Vắng Một Mùa Xuân – [ Bắc Một Nhịp Cầu ]

vắng một mua xuân

Mùa Xuân, mùa của sức sống giao hòa, mùa của hạnh phúc đơm hương, mùa của tình thương nẩy mầm trong vạn vật. Nói đến Xuân, ai nấy đều lộ vẻ hân hoan., hớn hở, vì Xuân mang đến cho vạn loại hàm linh hơi ấm và nhựa sống của mạch đời tuôn chảy.

Tuy nhiên, với tôi, mùa Xuân lại là một kỷ niệm buồn, và Xuân đã không còn rộn rã trong tôi được nữa.

Câu chuyện của tôi bắt đầu vào tuổi xuân 18 và kết thúc thật buồn vào mùa xuân 19 của tôi. Tròn đúng chỉ một năm và ân hận cả một đời!

Viết lại những dòng tâm sự chôn kín tự bấy lâu nay không phải để mưu cầu sự thương hại của bất cứ một ai, cũng chẳng phải để ba hoa khóac lác tự ngã, viết chỉ vì muốn viết, viết để tự nhắc nhở mọi người hãy cẩn trọng gìn giữ “hạnh phúc trong tầm tay,” viết để sám hối với anh linh người đã mất, viết để khóc cho chính mình đã đánh mất mùa xuân cuộc đời.

Năm ấy, tôi chỉ là một con bé 16 tuổi. Với độ tuổi căng tràn nhựa sống ấy, lẽ dĩ nhiên như bao cô gái tầm thường khác, tôi cũng mộng mơ cho mình một người tình lý tưởng, một cuộc sống hạnh phúc mầu hồng.

Nhưng (lại chữ “nhưng” quái ác) người đàn ông đầu tiên bước vào đời tôi đó không phải là một thanh niên đồng trang lứa mà lại là một người trung niên tuổi đã gần 40.

Phải, Phong là giáo sư dạy Triết tại trường Trung Học Nữ Vương Hòa Bình, Sàigòn. Tôi là học trò lớp 10 của Phong, và định mệnh trớ trêu (bây giờ, theo đạo Phật, tôi biết đó là nghiệp báo của tôi và Phong) đã xui khiến Phong chọn tôi.

Dù đã lớn tuổi, Phong vẫn còn độc thân và tất nhiên với cái tuổi trung niên đó, Phong rất khó tánh và nghiêm nghị vô cùng, nhất là khi đứng trên bục giảng trước các cô bé xuân tươi nhí nhảnh.

Trong số các nữ học sinh cùng lớp đó, tôi là con bé xấu nhứt, thô kệch dềnh dàng nhứt, nhưng lại “phá ngầm” nhứt. Nhận biết trong Tứ Đức của người phụ nữ Á Đông, mình thiếu hẳn “Dung” và “Ngôn,” tôi tự chọn cho tôi “Công” và “Hạnh” – nhưng theo tôi, Công và Hạnh đây không phải cái nết đẹp đâu nhé, mà là sử dụng mưu trí xúi dại người khác chọc phá, gài bẫy, quấy nhiễu mọi người – và lẽ dĩ nhiên, ai lại có thể nghi ngờ một cô gái tầm thường, cục mịch như tôi, suốt buổi học chỉ biết ngơ ngác chăm chú nhìn giảng sư với đôi mắt “ngây thơ vô số tội ngầm.”

Trường tôi học là trường Pháp đạo Thiên Chúa Giáo, tọa lạc tại đường Tú Xương, Sàigòn. Tên Việt Nam của nó là Nữ Vương Hòa Bình (Régina Pacis). Tên trường là Nữ Vương, tất nhiên trường tòan là nữ sinhcả.

Do đó, chúng tôi tha hồ quậy phá đủ kiểu – ngăn bàn học của chúng tôi ngòai số sách vở cần thiết phải có ra, còn có đủ các thượng phẩm như “me ngào, xòai chua, ổi dòn, mực nướng, v.v. và v.v. Khi bị thầy cô giáo nào bắt gặp, chúng tôi cứ việc thu hết các cống phẩm đó vào váy lót trong là đố ai dám làm gì được! Đó là một kế sách chu tòan thu dọn chiến trường khi quân địch đến của tôi đấy, các bạn ạ!

