Trong Vòng Tay Mẹ – Đạo Quang dịch

trong vòng tay mẹ

THƯ GỬI NGOẠI

Ngoại ơi! Cháu của ngoại nè!

Đã lâu lắm rồi cháu chưa có dịp viết thư thăm bà, hôm nay nhân lúc vừa thi xong, cháu liền cầm bút viết đôi dòng gửi thăm bà. Bút hạ dòng, cháu không có gì hơn, cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất đến với bà và gia đình.

Bà ơi! Gần đây bà khỏe không ạ? Bệnh đau cột sống của bà có khá hơn tí nào không ạ? Mỗi khi đến mùa đông chắc khó chịu lắm phải không bà? Không biết những buổi trưa có ai nhổ tóc ngứa cho bà không? Có ai đọc truyện xưa cho bà nghe không? Có ai ngoái trầu cho bà ăn không? Có ai ôm bà ngủ mỗi đêm không? Và rất nhiều cái “không” nữa…. Còn cháu ở trong này vẫn khỏe, học hành vẫn bình thường.

Thưa bà! Dù có đi đâu về đâu, song cháu vẫn luôn ghi lòng tạc dạ những chuyện cổ tích đầy đạo lí bà kể mỗi đêm trước khi ngủ, những câu ca dao tục ngữ, những cử chỉ hành động trong sinh hoạt hằng ngày của bà, và đặc biệt là lời nhắc nhở của bà khi cháu rời xa bà để vào Nam, còn nhớ lúc tiễn cháu lên đường, bà nắm tay cháu nói:
“Dù cho dòng xoáy cuộc đời có đưa đẩy, có vùi dập, nhưng đừng đánh mất nề nếp gia phong nghe con! Giấy rách phải giữ lấy lề đấy!”.

Những câu chuyện đạo lí, ca dao, tục ngữ, lối sống tưởng chừng như đơn giản và có một chút gì đó cổ lỗ sĩ ấy, nhưng đã giúp cho cháu rất nhiều trong cuộc sống. Trước kia cháu coi thường nó chừng nào, thì bây giờ cháu lại xem trọng chừng nấy, mỗi khi thấy bất ổn, cháu liền nhớ đến lời dạy của bà, nhờ nó soi sáng mà con thuyền của đời cháu đã vượt qua biết bao ngọn sóng ba đào, biết bao phong ba bão tố của dòng đời đấy bà ạ!
………
Ngoại còn nhớ lúc tiễn con đi ngoại luôn giục:

– Lên xe đi con!

– Nhưng ngoại về rồi con mới lên.

– Ừ! Ừ! Ngoại về!

Ngoại vừa quay lưng, thì cháu cũng bước lên xe. Bất ngờ ngoại quay lại gọi:

– À! Vũ! Tí xíu ngoại quên. Con cầm hộp dầu và gói xôi ngoại mới mua. Lên xe nhớ ăn xôi liền và xoa dầu vào bụng nghen!

– Dạ dạ!

– Thôi! Xắn áo lên ngoại xoa dầu cho, anh làm biếng lắm, dạ dạ chứ không bao giờ xoa đâu.

– Con lớn rồi mà ngoại cứ lo.

– Cha anh! Anh mắc cỡ với ngoại à? Ngoại nuôi anh từ tấm bé, trong người anh có cái gì mà ngoại không biết đâu, có gì mà ngại.

Ngoại mở nắp hộp dầu cù là và nhanh nhẹn xoa vào bụng cháu, nhìn đôi tay nhăn nheo, gầy yếu run run của bà cháu thương quá, bàn tay đã trải qua biết bao sương nắng, làm lụng để nuôi con, nuôi cháu. Bà xoa đến đâu cháu nghe ấm áp tới đó. Tuy xoa nhưng ngoại luôn xoay mặt nơi khác để dấu dòng lệ đang tuôn trào. Thấy thế dòng lệ trên khóe mắt cháu cũng chợt trào ra, cháu liền nói đùa để cho ngoại không thấy dòng lệ của mình:

– Chà! Ngoại có bàn tay ngòi bút, chắc khi còn trẻ được nhiều người theo đuổi lắm đây, ông ngoại con cũng chết mê chết mệt vì bàn tay này chứ gì?

– Cha anh! Chỉ có cái khéo nịnh!
Nói xong bà ôm thật chặt cháu vào lòng.

– Phật ơi! Ngoại làm gì kì vậy? Con đã lớn rồi mà.

– Lớn đối với ai, chứ với bà lúc nào anh cũng là con nít cả.

– Thôi! Ngoại về kẻo nắng.

– Ngoại về nghen! Con lên xe đi!

Cháu cứ ngỡ ngoại về thật, nhưng khi xe bắt đầu lăn bánh cháu nhìn vào gốc cây xoài thì thấy ngoại hãy còn đứng đó, mắt ngoại luôn hướng về chiếc xe cháu đang ngồi, chắc chắn lúc đó ngoại đang khóc. Chiếc xe cứ vô tình chạy ra khỏi bến, nó đâu biết rằng từng lằn bánh của nó đang chà xát tâm cháu, nó càng lăn tâm cháu càng đau nhói, từng tiếng còi “bíp bíp” như tiếng gọi của chia li, nó nói rằng “từ đây cháu đã xa ngoại”, không biết ngoại đứng đó cho đến lúc nào? Ngoại có biết lúc đó cháu cũng đang nhìn ngoại không? Nhìn dáng ngoại gầy còm, với bộ đồ bà ba đen đã bạc màu, quần ống thấp ống cao, xách cái giỏ lưới cũng cùng niên đại với bộ đồ, đứng núp dưới gốc cây xoài để không cho cháu thấy, lúc đó cháu hết sức buồn và đã bật khóc, cháu rất mong chiếc xe nổ lốp ngay tại đó, để chạy lại ôm bà, nhưng mong ước của cháu chỉ mãi là ước mong… Ngoại đừng cười cháu ích kỉ à nghen!

À! Tí xíu nữa cháu quên. Thưa ngoại! Ngoại có biết đêm hôm qua cháu đã nằm mơ thấy ai không? Cháu nằm mơ thấy ông ngoại, ông nội và bà nội đấy. Nhìn họ chẳng khác trong hình là mấy, vừa tới ông ngoại liền hỏi cháu:

– Lâu nay cháu có viết thư về cho bà không?

– Dạ thưa ông! Do bận thi nên cháu chưa viết được.

– Ờ! Thế thì thôi, cố gắng thi cho tốt. Nhưng lúc nào rảnh phải nhớ viết đấy. Tội nghiệp bà con, ông mất sớm, một mình bà phải tần tảo sớm hôm nuôi dạy đàn con cho đến khi chúng thành gia lập thất.

– Ông biết không, mái tóc của bà con nay đã bạc trắng hết rồi! Trên trán lại hằn sâu rất nhiều nếp nhăn của thời gian nữa.

– Thật à! Mới ngày nào tóc hãy còn xanh mượt, biết bao nhiêu chàng trai trong làng say mê và không ít người trồng cây si với suối tóc đó, thế mà bây giờ……

– Sao anh không nói trong đó có anh. – Bà nội ngắt lời.

Ông cười, thở dài rồi nói tiếp:

– Ây da! Cuộc đời thật ngắn ngủi, con quỉ dữ vô thường luôn rình rập một bên, lúc nào cũng chực chờ chém lưỡi búa tử thần vào chúng ta.

Ông ngoại nói chưa dứt lời, bà nội liền cắt lời nữa:

– Anh nghĩ sao mà nói nhiều dữ vậy? Bộ không cho tôi nói à? Cháu nội của tôi để tôi hỏi với chứ.

– Thì chị sui cứ hỏi chứ tôi đâu có giành.

– Lâu nay cháu khỏe không? Học hành vất vả lắm không? Ăn uống đầy đủ không? Có thường xuyên viết thư về nhà thăm cha mẹ không? Anh và em cháu được khỏe không?

Bà nội nói chưa dứt lời, ông ngoại trả đũa:

– Chị sui hỏi gì nhiều vậy, làm sao cháu tôi trả lời kịp, đúng là phụ nữ có khác.
Nói xong, ông ngoại trề môi cười.

Thấy thế ông nội liền can:

– Thôi, tôi xin mấy người, nói ít thôi để cháu tôi còn thở với.
Nội nắm lấy tay cháu, hỏi:

– Hình như cháu có tâm sự gì à!

– Sao ông biết?

– Cha anh! Anh là cháu tôi, anh nghĩ gì làm sao có thể giấu tôi được.

– Bộ ông nội là “thám tử tư” à?

– Cần gì thám tử tư, chỉ nhìn nét mặt hôm nay của cháu là ông biết rồi.
Cháu đưa ngón tay cái lên, ý nói rất thán phục. Cháu thưa:

– Dạ thưa ông! Quả thật con có chuyện?
Nói chưa dứt lời, cả ông ngoại và bà nội liền rối rít hỏi:

– Cháu có chuyện à? Chuyện gì? Có đứa nào ăn hiếp cháu à? Hay là con nào đá cháu?

– Thôi! Tôi xin hai người, hỏi ít thôi để nghe cháu nói. – Ông nội cắt ngang.

– Ừ! Nói đi! Nói đi! – Ông ngoại và bà nội cùng thúc.

– Cháu có chuyện muốn kể cho ông bà nghe, sau đó hỏi cách giải quyết của ông bà.

– Chuyện gì? Kể mau! – Ông ngoại và bà nội lại thúc.

– Cái gì cũng từ từ đã. – Ông nội nói.

– Cháu có quen một người bạn, trước kia gia đình bạn ấy sống hạnh phúc lắm, không hiểu tại sao gần đây cha mẹ bạn ấy thường hay xích mích, gây gổ, hình như ngày nào không gây nhau ăn cơm không nổi ấy.

– Lí do sao họ xích mích? – Ông ngoại hỏi.

– Nghe nói gần đây mẹ của bạn ấy đi hơi nhiều, cha bạn ấy thì lại uống rượu cũng nhiều hơn. Do mẹ bạn ấy đi nhiều, nên có lời ra tiếng vào, khi nghe những lời như vậy, cha bạn ấy chịu không nổi, vì vậy mỗi lần uống rượu vào cha bạn ấy lại gây.

– Họ gây như thế nào? – Bà nội hỏi.

– Lúc đầu chỉ cãi sơ sơ với những ngôn từ đơn giản, dần dần họ cãi lớn tiếng, ngôn từ cũng lớn dần và phức tạp theo. Có lúc họ cãi nhau không đủ, họ lôi cả cha mẹ, dòng họ của nhau ra để chửi nữa.

– Thế là không được, dẫu biết rằng chén trong bát còn va chạm, chuyện vợ chồng khó tránh khỏi lời ra tiếng vào, nhưng không được lôi cha mẹ, dòng họ ra, vì họ đâu có lỗi, vả lại có người đã chết lâu rồi. Thật tội nghiệp cho hương hồn họ. Đã không báo hiếu thì thôi, sao lại làm điều bất hiếu như vậy? Không biết nếu sau này cha mẹ của bạn cháu nhắm mắt, mà con cháu cứ lôi họ ra để chửi mắng chắc họ sung sướng lắm? Điều này hiển nhiên thôi, bây giờ họ chửi cha mẹ của nhau được, sau này chắc chắn con cháu của họ sẽ bắt chước chửi lại họ.

Người xưa đã nói:

Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận

Ngỗ nghịch con nào có khác chi

Xem trước hiên nhà mưa xối nước

Giọt sau giọt trước có khác gì!

Ông nội nói xong, thở dài ngao ngán.

– Do họ không biết quay về nương tựa ba ngôi báu (qui y Tam Bảo), nếu biết làm gì có chuyện đó. Anh chị sui còn nhớ chủ nhật tuần trước Bồ-tát Địa Tạng giảng cho chúng ta nghe đề tài “Tam Qui Ngũ Giới” không? Ngài nói năm giới chính là:

1. Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để người khác giết hại dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con. Phát nguyện giữ giới không giết hại vì tôn trọng sự sống, vì ý thức được khổ đau do giết hại gây ra. Do vậy, người giữ giới này hiện tại luôn sống trong an ổn, không lo sợ thù oán, thân thể khỏe mạnh, không bị quả báo lột da xẻ thịt ở đời sau. Nhờ không giết hại, môi sinh được giữ gìn, xã hội an ninh, thế giới hòa bình và an lạc.

2. Ý thức được khổ đau do lường gạt, trộm cắp gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để đem niềm vui sống cho mọi người và mọi loài. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ tài vật nào của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền sở hữu riêng của người khác và cũng nguyện ngăn ngừa không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài. Vì tôn trọng tài sản và ý thức sự khổ đau do bị trộm cắp gây ra nên người Phật tử không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng lõa với người trộm cắp. Người giữ giới này hiện tại luôn sống trong thanh thản, không sợ tù tội, được người khác tin cậy, giao phó nhiều trọng trách, hưởng phước giàu sang. Vì không gian tham nên không bị túng thiếu, mất mát, và không bị mang lông đội sừng để trả nợ ở đời sau.

3. Ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thuỷ chung, hòa thuận, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của người khác. Con biết hành động ngoại tình sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình con và hại đến hạnh phúc của người khác… Người Phật tử ý thức được sự tai hại của việc tư tình nên phát nguyện giữ giới. Lợi ích của sự tu tập không tà dâm là thân thể khỏe mạnh, gia đình ấm êm hạnh phúc, được mọi người tôn trọng, không có tình thù.

4. Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chính niệm gây ra, con xin nguyện nói lời chính ngữ, học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ. Con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. con nguyện không nói những lời sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con biết chắc là không thật, không phê bình và lên án những điều mà con không biết rõ. Con nguyện lắng nghe với tâm từ bi để có thể hiểu được những khổ đau, khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Người giữ giới không nói dối luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu thương. Không những không nói dối, người tu tập giới này còn góp ý, động viên, xây dựng và hòa giải với mọi người xung quanh, làm cho gia đình và xã hội ngày càng thêm tốt đẹp.

5. Ý thức được những khổ đau do sử dụng rượu, ma tuý, các chất kích thích, gây nghiện, các thực phẩm có độc tố và văn hóa phẩm đồi trụy gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thực phẩm không chứa độc tố, không có tác dụng gây nên sự say sưa, nghiện ngập làm thân tâm mất tự chủ. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng ma tuý, không tiêu thụ những thực phẩm có độc tố kể cả những văn hóa phẩm có nội dung bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù. Tu tập trọn vẹn giới thứ năm thì thân thể khỏe mạnh, hạn chế được bệnh tật, trí tuệ sáng suốt, tuổi thọ tăng trưởng đồng thời tránh được tai nạn, lỗi lầm đáng tiếc do sự mất tự chủ gây ra.

Trong vợ chồng chỉ cần giữ giới thứ 3 và thứ 5 cũng đủ hạnh phúc rồi. – Ông Ngoại nói.

– Trí nhớ của ông ngoại thật cừ, khiến người ta phải bội phục.

– Hứ! Ổng mất lúc mới 30 tuổi, đương nhiên trí nhớ còn tốt rồi. Nói gì thì nói mình cũng rất mừng và tự hào khi con cái của mình sống rất hạnh phúc.

– Bà nội nói đúng đấy! Cháu cũng rất tự hào về gia đình mình, tuy gia đình không được khá giả lắm, nhưng sống rất hạnh phúc. Từ khi còn nhỏ, cháu đã được cha mẹ dạy phải biết kính trên nhường dưới, anh em gọi bằng thứ chứ không được gọi bằng tên, còn cha mẹ luôn xưng anh em, con chưa nghe cha mẹ con gọi nhau là ông bà, đừng nói chi đến tiếng khác… Mấy chị dâu lúc mới về, đêm đó cha mẹ cháu gọi hai vợ chồng lại dạy: “Con à! Gia đình mình tuy nghèo nhưng sống có trên dưới, anh nói em nghe, em nói anh nghe, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, nếu như con của cha mẹ có làm con buồn, con hãy nói với cha mẹ, chứ không được giận cá chém thớt, không được lôi cha mẹ ra chửi, hoặc mượn con để chửi cha mẹ, gia đình mình kị nhất tiếng chửi thề. Còn con cũng vậy, nếu vợ con chưa nên thì từ từ dạy, không được nói động đến cha mẹ vợ, không được đánh vợ, nếu con dạy không được để cha mẹ nhắc nhở, vì từ bây giờ vợ con không phải là con dâu của cha mẹ, mà vợ con chính là con gái của cha mẹ rồi. Người xưa nói con dâu mới thật con của mình, bởi khi cha mẹ nhắm mắt, vợ con phải chịu tang đến ba năm, phải lo ma chay. Vả lại, gia đình mình không có con gái, nên cha mẹ luôn coi con dâu như con ruột.”

