THI CA 29 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CHẾ TÂM NHẤT XỨ VÔ SỰ BẤT BIỆN

đạo ca chương 29

Phiên âm:

Tổn pháp tài, diệt công đức
Mạc bất do tư tâm ý thức
Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm
Đốn nhập vô sinh tri kiến lực

Dịch nghĩa:

Công đức giảm, pháp tài sa sút mãi
Thảy đều do: Tâm Ý, Thức mà ra
Thế cho nên, Thiền Đạo đối với Tâm
Cần Trực Diện, un đúc sức Vô Sinh Tri Kiến

TRỰC CHỈ

TÂM tức là đệ bát thức, cũng gọi “A lại da”, là “Dị thục” hay “Nhất thiết chủng thức”. Nó là tổng thể, hàm chứa hết mọi thứ: cả SẮC, cả TÂM. Tên là ĐỆ BÁT THỨC TÂM VƯƠNG, nhưng nó còn có cái tên “Tàng”. Vì vậy, nó không phải chỉ có phần “tâm” mà nó còn tàng cả “sắc”.

Ý: ở đây chỉ cái công dụng chấp ngã tức là “đệ thất thức”. Ý là “tổn pháp tài”, “diệt công đức” thuộc hàng đầu.

THỨC: ở đây chỉ cho “tiền lục thức”, công dụng tiếp thu, xuất nhập “lục cảnh”: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Người đạo sĩ, chừng nào chưa chuyển thức thành trí, chưa làm chủ được bát thức tâm vương, chưa tăng tiến bồi dưỡng TRI KIẾN VÔ SINH thì hãy còn bị sự phân biệt, sự chấp nê, sự thị phi nhơn ngã tác động hoành hành. Do vậy, mà “tổn pháp tài” và “công đức” suy mòn dần mất hết. Và cũng do vậy, Thiền giả rất xem trong cái TÂM. Thiền giả chủ trương đối với TÂM phải trực diện với nó, phải nhìn thẳng vào mặt nó, và nhất cử nhất động của nó Thiền giả phải thấy hết, biết hết. Biết rõ từng nguyên nhân của ý nghĩ, biểu hiện lời nói và hành động: Đã khởi, đang khởi và sẽ khởi. Biết rõ cả hậu quả của nguyên nhân, dù còn trong ý niệm. Con người của mình, mình phải biết mình là ai. TÂM mình, mình phải “trực diện” với nó mọi nơi mọi lúc.

Thiền gia gọi đó là cách tu:

Trực chỉ nhân tâm”
và “Kiến tánh thành Phật”