Ngòai Phong và một vài thầy cô khác ra, còn có một giáo sư Tóan tên là Tô văn Tuấn, tuổi độ 25. Ông này mới ra trường và được biệt phái về dạy lớp chúng tôi, cái lớp được mệnh danh là ”hắc ám” nhất trường. Vì còn quá trẻ, thầy Tuấn luôn tỏ vẻ nghiêm nghị quá đáng và không bao giờ dám liếc nhìn một nữ sinh nào cả.

Vì thế, thầy Tuấn đã là nạn nhân số một của tôi, và không đầy nửa niên khóa, thầy Tuấn phải viết đơn xin chuyển trường vì sợ quá!

Cứ mỗi lần, thầy Tuấn đi ngang qua lớp chúng tôi, là tôi bắc nhịp cho các bạn hát ông ổng lên “Thầy ơi, thầy muốn ai, em làm mai,” hay “Nhắm mắt cho em tìm thấy Tuấn đâu đây” hoặc tôi chọn một bạn gái xinh xắn duyên dáng nhất lớp lên làm duyên hỏi thầy bài tóan này, đáp số kia, miệng hỏi nhưng mắt phải chớp chớp, ngó sững vào thầy mới được, hoặc vài ngày là thầy Tuấn lại la hỏang lên “Ủa, cây bút máy của tôi đâu rồi?”

“Em nào dấu sách của tôi, phải đưa ra ngay!” hoặc đau khổ hơn nữa là bình xăng xe Honda của thầy bị bỏ đường, bỏ cát, không chạy được, thầy Tuấn bắt buộc phải đi cùng xe nhà trường với chúng tôi để chịu trận, v.v.

Vì biết được thành tích “ghê gớm quái chiêu” của xóm nhà lá chúng tôi, nên khi Phong về đảm nhiệm môn Triết Đông và Tây, Phong đã được các ma soeur dặn dò kỹ lưỡng phải đối phó các vụ oanh tạc như thế nào.

Nhưng may mắn cho ông già đó, là chúng tôi không có “gout” chọc phá các bố già nên vào đầu niên khóa lớp 10, đến giờ của thầy Phong hay thầy Huân, chúng tôi rất ư là chăm chỉ học hành, ngoan ngõan cầu kinh mỗi buổi sáng hay mỗi tuần thứ Bảy, Chủ Nhựt. Vì thiếu đối tượng chọc phá, (thầy Tuấn lúc này đã cao bay xa chạy rồi) buồn quá, tôi rủ các bạn vào nhà nguyện của trường xưng tội đều đều để được ăn bánh mình Thánh Chúa và uống rượu vang đỏ tượng trưng cho máu Chúa.

Không có tội, tôi cũng ráng nặn ra cho có tội, kể lể dông dài, sụt sùi dấm dớ với cha Phụng để có cớ làm dáng ‘em hiền như ma soeur” và cha Phụng đã lầm lẫn chọn lớp tôi làm lớp giảng huấn giáo lý (vì các con chiên ngoan đạo quá xá!). Thế là Cha Phụng lại biến thành một nạn nhân tự nguyện của chúng tôi. Mỗi lần Cha Phụng vào lớp, chúng tôi đứng dậy, ngoan ngõan vòng tay chào Cha “Bonjour, Mon Père” khiến Cha gật gù đắc ý “Bon, bon, commencons à prier” . . .

nhưng khi tiễn Cha ra khỏi lớp sau giờ giảng đạo, tôi lại la tóang lên cho cả lớp đồng thanh “Merci beaucoup. Ma Mère!” Cha Phụng cứ sững người, tưởng nghe lầm, nhưng làm sao biết được nữ sinh nào phát ngôn hỏang như vậy nên Cha chỉ đành trừng mắt dọa nạt và ấm ức đi ra.

