Phiên âm:
Tác hại tâm, ương tại thân
Bất tu oan tố cánh vưu nhân
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp
Mạc báng Như Lai chánh pháp luân
Dịch nghĩa:
Dấy khởi niệm, dữ lành TÂM chủ động
Nghiệp hiện hành, THÂN chịu hậu quả kia
Chớ trách ai, đừng đổ lỗi oan khiên nào !
Nghiệp vô gián, muốn tránh xa hãy tu học Như Lai chánh pháp
TRỰC CHỈ
Đạo Phật chú trọng TÂM, Ý, THỨC. Tâm, ý thức gọi có ba tên khác nhau là tùy theo diệu dụng biểu hiện ở môi trường, ở địa vị và hoàn cảnh khác nhau mà TÂM là then chốt. TÂM là chủ động cho mọi hành vi và ngôn ngữ biểu lộ trong cuộc sống hằng ngày. Không ai thấy được TÂM, nhưng người ta có thể biết được tâm của mình, kể cả tâm của người khác.
TÂM có thể xây dựng cho con người những quả phúc an lành. Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thậm chí Như Lai Vô Thượng Bồ Đề. Ngược lại, Tâm cũng tạo cho con người quả khổ gớm ghê như: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà con người mang chịu ngay trong cuộc sống trên cõi đời nầy.
“Tác hại tâm, ương tại thân”
Dấy khởi niệm dữ lành tâm là chủ. Nghiệp thiện, ác hiện hành ra thân miệng. Nếu hậu quả là xấu, tội lỗi thì thân mang chịu khổ đau. Với chân lý nhân quả trong đạo Phật, hành động thiện hay ác của mình làm, mình thọ lấy hậu quả khổ hay vui, không ai, cũng không do sự oan khiên thù hận của ai đó đem gán ép cho ta được, dù đó là của “thần linh, thánh hiền” của những tâm hồn nhẹ dạ cả tin.
Dựa trên chân lý NHÂN QUẢ, mọi người có thể xây dựng cho mình một thế giới an vui, hạnh phúc, tự tại, khinh an, giải thoát, giác ngộ, Niết bàn tịnh lạc…Muốn làm được việc đó đừng phỉ báng chánh pháp của Như Lai mà phải học chánh pháp, hành theo chánh pháp và phải snốg theo chánh pháp ngay bằng với giáo lý của THỪA mà mình tu học hành trì. Giáo lý Phật có “ngũ thừa”, như năm công ty du lịch sẵn sàng đón đưa khách gần xa, tùy số tiền và ý muốn của khách hàng mua vé đi du lịch vậy. Thiện, ác do tâm. Vui khổ do tâm…..
“Chớ trách ai, đừng đổ lỗi oan khiên nào !
Nghiệp vô gián, muốn tránh xa hãy tu học Như Lai chánh pháp”.