kiếp xa xưa, là một con rắn. Con rắn này ở trong một cái lạch cùng với một con ếch và một con rùa, và cả ba con đều làm bạn giao du với nhau. Thế rồi một hôm hạn hán, nước ở trong lạch cạn dần và sắp hết, trong lạch chả còn gì để ăn. Mỗi con chia nhau ra đi kiếm ăn. Vì quá đói không tìm được gì nên con rắn đã nghĩ chuyện tính ăn con ếch. Nó bèn nhờ con rùa đi tìm con ếch lại nhà nó chơi. Ðến khi rùa gặp được ếch thì ếch trả lời rằng:
- Khi rơi vào cảnh nghèo đói, túng thiếu
- Người ta thường quên hết nghĩa ban đầu
- Không kể gì đến đạo đức,
- Chỉ biết làm sao
- Cho hết đói mà thôi!
Hãy nhớ những gì ta vừa nói và về bảo với rắn rằng: ‘Con ếch sẽ không bao giờ trở về gặp rắn nữa đâu!’.
III. Bố thí làm nền tảng cho nhẩn nhục
1. Khi Bồ Tát thực hành hạnh bố thí mà đối tượng (người nhận) từ chối, xua đuổi, hay đòi hỏi hơn, hoặc xin không đúng lúc, hoặc không cần xin mà cứ xin. Lúc đó Bồ Tát sẽ nghĩ như vầy: ‘Nay ta thực hành bố thí, cốt để cầu giác ngộ thành Phật; không có ai bắt buộc ta phải cho cả. Bố thí đây là làm cho chính ta, tại sao phải nổi giận?’ Suy tư như vậy, Bố Tát thực hành nhẫn nhục.
2. Khi Bồ Tát bố thí mà người nhận không bằng lòng, nổi giận hay mắng chửi, thì Bồ Tát lại nghĩ như vầy: ‘Nay ta cho tất cả những tài sản quý giá của ta. Ta tập xả bỏ những gì khó xả bỏ. Có lý đâu ta lại không chịu được những lời mắng chửi vô nghĩa lý này? Nếu ta không nhẫn nhục thì sự bố thí của ta sẽ không trong sạch. Bố thí mà không kiên nhẫn cũng giống như con voi trắng (bạch tượng), sau khi tắm ở dưới sông, vừa lên trên bờ lại nằm ềnh ra đất dơ.’ Suy tư như vậy, Bồ Tát thực hành nhẫn nhục.
IV. Bố thí làm nền tảng cho tinh tấn
Trong lúc thực hành bố thí, Bồ Tát cũng thực hành luôn cả tinh tấn (Vìrya). Khi mới bắt đầu thực hành bố thí, phước đức quả báo của Bồ Tát rất ít nên Bồ Tát không thể thực hiện nhiều sự bố thí. Nhưng vì muốn bố thí nhiều, cho tất cả mọi loài, nên Bồ Tát phải tinh tấn thực hành bố thí. Nhờ tinh tấn bố thí nên phước đức (Tài, Pháp) của Bồ Tát càng tăng trưởng khiến Bồ Tát lại càng say mê bố thí nhiều hơn, và cho nhiều người. Cứ thế Bố thí và Tinh tấn vừa làm nhân vừa làm duyên cho nhau.
V. Bố thí làm nền tảng cho thiền định
Người tu Thiền định,ban đầu luôn luôn gặp phải năm chướng ngại (ngũ cái) : tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi hối. Nếu không diệt trừ được năm chướng ngại này thì không thể tiến xa trong Thiền định.
Thực hành Bố thí trong sạch tức là đang diệt trừ năm chướng ngại. Vì sao?
- – Bố thí là diệt trừ tham lam, bỏn xẻn.
- – Bố thí trong sạch tức có nhẫn nhục, có nhẫn nhục thì tiêu trừ được giận tức.
- – Khi bố thí để cầu quả vị Phật, Bồ Tát cần nhiều Tài và Pháp để có thể bố thí rộng rãi cho tất cả mọi loài. Vì cần nhiều Tài, Pháp nên Bồ Tát phá trừ được lười biếng, giải đãi là nguyên nhân đưa đến hôn trầm.
- – Khi bố thí Bồ Tát khởi tâm trong sạch, tâm kính trọng người nhận, chú ý đến hành động của mình không dám suy nghĩ bậy bạ, nên luôn luôn tỉnh thức không chạy theo vọng tưởng, do đó diệt trừ trạo cử.
- – Khi thực hành bố thí, Bồ Tát biết chắc là sẽ gặt được phước đức quả báo vô lượng, vì thế nên Bồ Tát luôn luôn tìm cơ hội để bố thí. Nhờ bố thí nên được nhiều phước báo và từ đó lại càng tin nơi sự bố thí. Nhờ lòng tin vững chắc này Bồ Tát phá trừ nghi hối.
VI. Bố thí làm nền tảng cho trí huệ
1. Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến,và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng.