Một ngày, hai ngày, một lần, hai lần, rồi cũng phải lòi ra thủ phạm, bọn chúng tôi bị ma soeur Mélanie tóm được và cả đám anh dũng hy sinh ra cột cờ đọc kinh sám hối tội lỗi của mình thay cho cả lớp và phải dọn dẹp vệ sinh cả tháng.

Chưa hết, vì tôi là chủ chốt nên tôi còn phải mời cha mẹ lên ký vào biên bản nhận tội và hứa phải sửa đổi. Tôi đành phải mướn chú tài xế và bà bếp nhà ông bác tôi lên trường đau khổ lãnh con dại về răn dạy lại.

Sau màn bị trừng phạt nặng nề đó, tôi thu mình lại, cố gắng học hành để làm đẹp lòng Cha và các Ma Soeur, nhưng các Ma Soeur không thể phạt tôi lâu được vì tôi là cây bút bích báo của trường.

Tôi không giỏi tóan, nếu không muốn nói là dốt đặc cán mai, nhưng về Triết và Văn, tôi cũng thuộc lọai có tầm cỡ, vì thế, mùa hè 72, mùa Hè đỏ lửa của cuộc nội chiến Việt Nam, các ma soeur bắt buộc chúng tôi phải thêu khăn, viết báo ủy lạo các anh chiến sĩ ngòai sa trừơng.

Thế là nỗi buồn hoa phượng, nỗi buồn sa mạc, hay gác trọ đêm đông, gác vắng về khuya gì gì . . . được tôi tha hồ tung hòanh phóng đại lên tưởng tượng lung tung dưới nhiều bút hiệu khác nhau và tất cả bài viết đều nộp lên cho Phong kiểm duyệt.

Từ đó, Phong đã để ý đến tôi và mỗi lần Phong giảng về Kiều hay Triết, Phong thường hay gọi tôi lên trả bài.

Tức mình vì phải “gạo bài” quá đáng, tôi cay cú tìm cách trả đủa lại Phong. Biết Phong cận thị nặng, bỏ mắt kính ra chỉ thấy mờ mờ, tôi rắp tâm chờ dịp Phong vào rửa mặt là tôi chạy bay vào dấu tịt luôn cặp kính của Phong. Thế là chúng tôi chầu chực ở ngòai để nghe Phong va đầu vào cửa hay đá trúng sọt rác.

Cười phá lên khóai chí, tôi chờ khi Phong mò mẫm ra được đến ngoài, liền đóng vai quân tử Tàu, giả bộ vô tình đi ngang qua và nhu mì hiền thục hốt hỏang la lên:

-“Chết chửa, Thầy làm sao vậy?”

-“Tôi không biết rớt cặp kính ở đâu hay là ai lấy mất rồi?”

-“Để em vào kiếm cho Thầy nhé!”

-“Thôi, thôi, phòng vệ sinh nam (của các giáo sư nam)mà, em vào không tiện đâu.” Phong vội vàng trả lời.

-“Ừ nhỉ, thôi để em đưa Thầy đến phòng Giám Thị rồi nhờ Ma Soeur tìm dùm cho Thầy nhé.”

-“Phiền em vậy.”

Thế là tôi nắm tay Phong dẫn đi hết hành lang này đến cầu thang khác như một ông gìa mù đau khổ. Cố gắng nín cười, tôi lôi Phong đi qua lớp học của tôi để khoe thành tích, “Này này, các đằng ấy có thấy tớ khá không, ông già quạu quọ này giờ phải dựa vào tớ đấy nhé!”

Phong vẫn thản nhiên lẳng lặng đi theo tôi, không nói gì cả, dù nghe có tiếng cười khúc khích đè nén của lũ quỉ học trò sau lưng hay tiếng đằng hắng cố giữ cho đàng hòang của tôi.

Đến phòng Ma Soeur Giám Thị, tôi còn tử tế dìu Phong ngồi xuống ghế đàng hòang và vô tư trình bày cớ sự trước cặp mắt mở to ngạc nhiên của Ma Soeur Anne: “Chà, con bé này sao hôm nay dễ thương ngoan ngõan thế!” Tuy nhiên tôi chư akịp quay lưng ra khỏi phòng thì thầy Phong đã vội lên tiếng:

-“Này Ma Soeur, em Khuê đây rất tốt, vậy nếu chư akiếm được cặp kính cho tôi thì Ma Soeur cho em ấy đưa tôi về nhà vậy.”

