THI CA 27 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CẢNH GIÁC VỀ Ý NIỆM CHẤP CỦA CHÍNH MÌNH

đạo ca chương 27

Phiên âm:

Hoát đạt không bát nhân quả
Mảng mảng đảng đảng chiêu ương họa
Khí hữu trước vô bệnh diệc nhiên
Hoàn như tỵ mịch nhi đầu hỏa

Dịch nghĩa:

* Kẻ thiển trí, chủ trương :RỖNG TUẾCH
Cõi đời KHÔNG, NHÂN, QUẢ cũng KHÔNG
Khù khờ thay ! Một hiểu biết đáng thương !
Rước tai họa cho bản thân mà không hay biết.

* Kẻ chấp CÓ bị khổ đau vì CÓ
Người chấp KHÔNG  sẽ đau khổ bởi KHÔNG
Tránh lửa thiêu, đâm đầu chạy nhảy sông
Khỏi chết nóng, chết lạnh cũng là một cách chết !

TRỰC CHỈ

Chữ CHẤP trong đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng. Chấp đồng nghĩa như chữ “cho là”. Sự vật tôi “cho là” CÓ hoặc tôi “cho” sự vật “là” KHÔNG. Cho là CHẤP CÓ. Cho là KHÔNGCHẤP KHÔNG. Cho là KHÔNG NHÂN QUẢCHẤP KHÔNG NHÂNKHÔNG QUẢ.

CHẤP thế gian là có, chấp thế gian là không, đồng nghĩa với “chấp thường”, “chấp đoạn”, không hợp với chánh pháp.

Cho vạn pháp thực có, con người sẽ bị sa lầy, vì đam mê vạn pháp. Vì vạn pháp mà tạo nghiệp mà chiêu báo. Cho vạn pháp là không, con người mất hết lý tưởng để sống. Và nếu sống cũng dễ mất hết lương tâm, lương tri, không biết vấn đề thiện ác là gì. Cho rằng không có nhân quả, cũng là hạng người rất đáng sợ, vì người ta không quan tâm, không lượng định việc làm và hậu quả của việc làm, nếu việc làm đó là ‘bất thiện nghiệp”.

Không CHẤP CÓ, vì chán ý niệm có, vì ý niệm CHẤP CÓ gây ra nhiều nguyên nhân đau khổ. Bấy giờ xoay lại nảy sanh ra ý niệm CHẤP KHÔNG.  CHẤP KHÔNG vẫn là một ý niệm chấp sai lầm chân lý. Dính líu vào ý niệm chấp có đã không đem lại an lạc hạnh phúc được.  Dính líu vào ý niệm không, làm sao có được sự an vui. Vả lại ở trên cõi đời làm sao phủ định vạn pháp, làm sao trốn chạy vạn pháp, khiến cho vạn pháp trở thành KHÔNG, cho được ?

Mà người học đạo phải hướng về “Thật tướng”, phải chứng cho được “Thật tướng” thì mới khỏi vướng hai bên.