2. Hơn nữa, khi thực hành Bố thí Ba La Mật, Bồ Tát luôn luôn suy tư về thực tướng của ba yếu tố (người cho,vật được cho, người nhận). Nhờ luôn luôn suy tư như vậy, Bồ Tát hiểu được thực tướng của Bố thí. Hiểu được thực tướng tức là trí huệ bát nhã.
3. Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí. Cũng vậy, một ngàn vị Phật quá khứ của hiền kiếp, mỗi vị trong lúc phát Bồ đề tâm (tức tâm cầu thành Phật) lần đầu tiên, đều là đang bố thí cúng dường cho một đức Phật nào đó: có vị thì cúng dường một hoa sen, có vị cúng dường một cái áo, có vị cúng dường một cái tâm xỉa răng, v…v… và trong lúc cúng dường như vậy, các ngài đều phát Bồ đề tâm (bodhicitta). Do đó Bố thí là nền tảng của Phật đạo.
7. Những điều lầm lẫn về bố thí
Qua những phần trước, ta đã có một ý niệm về thế nào là bố thí trong sạch, hay không trong sạch, đúng đắn hay không đúng đắn. Nhưng đó là trên phương diện giáo lý tổng quát. Sợ có nhiều người tâm tính thành thật, chất phác không hiểu rõ, nên trong phần này ta hạy tạm lấy những thí dụ cụ thể xảy ra thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của chùa chiền, để mọi người hiểu rõ hơn.
* Về Pháp thí :
Thường đi song song với pháp thí là sự khinh người. Nếu ta là một vị thầy, thì ta không thể thực hành tài thí được, mà chỉ có thể bố thí Pháp thôi.
Bố thí pháp là một việc rất tốt, nhưng nếu không khéo thì song song với việc bố thí ta sẽ nhiễm phải cái tánh khinh người. Tánh này là một tánh rất xấu, không những đạo Phật mà tất cả các đạo khác đều khuyên ta phải trừ bỏ nó. Trong một Hội Ðoàn Phật Giáo, Tăng già khinh Tăng trẻ, Tăng trẻ khinh Phật tử già, Phật tử già khinh Phật tử trẻ thì hậu quả của nó sẽ ra sao? Hậu quả sẽ là Phật tử trẻ bất kính Phật tử già, Phật tử già bất kính Tăng trẻ, Tăng trẻ bất kính Tăng già. Và trong một Hội Ðoàn mà từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên có một sự khinh thường và bất kính như vậy thì chắc là Hội viên sẽ sớm rút lui. Ðạo phật không dạy ta khinh người, mà ngược lại dạy ta tánh bình đẳng, có nghĩa là kính trọng tất cả mọi người như nhau. Xưa kia đức Phật đâu có khinh ai, ngay cả đối với một em bé cũng vậy (Xem tích chuyện Asoka). Chúng ta hãy noi theo hạnh của Thường Bất Khinh Bồ Tát trong Kinh Pháp Hoa, gặp ai ngài cũng lễ lạy và nói : “Tôi chẳng dám khinh quý vị, vì quý vị đều sẽ làm Phật”.
Nếu ta có cơ duyên học nhiều, hiểu rộng thì khi có người đến hỏi đạo, ta nên vui lòng chỉ dẫn. Trong trường hợp ta bận tu trì, tụng niệm hay nghiên cứu thì ta có thể dời lại khi khác, chứ ta không nên khinh người đến hỏi ta, cho họ là chúng sinh ngu tối không biết gì. Chính vì không biết nên họ mới đến hỏi, chứ nếu biết rồi thì họ đâu có đến, mà nếu họ không đến thì làm sao ta có cơ hội bố thí pháp? Vì vậy ta cần phải cảm ơn họ. Trước khi, trong khi và sau khi bố thí Pháp, ta cũng nên phát nguyện và hồi hướng. Nguyện cho người hỏi đạo trước mặt ta mau có được trí huệ sáng suốt và hồi hướng công đức pháp thí này cho sự giải thoát luân hồi, hoặc quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát).
Hoặc giả ta tu lâu năm, có chùa to mà khinh người mới tu, có chùa nhỏ, thì ta coi chừng sẽ có một ngày đức Phật hiện ra trách mắng ta đó! Nhưng chỉ sợ lúc đó ta lại không nhận ra đức Phật, hoặc nếu có nhận ra đi nữa ta cũng làm bộ nhắm mắt bịt tai không muốn nghe. Nếu vậy thì đức Phật cũng phải lắc đầu chịu thua.
Và nếu ta để ý một chút thì ta sẽ thấy danh từ “Tu” rất nguy hiểm, vì nó gây ra nhiều hiểu lầm và tai hại.
