THI CA 54 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO BẢN NGUYÊN VẠN PHÁP MỘT THỂ NHẤT CHÂN

đạo ca chương 54

Phiên âm:

Liễu liễu kiến vô nhất vật
Diệc vô nhơn diệc vô Phật
Đại thiên sa giới hải trung âu
Nhất thiết Thánh hiền như điện phất
Giả sử thiết luân đảnh thượng triền
Định tuệ viên minh chung bất thất

Dịch nghĩa:

Thấy rất rõ không hề có thật vật
Cũng không người, không có Phật Trời chi !
Cõi đại thiên như bọt biển nổi chìm…
Hiền với Thánh ! Như những tia điện nhoáng
Dù vành sắt, niềng đầu mà xoay xát
Trong mọi thời, định huệ tôi vẫn sáng tròn

TRỰC CHỈ

Trước mắt người chứng đạo, thấy vạn vật không có thật vật, thấy người không thật người, thấy Hiền Thánh không thật có Hiền Thánh và Phật cũng không có Phật.

Đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, cũng chỉ như thứ bọt bèo hữu cùng nổi chìm sanh diệt ở trên mặt nước biển vô cùng, nghĩa là cũng không có thật Đại thiên sa giới…Người chứng đạo, nhìn vạn pháp qua cái thấy của tuệ nhãn.

Cái thấy của người chứng đạo là kết quả của mọi quá trình tu tập quán chiếu tư duy, thiền định lâu dài. Cho nên cái thấy của người chứng đạo nhìn thủng các lớp màn vô minh chấp mắc bao vạn đời chấp mắc bao vạn đời kiếp của con người, thấy được cái THỰC TƯỚNG của vũ trụ vạn hữu là “tướng duyên sinh” mà có.

Có bằng cái có của “duyên sinh”. Nhân duyên còn hòa hợp thì còn có gọi là sinh. Khi nhân duyên chia ly thì gọi là diệt. Dưới cái thấy của Tuệ nhãn, vạn pháp CÓ mà không thực có.

Vì nó không có cái tự ngã chân thật của riêng nó. Nhưng người chứng đạo, cũng không hoàn toàn phủ nhận rằng vạn pháp là KHÔNG, vì vạn pháp không phải trống không như không của sừng thỏ lông rùa.

Hiền Thánh, Trời  Phật tư duy cho sâu sắc, quán chiếu cho tinh tường chân lý, người ta sẽ hiểu tất cả những từ xưng gọi các địa vị tôn quý đó, cũng chỉ là danh ngôn giả lập mà ra.

Hiền Thánh là ai? Trời là ai? Phật là ai? Tất cả địa vị ấy, danh xưng tôn quý ấy đều từ một con người. Dựa vào tiêu chuẩn giác ngộ chân lý trọn vẹn hay chưa mà “ước định” cấp bậc và gán cho cái danh xưng ấy. Mà danh xưng giả lập thì cũng chỉ một dạng “duyên sinh như huyển” của vạn pháp ở trong vạn pháp.

Do vậy, trước cái thấy của người chứng đạo là: KHÔNG CÓ THẬT VẬT và  KHÔNG CÓ THẬT TẤT CẢ.