Chết rồi, tôi há hốc miệng ra, cứng cả lưỡi vì không ngờ ông gìa này độc chiêu quá, tôi chư akịp phản ứng thì Ma Soeur Anne đã nhanh nhảu:

-“Vâng, vâng, Giáo Sư đừng lo, Thụy Khuê sẽ đưa Giáo Sư về nhà, Giáo Sư chờ tôi giây lát để tôi nhờ các chú lao công tìm kính cho Giáo Sư ngay.”

-“Cám ơn Ma Soeur nhiều.”

Thế là con bé khốn khổ đáng thương đành phải nghe lời bất đắc dĩ. Chờ Ma Soeur ra ngòai, tôi phụng phịu nói:

-“Thầy à, em đâu có biết nhà Thầy ở đâu, vả lại hôm nay em đi xe nhà trường mà . . .”

-“Không sao, tôi sẽ chỉ cho em và em chở tôi về. Còn thủ phạm dấu kính của tôi thì cứ để đó đã!”

-“Nhưng mà . . . em, em . . .”

Phong thản nhiên quay mặt đi chỗ khác, dấu kín nụ cười và hỏi: “Tôi hút thuốc, được không?”

-“Dạ, dạ, Thầy cứ tự nhiên ạ.”

Miệng nói nhưng tâm trí tôi đảo lộn, bây giờ phải tính “tam thập lục kế, vi tẩu thượng sách,” chứ nếu không thua kế Bố già này mất. Vừa nghĩ là chân tôi thụt lùi nhẹ nhẹ ra cửa, nhưng Phong đã gằn giọng:

-“Đứng đó, Thụy Khuê tính đi đâu?”

-“Dạ không, em kiếm nước uống ạ.”

Và rồi, tôi chỉ còn căm hờn đau khổ lại dẫn tay ông già đưa ra bãi đậu xe của trường trứơc những cặp mặt dò hỏi của đám bạn tôi. Phong thản nhiên leo lên xe ngồi sau lưng tôi và chỉ đường về nhà Phong. Tôi tức mình phóng ga chạy thật nhanh rồi thắng thật gấp để hù ông già này.

Nhưng đúng là lão quái kiệt, Phong chỉ từ tốn nói: “Là con gái, dễ thương nhất là sự nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai, cử chỉ tao nhã. Đó là cái nết rất hiếm thấy của người phụ nữ Á Đông thời nay.”

Quê quá, tôi đành phải dịu dàng trở lại. Về đến nhà, Phong mời tôi vào dùng nước và đó là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau ngoài lớp học và có vẻ thỏai mái hơn. Vì Phong là thầy giáo, tôi vẫn tự nhiên không e thẹn gì cả và thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về cuộc sống, về xã hội hay về hôn nhân hạnh phúc . . . và lần này Phong là người đưa tôi về nhà bằng xe hơi riêng sau khi tôi trả cặp mắt kính lại cho Phong.

Phong sống một mình, rất sung túc trong ngôi biệt thự khang trang đường Hai Bà Trưng. Thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại, Phong ra sống riêng sau khi người em gái (dược sĩ) lập gia đình.

Tôi chỉ biết đại khái về Phong như vậy vì thực sự tôi đâu có quan tâm gì đến Phong. Ông ta là thầy giáo, tôi là học trò. Chỉ có thế thôi, nhưng tôi không ngờ lần nói chuyện đó chính là lần kết hợp chúng tôi vào vòng ngang trái uẩn khúc của một trò chơi oan nghiệt.