Ðối với một người tánh tình chất phác, khi họ nghe nói ta tu lâu rồi, họ sẽ nể và kính trọng ta lắm, vì họ nghĩ rằng ta đã chứng được gì rồi, không chứng được A La Hán thì chắc cũng chứng được Thượng Tọa hay Ðại Ðức. Trong tâm họ, cho “Tu” là được cái gì, giống như đi lính vậy. Vì đi lính lâu năm thì được lên chức quan ba, quan năm, có quyền ra oai với lính binh nhì, binh nhất hay sĩ quan dự bị. Nhưng sự thực thì không phải vậy, Tu có nghĩa là sửa. Thí dụ ta có một chiếc xe hơi mới mua mà bị hư, thì ta phải sửa nó. Nếu ta là một người thợ giỏi thì chỉ trong một ngày là ta sửa xong. Nhược bằng sửa năm ngày rồi mà chưa xong, thì ta quả là một người thợ dở. Trong trường hợp này, ta sẽ không dám chạy cùng làng khắp xóm mà la lên rằng: ‘Tôi sửa (xe) lâu rồi, tôi sửa lâu rồi’. Cũng như thế, khi ta nói với mọi người rằng ta Tu lâu năm rồi, đó có nghĩa là ta sửa lâu năm rồi. Sửa cái gì? Sửa những tánh hư, tật xấu, nhất là cái tánh ngã mạn của ta. Sửa xong chưa?
Ở đây có hai giả thuyết. Nếu xong rồi thì ai lại đi nó rằng tôi sửa (tu) lâu! Nếu nói rằng tôi sửa (tu) lâu tức là chưa xong. Nếu sửa chưa xong thì ta phải biết mắc cở chứ ! Ta tu theo đạo Phật cốt để trừ bỏ cái tánh ngã mạn và khinh người của ta, nhưng không khéo ta lại để cho chính chữ “Tu” nó đánh lừa ta, làm cho lòng ngã mạn, khinh người của ta lại tăng thêm. Nếu ý thức được sự tai hại tạo nên do chữ “Tu” thì ta đừng ngần ngại thưa và đề nghị với quý Thầy từ nay trở đi không dùng chữ “Tu” nữa mà thay thế bằng chữ “Sửa”. Hơn nữa chữ “Tu” là một danh từ Hán việt, còn chữ “Sửa” là tiếng Việt, nó chính xác, rõ ràng, và dể hiểu hơn, và nó lại có công năng rất lớn, khiến cho ta ý thức được luôn luôn là mình có những tánh hư tật xấu cần phải sửa cho xong, và cũng diệt được cái tánh ngã mạn, khinh người của ta nữa.
Chỉ có người dại dột mới hay khinh người. Vì sao? Vì khinh người tức là khinh mình vậy ! Nếu ta khinh người thì người sẽ khinh lại ta, đó tức là ta khinh ta. Nhân quả là thế ! Nếu ta hay khinh người mà lại thích người kính trọng ta thì không thể có được. Trừ ra trường hợp ta làm quan lớn dùng thế lực hay quyền hành bắt người khác phải kính phục ta thì có. Ngoài mặt thì họ kính phục ta, nhưng ta đâu có biết trong tâm họ chửi rủa ta. Và nếu ta không biết điều đó thì ta vẫn là kẻ ngu mà thôi !
Trên đây là nói về Pháp thí khinh người, đó thuộc vào loại Pháp thí không trong sạch (avisuddha dana). Trong trường hợp ta học nhiều, hiểu rộng mà lại có tài có tài ăn nói nữa, thì rất là may mắn cho đạo Pháp. Nhưng nếu ta ưa thuyết pháp với mục đích cho mọi người nể ta, kính trọng ta thì đó là Pháp thí cầu danh, cũng thuộc vào loại pháp thí không trong sạch.
Trong sự Pháp thí không trong sạch này, hiệu quả của nó cũng có hai loại: lợi và hại. Trước hết là xét về giáo lý mà ta bố thí, xem đúng hay sai với chánh pháp. Ðúng, là khi người nhận nghe theo đó hành trì, tu tâm sửa tánh, tạo thiện nghiệp (kusalakarma), trong trường hợp này thì người nhận được lợi, còn ta chả được gì cả vì lửa ngã mạn đã đốt hết rừng công đức Pháp thí của ta. Trong trường hợp giáo lý sai với chánh pháp thì cả hai bên đều bị hại cả.
* Về Tài thí :
Là Phật tử tại gia tức Ưu bà tắc (Upàsaka), Ưu bà di (Upàsika), ta có bổn phận phải hộ trì Tam Bảo, có nghĩa là giúp đỡ và gìn giữ cho Phật giáo được dài lâu. Tại sao dài lâu? Vì ta biết rõ Phật giáo dạy ta con đường giải thoát, có lợi ích cho tất cả mọi người nên ta muốn nó dài lâu. Tùy theo khả năng cá nhân, ta có thể giúp đỡ, bố thí tiền của hay sức lực.