Từ nãy giờ ông nội chẳng nói năng gì cả, trông bộ dạng rất đăm chiêu. Cháu thưa:

– Sao ông nội không nói gì cả vậy?

Ông nội chép miệng rồi thở dài:

– Ây! Ông nội đang nghĩ đến người bạn của cháu, sống trong gia đình như vậy chắc bạn cháu rất buồn và tuyệt vọng.

– Thôi! Thôi! Thôi! Từ trước đến giờ anh toàn lo chuyện bao đồng. Chuyện người ta kệ họ, chỉ cần gia đình con cháu mình sống hạnh phúc là được. – Bà nội nói.

– Em nói vậy không được. Chẳng lẽ em không nhớ Bồ-tát Địa Tạng dạy kinh Từ Tâm sao:

Thấy người khổ nạn khó qua

Lòng mình đau xót như là khổ chung

Thấy người hạnh phúc thành công

Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.
Thấy người khác khổ xem như chính mình bị khổ.

– Ông nội nói đúng. Trước ngày thi, đêm đó cha mẹ bạn ấy lại gây lộn, bạn ấy chịu không nổi cảnh đó bèn xé hết sách vở và định nghỉ học luôn. Nhưng may thay được bạn bè động viên giúp đỡ, bạn ấy mới chịu đi thi, nhưng cháu dám chắc rằng kết quả sẽ không được tốt lắm, thật tội nghiệp làm sao.

– Bạn con thật tội nghiệp, nhưng cũng đáng trách, cho dù cha mẹ như thế nào mình cũng phải nỗ lực học, vì học chính là tương lai của mình. Ông nội hi vọng bạn con sẽ rút ra bài học từ cha mẹ bạn ấy.

– Anh sui nói gì dễ vậy, ai sống trong hoàn cảnh đó mới biết, khi thấy gia đình như vậy, không ai còn tâm trí đâu mà học hành, và biết bao đứa trẻ hư hỏng, hút chích, bài bạc, trộm cắp… cũng chính từ đó. Thế mà, khi con hư hỏng cha mẹ không nhìn thấy lỗi mình mà cứ trách mắng con. Chẳng hiểu ra làm sao nữa. – Ông ngoại thở dài ngao ngán.

– Cháu đồng ý với ông ngoại. Nếu cháu sống trong hoàn cảnh đó, cháu cũng không dám bảo đảm mình khá hơn bạn ấy.

– Anh sui thông cảm, nhà em từ nhỏ đến lớn luôn sống trong cảnh hạnh phúc, nên chưa từng gặp cảnh đó. Nhưng em nghĩ, nhà em nói cũng có lí đấy chứ, cho dù như thế nào chúng ta cũng phải mạnh mẽ vượt lên mọi hoàn cảnh và chính mình.

– Hứ! Chính là chồng ca vợ xướng! Sao trời sinh ra cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa thế không biết, đi qua thế giới khác rồi mà vẫn còn binh nhau. Thật là…

Tít tít tít, tít tít tít…..

Cái đồng hồ chết tiệt, sớm không tít, muộn không tít, tít đúng chỗ gây cấn. Ý chết! Nói chuyện một hồi, mà quên hỏi ông bà khỏe không, ăn uống được không? Cuộc sống tốt không? Thật thất lễ. Nhưng ngoại yên tâm, lần sau khi gặp nhất định cháu sẽ hỏi sức khỏe của họ đầu tiên.

Thôi thư đã dài cháu xin ngừng bút, chúc ngoại luôn khỏe mạnh và an vui bên con cháu. Ngoại yên tâm, dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cháu vẫn nhớ lời dạy của bà “dù cho dòng xoáy cuộc đời có đưa đẩy, có dìu dập, nhưng đừng đánh mất nề nếp gia phong! Giấy rách phải giữ lấy lề!”

TRONG VÒNG TAY MẸ

Chiều nay

Ngồi trên gác, nhìn những giọt nước còn đọng trên tán lá sau trận mưa chiều. Càng nhìn Phúc càng nhớ cha mẹ, nhớ người mà Phúc những tưởng suốt đời mình sẽ không bao giờ tha thứ được.

Phúc được sinh ra trong gia đình rất khá giả, những tiếng cười lúc nào cũng trổi dậy như những hạt giống lúc nào cũng sẵn sàng nảy mầm. Sau sáu năm kể từ ngày Phúc nhìn thấy ánh dương, hạnh phúc lại tăng lên cấp số nhân khi mẹ sinh em trai, thằng bé mập mạp, trắng trẻo, khả ái. Rồi hai năm sau, mẹ lại sinh thêm em gái, giống như anh, nó cũng mập mạp, trắng trẻo, dễ thương. Mỗi tối cả gia đình cùng quay quần bên mâm cơm, tiếng nói, cười làm cho nhiều em bé trong làng phải ganh tị. Phúc cứ ngỡ hạnh phúc sẽ trải dài theo cuộc đời mình. Nào ngờ biến cố lại liên tục ập đến gia đình Phúc.

Đầu tiên, cha Phúc bắt đầu tập uống rượu, dần dần thời gian cha có mặt ở nhà ít dần, ít dần. Mẹ Phúc không thể chịu nỗi cảnh say xỉn, không chịu làm ăn của chồng, mẹ thường càm ràm, nhăn nhó. Kết quả sau những khi cãi vả như vậy, ít nhất, đánh chửi nhau, vừa vừa, những vật dụng trong nhà ít dần vì đổ vỡ, còn nhiều, sau khi đập phá xong, cha bỏ nhà đi đâu đó đến năm sáu ngày mới trở về. Nhưng vừa về, cha mẹ lại tiếp túc đấu khẩu, đánh chửi, đập phá. Cuối cùng họ quyết định chia tay.

Phúc và đứa em trai theo cha về ở nhà nội, còn đứa em gái út theo mẹ về ở nhà ngoại. Từ đây những con sóng cuộc đời bắt đầu ập vào bờ cát trắng mịn của cuộc đời Phúc. Phúc bắt đầu gắng gượng chèo lái con thuyền của riêng mình trong biển đời bao la.

Từng là học sinh giỏi mấy năm liền, nhưng đến cuối năm lớp 4 Phúc phải thi lại. Vào đầu năm lớp 5, Phúc nghe tin mẹ bị bệnh nặng vì làm việc quá sức, thương mẹ và em lắm nhưng không dám đến thăm sợ cha đánh. Nhiều đêm Phúc khóc xin cha hãy về với mẹ, vì ai cũng có đủ cha mẹ, còn riêng Phúc lại không. Sau những lần như vậy, Phúc luôn được nghe câu trả lời quen thuộc của cha “mày nhỏ biết gì, đi ngủ đi, đồ nít ranh.” Thế là Phúc lại khóc, khóc thật nhiều, thật nhiều…
Hôm nay có hai giờ văn, cô bị bệnh không lên lớp, Phúc được về sớm, cả lớp cùng nhau bàn tán đi đâu đó chơi, cuối cùng chúng nó quyết định về nhà ngoại của Vũ mắt kiếng chơi. Bọn chúng đang chuẩn bị, Vũ quay sang hỏi Phúc:

– Phúc đi chứ? Leo lên Vũ đèo đi.

– À, mình thật xin lỗi Vũ, mình không thể đi được.

– Vì sao?

– Ừm… thì mình nói không đi được là không đi được, sao Vũ nhiều chuyện thế nhỉ?
Nói xong Phúc chạy một mạch như ma đuổi. Khiến cho gần 50 mươi cặp mắt ngơ ngác nhìn theo và cả tiếng gọi “Phúc, Phúc” của Vũ, chẳng ai hiểu gì cả.

Không phải Phúc không muốn đi chơi, nhưng Phúc muốn thăm mẹ lâu lắm rồi, nhân hôm nay được nghỉ sớm, Phúc quyết định về thăm. Đoạn đường từ trường về nhà ngoại hôm nay bị làm sao ấy, còn mấy cái đồng hồ trong những nhà ven đường nữa. Phúc cảm giác đoạn đường dài hơn mọi ngày, đi hoài không thấy tới, cho dù Phúc đang chạy lấp xấp, chập chập Phúc lại ghé mắt nhìn vào đồng hồ của những nhà ven đường, 5 phút, 8 phút, 10 phút, “con lạy Phật trời, xin các Ngài giúp con làm cho các đồng hồ chạy chậm lại, nếu dừng lại càng tốt”…

Vừa đến cổng nhà ngoại, Phúc thấy ngôi nhà và cảnh vật xung quanh chẳng khác xưa là mấy, nhưng sao quạnh hiu và buồn tẻ đến lạnh người. Phúc vừa đẩy cánh cổng bằng tre, đã thấy mẹ nằm trên chiếc giường bằng tre cũ kĩ, mục nát, trùm chiếc mền cũ có nhiều miếng vá, bên cạnh là đứa em gái đang thiếp ngủ. Phúc vội chạy đến, chỉ gọi được tiếng “mẹ”, mẹ ôm Phúc vào lòng khóc nức nở, mẹ khóc, Phúc khóc, tiếng khóc hòa quyện vào nhau, tạo thành bản hùng ca bất tận, bản âm hưởng có một không hai của tình mẫu tử, cung bậc yêu thương đã lên đến tột đỉnh. Khóc một hồi, mẹ cúi xuống, nhìn Phúc hỏi:

– Sao con ốm dữ vậy? Cha có thường la đánh con không? Em con khỏe không?

Phúc chỉ gật gật, rồi tiếp tục ôm mẹ khóc. Thời gian cứ vô tình trôi đi, trôi đi, mới tí xíu đã đến giờ Phúc phải về rồi. Phúc nhẹ nhàng gỡ tay ra khỏi người mẹ, qua hôn lên trán đứa em vẫn còn đang say ngủ. Phúc đứng dậy thưa mẹ đi về, mẹ móc trong túi ra tờ 2.000 đồng cũ mềm, dúi vào tay Phúc, bảo:

– Con đem về mua kẹo cho em, lúc nào không có cha ở nhà, nhớ dẫn em qua thăm mẹ nghen!
Phúc gật gật, rồi chạy một mạch không dám quay lại, vì Phúc rất sợ đôi mắt đầy lệ của mẹ, nó như sợi dây vô hình cột chặt hai trái tim lại với nhau.

Chiều hôm đó, Phúc dẫn em ra quán bà năm đầu ngõ mua kẹo cho nó ăn, trước khi ăn Phúc dặn:

– Về nhà không được nói cho cha biết nghe chưa? Nếu nói lần sau chị không mua nữa đâu đó.

Thằng bé chỉ “dạ, dạ”, rồi nhai kẹo ngốn nghiến.

Tối đó

Sau khi cho em ăn uống xong, Phúc giăng mùng cho em ngủ. Rồi đi làm bài tập của mình, đang cặm cụi làm bài bên ngọn đền dầu leo lắt, Phúc giật thót mình khi nghe thằng em mớ “chị yên tâm, em không nói cho cha biết đâu, em không nói cho cha biết đâu”, Phúc quay sang nhìn cha, bắt gặp đôi mắt khó hiểu của cha cũng đang nhìn Phúc từ lúc nào. Cha hỏi:

– Thằng Lộc nói như thế là chuyện gì vậy Phúc?

– Dạ…dạ… đâu có gì!

– Không có gì tại sao nó nói như vậy? Nói thật tao còn tha, bèn không tao đánh mềm xương.

– Dạ…dạ…

Phúc chưa kịp nói, cha đã vực em Lộc dậy hỏi:

– Chiều nay chị Phúc dẫn mày đi đâu?

Thằng bé còn đang ngáy ngủ, nó chỉ nhìn ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả. Cha phát đen đét vào đít nó mấy cái thật mạnh, làm thằng bé khóc điếng lên. Thấy thế, Phúc vội chạy lại quì dưới chân cha, xin đừng đánh em để Phúc trình bày. Phúc bèn kể sự thật đã gặp mẹ. Không để kể hết câu chuyện, ông hất chân làm Phúc lăn mấy vòng, rồi rút cây roi trên vách quất tới tấp. Bình thường Phúc đã khóc, nhưng hôm nay Phúc không khóc, quì thẳng lên để cha đánh, thời tiết vừa oi bức, cộng thêm men rượu trong người đang thiêu đốt, càng tức ông càng ra tay tàn bạo hơn, ông hét lớn:

– Ai bảo mày thăm cái con hư thân mất nết đó?

– Cha nói con đó, vậy con đó là con nào? Chẳng lẽ vợ của cha, người sinh ra chúng con lại đáng bị nguyền rủa, ghét bỏ như vậy sao? Nếu vậy ngày xưa cha đừng lấy mẹ, đừng sinh ra chúng con.

– A, lếu láo, cái con này hôm nay mày ăn gan trời à? Dám trả treo với cha mày vậy hả? Cho mày ăn học để mày về lí luận với tao phải không?

Vừa nói ông vừa quất thật mạnh vào người Phúc, quất đến khi chiếc roi tả tơi mới chịu dừng lại.
Suốt đêm hôm đó, Phúc không sao chợp mắt được, cứ lăn qua trở lại, nhìn phía giường của cha, hình như đêm nay cha cũng không ngủ được, chốc chốc ông ngồi dậy đốt thuốc, nhìn cha rất đăm chiêu, không hiểu ông đang nghĩ việc gì? Bất ngờ cha đi lại gần giường của Phúc, nhẹ nhàng vén màng lên, hôn vào trán Phúc. Phật ơi! Lần đầu tiên trong đời Phúc mới có được cảm giác tình phụ tử, không kiềm được nỗi xúc động, hai dòng lệ trong khóe mắt của Phúc cứ vô tình tuôn trào, thấy thế cha hỏi:

– Con chưa ngủ hả?

– Dạ. – Phúc mở mắt nhìn cha, gật đầu thưa.

– Hồi nãy cha đánh con có đau lắm không? Ngồi dậy cha xoa dầu cho. – Cha ôm Phúc vào lòng bảo.
Cha vặn cao ngọn đèn, rồi dở áo Phúc lên để xoa dầu, cha xoa tới đâu Phúc thấy ấm áp, dễ chịu đến đó, bất chợt Phúc cảm giác lưng mình ướt ướt, quay lại, thì ra cha đang khóc, đây là lần đầu tiên thấy cha khóc, người ta nói “phụ nữ khóc nước mắt chảy ra, còn đàn ông khóc nước mắt chảy vào, nếu khi người đàn ông khóc mà nước mắt chảy ra, tức là họ đang rất đau khổ, hối hận.” Cha hỏi:
– Con có muốn cha về lại với mẹ không?
– Dạ có ạ! – Phúc trả lời không cần suy nghĩ, giống như câu trả lời đã có sẵn trong đầu.
– Cha thấy cha mẹ thật có lỗi với các con, đã không cho các con cuộc sống hạnh phúc đầy đủ thì thôi, thế mà lại còn làm cho các con phải chịu khổ cực.
– Dạ không có gì thưa cha. Nội thường dạy, con nít không được xen vào chuyện của người lớn, người lớn làm gì đều có lí của họ, xin cha hãy tha thứ cho những lời bất kính của con vừa rồi.
– Không, không, cha suy nghĩ rất nhiều về lời nói của con, cha không trách mà còn phải cảm ơn con đã cảnh tỉnh cha.
Phúc áp sát vào lòng cha, ngủ thiếp đi lúc nào không biết, trong mơ Phúc thấy cha mẹ về sống chung với nhau, cùng ăn cơm chung, nói cười vui vẻ…

Sáng hôm sau
Cha đi qua nhà ngoại thật sớm, khoảng 7h30 cha về và nói với Phúc:
– Con xếp quần áo của con và của em, chúng ta cùng nhau về nhà ngoại ở với mẹ.
Phúc không tin vào tai mình nữa, Phật ơi! Con đang tỉnh hay mơ, con có nghe lộn không vậy? Mãi đến khi nghe cha giục lần thứ ba, Phúc mới dám chắc đây là sự thật:

– Con làm gì mà ngây người ra vậy? Mau lên con.

Phúc vội vàng cuộn đại mấy bộ đồ của mình và của em bỏ vào giỏ, nói đồ cho quách vậy, chứ chúng còn tệ hơn khăn chùi chân của mấy nhà kha khá.

