THI CA 56 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO GIÁO LÝ ĐẠI THỪA DÀNH CHO CĂN CƠ VÀ CHỦNG TÁNH ĐẠI THỪA

đạo ca chương 56

Phiên âm:

Đại tượng bất du ư thố kính
Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết
Mạc tương quản kiến báng thương thương
Vị liễu ngô kim vị quân quyết

Dịch nghĩa:

Voi vĩ đại, không đi đường ngoằn ngoèo của thỏ
Đại ngộ rồi, không câu chấp những nhỏ nhen
Nhìn trời xanh, qua ống, thấy được bao nhiêu trời?
Chưa hiểu rõ, tôi sẽ vì chư quân mà chỉ rõ.

TRỰC CHỈ

Đường đi của thỏ, nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, luồn qua lách lại theo hốc đá kẽ cây. Vì vậy, chỉ có thỏ, đi theo con đường của thỏ. Voi thì đi đường thênh thang rộng lớn, có lúc chà đạp cây rừng, hất văng đá khối để mở lối đi cho mình.

Ở Việt Nam có thiền sư Quảng Nghiêm, từng dõng dạc nói lên ý nghĩ táo bạo, tràn đầy chất liệu Đại thừa:

“Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”

Là trượng phu, hãy nuôi chí lớn, khai đường mở lối mà đi, đừng dõi theo dấu chân của Như Lai để bước. Hãy nhắm đích để mà đến. Còn đi bằng phương tiện gì, phát xuất từ hướng nào, việc ấy không cần câu nệ. Đến như những lễ nghi bề ngoài có tánh khách sáo, những tập quán thờ phượng, cúng bái, khấn nguyện, van xin theo kiểu tín ngưỡng của một tôn giáo tầm thường, dưới mắt người chứng đạo, tất cả là “tiểu tiết”. Bậc Đại ngộ không chấp nhận những thứ đó trong chánh pháp.

“Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết”

 nghĩa là những tập quán, lễ nghi hình thức rườm rà vặt vãnh ấy không hợp chánh pháp, người đại ngộ không làm. Dù có trái ý nghịch lòng với một số bạn đồng song, pháp lữ đồng sàng dị mộng, bậc đại ngộ vẫn cam lòng chấp nhận. Bởi vì, nhìn trời qua những điều kiện khác nhau thì nhận biết về trời cũng không sao đồng nhau được. Cho nên bậc đại ngộ, phải thấy bằng cái thấy của mình, biết bằng cái biết của mình. Nếu phải nói, thì lời nói ra phải bằng ngôn từ ý tứ của chính mình.

“Vị liễu ngô kim vị quân quyết”