Như ta đã đọc qua các phần trước, bố thí là một việc rất tốt đem lại nhiều phước báu cho ta, và bố thí lại là một hạnh đầu tiên của Bồ Tát. Nhưng bố thí mà không biết cách bố thí thì không đem lại lợi ích gì cả! Ta hãy tự nhìn lại mình xem, sau bao năm bố thí, bây giờ ta thế nào? Ta bỏ chùa, ở nhà tu rị (tức là tu một mình) ta sợ đến chùa vì đến đó có người ra quyên tiền ta, rồi ta bất mãn rao lên rằng chùa này làm tiền, chùa kia làm tiền. Tất cả những cái đó có là do tại ta, vì trước kia ta đã không học cách bố thí. Gặp Thầy nào bố thí Thầy đó, nhất là hay ưa bố thí các Thầy tu lâu để được phước hay để lấy danh. Rồi Thầy muốn cái gì là ta dâng cái ấy. Dâng riết đến lúc hết dâng được thì ta chạy trốn luôn, không dám gặp Thầy nữa.
Khi đến chùa, gặp một việc kêu gọi bố thí hay cúng dường thì ít nhất ta phải suy tư một chút, xem việc đó nếu có lợi cho Thầy, cho ta, cho mọi người thì ta hãy vui lòng bố thí. Nếu việc đó không có lợi cho Thầy, hoặc cho ta mà có lợi cho tất cả mọi người thì ta cũng sẵn lòng bố thí (trong trường hợp ta là Bồ Tát).
Ngoài ra đúng theo như luật xưa đức Phật để lại thì bổn phận của cận sự nam (upasaka) và cận sự nữ (upasika) là bố thí cúng dường bốn việc cho chư Tăng : nơi ở, quần áo, thức ăn và thuốc men. Nơi ở thì có chùa, ta có thể đóng góp hàng tháng cho Hội, rồi Hội chi phí cho chùa. Quần áo thì ở xứ Tây phương này quý Thầy, người nào cũng rất là đầy đủ. Thức ăn thì ta xem chừng, lâu lâu mua gạo, hay mua rau cải đến tiếp tế, hoặc nếu không có thời giờ thì ta có thể đưa tiền cho vị Tri khố lo giùm. Còn về thuốc men thì ta cần lưu ý, vì ở bên Pháp này quý Thầy không đi làm chính thức nên không có ‘bảo hiểm xã hội’ (Sécurité sociale), tức là khi có bệnh tật gì thì quý Thầy ráng chịu. Vì lý do đó ta không nên bắt quý Thầy tụng đám, cầu an, cầu siêu nhiều quá, rủi quý Thầy cảm cúm, ho lao … hay mệnh hệ nào thì ta không có đủ tiền lo thuốc men, lúc đó ta sẽ ân hận lắm đấy!
Ða số quý thầy ngày nay thường hay kêu gọi ta đóng góp để làm chùa to. Có nhiều người không hiểu, cho rằng thầy tu gì mà còn ham danh lợi. Sau đó đi rao là chùa làm tiền hoặc chùa giàu, vv… Là Phật tử chúng ta nên hiểu rằng quý thầy do lòng từ bi muốn độ nhiều chúng sinh, đền đáp ơn Tam Bảo, hoằng truyền chánh pháp mà bất đắc dĩ phải làm như thế. Nếu quý thầy ích kỷ chỉ lo ngồi yên trong một cái cốc nhỏtự tu tự độ thì đỡ khổ cho quý thầy biết mấy. Kêu gọi như vậy vừa nhọc mệt lại thêm mang tiếng, đâu có vui thú gì !
* Khi Ta bố thí cho chùa, ta phải tập ý thức việc làm của ta, có nghĩa là ta biết lý do và mục đích của sự bố thí, còn có nghĩa là ta phải biết phát nguyện và hồi hướng công đức bố thí của mình. Ðược vậy thì ta sẽ không ân hận, hay hối tiếc, mà ngược lại sẽ cảm thấy vui vẻ và an tâm. Ðây gọi là Ý thức bố thí.
* Khi bố thí (cúng dường) cho quý Thầy. Cũng vậy, ta phải tập ý thức việc bố thí của mình. Quý Thầy là đối tượng của sự bố thí, còn gọi là ruộng phước (punyaksetra). Vì sao? Vì chính nơi quý Thầy là chỗ để ta gieo hạt giống phước nên gọi là ruộng phước.
– Khi ta thương hại hay tội nghiệp một vị Thầy nào đó, tu hành khổ cực mà ta bố thí, thì vị Thầy đó trở thành ruộng phước nhỏ, vì được gieo bởi những hạt giống thương hại (karunà), nên sẽ cho ta cây lúa nhỏ.
– Khi ta kính trọng một vị Thầy nào mà ta bố thí, thì vị Thầy đó trở thành ruộng phước lớn, vì được gieo bởi những hạt giống kính trọng (satkàra), nên sẽ cho ta những cây lúa lớn.
