THI CA 52 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CÔNG ĐỨC BỐ THÍ PHÁP VÔ GIÁ

đạo ca chương 52

Phiên âm:

Bất tư nghì giải thoát lực
Diệu dụng hằng sa dã vô cực
Tứ sự cúng dường cảm từ lao
Vạn lượng huỳnh kim diệc tiêu đắc
Phấn cốt thoát thân vị túc thủ
Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức

Dịch nghĩa:

*Lực giải thoát nghĩ bàn sao cho hết
Cát sông Hằng sánh diệu dụng chưa tày
Thọ cúng dường khỏi sợ, khỏi từ nan
Vàng vạn lượng, còn chưa cân xứng !

* Thân dù nát, xương tan như bọt
Dâng cúng dường, chưa đủ để đền ơn
Huống hồ chi tứ sự bình thường
Nghe chánh pháp dứt sạch vô vàn nghiệp chướng

TRỰC CHỈ

Giúp cho người của cải vật chất chỉ cứu được ngặt, không cứu được nghèo. Họa hoằn một đôi khi có cứu thoát được nghèo nhưng không cứu được khổ. Khổ, khó cứu. Bao nhiêu người chết oan, chết ức, chết tức, chết tưởi chỉ vì khổ, không phải ngặt nghèo. Có rất nhiều trường hợp ở trong cảnh ngặt nghèo mà người ta không hề khổ.

Giúp cho người chánh pháp, khiến cho người hết khổ. Từ hết khổ là điều kiện rất cần để tiến tới hết ngặt, hết nghèo. Đó không phải là điều khó hiểu. Đạo Phật chủ trương cứu khổ là mục đích chính. Cứu nghèo là khuyến khích tiến lên. Bởi vì nghèo, ngặt người ta vẫn có thể có hạnh phúc, an lạc, tự tại, khinh an thậm chí giác ngộ, giải thoát được. Ở trong cảnh lầu son, gác tía, vàng ngọc đầy rương vậy mà xưa nay biết bao người không hề có an lạc, hạnh phúc….trong cảnh phù hoa ấy.

Của cải vật chất có chăng, chỉ đem lại cho con người sự an vui mong manh, tạm bợ trong hiện tại. Chánh pháp của Như Lai, ban cho người thọ dụng sẽ có được an vui vĩnh cửu, vui Niết bàn, vui bất diệt bất sinh. Đó là ý nghĩa:

“..Lực giải thoát nghĩ bàn sao cho hết
Cát sông Hằng sánh diệu dụng chưa tày…”

Giáo lý Phật dạy cho biết: Tài thuộc ngũ gia. Của cải vật chất có thể là nguyên nhân đau khổ cho chính những ai tham lam cất chứa nó. Đấy cũng không phải chuyện khó thấy, khó hiểu. Thế cho nên, người làm cái việc PHÁP THÍ nói chánh pháp rồi động viên cổ vũ mọi người cùng với mình sống trong chánh pháp. Làm được việc đó, phước đức vô lượng vô biên. Đó không phải đại ngôn mà là sự thật. Bởi vì làm được điều đó, tức là mình và người đều đạt đến mục đích, đến đỉnh cao của kiếp sống con người. Làm được vậy, vấn đề “tứ sự cúng dường” và thọ dụng tứ sự cúng dường không còn gì đáng ngại mà khỏi lo sợ “nợ nần”, “vay trả” để rồi phải “từ nan”.

Cổ Nho còn nói:

“Huỳnh kim thiên lượng vị vi quý
Đắc nhân nhất ngữ thắng thiên kim
Thiên kim dị đắc
Hảo ngữ nan cầu…”