Tôi sống với gia đình người bác ruột sau khi Mẹ tôi mất. Cha tôi đã bỏ mẹ con tôi để theo một người đàn bà khác lúc tôi vừa mới được bốn tuổi. Tôi sống với Mẹ và chị. Mẹ tôi, vì uất hận người chồng bạc nghĩa, đã nhuốm bịnh ung thư và ra đi năm tôi lên 14 tuổi. Chị em tôi về sống với người bác ruột và hơn một năm sau, chị tôi đi ngọai quốc. Tôi còn lại một mình.

Phong nghe tâm sự tôi rất chăm chú và ái ngại khi nhìn đôi mắt tôi đỏ hoe khi nhắc lại chuyện buồn gia đình. Và thế là, cứ độ hai, ba tuần, Phong lại tìm cớ này cớ nọ để đến nhà thăm tôi.

Một ngày kia, hai bác gọi tôi vào phòng nói chuyện và tôi chưng hửng khi biết Phong muốn cưới tôi làm vợ. Hai bác đã khuyên tôi hết lời và đưa ra những kinh nghiệm sống như “Chồng già vợ trẻ là tiên, vợ gìa chồng trẻ là duyên trên đời,” hay “Hãy lấy người yêu mình” v.v. và v.v.

nhưng tôi vẫn không ra khỏi cơn bàng hòang ngạc nhiên của mình. Tôi hoàn tòan xem Phong như một người cha khả kính hay nói cho cùng là một người anh cả đáng mến mà thôi. Với khoảng cách chênh lệch tuổi tác, tôi không bao gờ nghĩ là sẽ có tình cảm xảy ra giữa chúng tôi. Nhưng vì rất nể sợ hai bác, tôi không dám đưa ra ý kiến của mình mà chỉ viện cớ là tôi còn nhỏ quá, chưa muốn lập gia đình vội.

Bác trai nghiêm nghị nói như ra lệnh: “Phong sẽ chờ con đến năm con 18 tuổi và thi tốt nghiệp xong. Bác nghĩ không một nơi nào cho con nương dựa chắc chắn bằng Phong cả. Giàu có, nghề nghiệp vững chãi, tư cách mô phạm đạo đức, tánh tình trung hậu, Phong sẽ là người hôn phối xứng đáng cho con!”

Từ ngày đó, tôi không còn tự nhiên họat bát được nữa, nhất là vào những giờ Phong lên lớp giảng. Nhận biết được điều đó, Phong rất ân cần chăm sóc tôi mỗi khi có dịp.

Thực sự tự ái của người con gái cũng được vuốt ve nhưng tôi vẫn chẳng thấy có một sự rung động nào với Phong cả, mặc dù tình cảm chân thật của Phong khiến tôi cảm động thật nhiều. Tôi không thể nói thẳng cảm nghĩ của mình cho Phong hiểu được, có cái gì đó khiến tôi nghẹn lời mỗi khi chúng tôi có dịp đi dạo phố hay ăn uống với nhau.

Tôi thực sự không muốn làm tổn thương tình cảm của Phong nhưng ý nghĩ sẽ kết hợp với Phong một đời vẫn hoàn tòan xa lạ trong tôi. Và dòng thời gian trôi qua chầm chậm vô tình trong sự đối kháng dằng co mãnh liệt của tâm thức tôi.

Rồi cái gì đến sẽ đến! Tôi bắt đầu bước vào tuổi 18. Một lần nữa, trời già cay nghiệt lại trêu tôi. Thời gian qua, tình cảm Phong dành cho tôi càng ngày càng sâu thẳm lạ kỳ như oan nghiệp, dù tôi có nói xa nói gần thế nào chăng nữa, Phong vẫn bình thản lập luận khiến tôi đuối lý. Cái mà Phong tìm thấy ở tôi là bản tánh ngông nghênh, bộc trực, vui tươi pha lẫn tự nhiên ngây thơ của tôi.

Chính vì tôi xấu nên tôi không bao giờ có ý làm dáng, chính vì tôi cục mịch nên tôi tự nhiên ăn nói với mọi người, tôi không tô son trét phấn lên cuộc đời tôi, tôi không sơn quét một lớp vôi nào, và đó chính là cái mà Phong tìm kiếm nơi một người phụ nữ. Tôi không ngờ và dở khóc dở cười trước chân tình của Phong. Nhưng đã nói, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên,” Lâm xuất hiện trong đời tôi như một nhát chém định mệnh.