– Nếu ta vừa kính trọng vừa thương hại mà bố thí thì ta sẽ gặt được cả hai loại lúa lớn có nhỏ có.
Trước khi cúng dường cho quý Thầy ta biết được vì thương hại hay kính trọng, và khi đang cúng dường ta cũng biết được là ta đang cúng dường, cúng dường xong ta biết hồi hướng công đức mà ta vừa tạo cho sự giải thoát sinh tử của mình, hay cho quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát). Ðó gọi là Bố thí trong sạch và ý thức. Ta đừng lầm lẫn ‘ý thức’ với ‘chấp trước’. ‘Ý thức’ ở đây có nghĩa là chánh niệm, biết ta đang làm gì, phải làm gì, sẽ làm gì. Còn bố thí chấp trước không nằm trong bố thí trong sạch, vì khi bố thí cho rằng ta đây là người cho, đây là vật bố thí, còn kia là người nhận, rồi khởi tâm ngã mạn khinh người, hoặc trước khi bố thí đã có cái tâm cầu danh hay ngã mạn rồi, nên khi vừa tác động thì sự bố thí đã là bố thí chấp trước rồi.
– Khi gặp một vị Thầy nào, ta lấy tài của ra gọi là cúng dường hoặc có nhiều khi ta đưa cho vị Thầy ấy mà chả nói chả rằng gì cả, thì đó là bố thí vô tâm và vô ý thức. Bố thí vô ý thức ta đã thấy ở trên rồi. Còn vô tâm là sao? Vô tâm ở đây cũng có nghĩa là vô ý thức nhưng thêm vào vô ký và vô tư. Ta học trong Kinh Kim Cang thấy nói rằng bố thí mà không bố thí mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không thấy có ta là người bố thí, đây là vật bố thí, và kia là người được bố thí. Học như vậy xong nên khi bố thí ta không dám nghĩ gì cả, vì sợ suy nghĩ thì rơi vào chấp trước, hoặc có bố thí thì làm sao cho nhanh để khỏi kịp ý thức được việc làm của mình, hoặc trong lúc bố thí thì miệng nói, mắt nhìn chổ khác. Ðó gọi là bố thí vô tâm. Bố thí vô tâm cũng phát xuất từ một tấm lòng tốt, nhưng vì không hiểu đạo nên phước báo của nó thuộc loại hữu lậu.
Ta không nên lầm lẫn vô tâm bố thí với Tánh Không bố thí. Vô tâm bố thí là tâm không nghĩ và không ý thức được sự bố thí trong lúc đang bố thí. Còn tánh không bố thí thì hiểu và thực hiện được tánh Không của sự bố thí trong lúc đang bố thí. Tánh Không bố thí chính là Bố thí Ba La Mật (dànaparamità), nghĩa là thấy cả ba yếu tố tạo ra sự Bố thí đều không có tự tánh. Trước khi thực hành Tánh Không bố thí, ta cần phải thực tập quán chiếu nhiều về lý nhân duyên, tức thấy được sự tương duyên tương sinh của mọi vật, thấy rằng các pháp phải nương vào nhau mà hiện hữu, nên không có một tự thể riêng biệt. Khi ta quán chiếu thuần thục về Tánh Không của các pháp rồi, ta đem sự quán chiếu đó áp dụng vào việc Bố thí, đó gọi là Tánh Không bố thí.
Khi thực hành bố thí, ta hãy nên thành thực với chính ta, xem lại ta còn chấp trước hay không chấp trước, có lầm tánh Không với Vô tâm không? Nếu có thì ta sửa lại, vì đó là việc nội tâm của mình, bên ngoài không ai hay cả, cũng không có ai chấm điểm hay thưởng phạt ta cả, chỉ có chính hành động của ta thưởng phạt ta mà thôi.
Cũng cần nói thêm về Tánh Không (Sùnyata). Tánh Không là con dao hai lưỡi. Nếu ta hiểu được nó thì nó giúp ta sớm chặt đứt các giây vô minh trói buộc ta. Còn ngược lại, nếu ta hiểu lầm thì nó sẽ khiến ta tạo những hành động vô phước. Vì thế Cổ nhơn có câu: ‘Thà chấp có như núi Tu Di còn hơn chấp không như hạt cải’. Nếu ta chưa hiểu được tánh Không thì ta cứ thực hành hữu tướng bố thí, tức là phát nguyện, ý thức, và hồi hướng, trước khi, trong khi và sau khi bố thí. Ðó gọi là biết cách bố thí.