Về ở nhà ngoại được nửa tháng, cha mua
một mảnh đất nhỏ cất nhà, nhà xoay về hướng tây, lợp tôn xi măng được giở ra từ chuồng heo của ngoại, mỗi khi trời nắng, trong nhà oi bức như trong lò lửa, còn mỗi lúc trời mưa, phải lo chạy dọn dẹp đồ đạc, lấy thau, chậu, nồi để đầy nhà, cho nước mưa khỏi chảy tràn lan ra ngoài. Vui nhất những lúc trăng thanh gió mát, mấy chị em cùng nằm ngủ trên một cái giường bằng tre ọp ẹp. Một lần nọ, em Lộc hỏi Phúc:

– Đố chị hai các nhà hàng cao cấp ở thành phố họ gọi là nhà hàng đạt tiêu chuẩn gì?

– Ờ, ờ, gọi là gì ta?

– Chị chịu thua đi!

– Ừm, thôi chị chịu thua đó.

– Dở ẹt, gọi là nhà hàng năm sao.

– Tại sao hôm nay em lại hỏi chị như vậy?

– Em thấy nhà mình tốt hơn nhà hàng năm sao nhiều.

– Dở hơi à! Nhà hàng năm sao người ta xây bằng xi măng, trong phòng có máy lạnh, còn nhà chúng ta điện còn chưa có, thế mà lại bảo tốt hơn nhà hàng năm sao. È.

– Không phải sao, chị nhìn lên trời xem, không phải nhà chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn ngôi sao sao?
Phúc ngước nhìn lên trần nhà, quả thật như em Lộc nói, mái tôn đầy lỗ đinh thời gian. Phúc khen:

– Trí tưởng tượng của em khá thật đấy, sau này nhất định sẽ trở thành nhà văn cho mà xem.
Cả hai chị em cùng cười khúc khích.
Hạnh phúc không được bao lâu, cha lại chứng nào tật nấy, suốt ngày chẳng lo làm ăn, chỉ biết bạn bè, nay hết nhậu quán này, mai lại nhậu quán khác, thế lại còn thêm cờ bạc, bia ôm, thời gian cha có mặt ở nhà cũng giống như trước kia, ít dần, ít dần. Một hôm, cha vừa về đến nhà liền đi nhanh vào buồng lục lọi tìm kiếm, tìm một lúc, ông bước ra hỏi Phúc:

– Mày có biết mẹ mày cất tiền ở đâu không?

– Dạ con không biết. Mà tiền gì vậy thưa cha?

– Tại sao không biết? Tiền hồi chiều mẹ mày bán heo chứ tiền gì?

– À tiền bán heo.

– Sao, để đâu? – Ông mừng rỡ, hai mắt sáng trưng hỏi.

– Dạ con nghe mẹ nói đi trả nợ cho bà Tư ở xóm trên rồi.

– Đem đi cho trai chứ trả nợ trả nần gì. Thôi vào nấu cơm cho tao ăn mau.

– Dạ thưa nhà mình đã hết gạo từ trưa.

– A, cái con này, mày muốn tao chết đói à? Dám nói láo với tao hả?

– Dạ con nói thật ạ! Em con vẫn chưa ăn cơm tối.
Nghe đến đây, cha liền đứng dậy, cầm búa đập mạnh vào lu gạo nói:

– Hết gạo thì đập lu chứ để làm chi nữa.
Đập xong cha đi một hơi, không quên kèm theo mấy câu chửi rủa. Phúc không biết làm gì khác, chỉ biết ôm em khóc. Một lúc sau mẹ về, vừa về đến cửa mẹ đã hỏi lớn:

– Tối rồi tại sao không đốt đèn lên con?
Phúc không trả lời, chỉ ngồi khóc, hỏi một hồi Phúc mới dám nói ra sự thật, chưa kịp nghe hết câu chuyện, mẹ lập tức đưa em cho Phúc,

vội vã bước đi, Phúc gọi:

– Mẹ! Mẹ định đi đâu vậy?
– Tao đi hỏi cha mày tại sao dám đối xử với con như vậy.
– Thôi mà mẹ, dù sao chuyện cũng đã rồi, mẹ ngồi nghỉ, con đi nấu cơm mấy mẹ con mình cùng ăn.
– Thôi không ăn uống gì cả, tối nay nhịn hết đi, coi thử chết ai cho biết.

Mẹ vừa bước ra, đúng lúc cha về. Mẹ hỏi:

– Tại sao ông đối xử với con như vậy?
– Đối xử là đối xử như thế nào? Nó là con tao, tao muốn đối xử thế nào kệ tao, liên quan gì đến mày mà mày nói. Thôi không nói nhiều, tiền bán heo hồi chiều để đâu, đưa cho tao.
– Hứ, nói dễ nghe quá ha. Tôi đem trả nợ hết rồi.
– Đem cho thằng nào thì nói đại đi, chứ trả nợ trả nần gì.
– Sống với nhau đã mấy mặt con mà ông dám nói với tôi như vậy à?
– Tại sao lại không dám, trên đời này tao chỉ tin mình tao thôi, còn ngoài ra tao không tin ai hết, đặc biệt là mày.
– Tui sao?
– Cái thứ gò má cao sát chồng, nếu hồi đó tao không lấy, chắc bây giờ mày còn ở giá, chứ thằng nào thèm lấy. Tao thật quá sai lầm khi quyết định lấy mày.
– Phải rồi, ông danh giá quá mà, không biết hồi đó ai theo ai, ai năn nỉ ai?
– Á chà, con này nay mày dám lên mặt, được để tao cho mày biết tay. – Nói xong, cha chạy lại bóp cổ mẹ.
– Thôi con xin cha mẹ đừng có gây nhau nữa, làng xóm họ cười cho mà coi. – Phúc một tay ôm em một tay kéo ống quần của cha.
– Kệ ai cười hở 10 cái răng, dù trời có sập, hôm nay tao cũng phải trị tội con này mới được.
– Được, ông giết tôi đi, để coi ai ngồi tù mục gông cho biết.
– Dù cha chết hay mẹ chết cũng đều không được, chúng con không muốn mất cha, mẹ. Xin cha mẹ đừng làm khổ nhau nữa.
– Được, nếu như vậy thì li dị. – Cha nói.
– Li dị thì li dị sợ ông à. Coi ai chết đói ngoài đường biết liền.
– Phúc mày theo ai? – Cha hỏi.
– Dạ, dạ, con theo cha mẹ.
– Mày không muốn theo tao thì thôi. Lộc vào xếp đồ theo tao, để con Phúc ở lại với con đàn bà mất nết này.
– Đúng rồi, tôi mất nết đó, vậy từ nay về sau đừng vác mặt vào nhà này nữa.
– Thưa cha, em Lộc chưa ăn cơm, chưa tắm rửa, xin cha cho em ở lại ăn cơm, mai con dẫn qua nhà nội cho cha.
– Được. – Nói xong cha bỏ đi.

Phúc đưa em cho mẹ, dẫn em Lộc ra sau tắm rửa. Tắm cho em xong, Phúc lục đục nhen lửa nấu cơm, mẹ hỏi:

– Mày đang làm gì vậy Phúc?
– Dạ con đang nhen lửa nấu cơm.
– Không cơm nước gì hết, đi ngủ đi.
– Nhưng mà từ chiều giờ em Lộc vẫn chưa
ăn thưa mẹ!
– Hứ, gạo còn không thấy gì huống chi lúa. – Vừa nói mẹ vừa cầm gáo nước xối vào bếp, chỉ nghe tiếng xèo, rồi bếp tắt ngúm.
Thấy thế, Phúc giận mẹ lắm, Phúc nghĩ “tại sao người lớn lại vô lí như vậy nhỉ, giận nhau thường kéo con cái vào trận, thường giận cá chém thớt, mình không ăn cũng được, nhưng phải lo cho con cái ăn chứ, chúng con có tội gì đâu phải bị nhịn đói, phải bị đối xử như vậy?” Nhìn em Phúc thương lắm, nhưng cũng đành bất lực. Phúc lên giăng mùng cho em ngủ, sau đó xuống dọn dẹp nhà cửa, úp lại nồi lên gác, bỏ gạo và thức ăn vào nồi đậy kĩ. Lúc này đã khuya, cảnh vật im lìm đang chìm sâu trong giấc ngủ, mẹ và bé Thọ cũng đã ngủ say. Phúc coi lại cửa nẻo, vặn nhỏ đèn, chui vào mùng, lưng chưa kịp chạm chiếu, em

Lộc thì thầm:

– Em đói quá chị hai ơi! – Vừa nói em Lộc vừa lò mò ngồi dậy.
– Ừ, chị cũng đâu khác gì em.
– Sao chúng ta không tìm thứ gì đó ăn cho đỡ đói?
– Biết tìm thứ gì, nhà mình đâu có cái gì ăn được.
– Em nhớ hồi chiều mẹ mua thức ăn về, không biết có gì ăn được không? – Cặp mắt của Lộc sáng rỡ, giống như tìm được đáp án của vấn đề cực kì khó.
– Chỉ toàn rau thôi. Nhưng nếu lục đục mẹ hay được đánh chết. – Phúc khuyên em.
– Như vậy biết làm sao, em đói quá à! – Vừa nói em Lộc vừa nhăn nhó, ôm bụng.
– À, chị có cách rồi.
– Cách gì vậy chị?
– Chúng ta uống nước cho đỡ đói.
– Hay đấy. Em Lộc gật đầu tán thành lia lịa.

Hai chị em rón rén đi xuống bếp uống nước, uống xong lại leo lên giường ngủ. Nằm chập lâu, Phúc và Lộc vẫn không tài nào ngủ được, hai cái bao tử đánh trống, thổi kèn, biểu tình dữ dội, lâu lâu lại kêu “ọt, ọt”. Thấy em cứ ôm bụng lăn qua lăn lại,

Phúc không thể chịu được, quyết định:

– Lộc, em ngồi dậy đi với chị.

– Đi đâu?

– Đi xuống bếp.

– Thôi, em không uống nước nữa đâu, rủi nửa đêm… em sợ ma lắm.

– Không phải uống nước, mà là ăn cơm.
– Ăn cơm? – Lộc trố mắt hỏi.
– Phải. – Phúc khẳng định chắc chắn
– Cơm đâu mà ăn?
– Bây giờ chị nấu.
– Chị hai không sợ mẹ đánh à?
– Không sợ.
– Được, nếu có gì hai chị em mình chia đôi, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia.
– Nói nho nhỏ thôi, kẻo mẹ nghe.

Hai chị em len lén đi xuống bếp, Phúc vừa cào tro ướt qua một bên, vừa nói:

– Bây giờ hai chị em mình ra lấy ít rơm vào nhóm bếp.
– Để mình em đi cho, chị hai vo gạo đi.
– Em không sợ ma à?
– Không sợ, chỉ cần mau có cơm ăn được rồi.

Không hiểu sao hôm nay em Lộc siêng bất tử như vậy, ngày thường bảo làm gì phải xuống nước năn nỉ nó mới làm, mà hôm nay không ai nhờ, nó tự đi lấy chén, đũa để sẵn ra đó, lâu lâu còn lại đẩy thêm củi vào bếp. Phúc nói:

– Chụm ít thôi, củi chị đi hái xa lắm đó.

– Không hề gì, ngày mai em đi hái với chị. Không những ngày mai, mà sau này, ngày nào em cũng đi hái củi cho chị nấu. À mà không, sau này em không hái nữa.

– Sao vậy, đổi ý rồi à?

– Không phải đổi ý, sau khi lớn lên, em cố gắng làm ra thật nhiều tiền, mua cho chị cái bếp ga giống như nhà thằng Bườm bạn em, khỏi cần đun củi, không sợ lọ nồi.

– Ba hoa chích chòe vừa thôi ông tướng, ông làm như vậy có mà trời lụt.
– Chị không tin, để rồi xem. À cơm chín rồi, nhắc xuống đi.
– Chưa, chờ tí. Để chị lặt ít rau luộc cho em ăn.
– Không cần, ăn với nước mắm được rồi.
– Nước mắm còn đâu mà ăn?
– Ăn với muối, gói muối mình ăn ổi hôm qua còn nè.
– Không nói nhiều, chờ chị luộc rau rồi mới ăn.
– Chờ chị luộc rau, lỡ mẹ thức dậy thì sao?
– Ừ, cũng phải. Thế thì ăn với muối vậy.
– Đưa chén em bới trước cho chị, em mời chị hai ăn cơm.
– Điêu, làm bộ lễ nghĩa, ăn đi, ăn từ từ thôi kẻo nghẹn.
– Mẹ xuống. – Em Lộc vừa nói vừa bỏ ngay chén cơm xuống, đứng phăng dậy.
– Đâu có.
– Rõ ràng em nghe thấy tiếng chân người mà.
– Chắc tiếng gió đó.

Tuy ăn cơm với muối, nhưng em Lộc ăn hơn ba chén. Phúc không ăn, chỉ bưng chén cơm nhìn Lộc, thấy em ăn, Phúc không cầm được nước mắt.

– Sao chị hai khóc vậy? Hay do em ăn nhiều?
– Không phải chị khóc đâu, khói làm chị chảy nước mắt đó, em cứ ăn no đi.
Ăn xong, hai chị em vội vàng thủ tiêu ngay mọi chứng cứ và phi tang hiện trường, rồi leo lên giường ngủ, xem như không có chuyện gì xảy ra.

Lần chia tay này, Phúc quyết định theo mẹ, nhưng chẳng bao lâu sau, cha mẹ lại làm lành với nhau, kết quả của lần làm lành này, một mầm sống mới xuất hiện.

Lần đoàn tụ này cha tỏ ra là người biết quan tâm, làm mới lại mình, lo tu chí làm ăn, vài tháng sau một mầm sống mới được hình thành trong bụng mẹ. Một hôm, cha bàn với mẹ hãy để cha ra tỉnh ngoài kiếm công việc làm, chứ sống trong cái làng này không biết đến bao giờ mới cất đầu lên nổi. Mẹ gật đầu đồng ý, nhưng trên nét mặt phảng phất nỗi buồn buồn cộng thêm một chút lo lắng, mẹ lo không phải không có lí, bởi mẹ quá hiểu tính nết của cha, mẹ nói:

– Anh đi làm ăn là việc tốt, nhưng em sợ…
– Em sợ cái gì, sợ anh có bồ nhí, uống rượu hay cờ bạc? – Cha vừa cười vừa hỏi.
– Cái em sợ chính là ba cái đó.
– Ha ha em lo quá xa rồi đấy, anh bây giờ chứ không phải anh ngày xưa đâu, em hãy tin anh.
– Em cũng hi vọng như vậy.
– Không phải hi vọng, phải tin chắc chắn.
– Phúc con ở nhà nhớ lo cho các em, còn phải phụ giúp mẹ nữa đó. – Cha quay sang nói với Phúc.
– Dạ cha cứ yên tâm ạ!

Lời hứa của cha đã được giữ đúng, tháng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, cha đều gửi tiền về, nhưng đến tháng thứ tư trở đi lời hứa đó đã bay theo mây gió, đã đi theo định luật vô thường. Nghe những người trong làng đi làm chung với cha về nói cha đã có vợ bé ở trên chỗ làm rồi, và họ đang sống rất hạnh phúc. Nghe vậy, mẹ buồn và lo lắm, nhưng mẹ nói mẹ không tin, hay cố tình không muốn tin sự thật đang lồ lồ trước mắt. Tin đồn đó chẳng mấy chốc bay khắp làng, nhiều người nói với mẹ hãy tới chỗ cha làm làm cho ra lẽ, nếu không người ta cho mình dễ bị bắt nạt. Nhưng, mẹ chỉ cười, nụ cười chua chát và xấu hổ, chứ không nói lời nào.

Không hiểu sao, lần mang thai này, mẹ thường xuyên ốm nghén, bệnh hoạn hoài không làm gì được, cuộc sống gia đình vốn dĩ đã khốn khó nay lại càng khốn khó hơn. Hơn năm tháng nay Phúc chưa được ăn bữa cơm có cá, thịt, chỉ toàn ăn rau luộc, dưa cà, cũng phải thôi, gạo còn không đủ ăn nói chi đến thịt cá. Mỗi khi ngồi xuống mâm cơm, thấy trong nồi chỉ toàn khoai, sắn, mẹ khóc, Phúc khóc, rồi hai đứa em cũng khóc. Cứ như vậy, thời gian trôi qua, nước mắt chan cơm gần 10 tháng.
Lần nọ, Phúc bị đói lả, mẹ đi làm, em nhỏ dại, không còn cách nào khác, Phúc chỉ biết ôm bé Thọ vào lòng nằm chờ, dân làng biết chuyện, liền chạy qua hỏi thăm, người đem cơm, người đem thức ăn, cho mấy chị em ăn, đây là lần đầu tiên sau gần 10 tháng Phúc mới được ăn bữa cơm ngon có được từ sự bố thí của người khác.

