THI CA 6 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO XẢ NGÃ XẢ PHÁP LÀ THÀNH PHẬT

Phiên âm:

Phóng tứ đại mạc bả tróc
Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác
Chư hạnh vô thường nhất thiết không
Tức thị Như Lai đại viên giác

Dịch nghĩa:

Thân tứ đại đừng sanh tâm chấp đắm
   Quay trở về thể vắng lặng của chính mình
   Đói thì ăn, khát uống ngại ngùng chi?
   Gọi là Ngã thể vẫn hư thì đời còn chi thật
* Các hành pháp luật vô thường chi phối hết
   Tuệ nhãn nhìn, đương thể tức không
   Hiểu sâu xa, quán chiếu tận nguồn chân
   Tánh của vạn pháp, là NHƯ LAI VIÊN GIÁC

TRỰC CHỈ

Thân tứ đại là thân kết hợp bởi bốn chất: địa, thủy, hỏa, phong. Nó là cái thân bị lệ thuộc chi phối bởi luật vô thường như vạn vật hiện tượng khác. Nó còn là cái kết quả của khổ và bất an nhiều mặt. Kinh điển thường ví sự tạm bợ mong manh vô chủ của nó qua từ “huyển thân”.

Ấy thế mà ở đời không có mấy ai thấy được tánh chất huyển của nó. Trái lại người ta rất quí trọng nó hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời. Điều đáng nói là vì nó mà tạo nghiệp bất thiện, trong suốt cuộc đời để phục dịch vun bồi cho nó không phút giây nhàm chán. Ý niệm đam mê luyến ái nặng nề về thân, kinh điển gọi đó là “chấp ngã”, tức là quá tôn trọng cái thân. Rồi vì thân mà tạo ác nghiệp, vì thân mà chịu khổ…

Thân tứ đại đừng sanh tâm chấp mắc
Quay trở về thể lắng lặng của chính mình
Đói thì ăn, khát uống ngại ngùng chi
Gọi là Ngã thể vẫn hư thì đời còn chi thật

“Phóng tứ đại” con người sẽ nhẹ nhàng, sẽ có an lạc trong cuộc sống, vì con người vốn có tánh vắng lặng, thanh tịnh, trong sáng, có thể thọ dụng nó từ đời này sang đời khác vĩnh viễn không có cạn kiệt.

Nhận thấy được tánh chất “ngã không” thì “pháp không” không còn là vấn đề khó biết nữa. Chủ thể nhận thức đã là vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh và không, thì đối tượng nhận thức cũng không vượt qua ngoài sự chi phối đó! Cho nên người đạt đạo sẽ nhận thấy rõ:

Chư hạnh vô thường nhất thiết không”.

Thấy được tánh “giai không” của vạn pháp, thấy được tánh vô thường của hành pháp, thì cái NĂNG TRI và SỞ TRI đó trở thành bầu vũ trụ NHƯ LAI VIÊN GIÁC nhiệm mầu. Lúc bấy giờ:

Ta không cầu thành Phật
Phật cũng chẳng cầu thành ta
Ta là Phật
Phật là ta.