Mùa Xuân 74, tôi tốt nghiệp Trung học và Phong sửa sọan lễ dạm ngõ và sẽ chờ tôi tròn đúng 18 tuổi. Tôi vô cùng lo sợ và đau khổ vì hình bóng Lâm đã chiếm ngự trái tim tôi.

Tôi đã hết sức trình bày cho hai bác tôi hiểu nhưng vô ích, hai bác tôi không chấp nhận Lâm vì bấy giờ Lâm cũng chỉ là học sinh như tôi, vả lại Lâm còn quá trẻ, chưa có nghề nghiệp gì, không bảo đảm tương lai được. Tôi cứ đứng dằng co giữa ngã ba đường oan nghiệp. Dạo phố hay đi nghe nhạc với Lâm thì tôi cười nói thỏai mái vui vẻ vì cùng tuổi trẻ như nhau nhưng Lâm thiếu hẳn sự tế nhị, cẩn trọng và thường hay va chạm tự ái của tôi khi chê tôi kém sắc hơn người này hoặc không hay bằng người nọ.

Trái lại với Phong, tôi cảm thấy mình được che chở dắt dìu trong tình thương nồng ấm, tôi có thể thả hồn theo vũ điệu của gió, của lá hoa, tôi hòa nhịp thở của tôi vào cùng nhịp sống của vũ trụ, của mây trời, của trăng sao, và tôi sung sướng khi Phong khen ngợi sự sâu sắc thâm trầm nhận xét của tôi hay Phong ý tứ sửa lại một câu văn trong bài viết báo của tôi.

Với Phong, tôi là một con người của chiều sâu tâm linh; đi bên Lâm, tôi là một trái banh độn theo cảm hứng của anh ta. Bộ ba chúng tôi lẩn quẩn vòng vo như vậy và tôi cũng dấu không dám cho Phong biết sự có mặt của Lâm trong tôi.

Rồi ngày định hôn bắt đầu sửa sọan. Tôi cuống cuồng lo sợ, không biết định liệu thế nào, và theo lời thúc giục của Lâm, chúng tôi hẹn Phong ra một tiệm giải khát nói chuyện.

Sau màn giới thiệu vụng về của tôi, Phong đã hiểu và suốt buổi, Phong đã lặng im không nói một tiếng nào – nhưng tôi đã hốt hoảng thực sự khi Lâm bật lên một câu nói hết sức tàn nhẫn: “Thầy đã già rồi, không tương xứng với Thụy Khuê và tình cảm Khuê dành cho Thầy chỉ là tình cảm cha con hay đúng hơn là sự thương hại.”

Tôi bụm miệng Lâm không kịp và ngồi chết trân tại chỗ. Gương mặt Phong lúc đó, tái ngắt lại, gân x anh hai bên thái dương nổi lên, tay Phong run run châm điếu thuốc.

Tôi chỉ thấy một sự ân hận vô bờ tràn ngập tâm hồn tôi và tôi oán ghét Lâm đã qúa tàn nhẫn, thiếu tế nhị. Nhưng tôi không cử động được, hình như sự việc quá đột ngột làm tôi tê dại hẳn đi. Vài phút nặng nề trôi qua, Phong đứng dậy, nói một câu mà suốt đời tôi không bao giờ quên được:

-“Tôi cám ơn những gì Lâm nói ngày hôm nay và tôi cũng thành thực xin lỗi đã quấy rầy Thụy Khuê suốt thời gian qua. Đúng là tôi đã lãng quên không nhìn rõ lại mình.”

Và Phong đã ra đi, đi đâu, không một lời từ giã. Tôi cũng không nhận được một tin tức gì của Phong và tình tôi với Lâm cũng đã tan vỡ từ dạo ấy.