Chốc chốc mới đó mà mầm sống trong bụng mẹ đã 9 tháng 10 ngày, người xưa nói “trời sinh voi sinh cỏ”, không biết có đúng hay không, nhưng đứng về một khía cạnh nào đó của gia đình Phúc hoàn toàn chính xác, tuy suốt thời gian mang thai, mẹ chỉ ăn khoai sắn, rau, cà, thế mà thằng bé được sinh ra trắng trẻo, mập mạp, hết sức khả ái. Ngày đầy tháng mẹ đặt cho em tên Toàn, thế là Phúc đã có ba đứa em, với các tên rất sung túc Phúc – Lộc – Thọ – Toàn. Niềm vui chưa qua, nỗi buồn đã ập đến, đúng ngày đầy tháng của em, cha dẫn người tình của mình về giới thiệu với gia đình mà không hỏi qua ý kiến của mẹ, bắt Phúc phải gọi người ấy là “mẹ”. Phúc căm ghét cha, tại sao cha vô tình như vậy? Lại nuốt lời hứa của mình? Thấy thế, mẹ không thể chịu nổi, bèn quyết định ra tòa li hôn theo ý của cha, đây là lần chia tay thứ ba.

Mẹ dẫn Phúc và em Thọ, Toàn đi về bên ngoại. Ngày dọn đồ ra đi, em Lộc khóc nói “chị hai! Nhớ thường xuyên về thăm em ngen! Còn bé Thọ đừng đòi chị hai mua kẹo nghe chưa?” Bé Thọ không biết gì cả, chỉ ngơ ngác nhìn, Phúc ôm em vào lòng, rồi buông ra chạy thẳng, phía sau vẫn còn nghe tiếng văng vẳng của em
Lộc “chị hai! chị hai!”
Mẹ về nhà ngoại ở được một thời gian, cậu bán thiếu cho miếng đất, ngoại cho tiền làm nhà, các cậu mỗi người một tay, chẳng mấy chốc ngôi nhà được hoàn thiện, nói nhà cho có nói vậy, chứ thật ra chẳng khác nào trại canh vịt, nhưng dù sao có chỗ che nắng che mưa là tốt rồi. Hằng ngày Phúc vừa đi học vừa phải lo giữ em. Mẹ buôn bán xa, cho nên phải đi từ sáng sớm. Buổi sáng, sau khi cho em ăn uống xong, Phúc đeo cặp bồng em Toàn và dẫn bé Thọ về gửi cho ngoại, rồi đi học, trưa tan học ghé ngoại dẫn mấy em về, lo cơm nước, cháo lợn… Những lúc bình thường không nói làm gì, chứ khi trái gió trở trời, em bị bệnh, vất vả không gì tả xiết. Vì thiếu ăn, nên hai đứa em của Phúc bị suy dinh dưỡng thấy rõ, từ những đứa trẻ trắng trẻo, mập mạp, hoạt bát, bây giờ chỉ còn da bọc xương, lúc nào cũng ngây ngây, ngớ ngớ, ngẩn ngẩn. Thế mà mẹ lại thường xuyên đau ốm, làm một hôm phải nghỉ bốn năm hôm. Ôm em trong lòng, Phúc không cầm được nước mắt, mỗi lần nghe em khóc, lòng Phúc như kim châm muối xát, thằng bé cũng kì lạ, không chịu ai bồng hết ngoại trừ Phúc. Một tay bồng em, một tay nhóm bếp, nhiều lần chỉ nhóm bếp không vậy thôi, chứ có gì đâu mà nấu. Càng khổ, càng vất vả, lòng oán trách cha mẹ của Phúc cũng tăng lên cấp số cộng, rồi số nhân. Nhiều lần Phúc thầm trách “tại sao cha mẹ thích sinh con thế nhỉ? Đã không nuôi nổi thì đừng sinh nhiều.” Tuy khổ cực, nhưng Phúc thấy mình hạnh phúc hơn các em nhiều, vì Phúc có một quãng thời gian hạnh phúc, cuộc sống đầy đủ, sung sướng.

Đầu tháng 3 năm lớp năm.

Phúc quyết định nghỉ học, thứ nhất không có tiền đóng học phí, cứ hẹn nay hẹn mai với cô giáo hoài, thứ hai không muốn mình thêm gánh nặng cho gia đình, thứ ba cảm thấy học lực của mình càng ngày càng đi xuống, không đi xuống sao được, khi sống trong gia đình như vậy.

Chiều thứ bảy.

Lúc Phúc đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa, bỗng nghe tiếng của Vũ mắt kiếng vọng vào:

– Phúc ơi! Có nhà không?
– Không thấy nó đang quét nhà sao mà hỏi, đồ con trai dư hơi. Lan xí muội nói.
– Ừ, tui kêu để Phúc chuẩn bị khỏi ngỡ ngàng khi thấy tụi mình vậy mà, bộ bà ganh tị à?
– Xí! Ê, ông nói ai tụi mình vậy, chẳng lẽ ông nói cả cô giáo cũng là tụi mình à? – Lan xí muội bắt phép.
– Xin lỗi cô, em không có ý đó. – Vũ mắt kiếng quay sang cô biện bạch.
– Thôi, hai em đừng cãi nhau nữa. Cô cười nói tiếp: – Cô không hiểu tại sao hai em nhà ở gần nhau, đi học lại đi chung, ngồi chung bàn, người làm lớp trưởng, người làm lớp phó mà sao thích gây nhau thế nhỉ?
– Cô không biết đấy, ngày nào tụi nó không gây nhau là nuốt cơm không vào, thật là thương nhau lắm cắn nhau đau. – Thuận sún xen vào.
– Ê, ông nói ai thương ai? – Lan xí muội hỏi.
– Tôi nói ai thương ai người ấy tự biết, có tật giật mình.
– È, tướng ông Vũ mắt kiếng đó hả, cho tui còn không thèm, ai mà thèm thương. Xí.
– Bà nói tướng tui sao? Bà đang ảo tưởng à, cỏ ngoài đồng tưởng hoa hồng trong chậu. È.
– Ông ông ông…
– Thôi, bạn Phúc ra đến rồi kìa. – Cô nói.
– Dạ em chào cô và các bạn ạ. Mời cô và các bạn vào nhà.
– Kìa Phúc! Phúc có khỏe không? Tại sao nghỉ học vậy? Nói cho Vũ nghe đi. – Vũ mắt kiếng chạy lại gần hỏi Phúc tới tấp.
– Ông tài lanh vừa thôi chứ, để vào đến nhà rồi hãy hỏi, mà phải để cô hỏi trước mới đúng. – Lan xí muội giở giọng người lớn.
– Kệ tui, bộ không hỏi bà bà ganh à?
– Xí.
– Dạ mời cô và các bạn ngồi, mời dùng nước.
Cô nhìn quanh một lượt, hỏi:
– Phúc à! Hôm nay mẹ em đi đâu?
– Dạ thưa cô! Mẹ em đi làm.
– Lâu nay mẹ, em và các em của em khỏe không?
– Dạ cảm ơn cô, vẫn bình thường.
– Tại sao mấy ngày nay không thấy em lên lớp?
– Dạ thưa cô…
– Em có chuyện gì khó nói à?
– Dạ… em tính nghỉ học luôn cô ạ! Nói đến đây Phúc cảm thấy mắt của mình cay cay, và hai dòng lệ từ từ rơi xuống.
– Tại sao nghỉ học? Có chuyện gì em có thể kể cho cô nghe được không? – Cô xoa đầu an ủi và kéo Phúc vào sát mình.
– Thưa cô! Em nghỉ học có nhiều lí do, mà lí do đầu tiên vì em không có tiền đóng học, mua sách vở.
– Tưởng chuyện gì, thứ hai em cứ đi học, học phí và sách vở của em để cô lo.
– Dạ, em cảm ơn lòng tốt của cô, nhưng em…
– Không có nhưng nhị gì hết, cứ quyết định như vậy. Thôi cô về, thứ hai nhớ đi học đó.

Phúc đứng dậy tiễn cô và cả lớp ra về. Vừa ra đến cổng, Vũ mắt kiếng quay lại “ê, tui quên, tui tính đem mấy trái ổi cho em của Phúc, nhưng nghe Phúc kể cảm động quá tí xíu nữa quên mất, Phúc vui lòng nhận cho.” “Phúc cảm ơn Vũ.” Phúc lí nhí trong miệng. Chờ cô và cả lớp đi về, đến khi không còn thấy họ nữa mới trở vào. Chiều nay trong lòng Phúc có cảm giác vui vui, nhưng xen lẫn một chút gì đó rất khó diễn đạt, Phúc hứa với mình phải quyết tâm học tập, để không phụ lòng tốt của cô và bạn bè.

Cuộc sống cứ lập đi lập lại như ngày và đêm, và Phúc cũng đã hoàn thành tốt cấp tiểu học. Phúc vẫn không quên được ngày chia tay, cô giáo nói “Các em yêu quí của cô! Cô biết trong quá trình dạy, đôi khi cô có phần nghiêm khắc, nhưng không phải cô ghét bỏ gì các em đâu, mà là thương các em đó, cô không muốn sau này các em trở thành những cục thịt di động, những con người bị xã hội lên án. Các em biết không, trong hơn mười mấy năm dạy học của mình, cô chưa từng gặp người học trò nào lại đặc biệt như bạn Phúc, tuy sống trong cảnh như vậy, nhưng bạn ấy đã cố gắng vượt qua, biết giúp đỡ mọi người, có tinh thần kỉ luật cao, thật đáng làm tấm gương cho chúng ta. Cô hi vọng, lên thêm một lớp, đồng nghĩa các em sẽ lớn thêm một tí, không chỉ lớn về thể xác, chiều cao, mà phải lớn cả đạo đức, trí tuệ. Đối với Phúc, cô hi vọng em sẽ vượt qua tất cả, hướng đến chân trời cao rộng đang chờ em phía trước.”

Mùa hè năm đó.

Cha mẹ quyết định về lại với nhau. Kết quả của lần về lại này làm Phúc mất em Thọ. Số là, bạn của cha có một người bà con đang ở nước ngoài, chuyến này họ về Việt Nam thăm quê, tiện thể kiếm một đứa con nuôi. Bởi hai ông bà đã trên 50 mà vẫn chưa có được mụn con. Ông bạn ấy đến bàn với cha:

– Anh ba à! Như tôi nói hôm bữa, chuyến về Việt Nam lần này của cô tôi là muốn kiếm một đứa con nuôi, thấy anh con đông, nhà cũng khó khăn, nên tôi muốn xin một đứa cho họ, không biết ý anh chị như thế nào?
– Nói thật với chú, chúng tôi cũng rất đắn đo, dù đông nhưng mất một cũng không thể chịu được. – Cha đắn đo suy nghĩ.
– Anh chị nghĩ coi, qua bên đó nó được ăn
ngon, mặc đẹp, được đi học, mà anh chị cũng có một số tiền. Bởi tôi và anh chị là chỗ thân tình, nên tôi mới giới thiệu, chứ còn người khác sức mấy.
– Tôi vẫn thấy lo lo thế nào ấy, vả lại không biết con bé có đồng ý không?
– Đồng ý hay không do anh chị quyết định, chứ con cái làm sao dám cãi cha mẹ. Thôi có gì sáng mai anh chị cho tôi biết tin, tôi có việc phải đi gấp, chào anh chị.

Đợi ông khách vừa quay lưng, Phúc chạy ra thưa với cha mẹ “không, con không muốn em con đi, con không muốn em con làm con nuôi người khác, nếu cha mẹ nuôi không nổi, con sẽ nghỉ học, đi làm lấy tiền nuôi em…”
Phúc chưa nói hết câu, mẹ nói: “Việc này để cha mẹ tính lại.”

Đêm đó, Phúc nằm giữa, em Lộc nằm bên trái, còn em Thọ nằm bên phải, Phúc hỏi Thọ:

– Thọ có thương chị hai không?
– Dạ có ạ!
– Nếu sau này chị em mình không còn gặp nhau nữa, Thọ có nhớ chị không?
– Dạ nhớ ạ!
– Thọ biết không, chị không muốn xa em chút nào hết. Nhìn cặp mắt ngây thơ, hồn nhiên của nó, lòng Phúc như kim châm muối xát, Phúc ôm em vào lòng thật chặt, không ngờ lần này là lần ôm cuối cùng của hai chị em Phúc.
Hôm sau, mới sáng sớm cha mẹ bảo Phúc dẫn em Lộc về ngoại chơi, đến chiều rồi hãy về, Phúc linh cảm hình như cha mẹ đang giấu mình việc gì đó, hay cha mẹ muốn cho em? Không, không thể nào, cha mẹ không thể nào nhẫn tâm đem núm ruột của mình cho người khác. Phúc nói:
– Sang nay con muốn ở nhà không muốn qua ngoại.
– Tại sao? – Cha hỏi.
– Con thấy hình như cha mẹ đang làm việc gì đó giấu con.
– Dở hơi à, có việc gì đâu.
– Hay cha mẹ tính cho em.
– Không đâu.
– Cha mẹ hứa rồi đó nghen!
– Ừ, đi chơi đi.

Phúc dẫn em Lộc về nhà ngoại chơi, sao hôm nay Phúc cảm thấy trong lòng xôn xao, khó chịu thế nào ấy. Đúng 16h30, Phúc dẫn em Lộc về, càng về gần đến nhà, Phúc càng có cảm giác như mất mát một thứ gì, vừa đến cổng Phúc gọi lớn: “Thọ ơi! Ra chị hai cho xoài nè!” Vẫn không nghe tiếng trả lời. Phúc gọi lại “Thọ ơi! Ra chị hai cho xoài nè!” Trong nhà vẫn im lặng, Phúc xô cửa chạy, hỡi ôi, em Thọ đã bị người ta đưa đi từ lúc nào. Phúc khóc thật nhiều, càng khóc Phúc càng căm giận cha mẹ, từ đó sợi dây tình cảm giữa Phúc và cha mẹ, rạn nứt dần, làn sóng truyền thông giữa họ bắt đầu đoản mạch.

Ngày đầu tiên của năm học cấp II

Phúc có một quyết định, cho mãi đến hôm nay, vẫn không biết quyết định của mình đúng hay sai, đó là quyết định nghỉ học, dù được cô giáo cũ, bạn bè khuyên nhủ, nhưng lần này Phúc vẫn giữ vững lập trường. Còn cha mẹ luôn bảo Phúc đi học lại, họ sợ sau này Phúc sẽ oán trách họ, nhưng Phúc nói “cha mẹ yên tâm, dù sau này có thế nào đi chăng nữa, con cũng không oán trách cha mẹ, không hối hận quyết định của mình.”

Ở nhà được nửa tháng, Phúc xin cha mẹ cho đi làm. Cha mẹ hết sức bối rối trước quyết định đi làm của Phúc, nhưng họ đành chấp nhận, vì không còn cách nào khác. Thế là cái vẻ ngây thơ, trong trắng của tuổi học sinh không còn nữa, thay vào đó là sự từng trải. Phúc bắt đầu bước đi những bước đầu tiên vào ngưỡng cửa cuộc đời khi tuổi vừa tròn đôi sáu.

Phúc đến tiệm chế biến gỗ ở huyện bên cạnh xin làm, công việc hằng ngày của Phúc là đánh giấy nhám và rửa những dụng cụ sơn quét, với lương tháng trừ cơm nước ra, Phúc được trả 120.000. Trong xưởng chế biến gỗ, Phúc là người nhỏ tuổi nhất, em rất ngoan, ai nói gì cũng vâng vâng dạ dạ, không bao giờ nói lại dù việc đó Phúc không có lỗi, nên được các anh chị trong xưởng rất thương, họ thường mua bánh kẹo, giày dép cho Phúc. Bởi sống trong cảnh toàn dân lao động ô hợp như vậy, nên chuyện gì Phúc cũng biết, mới có 12 tuổi đầu mà đã bị các anh chị nhồi nhét toàn chuyện của người lớn, các chị còn dạy Phúc những tuyệt chiêu đối phó với quỉ râu xanh, và rất nhiều chuyện linh tinh, nhảm nhí khác…

Tháng đầu tiên, sau khi được bà chủ trả lương, Phúc cầm tiền trên tay rưng rưng nước mắt, đây là những đồng tiền đầu tiên Phúc kiếm được bằng công sức của mình. Phúc lấy ra 20.000, mua hai đôi dép nhựa và một ít bánh kẹo về cho em, và đưa hết 100.000 còn lại cho mẹ. Đêm đó, Phúc trải chiếu ra ngoài sân ngồi chơi và ăn bánh kẹo chung với các em, tuy cuối tháng nhưng Phúc cảm thấy ánh trăng lòng tỏa sáng khắp muôn nơi, đột nhiên em Lộc nói: “Chị hai ơi! Không biết bây giờ em Thọ như thế nào nữa, có được ngồi ăn bánh kẹo không? Nếu đêm nay mà có em Thọ thì hay biết mấy chị nhỉ!” Lòng Phúc như se lại, ngồi im lặng trong giây lát, bất chợt Phúc thấy trong cổ mình có vật gì ngăn chận lại không thể thốt ra lời. Phúc kéo em Lộc và Toàn vào lòng, hôn lên trán chúng.

