Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại vườn Nai, dạy các Tỷ kheo :
Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba ?
-
Mục Lục
Hạng người như chữ viết trên đá,
Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá ?
Này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa nhanh chóng, được tồn tại lâu dài.
-
Hạng người như chữ viết trên đất,
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất ? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Ví như chữ được viết trên đất bị gió hay nước tẩy xoá mau chóng, không tồn tại lâu dài.
-
Hạng người như chữ viết trên nước.
Thế nào là hạng người như chữ viết trên nước ? Này các Tỷ kheo, có người dẫu bị nói một cách kịch liệt, bị nói một cách ác độc, bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện và hoan hỷ. Ví như chữ viết trên nước được mau chóng biết, không tồn tại lâu dài.
LỜI BÀN – Giải thích: BA HẠNG NGƯỜI NÓNG GIẬN – Quảng Tánh
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Kusinàra, phần Chữ viết trên đá-trên đất-trên nước, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr 517)
Con người sống ở đời thường hân hoan khi gặp những điều gì vừa ý đồng thời phản ứng giận dữ, gay gắt lúc gặp cảnh chẳng đẹp lòng. Phẫn nộ, sân hận với những điều trái ý là tâm lý bình thường của chúng sanh. Tuy nhiên, tùy theo nghiệp lực nặng nhẹ của mỗi người mà biểu lộ sự giận dữ với những sắc thái và cấp độ khác nhau.
Có hạng người rất dễ bị sân hận, chỉ cần nghịch ý thì lập tức đùng đùng nổi giận. Người dễ giận mà khó nguôi thì gần như vô phương cứu chữa, chẳng mấy ai dám gần gũi và thân thiết với hạng người này. Bởi giận thì mất khôn, không thể làm chủ lời nói cũng như hành vi một khi đã nổi giận. Sự phẫn nộ tồn tại lâu dài sẽ thiêu đốt thân tâm, làm cho ai ôm ấp nó phải héo hon, cằn cỗi.
Nếu như mau giận mà chóng quên, nóng nảy chỉ vì trực tính, có chuyện liền nói ra không để bụng thì vẫn còn được cảm thông. Một người có nóng giận nhưng rồi sau đó biết lỗi, nhận thức được sự nguy hiểm mà tìm cách khắc phục, rất đáng được ca ngợi. Bởi chúng sanh thì ai cũng có nóng giận nhưng phải biết kiềm chế và nhẫn nhịn để điều phục. Người có giận cũng không nên giận lâu, nhanh chóng chuyển hóa cho thân tâm nhẹ nhàng, mát mẻ.
Không giận là trường hợp hiếm có ở trên đời, một người thành tựu tuệ giác vô ngã mới đạt đến khả năng này. Bậc Thánh giả luôn hoan hỷ với những nghịch cảnh nhờ có đầy đủ trí tuệ và từ bi, chẳng có gì có thể làm lay động tâm tư của những vị này. Người con Phật trong quá trình hướng đến không sân hận của bậc Thánh trước phải biết nhẫn nhịn đồng thời phát huy bi và trí để từng bước điều phục, chuyển hóa nóng giận của chính mình.
QUẢNG TÁNH