– Trên đây là nói qua trường hợp bố thí vì thương hại hay vì kính trọng một vị Thầy mà ta bố thí. Còn trong trường hợp đối với một Thầy từ xa mới đến mà ta chưa quen biết thì sao? Thì đó lại là một việc dễ xử đối với ta, vì ta không biết quá khứ riêng tư của Thầy đó, nên ta dễ khởi tâm kính trọng mà bố thí. Và trong lúc bố thí ta có thể nguyện như vầy: ‘Con thành tâm cúng dường Thầy, cầu cho Thầy mau đắc đạo để cứu khổ chúng sinh’. Ta có thể niệm thầm hoặc nói thẳng ra ngoài được thì càng tốt. Ðây là một sự bố thí trong sạch và quả báo của nó sẽ vô lượng. Vì sao? Vì người cho thành tâm và người nhận được kính trọng . Người nhận được kính trọng hay không là tùy ở nơi tâm người cho. Nếu ta khôn khéo biết được phước bào do sự bố thí của mình sẽ vô lượng hay hữu lượng tùy ở nơi tâm người cho thì ta sẽ luôn luôn khởi tâm kính trọng người nhận. Ðó là biết cách bố thí vậy.
– Bây giờ nếu có trường hợp ta không thương hại, không kính trọng, mà cũng không ưa một vị Thầy nữa thì ta phải làm gì? Có phải bố thí không?
Ở đây lại là một vấn đề khác. Ta cần tự xét lại mình trước. Tại sao không ưa? Không ưa chỗ nào? Sau khi xét lại nội tâm xong ta có thể xin đến gặp vị Thầy đó để giải tỏa những điều thắc mắc đã tạo ra sự bất hòa (khi có một sự bất hòa thì cả hai bên đều có lỗi cả). Trong trường hợp thầy và trò đều có chí cầu tiến và phục thiện thì tốt quá. Nhưng nếu cả thầy lẫn trò đều nhận thấy mình là đúng và người kia sai thì lúc đó đường ai nấy đi, ta được quyền rút lui nhưng phải có trật tự, nghĩa là không được tạo khẩu nghiệp. Sau khi rút lui xong ta nên đi tìm một vị Thầy khác để nương cậy. Vì sao? Vì ta là một cận sự nam hay cận sự nữ. Cận sự có nghĩa là ở gần để giúp đở và học hỏi.
Không phải vì không ưa một Thầy mà ta ghét tất cả các Thầy khác. Không phải vì không ưa một chùa mà ta xa lánh tất cả các chùa khác. Nếu làm như vậy thì gọi là ‘Vơ đũa cả nắm’. Thái độ nầy không tốt vì nó làm cho ta không mở mang được kiến thức, không thực hiện được các hạnh tốt, cùng lúc đó thì cái gọi là ‘ngã kiến’ của ta sẽ tăng trưởng. Và nếu ta cứ giữ mãi thái độ ‘Vơ đũa cả nắm’ thì ta sẽ biến thành ‘Con ếch ngồi đáy giếng’.
* Lầm lẫn bố thí với trả công
Bố thí là một hành động phát ra từ tấm lòng thành, muốn cho người nhận được an vui hạnh phúc.
Còn trả công là một hành động vô tình, tức là không có tình nghĩa gì cả, nó dựa trên một sự đổi chác.
Khi ta đi ra ngoài đường gặp một người nghèo xin ăn, ta lấy năm cắc ra cho họ. Ta cho vì ta thương hại, chứ không phải vì người đó làm gì cho ta. Ta cho mà không cần được trả lại, ta chỉ cần người đó nhận cho là ta đã vui rồi. Ðó gọi là bố thí.
Còn trả công thì khác, nó là kết quả của một sự đổi chác. Thí dụ như ta là ông chủ một hãng. Ðến cuối tháng ta phát tiền cho nhân viên. Hành động phát tiền của ta không được gọi là bố thí mà phải gọi là trả công. Vì sao? Vì suốt một tháng vừa qua nhân viên đã làm việc cho ta, nên bây giờ ta phải trả lương cho họ. Và khi ta đưa tiền cho họ, trong tâm của họ đâu có mang ơn ta, vì họ biết đó là tiền của họ phải được. Trong tâm ta cũng vậy, tuy nhân viên làm việc cực nhọc suốt tháng vừa qua cho sự sản xuất của hãng ta, nhưng ta cũng đâu có mang ơn họ, vì ta trả tiền cho họ rồi mà! Giữa hai bên không có tình nghĩa gì hết, cũng không ai mang ơn ai cả. Ta đưa tiền vì người kia đưa công, người kia đưa công vì ta đưa tiền.
Sau khi hiểu rõ thấy được sự khác biệt giữa bố thí và trả công rồi, ta hãy đưa mắt nhìn về chùa của mình xem sao? Xem mình có phạm cái lỗi lầm đó không?