Sáng hôm sau, Phúc lại đến xưởng gỗ để làm việc tiếp. Ông bà chủ tiệm gỗ có một đứa con gái cũng trạc tuổi Phúc, thấy Phúc hiền lành, chịu khó, lễ phép, cho nên bà bảo Phúc hãy vào ngủ với con bà cho vui, đừng có ngủ ngoài nhà tập thể nữa. Phúc lưỡng lự không dám nhận lời, vì sợ người ta cho mình đèo bồng, nhưng trước tấm chân tình của ông bà chủ, đặc biệt là ông chủ, nên Phúc gật đầu đồng ý. Tuy con gái ông bà chủ bằng tuổi Phúc, nhưng chảnh lắm, luôn bắt nạt Phúc hoài, đêm đầu tiên nó đã giao “từ nay về sau, mỗi tối mày phải cột mùng, mỗi sáng phải xếp mùng, mền, chiếu, gối, quét nhà, và làm ơn đừng đụng bất cứ cái gì trong phòng này hết nghe chưa? Nếu thấy mất thứ gì thì tao nói mẹ tao đuổi cổ mày ngay đó.” Phúc vẫn cắn răng chịu đựng không nói không rằng. Con nít sống với nhau làm sao tránh khỏi những chuyện xích mích, gây gổ, mỗi lần như vậy, nỗi bất hạnh lại đổ lên đầu Phúc, những lúc này Phúc không còn khóc như ngày xưa nữa, hình như trái tim của em đã chai cứng, đối mặt với bất kì hoàn cảnh nào Phúc vẫn lặng thinh ngồi trơ người ra như muốn trêu ngươi người khác.
Mùa đông năm đó

Một hôm, bên nhà bà chủ có đám giỗ, bà và cô con gái về từ chiều, còn ông chủ ở lại coi xưởng sáng mai mới sang. Đêm đó, trời rét căm căm, bên ngoài mưa như xối nước, từng cơn gió bấc như tiếng gào thét của mãnh thú. Phúc nằm trên giường ôm tấm chăn bông dày, bỗng nhớ đến cha mẹ và các em, không biết bây giờ họ ngủ chưa, có đủ ấm không… Phúc lan man suy nghĩ cho đến thiếp đi lúc nào không hay. Đang ngủ, Phúc cảm giác như có người nào đó đang ôm mình. Giật mình, mở mắt, cây đèn ngủ tuy không sáng lắm, nhưng cũng đủ để Phúc nhận ra người đang ôm mình là ông chủ, cằm Phúc nghe rần rần vì bị những sợi râu ngắn mà cứng như chuổi tre quét vào, rồi có tiếng thì thào trong đêm vắng: “Ngoan đi cưng, đừng có la, bác sẽ cho cưng thật nhiều tiền, bằng không bác sẽ đánh và đuổi việc, nếu bị đuổi việc, cháu lấy tiền đâu giúp mẹ.” Sợ quá, Phúc khóc và xin ông hãy tha cho mình, càng khóc ông càng xiết chặt, đến nỗi Phúc những tưởng như mình sắp tắt thở. Phúc nói “nếu bác không buông ra cháu la đó”. “La đi la đi, thách mày la đó, mưa to gió lớn, mày có la rách cổ họng cũng không ai nghe, la đi la đi.” Ông thách thố với vẻ mặt vênh vênh tự đắc. Nói xong, ông hôn túi bụi và mặt Phúc. Trong lúc nguy cấp ấy, những chiêu các chị bày lại có tác dụng. Phúc dùng hết sức đạp mạnh vào cái của quí của người đàn ông, vì bất ngờ và đau, ngay tức khắc, ông buông Phúc ra và nhảy tưng tưng giống như người bị phỏng lửa. Nhân cơ hội đó, Phúc tông cửa chạy ra ngoài. Ngày xưa chị Dậu của Ngô Tất Tố cũng đã từng tông cửa chạy ra ngoài, trong khi trời tối đen như mực, không biết lúc ấy có mưa và rét không? Hôm nay Phúc cũng không khác chi chị, có khác chăng đó là cái rét của mùa đông và từng cơn gió bấc đập vào làn da non nớt của Phúc. Vừa chạy Phúc vừa la lớn, các anh chị công nhân nghe tiếng liền mở cửa chạy ra, sau khi vào phòng Phúc chỉ khóc và ngồi run cầm cập, chứ không nói được lời nào. Các chị người dẫn Phúc vào buồng thay quần áo, người nhen bếp lửa cho Phúc sưởi, khá lâu sau Phúc mới hồi phục và kể lại hết cho các anh chị nghe. Nghe xong, ai nấy đều rất tức giận, căm phẫn, nhưng họ đâu làm gì được, bởi họ không muốn mất việc, vì gia đình, người thương đang nương nhờ đồng lương của họ. Các anh chị khuyên Phúc chờ bà chủ về rồi tính.

Vài hôm sau, khi bà chủ về, các chị dẫn Phúc lên kể lại mọi chuyện cho bà, tưởng đâu cùng phận nữ nhi, vả lại bà cũng có con gái, chắc sẽ nhận được sự đồng cảm từ bà, nào ngờ bà chỉ vào mặt Phúc chửi: “Nếu mày không dụ thì sao chồng bà lại làm việc đồi bại như vậy? Mà ông ấy đã làm gì mày chưa?” Phúc chưa kịp trả lời, bà quay sang hỏi các chị dẫn Phúc đến: “Còn tụi bây, đứa nào đã đang và có ý định sẽ dụ dỗ chồng bà? Bà nói cho mà biết, đứa nào có ý định đó thì bà xé xác ra nghe chưa?” Chị Hạnh dẫn Phúc lên cũng đang có mặt nghĩ thầm: “Phật ơi! Một đứa con nít mà đi dụ con quỉ râu xanh tóc đã muối tiêu, không hiểu bà nghĩ sao lại hỏi như vậy, có phải suy bụng ta ra bụng người chăng???” Phúc chỉ biết đứng trân người như tượng, nghẹn ngào, hai dòng lệ bất chợt tuông trào chứ không nói được lời nào, thấy thế bà nói “khóc cái gì, oan cho mày lắm à? Đồ giặc, vừa ăn cướp vừa la làng, chính nuôi ong tay áo mà. Hứ.”

Phúc lấy hết can đảm đứng thẳng người lên, dùng tay quệt những giọt nước mắt còn đang lăn dài trên má, quyết định xin nghĩ việc. Trước khi Phúc quay lưng đi, bà bồi thêm “ừ, phải nghỉ thôi chứ mặt mũi nào mà làm nữa, đồ hạ tiện.”

Ở nhà được một tháng, Phúc lại xin mẹ cho ra Hà Nội làm. Phúc được người quen giới thiệu vào giúp việc cho một gia đình công nhân viên chức nhà nước. Mới bước chân vào cửa, cô chủ nhà ngồi trên bộ salông bóng loáng có thể soi thấy được những mảnh vá trên bộ đồ của Phúc, nhìn Phúc với ánh mắt đầy nghi ngờ, trong ánh mắt ấy còn ẩn chứa một chút gì đó khinh bỉ, coi thường. Cô ấy kề tai hỏi nhỏ người dẫn Phúc đến:

– Đứa bé này có đáng tin không?

– Em yên tâm, tuy gia đình nghèo nhưng nó rất tốt.

– Nói thế nào thì nói em cũng nghi ngờ quá, lỡ như nó…
Nói tới đây, cô dừng lại nhìn Phúc hỏi:

– Cháu học đến lớp mấy rồi?

– Dạ thưa, cháu học hết cấp I.

– Nhà cô công việc khá nhiều, vả lại có em nhỏ, cho nên hằng ngày cháu phải dậy lúc 5 giờ nấu cháo cho cháu, cơm nước cho cô chú, sau đó dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, giặt áo quần, đến trưa nấu cơm, chiều tắm rửa cho em, cơm nước… Cháu thấy có làm nổi không?

– Dạ thưa, cháu sẽ cố gắng ạ!

– Mà còn nữa, đồ đạc trong nhà toàn đồ quí, làm việc gì cũng phải hết sức cẩn thận, nếu làm hỏng cô sẽ trừ vào tiền lương nghe chưa.

– Vâng ạ! – Phúc gật đầu với bao mối lo lắng trong lòng.
Một hôm, đang ngủ Phúc bỗng giật bắn người khi kim ngắn của đồng hồ đã chỉ số 7, còn kim dài vừa chạm số 3. Phúc vội vàng chạy xuống cầu thang, do không thấy đường nên Phúc đâm túi bụi vào vách tường, bởi từ trước đến giờ Phúc rất tôn trọng giấc ngủ của người khác, mỗi khi thức dậy, Phúc không dám bật điện và làm việc một cách hết sức nhẹ nhàng. Sau khi đặt xong nồi cháo cho em bé, Phúc ra xem đồng hồ thì bây giờ chỉ mới có hơn ba giờ mấy. Phúc thấy ngạc nhiên quá, liền mò lên lầu bật điện coi lại đồng hồ reo của mình, nhìn chiếc đồng hồ nằm chổng cẳng lên trời, té ra hồi nãy mới có 3h15, do Phúc xem ngược thành 7h15. Phúc chụp vội chiếc áo lạnh khoác lên mình, rồi xuống bếp coi nồi cháo, Phúc nghĩ bụng “giờ này mới có ba giờ mấy, ai bán thịt mà mua, thôi mình nằm trên ghế salông nghỉ một chút, chờ cháo chín rồi hãy đi mua”. Tít tít tít, tít tít tít, Phúc vội chụp tắt cái đồng hồ, có mùi gì khét khét, Phật ơi “nồi cháo”, Phúc chạy như ma đuổi xuống bếp, thôi rồi nồi cháo đã cháy đen cháy đỏ, bây giờ phải làm sao đây? Nếu cô biết được tiêu đời, hay là… một tia sáng bỗng lóe lên trong đầu cô bé nhỏ, Phúc vội đổ nồi cháo vào bịch ni lông, cột chặt, giấu vào kẹt tủ, rồi rửa sạch xoang nấu nồi khác.

Trong thời gian làm việc ở đây, Phúc có quen một chị lớn hơn Phúc 3 tuổi, chị cũng đi ở như Phúc, chẳng mấy chốc tình cảm hai người càng ngày càng sâu đậm, họ quyết định kết nghĩa chị em, có chuyện gì hai chị em cũng tâm sự cho nhau, kể cho nhau nghe tất cả những chuyện vui buồn của cuộc đời mình, nhưng họ chưa một lần được nắm tay nhau, chỉ được nhìn và nói chuyện với nhau qua khung cửa sổ, bởi ở thành phố mỗi khi đi làm hoặc đi đâu họ đều khóa trái cửa và người chủ cầm chìa khóa, còn người ở không được đi ra ngoài khi không có chủ ở nhà, và không được chủ cho phép, bây giờ nghĩ lại Phúc thấy rùng mình, nếu lỡ như hỏa hoạn xảy ra, không biết có bao nhiêu cuộc đời đi ở như Phúc bị thiêu trong lửa đỏ.
Ngày tháng cứ dần trôi, một hôm Phúc đang lau nhà, bỗng nghe tiếng quen thuộc từ nhà bên kia vọng qua:

– Phúc ơi Phúc!
– Dạ!
– Mau lại chị nói cái này.
– Dạ cái gì vậy chị?
– Bây giờ chị phải về quê gấp.
– Có việc gì vậy chị?
– Ở nhà gọi điện lên nói mẹ chị bị bệnh nặng.
– Xa chị em rất buồn, biết làm sao được, bởi phận làm con phải lo tròn hiếu đạo. À mà chị về nhớ thường xuyên viết thư cho em đó.
– Em cũng vậy. Ưm, có một chuyện chị muốn nói cho em lâu lắm rồi, nhưng chị sợ…
– Chuyện gì vậy chị?
– Chị thấy đi ở không phải cách tối ưu, em coi sau này có điều kiện nên học một cái nghề nào đó, làm thứ gì thì làm, nhưng mình đừng lệ thuộc vào người khác em ạ.
– Em cũng nghĩ như vậy, nhưng cha mẹ
quá nghèo, mấy em lại còn nhỏ dại, biết làm sao được hả chị? Dù thế nào, em cũng rất cảm ơn lời khuyên của chị, chị về cho em gửi lời thăm bác, em có một ít quà nhưng làm sao gửi cho mẹ chị đây?
– Không sao, chị thay mặt mẹ cảm ơn tấm lòng của em, chúc em luôn cố gắng, thôi đã đến giờ, chi đi nghen.
Dáng người nhỏ nhắn khuất dần sau khung cửa sổ, Phúc vẫn còn ngồi nhìn trân trân qua cửa sổ nhà bên kia, chợt sống mũi nghe cay cay.

Vào mùa đông năm đó, bỗng hai bàn tay của Phúc bắt đầu nứt nẻ, cô chủ chở Phúc đi khám, bác sĩ cho biết bị viêm da tiếp xúc, do Phúc tiếp xúc nhiều với hóa chất và xà bông, muốn chữa trị phải tốn rất nhiều tiền và thời gian, nhưng việc đầu tiên hạn chế tiếp xúc với nước và các hóa chất. Khi biết tin, Phúc rất buồn, bởi người ở thuê mà đôi tay không thể tiếp xúc với nước, kể như đã hết. Cô chủ chở Phúc về, vừa ra khỏi cổng bệnh viện chưa bao xa, hình như ông trời cũng đồng cảm với nỗi lòng của Phúc, nên ông cũng rơi lệ, nhưng ông rơi lệ lúc này thật không phải, chẳng những không chia sẽ nỗi lòng của Phúc, mà còn làm cho em khổ thêm. Cô chủ vội quẹo xe vào quán mua vội cái áo mưa 1500, cô mặc vào và tiếp tục lên xe chạy, hình như lúc ấy cô quên sự hiện diện của Phúc. Khi đến ngã tư đèn đỏ, có hai chị chạy xe đến bảo Phúc hãy lấy áo mưa của hai chị mặc, nhưng cô chủ lại không cho phép, thế là bữa đó Phúc đành làm chuột lột. Khi chạy qua khỏi đèn đỏ, cô chủ quay lại nhìn Phúc hỏi:

– Có lạnh không?
– Dạ có ạ! – Phúc lí nhí trả lời.
– Lạnh tại sao không nói?

Phúc không trả lời, chỉ thấy cổ họng đăng đắng, rồi từng giọt từng giọt nước mắt hòa quyện vào nước mưa lăn dài trên má.
Sau khi về, cử chỉ của cô chú rất khác thường, đầu tiên cô không cho Phúc nấu cơm, tắm cho em bé, và không cho đụng vào đứa bé. Khi ăn cơm xong, cô chú chủ nhà nói chuyện gì đó với nhau rất lâu, vừa nói họ vừa nhìn Phúc với ánh mắt khó hiểu. Nói xong, họ gọi Phúc lại nói:

– Cô chú rất hiểu hoàn cảnh của cháu, vả lại cũng rất thương tính chịu khó của cháu.

Nhưng… – Cô chủ nhà khựng lại.

– Xin cô chú cứ nói tự nhiên, cháu đã quen với vấn đề cô chú sắp nói ra rồi.
– Nếu cháu hiểu được vậy thì tốt, vậy cô nói thẳng, chiều nay cháu đã nghe bác sĩ nói rồi đó, cô những tưởng sẽ không nói lại làm chi nữa, đối với cô chú bệnh của cháu chẳng có gì đáng nói, nhưng con của cô chú thì khác, hằng ngày nó luôn chơi với cháu, cô sợ nó bị lây bệnh.