Cho đến một buổi sáng mùa Xuân, năm tôi 19 tuổi, một hung tin của Phong từ một ngôi chùa hẻo lánh Ban Mê Thuột đã xô xập tôi xuống tận hố thẳm lòng mình. Phong đang hấp hối và dù Phong không hề muốn, Sư Cụ Trụ Trì đã gởi điện tín về nhà hai bác tôi, mong tôi sẽ đến gặp Phong lần cuối.

Dò tìm đến được ngôi chùa nhỏ bé hoang liêu cô tịch, nằm giữa vùng núi trắng phủ mù sương, tôi đã ngã quị xuống khi nhìn thấy Phong giờ đây chỉ còn là một cái xác gầy guộc thoi thóp thở.

Phong nhìn tôi và dòng nước mắt ứa chảy trên đôi gò má nhô cao. Ngày xưa, ánh mắt Phong rất buồn câm lặng, bây giờ, ánh mắt đó càng buồn hơn, càng sâu thẳm hơn, nó như thống thiết van lơn, như thầm trách, như chấp nhận và tha thứ.

Tôi đau đớn ôm Phong vào lòng, lần đầu tiên chúng tôi xúc chạm nhau thật thân mật như vậy, và dài dòng tâm sự với Phong, đã nhắc lại cho Phong nghe những tháng ngày chúng tôi vui cười nói chuyện bên nhau . . . Thỉnh thoảng trên môi Phong điểm một nụ cười xa vắng.

Và cuối cùng tôi cũng đã nói ra được điều tôi muốn nói là “tôi cần Phong trên cuộc đời này.” Nhưng sự hối hận của tôi đã qúa muộn màng, Phong đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi. Nước mắt của anh vẫn còn đọng dấu nhưng gương mặt anh đã thanh thản nhẹ nhàng.

Ôm xác Phong vào lòng, tôi cảm thấy nỗi đau của mình tê dại hẳn đi. Tôi đã gián tiếp giết chết người một đời yêu thương tôi và chung thủy. Cúi xuống hôn đôi môi giá lạnh của anh, tôi cảm nhận linh hồn anh đang đứng bên tôi và sẵn sàng che chở cho tôi như ngày nào anh còn sống.

Tôi giận anh vô cùng, “Tại sao anh lại ngu xuẩn thương tôi, một kẻ ích kỷ mê muội? Tại sao lại hủy diệt đời anh vì tôi?” Không, tôi biết anh không muốn nhưng lòng tự trọng, tự ái và tình yêu anh dành cho tôi đã tàn phá dần dần tâm hồn anh.

Phong là một con người rất tự trọng nên câu sỉ nhục của Lâm và sự câm lặng như công nhận đó của tôi ngày xưa ấy đã dày vò Phong trong bi thống. Anh có thể xa tôi nhưng không bao giờ chấp nhận sự thương hại.

Theo ước muốn cuối cùng của Phong, tôi để anh nằm thật yên tĩnh bên ngọn đồi sau lưng chùa. Nơi đó, anh có thể nghe tiếng gió lộng rừng thông, anh có thể ngắm trăng sao vằng vặc trên thinh không, anh có thể nhìn mặt trời đỏ rực nhô lên sau đỉnh núi, và nơi đó anh không còn đau khổ nữa như tôi.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ tôi cũng đã lớn tuổi rồi, cũng đã bứơc vào lứa tuổi của anh ngày đó, cũng đã thử thương yêu và tan vỡ mấy lần. Có lẽ trái tim tôi đã chết rồi theo anh; bài học chua cay này tôi đã mua với cái giá quá đắt, mua với đau thương, với hối hận cả một đời người.

Từ bài học đau thương đó, tôi rút ra một kinh nghiệm sống là “Hãy cẩn trọng gìn giữ hạnh phúc trong hiện tại, trong tầm tay của chúng ta; đừng để sau này phải thốt lên lời hối hận đã trót gây đau khổ cho người khác.

Những người thân đang hiện diện chung quanh ta đây, hãy nhìn họ thật kỹ, thật sâu; hãy chia sẻ niềm vui nỗi khổ với họ; hãy đến với nhau bằng nụ cười cảm thông, bằng ánh mắt thương yêu, bằng bàn tay nâng đỡ; hãy sống thật với trái tim ta từng phút giây, từng hơi thở để ngộ nhỡ ngày mai ta xa họ, ta không có gì phải tiếc nuối ân hận vì đã vô tình hay nhẫn tâm quên đi một bóng hình hay đánh mất đi một tình thương chân thật.”