Ngày thường ta chả bao giờ đến chùa, tự nhiên đến bố thí hay cúng dường các Thầy. Ðến khi trong gia đình có cha mẹ chết, lúc đó ta mới đến chùa thưa thỉnh lễ phép rước Thầy về nhà tụng Kinh cầu siêu cho cha mẹ ta. Rồi sau khi đám sám xong, ta rút vài tờ giấy bạc bỏ vào phong bì cúng dường cho Thầy. Làm xong việc như vậy, ta ra về thở phào nhẹ nhõm, trong tâm nghĩ rằng đã làm xong bổn phận đối với cha mẹ, đã làm xong bổn phận đối với ông Thầy, và cùng lúc lại làm phước nữa chứ! Thử hỏi hành động của ta được gọi là gì? Tuy nhiên trong cuộc thì cũng có người được chút ít. Ðó là người được thí, tức ông Thầy : ông Thầy có được vài trăm bỏ túi đi xe lửa. Vì lầm lẫn như thế nên ta cứ tiếp tục bố thí cái kiểu trả công. Riết rồi ban đầu Thầy đi xe lửa, sau đến xe hơi, rồi đến tàu bay. Tới lúc đó thì ta la lên rằng chùa giàu! Chùa giàu hay nghèo đều do ta cả. Ta phải tự hỏi ta chứ! Chùa giàu để làm gì? Nghèo để làm gì? Nếu ta ý thức rằng sự phát triển của chùa có lợi cho chúng ta nên phải cần tài chánh thì ta làm cho chùa giàu. Còn nếu thấy cần nghèo thì ta làm cho chùa nghèo. Giàu không phải là một cái tội, nghèo cũng không phải là một cái phước.
Tiền dùng đúng tiền hiền như Phật,
Bạc xài lầm bạc ác hơn ma.
Phật, ma cũng tại người ta
Chớ tiền bạc nó vốn là vô tri.
(Thanh Sĩ)
Ngoài ra ta phải thông cảm cho quý Thầy chứ! Ban đầu vì lòng từ bi mà Thầy đi cầu siêu. Cầu siêu xong ta lại bố thí cái kiểu trả công cho Thầy. Vì sự si mê của ta, ta đã biến lòng từ bi của Thầy, ban đầu vô giá, dần dần xuống giá còn khoảng hai ba trăm bạc. Rồi tội nghiệp quý Thầy, cứ phải è cổ ra nhận tiền của người chết. Ta đã biến quý Thầy thành giống như các nhà Hòm (pompes de funèbre) tức là sống nhờ người chết. Thật đáng buồn cho đạo Phật! Sao ta có thể nhẩn tâm được như vậy?
Nói như vậy không có nghĩa là từ nay về sau ta không cầu an, cầu siêu cho cha mẹ ta, hoặc cầu siêu xong ta không trả công cho quý Thầy nữa. Ta vẫn tiếp tục làm, nhưng phải biết các, thêm vào nữa là lâu lâu ta lui tới chùa xem trong chùa có cần gì giúp đỡ không thì ta phát tâm bố thí cúng dường, không phải chờ đến khi có ai chết hay đau mới tới. Còn trong trường hợp rước Thầy đi tụng đám xong mà ta muốn cúng dường thì ta phải tập suy nghĩ như vầy: ‘Thầy đã vì lòng từ bi tụng niệm cho cha mẹ ta, công ơn thật vô cùng, ta chỉ biết thành tâm phát nguyện tu học Phật để mau thoát sinh tử luân hồi và hồi hướng công đức (bố thí, phát nguyện) này cầu cho cha mẹ ta được siêu sanh Cực lạc’. Từ lúc trước khi, trong khi, và sau khi cúng dường, ta phải lập đi lập lại như vậy. Ta thành tâm, phát nguyện và hồi hướng, cùng lúc đó ta xem vị Thầy trước mắt tượng trưng cho Từ bi (chứ không phải thợ tụng) và ta hết lòng kính trọng. Nếu làm được như vậy thì ta đã biến sự trả công thành sự bố thí trong sạch.
* Không phải chỉ có chùa chiền mới là nơi cho ta thực hiện hạnh Bố thí
Ta có thể thực hiện bố thí ở khắp nơi với tất cả mọi loài : như cho con chó một khúc xương, con chim một mẩu bánh mì, con kiến một hạt đường, v…v…. Cụ thể nhất là khi ta đi ngoài đường bố thí cho người xin ăn. Tuy nhiên khi bố thí ta cũng phải tập bố thí cho đàng hoàng không được khinh người. Bố thí đàng hoàng hay trong sạch là ta biết phát nguyện, ý thức, và hồi hướng trước khi, trong khi và sau khi bố thí. Thí dụ như ta gặp một bà lão ở trong góc Metro đứng xin tiền. Ta lại gần lấy tiền ra, nhưng không đưa liền, đứng ngay lại sửa soạn phát nguyện. Có hai trường hợp:
1) Ta xem đối tượng tức bà lão là một vị Bồ Tát hóa thân làm bà già để ta thực hiện bố thí. Như vậy ta sẽ phát nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh và hồi hướng công đức bố thí này cho quả vị Phật.
2) Nếu ta không thể xem bà lão là một hóa thân Bồ Tát được thì ta nguyện như vầy: ‘Nguyện cho bà mau thoát khỏi cảnh khổ của sinh, già, bệnh, chết, và ta hồi hướng công đức bố thí này cầu mau giải thoát sinh tử, hoặc mau thành Phật’ (nếu ta là Bồ Tát).