Nghe đến đây, Phúc rưng rưng nước mắt. Cô nói tiếp:

– Chắc cháu đã hiểu được nỗi khổ của người làm cha, làm mẹ như cô chú, thôi ngày mai cháu không cần làm việc ở nhà cô nữa, cô sẽ đón xe cho cháu về quê. À, hôm nay ngày mấy anh hà? – Cô quay sang hỏi chồng.
– Ngày 22.
– Thôi cô sẽ trả lương cho cháu thêm 8 ngày nữa và cho cháu thêm 200.000.
– Dạ cháu cảm ơn cô chú. – Phúc cảm ơn trong sự chua chát.
Lúc ấy, thằng bé con của cô chủ từ trên lầu
chạy xuống sà vào lòng Phúc, nó bảo Phúc cùng chơi trò bịt mắt bắt dê với nó. Ngay tức khắc, cô liền kéo thằng bé ra khỏi tay Phúc, cô nạt:
– Từ đây không được lại gần chị Phúc nghe chưa?
– Ứ ứ, con không chịu đâu, chị Phúc phải chơi bịt mắt bắt dê với con cơ. – Thằng bé nẩy người dùng dằng.
– Mẹ đã nói không được là không được, về phòng ngủ đi.

Cô vừa buông ra, thằng bé ngay tức khắc lại sà vào lòng Phúc. Cô lại kéo nó ra, phát vào đít mấy cái, khiến thằng bé khóc điếng. Cô làm hùm làm hổ:

– Về phòng ngủ đi.
– Hu hu… chị Phúc phải ru con ngủ cơ.
– Con ngoan, hôm nay cha sẽ ru con ngủ, chị Phúc không ru nữa. – Chú chủ nhà cầm tay thằng bé dỗ.
– Ứ, không chịu đâu, cha hát không hay.
– Vậy mẹ ru con. – Cô nhỏ giọng.
– Mẹ hát cũng không hay. Chỉ có chị Phúc
hát hay thôi.

Thấy thế, Phúc nhỏ nhẹ nói:

– Em ngoan, em về phòng ngủ đi, ngày mai chị sẽ chơi bịt mặt bắt dê với em, nếu em không nghe lời, chị không chơi với em nữa đâu! – Phúc nói với thằng bé trong sự nghẹn ngào.
– Được, được em đi ngủ, nhưng chị hứa ngày mai phải chơi bịt mắt bắt dê với em đó nghen! – Thằng bé vui vẻ đứng dậy đi lên lầu.
– Rồi, chị hứa!

Tối đó, Phúc không thể nào chợp mắt được, cứ vừa nhắm, là Phúc lại thấy đôi bàn tay của mình bị lở loét và bị cưa cụt, rồi Phúc lại khóc, khóc…

Ở nhà được một thời gian, tay cũng đã bớt, Phúc lại ra Lạng Sơn giúp việc. Ở đây vui cũng lắm mà buồn cũng nhiều, vui nhất là Phúc có thể làm ra tiền giúp đỡ cha mẹ, bởi lương ở đây khá cao, còn buồn là cô chú chủ nhà đối xử với người ở rất bạc, họ cứ ngỡ có tiền là có tất cả, có thể làm bất cứ cái gì mình thích. Hằng ngày Phúc phải đảm đương tất cả mọi công việc trong nhà từ lớn chí bé, phải thức khuya dậy sớm, lo phục vụ mọi người, thế mà đôi khi lại bị mắng như tát nước vào mặt, những lần như thế, chỉ có nước mắt là người bạn đồng hành, là dụng cụ để trút bầu tâm sự, khóc riết rồi nước mắt của Phúc cũng cạn dần cạn dần, ngày trước mỗi khi khóc nước mắt ra rất nhiều, và có vị mặn mặn, nhưng bây giờ thì khác, không ra nhiều nữa, bên cạnh vị mặm quen thuộc, lại còn thêm vị chua chát, đắng cay.

Một đêm nọ, đang ngủ bỗng Phúc giật mình, vì tiếng xào xạc của lá cây, trời bắt đầu se se lạnh, hơn ai hết, Phúc cảm nhận được mùa đông đã đến, nghĩ đến mùa đông, ngay lập tức cặp mắt và tâm của Phúc nhìn ngay vào đôi bàn tay nhỏ bé, gầy guộc, Phúc thầm nguyện “xin cho bàn tay của con đừng tái phát.”

Một ngày, hai ngày, ba ngày

Phúc thấy mừng mừng, mỗi buổi sáng khi thức dậy, việc đầu tiên là Phúc nhìn xuống đôi bàn tay. Sáng ngày thứ tư, vừa thức dậy, Phúc cảm giác bàn tay của mình buôn buốt, có những đường rạn nứt li ti, thôi rồi không còn hi vọng gì nữa, kì lạ, sao đôi bàn chân cũng có cảm giác và dấu hiệu rạn nứt như vậy, nỗi bất an tràn ngập lòng Phúc, cho dù Phúc đã chuẩn bị sẵn. Trời càng vào đông, những đường rạn nứt càng sâu, máu bắt đầu rỉ ra, mỗi khi nhúng tay vào nước, đau buốt không thể chịu được, lại còn cái chân nữa chứ, không biết chúng học ở đâu, cũng đồng loạt biểu tình, thế mà mỗi sáng, trước khi xuống giường, chúng luôn nói:

– Chị chủ nhỏ bé của em ơi! Bộ chị không thương em à, chị có biết mỗi lần chị bước xuống giường em đau nhức lắm không? Chị có thể bước xuống trê trễ một chút được không?

– Làm sao không bước xuống được? Chị đâu muốn mất việc, em thông cảm cho chị nha! Để chị nghĩ cách xem. À có rồi! – Trái tim của Phúc nói chuyện với chân.

– Cách gì vậy chị?
– Mỗi sáng chị sẽ không đi nữa, mà chị sẽ ngồi xuống đất lết đi, được không?
– Hay quá, hay quá!
– Ứ, em không chịu như vậy đâu, chị
không công bằng, chị là người xấu. – Tay phản đối.
– Thôi mà cưng, đừng làm khó chị! – Phúc năn nỉ đôi bàn tay.
– Chị bất công, anh chân mới bị tí xíu chị đã cưng ảnh rồi, còn em, chị không thương em, chị không nghĩ gì đến em cả. – Đôi bàn tay giận lẫy.
– Sao cưng lại nói vậy?
– Không phải sao, sáng nào chị cũng nhúng em vào nước lạnh, buốt ơi là buốt.
– Không, không phải chị binh anh chân đâu, em nghĩ coi trách nhiệm của anh ấy nặng hơn chúng ta nhiều, anh ấy phải chịu đựng trọng lượng cả chị em mình, lại còn phải di chuyển, đôi khi bị đạp gai, đạp đinh. Thôi đừng buồn nữa nghe cưng. – Phúc thương lượng.

Sau khi được Phúc giải thích cặn kẽ, hợp tình hợp lí, tay mới chịu bỏ qua. Từ đó, mỗi khi thức dậy, Phúc phải lết từ trên lầu ba xuống bếp, cuộc sống đối với Phúc, phủ đầy nước mắt và nước mắt.
Một đêm nọ, khoảng hơn 24h, khi Phúc đang ngủ, nghe có tiếng cô chú chủ nhà gọi cửa, Phúc lập tức bước xuống giường, và lết từ trên lầu ba xuống, khi xuống tới bờ hè, Phúc đứng dậy đi, bất chợt bị trượt chân lăn mấy vòng, thế mà còn bị mắng:

– Mày đi không nổi à? Để tao phải đợi sắp chết cóng đây.

– Dạ cháu xin lỗi ạ! Phúc chỉ cúi đầu nói nho nhỏ.

– Mày không biết nói câu nào ngoài câu xin lỗi à? Đồ ăn hại.

Phúc nhớ từng nghe được lời dạy của cổ đức: “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường.” Nhưng thiết nghĩ, tức nước phải vỡ bờ, đây là định luật hết sức tự nhiên, vả lại sức chịu đựng của con người có giới hạn, đặc biệt với cô bé chưa đến tuổi trăng tròn. Ngày nào Phúc cũng làm việc trong sự đau đớn và nước mắt, nhưng nào ai có biết cho chăng? Từ trước đến nay, người ta vẫn thường nói “nghề nào cũng tốt, miễn không trái với lương tâm là được, đi ở không xấu, nghèo không phải cái tội.” Những lời này Phúc nghe đến thuộc lòng, nhưng nói để mà nói vậy thôi, chứ họ đâu có giờ phút nào sống trong hoàn cảnh của Phúc? Làm sao họ biết được cái khó khăn, tủi nhục của người đi ở? Làm sao biết được sự tủi nhục khi làm sai việc gì đó, người ta không ngại lôi cha mẹ mình ra chửi mắng? Làm sao biết được cảnh chị em Phúc đói lả mà trong nhà không có lấy một hạt gạo? Làm sao cảm nhận được cảnh chị em Phúc phải uống nước trừ cơm? Cảnh em Lộc thót tim khi nghe tiếng động, ngỡ mẹ xuống? Phúc không bao giờ trách họ, chỉ mỉm cười và cảm ơn khi được an ủi như vậy. Vì miếng cơm manh áo, vì cần tiền để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, Phúc không ngại gian khó, không quản tủi nhục, cố gắng nhẫn nại hết sức. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, bởi Phúc không chịu được những lời nói khóe, xúc phạm đến cha mẹ khi mình làm sai điều gì. Phúc đã nhiều lần thưa với họ “cô chú thông cảm, cháu còn quá nhỏ, nếu như cháu có làm sai việc gì, mong cô chú dạy bảo, nhắc nhở, la rày, nhưng xin cô chú đừng xúc phạm đến hai đấng sinh thành của cháu, bởi họ không có lỗi, mong cô chú hiểu cho.” Những lần như vậy, Phúc chỉ nhận được một câu vỏn vẹn sáu chữ “tao thích xúc phạm thì sao?” Phúc thấy cứ tiếp tục như thế này không phải cách, nếu sống chung không thấy có hạnh phúc, không thấy có niềm vui, không hiểu và thương nhau, mà chỉ toàn gây đau khổ cho nhau, chi bằng đừng sống nữa, thế là Phúc quyết định xin nghỉ việc. Vừa bước chân ra khỏi ngôi nhà đó, Phúc thề với lòng, từ đây về sau dù có thế nào tuyệt đối cũng không đi ở cho ai nữa.

Ở nhà được một thời gian, tay cũng đã bớt. Một hôm, có người ở làng bên nói với cha mẹ Phúc, cho Phúc qua nhà giúp việc cho bà, mẹ gọi Phúc lên bảo xếp áo quần đi theo bà đó, Phúc dõng dạc trả lời: “Thưa mẹ! Không, con sẽ không bao giờ đi giúp việc nữa, chẳng lẽ cha mẹ muốn con suốt đời hầu hạ người khác sao?” Khi nghe Phúc trả lời như vậy, cả cha mẹ đều lặng thinh, không nói thêm lời nào.

Năm sau

Khi Phúc vừa tròn đôi tám. Một hôm, chú của Phúc ở Vũng Tàu ra thăm nhà, thấy hoàn cảnh Phúc tội quá, ông tính giúp đỡ, nhưng hoàn cảnh hiện tại của ông cũng không khá giả gì cho mấy, suy nghĩ một lúc, bỗng khuôn mặt ông rạng rỡ, mỉm cười nói:

– Có rồi, có rồi, chú sẽ gọi điện cho bác cháu, bác cũng ở Vũng Tàu, nhà bác khá giả lắm, con sẽ vào ở với bác. Đồng ý không?

– Dạ thưa! Vấn đề này tùy cha mẹ con quyết định. – Phúc lí nhí trả lời.

– Sao anh chị có bằng lòng cho Phúc vào Vũng Tàu không?

– Nếu chú đã có lòng thương tưởng đến anh chị, giúp cháu, thế thì còn gì bằng. – Cha Phúc trả lời.

– Nhưng bác đã vào đó trước khi giải phóng, không biết bây giờ ra sao, vả lại còn bác gái và các anh chị nữa, con sợ… – Phúc nói với vẻ ngần ngại.

– Không sao, không sao, cháu yên tâm, bác dễ lắm, sống rất rộng rãi, thường hay giúp đỡ người nghèo, nghe nói đang làm trong hội từ thiện gì đó, người ngoài mà còn giúp đỡ huống gì cháu con trong nhà, bác chỉ có độc một đứa con gái thôi. Đừng sợ chú đã hứa thì chú phải lo tới nơi tới chốn. – Chú vỗ vỗ vào vai Phúc nói.

Tuy được chú động viên, nhưng trong lòng Phúc vẫn thấy ngại ngại, lo lo thế nào ấy, mỗi lần nghĩ đến cảnh ở nhà bác phải đối diện với bao vấn đề phức tạp, rồi cách sống trong đó không như ngoài này, không biết mình có thích ứng không… chỉ cần như vậy đã làm Phúc ăn không ngon, ngủ không yên rồi.
Một tuần sau

Phúc theo chú vào Vũng Tàu. Nhưng mới đến Vinh phải quay về, vì xe có vấn đề, họ hẹn nửa tháng sau sẽ đi. Phúc mừng còn hơn được vàng. Vì công việc gấp, chú phải đi máy bay vào trước, bảo Phúc ở lại vào sau. Nửa tháng, 15 ngày, 360 giờ, 21.600 phút, là thời gian không quá dài đối với đời người, nhưng cũng không quá ngắn, thế mà Phúc cảm giác nó chỉ trong nháy mắt. Mỗi đêm nằm xuống Phúc không dám chợp mắt, vì sợ thời gian qua đi, rồi một ngày, hai ngày, ba ngày… thời gian cứ vô tình lăn, để lại những vết lằn hằn sâu trong tâm Phúc. Những ngày này Phúc không đi đâu cả, suốt ngày quanh quẩn bên các em, chăm sóc, dạy dỗ, nô đùa với chúng, Phúc lôi hết tất cả quần áo của các em ra giặt, cái nào rách Phúc nhíp lại, rồi xếp gọn bỏ vào tủ. Đang mải mê giặt, bỗng Phúc dừng lại, khi bốc trúng cái áo của bé Thọ, Phúc cầm cái áo trên tay mà lòng đau đớn như dao cắt, không biết em Thọ đang ở phương trời nào, đã mấy năm rồi vẫn bặt vô âm tín, không biết nó được khỏe không, có được đi học không?… Trong đầu Phúc hình thành 1001 câu hỏi có chữ “không”, mãi khi nghe tiếng nước mắt rơi vào trong thau đồ, Phúc mới giật mình biết là mình đã khóc từ lúc nào không hay. Lúc ấy, cu Toàn vừa đi chơi về, thấy

Phúc khóc, nó chạy lại ôm cổ hỏi:

– Chị hai! Sao chị hai khóc vậy? Ai ăn hiếp chị hai à?

Phúc không nói được lời nào, chỉ lắc đầu và hôn thật mạnh vào má em.

Cuối cùng ngày định mệnh, ngày Phúc không mong đợi cũng đã đến, Phúc cảm giác chuyến đi này có cái gì đó không như những chuyến đi trước, bước lên xe mà lòng buồn rười rượi, hai chân nặng trĩu như đeo chì. Trước khi xe chuyển bánh, Phúc ngoái lại nhìn quê hương, cha mẹ, các em lần cuối, những giọt lệ trong khóe mắt tràn ra tự lúc nào, trong giọt lệ mang cái buồn man mác, xen lẫn một chút trách hờn. Bất chợt bác tài xế mở bài nhạc Quê Hương “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng…” càng làm cho Phúc buồn da diết, xe chạy chưa được bao xa, Phúc bắt đầu thấy say xẩm mặt mày, và ói, cứ như thế, suốt đoạn đường từ nhà vào Vũng Tàu, Phúc ói đến mấy chục lần, càng ói càng mệt, Phúc chỉ mong sao cho mau đến, nhưng khi gần đến Phúc lại cảm thấy sợ sợ, khi nghĩ tới rồi đây mình sẽ làm gì trên đất khách quê người, nơi mình chưa từng một lần dám nghĩ sẽ đến, Phúc cũng không hiểu mình nữa, tại sao mình lại mâu thuẫn thế nhỉ. Biển ý cứ trào dâng trong đầu. Bất chợt Phúc nghe bác tài gọi:

– Ai xuống ngã ba Vũng Tàu chuẩn bị.

Phúc từ từ kéo chiếc túi xách ra khỏi chỗ mình ngồi. Vừa bước xuống ngã ba Vũng Tàu, Phúc cảm thấy lạc lõng giữa biển người bao la đang hối hả, vội vã đi đi lại lại. Một chú xe ôm chạy lại hỏi:

– Cháu đi đâu chú chở cho.

– Dạ thưa chú! Từ đây về Vũng Tàu còn xa không ạ?

– Cháu lần đầu tiên vào đây à?

– Dạ phải.

– Còn khoảng gần 100 km.