Và cũng từ dạo đó, về lại Sàigòn, tôi tìm đến đạo Phật mong sẽ xoa dịu được nỗi sầu chất ngất trong tôi. Chiều chiều, bứơc qua cổng chùa, lắng nghe tiếng đại hồng chung khoan thai trầm bỗng từng hồi vang vọng hư không hay tiếng mõ u trầm thoát tục quyện theo làn khói hương nhẹ tỏa, tôi bỗng thấy lòng mình vơi nhẹ hẵn đi, thanh thản lạ kỳ. Tôi đã để hồn tôi sâu lắng vào từng lời kinh tiếng kệ và âm thầm cầu nguyện hồi hướng cho Phong sớm được siêu thoát và cũng cầu nguyện cho tôi.

Rồi theo chân qúi thầy cô, tôi dấn thân tự nguyện vào những công tác từ thiện xã hội. Tôi đã đi qua nhiều miền xa xôi, nhiều vùng trắc trở, nhiều thị xã nghèo đói bệnh tật và tận mắt tận tai chứng kiến nỗi khổ đau của đồng lọai; tôi chợt nhận ra rằng nỗi buồn đau của tôi chỉ là hạt cát so với nỗi khổ đau to lớn của chúng sinh.

Nhớ lại lời nguyện ước của Phong khi anh còn sống, tôi thường ghé thăm các trại dưỡng lão cô nhi, và lòng tôi thực sự nở hoa khi đón nhận những vòng tay thân ái của các cụ già, những nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ, những ánh mắt quyến luyến khi tôi từ giã họ ra về.

Qua những chuyến đi ủy lạo như vậy, tôi đã hóa giải được rất nhiều niềm tâm sự u ẩn của mình, tôi hòa nỗi đau của tôi vào nỗi khổ tha nhân, tôi chia sẻ với mọi người những vui buồn thăng trầm của cuộc sống, và tôi tìm thấy tôi trong mọi người, thấy Phong trong tôi, thấy vạn loại chúng sinh trong chúng tôi. “Tất Cả là Một, Một là Tất Cả.”

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy rõ ràng như vậy, một khi chúng ta xóa bỏ được những chấp trước, phân biệt ta và người, không còn tự ngã thì tâm tư và tri kiến chúng ta không còn bị đóng khung hạn hẹp nữa.

Chúng ta sẽ không còn thấy chỉ có nỗi đau, nỗi khổ của riêng mình nữa, sẽ không còn thấy chỉ có người thân của mình, tình yêu vị kỷ của mình . . . mà Tình Thương Vô Ngã trong chúng ta sẽ thăng hoa phát triển trên nền tảng Từ Bi, Trí Tuệ, Lợi Hành, san sẻ đến vạn loại hàm linh để cùng dắt dìu nhau hướng về An lạc, Giải Thoát.

Trên cao, Đức Phật đang từ hòa cúi xuống nhìn tôi, mỉm cười: “Hãy can đảm lên con, hãy đi trọn con đường con đã chọn, hãy vượt thóat và vươn xa hơn nữa. Cây Giác Ngộ chỉ nẩy mầm trên mảnh đất khổ đau; Phiền Não tức Bồ Đề; Sanh Tử tức Niết Bàn đại lạc. Nếu con không đau khổ, con sẽ không bao giờ thương yêu và cảm thông được cho chúng sanh.”

Gương sáng thực hành hạnh “Tự lợi, lợi tha, tự độ, độ tha; giác hạnh viên mãn” của Đấng Từ Phụ Như Lai là kim chỉ nam cho tôi biến đau thương thành hành động hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc mưu cầu Chân Hạnh Phúc và An Lạc Giải Thóat vĩnh cữu cho tất cả chúng sinh đều tiến lên bờ giác.

P.Thụy Khuê