THI CA 47 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CHỦNG TÁNH TÀ, CĂN TÁNH HẠ LIỆT, KHÓ HỌC, HÀNH VÀ CHỨNG ĐẠO

đạo ca chương 47

Phiên âm:

Chủng tánh tà, thố tri giải
Bất đạt Như Lai viên đốn giáo
Nhị thừa tinh tấn vật đạo tâm
Ngoại đạo thông minh vô trí tuệ
Diệc ngu si, diệc tiểu ngải
Không quyền chỉ thượng sinh thực giải
Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công
Căn cảnh pháp trung hư niết quái

Dịch nghĩa:

* Tà chủng tánh thường hiểu sai chánh giáo
Pháp ĐỐN VIÊN; Như Lai dạy khó tiếp thu
Kém đạo tâm, tinh tấn tốt, ấy Nhị thừa
Hàng ngoại đạo, thông minh, không trí tuệ

* Còn một hạng ngu si ấu trĩ
Nhìn ngón tay, cho đã thấy trăng rồi
Phí công tu, vì hiểu biết quá ngây thơ
Căn và cảnh, họ biết mơ hồ, như người bệnh lòa đôi mắt.

TRỰC CHỈ

Giáo lý của đạo Phật về “bình đẳng môn” thì tất cả chúng sinh là Phật. Tuy nhiên về “sai biệt môn” thì căn cơ chủng tánh là tiêu chuẩn, thước đo để đoán định sự thành công sớm hay muộn trên con đường đi đến đích giác ngộ giải thoát. Người có chủng tánh ngoại đạo khó tiếp thu giáo lý liễu nghĩa thượng thừa. Họ là người theo cái đạo “cầu bên ngoài” trông chờ ỷ lại nơi sự giúp đỡ, che chở của tha nhân, của quỷ thần, của những đấng họ đặt niềm tin mà không bao giờ kiểm chứng được.

Giáo lý Viên Đốn, người chủng tánh Đại thừa, những bậc tối thượng lợi căn mới có thể tiếp thu tốt. Hàng chủng tánh Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, đức tinh tấn thì tốt nhưng chưa đủ trí tuệ để tư duy, quán chiếu tinh tường giáo lý Viên Đốn. Còn nói chi hạng tiểu căn cơ, trí tuệ thô thiển, phương tiện và cứu cánh lộn sòng: Nhìn nắm tay mà cho rằng đã bắt được hư không thật.

Trên đường tu, căn cơ, chủng tánh, trí tuệ không có thì sự tu hành rất khó thành công, phương tiện và cứu cánh không nhận thức cho rõ ràng, lấy phương tiện làm cứu cánh thì mục tiêu giác ngộ giải thoát không bao giờ có được. Không nhận thức được chất thanh tịnh bản nhiên của CĂN và CẢNHkhiến cho căn cảnh trở thành một thứ nguyên nhân khổ đau tai họa.

Sự thật, CĂN CẢNH nào có tội tình gì ! Chỉ vì sự tiểu căn, thiển trí không tiếp thu nổi Đại thừa Viên Đốn của Như Lai cho nên giống như tu nhiều, cần khổ tinh tấn cả cuộc đời mà không thọ dụng được quả an lạc giải thoát giác ngộ !