– Thưa chú! Cháu có thể xuống đó bằng phương tiện gì?
– Nghe giọng nói, nhất định cháu là người miền ngoài, cháu đừng cho rằng chú khinh cháu, thấy cháu ăn mặc như vậy, chắc gia đình cũng khó khăn lắm, nói thật chú cũng là người miền ngoài, nên chú hiểu được cuộc sống ngoài đó, vậy để chú đón xe cho cháu đi, chứ đừng đi xe ôm tiền không chịu nổi đâu.
– Dạ cảm ơn chú. – Phúc vòng tay cúi người cảm người chú xe ôm.
Chú xe ôm liền ngoắc xe khách Saigon – Vũng Tàu lại, sau khi thương lượng giá cả, chú ấy bảo Phúc lên xe, vừa bước lên, chú ấy gọi lại:
– Chú quên dặn cháu, có tiền bạc, hoặc vật gì quí thì giữ kĩ, khẻo bị móc túi đó.
– Dạ cháu cảm ơn chú nhiều.
– Ừ, thôi đi đi.

Phúc cúi đầu chào người xe ôm tốt bụng một lần nữa, rồi bước vào. Chiếc xe cứ bon bon chạy, còn lòng Phúc cứ phập phồng lo sợ. Phúc ngồi sát cửa sổ, mở cửa sổ, nhìn ra ngoài, từng làn gió nhẹ nhàng hôn lướt qua mặt, nó còn nghịch ngợm thổi tung mái suối tóc óng mượt chấm ngang lưng của Phúc. Khi tới Long Thành, Phúc thấy người ta trồng cây gì mà thẳng tăm tắp, lại còn treo mấy cái bát lơ lửng trên thân, Phúc rất muốn biết đây là cây gì, nhưng không dám hỏi ai, bỗng những người khách trên xe nói chuyện với nhau:

– Tụi bây xem, cao su ra lá non đẹp ghê, cảnh này chẳng khác nào trong phim Hàn Quốc.

– Thôi đi bà, khéo tưởng tượng. – Người con trai ngồi bên nói.

– Bộ ông không mê phim Hàn Quốc à?

– Mày thông cảm, nó mê phim Hàn Quốc, nhưng nó không có thời gian coi cảnh đâu, mà nó mê cái khác kìa. – Một chị ngồi ghế bên cạnh nói qua.

– Duōshì (nhiều chuyện), ai bảo bà nói kia chứ?

– Không phải vậy sao?

Thế là cả bọn cùng cười lên. Còn riêng Phúc, nhờ thế mới biết cây này là cây cao su. Mãi ngắm cảnh, Phúc cũng quên mất nỗi lo lắng của mình, và thiu thiu lúc nào không hay. Bất chợt chiếc xe dừng lại, Phúc mở mắt nhìn, thấy chữ “BẾN XE VŨNG TÀU” to tướng, thì ra đã đến nơi. Phúc kéo túi xách ra, xuống xe, và vào chỗ điện thoại công cộng gọi cho chú, gọi đi gọi lại nhiều lần, nhưng vẫn nghe câu nói quen thuộc và đáng ghét: “Số máy quí khách vừa gọi không liên lạc được, xin vui lòng gọi lại sau.” Đợi gần nửa tiếng vẫn không gọi được, thế là Phúc quyết định một mình đi đến nhà bác. Phúc móc tờ giấy ghi địa chỉ nhà bác đưa cho chú xe ôm, nhờ chú chở đến đó. Chiếc xe chạy vòng vòng, từ Bãi Sau ra tới Bãi Trước, khoảng 15 phút sau, chiếc xe dừng lại trước ngôi nhà đúng như trên giấy đã ghi. Phúc xuống xe, cầm địa chỉ coi lại một lượt nữa. Chú xe ôm hỏi:

– Có phải nơi này không?
– Dạ cháu cũng không biết nữa.
– Tại sao lại không biết?
– Dạ, cháu vào lần đầu tiên ạ!
– Đâu đưa địa chỉ chú coi lại thử. Đúng nơi này rồi đấy. Thôi chú đi nha.
– Dạ cảm ơn chú ạ!

Nhìn ngôi nhà ba lầu, sang trọng, tường cao, cửa kín, cột cổng được áp đá hoa cương, khiến cho Phúc càng thấy sợ hãi. Lưỡng lự một lúc, rồi quyết định gõ cửa.
– Dạ thưa có bác ở nhà không ạ!
– …
– Dạ thưa có bác ở nhà không ạ! – Phúc gõ đến lần thứ ba, thứ tư.
– Ai đấy? – Tiếng người phụ nữ giọng miền Nam vọng ra.
– Dạ cháu là Phúc đây ạ!
– Phúc nào?

Phúc chưa kịp trả lời bà đã mở cổng. Nhìn dáng người mảnh khảnh và bộ đồ bạc màu của Phúc, bà có vẻ nghi ngờ. Bà nói lớn:

– Tại sao không bấm chuông mà gọi?
– Cháu chào bác! Dạ thưa bác! Cháu không
biết ạ!
– Vậy cô là ai, đến đây làm gì? Nhưng nói trước cho mà biết nhé, nếu đến xin tiền thì mau cút đi.
Tự nhiên Phúc thấy sống mũi cay cay, cổ họng như có cái gì đó chận ngang, không thể thốt nên lời. May quá, đúng lúc chú vừa đến. Thấy Phúc chú nói:
– Chiều nay chú bận chút việc, làm xong liền đến bến xe đón cháu, không gặp, chú định đến đây coi thử, may quá gặp cháu ở đây.
– Dạ, chào chú. – Phúc lễ phép chào.
– Chị à! Đây là cái Phúc con anh Bốn, mới vào đấy!
– Anh Bốn nào hè?
– Anh Bốn Hùng chứ còn anh Bốn nào nữa.
– Anh Bốn Hùng… Phải chú Bốn Hùng có con bán cho người nước ngoài không?
– Dạ đúng rồi ạ!

– Lâu dữ hông, tí xíu nữa chị quên mất. Thôi vào nhà, vào nhà.

Người bác vô tình khơi dậy kí ức mà Phúc cố tình cho vào kho tàng quên lãng. Lòng tự ái, nỗi nhớ nhà, nhớ em lại dâng lên như sóng cuộn, thác trào. Phúc lặng lẽ cầm túi xách bước vào nhà như cái xác không hồn.

Tối đó, khi bác trai về. Chú và hai bác nói chuyện gì đó rất lâu, đến gần 22h, chú gọi Phúc xuống dặn dò:

– Từ đây cháu ở với hai bác, nhớ nghe lời, ngày mai chú sẽ kiếm nghề gì đó cho cháu học. Thôi chú về nghen.
– Dạ chú về cẩn thận. – Phúc đứng dậy chào chú.
– Em về anh chị.
– Ừ chú về.

Phúc tiễn chú ra tới cổng, trước khi nổ máy, chú nói nhỏ trong tai Phúc:

– Chú rất thương cháu, nghẹt nỗi kinh tế gia đình chú lại quá eo hẹp, nếu không chú sẽ dẫn cháu về nhà chú ở. Thôi ở với bác cũng được, nhưng nhớ rằng phải hết sức chịu đựng, đối với bác trai không có gì cả, còn đối với bác gái và chị Hồng (con bác), cháu phải hết sức giữ
ý. Chú về nghen.

– Dạ cháu cảm ơn chú.

Quả thật như chú nói, bác trai tính tình hiền từ, dễ mến, rộng lượng, nhưng còn bác gái ngược lại, đặc biệt chị Hồng, ỷ mình con nhà giàu nên ta đây lắm. Miễn đi học thì thôi, chứ còn ở nhà là sai Phúc làm hết việc này đến việc khác. Từ ngày có Phúc, Hồng đã trở thành bà chủ, mỗi sáng bắt Phúc phải lau phòng, xếp mền mùng, chà giày dép… đôi khi không muốn đi xuống nhà bếp ăn cơm, lại bảo Phúc phải bê cơm lên tận phòng, ăn xong sai Phúc bê xuống, dọn rửa, nói chung Phúc phải làm tất cả những gì liên quan đến đời sống của Hồng. Nhiều khi Phúc cảm thấy tủi thân, xét ra chị ấy cũng đâu lớn hơn mình là mấy, thế mà đôi lúc lại lên mặt dạy đời, nhưng Phúc vẫn cố nhẫn nhịn cho qua ngày đoạn tháng. Mỗi đêm, khi nghĩ đến cuộc đời của mình, Phúc lại khóc, càng khóc Phúc càng oán ghét cha mẹ, tại sao cũng con người, mà họ lại sống sung sướng như vậy, hạnh phúc như vậy, được cha mẹ thương như vậy, còn Phúc thì……

Ba ngày sau, chú đến hỏi Phúc có muốn học nghề chăm sóc sắc đẹp không. Phúc nghĩ “học nghề này làm gì, sau này về quê biết làm cho ai, trong khi mọi người ở quê đều dân lao động, suốt ngày ở ngoài ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, họ chăm sóc sắc đẹp làm chi.” Phúc đang lưỡng lự, chú nói “nghề này bữa nay kiếm được nhiều tiền lắm, sau này ra nghề cháu có thể ở đây làm việc luôn không về quê nữa.” Phúc nghĩ “thôi thì nghề nào cũng tốt, miễn kiếm được nhiều tiền giúp cha mẹ, lo cho các em là được, vả lại Phúc muốn đi học sớm, để ít gặp mặt chị Hồng.” – Phúc gật đầu.

– Được, ngày mai chú chở cháu đến đó học. Cô chủ ở đó tội lắm, đối xử với người đến học y như con mình vậy, cô lo cơm trưa, buổi trưa cháu khỏi cần về nhà. Nhưng nhà đó họ theo Phật giáo, ăn chay trường, không biết cháu có thích hợp được không. Nếu thấy không thích hợp, buổi trưa về nhà chú ăn cơm. – Chú nói.

– Ăn chay? Ăn chay là ăn thế nào vậy chú?

– Họ chỉ ăn rau, đậu hủ, chứ không ăn thịt cá. Thôi ngày mai chú chở đến rồi biết.

Đêm đó, Phúc không sao ngủ được, lăn qua lăn lại, em hình dung người thầy ngày mai của mình chắc to lớn lắm, khó lắm, bởi trước giờ những người chủ của Phúc đều hết sức khó chịu. Đồng hồ đã điểm 12 tiếng, thế mà mắt Phúc vẫn mở trao tráo, như bị cái gì chống lên vậy, không thể nhắm lại được, Phúc nói với nó “ngủ giùm đi, ngày mai là buổi học đầu tiên, nếu ngủ gục thì thôi rồi lượm ơi.” Mắt nghe vậy cũng động lòng trắc ẩn, chưa đầy năm phút sau nó đã nhắm tịt lại rồi. Trong giấc mơ, Phúc thấy người thầy của mình to lớn, hung dữ, khó chịu, luôn càm ràm, la mắng…

Đúng 7h sáng, chú sang chở Phúc đi học nghề, sau khi thưa hai bác đâu vào đó, Phúc đi theo chú. Gần 20 phút sau, chiếc xe dừng lại trước ngôi nhà 3 lầu cũng sang trọng không kém gì nhà bác. Chú thò tay lên bấm chuông, ngay tức khắc có người ra mở cửa, dáng người nhỏ nhắn, miệng mỉm cười, đôi mắt hiền hiền, nhìn Phúc cười. Phúc không còn tin vào mắt mình nữa, lần đầu tiên trong đời có người nhìn mình với ánh mắt đầy tình thương và cảm thông như vậy. Phúc vội cúi đầu chào người ấy, nghĩ trong đầu chắc có lẽ đây là người ở. Người ấy mời chú và Phúc vào nhà. Sau khi vào nhà, chú mở lời:

– Thưa chị! Đây là cháu Phúc mà em đã kể cho chị hôm bữa, nay em dẫn cháu đến để học nghề, trăm sự nhờ chị.

– Chúng ta là chỗ quen biết, cần gì khách sáo vậy! – Người phụ nữ gạt tay, mỉm cười nói.

– Phúc à! Đây là thầy dạy nghề cho cháu đó. Cháu đứng dậy nhận thầy đi. – Chú quay sang nói với Phúc.
Phúc không nghe lầm đó chứ, chẳng lẽ đây là thầy dạy nghề cho mình sao. Phúc run run đứng đậy. Cô liền nói:
– Không cần, không cần, cháu cứ ngồi tự nhiên. Cô đã nghe chú giới thiệu về cháu, cô rất thương hoàn cảnh của cháu, từ ngày nay cháu ở đây học nghề với cô. Nhưng cô nói trước, nhà cô ăn chay, nếu buổi trưa cháu thấy không hợp khẩu vị, có thể đi về nhà.

– Dạ cháu cảm ơn cô, cháu sẽ thử.

– Thế là bước đầu tiên đã xong. Thôi thì mất lòng trước khỏi mất lòng sau, chị cho biết luôn giá cả khi học xong nghề là bao nhiêu, để cho em còn lo liệu. – Chú mở lời.

– Chú đã có ý thì chị cũng nói luôn, đối với
mọi người, chị cũng lấy chút ít, gọi là tiền mua dụng cụ để thực hành. Nhưng đối với người có hoàn cảnh đặc biệt như Phúc, chị sẽ không lấy đồng nào cả.

– Thế thì trăm sự nhờ chị.

– Em yên tâm, người nào chị đã nhận thì xem họ như con em của mình, sẽ truyền trao tất cả những gì chị biết.
– Vậy em xin phép về.
– Em về cẩn thận.
– Chú về nghe Phúc, ráng ở học nghề, chiều chú sang chở về.
– Dạ chú đi cẩn thận.

Phúc được cô chủ dẫn vào giới thiệu với các chị trong chỗ làm, Phúc được các chị chào đón, như chào đón người em của mình. Nhưng Phúc vẫn cảm thấy xa lạ, vì thân phận thấp hèn của mình. Phúc được cô và các chị tận tình chỉ dạy, cộng thêm tính cần cù, chịu khó, ham học, nên tiến bộ rất nhanh. Càng ngày Phúc càng thích nghi hơn với cuộc sống và hòa nhập hơn với mọi người.

Suốt đời Phúc cũng không bao giờ quên được cảm giác ngày đầu tiên ăn cơm, cô nói “ăn cơm trong chính niệm”. Sau khi ngồi vào bàn, các chị dạy Phúc phải ăn cơm bằng muỗng và gắp bằng đũa, và tuyệt đối không được nói chuyện, cười đùa trong bữa cơm. Phúc cảm thấy sao gò bó thế, ở nhà trong bữa cơm Phúc muốn ăn thế nào thì ăn, càng nói cười càng chứng tỏ trong nhà đang hòa thuận, có chuyện vui, chỉ có những hôm cha mẹ gây lộn mới không nói cười trong bữa cơm mà thôi, những lúc như vậy, Phúc thấy nặng nề và khó chịu quá. Nhưng kì lạ, càng ngày những bữa cơm im lặng lại làm cho Phúc thấy hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Cứ mỗi tháng cô cho nghỉ hai ngày để lên chùa học và thực tập giáo lí của đức Thế Tôn, nếu có lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan… cũng được nghỉ để lên chùa làm công quả, bù lại phải học luôn cả bốn ngày chủ nhật trong tháng. Phúc rất thích cảnh yên tĩnh chốn già-lam, càng đi chùa, càng học và thực tập lời dạy của Đức Phật, Phúc càng thấy mình thật may mắn khi được sinh ra làm người. Quí thầy trong chùa dạy Phúc phải biết nắm bắt hạnh phúc ngay trong hiện tại, phải thấy được mình đang có hạnh phúc. Quí thầy thường dạy: “Tại sao chúng ta không biết quí trọng hạnh phúc ngay trong hiện tại, mà chỉ lo truy tìm hạnh phúc ở tương lai. Nghĩ ra con người chúng ta cũng lạ, trong khi có lại không biết trân quí, đến khi mất rồi mới thấy tiếc. Ví dụ khi đôi mắt chúng ta còn thấy ánh dương, miệng còn ăn được, chân còn có khả năng đi lại, mũi còn có thể hít vào thở ra, đây là hạnh phúc, rủi một ngày nào đó mắt bị mù, tay chân không cử động được… thì đau khổ biết chừng nào. Vì vậy, khi chúng ta đang được hạnh phúc, hãy chia sẽ hạnh phúc đó cho những người kém may mắn hơn mình, cho những người thương của mình, đặc biệt không được gây đau khổ cho ai, và cũng sẵn sàng tha thứ mọi điều bất như ý mà người khác đem đến cho mình…”

Quí thầy còn kể rất nhiều câu chuyện đạo lí, cuộc đời của Đức Phật… Càng ngày Phúc càng thấy Đức Phật thật đáng yêu, đáng kính trọng, chư tăng là những người có tinh thần hi sinh lớn, hi sinh hạnh phúc riêng để lo hạnh phúc chung cho nhân loại và những loài không thuộc loài người, chứ không phải những người chán đời, trốn tránh… như Phúc đã từng xem trong tuồng cải lương “Lan và Điệp”, còn giáo lí của Đức Phật thật thiết thực, không có gì huyền bí, khó hiểu như người ta nghĩ.
Dần dần Phúc thấy Phật giáo như là cơm, prôtêin, đạm… không thể thiếu đối với cơ thể và tinh thần của mình trong đời sống hằng ngày. Từ đây, mỗi đêm khi vừa nằm xuống là Phúc ngủ thẳng một giấc đến sáng, không suy nghĩ, toan tính, dù hằng ngày chị Hồng cũng sai Phúc làm rất nhiều việc, nhưng Phúc làm với tinh thần vì người vì mình, cho nên không thấy mệt mỏi hoặc bực tức. Cuộc sống đối với Phúc bây giờ là vườn hoa xinh cỏ lạ, đầy sức sống.
Hôm nay, đang mải mê làm việc, bỗng cô vào nói với mọi người:

– Mùa Vu Lan năm nay cô cháu chúng ta nghỉ một tuần để đi thành phố tham dự khóa tu dành cho cư sĩ, nếu ai không thích đi thì ở nhà nghỉ, không sao hết.

