THI CA 39 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO TÂM PHÁP CĂN TRẦN

đạo ca chương 39

Phiên âm:

Tâm thị căn, pháp thị trần
Lưỡng chủng du như cảnh thượng ngân
Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện
Tâm pháp song vong tánh tức chân

Dịch nghĩa:

* Tâm chủ động, nảy sinh nhiều thọ tưởng
Gọi là CĂN, vì hay sinh chi mạt quả hoa
Pháp là sơn lâm, là đại địa giang hà
TRẦN là BỤI, vì chúng có thể làm nhiễm ô tâm tánh

* Căn TRẦN ấy, chỉ là thứ bụi mờ trên kính
Bụi lau rồi, thể gương sáng hiện ra
TÂM vốn KHÔNG, CẢNH vốn TỊCH tự bao giờ
Tâm vắng lặng, Cảnh trở thành CHÂN NHƯ thanh tịnh

TRỰC CHỈ

CĂN có sáu: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Đó là cơ quan để cho sáu thức tâm vương biểu hiện thông qua sáu căn ấy.

TÂM được biểu hiện qua sáu công dụng: Đó là tánh thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc và biết.

THỨC tâm Y căn mà biểu hiện. Căn là chỗ sở y của thức tâm, cho nên TÂM không ngoài sáu căn. Sáu căn không ngoài TÂM: TÂM là CĂN vậy.

PHÁP tóm chung có sáu dạng, đó là: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sáu món nầy đại biểu cho tất cả hiện tượng vạn hữu trước mắt ta. Tánh của chúng vốn không nhiễm ô, nhưng vì chúng mà sáu căn của con người có thể nhiễm ô cho nên gọi chúng là TRẦN.

TRẦN không ngoài các pháp, các pháp là những dữ kiện sanh ra TRẦN. PHÁP là TRẦN vậy.

CĂN và TRẦN vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả sanh khởi phiền não vô minh. Nguồn gốc của mọi nguyên nhân đau khổ. Nhưng truy nguyên, chúng chỉ là một thứ “huyển hư” không tự tánh. Đối với tâm tánh trong sáng, rỗng rang thanh tịnh của con người, chúng chỉ là thứ bụi bặm phủ trên thể gương sáng mà thôi. Bụi lau rồi thì thể sáng tự khắc hiện ra.

TÂM con người, theo giáo lý Phật, từ xưa đến nay thể của nó vốn trong sáng rỗng rang thanh tịnh. Cảnh bên ngoài, sắc, thanh, hương, vị, xúc…tánh của chúng vốn lặng lẽ và vô tình, nào có gây nguyên nhân đau khổ cho ai ! Hành giả hồi quang phản chiếu nhận lấy TÂM KHÔNG vốn có, nhận biết CẢNH TỊCH vốn vậy, hành giả sẽ viễn ly được vọng tâm đắm nhiễm sai lầm chân lý trong cuộc sống hằng ngày. Bấy giờ hành giả sẽ sống trong “chân tâm thường trú“, sống trong “thể tánh tịnh minh” cốn có của mình.

“TÂM PHÁP song vong tánh tức chân”

Và hành giả với tâm trạng an nhiên thanh thoát ngâm nga:

“..Căn TRẦN ấy, chỉ là thứ bụi mờ trên kính
Bụi lau rồi, thể gương sáng hiện ra
TÂM vốn KHÔNG, CẢNH vốn TỊCH tự bao giờ
Tâm vắng lặng, Cảnh trở thành CHÂN NHƯ thanh tịnh”