THI CA 36 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỀ TỰ TẠI BẤT TƯ NGHÌ

đạo ca 36

Phiên âm:

Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc
Đại thí môn trung vô ủng tắc
Hữu nhân vấn ngã giải hà tông
Báo đạo Ma ha Bát nhã lực
Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức
Thuận hành nghịch hành thiên mạc trắc

Dịch nghĩa:

* Khi im lặng, mấy kẻ biết: đó là đang nói
Lúc nói nhiều, có ai hiểu: Chẳng nói gì !
Đúng khi cần, sẽ nói mãi, nói tuôn thao
Không trở ngại, không hề vơi cạn ý

* Có người hỏi: Cho biết pháp môn tu chứng
Xin thưa rằng: Ma ha bát nhã là Tông
Việc làm ra, lúc như Thị lúc như Phi
Khi như thuận, lúc như nghịch, trời còn khó biết !

TRỰC CHỈ

Thiền sư im lặng nhiều, nói ít. Im lặng cả lúc đi, đứng, ngồi, nằm. Sự thật, thấy vậy mà không phải vậy. Thiền sư là người nói rất nhiều, nói nhiều hơn người thường có thể hàng vạn lần hơn. Bởi vì lục căn của một thiền sư rất bén nhạy trong việc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc…Vì vậy, Tâm ý của thiền sư là một cơ quan tiếp thu, phân tích, nhận thức và đánh giá vô số vấn đề bởi lục căn đưa vào. Thuật ngữ gọi đó là “tư duy”, “quán chiếu”. Cho nên im lặng, thật sự nói rất nhiều. Nói bằng DIỆU ÂM, QUÁN THẾ ÂM, nói bằng PHẠM ÂM, và HẢI TRIỀU ÂM.

Ngược lại, có lúc người ta thấy thiền sư nói nhiều, nói thoải mái, kể cả cười “kha khả” vang cả vườn rừng. Sự thật, trong thời điểm đó, Thiền sư chả nói gì. Chỉ vì muốn cho đẹp lòng mọi người mà nói, mà cười. Nói cười mà lòng thường chua xót, vì đã nói, đã chỉ bày cho chúng sanh những thứ không đáng giá, không đúng ý mà mình muốn tặng cho mọi người về chánh pháp của Như Lai.

Đó là nói rất nhiều, mà như không nói gì. Thành tựu, thâm nhập cái “lực” của Bát Nhã Ba La Mật, con người có “sức” trí tuệ vượt hơn và khác hẳn hơn với lối hiểu biết qua những khuôn sáo, nghi lễ, cố chấp tầm thường. Do vậy, người thường khó nhận thức đúng việc nói việc làm của người thể nhập “Ma ha Bát nhã”. Cái đúng của Thiền sư, người thường nhìn hành động của Thiền sư, có việc thấy đúng, có việc thấy như sai. Có khi thấy thuận, có lúc thấy trái…tại vì người thường chưa rời chấp.

Chấp về “tập tục”, chấp về “lễ nghi”, chấp về “danh ngôn”…Đúng với ý “chấp” của họ cho THỊ là THUẬN. Trái lại ý “chấp” của họ thì họ bảo PHI là NGHỊCH. Cho nên, Thiền sư phải là người:

“Hoặc THỊ hoặc PHI nhân bất thức
Thuận hành nghịch hành thiên mạc trắc”