Nghe xong mấy chị đều vỗ tay reo mừng, mọi người ai cũng thích đi, thế là suốt buổi sáng hôm ấy, mọi người vừa làm việc vừa bàn tính cho chuyến đi sắp tới. Bỗng chị Bích quay sang hỏi Phúc:

– Em có đi không?

– Dạ… em cũng không biết nữa!

– Sao không biết?

– Thôi Bích ơi, đừng ép em, nó có hẹn với người ấy rồi! – Chị Trâm xen vào.

– Em còn bé tí tẹo thế này, chị nghĩ sao mà nói em có hẹn vậy? – Phúc bào chữa.

– Không đúng vậy sao? Chứ tại sao lại không đi? – Chị Trâm hỏi.

– Dạ em sợ bác không cho ạ. À, mà em chứ đâu phải chị và chị Ngân, hai chị đi thành phố chuyến này một công hai việc, sướng ghê!

– Ê, đừng đá lộn sân nha, coi chừng thẻ đỏ đó, chị không đụng đến em à. – Chị Ngân ở bên kia nói qua.
– Nó…i… nó…i cho rõ à, kẻo người ta hiểu lầm, mục đích của chị đi tu học chứ có việc gì khác đâu? – Chị Trâm đỏ mặt lắp bắp.

– Em đâu nói chị lên thành phố không phải không đi tu đâu, nhưng mà sau khi tu xong, không biết hai chị có về cùng một lượt với chúng em không biết?

– Tại sao lại không về một lượt? – Chị Bích làm bộ hỏi.
– Chị không nhớ có hai anh trên thành phố tuần nào cũng gọi điện tìm hai chị hết à?
– A, chị nhớ rồi, thì ra là vậy. – Chị Bích giả bộ ngạc nhiên.
– Biết rồi mà còn nói lớn. – Chị Trâm và chị Ngân lầm thầm.
– Thôi, cháu đừng bắt nạt hai chị, không thấy hai chị đỏ mặt giống như trái gấc rồi à? – Cô từ ngoài đi vào nói.

Thế là mọi người cùng cười ngất nga ngất ngưởng.
Tối đó, khi ăn cơm xong, Phúc rón rén lên xin hai bác, lên xin thì lên xin như vậy, chứ Phúc nghĩ chắc chắn hai bác sẽ không đồng ý. Không ngờ chẳng những hai bác đồng ý mà còn cho 200.000 đồng để tiêu xài. Bác trai nói:

– Ừ, cháu vào đây cũng gần nửa năm rồi, mà chưa có dịp lên thành phố, thôi chuyến này đi cho biết. À, không biết cái Hồng nhà mình có rảnh không, nếu rảnh thì đi luôn, thứ nhất để cho biết đó biết đây, thứ hai để có cơ hội tiếp xúc với Phật pháp, học tập cách làm người, đối nhân xử thế.
– Không sai, em thấy cái Hồng nhà mình nó quen với bọn gì đâu không, còn học sinh đã đòi đi xe tay ga, tóc thì nay nhuộm xanh, mai nhuộm đỏ, vàng, hoe hoe… đủ thứ, đi học mà ăn mặc giống như đi nhà hàng, quán bar. Không hiểu lớp trẻ thời này như thế nào nữa. – Bác gái buồn buồn nói.

– Hây! Đạo đức trong xã hội bây giờ xuống cấp quá trầm trọng rồi. – Bác trai thở dài ngao ngán.

– Anh nói như vậy cũng không đúng, anh xem cái Phúc thử, vào đời khi mới 12 tuổi, thế mà vẫn sống tốt, cần cù chịu khó, biết thương cha mẹ, lo cho các em, ăn thua nơi mình là chính.

Nói xong, bác gái quay sang nói với Phúc:

– À, chiều mai đi học về, bác cháu mình cùng ra chợ mua cho cháu ít đồ. – Bác gái nói.

– Dạ thưa bác, đồ gì ạ? – Phúc ngạc nhiên hỏi.

– Thì mua cho cháu vài bộ đồ và đôi dép.

– Dạ cảm ơn bác, nhưng cháu đủ rồi ạ!

– Đủ gì, từ ngày vào đến nay, bác thấy cháu chỉ có mỗi một đôi dép và hai bộ đồ thay ra thay vào.

– Bác gái nói phải đấy, ngày mai cháu nên đi chợ mua đồ với bác gái, con gái mà chỉ có hai bộ và một đôi dép là quá ít. – Bác trai nói.

– Dạ thưa, cháu thấy như vậy là được rồi, vả lại cháu lên thành phố để tu chứ đâu phải đi du lịch mà cần đồ đẹp. Cháu không dám làm phiền hai bác.

– Phiền hà cái gì không biết. Lúc nào rảnh cháu mở tủ đồ của chị Hồng ra xem, bác bảo đảm không dưới 30 bộ, còn cái tủ dép ngoài cửa phần lớn là của nó. – Bác gái chỉ vào tủ dép ngoài cửa nói.

– Thời này tìm được người hiểu biết và tặn tiện như cháu thật hiếm, phải không em? – Bác trai quay sang nói với bác gái.

– Chứ còn gì nữa.

– Phúc à! Hai bác đã bàn tính rồi, văn hóa của cháu mới hết lớp năm, vậy bác sẽ xin trường bổ túc cho cháu học tiếp, cháu đồng ý chứ? – Bác trai hỏi.

– Không cần hỏi, anh cứ xin trường, bắt phải đi học, đời bây giờ không có trình độ có mà cạp đất. Tối thiểu cháu phải học hết cấp III, nếu thấy có khả năng thì thi đại học.

– Thưa hai bác! Cháu rất cảm tạ tấm chân tình của hai bác dành cho cháu, nhưng cháu thấy mình không đủ khả năng.

– Không đủ khả năng về mặt nào, học không nổi hay kinh tế.

– Dạ thưa, cha mẹ cháu quá nghèo, cháu không muốn thêm gánh nặng cho họ.

– Ai bảo cha mẹ cháu phải lo, cứ đi học bác sẽ lo từ A đến Z. – Bác gái nói.

– Trời ơi! Em hôm nay mới dễ thương và đẹp làm sao! – Bác trai cười cười nói.

– Bộ trước kia anh thấy em đáng ghét và xấu lắm sao?

– Không, ý anh không phải vậy, trước kia em cũng dễ thương và đẹp, nhưng chỉ ít ít, còn hôm nay mới nhiều.

– Thôi đi ông tướng. – Bác gái đánh nhẹ vào vai bác trai một cái.

– Thưa hai bác! Cháu ăn ở nhà bác đã ngại lắm rồi, nay lại còn thêm tiền học nữa, thật cháu, cháu……

– Thôi cứ quyết định như vậy, không nói không rằng gì nữa. – Bác gái nói lời kết thúc.
Reng reng reng, reng reng reng…

– Em nghe điện thoại đi.

Bác gái vừa quay lưng, bác trai nói nhỏ vào tai Phúc:

– Từ ngày có cháu, bác gái bỗng trở nên dễ chịu, sống rộng rãi hẳn đi, so với trước kia giống như hai người vậy.
Nói xong hai bác cháu cười khúc khích.

– Cái gì? Không được, mày biết bây giờ là mấy giờ rồi không, bộ ngày mai mày không đi học à? Thôi coi về sớm, thật tức chết đi được. – Tiếng bác gái trả lời điện thoại.

– Ai gọi mà em giận dữ thế? – Bác trai xoay vào hỏi.

– Đứa con gái rượu của anh chứ ai. – Bác vừa tức giận đi ra vừa trả lời.

– Nó nói gì mà em bực tức dữ vậy?

– Nó nói đang ăn sinh nhật bạn quỉ bạn yêu gì không biết, nó kêu nếu trễ thì ở lại không về. Anh nghe có được không, ai đời con gái mới có từng ấy tuổi đã đòi đi qua đêm, thật hết chỗ nói. – Bác gái vừa nói vừa thả tấm thân tròn vo của mình xuống ghế.

– Thôi để con về rồi hãy từ từ khuyên răn, bây giờ em bực tức, la mắng cũng chỉ có anh và cái Phúc nghe mà thôi. Em thông cảm, tuổi trẻ mà. – Bác trai xoa xoa vào lưng bác gái dỗ ngọt.

– Nó mà trẻ à? Khi còn nhỏ hơn nó, em phải lăn lộn từ Bắc chí Nam để kiếm sống rồi, nếu em như nó có mà chết đói giữa đường.

– Người xưa nói rồi “tái ông thất mã” mà, trong cái rủi có cái may, nếu em không lăn lộn kiếm sống từ Bắc chí Nam thì làm sao gặp được anh, đúng không? – Bác trai cười cười.

– Cho anh nói lại đó. – Bác gái quay quắt sang phía bác trai.

– Quên, quên, làm sao anh gặp được.

– Hây, nếu nhà mình không có cái Phúc, rủi anh với em có trúng gió chết cũng chẳng ai

hay. – Bác gái nói trong vẻ tức giận, mệt mỏi.

– Dạ hai bác đi ngủ trước đi, để cháu coi cửa chờ chị Hồng cho.

– Để bác, cháu ngủ trước đi, ngày mai còn phải đi học. – Bác gái nói.

– Vậy cháu xin phép hai bác cháu ngủ trước, chúc hai bác ngủ ngon.

– Ê, Phúc. – Bác gái gọi.

– Dạ, thưa bác.

– Cháu đừng giăng mùng cho hai bác nữa nghen, để đó bác giăng.

– Dạ để cháu giăng cho, chỉ có mấy phút thôi mà.

– Tội con bé, nếu cái Hồng nhà mình bằng một góc của Phúc tôi có chết cũng vui lòng. – Bác gái nhìn bác trai nói.

Đêm đó, Phúc cũng không tài nào ngủ được, cứ lăn qua lăn lại, Phúc nghĩ “thật nhờ chư Phật gia hộ, không ngờ hai bác lại thương mình như vậy, từ đây mình phải sống tốt hơn nữa, và nỗ lực học tập để đền đáp ơn của hai bác.”

Giờ phút quan trọng cũng đã đến, Phúc đi theo cô và các chị lên thành phố để tu học, đối với cô và các chị, đây là lần thứ mấy họ không còn nhớ rõ, nhưng đối với Phúc, đây là lần đầu tiên được tham dự khóa tu nhiều ngày. Trong suốt khóa tu, ngoài thời gian nghe pháp, kinh hành niệm Phật ra, còn lúc nào rảnh rỗi, Phúc đều xuống bếp làm công quả. Trong bảy ngày tu tập, Phúc được nghe rất nhiều bài thuyết pháp, nhưng có bài pháp của thầy trú trì khiến Phúc cảm động nhất, buổi giảng của thầy là buổi giảng cuối cùng trong khóa tu, và cũng đúng vào ngày lễ Vu Lan, thầy giảng đề tài “Tâm Hiếu Tức Là Tâm Phật”. Thầy mở đầu bài pháp với giọng hùng hồn như tiếng của sư tử chúa: “Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày rằm tháng 7, chúng ta đang có mặt tại giảng đường của bổn tự, hôm nay cũng chính là ngày Vu Lan Báo Hiếu, lời đầu tiên cho thầy chúc mừng, chia sẻ hạnh phúc với những ai còn cha, còn mẹ, và chia buồn với những ai thiếu phước không còn cha, không còn mẹ, đặc biệt thầy cũng chia buồn với những ai tuy còn cha, còn mẹ, nhưng sợi dây truyền thông giữa họ đã đang và sẽ rạn nứt…” Từng lời từng lời của bài pháp như kim đâm muối xát vào tâm Phúc, Phúc thấy mình thật sai lầm khi có những ý niệm oán ghét, xa lánh cha mẹ. Thầy kết thúc bài pháp bằng những ngôn từ mà Phúc những tưởng vàng bạc không thể mua được: “Chúng ta thấy, công ơn của cha mẹ lớn lao như vậy, nếu không có cha mẹ, làm sao có mặt chúng ta trong pháp hội này, thế thì lí nào chúng ta lại oán ghét, căm thù hai đấng sinh thành của mình, hãy mở rộng tấm lòng tha thứ cho nhau, hãy nối lại sợi dây truyền thông, hãy trở về bên cha, bên mẹ, hãy sà vào lòng cha mẹ để cảm nhận được hơi ấm tình thương của họ, hãy nói rằng con cảm ơn cha mẹ đã sinh con ra trên cuộc đời này, cha mẹ ơi, cha mẹ có biết rằng con yêu cha mẹ lắm hay không. Hãy làm ngay đi đừng chậm trễ, thời gian không chờ đợi chúng ta đâu… Chúc tất cả đại chúng sẽ nối được sợi dây truyền thông với cha mẹ. Còn đối với những ai, cha mẹ đã sớm lìa trần, hãy làm những việc lành mình có thế làm, tu tập thật tốt, sống có ích cho mình và cho những người xung quanh, được như vậy, cha mẹ, ông bà, người thương của quí vị cũng được giải thoát, bởi vì trong mỗi chúng ta đều có những tế bào của cha, của mẹ, của ông bà, anh chị… một khi chúng ta tu tập đàng hoàng, sống có mục đích chính đáng, biết nhận lãnh trách nhiệm, đạt được an lạc, giải thoát khỏi những cám dỗ của vật chất, thì họ cũng đạt được như ta không hai không khác.”

Nghe xong những lời tâm huyết của thầy, tất cả hội chúng hơn mấy ngàn người, không ai không cảm động, không ai không lấy tay lau những giọt lệ còn đọng trong khóe mắt. Phúc cảm nhận bài pháp hôm nay, thầy đặc biệt dành riêng cho mình, hình như thầy đọc được ý nghĩ của Phúc, Phúc cảm động lắm, càng cảm động càng nhớ cha mẹ da diết, em ước gì nếu có cha mẹ ở đây, sẽ chạy lại sà vào vòng tay họ và nói: “Cha mẹ ơi con xin lỗi cha mẹ, xin cha mẹ tha thứ những lỗi lầm, những ý nghĩ không tốt về cha mẹ của con, con thương cha mẹ nhiều lắm nhiều nhiều lắm!”

Ăn cơm trưa xong, Phúc quyết định nhờ cô lên đăng kí cho Phúc xin quay về nương tựa ba ngôi báu, đương nhiên cô rất vui, cô dẫn Phúc lên thầy trú trì xin chiều nay cho em được qui y với mọi người. Thầy đặt cho Phúc pháp danh “Tường Phúc”, với ý là “hạnh phúc tốt lành”.

Bất chợt làn gió nhẹ thổi đến làm cho những giọt nước còn đọng trên tán lá rơi lả tả. Trong tiếng gió Phúc nghe văng vẳng bài hát “Bông Hồng Cài Áo”: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn, rủi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn thêm hơn, như bầu trời thiếu ánh sao đêm. Mẹ mẹ là dòng suối dịu hiền, mẹ mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối. Mẹ mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời. Rồi một ngày nào đó anh về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói nói với mẹ rằng, mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là biết là con thương mẹ không? Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em, đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh, thì xin anh, thì xin em, hãy cùng tôi vui sướng đi, hãy cùng tôi vui sướng đi.”