Có một điều lầm lẫn mà ta hay phạm phải, đó là khi ta không ưa một vị Thầy nào rồi thì ta ngưng luôn việc bố thí ! Một vị Thầy không phải là đối tượng duy nhất của sự Bố thí. Ta có thể về nhà bố thí cho con cho cháu, cho gia đình họ hàng, hay cho bạn bè, xa hơn nữa là bố thí cho các Hội Từ Thiện (Croix Rouge, Unicef, Médecins du Monde, Médecins sans frontières, …) hoặc cho những loài khác như chim, gà, kiến, … Ðối tượng của sự bố thí rất rộng rãi và bao la, quan trọng ở chỗ là ta có muốn bố thí hay không? Nếu muốn thì ta luôn luôn tìm thấy đối tượng, còn không thì ta sẽ chả thấy ai là người đáng cho ta bố thí cả.
* Ta nên bố thí trực tiếp
Lâu lâu nhớ đến Phật, ta mua hoa quả đem vào chùa cúng dường cho Phật. Nhưng khi vào chùa ta không nên đưa hết cho vị Hương đăng mà nói rằng: ‘Này, cô hay chú cúng hộ tôi cho Phật’. Làm như vậy mất cả tình nghĩa của ta đối với Phật. Và hơn nữa là ta sẽ không có cơ hội phát nguyện và hồi hướng công đức của sự bố thí. Như thế thì dù cho ta có mua mấy xe hoa đem vào chùa cúng Phật, cũng chả được phước đức gì cả, nhiều lắm là làm cho chùa thêm vui mắt mà thôi. Ở ngoài đời người ta còn biết nói ‘của ít lòng nhiều’, huống chi ta là con Phật mà lại bố thí ‘của nhiều lòng ít’ hay sao?
8. Kết luận
Ðọc đến đây ta tự hỏi, chỉ có mỗi một việc bố thí thôi mà sao tác giả lại viết ra dài dòng quá vậy? Ta nên thông cảm cho tác giả vì những lý do đã nêu ra ở phần đầu quyển sách. Tác giả bất đắc dĩ phải nói ra dài dòng vì lâu nay ta đã coi thường hạnh bố thí, từ chỗ coi thường ta đi đến chỗ hiểu sai lầm, từ chỗ sai lầm ta đã làm liên lụy đến uy tín Tam Bảo. Trong khi đó thì Bố thí là một hạnh rất quý, là hạnh của các vĩ nhân, của Bồ Tát, của Phật. Tuy nhiên, sau khi đọc xong nếu ta không thể nhớ hết có bao nhiêu loại bố thí, phải bố thí kiểu nào cho đúng thì ta có thể tóm tắt lại đơn giản ba điều : phát nguyện, ý thức, và hồi hướng. Trước khi bố thí ta đứng ngay lại, nhắm mắt phát nguyện, không phải đi đâu mà vội, vì việc bố thí cũng quan trọng như việc tụng Kinh vậy. Phát nguyện xong rồi ta bố thí, trong lúc bố thí ta phải chăm chú cẩn thận xem đối tượng của ta ( người nhận) cũng như một vị Bồ Tát hay một ân nhân vậy. Sau khi bố thí xong ta nhắm mắt lại một phút để hồi hướng công đức bố thí cho sự giải thoát sinh tử, hoặc vãng sanh Cực lạc (nếu ta tu Tịnh Ðộ) hoặc cho quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát).
Việc phát nguyện và hồi hướng rất là quan trọng. Ta hãy để ý xem, cứ sau mỗi thời Kinh ở chùa cũng như bất cứ ở đâu đều có một bài hồi hướng ngắn. Nhưng vì đọc quen quá, giống như ăn cơm bữa nên ta chả cần để ý làm chi cho mệt.
Tóm lại chúng ta cần bố thí nhiều, biết bố thí, tập bố thí trong sạch, vì Bố thí (bao gồm: cho, tặng, biếu, dâng, cúng dường) là một hành động đẹp đẽ nhất mà con người có thể cho con người, và bố thí cũng là nền tảng rất quan trọng mà người hành Bồ Tát đạo không thể thiếu sót được.
Sau cùng, nếu ta gặp những Phật tử mới quy y Tam Bảo chưa biết Bố thí làm sao, thì ta hãy vui lòng hướng dẫn và khuyên nhủ họ, còn nếu ta gặp những Phật tử đã đi chùa lâu năm mà quên, lơ là hay không còn nhớ cách Bố thí đứng đắn thì ta hãy thực hiện Pháp thí bằng cách đưa cho họ xem tập sách này, đó là ta đã góp phần xây dựng lại đạo Phật vậy.
Hắc Vân Lộ, mùa đông năm Ðinh Mão 1988
Thích Trí Siêu