THI CA 40 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO NỖI ƯU TƯ VỀ PHÁP NHƯỢC MA CƯỜNG

đạo ca chương 40

Phiên âm:

Ta mạt pháp ! Ác thời thế !
Chúng sanh phước bạc nan điều chế
Khứ thánh diêu hề tà kiến thâm
Ma cường pháp nhược đa oan hại
Văn thuyết Như Lai đốn giác môn
Hận bất diệt trừ như ngỏa toái

Dịch nghĩa:

Ôi mạt pháp, cõi đời nhiều trược ác
Những chúng sinh phước mỏng khó dạy răn
Cách Phật lâu xa, tà kiến nặng sâu dần
Chánh pháp yếu, ma quân mạnh, gây nhiều oan hại
Nghe chánh pháp của Như Lai về Đốn Giáo
Tiếc! Chưa được trừ tà kiến vụn nát như ngói tan !

TRỰC CHỈ

Phật pháp là CHÁNH PHÁP. Chánh pháp vô thỉ dĩ chí vô chung, không có MẠT gì cả. Cũng như LỬA vô thỉ đến nay đã nóng, đang nóng, dĩ chí vô chung LỬA mãi mãi là nóng. Khái niệm “mạt pháp” thuộc khái niệm nhận thức của tâm linh. Văn nhi tư, tư nhi tu một cách tinh tấn dũng mãnh đem lại hiệu quả như ý một trăm phần trăm, gọi đó là “thời kỳ chánh pháp”. Nghe mà không suy nghĩ, nghe hời hợt, qua loa chiếu lệ, tin càn, mù quáng, có tu mà ít có người đạt đạo. Người ta gọi là “tượng pháp”. Chữ tượng có nghĩa là “na ná” giống như tu dữ lắm, nhưng vì tu sai chánh pháp cho nên không đem lại kết quả. “Mạt” là ngọn, là sự cuối mùa, gió vẫn còn lai rai, nhưng không sập nhà được nữa. Sầu riêng còn bán, nhưng sượng ngắt chẳng ra gì…

Sự tu hành của những tâm trạng lơ mơ, có hình thức, thân, khẩu, ý chẳng tu sửa, chẳng trau dồi, trí tuệ chẳng mở mang. Ở chùa chỉ làm cái việc thỉnh chuông ngày hai buổi, kinh kệ ê a rên rĩ vài lần. “Đạo nghiệp bất cần, công quả vô nhân khắc tựu”. Tóm lại, Pháp ở nội tâm của người “mạt”, không phải chánh pháp của Phật có “mạt”.

Chánh pháp trong lòng “mạt” thì ta sẽ là người ở trong “cõi đời nhiều trược ác”, nghĩa là ta sẽ không có được sự an lành, thanh thoát, tự tại trong cuộc sống, gọi đó là “ác thời thế”. MA ở lòng ta “cường”, Phật pháp ở lòng ta “nhược”. Ta không thương nhớ Phật, không tỉnh thức, trí tuệ bị vùi lấp bởi vô minh, cho nên sự hiểu biết sai quấy, mê tín dị đoan, duy tâm siêu hình…gọi chung là “tà kiền” ở lòng ta ngày càng sâu nặng, nó làm cho tâm hồn, cuộc sống của ta quá nhiều phiền muộn khổ đau.

Khi tình cờ nghe đọc, nhớ chánh pháp Như Lai về “Đốn Giáo” bừng tỉnh ra, thì ta nhận ra rằng: Từ lâu nay, cuộc sống của mình bị vô minh tà kiến dẫn dắt đi “lầm đường”. Giờ này tỉnh ngộ, dõng dạc, đường hoàng thốt:

“Nghe chánh pháp của Như Lai về Đốn Giáo
Tiếc! Chưa được trừ tà kiến vụn nát như ngói tan !”